ĐÈN LỒNG NHỮNG TRUNG THU MÙA CŨ

ĐÈN LỒNG, NHỮNG TRUNG THU MÙA CŨ

Bóng trăng trắng ngà

Có cây đa to

Có thằng Cuội già

Ôm một mối mơ

(Lê Thương, Thằng Cuội)

 

Không biết ông bà ta ngày xưa đón Trung Thu thế nào. Cỗ bàn ? Bánh nướng, bánh dẻo ? Trái cây các thức ?

Có hay không cũng được. Nhưng một thứ không thể thiếu: đèn lồng.

Đơn giản nhất là đèn ông sao, quả trám ở Việt Nam, (đèn “ông” sao rất phổ biến, chắc là đã có trăng nên phải có sao).  Cầu kỳ hơn thì đèn kéo quân. Trung hoa thích đèn hình tròn như trái bí, không phải bí ngô của Tây phương trong lễ hội Halloween. Nhật lại ưa đèn hình cá Koi, hay hình lục giác, như đèn đá.

Một cái Tết Trung thu năm nào, Ba chúng tôi thương các con không có đèn chơi Trung thu đã cặm cụi ngồi làm cho các con cái đèn lồng, dù ông không khéo tay cho lắm.

Tôi chỉ nhớ rất mơ hồ, nên không kể được chi tiết. Chỉ nhớ, tre vót làm khung, không sơn phết. Giấy phết là giấy bóng mờ, không phải giấy màu. Quân trẩy quanh đèn là gì, cũng không nhớ. Hình như là các con vật gì đó.

Nhưng đêm Trung thu năm ấy là một đêm huyền ảo. Thắp bấc lên, các hàng quân chạy quanh. Mấy cặp mắt tròn xoe, chăm chú. Không phải là đèn lồng đỏ treo cao cao. Là đèn lồng trên Thiên đình xuống. Nó thần tiên, nó như trong truyện cổ tích hiện ra. Trong mắt trẻ thơ nó là mộng ảo.

Chắc chắn là không có cỗ bàn. Chỉ là vài thức trái cây gì đó.

Hệt như chuyện ngày xưa. Hãy đọc thiên tùy bút của Phạm Đình Hổ (Vũ trung tùy bút) xem các cụ ngày xưa thưởng trăng:

“ĐÊM RẰM THÁNG TÁM

Dạy học ở Khánh Vân vừa được một năm, vào khoảng mùa thu năm Kỷ Mùi (1799), ta sắp sửa trở về kinh. Tối hôm rằm tháng tám, ta cùng với ông Tô nho sinh ở Khánh Vân, ông Hoàng nho sinh ở Đại Cái cùng họp nhau ở một quán trơ trọi trên gò làng. Chừng nửa đêm, có hai ba người tương tri từ làng Nhị Khê lại  chơi, cùng nhau pha chè uống ngồi bàn chuyện. Khi ấy trên Hà Hán quang mây, dưới bóng cây rợp đất, trông xa ra những làng xóm Dưỡng Hiền bên sông Nhuệ Giang, thấy có chỗ đốt pháo thăng thiên, lốm đốm như sao sa bay lưng chừng trời. Các anh em bạn trông lên cùng nhau cả cười, đến nay nghĩ lại tinh thần vẫn còn phảng phất.”

Chỉ tụ họp uống nước chè, trông pháo thăng thiên.

Cao nhã đấy chứ nhỉ. Hay các cụ đồ nho nghèo kiết, chỉ có thế thôi ? Phạm tiên sinh xuất thân quyền quý, không phải hàn nho. Hẳn các vị chỉ thích thế thôi.

Như Tào Tháo, trước trận Xích Bích, bày tiệc thưởng trăng. Nhưng thay vì chè, thì là rượu. Rượu Bồ đào, Phần tửu, Bách thảo mỹ tửu gì gì đó chẳng hạn. Rồi ngâm thơ vì tức cảnh sinh tình. Thơ rằng:

“Cuộc vui có được là mấy chốc?

Có khác chi hạt móc sáng ngày.

Nguồn sâu lai láng vơi đầy,

Giải phiền hoạ có rượu này làm vui!

 

Tràng áo xanh ngậm ngùi làm tớ.

Hươu ngoài đồng hớn hở gọi nhau.

Khách ta, ta đã gặp nhau,

Gảy đàn, thổi sáo ngó hầu thêm vui!

Trăng sáng tỏ, bùi ngùi trong dạ,

Nỗi lo này biết ngỏ cùng ai?

Chuyện trò kể lể xa xôi.

Nhớ người nghĩa cũ cười vui đề huề...

Quạ đêm trăng bay về nam hậu.

Lượn ba vòng biết đậu cành nao?

Nước càng sâu, núi càng cao.

Chu công trọng khách xôn xao kéo về...”

(Phan Kế Bính dịch)

Các thầy, các nhà quanh bàn rượu bàn rằng, vì Tào Tháo viết gở “quạ đêm trăng lượn ba vòng không có chỗ đậu”, nên Tào Tháo mới thua trận.

Đó là chuyện hạ hồi phân giải. Chỉ biết lúc ấy, trăng sao vằng vặc, gió mát hiu hiu, rượu ngon tê đầu lưỡi, thi hứng tràn ngọn bút. Còn nỗi vui nào bằng. Tào Tháo là nhất.

Đã thưởng thức bài thơ của Tào Tháo, lẽ nào bỏ qua một áng văn tuyệt tác, Tiền Xích Bích phú, của Tô Đông Pha:

“Ngoài rằm tháng bảy mùa thu năm Nhâm Tuất, Tô tử cùng với khách bơi thuyền chơi ở dưới núi Xích Bích. Hây hây gió mát, sóng lặng như tờ, cầm chén rượu lên mời khách, đọc bài thơ Minh Nguyệt và hát một chương Yểu Điệu. Một lát, trăng mọc lên trên núi Đông Sơn, đi lững thững trong khoảng hai sao ngưu, đẩu. Khi đó sương toả trên mặt sông, nước trong tiếp đến chân trời. Tha hồ cho một chiếc thuyền nhỏ đi đâu thì đi, vượt trên mặt nước mênh mông muôn khoảnh. Nhẹ nhàng như cưỡi gió đi trên không, mà không biết là đi đến đâu; hớn hở sung sướng như người quên đời đứng một mình mọc cánh mà bay lên tiên. Vì thế uống rượu vui lắm, rồi gõ vào mạn thuyền mà hát. Hát rằng:
“Thung thăng thuyền quế chèo lan,
Theo vừng trăng tỏ vượt làn nước trong.
Nhớ ai cánh cánh bên lòng,
Nhớ người quân tử ngóng trông bên trời”.

Trong bọn khách có một người thổi ống sáo, bèn theo bài ca của ta mà hoạ lại. Tiếng sáo não nùng rên rỉ như sầu như thảm, như khóc như than. Dư âm vẫn còn lanh lảnh, nhỏ tít như sợi tơ chưa dứt, làm cho con giao long ở dưới hang tối cũng phải múa mênh, người đàn bà thủ tiết ở một chiếc thuyền khác cũng phải sụt sùi.

Tô tử buồn rầu sắc mặt, thu vạt áo, ngồi ngay ngắn mà hỏi khách rằng:
- Làm sao lại có tiếng não nùng làm vậy?

Khách đáp rằng:
- Câu “Minh nguyệt tinh hi, ô thước nam phi” chẳng phải là câu thơ của Tào Mạnh Đức đó ư? Phía tây trông sang Hạ Khẩu, phía đông nhìn sang Vũ Xương sông núi uốn khúc vây nhau, cây cối xanh tươi um tùm; đó chẳng phải là nơi Tào Mạnh Đức bị khốn với Chu Lang ư? Đương khi Tào công phá đất Kinh Châu, xuống thành Giang Lăng, thuận dòng mà sang mặt đông, thuyền bè muôn dặm, cờ tán rợp trời, rót chén rượu đứng trên mặt sông, cầm ngang ngọn giáo ngâm câu thơ, đó thực là anh hùng một đời mà nay thì ở đâu? Huống chi tôi với bác đánh cá, kiếm củi ở bến sông này, kết bạn cùng tôm cá, chơi bời với hươu nai, bơi một chiếc thuyền nho nhỏ, nhắc chén rượu để mời nhau, gửi thân phù du ở trong trời đất, nhỏ nhặt như hạt thóc ở trong bể xanh, thương cho sự sống của ta không được bao lâu mà khen cho con sông này dài vô cùng. Vậy mà muốn được dắt tiên bay để vui chơi cho sung sướng, ôm lấy vừng trăng tỏ mà sống mãi ở đời. Tôi không làm sao được như vậy, nên nảy ra tiếng rầu rĩ ở trong cơn gió thoảng!

Tô tử nói:
- Vậy thế thì bác có biết nước và mặt trăng không? Nước chảy thế kia mà chưa từng đi bao giờ; mặt trăng khi tròn khi khuyết như vậy mà chưa thêm bớt bao giờ. Bởi vì ta tự ở nơi biến đổi mà xem ra thì cuộc trời đất cũng chỉ ở trong một cái chớp mắt; mà nếu tự ở nơi không biến đổi mà ra thì muôn vật cùng với ta, đều không bao giờ hết cả; cần gì phải khen đâu! Vả lại ở trong trời đất, vật nào có chủ ấy, nếu không phải là của ta thì dẫu một li ta cũng không lấy. Chỉ có ngọn gió mát ở trên sông cùng vầng trăng sáng ở trong núi, tai ta nghe nên tiếng, mắt ta trông nên vẻ, lấy không ai cấm, dùng không bao giờ hết, đó là kho vô tận của Tạo Hoá mà là cái vui chung của bác với tôi.

Khách nghe vậy, mừng và cười, rửa chén rót rượu uống một lần nữa. Khi đồ nhắm, hoa quả khan, mâm bát bỏ ngổn ngang, cùng nhau gối đầu ngủ ở trong khoang thuyền, không biết rằng vừng đông đã sáng bạch từ lúc nào.”

(Phan Kế Bính dịch)

Đêm thu thưởng trăng là cái thú vô hạn lạc hoan của các nhà nho xưa. Nhưng chớ tưởng chỉ có vui. Cái buồn của đêm thu cũng cũng vô hạn bi. Đọc bài Thu thanh phú của Âu Dương Tu sẽ thấy cái sầu của nhân loại và của thiên nhiên là bao la như nhau:

Âu Dương Tu đương đêm đọc sách, nghe thấy có một thứ tiếng từ tây nam lại, giợn mình lắng tai, nói: “Lạ thay! Mới đầu thì lào rào hiu hắt, rồi bỗng vun vút ầm ầm, như sóng réo ban đêm, gió như táp tới. Nó đụng vào vật gì nghe soảng soảng vang vang như sắt, vàng đều kêu; lại như tiếng quân lính tiến lên phía địch, ngặm tăm mà chạy mau, không nghe thấy hiệu lệnh, chi nghe tiếng đi của người và ngựa”.

Tôi bảo đồng tử: “Tiếng đó là tiếng gì vậy? Con ra coi xem!” Đồng tử đáp: “Trăng sao vằng vặc, sông Ngân hà ở trên trời, bốn phía không có tiếng người, chỉ có tiếng trong lùm cây phát ra”.

Tôi bảo: “Ôi, buồn thay! Tiếng đó là tiếng mùa thu đấy. Sao mà tới đây? Ôi, hình trạng mùa thu, sắc thì ảm đạm, khói toả ra, mây thu lại; vẻ mùa thu trong trẻo, vòm trời cao mà mặt trời sáng; khí mùa thu lạnh run, chích da nhói xương; ý mùa thu tiêu điều, núi sông tịch mịch. Cho nên tiếng mùa thu thê lương ghê rợn, hô hào phấn phát. Cỏ đương xanh um, tranh nhau tươi tốt; cây đương xum xuê khả ái; mà nó quất vào, chạm vào thì biến sắc, cây rụng lá. Sở dĩ cây cỏ tiêu điều linh lạc là do cái dư khí nghiêm khốc của mùa thu.

Mùa thu là dụng sự của hình quan, về thời tiết thì thu thuộc âm, nó lại tượng trưng cho việc binh, về ngũ hành thì thu là kim, vì vậy mà bảo nó là cái khí không lành của trời đất, thường lấy sự tàn sát nghiêm khốc làm chủ tâm. Trời đối với vật, mùa xuân thì nảy nở, mùa thu thì thành quả. Cho nên về âm nhạc, tiếng “thương” là thanh âm của phương tây, mà “di tắc” là âm luật của tháng bảy. “Thương” có ý là bi thương, vật đã già rồi bi thương; “di” có ý là giết, vật quá thịnh rồi thì phải suy bại mà chết.

Than ôi! Thảo mộc vô tình, có thời phải điêu linh; người là động vật, linh hơn tất cả; trăm nổi lo làm xúc động trong lòng, vạn việc đời làm lao khổ thân hình; hễ xúc động ở trong lòng thì tinh thần tất dao động; huống hồ còn nghĩ đến những cái quá sức lực của mình, lo những việc quá trí lực của mình, thế thì dong mạo hồng hào mà biến thành cây khô, tóc râu đen mướt mà hoá ra bạc phơ, là đáng lắm. Không phải là cái chất kim thạch, sao mà tranh tươi tốt với cỏ cây? Thử nghĩ ai làm tàn hại thân mình, chứ giận chi cái tiếng thu!

Đồng tử không đáp, gục đầu mà ngủ. Chi nghe bốn phía vách có tiếng trùng ri rỉ như góp thêm tiếng than thở với tôi.

(Nguyễn Hiến Lê dịch)

Đọc xong, như cảm được cái lạnh lẽo của thu, cái xám xịt của thu, cái ý u sầu và cái khí buốt giá của thu. Lại nghe được cả tiếng thu. Tài tình đến thế.

Có những bài phú làm người đọc tưởng chữ nghĩa như những viên ngọc quý. Bài Tiền Xích Bích phú và Thu thanh phú là một ví dụ.

Trung thu là ngày lễ, không phải tiết khí (rơi vào tiết Lập thu). Các nhà thì bảo lễ này còn gọi là Lễ Rước đèn hay Lễ trông trăng. Liên quan đến trăng có những chuyện Hằng Nga-Hậu Nghệ, chuyện Đường Minh Hoàng du nguyệt điện và chuyện chú Cuội của Việt Nam ta.

Phan Kế Bính, trong Việt Nam phong tục cho biết:

 "dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi...".

Đồ chơi trẻ em trong Tết trung thu là các thứ bồi bằng giấy như bươm bướm, bọ ngựa, voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá,....Trẻ em buổi tối đêm trung thu, dắt díu nhau kéo co, bắt cái hồ khoan, rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la.

Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên vào buổi tối khi trăng rằm vừa mới lên cao. Đồng thời trong ngày này, mọi người thường biếu cho ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác Bánh Trung Thu, hoa quả, trà và rượu. Người Trung Hoa thường tổ chức múa rồng vào dịp Trung Thu, còn người Việt múa sư tử hay múa lân. Con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà... Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống quân và treo đèn kéo quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba "thình, thùng, thình".

Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, những người lớn bày cỗ cho trẻ em để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cỗ mừng trung thu gồm bánh Trung Thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa.”

Phan Kế Bính cho biết thêm tục hát trống quân có từ thời vua Quang Trung, “nguyên khi ông kéo quân ra Bắc, quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà. Vua mới bày cách cho đôi bên giả làm trai gái, hát đối đáp với nhau cho đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm nhịp, nên gọi trống quân.”

Trẻ rước đèn chơi Trung thu, tranh thời Tống, thế kỷ 12

Các nhà khảo cổ thì cho rằng Trung thu đã được khắc hiện trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Có ai thấy thì chỉ dùm. Có nhà bảo rằng lễ hội mừng được mùa của cư dân văn minh lúa nước trùng với mùa trăng tháng tám nên về sau biến thành lễ hội trung thu. Nếu thế văn minh sông Hồng cũng có thể nhận bản quyền Tết Trung thu về mình.

Cho nên những ảnh chụp rõ nét về chị Hằng không khiến cho thiên hạ người tứ xứ quên đi hình bóng cũ. Đồn rằng vì chàng Trương Chi rỗ hoa nên Mị Nương tan giấc mơ vàng:

“Ðêm năm xưa tương tư người hò khoan

Ôm ấp bao mộng vàng

Cho tới khi gặp chàng

Thì đành tan vỡ câu chờ mong.”

(Khối tình Trương Chi - Phạm Duy)

Thế nhưng khi phi thuyền Apollo 11 lên cung Trăng thăm chị Hằng và tận mắt diện kiến dung nhan, thì có vẻ như nét rỗ hoa của nàng vẫn không khiến cho bao người thôi thương thầm nhớ trộm.

Ôi những mùa trăng năm cũ đã đi vào thương nhớ, đã đi vào xa xưa.

NTH

Trung thu, 2021

 

 

 

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết