Những Hồi Ức Về Trận Đại Bão Sao Băng Năm 1966
Joe Rao - Space.com
Tháng 11 năm 2011
Trận mưa sao băng Leonid sẽ đạt cực đại trong tuần này nhưng có lẽ cũng không có gì khác hơn mọi năm. Mặc dù vậy hàng năm vào tháng 11, những người theo dõi bầu trời vẫn hy vọng sẽ bắt gặp những hình ảnh tuyệt đẹp khi hằng hà sa số những vệt sao băng trút xuống từ bầu trời. Năm nay điều đó đã không xảy ra, nhưng nó lại là một thời điểm đặc biệt: ngày kỷ niệm 45 năm trận Đại Bão Sao Băng Leonid năm 1966.
Bốn mươi lăm năm trôi qua mà lòng tôi vẫn quặn đau.
Một trong những màn sao băng Leonid tuyệt vời nhất mà con người từng được chứng kiến đã diễn ra ở miền Trung và miền Tây Bắc Mỹ vào tháng 11 năm 1966.
Mưa sao băng Leonids xảy ra hàng năm vào khoảng ngày 18 tháng 11, khi Trái đất lướt qua một mãng bụi mãnh vỡ do sao chổi Tempel-Tuttle để lại, và những người ngắm sao lại bị cám dỗ bởi những cơn mưa vệt sáng nhỏ với hàng chục sao băng vút qua bầu trời cùng một lúc.
Tuy nhiên, cứ khoảng 33 năm một lần, một cơn bão Leonid hiếm hoi và chói lọi có thể xảy ra khi sao chổi Tempel-Tuttle lao đến gần mặt trời, kéo theo đó là mật độ dày đặc các hạt bụi thiên thạch, băng có kích thước không lớn hơn những hạt đậu. Vào lúc đó Trái đất xuyên thẳng qua đám mưa hạt đậu này và tạo ra một màn trình diễn sao băng hoành tráng và tuyệt đẹp.
Năm 1966 là một trong những năm đặc biệt như thế, và tôi đã bỏ lỡ nó!
Vào đêm thứ Tư, 18 tháng 11 của 45 năm trước, tôi đứng ở sân sau của tôi, khu Bronx, New York lầm bầm nguyền rủa ông trời. Ông nội tôi đứng ở bên cạnh tôi, chỉ lắc đầu lẩm bẩm hai chữ: "Tệ quá!"
Cho đến nữa đêm hôm ấy mây kéo đến mỗi lúc một nhiều phủ kín bầu trời bằng một lớp màng xám đen, làm mờ đi tầm nhìn của tôi về hướng chòm sao Leo. Mẹ tôi, chị tôi và bà ngoại, cũng như những người hàng xóm đã thất vọng bỏ đi ngủ từ lâu, chỉ còn lại ông nội và tôi nhìn lên bầu trời màu than chì. Không có đến một vì sao.
Sự phấn khích chờ đợi đã chuyển thành thất vọng.
Cuối tuần trước, chúng tôi đã đến thăm Cung thiên văn Hayden ở New York, nơi Tiến sĩ Fred C. Hess, một nhà thiên văn học, đồng thời cũng là một người rất giỏi ăn nói, đã thuyết phục chúng tôi phải chắc chắn nhìn lên bầu trời sau nửa đêm ngày thứ Tư vì - có khả năng – sẽ có một màn trình diễn ngoạn mục chưa từng của "sao băng".
Trong "vũ trụ giả định" bầu trời trên mái vòm của cung thiên văn, chúng tôi được thông báo rằng bầu trời sẽ quang đãng, và chúng tôi có thể nhìn thấy hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn sao băng mỗi giờ. Sau đó, chúng tôi được hướng dẫn sử dụng máy chiếu sao Zeiss nổi tiếng của Hayden để tái hiện lại cơn bão Leonid tuyệt đẹp năm 1833, nơi chỉ trong một đêm trên bầu trời Bắc Mỹ, ước tính có khoảng 250.000 sao băng từ trên trời đổ xuống.
Không cần phải nói, tôi không thể chờ đợi ngày thứ Tư tới; Tôi đã kết nối với Leonids.
Vào buổi chiều hôm đó sau khi đi học về, tôi làm tất cả bài tập, ăn tối sớm và sau đó, trước khi ngủ một vài giờ, xem các bản tin thời tiết trên TV địa phương. Tất cả đều hứa hẹn là trời quang đãng, chỉ có một ít mây. Một tin tốt đẹp cho những người đang háo hức chờ đợi như tôi.
Khi đồng hồ báo thức đổ chuông vào lúc nửa đêm, tôi thu dọn đồ đạc rồi cùng với ông nội, phấn khích chạy ra ngoài để đón xem màn trình diễn pháo hoa thiên thể đã được hứa hẹn.
Nhưng hình như trời không chìu lòng người . 1 giờ, 2 giờ rồi 3 giờ sáng... tôi chỉ nhìn thấy bầu trời đầy mây che phủ chứ không phải là những ánh sao băng như chờ đợi và thậm chí không có đến một ngôi sao. Mõi mòn vì chờ đợi, tôi rưng rưng nước mắt nói với ông tôi:
Ông ơi! Nhưng họ đã hứa rằng đêm nay trời sẽ chỉ có ít mây thôi mà?
Ông tôi buồn bã trả lời:
"Ông cho là bữa tiệc đã kết thúc cháu ạ!”
Đêm đó tại Công viên quốc gia Central Park, New York ước tính có khoảng 10.000 người thức canh sao băng đang cùng nhìn vào những đám mây che phủ bầu trời.
Dự báo sai lầm chăng?
Ông nội và tôi lê bước vào nhà, đi thẳng lên giường ngủ, nhưng tôi thì thao thức cả đêm, ước mong sao những đám mây đã không bao giờ đến.
Tôi lúc đó 10 tuổi và là lần đầu tiên tôi thức suốt đêm.
Tôi trở về phòng và mở radio lên theo dõi đài WNBC, nơi đang diễn ra chương trình trò chuyện thâu đêm do biên tập viên Long John Nebel tổ chức. Nebel vô cùng nổi tiếng, với hàng triệu thính giả thường xuyên theo dõi và trung thành một cách cuồng nhiệt với chương trình hàng đêm của anh, chủ yếu đề cập đến UFO và các hiện tượng dị thường.
Báo chí đã thông báo rằng vào đêm mưa sao băng Leonid, đài WNBC sẽ truyền thanh buổi nói chuyện trực tiếp giữa Nebel và Tiến sĩ Kenneth Franklin, nhà thiên văn học chính tại Cung thiên văn Hayden, New York, sẽ theo dõi mưa sao băng Leonids trên một chiếc máy bay. Franklin dự định trực tiếp truyền thanh về mưa sao băng Leonids cho khán giả đài phát thanh New York.
Nhưng, đã nhiều giờ trôi trong im lặng, có vẻ như ngay cả quan sát từ trên máy bay, Leonids cũng không có hoạt động nhiều.
Cuối cùng, khoảng 4 giờ sáng, Tiến sĩ Franklin thông báo rằng ông xin lỗi, và máy bay của ông đã quay trở sân bay La Guardia, New york và ông nói là đêm mưa sao băng đã kết thúc không như mong đợi.
Và tôi cũng vậy.
Trớ trêu thay, 1 giờ sau đó, cơn mưa pháo hoa bắt đầu! Nhưng ở một nơi khác!
Hàng trăm ngàn nhân chứng ở bờ Tây và trung Tây Hoa kỳ đã được chứng kiến màn trình diễn có một không hai này. Khởi đầu là hàng chục, rồi hàng trăm, rồi hàng nghìn sao băng xuất hiện.
Bắt đầu từ khoảng 5 giờ sáng theo giờ miền Đông, hoạt động của Leonid đột nhiên bắt đầu tăng lên. Dọc theo bờ biển phía Đông, bầu trời bình minh đang sáng dần lên và ngay khi bầu trời quang đãng chiếm ưu thế, người xem vẫn có thể nhìn thấy Leonids rơi xuống với tốc độ lên đến 6 sao băng mỗi phút.
Xa hơn về phía tây, nơi trời vẫn còn tối, mưa sao băng Leonids đang rơi với số lượng mỗi lúc một tăng được nhiều người mô tả là:
"Quá nhiều! không thể đếm xuể!"
Một nhà quan sát thiên văn ở phía bắc Mission, Texas, nói rằng các thiên thạch đổ xuống mọi hướng tạo cho ông ta ấn tượng như là một "chiếc ô khổng lồ", xuất hiện như "thác nước" trên đầu chòm sao Leo.
Có lẽ những cảnh tượng đẹp nhất xuất hiện ở California và Arizona. Tại Đài quan sát Table mount, gần Wrightwood, California, một nhà nước thiên văn ngoài và một đồng nghiệp nhận xét rằng:
"...chúng tôi đã được xem bắt đầu là những sao băng, biến thành một trận mưa sao băng và cuối cùng là một cơn bão thiên thạch, quá nhiều để có thể đếm được. Cao điểm vào 3:50 sáng theo giờ Thái Bình Dương, sao băng nhiều đến nỗi theo bản năng, chúng tôi đưa hai tay cố che chắn khuôn mặt đang nghếch lên bầu trời để bảo vệ khỏi các mảnh vỡ thiên thể tưởng tượng đâm vào!!!"
Từ Đỉnh núi Kitt cao 2.087m ở phía nam Arizona, 13 nhà thiên văn nghiệp dư đang cố gắng đoán xem có bao nhiêu sao băng có thể được nhìn thấy. Họ dùng thiết bị quét qua chúng trong một giây. Và đỉnh điểm xảy ra vào 4:54 sáng với mật độ đáng kinh ngạc: 40sao băng mỗi giây (144.000 cái mỗi giờ)!
trận bão sao băng tháng 11-1966
Chuyện gì đã xảy ra vào đêm hôm ấy?
Ngày nay, chúng ta biết rằng một mãng bụi khổng lồ các mãnh vụn từ sao chổi Tempel-Tuttle tuôn ra vào năm 1899 là nguyên nhân tạo ra cơn bão Leonid lớn năm 1966. Mãng bụi mãnh vỡ này đã tạo ra hai vòng quay xung quanh mặt trời trước đó và đã va chạm trực diện với Trái đất vào đêm đáng nhớ đó 45 năm trước.
Mãng lớn những mãnh vỡ từ sao chổi tuôn ra này trôi nỗi trong không gian không thể nhìn thấy cho đến khi va vào tầng khí quyển vì vậy các nhà du hành vũ trụ đã phải chơi trò cút bắt với chúng khi bay trong không gian mà không biết va vào chúng lúc nào.
Tình huống đã thay đổi. Ngày nay, với công nghệ máy tính, các nhà thiên văn có thể dễ dàng xác định vị trí của các vệt bụi Leonid từ quá khứ xa xôi hoặc xa trong tương lai. Và nhờ đó dự báo rằng Leonids sẽ định kỳ “tắm” hành tinh của chúng ta trong những cơn bão sao băng trong chu kỳ khoảng 33 năm, và lần tới vào năm 2034, Trái đất được dự báo sẽ di chuyển qua một số đám mây bụi do sao chổi Tempel-Tuttle đổ ra từ những năm 1699, 1767, 1866 và 1932. Các chuyên gia ước tính rằng nếu may mắn, chúng ta có thể thấy mưa sao băng Leonids rơi với mật độ hàng trăm sao băng mỗi giờ, và có thể trong một khoảng thời gian ngắn đạt tốc độ "bão" là 1.000 mỗi giờ.
Nhưng thật đáng buồn, vào năm 2028, Mộc tinh (Jupiter) dự kiến sẽ đẩy quỷ đạo của sao chổi Tempel-Tuttle ra khỏi đường đi hiện tại của nó, làm cho những dự đoán về các cơn bão sao băng nói trên sẽ không thể xảy ra ít nhất là đến đầu thế kỷ 22 .
Phỏng theo 'Shooting Star Reflections: The Great Leonid Meteor Storm of 1966 " của Joe Rao, đăng trên space.com ngày14 tháng 11 năm 2011
Joe Rao hiện là người hướng dẫn và đồng thời là giảng viên khách mời tại Cung thiên văn Hayden ở New York. Ông cũng viết về thiên văn học cho tạp chí The New York Times và một số tạp chí khác. Ông cũng là một nhà khí tượng học trên đài truyền hình News 12 Westchester, New York.
-
Men In Black - Những Người Đàn Ông Áo Đen< Trang trước
-
Sao Băng - Mưa Sao Băng Kỳ 2/2Trang sau >