CHIÊM TINH MUÔN NẺO

CHIÊM TINH MUÔN NẺO

Con người khi đã yên nơi ăn chốn ở, thì bắt đầu thắc mắc những chuyện chung quanh mình. Trước mắt thì chim muông động vật, vào rừng thì muôn hoa nghìn tía, trên trời thì, ôi thôi, cơ man nào là sao trời. Càng đếm càng mỏi miệng. Sao trên trời với cát dưới biển, thứ nào nhiều hơn.

Và càng nhìn lâu càng thấy lạ. Con người tự hỏi, sao trên trời có liên quan gì đến người dưới trần thế không.

Hỏi nghĩa là trả lời. Tìm không được thì gán ý nghĩa cho nó. Khó gì. Cái đó, về sau, các nhà khoa học, các vị bác học, và nhiều nhà nghiên cứu gọi là sáng tạo.

Thế là từ khoa THIÊN VĂN, tức là khoa ngắm sao trời tìm bí mật của vạn vật, con người chế ra khoa CHIÊM TINH, gán vận mạng con người vào một ngôi sao hay một chòm sao nào đó. Nhưng xem từ nguyên thì hình như ngược lại. Tức là từ Chiêm tinh mới có Thiên văn.

Từ nguyên: Astrology (tiếng Anh) gốc La tinh Astrologia, xuất phát từ gốc Hy Lạp “Astron” (sao, star) với đuôi “logia” (nghiên cứu sao, study of star). Astrologia (chiêm tinh) về sau chuyển nghĩa thành Astronomia (thiên văn).

Nên mới có một nhà văn Việt Nam viết: Tôi sinh ra dưới một vì sao xấu. Để than thở phận mình sao đen đủi quá. (Vũ Trọng Phụng, Giông tố).

Hay thơ mộng hơn, Alphonse Daudet, trong truyện ngắn Những Vì Sao, kể chuyện các vì sao trên trời mang linh hồn của thần tiên.

– Ồ, nhiều sao quá ! Thật là tuyệt vời ! Chưa bao giờ tôi thấy nhiều tinh tú như thế này. Mục đồng ơi, thế anh có biết tên của những vì sao không ?

 

– Biết chứ ạ, thưa cô chủ. Này nhé, ngay trên đầu chúng ta, kìa là Con đường của thánh Jacques (la Voie lactée) (3). Nó chạy thẳng một mạch từ nước Pháp sang nước Tây Ban Nha, do chính thánh Jacques de Galice (4) đã vạch ra để chỉ đường cho Charlemagne dũng cảm tiến quân đánh giặc Sarrasins (5). Xa hơn một chút nữa là Chiếc xe chở linh hồn (la Grande Ourse) với bốn trục xe sáng ngời. Ba ngôi sao đi phía trước là Ba con vật kéo xe (les Trois Bêtes), và ngôi sao nhỏ nhất ở sát ngay cạnh ngôi sao thứ ba là Người đánh xe (le Charretier). Cô có thấy chung quanh có một chùm sao rơi rụng như mưa sa không ? Đấy là những linh hồn mà Thượng Đế không muốn chúng ở cạnh Ngài… Rồi ở phía dưới một chút là sao Bừa cào (le Râteau), còn gọi là Ba Ông Vua (Orion). Đó là chiếc đồng hồ của mục đồng chúng tôi để biết được giờ giấc. Chỉ cần nhìn chúng là tôi biết bây giờ đã quá nửa đêm rồi. Phía dưới một chút nữa, vẫn theo hướng Nam, là ngôi sao Jean de Milan (6) sáng ngời, ngọn đuốc của các vì tinh tú (Sirius). Về ngôi sao đó, mục đồng chúng tôi thường kể chuyện như sau : Vào một đêm nọ, Jean de Milan cùng Ba Ông Vua và sao Rua (La Poussinière) (7) được mời đến dự lễ cưới của một ngôi sao bạn. Theo lời người ta kể, sao Rua vội vã đi trước, theo con đường ở phía trên. Cô nhìn xem kìa, ngôi sao ấy ở chỗ cao tít, tận cuối chân trời… Ba Ông Vua đi đường tắt phía dưới nên đuổi kịp. Riêng anh chàng Jean de Milan, vì lười biếng ngủ quên nên bị bỏ lại đằng sau; anh ta bực mình liền quăng ngay chiếc gậy để cản đường họ. Bởi thế nên người ta còn gọi chòm sao Ba Ông Vua là Chiếc gậy của Jean de Milan… Nhưng cô chủ ạ, ngôi sao đẹp nhất trong tất cả những vì sao lại là ngôi sao của chúng tôi, đó là sao Mục đồng (l’Étoile du Berger), nó soi đường cho chúng tôi lùa đàn súc vật ra bãi lúc bình minh và xua chúng về chuồng lúc hoàng hôn. Chúng tôi còn gọi ngôi sao ấy là Maguelonne, nàng Maguelonne xinh đẹp chạy theo chàng Pierre de Provence (Saturne) và cứ bảy năm một lần lại kết hôn với chàng.

– Thế vậy hả ? Lại có chuyện các vì sao cưới hỏi nhau nữa cơ à ?

 

– Có chứ ạ, thưa cô chủ.

 

(Alphonse Daudet, Les Étoiles, Trúc Huy dịch)

 

LỊCH SỬ CHIÊM TINH TÂY PHƯƠNG

 

Chiêm tinh cổ của người Babylon, khu vực Lưỡng Hà, có từ cách đây hơn 5.000 năm, là nền tảng cho chiêm tinh học Tây phương ngày nay. Giới khảo cổ đã tìm thấy nhiều tấm bảng chữ hình nêm niên đại khoảng 1700 TCN, liệt kê hơn 7.000 thiên thể trên bầu trời. Các tu sĩ ở Babylon tìm hiểu các vì sao để xác định ý muốn của các thần. Họ phân loại 18 chòm sao, rồi sau chỉ tập trung vào 12 chòm, trong số các ngôi sao cố định nhìn thấy ở phương Đông. Ngoài Mặt Trời và Mặt Trăng, họ liệt kê thêm 5 hành tinh nữa là Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Kim, Sao Thủy và Sao Hỏa. Sự di chuyển của Mặt Trời, Mặt Trăng và 5 vì sao qua các chòm sao trên bầu trời tượng trưng cho hoạt động của các vị thần, và cũng là thông điệp các thần gởi tới con người. Việc giải đoán các hiện tượng này là để tìm hiểu vận mệnh đất nước và đoán tuổi thọ của nhà vua. Người Babylon cho rằng có thể dùng nghi lễ để xoa dịu các thần và giảm nhẹ các hiện tượng tiêu cực.

Cách diễn giải là suy diễn từ các hiện tượng quá khứ: biến cố xảy ra khi có các hiện tượng thiên văn giống nhau. Chuyện này thì giống hệt phương Đông: Thiên tai, lũ lụt, động đất, hạn hán là lúc hôn quân tiếm quyền, hoạn quan làm loạn v.v…

Tính cách các thần, và sự tích các chòm sao cũng dùng để diễn giảng các hiện tượng trên bầu trời.

Những khái niệm căn bản của Babylon được phát triển dưới thời văn minh Hy Lạp khi Alexander đại đế chinh phục châu Á.

Nhà chiêm tinh nổi tiếng nhất Hy Lạp là Ptolemy. Tác phẩm Tetrabiblos của ông là sách giáo khoa cho các nhà chiêm tinh Ả rập và cả châu Âu cho đến thế kỷ 17, khi Copernicus phát hiện ra Trái Đất quay quanh Mặt Trời chứ không phải ngược lại.

Người La Mã kế thừa văn minh Hy Lạp cũng tin chiêm tinh sái cổ. Chiêm tinh gia La Mã nổi tiếng nhất là Firmicus. Hoàng đế Augustus Ceasar còn sử dụng chòm sao chủ mệnh của mình là chòm Ma kết in trên các đồng xu.

Khi phương Tây rơi vào thời Trung cổ đen tối thì người Ả rập nổi lên và họ vẫn bảo tồn di sản chiêm tinh của Ptolemy và Firmicus.

Dưới đây là tóm lược Dòng Thời gian của khoa chiêm tinh Tây phương.

30.000 – 10.000 TCN:

Gốc rễ của chiêm tinh bắt đầu ngay từ bình minh của văn minh nhân loại. Bản đồ các vì sao có trước bản đồ Trái Đất. Giới khảo cổ đã tìm thấy tranh tường trong hang, ngà voi ma mút và xương có khắc các pha của Mặt Trăng. Chuyện này sao mà giống câu tục ngữ của người Việt: việc người thì sáng, việc mình thì quáng. Chuyện trên trái đất thì không biết mà chuyện trên trời thì rõ lắm.

6.000 TCN:

Người Sumeria ở Lưỡng Hà ghi nhận sự chuyển động của các hành tinh và ngôi sao.

2.400 – 331 TCN:

Người Babylon hay người Chaldea, nối tiếp công trình của người Sumeria, họ sáng tạo ra hệ thống chiêm tinh đầu tiên. Chính họ sáng tạo ra Cung Hoàng đạo, còn dùng cho đến nay, khoảng 700 TCN. Bảng tử vi xưa nhất có từ 409 TCN.

331 TCN – Thế Kỷ V SCN

Alexander Đại đế chinh phục Babylon, và người Hy Lạp bắt đầu phát triển khoa chiêm tinh cùng với Y khoa, Địa lý, Toán và Triết học. Tên các hành tinh và các cung Hoàng đạo là sản phẩm của văn minh Hy Lạp. Năm 140, Ptolemy viết Tetrabiblos, tác phẩm viết về chiêm tinh danh tiếng nhất, trong đó ghi lại những kỹ thuật quan trọng nhất của khoa chiêm tinh như các hành tinh, các dấu hoàng đạo, các cung và hướng.

THẾ KỶ V SCN:

Đế quốc La mã sụp đổ và khoa chiêm tinh biến mất suốt 500 năm. Người Ả rập nghiên cứu và phát triển chiêm tinh từ người Hy Lạp.

THỜI TRUNG CỔ

Thời kỳ này chiêm tinh phát triển như một ngành của văn hóa. Toán học tiến bộ giúp cho chiêm tinh rõ ràng hơn, các biểu đồ trở nên tinh vi hơn. Nhiều trường đại học, gồm cả Cambridge (1225-50) có khoa chiêm tinh. Nhiều vị giáo hoàng cũng là nhà chiêm tinh. Nhà tu và giáo sư toán Placidus, lập ra hệ thống phân chia cung ngày nay còn áp dụng. Khi nhà thờ lên nắm quyền, chiêm tinh bắt đầu suy tàn, bị coi là dị đoan, tà giáo trong suốt thời có Toà án dị giáo. Ngay cả Galileo bị coi là dị giáo và phải từ bỏ niềm tin chiêm tinh để cứu mạng mình.

THẾ KỶ 17-18 THỜI LUẬN LÝ

Cuộc cải cách Tin lành từ giữa những năm 1500, càng đẩy nhanh chiêm tinh xuống vực. Các quán cà phê, khách thính (salon) chỉ nói đến luận lý, phân tích và đề cao cá nhân. Chiêm tinh chỉ là thú giải trí chứ không còn là khoa học, và các nhà chiêm tinh phải dùng bí danh.

THẾ KỶ 19

Anh quốc quan tâm đến linh hồn và sự thần bí đã tiếp thêm sinh lực cho khoa chiêm tinh. Tâm lý gia Carl Jung (1850-1961) đi tiên phong trong việc dùng chiêm tinh để phân tích tâm lý.

THẾ KỶ 20-21

Trong những năm 1920, báo và tạp chí bắt đầu đăng mục tử vi hàng ngày. Chỉ có 12 dự đoán cho cả nhân loại, nên thiên hạ chỉ xem để giải trí. Cuối thế kỷ 20, máy vi tính làm mọi việc trở nên nhanh hơn, dễ lập bảng biểu hơn, thay cho việc lập bằng tay, cho dù nhiều nhà chiêm tinh kỹ tính, vẫn thích làm như thế.

 

CHIÊM TINH VÀ THIÊN VĂN ĐÔNG PHƯƠNG

Nói Đông phương cho nó oai, chứ ai cũng biết Đông phương chỉ và gồm có mỗi một Trung hoa. Biết làm sao !

Thôi nhé. Vào đề ngay.

Người Trung hoa quan niệm rằng Thượng đế hay Trời có một cách thức đặc biệt để chỉ dạy cho chúng dân, cho vua chúa biết là làm đúng hay sai luật trời đất: đó là điềm trời. Cái này Tây phương kêu y hệt, astral omen. Vì thế Kinh Dịch mới viết: Thiên thủy tượng, thánh nhân tắc chi. Trời cho thấy điềm, tượng; thánh nhân theo đó mà bắt chước.

Với thiên văn thì tượng là: Nhật Nguyệt Tinh Thần Phong Vân Lôi Vũ (Nhật:Mặt Trời hay Thái Dương; Nguyệt:Mặt Trăng hay Thái Âm; Tinh: định tinh hay Thiếu Âm; Thần: hành tinh hay Thiếu Dương). Tượng xấu đẹp biểu hiện ở mây đẹp, khí xấu v.v…là ý của trời để biết cát hung hay vận suy vong của đất nước.

(Phong lạc hương giang tự

Vi ba lô thước khiếu xuân thu

Hưng vong sầu tế vũ

Chim kêu lạnh bến sông dài

Mưa thu nhỏ lệ, đền đài thịnh suy

Trịnh Công Sơn dịch)

Với quan niệm như vậy, Chiêm tinh và Thiên văn ở Trung hoa đồng nghĩa với nhau.

Thế là Đông Tây giống nhau. Con người ta ngắm sao để tìm bí mật cuộc đời. Nhân đó mới tiện thể tìm luôn bí mật của vũ trụ.

Tấn thư - thiên văn chí chép:

Đời Minh Đế, năm Thái Hòa nguyên niên (323), quan thái sử lệnh là Hứa Chí tâu rằng: «Sắp có nhật thực.» Xin được cùng với quan thái úy đi làm lễ nhương sao.

Vua phán: «Ta nghe rằng nếu chính trị của loài người mà không hẳn hoi, thời Trời lấy những điềm tai dị mà đe dọa để khuyến cáo. Khuyến cáo cốt để cho họ sửa mình. Cho nên nhật nguyệt che khuất lẫn nhau để tỏ rõ rằng phép cai trị có điều chẳng phải.

«Trẫm từ khi tức vị đến nay không làm rạng sáng được thánh đức của các bậc tiên đế, và cách thi nhân giáo hóa có điều không hợp với Hoàng Thần (Hoàng Thiên), vì thế nên Trời cao muốn thức tỉnh để trẫm sửa đổi lại nền hành chánh, tu tỉnh lại hạnh kiểm ngõ hầu báo đáp thần minh.

Trung Dung viết: «Quốc gia tương hưng tất hữu trinh, tường; quốc gia tương vong tất hữu yêu, nghiệt  (Khi nước sắp hưng thịnh, sẽ thấy những điềm lành; khi nước sắp nguy vong, sẽ thấy những điềm gở.)

Đời U Vương (781-770), một hôn quân đời Tây Chu say mê Bao Tự. Bè đảng Bao Tự do đó lộng hành làm cho lê dân cùng khốn. Trời đất liền cho thấy những điềm hung họa như muốn báo trước một sự suy vong.

Kinh Thi đã ghi chép trong bài thơ Thập nguyệt chi giao, thiên Tiểu nhã:

- Nhật thực vào ngày Tân Mão, mồng 1 tháng 10, năm thứ 6 đời U Vương (775).

- Sự lũng đoạn về chính trị xã hội do các gian thần thuộc phe Bao Tự gây ra.

- Những cảnh núi lửa, động đất, v.v.

Trong kinh Xuân Thu, đức Khổng Tử đã ghi chép tất cả:

- 36 lần nhật thực.

- 4 lần sao chổi hiện (năm 612, 524, 515, 482).

- Một lần vẫn thạch (năm 643).

Mỗi lần gặp những thiên biến như vậy, nhà vua cùng quần thần cùng bàn cãi với nhau xem họa hung sẽ ra sao. Xuân Thu chép:

«Mùa thu, tháng 7 (đời Văn Công thứ 14, tức 612 tcn) có sao chổi hiện ra ở chòm sao Bắc Đẩu.

«Nội sử nhà Châu là Thúc Phục đoán rằng: Trong vòng 7 năm nữa, các vua nước Tống, nước Tề, nước Tấn đều bị chết vì loạn lạc…

«Mỗi khi có nhật thực vua thường ăn bớt bát để tỏ lòng hối hận, lại sai vua chư hầu dâng lễ vật ở đền Xã để tỏ lòng tôn kính thần minh. Vua chư hầu đánh trống ở triều đình mình như muốn nhắc dân phải hết lòng phụng sự quốc quân.»

Đó cũng là dịp để vua chúa kiểm điểm lại hành vi của mình.

ĐIỀM TRỜI VIỆC NGƯỜI TƯƠNG ỨNG VỚI NHAU

Các triều đại Trung Hoa sau này thường cho rằng mỗi khi có điềm trời gì khác lạ, thì ở trần gian trước sau cũng sẽ có những chuyện tương ứng sẽ xảy ra.

Tư Mã Thiên đã ghi trong bộ Sử Ký của ông nơi sách Thiên quan như sau:

«Trong vòng 242 năm đời Xuân Thu có 36 lần nhật thực, 3 lần sao chổi hiện. Đời Tấn Tương Công có vẫn thạch rơi xuống như mưa.

«Thiên tử suy yếu, chư hầu cai trị bằng vũ lực. Ngũ bá thay nhau mà cầm quyền, lấy lệnh mình thay lệnh vua. Thế rồi, đông hiếp ít, lớn hiếp bé. Tần, Sở, Ngô, Việt tuy là di địch nhưng cũng xưng bá một phương.

«Năm thứ 15 đời Tần Thủy Hoàng, sao chổi xuất hiện 4 lần, lần lâu nhất là 80 ngày, dài suốt cả khung trời.

«Sau đó Tần hưng binh diệt 6 nước, thôn tính Trung Quốc, đuổi di địch bốn phương, người chết như rạ.

«Về sau, khi nước Sở dấy lên, trong vòng 30 năm, binh sĩ dày xéo lên nhau chết không biết cơ man nào mà kể. Từ thời Si Vưu đến lúc bấy giờ, chưa hề có như vậy bao giờ.

«Khi Hạng Võ cứu Cự Lộc, thì sao chổi Uổng Thỉ xẹt phía trời Tây. Phía Đông, chư hầu bèn hợp tung; phía Tây người ta giết dân Tần, và tàn sát dân chúng đất Hàm Dương.

«Khi nhà Hán hưng lên, có ngũ tinh liên châu (5 sao Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) thẳng hàng nhau nơi chòm sao Đông Tỉnh (năm thứ 7 đời Hán Cao Tổ, năm 200 tcn).

«Khi Hán Cao Tổ bị vây ở Bình Thành, trăng quầng 7 vòng ở chòm sao Sâm, Tất.

«Khi họ Lã phản loạn, có nhật thực và ngày trở nên hôn ám.

«Khi 7 nước phản loạn (trong đó có Ngô, Việt) thì sao chổi hiện ra dài mấy trượng và sao Thiên Cẩu (cũng là một loại sao chổi) xẹt qua không phận nước Lương. Sau đó binh cách xảy ra và trong vùng đó, người chết đầy dãy, máu chảy chan hòa.

«Những năm Nguyên Quang (134-129) và Nguyên Thú (122-117) đời Hán Vũ Đế sao chổi cờ Si Vưu lại xuất hiện hai lần, dài choán nửa vòm trời.

«Sau đó quân ở kinh sư xuất chinh 4 lần, giết Hung Nô trong vòng mấy chục năm, chinh phạt rợ Hồ còn khốc liệt hơn nữa.

«Khi nước Việt mất (111 tcn) sao Huỳnh Hoặc (Hỏa Tinh) đóng ở chòm sao Đẩu (sao Nam Đẩu là phân dã của Ngô- Việt). Khi Cao Ly bị diệt (108 tcn) có sao chổi hiện ra ở vùng Hà Giới (ở vào các chòm sao Nam Hà và Bắc Hà).

«Khi quân ta hạ nước Đại Uyển, sao chổi hiện ra nơi sao Chiêu Diêu.

«Đó là đại khái những hiện tượng chính, còn những hiện tượng nhỏ thì không sao kể xiết. Như vậy, mỗi khi có một hiện tượng lạ trên trời, là sẽ có một biến cố dưới đất ứng với.»

Tấn Thư- Thiên văn chí sau này cũng ghi các biến tượng trên trời song song với các biến cố dưới đất trong vòng khoảng 200 năm, từ năm 250 đến 450.

 

BẦU TRỜI LÀ ĐÀI QUAN SÁT HẠ GIỚI

Các vua chúa Trung Hoa xưa còn dùng bầu trời như là một đài quan sát để kiểm soát, để theo dõi tình hình các miền trong nước và phiên trấn.

Vì thế mới phân trời đất thành châu, thành dã; mỗi vùng trời lại ứng với vùng đất, rồi nhân các điềm trời xảy ra ở vùng trời nào thì biết được các biến cố sẽ xảy ra ở vùng đất nào.

 

THIÊN VĂN VÀ QUÂN SỰ

Đời xưa, phàm là tướng soái giỏi đều phải biết thiên văn.

Lưu Địch, vị quân sư tương lai của Tống Từ Vận, đêm nọ vào ngủ nhờ nơi miếu của Gia Cát Võ Hầu. Đến đêm, được Võ Hầu ứng mộng truyền cho ba quyển thiên thư. Võ Hầu bảo Lưu Địch: «Lưu Địch, ngươi hãy ngồi đó đặng ta truyền thụ cho ngưới ba cuốn thiên thư của ta, đã để nơi phía sau lưng của ta đây. Vậy ngươi phải cất lấy sách mà đọc thuộc, thì ngươi sẽ có kế định quốc an bang, lục thao tam lược. Đây này, cuốn thứ nhất nói về việc thiên văn, coi xét nhật, nguyệt, tinh, thần, phong, sương, lôi, vũ mà rõ biết thời vận thịnh suy. Cuốn thứ nhì thì coi về việc quá khứ vị lai, lành dữ thế nào và dạy vẽ việc hành binh bố trận. Cuốn thứ ba thì dạy việc địa lý, bày kiểu cách mai phục, lên núi xuống sông thế nào, và dạy thế đạp cang bộ đẩu mà phá trừ yêu thuật. Mấy lời ta dặn đó thì ngươi phải ghi tạc vào lòng, đặng có bảo phò chân chúa, giúp vận quốc gia.»

Truyện này chân giả khó lường, nhưng nó cho ta biết những điều kiện cần phải có của một vị nguyên nhung hay của một vị tham mưu trong quân lữ.

Muốn biết thiên văn quan trọng thế nào đối với vấn đề quân sự, ta hãy đọc đoạn Tam Quốc sau:

Tư Mã Ý đem 40 vạn quân đi đánh Thục. Khổng Minh sai hai tướng Vương Bình và Trương Ngục đem một nghìn quân ra ngả Trần Thương để chặn quân Ngụy.

Hai tướng nghe lệnh giật mình hỏi:

- Nghe tin báo: quân Ngụy kéo tới 40 vạn, nói phao lên là 80 vạn, thanh thế quá lớn như vậy, sao Thừa Tướng chỉ cho một ngàn quân đi giữ ải? Nếu quân Ngụy ào đến thì chúng tôi chống làm sao?

Khổng Minh giục:

- Thôi cứ đi đi. Ta cũng muốn cho nhiều, nhưng sợ quân sĩ thêm vất vả…

Hai tướng ngơ ngác nhìn nhau, không ai dám đi. Khổng Minh nói:

- Nếu sa sẩy chuyện gì thì không phải lỗi ở các người ! Thôi đừng nói nữa, lập tức đi cho mau !

Hai tướng càng sợ, mếu máo bẩm:

- Nếu Thừa Tướng muốn giết hai chúng tôi, xin hãy giết ngay đây. Chúng tôi thực không dám đi !

Khổng Minh bật cười rồi giảng giải rằng:

- Sao mà ngu đến thế ! Đã sai đi tức là ta đã có chủ kiến rồi chứ? Đêm qua ta đã xem thiên văn, thấy sao Tất đi xen vào thiên phận Thái Âm, ắt trời sẽ mưa dầm dề suốt tháng này. Thế thì quân Ngụy dù có 40 vạn cũng chẳng dám vào sâu nơi đường lầy núi hiểm. Cho nên ta chẳng đưa nhiều quân ra làm gì cho vất vả. Các ngươi nhất định không «bị hại» đâu ! Ta đem đại quân ra Hán Trung, cứ việc đóng lại một tháng nghỉ ngơi cho khỏe. Đợi Ngụy quân bị mưa dầm khốn khổ phải rút lui ta mới xua đại binh truy kích, thong thả đánh kẻ mệt mỏi, ắt 10 vạn quân ta thắng 40 vạn quân Ngụy !

Vương Bình, Trương Ngục vỡ lẽ mới hớn hở bái từ ra đi…

Mà quả thực Tư Mã Ý xem thiên văn biết sẽ có mưa dầm, nên truyền lệnh án binh bất động.

 

Đài Chu Công ở Dương Thành, xây khoảng 1276, trùng tu đời Minh

VÀI NHÀ TIÊN TRI LỪNG DANH KIM CỔ

Ông bà ta nói, Bói ra ma, quét nhà ra rác, để chế diễu chuyên bói toán. Thế nhưng trên đời cứ 10 người thì hết 9 tin thầy bói hay nhà chiêm tinh. Cứ hễ có chuyện xui rủi, là đổ hết cho số mệnh. Và số mệnh thì nằm trong tay thầy bói.

Vậy nên mới có chuyện, tử vi Đông Tây phương chỉ có 12 lá số chung cho cả thiên hạ, chừng vài tỉ con người. Mà thầy bói cứ sống hùng sống mạnh.

Thời Trung cổ, bên Pháp là vị y sĩ kiêm bốc sư Nostradamus, với tác phẩm lừng dang Les Propheties, Sấm ký. Cứ đâu chừng vài năm, thế giới có chuyện gì hay lạ, là báo chí lại đăng mấy câu trong cuốn sách này, rồi thì tha hồ mà bàn. Cùng là dịp để tăng doanh số.

Kể lại đây vài tiên tri của ông:

Một trong những người đầu tiên kinh hãi trước lời tiên tri của Nostradamus là hoàng đế Henry II của Pháp. Ông vua 46 tuổi khi thấy sức khỏe sa sút đã gọi Nostradamus vào cung để hỏi về số phận mình, và nhận được lời tiên đoán: “Có một ngày, đầu của bệ hạ sẽ bị đâm bởi một vật sắc nhọn và đó là nguyên nhân khiến người băng hà. Điều đó sẽ xảy đến trong 10 năm nữa".

 

Ông đã cảnh báo nhà vua nên tránh một cuộc đấu ngựa. Thế nhưng đến tháng 6/1559, phớt lờ những lời cảnh báo của Nostradamus, vua Henry II vẫn tham gia vào cuộc đấu với Bá tước Montgomery trong ngày cưới của cô em gái. Hai đối thủ cùng đeo chiếc khiên khắc nổi hình sư tử và Montgomery trẻ hơn Henry 6 tuổi. Trong khi chơi, một chiếc thương đã xuyên qua tấm khiên che mặt của nhà vua, đâm qua mắt và xiên vào thái dương. Vua Henry II từ trần ở tuổi 51 sau 10 ngày nằm trên giường bệnh.

 

Sự kiện đó đã được ghi trong cuốn “Những thế kỷ” của Nostradamus xuất bản trước đó một năm

 

Vận mệnh của một vị hoàng đế khác sống sau đó 2 thế kỷ cũng được Nostradamus đoán đúng là Napoleon - người bách chiến bách thắng nhưng thất bại ở Nga, rồi mất vương quyền: Những vần thơ của Nostradamus chỉ rõ: "Hoàng đế vĩ đại sẽ khởi đầu với một vị trí thấp kém/Và nhanh chóng trở nên lớn mạnh/Khi ông giành được quyền lực tối cao/Ông hoàng chiến bại bị lưu đày ở Elba/Sẽ trở về Marseilles qua vịnh Genoa/Nhưng không vượt qua được các thế lực ngoại bang/Tuy thoát chết nhưng vẫn phải đổ máu".

 

Dự đoán hoả hoạn ở London năm 1666, Nostradamus viết: "Máu của thần công lý sẽ bao phủ London/Thành phố sẽ cháy vào năm 66/Vị phu nhân mất địa vị tối cao/Và nhiều nơi bị hủy hoại".

 

Một vụ hoả hoạn lớn đã xảy ra tại thủ đô London của Anh năm 1666. Đây là một trong những lời tiên tri hiếm hoi của Nostradamus có ghi rõ năm. Ngay cả những người hoài nghi nhất cũng phải thừa nhận tính chính xác của lời tiên đoán này. Vụ hoả hoạn đã thiêu rụi 3/4 London.

Trước ông này chừng 500 năm, Trung hoa có ông Khổng Minh Gia Cát Lượng. Mà những chuyện thần kỳ về nhân vật này thì lại đăng trong thiên truyện Tam quốc chí, một trong Tứ tài tử thư, chứ không phải trong chính sử. Cho nên chuyện về ông là chuyện nghe qua rồi bỏ.

Đoạn trích dự đoán thời tiết sẽ mưa suốt một tháng, nên sai hai tướng Vương Bình, Trương Ngực đi trấn thung lũng Thương Sơn:

“Khổng Minh bật cười rồi giảng giải rằng:

- Sao mà ngu đến thế ! Đã sai đi tức là ta đã có chủ kiến rồi chứ? Đêm qua ta đã xem thiên văn, thấy sao Tất đi xen vào thiên phận Thái Âm, ắt trời sẽ mưa dầm dề suốt tháng này. Thế thì quân Ngụy dù có 40 vạn cũng chẳng dám vào sâu nơi đường lầy núi hiểm. Cho nên ta chẳng đưa nhiều quân ra làm gì cho vất vả. Các ngươi nhất định không «bị hại» đâu ! Ta đem đại quân ra Hán Trung, cứ việc đóng lại một tháng nghỉ ngơi cho khỏe. Đợi Ngụy quân bị mưa dầm khốn khổ phải rút lui ta mới xua đại binh truy kích, thong thả đánh kẻ mệt mỏi, ắt 10 vạn quân ta thắng 40 vạn quân Ngụy !”

Việt Nam ta chẳng kém gì. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi danh với Sấm Trạng Trình.

Sau đây là vài giai thoại về Trạng Trình:

Tối 30 Tết năm đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm đang ngồi đàm luận lý số với một người học trò ở xa đến bỗng ngoài cửa có tiếng gọi. Ông sai gia nhân ra bảo người đó hãy chờ một chút. Trong khi đó, ông và người học trò ngồi bấm quẻ để xem thử người gõ cửa có chuyện gì. Cả hai thầy trò đều bấm  vào quẻ “Thiết đoản mộc tràng”, nghĩa là “sắt ngắn gỗ dài”. Người học trò nói: “Thưa thầy, sắt ngắn gỗ dài, theo ý con, người này vào đây chắc hắn chỉ có mượn cái mai đào đất. Chứ ngoài ra không có cái gì nữa”. Nguyễn Bỉnh Khiêm cười: “Tôi lại đoán anh ta vào mượn cái búa”.

 

Quả nhiên người gõ cửa vào mượn cái búa thật! Anh học trò hỏi lý do thầy đoán đúng, Nguyễn Bỉnh Khiêm giải thích: “Như anh bấm quẻ cũng là giỏi nhưng mức đoán còn thấp. Anh nói sắt ngắn gỗ dài mà đoán vậy thử hỏi 30 Tết, người ta đến đây mượn mai để làm gì? Tôi đoán người ta đến mượn cái búa để bổ củi nấu bánh chưng. Bấm quẻ đã trúng, nhưng phán đoán phải có biến, linh hoạt mới tránh được sai lầm”. Người học trò nghe xong rất khâm phục.

Giai thoại: Số phận chiếc quạt giấy và cái gối

 

Cụ Trạng muốn thử xem lý số mà cụ học được có hiệu nghiệm không. Cụ làm hai khảo nghiệm sau đây:

 

* Cụ làm một chiếc quạt giấy. Làm xong, Cụ bói số mệnh của cây quạt giấy nầy thì được quẻ: "Nữ nhân phá hủy".

Cụ viết 4 chữ nầy lên quạt và treo quạt ở đầu giường.

Đến gần tới ngày giờ quẻ ứng, Cụ ngồi trên giường luôn luôn để mắt theo dõi quẻ ứng hiện như thế nào?

Chợt bên hàng xóm có người đến mời Cụ qua dự đám giỗ, nhưng Cụ bận theo dõi chiếc quạt nên chưa thể qua ngay được. Người hàng xóm đến mời nữa, và nói với Cụ Bà giục Cụ đi qua để trễ tiệc. Cụ Bà vào phòng hối Cụ đi mấy lần, nhưng Cụ vẫn lo theo dõi cái quạt nên chưa thể đi được. Cụ Bà bực tức thấy ông ngồi không mà chưa chịu đi, mắt lại nhìn cái quạt không rời. Cụ Bà liền giựt phăng cái quạt, xé đi, rồi nói:

- Quí báu gì cái quạt giấy nầy mà ông cứ nhìn nó hoài như mất thần, để người ta qua đây ba bốn phen mời mọc.

Cụ cười xòa vui vẻ và liền đi ngay qua đám giỗ.

Cụ nhận thấy lẽ nhiệm mầu trong khoa lý số đã thể hiện rất chính xác. Nhưng Cụ vẫn còn chút hồ nghi sự việc xảy ra có phải do ngẫu nhiên chăng? Do đó, Cụ làm thêm khảo nghiệm thứ nhì:

 

* Cụ làm một chiếc gối bằng gỗ để ở đầu giường. Cụ bói số mệnh chiếc gối thì được quẻ: "Thử đầu nhi phá".

Cụ rất ngạc nhiên vì gối kê ở đầu giường luôn luôn thì làm sao chuột phá hỏng được. Cụ ghi lên gối 4 chữ ấy rồi chờ thời gian xem kết quả. Tới ngày tháng đúng như trong quẻ đã định, có một ông bạn thân đến thăm Cụ và ngồi nói chuyện với Cụ trong phòng. Chợt có một con chuột thập thò ở gầm ghế, ông bạn quơ tay xua đuổi, con chuột không chạy đi, mà cứ ở đó nhìn ông lau láu như có ý chọc tức. Ông bạn nổi giận, thuận tay lấy ngay cái gối gỗ ném vào con chuột. Con chuột lanh chân chạy thoát, còn chiếc gối gỗ thì va vào gạch gãy ra làm nhiều mảnh.

 

Đọc những giai thoại về các vị tiên tri nghe ra còn thú vị và đáng tin hơn là sấm ký, sấm truyền, sấm vang, sấm động nữa.

Mà giai thoại thì ít, còn sấm động thì mùa mưa nào cũng nghe !

Tháng 8.2021

NTH

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết