DỐC BẮC SUM, HÙM CÁN TỶ, PHỈ ĐỒNG VĂN

DỐC BẮC SUM, HÙM CÁN TỶ, PHỈ ĐỒNG VĂN

 

Bản đồ cung đường Hạnh Phúc. Ảnh: Hiệp hội Du lịch Việt Nam

(Hạnh Phúc - con đường đi qua loạt thắng cảnh nổi tiếng Hà Giang (laodong.vn))

Một địa danh (dốc), một động vật chúa tể rừng thiêng (hùm), một nhân vật mà dân thường, giới thương buôn, quan lại ngán ngại nhất, không hề muốn chạm mặt nhất (thổ phỉ). Gom cùng trong một câu vè. Không biết cái gì, ai, mới là nhất. Hay cả ba bằng nhau.

Trước đó dân gian lại truyền tai nhau câu vè sau:

"Muỗi Bắc Sum, hùm Làng Đán, Đồng Văn bọ chó, gió Thiên Phùng"

Hay câu này:

“Ruồi vàng, bọ chó, gió Thèn Phùng”

Đó là những đặc sản của Hà Giang, trước khi có con đường Hạnh Phúc, hay là quốc lộ 4C, nối thành phố Hà Giang với Đồng Văn, Mèo Vạc. con đường làm bằng sức người, với những dụng cụ thô sơ nhất, đục, xà beng, choòng…, với mồ hôi, nước mắt và cả những hy sinh…

Bây giờ Hà Giang đã quá nổi tiếng với dốc Thẩm Mã; đèo Mã pí lèng với núi Cô Tiên, hẻm Tu Sản với dòng Nho Quế hay dinh chúa Mèo và phố cổ Đồng Văn…

Khi xe lên dốc Bắc Sum, anh hdv đọc cho câu vè: dốc Bắc Sum, hùm Cán Tỉ, thổ phỉ Đồng Văn.

Cầu tại điểm dừng ở chân dốc Bắc Sum, đây là cầu Bản Thang, xã Minh Tân _ trên sơ đồ, cầu này không được đánh dấu (còn cầu Gạc-đì_Garde ? _ một tên ngoại quốc, không rõ vì sao lại mang tên này, là cầu khởi đầu cho cung đường Hạnh Phúc)

Và, từ đây, nhìn thấy biển: CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN

 

Dốc Bắc Sum gồm trong nó 3 con dốc liên tiếp nhau, cách nhau từ vài chục km (từ Bắc Sum đến Thẩm Mã), hay chỉ vài cây số (Thẩm Mã đến Chín Khoanh)

Độ hiểm trở của đèo, dốc cao, cua tay áo, đến mức các hdv du lịch và cánh tài xế đặt cho cái tên “lẩu cua”. Ngồi trên xe không thể hình dung hết. Chỉ những khi xe tạm dừng, trên đỉnh những con dốc đã đi vào văn học dân gian, dốc Bắc Sum, dốc Thẩm Mã, dốc Chín Khoanh, mới thấy được vẻ hùng vĩ, cheo leo, hiểm trở, mà chỉ mục sở thị mới thấy trọn vẹn.

Bắc Sum, địa danh thuần túy.

Từ Bắc Sum đến Thẩm Mã

Thẩm Mã, nơi thẩm định, bài trắc nghiệm cho sức bền, độ dẻo dai và sức khoẻ của ngựa. Qua được thì làm phương tiện chuyên chở, không qua được thì dùng vào chuyện khác, thắng cố chẳng hạn.

Dốc Thẩm Mã

 

Trên đỉnh dốc Thẩm Mã

Nhìn về dãy Phục Mã !?

Chín Khoanh, cũng là địa danh theo con số khúc quanh của đoạn đường, chín khúc cua, vừa tay áo lẫn chữ U.

Dốc Chín Khoanh, ảnh internet

 

Hết DỐC thì đến HÙM

 

HÙM CÁN TỶ

Không có tài liệu nào ghi nhận hổ ở vùng Hà Giang, hay đặc biệt hơn, ở Cán Tỷ. Chỉ có vài câu chuyện bắt hổ của những thợ săn huyền thoại, nhưng không ở Hà Giang, Cán Tỷ mà ở các tỉnh lên cận như Cao Bằng, Bắc Kạn, Hoà Bình...

Đôi bẫy hổ của ông Nông Ích Đăm, Bản Gun, xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng).

(Chuyện bẫy hổ ly kỳ của "thần nghề" ở Cao Bằng | Báo Dân trí (dantri.com.vn)

 

Chắc chắn phải có hổ, thì mới thành danh Hùm Cán Tỷ. Có lẽ vị chúa sơn lâm này đã làm dân ở nơi gần mây trời hơn đá núi này thất điên bát đảo, hồn vía lên mây.

Nhưng ở đây, giờ này, chỉ còn thấy Tường thành Cán Tỷ. Đoạn tường xây bằng đá hộc, dày cả mét, cao 3m, và dài chừng 60m, nối từ bờ sông Miện (một phụ lưu của sông Lô) và vách núi đá. Giáp vách núi là hang động tự nhiên làm nơi trú ẩn và chứa vũ khí.

Do quân đội Pháp xây, đâu chừng cuối thế kỷ 19, để ngăn thổ phỉ, cướp bóc, luôn hoành hành dọc biên giới Hoa Việt.

Hơn trăm năm rồi, vẫn còn, hầu như nguyên vẹn.

 

Dọc quốc lộ 4C, trên đường đến Đồng Văn có cây cô đơn, nổi tiếng nhất và đẹp nhất Việt Nam. Đó là cây gỗ nghiến nghe nói là 250 năm tuổi. Điểm chụp hình của rất nhiều người. Mà bây giờ cái gì là lạ cũng thành nổi tiếng. Chứ cây cô đơn ở đây chưa hẳn đã đẹp bằng cây đa ở nhiều ngôi đình làng cổ nằm cô tịch đâu đó trong rừng sâu núi thẳm khắp Việt Nam.

 

 

Chẳng hạn, cây cô đơn này, đẹp nhưng không nổi tiếng vì đã là của thời xa vắng.

(Ảnh, Une campagne au Tonkin)

Xe chỉ chạy nhanh qua đây, không ngừng lại, và anh hdv cũng chỉ nói qua loa nên không biết đến thành Cán Tỷ và cây cô đơn.

Và hôm đi trên con đường đèo danh tiếng này, trời mưa nhẹ, đầy sương mù, nên xe cũng không dừng ở cổng trời Quản Bạ.

Đi qua khu rừng thông Yên Minh. Sáng không sớm, sương mù không quá dày. Trời lạnh, chừng 150, 160 . Tưởng đang đi qua Đà lạt.

Rừng thông Yên Minh. Trời đầy sương nên chỉ thấy hình bóng xa của dáng núi

 

TƯỜNG THÀNH CÁN TỶ

 

Thành Cán Tỷ.

(Nguồn: https://www.bienphong.com.vn/)

         Di tích lịch sử này bao gồm một bức tường phòng thủ dài khoảng 60 mét, cao 3 mét, một căn phòng dùng để phòng thủ hình tam giác và một pháo đài. Một đơn vị lính nhỏ đã từng sống ở đó, gồm cả lính Pháp và lính địa phương. Hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, hệ thống lô cốt và tường thành Cán Tỷ nhằm khống chế con đường chiến lược dọc theo hẻm vực Sông Miện, nối liền hai huyện Quản Bạ và Yên Minh. Ở vị trí đắc địa như thế, có thể nói, một người địch muôn người.

BQL Công viên địa chất

(Tường thành Cán Tỷ (dongvangeopark.com))

Tòa thành nằm ở một vị trí rất hiểm yếu, án ngữ hẻm vực sông Miện với con đường huyết mạch của khu vực biên giới Việt – Trung.

Tấm biển ở bên phải ghi, Thành luỹ Cán Tỷ

(Chùm ảnh: Khám phá thành cổ Cán Tỷ ở mảnh đất địa đầu Hà Giang - Redsvn.net)

 

Cuối con đường đèo dốc chập chùng, hiểm trở này là đèo Mã pí lèng huyền thoại. Mã pí lèng, nghĩa là sống mũi ngựa, hay một cách khác, là ngựa vượt qua đỉnh đèo này sẽ trụy thai mà chết.

Mã pí lèng và lạ thay, có vườn Thượng uyển kề bên

Đỉnh đèo Mã pí lèng huyền thoại

Hẻm Tu sản và sông Nho quế

Toàn cảnh đèo Mã pì lèng, hẻm Tu sản, sông Nho quế

Mã Pí Lèng (hay còn gọi là Mã Pì Lèng; Mã Pỉ Lèng), thì cũng đều mang nghĩa là “sống mũi ngựa”. Đây là con dốc hiểm trở vào loại bậc nhất ở vùng núi phía Bắc tuy chỉ dài 12km (có tài liệu ghi 20km). Cách đây 50 năm, chỉ bằng dụng cụ thô sơ, những người thợ, đúng hơn họ là TNXP, đã làm nên kỳ tích: mở đường đèo Mã Pí Lèng nối Đồng Văn với huyện Mèo Vạc, trong 2 năm 1963-65, sau khi đã xong tuyến đường chính Hà giang-Đồng văn, 1959-63.

Đường Hạnh Phúc dài gần 200km, là huyền thoại về sức trẻ của hàng nghìn thanh niên xung phong, dân công với hơn 2 triệu ngày công

(Những mối tình chớm nở ngày mở đường Hạnh Phúc (hagiang.gov.vn))

 

 

 

Công nhân đục choòng mở lỗ mìn phá đá ở Lũng Cẩm, Sà Phìn, Đồng Văn (1963). Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

(Con đường Hạnh Phúc – Con đường dẫn đến miền di sản Cao nguyên đá Đồng Văn | Văn hóa | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi (dantocmiennui.vn))

     

 

TNXP đục đá bằng tay, mở con đường Hạnh Phúc

“Theo lời kể, thi công ở Mã Pì Lèng là chỗ khó khăn nhất. Tại đây, những TNXP đội Cơ Dũng phải thay nhau, một người giữ và điều khiển dây ở trên, một người treo mình dùng tròng đục đá bằng tay, tạo ra khoảng trống để nhồi mìn tách những tảng đá lớn. Đặc thù làm việc nguy hiểm, sự sống lúc nào cũng “ngàn cân treo sợi tóc”.

Đó cũng là lý do trước mỗi ngày đi làm, những TNXP đều được truy điệu sống, được ăn no hơn, ngon hơn, sẵn sàng đối mặt với cái chết bất kỳ lúc nào. Ám ảnh hơn, Ban chỉ huy công trường khi ấy còn chuẩn bị sẵn 11 chiếc quan tài đặt cách nơi làm việc chừng hai cây số để chuẩn bị cho những sự ra đi đột ngột, Nhà báo Lê Đức Dục nói.

(Tái hiện kỳ tích “Cung đường Hạnh Phúc” (baogiaothong.vn)

 

THỔ PHỈ ĐỒNG VĂN

Không có tài liệu nào nói về Hùm Cán Tỷ. Và Thèn Phùng, hay Thượng Phùng, hay Thiên Phùng, là 1 trong 3 xã phía đông sông Nho Quế (huyện Mèo Vạc), nơi rốn gió của cả vùng cao nguyên đá, nơi mà ngay cả bụi chuối, bụi sắn cũng không kết quả nổi vì gió thốc suốt năm, suốt tháng. Vì thế mà thành câu vè “gió Thèn Phùng, bọ chó Đồng Văn”. Gió Thèn Phùng (hay Thiên Phùng) là thế.

Vậy “Phỉ Đồng Văn” từ đâu ra.

Có 2 sự kiện liên quan đến những biến động lớn trong một Đồng Văn tưởng như yên bình.

Tài liệu của Maurice Abadie, Trung tá bộ binh thuộc địa Pháp (Les Races du Haut Tonkin de Phong tho à Lang son), nói đến cuộc xâm chiếm đẫm máu của người Mông từ bên kia biên giới Trung hoa tràn qua Đồng Văn gây ra vụ thảm sát kinh hoàng cho dân bản xứ người Việt và một số sắc dân thiểu số khác. Vụ thảm sát còn in đậm trong tâm trí người Thái cho đến ngày nay.

Tài liệu thứ 2 là vụ các dân thiểu số Đồng Văn nổi loạn, vào năm 1959, với sự trợ giúp của tàn quân Tưởng giới Thạch, sau khi bị quân giải phóng Trung hoa đánh tan tác, đa số dạt về Đài loan, một số còn lại len lỏi vào khu vực Vân Nam, Lào, Miến Điện, Bắc Việt Nam, gây ra nhiều vụ cướp bóc. Đám tàn dư này hỗ trợ cho lực lượng nổi loạn ở Đồng Văn, lại mượn cớ có đại diện Ngô Đình Diệm đánh tiếng giúp sức, khiến chính quyền và Công An Hà giang phải vất vả suốt 2 năm trời. Đến 1960 mới dẹp tan được. Lực lượng nổi loạn này hình thành cái tên gây khiếp sợ: “Phỉ Đồng văn”

(xem loạt bài Công an tiểu phỉ ở Đồng Văn, Chuyện Công an tiễu phỉ ở Đồng Văn- kỳ 1,2,3 (danviet.vn))

 

 

HÀ GIANG THEO DÒNG LỊCH SỬ

Thời Hùng vương và An Dương vương, miền này gọi là Tây Vu, tên vẫn giữ suốt thời Trung hoa đô hộ nước ta.

Thời nhà Lý gọi là châu Bình Nguyên. Thời Trần đổi là châu, sau là trấn Tuyên Quang.

Tên Hà giang xuất hiện trên bài minh khắc ở chuông chùa Sùng  khánh, đời Lê Dụ tông, 1707.

 

 

Tên gọi cụ thể về địa danh Hà Giang được nhắc trên bài minh khắc trên chuông chùa Sùng Khánh, xã Đạo Đức, Vị Xuyên thời Lê, năm 1707

 

Đời Minh Mạng đổi là huyện Vị xuyên. Đời Thiệu trị chia Tuyên Quang thành 3 hạt, Hà giang, Bắc quang, Tuyên quang, đặt lại chức thổ quan như cũ (nghĩa là dùng thổ dân địa phương làm quan cai trị). Đến đời Tự Đức thì bỏ chức thổ quan.

Năm 1887, Pháp chiếm Hà giang. Đến 1891, chính thức thành lập tỉnh Hà giang, trực thuộc đạo quan binh thứ 2.

Từ sau 1974, Hà giang sát nhập với Tuyên quang thành tỉnh Hà Tuyên cho đến năm 1991, lại tách ra thành 2 tỉnh Hà giang , Tuyên quang cho đến nay.

Sau khi chiếm Hà Nội năm 1882, Pháp bắt đầu chiến dịch Bắc kỳ, từ 1883 lần lượt chiếm Bắc Ninh, Sơn Tây, 1884 là Tuyên Quang, Hưng hóa (nay là Phú Thọ, Vĩnh Phúc), 1885 chiếm Lạng sơn. Và đến 1887 chiếm Hà giang. Chiến dịch này, không phải đánh nhau với quân triều đình Huế, mà với quân Cờ đen, Cờ vàng. Nhưng chủ yếu là với quân Cờ đen. Trong đó trận đánh Sơn tây là lớn nhất, đẫm máu nhất, nhưng trận Tuyên Quang thiệt hại nặng nhất.

Khi Pháp chiếm Hà giang, hầu như quân Cờ đen đã tan rã. Sau hoà ước Thiên Tân ký giữa Pháp-Thanh (1885), Lưu Vĩnh Phúc dẫn quân rút về Trung hoa. Nhưng một số tàn quân ở lại, sẵn vũ khí, trở thành thảo khấu, cướp bóc, đốt phá xóm làng, là nỗi khiếp sợ cho dân lành ở hầu khắp các tỉnh miền cao Bắc kỳ. BS Hocquard cho biết, quân Cờ đen đã thực hiện nhiều vụ đẫm máu khiến một tỉnh giàu có như Quảng Yên (nay là Quảng Ninh) trở nên hoang tàn như sa mạc.

Quân cướp Trung hoa bị bắt (Une Campagne au Tonkin)

Quân Cờ đen (ảnh: Une campagne au Tonkin)

 

Giai đoạn cướp bóc hoành hành nhiều nhất là 1858-1885.

Ngoài bọn thảo khấu này, tham gia vào những băng cướp chính là tầng lớp nông dân, nạn nhân của chiến tranh, mà nạn mất mùa, thuế má đã đẩy họ vào con đường lục lâm, còn có một số lực lượng của thổ dân chống đối triều đình, các toán buôn lậu, mà hàng hóa là vũ khí, đạn dược và món hàng cực kỳ quan trọng khác, thuốc phiện. Chính nguồn lợi thuốc phiện là nguồn tài chính để chúa Mèo Vương chính Đức xây dựng nên Dinh Nhà Vương hay Dinh chúa Mèo nổi tiếng (1919-1928).

Nhà nước Pháp công khai cho buôn bán thuốc phiện, vì nó góp từ 25-42% ngân sách Đông Dương (theo: The Montagnards and the State in Northern Vietnam, 1802-1975, Jean Michaud)

Đồn binh Trung hoa (ảnh, Une Campagne au Tonkin)

(các thổ dân gồm người Mường ở lưu vực sông Đà, người Mèo ở Lào kai, người Thổ ở Lạng sơn. Người Thổ, sử gọi là Thổ-Mán, thường làm hướng đạo, nhất trong thế kỷ XI, cho quân Nam chiếu, tấn công quân Việt)

 

Dân số tỉnh Hà Giang theo thống kê năm 2021, là hơn 800.000 người. Người H’Mông chiếm đa số, hơn 32%; người Tày 23%, người Dao hơn 14%;  người Kinh chỉ hơn 12%. Cho nên, người Kinh là thiểu số trong tỉnh Hà giang.

Vì người H’Mông là đa số nên cũng phải biết qua nguồn gốc của họ

 

NGUỒN GỐC NGƯỜI H’MÔNG (MIÊU, MÈO)

Gốc gác địa dư của người Miêu (tiếng Anh viết “Miao”, tiếng Pháp viết “Méo”, Trung hoa gọi là Miêu, Miao và tên này là tên chính thức trong văn liệu quốc tế), hầu như chỉ dựa vào suy đoán, không có bằng chứng nào cụ thể. Có tác giả nói đến thần thoại của người Miêu rằng họ đến từ vùng đất tuyết nào đó tận phương Bắc. Vài sử sách từ thời đại huyền thoại của Trung hoa, nhà Hạ (2207-1766 TCN), nhà Chu (1121-256 TCN) nhắc đến những xung đột với một tộc Miêu (Miao) ở nơi nay là Quý Châu (Guizhou, Kweichow), trong triều Hán (140-87 TCN), triều Ngũ Đế (907-960). Rồi từ Miêu biến mất khỏi sử liệu trong nhiều thế kỷ. Được phục hồi dưới thời Tống (960-1279), được nhắc thường xuyên thời Minh (1368-1644). Đời Thanh (sau 1644), từ Miêu được dùng rộng rãi.

Nhưng thuật ngữ Miêu được dùng với nghĩa rất mù mờ, lẫn lộn về địa lý, gây khó khăn khi hình dung về nguồn gốc của họ.

Một lý do giải thích cho sự di dân của người Miêu từ Nam Trung hoa sang Lào, Thái lan và Bắc Việt Nam là họ tìm thấy ở đó đất đai thích hợp để trồng thuốc phiện bán cho Tây phương (Bồ đào nha, Anh, Pháp); và cả cây ngô, cây lương thực truyền thống của họ. Ngoài ra, nguồn lợi thuốc phiện cũng là nguyên nhân dẫn đến  việc chính quyền đàn áp, xung đột với người Lô lô, Dao và H’Mông, ở nam Trung hoa, là những nhà cung cấp chính nguồn thuốc phiện, khiến họ phải tìm đường đào thoát.

Những biến động chính trị ngay trong lòng Trung hoa cuối thế kỷ 19 cũng là một nguyên nhân khác.

(A Contribution to the Study of Hmong (Miao) Migrations and History, Christian Culas and Jean Michaud, 1997)

 

CÁC DÒNG HỌ LỚN Ở BIÊN GIỚI

Thế kỷ VI-XII, sử thời Đường Tống ghi chép có nhiều bộ lạc hay liên minh bộ lạc do một số dòng họ lớn cầm đầu xuất hiện ở cực đông Lưỡng Quảng, tỉnh Hải Ninh cũ và Lạng Sơn có họ Ninh, họ Vi. Xen kẽ có họ Hoàng, Chu, Nùng.

Cao Bằng và Quảng Tây có họ Nùng, họ Hoàng, họ Chu.

(Nguồn gốc lịch sử các tộc người vùng biên giới, Nguyễn Chí Buyên chủ biên

Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt)

Thế kỷ 8, họ Hoàng nổi dậy chống nhà Đường. Đến đầu Thế kỷ 11, họ Nùng nổi lên, lập nước Trường Sinh ở Cao Bằng nay. Năm 1041, Nùng Trí Cao, lập ra nước Đại Lịch, rồi liên kết các bộ tộc khác lập nước Thiên Nam, cai quản một vùng rộng lớn gồm Cao Bằng và một phần Quảng Tây. Nhưng vì yếu thế nên bị triều Lý, và Tống diệt. Cho đến nay, phần lớn người Tày Nùng ở Việt Bắc và người Choang (hay người Tráng) ở Quảng Tây vẫn tôn Nùng Trí Cao là anh hùng dân tộc. (Ở Cao Bằng hiện nay, có đền Khâu Sầm hay Kỳ Sầm thờ Nùng Trí Cao)

Người Miêu (H’Mông), từ thời Đường Tống vượt sông Trường Giang đến Tứ Xuyên, rồi đến miền giáp giới Tứ xuyên, Quý châu, Vân Nam. Từ các triều phong kiến Nguyên, Minh, Thanh, họ thường bị áp bức, nên thiên di sang Việt Nam làm nhiều đợt. (Lịch sử ghi nhận quân Thanh có nhiều trận đánh lớn với người Mông). Đợt đầu cách đây chừng 300 năm. Đợt 2, giữa thế kỷ 19. Và đợt 3 cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Họ cư trú chủ yếu ở Hà giang và Yên bái.

Ở địa đầu Tổ quốc, trên đất Đồng Văn (Hà Giang) tiêu biểu có cuộc khởi nghĩa của đồng bào H'mông do Sùng Mý Chẳng lãnh đạo, đánh Pháp hàng trăm trận lớn nhỏ trên con đường từ Yên Ninh lên Đồng Văn. Ở Tây Bắc,vùng Tà Phìn, Điện Biên, có cuộc khởi nghĩa của đồng bào H'mông do Giàng Tả Chạy lãnh đạo (1918- 1921), đã nêu một tấm gương vô cùng oanh liệt.

(Nguồn gốc lịch sử các tộc người… Nguyễn Chí Buyên, Hoàng Hoa Toàn, Lương Văn Bảo, tr. 224)

 

Cầu trên sông Lô, Hà giang_Les Races du Haut-Tonkin de Phong tho à Lang son

Một tài liệu của Pháp ghi nhận, người Mông (bản tiếng Pháp viết “Méo”), di dân từ nam Trung hoa sang Việt Nam làm nhiều đợt, trong hoà bình. Nhưng, vào đầu thế kỷ XIX, và trong những năm 1860, là những đợt xâm chiếm đẫm máu, nhất là ở vùng Đồng Văn.

Cuộc xâm lược thứ hai, năm 1860, ký ức vẫn còn sống động trong tâm trí của nhiều "người Thái", thậm chí còn lớn hơn trước, người Mông thọc sâu vào lãnh thổ An Nam từ Đồng Văn và Quản-Bạ đến tận Phú-Yên-Bình, sau khi đánh tan quân An Nam đã gieo rắc nỗi kinh hoàng bằng những hành động tàn bạo không sao kể xiết.

Cuộc xâm lược này đã bị quân triều đình đến từ vùng đồng bằng, có voi hỗ trợ  đã gây hoảng loạn hàng ngũ của người Mông, vẫn còn ẩn núp trên các vùng núi cao.

Nhưng họ cũng là những người siêng năng lao động, dù trên những vùng núi cao, khi hậu khắc nghiệt. Tính tình họ vui vẻ, độc lập, can đảm và rất kiêu hãnh. Thân thiện và tử tế với người lạ.

Người Mông không có văn học, nhưng họ biết kể chuyện, cầu nguyện và một vài bài hát mà họ hát với giọng đều đều và buồn bã. Họ ít trí tưởng tượng, ngây thơ và đôi khi tầm thường, vì họ chỉ biết ăn mừng khi được tồn tại, đó là những thú vui duy nhất của một sắc tộc khi mà số phận của họ còn thật khó khăn.

Ảnh trái: cánh đồng thuốc thiện của người Mông; phải: Đồng Văn và rừng thiêng_(Les Races du Haut-Tonkin, de Phong tho à Lang sơn, p.150. Maurice Abadie , Paris, 1924)

 

Xen giữa 2 đợt biến động dẫn đến loạn thổ phỉ như đã nói trên, tình hình an ninh ở các tỉnh biên giới sau khi Pháp chiếm Bắc kỳ, nhất là giai đoạn từ 1891-1902, cũng góp phần làm dân tình càng thêm khiếp đảm khi nghe đến thổ phỉ.

Sau khi chiếm xong Bắc kỳ, để ổn định tình hình và dễ trấn áp những vụ nổi dậy của nghĩa quân lẫn cướp bóc của các toán thổ phỉ, Pháp thành lập 4 đạo quan binh, giao cho các sĩ quan quân đội chỉ huy, trong đó:

Đội quan binh số II, Lạng Sơn phụ trách các tỉnh biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang.

Trong 2 năm 1891-92, Pháp tung ra nhiều chiến dịch tiễu trừ thổ phỉ (pirates) và các băng đảng (bandes), trên khắp các đạo quan binh.

Chỉ tạm kể một số băng đảng ở vài vùng biên giới như,

Cao Bằng: Mạc Quốc Anh, Đặng Á Hợp, Lương Tam Kỳ

Hà Giang: mạnh nhất là băng Lương Tam Kỳ, A Cốc Thương. Hung dữ như Lương Tam Kỳ tuyên bố cắt cổ những ai theo Pháp. A Cốc Thương yêu cầu bãi bỏ các đồn binh và miễn thuế 3 năm cho nhiều vùng rộng lớn, có lực lượng lên đến 1.200 người.

Đường từ Quảng Uyên đến Cao Bằng, nhìn từ Đèo Mã Phục (đèo này nằm trong tỉnh Cao Bằng, không phải là dốc Thẩm Mã trong tỉnh Hà Giang. Giữa con đường đèo, có 2 khối đá chầu vào nhau như 2 con ngựa quỳ xuống nên gọi Mã Phục)

Đường từ Cao Bằng đến Nguyên Bình. Địa hình đồi dốc hiểm trở, là địa bàn hoạt động cho rất nhiều toán cướp.

Quân Pháp hành quân đến Lạng Sơn, 1885

(Black Flags in Vietnam, Henry McAleavy, 1968)

 

Năm 1892, Pháp phải thừa nhận Hà Giang gần như hoàn toàn nằm trong tay thổ phỉ. Vòng cung Hà Giang gắn liền với sự kiện tháng 2.1893, khi tri huyện Vị xuyên hợp tác với thổ phỉ. Băng Hoàng Cầu xuất hiện làm lực lượng phỉ càng thêm đông đảo. Cuối giai đoạn này, khi băng Hoàng Cầu kéo đi, tình hình mới tương đối yên tĩnh.

Đầu tháng 3.1893, băng đảng Lê Chí Tuấn, từ phía bắc Hà Giang, vùng Lúng Mần, ký thỏa ước ngưng bắn, xin canh tác đất. Đến tháng 6, băng này tiếp tục giao nộp vũ khí đổi lấy gạo.

 

Giai đoạn 1893-94:

Vòng cung Tuyên Quang-Hà Giang: có các băng Lương Tam Kỳ, A Cốc Thương, Cao Tài Lợi. Đầu tháng 1.1894, thêm băng Nguyễn Triệu Trọng hoạt động ở huyện Tụ Long.

Băng cướp hoạt động dọc biên giới nhiều không kể xiết. Nhỏ thì vài chục, đông thì lên tới vài trăm. Có băng lên đến cả ngàn tay súng.

Giai đoạn 1894-95: vùng quan binh thứ 2 (Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang) gồm 2 thời kỳ: thiết lập hàng rào ngăn chận thổ phỉ vùng biên giới (Đây có thể là thời gian lập tường thành Cán Tỷ ?). Và mở rộng ảnh hưởng về phía tây.

Giai đoạn 1895-96: vùng quan binh thứ 2 khá yên tĩnh.

Từ 1896-1899: vùng Lạng sơn chỉ có một băng cướp nhỏ (chừng 20 tay súng). Riêng năm 1899, không có có vụ cướp bóc nào.

Đến 1901, các chiến dịch lại mở ra dọc biên giới nhằm tiểu phỉ, từ Lạng Sơn đến Hà Giang, nhất là vùng Bảo Lạc (thuộc Cao Bằng) và Đồng Văn (thuộc Hà Giang). Nguyên nhân vì tình hình rối ren ở Trung hoa làm nẩy sinh nhiều toán cướp, bọn này xâm nhập qua biên giới quấy phá suốt dải biên thùy.

Năm 1902 là năm yên tĩnh dọc biên giới Việt-Hoa, chỉ có vài vụ cướp nhỏ. Sao đó, tình hình ổn định dần.

(Theo Histoire militaire de l’Indochine Francaise des debuts à nos jours Juillet 1930, Tome II, Hanoi, Pierre Pasquier chủ biên)

 

Loạn lạc và nạn cướp bóc suốt hơn 10 năm cuối thế kỷ 19 cũng làm phát sinh từ “Thổ Phỉ”. Nhất là vùng Đồng Văn, khu vực trồng thuốc phiện chính, nguồn lợi cho thổ phỉ hoành hành.

 

Rồi chỉ dốc Bắc Sum còn lại, tất cả những hùm Cán Tỷ, phỉ Đồng Văn đã biến mất, như thể chúng trong quá khứ, từng là những giấc mơ.

 

Tháng 4.2023

NTH

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết