Làm Thế Nào Chụp Ảnh Các Vì Sao Phần 1

Làm Thế Nào Chụp Ảnh Các Vì Sao

Phần 1

Hiện nay ở Việt Nam, phong trào đi “phược” rất phổ biến, một chiếc xe gắn máy với chiếc ba lô trang bị những vật dụng cần thiết tối thiểu ít quần áo, lều ngủ, vật dụng cá nhân... để có thể ngủ ở bất cứ một trạm dừng chân thiên nhiên, hoang dã, Và dĩ nhiên là không thể thiếu một chiếc máy ảnh; có thể là một chiếc điện thoại thông minh, một chiếc máy ảnh đa năng nhỏ gọn (compact digital cameras), hay chuyên nghiệp hơn là một chiếc máy ảnh có ống kính rời (DSRL cameras) để ghi lại những cảnh quan đẹp trên đường thiên lý, ghi lại những ký ức, dấu chân những nơi đã đi qua. Kho ảnh của bạn chắc chắn không thiếu núi sông, nhà cửa, thôn xóm, làng mạc... Tuy nhiên có lẽ có không nhiều những tấm ảnh của bầu trời đêm ở những nơi mà ánh sáng từ những ngọn đèn thành thị không vươn tới. Nơi đó, đêm đến ngước nhìn trời đầy ắp những ngôi sao, và thậm chí có thể nhìn thấy dãi Ngân hà vắt ngang bầu trời. Và, bạn đã bao giờ muốn chụp một bức ảnh đẹp về bầu trời đêm đầy sao chưa? Hãy đọc những hướng dẫn dưới đây, để thử chụp vài tấm ảnh các vì sao bằng chiếc máy ảnh bạn đang có trong tay. Chắc chắn rằng bạn sẽ rất ngạc nhiên!

 

     

Nguồn: Pete Lawrence. 12/3/2021

Để bắt đầu tốt nhất cho việc chụp một tấm ảnh thiên văn là chụp cảnh ban đêm - ảnh toàn cảnh, thị trường rộng của các ngôi sao sáng với vị trí mặt trăng nằm gần trên đường chân trời.

Cảnh đêm đặc biệt tuyệt vời khi ống kính máy ảnh quét qua các ngôi sao tạo nên Thiên hà của chúng ta, Dải Ngân hà, chiếm vị trí trung tâm. Các chòm sao cũng tạo nên những chủ thể tuyệt vời trong ảnh toàn cảnh.

Tấm ảnh thiên văn đầy sao của bạn cũng có thể cho thấy chuyển động của Trái đất bằng cách chụp các vệt sao trượt (khi trái đất chuyển động) và theo dõi vị trí thay đổi của các hành tinh theo thời gian mà trái đất chuyển động.

Trong bài này bạn sẽ tìm thấy những thiết bị cần thiết, cách cài đặt và một số kỹ thuật cần có để chụp ảnh các vì sao và có được những tấm ảnh thiên văn đẹp.

 

Chòm sao Đại hùng tinh nằm phía trên những ngọn núi ở Lofoten, được Alex Conu chụp bằng máy ảnh DSLR Canon EOS 5D Mark III và ống kính Canon EF 17-40 f/4

Thiết Bị Để Chụp Ảnh Các Vì Sao.

Nhiều người trong chúng ta sử dụng máy ảnh nhỏ gọn hoặc điện thoại thông minh để chụp ảnh hàng ngày, vậy tại sao không bật chúng lên bầu trời đêm?

Chiếc điện thoại thông minh mà bạn sử dụng hàng ngày có thể được sử dụng để chụp bầu trời đêm. Có khá nhiều các ứng dụng chụp ảnh đêm giúp bạn sử dụng chiếc điện thoại thông minh để chụp ảnh trong điều kiện thiếu ánh sáng và thậm chí với sự hổ trợ của các ứng dụng chụp ảnh cho phép bạn chụp với chế độ điều khiển bằng tay (Manual models) để giúp bạn tận dụng tối đa loại hình chụp ảnh này.

Mặt khác, những máy ảnh kỷ thuật số nhỏ gọn (compact digital cameras) ngày nay cho phép chụp ảnh rất tốt trong điều kiện ánh sáng yếu và một số thậm chí còn khả năng điểu chỉnh và cài đặt chế độ điều khiển thủ công, cho phép bạn kiểm soát toàn bộ các chức năng của máy ảnh và giúp cải thiện chất lượng hình ảnh.

Một ví dụ, chiếc compact Canon PowerShot G1 X Mk III. Nó cho phép bạn giữ màn trập của máy ảnh mở tới 30 giây và cảm biến 24.2 megapixel của nó cho phép cài đặt chế độ nhạy sáng ISO lên đến 25.600.

Nhiều máy ảnh nhỏ gọn của Nikon và Fuji có chế độ cài đặt chụp chân dung ban đêm, phong cảnh ban đêm và pháo hoa. Những tính năng này có thể được sử dụng để chụp cảnh các vì sao ban đêm. Các cài đặt này tuy cho phép bạn chụp nhiều đối tượng, nhưng các máy ảnh compact này có một nhược điểm chung là chúng không cho nhiều ánh sáng đến chip cảm biến (sensor) hình ảnh như các ống kính máy ảnh DSLR và chúng chỉ có một ống kính cố định, không thể hoán đổi.

Máy ảnh DSLR có cảm biến (sensor) hình ảnh lớn, phạm vi cài đặt rộng, cung cấp khả năng điều khiển hoàn toàn bằng tay và đặc biệt là ống kính có thể hoán đổi vì vậy bạn có thể hoán đổi sang một thấu kính mạnh hơn để chụp các vật thể sáng trên bầu trời sâu, chẳng hạn như cụm sao Tua Rua hayThất Nữ (Pleiades) trong chòm sao Kim Ngưu (Taurus) hoặc tinh vân Nebula trong chòm sao Lạp Hộ (Orion). Vì hết hầu hết những người chụp ảnh có kinh nghiệm luôn luôn trang bị một chiếc máy ảnh DSRL trong kho vũ khí của mình.

 

Tua Rua hay Thất Nữ là một cụm sao mở tuyệt đẹp để chụp ảnh. Nguồn: Tommy Nawratil / CCDGuide.com

 

Các chip chụp ảnh DSLR ngày nay có dải điều chỉnh nhạy sáng ISO rất rộng, cho phép ghi lại ánh sáng mờ từ nhiều ngôi sao khác để có kết quả rất tuyệt.

Nhiều máy ảnh DSLR cũng có tùy chọn để chỉnh tốc độ màn trập (shutter speed) - độ phơi sáng (exposure) - tăng dần lên đến 30 giây. Kế đó, chúng có chế độ Bulb, hoặc ‘B’, cài đặt này cho phép giữ cửa màn trập mở cho đến khi bạn muốn thả nút bấm để có độ phơi sáng lâu theo ý bạn muốn – một cài đặt tuyệt vời để chụp các vệt sao trượt (star trails).

 

Các vệt sao trượt (star trails) cho thấy chuyển động rõ ràng của các ngôi sao trên bầu trời đêm và tạo nên một ảnh thiên văn ấn tượng. Nguồn: iStock

Các máy ảnh DSLR của Canon và Nikon nổi bật với những tính năng độc đáo cho các nhà chụp ảnh thiên văn.

Các mẫu máy ảnh Canon EOS 4000D, 1300D, 750D và 200D, Nikon D5600, D610 và D3500 cũng như Sony a68 đều là những chiếc DSLR cơ bản tốt để chụp ảnh thiên văn.

Điều cần lưu ý là cảm biến (sensors) DSLR có hai kích thước:  loại 1 định dạng nhỏ hơn được gọi là APS-C (được sử dụng trong các máy ảnh nói trên ngoại trừ D610) và loại thứ 2 lớn hơn ”full frame”, tương đương với định dạng phim 35mm cũ.

Để chụp những bức ảnh đẹp về cảnh đêm của các vì sao, bạn cũng cần một thiết bị khác: chân máy (tripod). Chân máy sẽ giúp bạn giữ máy ảnh ổn định để chụp phơi sáng lâu mà không có bất kỳ rung động nào ảnh hưởng đến hình ảnh.

 

Gắn chiếc máy ảnh của bạn vào một giá ba chân sẽ giúp loại bỏ hiện tượng rung làm nhòe hình ảnh của bạn.

 

Phơi sáng lâu hơn 1/30 giây sẽ xuất hiện hiện tượng rung máy và bắt đầu mất độ sắc nét - hầu như không thể giữ ổn định máy ảnh bằng tay trong thời gian dài.

Nên chọn một giá ba chân chắc chắn dù chúng khá đắt, vì giá ba chân yếu, nhẹ có thể bị rung lên trong gió và sẽ làm hỏng tấm ảnh sao đêm mà bạn tốn công cài đặt. (Các thương hiệu có thể xem gồm: SLIK, Manfrotto và Gitzoc)

Ngay cả khi máy ảnh của bạn được gắn trên một giá ba chân chắc chắn, chỉ cần nhấn nút nhả cửa trập là đủ để làm rung chuyển toàn bộ thiết lập và làm cho hình ảnh của bạn bị mờ, vì vậy bạn cũng sẽ cần một thiết bị điều khiển từ xa (remote shutter release).

Những thiết bị này, dù là cơ học hoặc kỹ thuật số, có thể tạo ra sự khác biệt lớn giữa việc chụp ảnh rung và chụp với các ngôi sao sắc nét.

Cuối cùng, đừng quên rằng sử dụng đèn pin ánh sáng trắng sẽ làm mất tạm thời tầm nhìn ban đêm của bạn, và bạn cần ít nhất 30 phút mới tái lập lại. Vì thế, hãy sử dụng một đèn pin có ánh sáng đỏ vì loại ánh sáng này sẽ không ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của mắt bạn với bóng tối. Bạn cũng nên chuyển màn hình điện thoại sang màu đỏ (Red-light).

 

Ý Nghĩa Các Cài Đặt Máy Ảnh Chụp Ảnh Thiên Văn

  1. Khẩu Độ (F/Số)

 

 

Vòng tròn sáng nhỏ giữa ống kính trong hình trên là vòng thấu kính cho phép ánh sáng đi tới chip hình ảnh (imaging chip). Lượng ánh sáng lọt vào có thể tăng hoặc giảm với mống mắt trong ống kính - xác định bằng trị số f/. Số f/ thấp (chẳng hạn như f/1.8) mang lại khẩu độ rộng hơn và cho phép nhiều ánh sáng hơn và ngược lại.

 

  1. Độ nhạy sáng (ISO)

 

Nguồn: iStock

ISO là tiêu chuẩn quốc tế về độ nhạy sáng của chip cảm biến trong máy ảnh kỷ thuật số. Cài đặt ở trị số thấp, vd. ISO-100 sẽ cho hình ảnh chất lượng cao nhưng sẽ cần nhiều ánh sáng hơn; các giá trị cao như ISO-3.200 cho chụp ảnh các mục tiêu mờ nhạt nhưng chất lượng ảnh giảm.

 

  1. Phơi sáng (Tốc độ màn trập-Shutter speed)

 

Nguồn: iStock

Tốc độ màn trập (hay tốc độ chụp ảnh) xác định thời gian chip hình ảnh tiếp xúc với ánh sáng. Tốc độ càng chậm, thời gian phơi sáng càng lâu và càng nhiều ánh sáng chiếu vào chip. Nhiều máy ảnh còn cung cấp chế độ khóa gương (mirror lock-up) để giảm thiểu rung động do hoạt động của màn trập.

 

Ống kính DSLR nào cho chụp ảnh thiên văn?

 

 

Máy ảnh thiên văn Canon EOS Ra

Một số ống kính DSLR sử dụng tốt cho chụp ảnh thiên văn. Các ống kính zoom DSLR tiêu chuẩn có độ dài tiêu cự tối đa 50-70mm có thể chụp các chòm sao chính (Orion, Đại Hùng tinh, Sư tử..., các phần sáng của Dải Ngân hà (Milky Way) và chi tiết bên trong dải Cực quang (aurora).

Để chụp các chòm sao lớn hơn hoặc các màn hình cực quang lớn, cần có một ống kính góc rộng (wide angle lens) với tiêu cự 14-28mm

Máy ảnh DSLR cũng có trị số cài đặt ISO cao hơn so với máy ảnh phim (35mm thế hệ cũ) và bạn có thể sử dụng cài đặt này với độ phóng đại cao của ống kính tiêu cự 100-500mm để chụp các cụm ngôi sao sáng theo nhóm 2 hoặc 3 cái như hình dưới - asterism) hoặc cụm sao mở (star clusters).

3 ngôi sao trong vành đai Orion (asterism)

 

Cụm sao mở M45 trong chòm sao Kim Ngưu (Star Cluster M45 in Tarus)

  • Phơi sáng từ 15 đến 30 giây
  • Khẩu độ f/2 đến f/2.8
  • Độ nhạy sáng ISO 800 đến 1600

 

Nếu bạn có thể chọn ống kính có tiêu cự cố định thì càng tốt: chúng có thể dễ lấy nét hơn ống kính zoom và thường có cài đặt khẩu độ rộng hơn, cho phép nhiều ánh sáng hơn đến cảm biến.

 

Cài Đặt Máy Ảnh Tốt Nhất Cho Chụp Ảnh Thiên Văn

Dưới đây là những hình ảnh với thông số của chế độ cài đặt riêng.

 

 

Chòm sao Lạp hộ (Orion – nằm gần giữa bầu trời mùa Đông)

  • Phơi sáng từ  1-2 giây
  • Khẩu độ  f/2.8 - f/4
  • Độ nhạy sáng ISO 800 đến 1600

 

 

Cảnh hoàng hôn - Nguồn: Jarrod Bennett, Saint Gregoire, Provence, Pháp.

  • Phơi sáng từ 1 đến 10 giây
  • Khẩu độ f / 2.8 đến f / 5.6
  • Độ nhạy sáng ISO 100

 

 

Bắc cực quang (Aurorae) - Nguồn: Richard Jenkinson, Nellim, Phần Lan.

  • Phơi sáng từ 3 đến 30 giây
  • Khẩu độ f/2 đến f/2.8
  • Độ nhạy sáng ISO 400

 

 

Vệt Sao Trượt (Star trails) - Nguồn: Kevin Stewart, Northumberland, ngày 20 tháng 9 năm 2019

  • Phơi sáng từ 5 đến 60 phút
  • Khẩu độ f/4 đến f/11
  • Độ nhạy sáng ISO 100

 

Nguồn tài liệu và hình ảnh trong bài trên đều được trích dẫn từ BBC skyatnightmagazine.com

Tháng 5, 2021.

SNg

(Xem tiếp Phần 2)


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết