Đọc STEINBECK và HEMINGWAY

Trước giờ đọc truyện vẫn né các tác giả đoạt giải Nobel. Kính nhi viễn chi. Gần đây bỗng đổi ý, thử đọc John Steinbeck (Nobel 1962) và Ernest Hemingway (Nobel 1954).

Bắt đầu từ truyện ngắn cho dễ đọc. Nguyễn Hiến Lê đã chọn dịch 3 truyện ngắn của Steinbeck, Johnny Gấu, Người chỉ huy và Một cuộc ráp. Đọc xong thì ngậm ngùi. Đề tài rất thường, nhưng tâm lý nhân vật được mô tả sắc sảo, và ta thấy những nhân vật ấy ta gặp nhan nhản trong đời quanh ta.

Nguyễn Hiến Lê có cho biết truyện Người chỉ huy là truyện được chọn trong hầu hết các tuyển tập về Steinbeck. Sực nhớ một truyện ngắn của tác giả Bình Nguyên Lộc, Rừng Mắm, cũng có nét tương tự như Người chỉ huy.

Nhân vật ông ngoại trong Người chỉ huy là người dẫn đầu đoàn người di cư về miền tây, California, hậu bán thế kỷ 19, nhớ tiếc quá khứ, những ngày gian khổ, chiến đấu với da đỏ, đánh nhau với bò rừng. Chỉ có thể kể lại chuyện xưa với đứa cháu ngoại, người duy nhất lắng nghe. Còn ông con rể coi đó là chuyện tầm phào. Nhân đọc Văn minh phương tây ( Edward McNall Burns), tác giả này cho biết người Mỹ không coi trọng quá khứ, họ bảo That’ s history, chuyện cũ xưa rồi.

Trong Rừng Mắm, Bình Nguyên Lộc kể chuyện một gia đình gồm 2 vợ chồng, đứa con trai và ông nội, là những người tiên phong đi khai phá miền Nam. Thằng cháu trai, tên Cộc, tình cờ gặp vài người lạ, kể chuyện làng xóm, món ăn ngon, nên chỉ muốn bỏ nơi đang khai phá mà quay về làng cũ. Ông nội bèn đưa nó ra biển, chỉ cho xem rừng mắm, thuyết cho nó nghe, cây mắm, xem ra thì vô ích, nhừng nhờ nó mà phù sa lắng lại thành đất thịt cho cây tràm mọc lên, rồi mới có xoài, mít, dừa cau… cho con cháu hưởng. Đời ông cha Cộc là cây mắm, đời Cộc là cây tràm, đời con cháu Cộc sẽ là dừa, xoài, mít.

Đời Người chỉ huy là quá khứ, đời Cộc Rừng Mắm là hiện tại.

Nhân vật ông ngoại và thằng cháu trong Người Chỉ Huy chỉ chuyện trò với nhau, không lý thuyết gì cả. Còn trong Rừng Mắm, Tác giả Bình Nguyên Lộc thay mặt cho nhân vật ông nội thuyết giáo nhiều quá, đâm ra không thật.

(Nhưng tác giả này có chuyện Ba Con Cáo rất hay, mô tả nhân vật rất đặc sắc.)

Trong đại dịch Covid, giới trẻ Mỹ vẫn tổ chức tiệc tùng, mời cả người nhiễm bệnh đến dự và thách nhau ai sẽ là người mắc bệnh trước.

Nước Mỹ không có quá khứ. Họ chỉ có hiện tại và tương lai.

Trong chiến tranh Việt Nam những năm 60 thế kỷ trước, người lính miền nam từ chiến trường về, rủ nhau đi uống rượu. Trên bàn, họ không thách nhau uống nhiều hay ít mà móc cây súng lục đặt trên bàn, trút hết băng đạn rồi lắp vào một viên duy nhất. Quay băng đạn, rồi bóp cò ngẫu nhiên.  Họ đem sinh mạng ra cá cược. Có lẽ với họ, chết trên bàn nhậu sướng hơn chết trên chiến trường.

Những con người này và giới trẻ Mỹ nói ở trên là giống nhau. Họ tuyệt vọng về tương lai.

Những người lính ấy không phải là tất cả Việt Nam. Cũng như giới trẻ Mỹ thác loạn không phải là nước Mỹ.

Những người Việt thủ cựu nhớ tiếc quá khứ hào hùng của thời Lý phá Tống bình Chiêm, của thời Trần ba lần đánh tan quân Mông Cổ, ôm quá khứ ấy để chết theo nhà Hậu Lê mục ruỗng, để rồi Quang Trung Nguyễn Huệ chỉ đạp nhẹ là ngã lăn chiêng. Người Việt hiện tại  của những cha ông thằng Cộc chỉ có quá khứ ba trăm năm, tổ tiên họ là những nông dân mất đất, là những tù nhân nổi loạn chống cái triều đình nhà Lê Trịnh mục ruỗng kia, lên đường đi tìm miền đất hứa .

Cũng như nước Mỹ chỉ có quá khứ ba trăm năm, họ lên đường về miền tây đi tìm đất hứa. Và nhờ họ, chúng ta có cả một miền nam trù phú, tươi đẹp.

Đọc Chùm nho uất hận, người ta chỉ thấy đầy những nông dân khốn khổ bị giới tư bản ngân hàng chiếm hết đất đai, lần đường về California kiếm cơm, giành giật nhau kiếm chỗ hái đào, hái bông. Họ là nông dân chính gốc Mỹ, không phải dân da màu, không phải người nhập cư. Đó là một mảng tối trong xã hội Mỹ những năm 20, 30 của thế kỷ XX. Có lẽ họ là nạn nhân của đợt suy thoái 1929-1933. Từ đó mà có chính sách kinh tế mới The Great Deal của tổng thống Roosevelt vựa dậy nền kinh tế Mỹ.

Nhưng văn học Mỹ không chỉ có Steinbeck, còn có Hemingway. Người ta lại thấy giới trẻ Mỹ, đầy tính phiêu lưu, ưa xê dịch, khoái thay đổi, nhưng cũng đầy nét nhân văn. Đó là chàng trung úy Henry, tham gia thế chiến thứ nhất ở Ý trong vai trò lái xe cứu thương (Giã từ vũ khí); là Robert Jordan, tham gia chống chế độ độc tài Franco ở Tây Ban Nha trong vai trò một chuyên viên đánh thuốc nổ (Chuông gọi hồn ai).

Hemingway tự gọi mình là thế hệ bỏ đi, Lost Generation, nhưng ông đã tham gia cả 2 cuộc chiến ở Ý và Tây Ban Nha, chớ không phải vùi đầu vào sòng bạc hay bàn rượu. Và khi viết truyện Ông Già và Biển Cả, miêu tả cuộc chiến không cân sức giữa con người với thiên nhiên, ông tự đi tìm cuộc chiến của đời mình.

Ông Già đã thắng khi câu được con cá kiếm, nhưng trên đường về bến, bầy cá mập đã rỉa hết thịt, chỉ còn bộ xương.

Cũng như vậy, con người rồi sẽ thắng trong cuộc chiến với ncovy, nhưng cái giá phải trả là rất đắt. Nhiều nền kinh tế lụn bại, rất nhiều người bỏ mạng.

Như vậy Ông Già với con người, con cá và ncovy, Ai Thắng Ai Thua?

(Thế nhưng, theo thiển ý, Johnny Gấu mới là truyện hay nhất. Cũng như khi đọc Somerset Maugham, Nguyễn Hiến Lê và nhiều nhà phê bình cho truyện dài Kiếp Người (Of Human Bondage) là một kiệt tác, nhưng đọc thì chán như cơm nếp nát. Trái lại, truyện ngắn Mưa của ông mới đáng gọi kiệt tác. Đọc xong truyện này ta nhớ lại nhân vật Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần trong Tiếu Ngạo giang hồ. Đông Tây gặp nhau ở đó. Đến kết truyện mới lộ mặt thật. Hết sức bất ngờ.)

 

Nguyễn T Hải.

Bình Thạnh, tháng 8.2020


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết