Vài ý nghĩ về Tập Trường Ca Ải Bắc (Kỳ 2/2)

Có nhẽ trong thời khắc ẫy và khung cảnh ấy, Hưng đạo vương một mình chống lại tất cả thái độ cầu hoà của triều đình.

Lập luận của ông cho thấy sự sáng suốt và tầm nhìn chiến lược của một nhà quân sự tài ba:

 

“Quân Mông Cổ là những quân tàn bạo

Phỏng tha chi dân nước Việt Nam này

Chúng tìm cớ đánh Chiêm Thành mượn lối

Nước Chiêm Thành hỏi làm chi nên tội

Chẳng qua là lập mẹo để lừa nhau

Ta nào mắc? Còn ta đây nào mắc?”

 

Lý lẽ sắc bén cùng tinh thần ái quốc bừng bừng trong con người ông đã xốc dậy cả một triều đình đang rệu rã về tinh thần, cùn nhụt về ý chí:

 

“Các ngươi đây không mơ màng tỉnh giấc

Thì nguy cơ chờ đợi ở sau lưng

Hãy giằng mau những cách cung thật cứng

Hãy mài cho thật bén lưỡi gươm kia

Hãp hợp lại đừng rời rã phân chia

Hãy theo ta kéo quân lên mặt bắc

Quyết một hai đương đầu cùng quân giặc

Thề một lòng gìn giữ lấy giang sơn

Cùng địch quân thịt nát với xương tan!”

 

Bách quan nghe máu hùng như sôi nổi

Tay nắm gươm, mắt tròn soe, dữ dội.”

 

Không chỉ là nhà quân sự thiên tài, Hưng Đạo Vương còn là nhà chính trị lão luyện:

 

“Hưng Đạo Vương liếc thấy những mừng thầm

Nhưng còn mong cả nước cùng đồng tâm

Thì sức mạnh mới trông bề thủ thắng

Vương nghĩ đến những lão nhiêu đầu trắng

Râu phất phơ gậy trúc trong gia đình

Nếu được vua được triều đình tuyên triệu

Thì tuổi già thêm xiết bao vinh diệu?

Tấm thân già sẽ nặng nghĩa vua tôi

Cám ơn sâu sẽ chờ lúc phản hồi

Khuyên con cháu mau đền ơn nợ nước”

 

Và, lần đầu tiên dưới chế độ phong kiến, người ta thấy có một cuộc họp bàn việc nước giữa đức quân chủ cao vời với toàn dân mà đại diện là các bô lão, đức cao vọng trọng. Cuộc họp diễn ra ở điện Diên Hồng, dưới bàn tay đạo diễn của Hưng Đạo Vương. Từ đó, Diên Hồng trở thành một danh từ chung chỉ một cuộc hội nghị có đại biểu của toàn dân:

 

“Vương tâu vua xin lấy điện Diên Hồng

Dùng làm nơi hội họp cho thật đông

Các bô lão trong dân làng đủ mặt

Lấy ý nghĩa là non sông còn mãi

Kẻ làm dân có trách nhiệm dự phần

Vì giang sơn là của cả nhân dân

Không phải của giành riêng cho một họ

Nay quân thù đã đến ngay cửa ngõ

Dân muốn hàng hay dân muốn hưng binh?

Ý kiến dân là ý kiến triều đình

Thế là:

 

Năm Giáp Thân, tháng chạp, cuối mùa đông

Trên đường cỏ có những đầu bạc trắng

Người quắc thước quen rãi rầu mưa nắng

Kẻ già nua gậy trúc chống lom khom

Họ ra đi với một trời mơ mộng

Là rồi đây được yết kiến long nhan

Được vào triều được dự yến vua ban

Sung sướng thay tuổi già, ôi! danh giá!”

 

Ở đây ta thấy ta thấy tác giả phân tích tâm lý thật sâu sắc. Khoan nghĩ đến chuyện bàn việc nước chốn triều ca. Hãy nghĩ đến vinh dự được giáp mặt rồng và dự yến tiệc vua ban cái đã!

Hãy xem không khí hội nghị Diên Hồng và kết quả:

 

“Điện Diên Hồng đủ văn võ trăm quan

Đủ đại diện của toàn quốc dân gian

Vua cảm động tả tình hình quân giặc

Đang hầm hè hò vang trên ải Bắc

Mặt bách quan sa sầm răng nghiến lại

Gậy lão niên rung rung hồn tê tái

_ Hỡi các ngươi! Muốn sống hãy nghe ta

… tất cả, cả dân gian toàn quốc

Phải một lòng, phải quyết liệt như nhau

Hỡi các ngươi! Ta trưng cầu ý kiến

Hỡi các ngươi: nên hòa hay nên chiến?

_ Nên chiến! Nên chiến! Chiến đến kỳ cùng!

Tiếng reo hò rung chuyển điện Diên Hồng

 

Triều đình và toàn dân là một. Bách quan và các bô lão đều đồng lòng. Nhà chính trị, nhà tâm lý, nhà quân sự Hưng Đạo Vương toàn thắng.

Vâ từ đây là cuộc trường kỳ kháng chiến gian khổ nhưng hào hùng, đưa quân dân nhà Trần thành một đội quân duy nhất trên thế giới thời trung cổ thắng được đoàn quân bách chiến bách thắng của Mông Cổ.

 

Binh Thạnh, tháng Hai hai không hai mươi

Ng T Hải

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết