Khi Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, viết Bình Ngô đại cáo vào thế kỷ 15, thì người đời đã xưng tụng ấy là bàn Thiên hạ đệ nhất hùng văn.
Đến thế kỷ 20, nhà thơ Thao Thao Cao Bá Thao, viết tập trường ca Ải Bắc, lược thuật lại cuộc chiến đấu cực kỳ anh dũng và vô vàn gian khổ của dân tộc ta, thì đáng tiếc thay, chẳng mấy ai biết đến nó.
Sách in lần đầu vào năm 1943, nghe nói được in lại rất nhiều lần sau đó. Nhưng bây giờ, tìm mỏi mắt cũng không ra một bản sách in nào.
Đế quốc Mông Cổ hùng cường như thế nào ai cũng biết và đoàn quân Mông Cổ thiện chiến như thế nào ai cũng biết.
Vậy đó, dân tộc Việt Nam lại là dân tộc duy nhất trên thế giới đánh bại được đoàn quân này. Mà đánh bại đến ba lần chứ không chỉ một lần.
“... năm mươi vạn quân Mông Cổ
Thẳng Việt Nam do hai đường thủy bộ
Quân Thoát Hoan rầm rộ tới biên thùy
Đất chuyển rung chim muông bạt khiếp uy.”
Chỉ vài câu mở đầu ta đã thấy kinh hoàng trước sự uy mãnh của quân binh Mông Cổ. Và, trước mối đe dọa khủng khiếp như thế, thái độ vua quan nhà Trần ra sao.
“Vua Nhân Tôn bàng hoàng vì kinh hãi
...
Nhưng bách quan chỉ nhìn nhau, khiếp sợ
Oai quân Mông làm nhiều quan nín thở
Quân Mông Cổ khét tiếng là kiêu hùng
Đi đến đâu như gió bão đùng đùng”.
Nên nhớ rằng trước khi đến Việt Nam, quân Mông Cổ đã làm cỏ gần như cả châu Âu, vì quân Mông Cổ đi đến đâu thì nơi ấy cỏ không mọc nổi. (Tiếc là thời đó chưa có cỏ nhân tạo để vó ngựa Mông Cổ thử sức mình!)
Chỉ mới đọc mấy câu đầu miêu tả khí thế quân Mông Cổ, người đọc đã thấy muốn nín thở huống gì vua quan nhà Trần. Nhưng vào thế kỷ 13, chưa có đường cao tốc, chắc là ngựa chạy theo kiểu “vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh” hơn là ào ào như nước cuốn mây bay.
Phan Khôi viết bài Tình già vào năm 1932 giới thiệu một thể thơ mới toanh cho nền thi ca Việt. Mười năm sau, nhà thơ Thao Thao đã tận dụng triệt để tính cách tự do của thể thơ này để phô diễn sự hùng tráng của cuộc chiến tranh kháng Mông khốc liệt .
Vần gieo theo kiểu vần liền, bằng trắc xen kẽ nhau. Kiểu gieo vần này khiến ý được nhấn mạnh hơn, và liên tục thay đổi như các hình thái của trận địa phức tạp ở nước Nam thuở ấy.
Thử đọc đoạn sau đây:
“Vương lĩnh mệnh sai Phụ Trần Đại tướng
Đem trọng binh, đường Lạng Sơn thẳng hướng
Gặp ngày đêm phòng giữ ải Kha Ly
Ải Lộc Châu Nguyễn Khoái dẫn quân đi
Tướng Yết Kiêu lĩnh mật truyền Nguyên súy
Ra Bãi Tân để giữ gìn mặt thuỷ
Yên thuỷ bộ ba nơi, Hưng Đạo Vương
Hợp tướng tá kéo đại binh lên đường.”
Trận địa kéo dài từ biên ải xuống đến bến sông. Ý tứ mạnh mẽ, quân binh hùng tâm tráng khí, Đại tướng mưu lược như thần.
Đọc tiếp đoạn sau đây để thấy văn miêu tả sống động như thế nào:
“Cách Kỳ Sơn độ chừng mươi dặm hơn
Gặp Việt quân đôi bên cùng dàn trận
Trỏ gươmg sang Thoát Hoan đầy tức giận:
_ Dám ngăn đường cản lối quân Nam man
Được bao hơi phường chuột chết to gan
Tướng ta đâu còn đợi chờ chi nữa
Tướng Phàn Tiếp vội vung thương phi ngựa
Bên Việt quân Phạm Ngũ Lão xông ra
Múa thanh siêu như gió táp mưa sa
Cùng tướng Mông tung hoành vòng kịch chiến
Đôi binh khí như quỷ thần xuất hiện
Càng đấu lâu đao pháo càng nhiệm màu
Trăm hợp dư còn cầm cự ngang nhau
Đợi nóng lòng tướng Mông A Bát Xích
Thúc ngựa ra tay vù vù ngọn kích
Định đánh hôi nhưng Dã Tượng tướng quân
Lại ngăn ngay rồi đôi kích quây quần
Cát bụi mù ầm ầm vang trống trận.”
Chẳng thua gì đoạn tả Quan Vân Trường quá ngũ quan, trảm lục tướng, hay Trương Phi tử thủ cầu Trường Bản, hoặc Triệu Vân đơn đao bảo vệ con côi trong Tam quốc chí.
Quân giỏi khônng thể không có tướng tài. Tông tư lệnh quân đội nhà Trần, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là người thế nào. Ông vốn là con trai của Khâm Minh vương Trần Liễu. Cha ông có thù với vua Trần Thái Tông nên trước khi mất dặn ông phải chiếm lấy ngai vàng. Nhưng cảnh nước mất nhà tan trước vó ngựa của quân Nguyên, ông đã đặt nợ nước trên tình nhà. Với thiên tài quân sự của mình, Hội đồng quân sự Hoàng gia Anh đã xếp ông vào danh sách 10 vị tướng tài ba và vĩ đại nhất lịch sử nhân loại.
Trở lại với Ải Bắc, nghe tin quân Mông Cổ tràn sang, bá quan văn võ nhà Trần có thái độ ra sao:
“Trứng trọi đá sao bằng giờ trước hãy,
Phái sứ thần mau mau ra biên ải,
Xin lui binh…
Cống thiên triều và giữ lệ ba năm
Yên can qua và tránh khỏi ngoại xâm
Nhưng… nhưng Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn
Thét vang lên mặt bừng bừng sắc giận
_”“Không được đâu, bàn thế không được đâu
Có nhẽ nào hèn nhát cả như nhau?
Kẻ làm tướng có nhẽ nào lại thế
Thấy giặc đến không bày mưu tính kế
Chỉ toan bề cầu lấy sự yên thân!
Yên được chăng khi nước mất nhà tan?”
-
Vài ý nghĩ về Tập Trường Ca Ải Bắc (Kỳ 2/2)< Trang trước
-
Cây me Bonsai Cu Tí tặngTrang sau >