Cây me Bonsai Cu Tí tặng

Hôm qua nhân bữa cơm gia đình đầu năm, Cu Tí mang qua tặng chậu me bonsai rất xinh.

Tí kể : con đi làm về qua đường Tôn Đức Thắng, ngừng xe chờ đèn đỏ, bỗng nhìn thấy mầm cây nhỏ bên lề . Nhìn kỹ hơn, thì ra là mầm mọc từ hạt me. Con mang về nhà chăm đã hơn năm rồi.

Ụ tàu Bason, 1886. Hàng cây bên phải ảnh, hình như là cây xà cừ, và có lẽ đây là đường Tôn Đức Thắng, một số cây me được trồng xen sau này.

Chú Kim nói rõ hơn, nếu vậy đây chính là hậu duệ của hàng me đô đốc, mà những cây cuối cùng đã bị đốn bỏ để làm đường cho tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên.

Đô đốc là đô đốc nào ?

 Có thể là một trong những nhân vật sau đây. Là Đô Đốc Hải quân ( gọi đúng phải là Hải quân Đô Đốc) Charles Rigault de Genouilly, người dẫn đầu liên quân Pháp- Tây ban nha với nòng cốt là hải quân, tấn công chiếm thành Gia Định năm 1859. Đó là một đoạn lịch sử đau thương của dân tộc nên sẽ không kể rõ hơn ở đây.

Thứ hai là Phó Đô Đốc Léonard Victor Joseph Charner, ( tạm quyền Thống đốc từ tháng 2. 1861- tháng 11. 1861 ). Ông này là người cho soạn thảo quy hoạch đầu tiên cho thành phố Sài Gòn.

Thứ ba là Chuẩn Đô Đốc Louis Adolphe Bonard ( Thống đốc đầu tiên của Nam kỳ từ tháng 11.1861 -  tháng 10.1863 )

Người thứ nhất, Genouily ít người biết đến, dù đã từng được dựng tượng ( tượng th đã bị đập bỏ từ đời cố hỉ rồi).

Tượng Rigault de Genouilly ở Quảng trường Mê Linh, cuối đường Hai Bà Trưng, nay là vị trí tượng Trần Hưng Đạo

Người thứ hai, xin được mượn chữ của nhà khảo cổ Vương Hồng Sển, rất nhiều người đàng cựu,  còn nhớ đến , chính là đai lộ Charner mà nay là phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ban đầu, thời Nguyễn Ánh tên là Kênh Nước Lớn

, đến 1861, Charner ( vị Thống đốc thứ hai đấy), đổi tên thành đường Kênh Lấp hay kênh Charner ( định lưu danh thiên cổ mà). Đến trào Tổng thống Ngô đình Diệm mới đổi thành Nguyễn Huệ (1956).

Đường Charner, khoảng 1880.

Đai lộ Charner, khoảng 1910

 

Đại lộ Charner (Nguyễn  Huệ), khoảng thập niên 1950), được xem là con đường đẹp nhất Viễn Đông). Trong ảnh, ở cuối đường là dinh Xã Tây ( Ủy Ban Nhân Dân Thành phố hiện nay), phía xa bên tay phải là nhà thờ Đức Bà.

Và thứ ba, là me xừ Bonard. Đại lô Bonard, nay là Lê Lợi. Ai cũng biết chỉ vài người không biết.

Khi chợ Bến Thành được xây dựng, vào năm 1914, và ga xe lửa Saigon _ Mỹ Tho dời về quảng trường Quách Thị Trang, thì đại lộ Bonard ( Lê Lợi, chiếm vị quan trọng về kinh tế so với các đại lộ khác.

Vậy nên, đây là cây me có gốc gác lai lịch rõ ràng.

Thế nhỡ, một cô cậu học trò nào đó, mang theo vài trái me mua ở chợ nào đó, vừa đi vừa nhai nhóp nhép, rồi tiện thể nhả hột xuống đường, gặp vài cơn mưa rào, lại nằm trong bóng râm, mầm len lén trồi lên nhìn mây bay. Duyên trời dun dủi, cu Tí đi ngang nhìn thấy. Thì sao?

Có làm sao. Nó đã vào nhà bác Hải nằm rồi. Nó sẽ được, mỗi ngày có người ngắm nghía, có người nâng niu. Nó sẽ mãi như vậy, không lớn thêm, không nhỏ lại. Chia sẻ nỗi niềm, và cùng chung, gì nhỉ, nhiều thứ lắm.

Cám ơn cu Tí.

 

Bình Thạnh, Tháng 2.2020

Ng T Hi


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết