Vua Gia Long - Đông Cung Cảnh và Thành Diên Khánh (Kỳ 1/4)

Dấu vết của vua Gia Long tại Nhatrang rất mờ nhạt. Ngọai trừ cổ tích dân gian về lăng Bà Vú ở Ninh Hòa (kể về một phụ nữ giàu có ở làng Mỹ Hiệp, huyện Ninh Hòa giúp đỡ vua khi bị quân Tây Sơn truy đuổi. Sau khi lên ngôi, vua cho người tìm về báo ơn thì bà đã qua đời. Vua cho xây lăng (từ cuối 1802 đến 1804 hoàn thành) để ghi công. Việc xây thành Diên Khánh cũng chỉ được nhắc sơ trong bia di tích dựng ở cổng thành.

Nhân đọc Đại Nam Thực lục, tập I, phần ghi chép về Thế Tổ Cao hoàng đế, tức Gia Long, thấy chép đầy đủ về thời gian vua Gia Long và cả Đông cung Cảnh hiện diện ở Nha Trang nên ghi lại đây để tường lãm.

Để sự kiện không bị đột ngột hay gián đoạn, sẽ kể từ khi vua chạy từ Quảng Nam vào Gia Định, các thời kỳ tẩu quốc và phục quốc, cho đến khi diệt được nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế năm 1802.

Vua Gia Long sinh năm Nhâm Ngọ, 1762, con thứ ba Nguyễn Phúc Luân, lúc nhỏ tên Chủng, Noãn (tượng mặt trời giữa trưa), Ánh. (Tây Sơn thường gọi Nguyễn Ánh là giặc Chủng).

Khi Tây Sơn nổi lên vào 1773, Nguyễn Ánh 12 tuổi theo vua Duệ Tông (tức Định Vương Nguyễn Phúc Thuần) vào Quảng Nam. Đến năm 1775 thì vào Gia Định lãnh chức Chưởng sử, coi quân Tả dực (14 tuổi).

Năm 1776 đến Ba Giồng (Định Tường) chiêu tập quân Đông Sơn. Năm 1777, Tây Sơn đánh Gia Định, vua đem binh ứng viện cho Duệ Tông, rồi (thua trận) dạt đi Cần Thơ, Long Xuyên. Tháng 9, Duệ Tông bị Tây Sơn giết, một mình vua thoát được lên thuyền đi sông Khoa. Định ban đêm vượt biển trốn đi, có cá sấu cản ngang mũi thuyền 3 lần, bèn thôi. (chân tướng đế vương mà, dễ gì để Tây Sơn bắt được).

Tháng 10 cử binh ở Long Xuyên tiến đánh Sa Đéc, tháng 11 đánh dinh Long Hồ (Vĩnh Long), tháng 12 chiếm Sài Gòn.

Năm 1778, đóng quân ở Sài Gòn.

Năm 1780, lên ngôi vương ở Sài Gòn.

Năm 1781, cử binh đánh Tây Sơn. Quân đến Nha trang và Hòn Khói. Đánh nhau không lợi nên rút quân về.

(Từ 1773 ở Quảng Nam đến 1775 vào Gia Định, ĐNTL không ghi gì cả. Rất có thể trên đường từ Quảng Nam vào Gia Định, Nguyễn Ánh có đi qua Nhatrang và bị Tây Sơn truy đuổi, nên mới có sự tích lăng Bà Vú ở Ninh Hòa mà truyền thuyết dân gian kể lại.

Còn trong giai đoạn từ 1775, khi Nguyễn Ánh vào Gia Định đến năm 1777, thì khi bị Tây Sơn truy bức, Nguyễn Ánh chỉ ở miền nam (Cần Thơ, Long Xuyên, Sa Đéc, Vĩnh Long. Đến 1781, khi đã chiếm lại Sài Gòn và đã đủ binh lực, lực lương đi đánh Tây Sơn ở Nha Trang chỉ gồm các tướng Tống Phước Thiêm, Nguyễn Hữu Thụy, Dương Công Trừng, Chu Văn Tiếp. Trong chiến dịch này, ĐNTL không nhắc đến vua, có thể là Nguyễn Ánh ở lại Gia Định).

Tháng 3, 1782, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ vào đánh Gia Định. Tháng 4, tiết chế dinh Bình Thuận là Tôn Thất Dụ đem binh vào cứu viện chém được hộ giá Phạm Ngạn ở Tham Lương. Nguyễn Nhạc rất đau đớn, cho rằng quân Hòa Nghĩa toàn người Thanh, bèn bắt hết người Thanh ở Gia Định hơn một vạn người, bất kể là lính hay dân, đều chém hết, quăng xác đầy sông. Hơn một tháng trời không ai dám ăn tôm cá và uống nước sông. Sự tàn sát thê thảm đến thế.

(Sự kiện này được nhà khảo cổ Vương Hồng Sển nhắc đến, ông cho biết sông đó “là rạch Chợ Lớn. Năm 1819, vua Gia Long cho đào thành  kinh Tàu Hủ (Arroyo Chinois) để tiện giao thương “.

Sơn Nam, trong Lịch sử khẩn hoang miền nam, kể rõ hơn như sau:

“Trước 1776, thương cảng lớn nhất của miền nam là Cù lao Phố. Năm 1776, 1777, quân Tây Sơn tràn vào Gia Định, đánh cù lao Phố, chiếm dỡ phòng ốc, tài vật, gạch đá chở về Quy Nhơn. Nông Nại Đại Phố tức thương cảng Cù lao Phố suy sụp luôn, thương gia Hoa kiều bèn kéo nhau xuống vùng Chợ lớn ngày nay lập chợ Sài gòn, sát với chợ Tân Kiểng, đã có từ trước 1770.

Thương cảng Sài gòn (nên hiểu là Chợ lớn ngày nay) thành hình và phát triển nhanh từ năm 1778. Từ khi Tây Sơn nổi lên, quan quân hội cả ở trấn Phiên An, thuyền buôn cũng dời đậu ở sông Tân Bình (sông Sài gòn). Nhưng 4 năm sau, 1782, Nguyễn Nhạc tới 18 thôn Vườn Trầu, bị phục kích thua thảm bại, hộ giá Ngạn của Tây sơn tử trận. Nhạc nhận ra bọn phục kích là đạo binh Hòa Nghĩa gồm nhiều người Tàu theo giúp Nguyễn Ánh. Nhạc bèn giận lây. Phàm người Tàu không kể cũ mới đều giết cả hơn 10.000 người. Từ Bến Nghé đến sông Sài Gòn, tử thi quăng bỏ xuống sông làm nước không chảy được nữa. Cách 2, 3 tháng người ta không dám ăn cá tôm dưới sông. Còn như sô, lụa, chè, thuốc, hương, giấy nhất thiết các đồ Tàu mà nhà ai đã dùng, chẳng ai dám lấy. Qua năm sau, trà xấu lên giá 8 quan, 1 cây kim giá 1 quan tiền, còn các loại vật khác cũng đều cao giá, nhân dân cực kỳ khổ sở.

Ngoài việc trả thù riêng người Tàu, Nguyễn Nhạc còn có dụng tâm triệt tiêu đầu não kinh tế miền nam, nơi chúa Nguyễn nắm được nhân tâm từ lâu. (Nhận xét thật xác đáng.)

Suốt thời gian tẩu quốc và phục quốc, Sài Gòn được xem là kinh đô của Nguyễn Ánh (1779 – 1801). “

Sau đây ta sẽ thấy, nếu Sài gòn là kinh đô thời tẩu quốc và phục quốc, thì Nha Trang là tiền đồn cực kỳ quan trọng trong chiến tranh giữa Nguyễn Ánh với Tây Sơn. Tất cả các chiến dịch đánh ra phía bắc (Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam) đều xuất phát từ thành Diên Khánh).

Rồi đó, vua dạt đi Định Tường và miền Hậu Giang. Cho người sang Xiêm cầu cứu. Còn Chân Lạp lại ngầm giúp Tây Sơn.

Nguyễn Huệ đem quân đuổi, vua lánh sang Rạch Gía, Hà Tiên. Có đàn rắn đội thuyền cho vua đi. Đến sông Đăng Giang lại có trâu nổi lên cho vua cưỡi. Nước triều lên mạnh, trâu chìm, cá sấu tiếp sức. Vua tiếp tục đi Phú Quốc.

(Hết cá sấu đến rắn rồi trâu tranh nhau thừa mệnh trời giúp rập cho Nguyễn Ánh. Đến thế thì không lên làm vua cũng uổng).

Tháng 7 Huệ nghe tin vua ở Côn Lôn, đem quân vây 3 vòng. Bỗng sóng gió nổi lên, thuyền giặc chìm gần hết. Vua thoát nạn, lại trở về Phú Quốc. Nghe tin Bá đa Lộc ở Chan Bon (Xiêm), vua cho mời, giao Cảnh 4 tuổi làm con tin sang Đại Tây cầu viện.

Tháng giêng 1784 vua vẫn ở Thổ Châu, tháng 2 sang Xiêm. Tháng 6 đem quân về Gia Định. Tháng 10 phá được quân Tây Sơn trên sông Mân Thít. Tháng 12, Huệ đem quân vào cứu Sài gòn, không thắng được nên muốn rút về. Có phản thần Lê Xuân Giác bày kế cho Huệ phục binh ở Rạch Gầm, Xoài Mút đánh tan quân Xiêm. Vua đi Trấn Giang, Bá Đa Lộc đem hoàng tử Cảnh sang Tây.

(Nguyễn Ánh giao hoàng tử Cảnh mới 4 tuổi cho Bá Đa Lộc sang Tây cầu viện vào tháng 7. 1783, nhưng đến tháng giêng, 1784 mới lên đường. Và người bày mưu cho Nguyễn Huệ phục binh ở Rạch Gầm, Xoài Mút đánh tan quân Xiêm chính là Lê Xuân Giác, có lẽ là một tướng hiệu của Nguyễn Ánh nên Thực Lục gọi là phản thần).

Từ tháng 1.1785 đến tháng 1.1788, vua lần lượt ở đảo Thổ Chu (Phú Quốc), sang Xiêm (ở Vọng Các, 1786), về Hòn Tre (tháng 7.1787), đến tháng 8, 1788 thì chiếm lại được thành Gia Định.

Tháng 4.1788, Võ Tánh theo về. Tánh người Bình Dương, trí dũng hơn người. Giặc thường răn nhau rằng, Gia Định có 3 anh hùng, chớ nên xâm phạm (2 người kia là Chu Văn Tiếp và Đỗ Thành Nhân). Vua được Tánh mừng lắm, ban cho chức Khâm sai tổng nhung Chưởng cơ dinh Tiên phong, lại gả công chúa trưởng là Ngọc Du cho (công chúa là em họ vua).

Tháng 5, cấm các tướng không được dung túng bộ khúc cướp bóc quấy nhiễu dân gian. Phạm tội chém ngay.

Tháng 7, vua tiến đóng ở Ba Giồng,

Tháng 8, ngày Đinh Dậu, chiếm lại thành Gia Định. Cấm quân sĩ không được cướp bóc, bỏ pháp luật hà khắc của Tây Sơn, dụ bảo trăm họ yên ổn làm ăn như cũ. Nhân dân tranh nhau dâng tiền, thóc, đồ đồng, gỗ ván để giúp việc quân nhu. Vua khen là trượng nghĩa, đều miễn thuế dịch.

Cho hương binh về quê nghỉ ngơi. Trị tội quân cấm vệ và thủy quân cũ đi theo giặc.

Tháng 10, lệnh cấm đánh bạc, văn khế nợ đánh bạc từ trước đều bỏ.

Vua mở rộng đường ngôn luận, dụ rằng, phàm đường ngôn luận mở hay lấp là có quan hệ đến đạo chính trị thịnh hay suy… các người, trong các quan, ngoài trăm họ nên gắng giúp ta … sao cho binh lương đầy đủ mà không hại dân, loạn tặc dẹp yên mà không khổ dân, đều nên trình bày hết cho rõ sự thực. Lời dùng được thì dùng cho thân được vẻ vang, không dùng được thì để đó mà không bắt tội. Ta đương dốc lòng nghe, các ngươi chớ nên giấu diếm.

Tháng 11, giặc Tây sơn Nguyễn Văn Huệ tự lập làm vua, xưng ngụy hiệu là Quang Trung năm thứ nhất.

Miễn binh dịch và lao dịch cho học trò. Vua rất lưu ý nghệ văn.

Đặt hòm bỏ thư, vua cho rằng dân gian hay bỏ thư nặc danh vu tội cho người nên đặt hòm thư ở cửa khuyết. Dụ rằng, pháp luật là của chung thiên hạ, không phải của riêng một người, lẽ nào lấy điều không căn cứ mà buộc tội cho người…Kẻ nào quen thói cũ, múa miệng nói phao, lừa phỉnh dân chúng, phát giác ra thì trị nặng không tha. (Thường nghe tây phương có câu, không ai đứng trên luật pháp, mà không biết rằng từ cuối thế kỷ 18, vua Gia Long đã rõ việc ấy rồi).


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết