(Đền thờ Ông Thái Tử)
Tháng 4 vua thân đi đánh Quy Nhơn, để Đông cung Cảnh giữ Gia Định. Tháng 5 đến cửa biển Nhatrang, đóng ở vụng Hòn Khói. Giặc nghe tin tự vỡ, lấy được phủ Bình Khang.
Từ tháng 5, 1793, vua chính thức có mặt ở Nhatrang, với đầy đủ binh hùng tướng mạnh.
Đặt quan trấn thủ dinh Bình Khang, lấy quản Hậu thủy dinh là Nguyễn Thoan làm Lưu thủ. Ra chỉ dụ để yên dân. Lại thấy trong quân có những binh người Đường (Hoa kiều), người Tây, người Xiêm La, tính hung hãn, khi say rượu khó kiềm giữ, nên cấm các hàng quán ở chợ không được bán rượu, trái lệnh phạt 50 roi.
Trấn thủ Bình Khang Nguyễn Thoan là người địa phương (Nhatrang). Trong binh lực Nguyễn Ánh, có cả lính tráng người Hoa, Tây dương, Xiêm la. (Đây chắc là bọn lính đánh thuê, tính khí thường rất hung hãn).
Tháng 7, vua thân đốc binh thuyền tiến vào cửa An Dụ, rồi vào cửa Thị Nại đánh thành Quy Nhơn. Tháng 9, thuyền vua vào cửa Nha Phu, cho đắp bảo Mông Phụ (Gò Xoài) ở Bình Khang. Vua đến xem rồi sai Nguyễn Văn Thành trấn giữ.
Vua đến Nhatrang lần này là lần thứ 2.
Bảo Mông Phụ (thành đất) không còn dấu tích. Việc vua đích thân đến tận nơi xem việc đắp thành cho thấy vua rất cẩn thận, chu đáo trong mọi việc.
Vua ngự giá về Diên Khánh. Thấy bảo cũ Hoa Bông địa thế tốt, đánh hay giữ đều tiện, bèn sai quân và phát 3.000 dân Bình Thuận, 1.000 dân Thuận Thành khởi đắp trọn 1 tháng thì xong, gọi là thành Diên Khánh (tức là tỉnh lỵ Khánh Hòa ngày nay, thành cao 1 trượng, chu vi hơn 510 trượng, mở 6 cửa, đông và nam đều 1 cửa, tây và bắc đều 2 cửa, trên cửa có lầu, 4 góc có cồn đất).
Thành Diên Khánh xây dựng vào tháng 7, 1793. Nhân lực xây thành là 4.000 người, làm trong 1 tháng. Theo Đại Nam Liệt truyện, chỉ huy xây thành là Vũ Viết Bảo và Tôn Thất Hội).
Giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc chết.
Đặt 25 người miếu phu cho Văn miếu Bình Khang.
Truy lục các tướng sĩ chết vì việc nước ở 2 phủ Diên Khánh và Bình Khang. Triệu Nguyễn Văn Thành về giữ Diên Khánh, Nguyễn Hoàng Đức thay giữ Bình Khang.
Vua đem quân về Gia Định.
Bãi thuộc tìm hương (tìm kỳ nam) ở Bình Khang. Vua cho rằng hương thơm không phải là món cần dùng khi đánh giặc. (Kỷ lưỡng và chú ý đến từng chi tiết).
Tháng 11, triệu Nguyễn Văn Thành về, sai Đông cung nguyên soái Cảnh quận công trấn thành Diên Khánh, cho Bá Đa Lộc và bọn thị học đi theo, cho Phạm Văn Nhân, Tống Phước Đạm, Mạc Văn Tô, Nguyễn Đức Thành cùng tướng sĩ đi theo để điều bát. Khi đi vua dụ Đông cung rằng, đất Diên Khánh bốn mặt đều là chiến trường, dân chúng lầm than lắm rồi. Ta ngày đêm vất vả, nếm đủ đắng cay mới giành được miếng đất ấy. Con nên chuyên tâm, trong giữ yên dân, ngoài lo chống giặc, để đáp tấm lòng mong mỏi của dân và khiến quân giặc phải sợ. Con phải gắng làm như chính ta trông thấy. Lại nói, Đế vương từ xưa chưa ai là không học. Thế cho nên Thái Giáp làm được cháu hiền của vua Thang, Thành Vương làm được vua giỏi của nhà Chu cũng đều nhờ học mà nên đức. Khi việc binh rỗi, con nên gắng theo sư phó, chăm đọc kinh sách, khiến cho sự học được sáng tỏ, nghiệp đức được tiến lên. Đến như đối với người chung quanh thì nên gần người ngay thẳng, xa kẻ gian tà, thế mới gọi là sáng suốt biết người. Đi ra nên kính nhớ lấy. (Dạy con rất nghiêm. Ban ngày đánh giặc, nhưng đêm vẫn phải thắp đèn đọc sách.)
Lại dụ Phạm Văn Nhân và Tống Phước Đạm giúp đỡ Đông cung, định nghiêm tướng lệnh, từ Cai cơ trở xuống, ai không tuân lệnh thì chém.
Triệu Nguyễn Hoàng Đức về, khiến lưu những quân Chân Lạp, Chà Và do Đức sai khiến ở lại Diên Khánh để sung sai bát.
1794, tháng giêng, chưởng dinh Hữu quân Nguyễn Hoàng Đức về đến Diên Khánh, dâng biểu tâu rằng tướng sĩ bộ thuộc đều xin lưu lại để giúp Đông cung. Vua khen và ban áo mùa xuân.
Ngay trong thời chiến, Nguyễn Ánh đã chú ý việc học, (đặt 25 miếu phu ở Văn miếu Nhatrang, làm lễ truy lục tướng sĩ ngay khi chiến trận chưa kết thúc, Nguyễn Ánh chẳng những có nghĩa mà còn rất biết lấy lòng quân dân Bình Khang, Diên Khánh.
Trong số quân của Nguyễn Hoàng Đức có cả lính đánh thuê Chà Và, Chân Lạp. Hoàng Đức hẳn là tướng tài. (Hoàng Đức là Nguyễn Huỳnh Đức, tên con đường cắt ngang đường Trần Quang Diệu ở quận 3, nơi mà anh em mình đã ở trọ trong khoảng 1973- 74. Người đặt tên đường thật có thâm ý, Nguyễn Huỳnh Đức là người thắng trận nhưng chỉ là tên đường nhỏ, Trần Quang Diệu thua trận nhưng là tên đường lớn, và 2 đường này giao cắt nhau.
Tháng 11, 1793, Đông cung Cảnh 13 tuổi chính thức làm Trấn thủ Diên Khánh, 1 tiền đồn cực kỳ quan trong để chống lại quân Tây Sơn. Xem lời dụ của vua sẽ thấy (Diên Khánh 4 mặt đều là chiến trường, ta ngày đêm gian khổ, nếm đủ đắng cay mới giành được miếng đất ấy). Ra chiến trường vẫn không quên việc hoc: Bá Đa Lộc và bọn thị học cũng đi theo.
Đông cung Cảnh chỉ mới nhậm chức đã được lòng tướng sĩ, theo lời tâu của Hoàng Đức, tướng sĩ bộ thuộc xin lưu lại để giúp Đông cung mà không đòi về Gia Định.
Tháng 4 tướng giặc Trần Quang Diệu đem thủy binh vào cửa biển Nhatrang, bộ binh của Nguyễn Văn Hưng cũng đến Bình Khang, hợp vây 3 mặt thành Diên Khánh. Đông cung triệu Vũ Văn Lượng về thành chống giữ, sai Nguyễn Văn Nhân đóng đồn Long Cương (Gò Rồng), Mạc Văn Tô và Nguyễn Đức Thành đóng đồn Ba Ngòi, Nguyễn Long đóng đồn ở Thượng đạo, để chặn không cho giặc thông viện.
Vua nghe tin, bèn thân cử đại binh đi đánh.
Bộ binh của Đông cung từ Thượng đạo đánh úp phá được 3 bảo là Hà Nha, Thị Dã, Chủ Sơn. (các bảo này hiện không còn dấu vết gì).
Sửa đắp thành Diên Khánh, xong việc cho quân ăn yến. (Lần này là sửa chữa lớn. Theo Đại Nam Liệt truyện, trong lần này có làm thêm cung Thái hòa cho hoàng gia ở).
Cho quân Xiêm về. Rồi thấy Đông cung ở lâu chốn biên thành cho về Gia Định trước.
Cho phép quan 2 dinh Bình Khang, Bình Thuận đặt mỗi nơi một lò nấu rượu, nhưng cấm dân không được đặt lò riêng.
Tháng 9 vua đem quân về Gia Định, để Võ Tánh trấn giữ Diên Khánh.
Vua đến Nhatrang lần này là lần thứ 3.
Trong trận đánh vào tháng 3, 4.1794, quân Đông cung từ Thượng đạo đánh úp xuống. Thượng đạo có lẽ là đoạn cuối con đường đi từ thành Diên Khánh lên 7 sách Man để thu thuế mà Đồng Khánh Dư Địa Chí đề cập đến
Đến tháng 7.1794, thành Diên Khánh lại được đắp sửa, có lẽ chiến trận suốt năm qua rất ác liệt nên thành bị hư hại nhiều.
Cũng trong tháng này, Đông cung Cảnh được cho về Gia Định. Vậy là ở Diên Khánh được 9 tháng, đủ để biết mùi chiến tranh.
Quân Xiêm cũng được cho về. Xiêm rất thân thiết với với chúa Nguyễn Ánh nhỉ. Đem quân đến tận Nhatrang giúp chúa. Không biết về mang theo những gì. (Mai ta về ngươi gởi gì không, Mai ta về vàng lụa đầy bồng).
Đánh nhau xong thì tiếp tục ăn chơi. Ăn chơi không thể thiếu rượu nên phải cho lập ngay lò nấu rượu. Bác Sơn có động lòng thì gởi gấp cho mấy vò Hoàng hoa tửu, chuyển phát qua cỗ máy thời gian.
Trần quang Diệu vây thành Diên Khánh rất ngặt. Tháng 1, 1795 Vua phải thân dẫn thủy quân cứu viện. Tháng 5, Võ Tánh đang đêm thân mở cửa thành, đốt trại giặc từ núi Hoa Lâm đến cầu Hoa Bông. Giặc vỡ chạy.
Tháng 7, 1795, vua lại đem binh giải vây Diên Khánh.
Tháng 8, cho sửa thành Diên Khánh, làm thêm kho tàng. Tha tô thuế cho Bình Khang và Diên Khánh rồi rút quân về Gia ĐỊnh.
Trong năm 1795 vua đến Diên Khánh 2 lần. Đây là lần 4 và 5.
Chiến sự từ cuối 1794 đến giữa 1795 là rất dữ dội. Diên Khánh có lúc bị vây chặt đến nỗi trong thành thiếu muối ăn, thiếu nước uống.
Tháng 8, 1785, lại sửa thành Diên Khánh. Tha tô thuế cho Bình Khang, Diên Khánh. Thuế thu ở Bình Thuận chở đến chứa ở Diên Khánh, có lẽ để tập trung cho việc binh. Chiến sự năm này còn ác liệt hơn cả năm trước.
1797, tháng 4 vua thân đem binh thuyền đánh Quy Nhơn, Đông cung Cảnh đi theo, Tôn Thất Hội ở lại giữ Gia Định.
Thuyền vua đóng ở cửa biển Cù Huân, cho người giữ thành Diên Khánh.
Sai Đông cung Cảnh đem quân vào cửa Đại Chiêm đánh lấy Chiêm Dinh (tức Quảng Nam).
Tháng 6 Đông cung Cảnh đem quân đánh La Qua, giết được voi giặc, giặc vỡ chạy, được vua thưởng 1.000 quan tiền.
Sai lưu trấn Gia Định chở tiền gạo đến đậu ở cửa Cù Huân để cấp phát cho quân sĩ.
Tháng 8, sai đặt đàn tế tướng sĩ trận vong.
Vua ra Nhatrang đây là lần thứ 6.
-
Vua Gia Long - Đông Cung Cảnh và Thành Diên Khánh (Kỳ 4/4)< Trang trước
-
Vua Gia Long - Đông Cung Cảnh và Thành Diên Khánh (Kỳ 2/4)Trang sau >