Sự trao đổi văn minh giữa hai dân tộc Viêt - Chàm (kỳ 2/2)

3. Kinh tế

A. Nông nghiệp

Về nông nghiệp, kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng Chàm trong việc canh tác lúa Chiêm.

Trong sách Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn ghi nhận đời Tống bên Trung hoa từ cuối thế kỷ 10 đã biết tới giống lúa Chiêm:”người Giao chỉ ở phương nam và người Chiêm Thành tiếp xúc với nhau, nên lúc lúa chín vào mùa hạ, họ gọi là lúa Chiêm”.

Sách này ghi tên một số giống lúa Chiêm như lúa Sái đường, lúa Hồ lệ, lúa Thạch, lúa Chiêm di, lúa Chiêm dự, lúa Chiêm hoàng…

B. Lâm sản và hải sản

Trong số các lâm sản của Chiêm Thành mà sau này dân ta cũng khai thác, đặc biệt nhất là trầm hương và kỳ nam. Ttrong các sản vật quý mà các vua Chàm cống hiến cho nước ta và Tàu, cũng không thể thiếu trầm và kỳ.

Ngoài ra dân ta còn tiếp tục khai thác tổ yến trên đất cũ của người Chàm.

C. Khoáng sản

Có mỏ vàng, suối nước nóng và ruộng muối.

  1. Đồ vàng trong các đền tháp như mũ miện của vua, các pho tượng, các hộp, bình lọ…cho thấy người Chàm có kỹ thuật đúc và chạm trổ đồ vàng khá điêu luyện.

   Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn có ghi nhiều chỗ sản xuất vàng dưới triều chúa Nguyễn, trên địa phận cũ của Chiêm Thành:

Xã Nam Phổ hạ, huyện Phú Vang, Nguồn Phù Ân, huyện Phú Vang, xứ Quảng Nam có nhiều núi có vàng (núi Trà Nô, Trà Tổ), và cả nguồn Thu Bồn.

  1. Suối nước nóng

Đất cũ Chiêm Thành có nhiều suối nước nóng. Tục truyền công chúa Huyền Trân đã được Chế Mân đưa đi du ngoạn rừng mai Phan Thiết và tắm suối nước nóng Vĩnh Hảo.

Gần Vĩnh Hảo, vùng Nhà Mè (Palai Fa Moemith), có 1 suối nước nóng khác.

Gần Phan Rí, tại làng Palai Saplon, cũng có 1 suối.

  1. Ruộng muối

Dọc miền duyên hải từ Sa Huỳnh đến La Gi, từ Hòn Khói đến Cà Ná đều có ruộng muối của người Chàm, và dân ta vẫn tiếp tục khai thác.

 

4. Văn chương và mỹ thuật

A. Ảnh hưởng về văn chương

Tiếp xúc với nền văn minh Chàm, các văn gia thi sĩ Việt Nam đã mượn nhiều đề tài từ lịch sử và nếp sống hàng ngày của dân Chàm.

Mối nhân duyên của Chế Mân- Huyền Trân công chúa là nguồn cảm hứng cho nhiều thi sĩ:

“Càng lâu càng lắc mùi hay,

Cho cam công kẻ nhúng tay thùng chàm.”

(Cung oán ngâm khúc)

“Trót vì tay đã nhúng chàm

Dại rồi còn biết khôn làm sao đây”.

(Truyện Kiều)

“Trót vì tay đã nhúng chàm

Chẳng xanh cũng nhúng cả bàn cho xanh”.

 (Ca dao)

Chỉ cách đây non nửa thế kỷ, một thi sĩ của ta đã chân thành than khóc cho sự diệt vong của dân tộc Chiêm Thành:

“Nước non Chàm chẳng bao giờ tiêu diệt

Tháng ngày qua vẫn sống với đêm mờ”.

“Trong thơ ta dân Chàm luôn sống mãi

Trong thơ ta xương máu khóc không thôi”.

 (Chế Lan Viên)

B. Ảnh hưởng về mỹ thuật

Kho tàng văn chương Chàm còn lưu lại chỉ là những văn bia xưng tụng võ công và công đức của các vua Chàm. Do đó ảnh hưởng của văn minh Chàm với Việt Nam nghiêng về khía cạnh mỹ thuật nhiều hơn.

1. Âm nhạc

Âm nhạc cổ truyền Việt Nam có 2 điệu, điệu Khách và điệu Nam. Điệu Khách, chịu ảnh hưởng Trung hoa như các bài Lưu thủy, Hành vân. Điệu Nam, như tên gọi, chịu ảnh hưởng nhạc Chiêm Thành ở phía nam, giọng trầm và buồn.

Sử ta cũng ghi rõ nguồn gốc các điệu nam. Năm 1014, vua Lý Thái Tông sau khi đánh thắng vua Chiêm là Sạ Đẩu, khi về nước bắt đem theo cả các cung tần mỹ nữ biết ca điệu khúc Tây Thiên. Năm 1060, vua Lý Thánh Tông khi đánh thắng vua Chiêm Chế Củ, lúc khải hoàn cũng bắt theo các nữ nhạc công Chàm.

Cũng dưới triều Lý, năm 1202, vua Lý Cao Tông lệnh cho các nhạc công chế lại khúc điệu đặt tên là Chiêm Thành âm, tiếng nghe ai oán khiên ai nghe cũng rơi lệ.

Về nhạc khí các thư tịch cổ ghi nhận ảnh hưởng của Chiêm Thành.

Lê Tắc, trong An Nam chí lược chép,”nhạc khí có thứ trống Phạn sĩ (trống cơm), nguyên của Chiêm Thành, kiểu tròn và dài, nghiền cơm, bịt 2 đầu, cứ giữa mặt mà vỗ thì kêu tiếng trong mà rõ, hợp với ống kèn, tháp nứa, cái xập xõa, cái trống lớn, gọi là đại nhạc, chỉ vua và tôn thất quí quan mới được dùng. Còn đàn cầm, đàn tranh, tì bà, đàn thất huyền, đàn song huyền, ống địch, ống sáo, kèn và quyển, thì gọi là tiểu nhạc, không kể sang hèn, ai cũng dùng được.

Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút, chép:”cái trống cơm, có tên là yêu cổ, đánh cả 2 mặt một lúc, khi đánh phải dán 2 miếng cơm nếp vào giữa 2 mặt trống, thì mới có tiếng kêu, vì vậy mà có tên. Khi đánh không cần phải múa nhưng phải rún rảy thân mình.”

Trong nhạc Chàm, trống cơn có tên là Ganan. Trước đệ nhị thế chiến, tại các làng trung châu bắc bộ, khi có đám rước lớn, vẫn còn thấy 2 người đàn ông, ăn mặc giả trang đàn bà, má phấn môi son, đeo cái trống con trước ngực, giả làm”con đĩ đánh bồng”. Tục lệ này khiến ta suy đoán rằng, ngày xưa theo tục lệ cũ của người Chàm, do các nữ nhạc công, vừa đánh trống vừa nhún nhảy đánh nhịp. Nhưng vì phụ nữ Việt Nam, ít người chịu lĩnh vai trò ấy, nên phải thay bằng đàn ông, giả phụ nữ, đóng vai”đĩ đánh bồng”.

Đời vua Lê thánh Tông, năm 1483, bộ Thiên nam dư hạ tập, mục Nhã nhạc, chép:”cái long sinh, hay sanh tiền, làm bằng 2 miếng tre. Khi đánh long sinh, nhạc công phải đồng thời múa theo điệu nhạc”. Nhạc khí này có lẽ cũng chịu ảnh hưởng của Chiêm Thành.

2. Kiến trúc và điêu khắc

Ngày nay trên khắp miền duyên hải, từ Thừa Thiên đến Bình Thuận còn rất nhiều đền tháp cổ của Chiêm Thành. Ở cực bắc là tháp Linh Thái (ở Thừa Thiên), ở cực nam là tháp Phố Hài (Pajei, Phan Thiết). Ngoài ra :

Quảng Nam có đền tháp ở Trà Kiệu, Đồng Dương, Mỹ Sơn.

Quảng Ngãi có tháp Chánh Lộ.

Bình Định có tháp Bạc, Tháp Đồng, tháp Ngà.

Phú Yên có Nhạn tháp.

Nhatrang có tháp Bà.

Ninh Thuận có tháp Chàm, tháp Hòa Lai.

 Tháp Chiêm Thành có 2 đặc điểm. Về hoạch đồ, tháp có hình vuông. Về kiến thiết, vòm cửa không xây theo kiểu gạch xếp rẻ quạt như vòm kiểu La Mã. Vòm cửa tháp Chàm xây theo lối xếp gạch ngang so le, cho đến khi hai hàng đối diện gặp nhau.

Tháp thường được trang hoàng bằng nhiều tượng đá, thần, vũ nữ, dã thú…

Kiến trúc Chàm chịu ảnh hưởng của Ấn độ.

Trái lại kiến trúc Việt Nam dùng vật liệu chính là gỗ vì chịu ảnh hưởng Trung hoa.

Kiến trúc và điêu khắc Chàm có ảnh hưởng tại Việt Nam không.

Ảnh hưởng này thường xuất hiện dưới triều Lý và Lê khi các thợ tù binh Chàm bị bắt về Thăng Long.

Triều Lý Thánh Tông, 1056, vua cho xây chùa Sùng Khánh Báo thiên. Vị trí ở nhà thờ lớn Hà Nội hiện nay, không còn di tích.

Năm sau, 1057, vua sai thợ Chiêm Thành xây tháp Đại Thắng Tư thiên. Xây chùa Thiên Phúc, Thiên Thọ, đúc tượng Phạn vương và Đế Thích. Đây là ảnh hưởng rõ rệt của văn minh Chàm vì Phạn vương (Brahma) và Đế Thích (Indra) là thần trong đạo Bà La Môn.

Việt sử lược chép năm 1070, vua Lý Thánh Tông lại cho xây chùa Nhị Thiên vương ở đông nam thành Thăng Long thờ thần Phạn vương và Đế Thích.

Đời Lý Cao Tông, năm 1194, vua truyền lấy vàng tô thếp tượng Phạn vương và Đế Thích.

Ảnh hưởng Chàm còn nhận thấy ở các tượng phỗng đá, quỳ gối, 2 tay chắp vòng đằng trước, dây lưng thắt lỏng lẻo trên bụng phệ. Các tượng phỗng đá này thường đặt ở các đền thờ vua quan các triều Lý, Trần, Lê.

Đặc biệt tại chùa Thầy (Quốc Oai, Sơn Tây) thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh, cũng có 2 tượng phỗng đá và cái bệ đá có chạm trỗ hình quỳ theo lối Chiêm Thành. Tượng và bệ đá đều do thợ Chàm tạc ra dưới thời Lý Thần Tông.

 

Bình Thạnh, tháng 9.2019

Ng T Hải


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết