PHẬN NGƯỜI

PHẬN NGƯỜI

 

Tiểu lộ lạc diệp thu
Khứ thời nhân tại kim hà tại
Nhàn đàm đơn nguyệt ánh

Người xưa giờ ở nơi nào
Ðường thu lá nhỏ ao sầu ánh trăng

(Hán tự hài cú, Ngô Văn Tạo, Trịnh Công Sơn dịch)

 

Dải đất miền Trung nắng đổ lửa, mưa trắng trời, rặng Trường sơn chiếm gần hết và đồng bằng rất hẹp, nhưng từ bao đời nay, người dân vẫn sống, lặng thầm nhưng can đảm, chống chọi mà vẫn hòa thuận với thiên nhiên.

Những năm gần đây mưa bão rất nhiều, quá nhiều, vượt sức chịu đựng của cả con người và núi non, đất cát gây bao đau thương, tan nát cho khúc ruột này.

 

LỊCH SỬ MỘT VÙNG ĐẤT

Bản vẽ sơ đồ khu đền tháp Đồng Dương của Parmentier (1902)

 

Sáp lá cà giữa quân Chàm và Khmer. Phù điêu ở đền Bayon, Angkor

Hàng trên diễn cảnh quân Khmer tấn công quân Chàm trong rừng. Hàng dưới  là quân Chàm ngồi kín từ mũi tới lái trong trận tổng tấn công. Phù điêu ở Bayon. Angkor.

(National Geographic, April 1960, Jewel of the Jungle, W. Robert Moore)

(Vua Chiêm thành tấn công Kampuja bằng một hạm đội hùng mạnh. Mã Tuấn Linh (Ma Tuan-lin), sử gia người Trung quốc, thuật lại ngày tàn thảm khốc của Angkor vào năm 1113, đỉnh điểm của cuộc chiến 30 năm.

Mã viết, “ Một viên quan người Trung quốc đắm tàu ở bờ biển Chiêm Thành. Ông thấy cả hai bên đều dùng voi ra trận, không bên nào có ưu thế. Ông bày cho vua Chiêm dùng kỵ binh trang bị cung tên, rồi dạy cho kỵ binh cách dùng cung trên lưng ngựa. Chiêm thành đại thắng.)

(Trích từ bài Jewel of the Jungle, NatGeo)

Từ những hình ảnh này, phần nào hình dung được trang phục chiến cụ của quân Chàm (và Khmer) thế kỷ XII .

 

Các sách sử Việt nam giai đoạn trước Công nguyên chỉ dựa vào nguồn sử Tàu, hầu như không ghi chép gì về một xứ sở miền trung . Chỉ khi Khu Liên nổi lên, giết Huyện lệnh nhà Hán, tự lập làm vua ở đất Tượng Lâm năm 192 ( Tượng Lâm nay là các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam), thì người ta mới biết đến nước Chiêm Thành.

Nhà khảo cổ Georges Maspéro viết:

Đất đai của Campa (Chiêm thành) xưa gồm từ Hoành Sơn (Quảng Bình) đến Bình Thuận.

Vương quốc cỏ này có tên chữ Phạn là Nagara Campâ (Vương quốc Chiêm thành). Campâ là tên một loài hoa (và cây) thường thường là trắng, rất thơm.

Cái tên Campâ này được thấy ghi lần đầu tiên ở trên bia tại M sơn của vua Cambhuvarman (Phạm Phàn Chí) sống vào năm 629 công nguyên. Các tác giả viết tên đó bằng cách phiên âm mỗi người một khác: Cyamba, Campe, Tchampa, Campa, Champa. Người Trung Quốc gọi bằng nhiều danh hiệu: Lâm ấp, Hoàn vương và Chiêm thành (Chiêm là phiên âm chữ Campa). Ta gọi theo Trung Quốc, gọi là Chăm.

(Le Royaume de Champa, Georges Maspéro, 1910)

Các sử gia hiện thời cho biết thêm:

Người Chăm là hậu duệ của cư dân Sa Huỳnh, một dân tộc cổ đi từ quần đảo Mã lai đến vùng nay là duyên hải Việt Nam khoảng 600 TCN. Rất có thể họ di chuyển để thành lập các cảng buôn bán giữa quần đảo Mã lai với Trung quốc và với vùng cao nguyên của Annam.

(R. Killian, R Hickey, L Moffett, D Viejo-Rose, Farina So, Vannara Orn _ Cham, Culture and History of Cambodia)

Nhưng các nhà khảo cổ Việt Nam cho rằng văn hóa Sa Huỳnh (ít nhất cũng có từ thiên niên kỷ thứ I TCN), là nền văn hoá bản địa, đi biển chỉ là một trong các sinh hoạt của họ thôi (Văn hoá Sa Huỳnh, Vũ Quốc Hiền; Phát hiện và nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh, 1909-2019, Lâm Thị Mỹ Dung)

 

(Có một điều khó hiểu chưa thấy có lời giải thích nào: có một nền văn hoá Chăm, nhưng không có một nền văn học Chăm. (Người Chăm rất yêu âm nhạc nhưng không có tác phẩm văn học nào để lại, G Maspéro) Hầu hết các bi ký còn lưu giữ đều khắc bằng chữ Phạn cổ, một số rất ít ghi bằng chữ Chăm cổ. Vì sao tiếng Chăm cổ không được trọng dụng ? Thế lực nào, sức ép nào buộc họ dùng chữ Phạn cổ. Quá trình hình thành văn tự là rất khó nhọc. Vì sao đã có văn tự riêng của dân tộc mình lại không sử dụng, mà đi dùng văn tự vay mượn của xứ khác ? Bi ký chỉ ghi kinh điển, việc xây dựng, cúng dường các đền tháp. Không ghi chép gì về thi ca, văn chương nói chung. Hay là số phận chữ Chăm cổ cũng như chữ Nôm của Việt Nam: bị coi là thấp kém, chỉ dành cho giới bình dân.)

Trong bộ sách Chiêm Thành lược khảo của nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hoà, Phạm Quỳnh đề tựa, 1936, chép rằng theo sử  nhà Minh có ban chiếu khoa cử cho nước Chiêm Thành vì có nhiều người Chàm thông chữ Hán. Bộ Minh thi tông có chép mấy bài thơ của sứ Chiêm Thành và một bài sứ thần tặng bạn khi lên lầu xem phong cảnh ở bến Cô Tô. Mấy bài này đều bằng chữ Hán.

Nhưng chỉ có chừng ấy thôi.

Nước Chiêm Thành thuở ấy, vùng Ngũ Quảng ngày nay ( Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức ( tức là Thừa Thiên Huế), Quảng Nam, Quảng Ngãi, cực thịnh trong non 10 thế kỷ trước khi bị người Việt đẩy lùi về phía nam rồi mất hẳn vào thế kỷ 18. Họ từng có những con người kiệt hiệt, như Indravarman II, người xây dựng Phật viện Đồng Dương một thuở huy hoàng khoảng năm 875 ở kinh đô Indrapura (Quảng Nam nay) hay người anh hùng Chế Bồng Nga, lên ngôi vua năm 1360, rồi suốt 30 năm đó, liên tiếp đem quân quấy phá Đại Việt, có lần đến tận kinh thành Thăng Long cướp bóc. Nhưng số phận thật kỳ lạ; Chế Bồng Nga bị chính đầy tớ của mình làm phản và bị giết dưới tay tướng Trần Khát Chân năm 1390, đời Trần Nghệ Tông. Lê Quý Đôn cho biết, Chế Bồng Nga ra vào Đại Việt như chốn không người, chỉ trong vài năm, tàn phá Thăng Long đến 3 lần.

 

Một nhân vật khác xuất thân từ vùng đất Lâm Ấp không được lịch sử cả Trung quốc và Việt Nam ghi nhận nhưng lại được sử sách Nhật Bản tìm hiểu khá kỹ là nhà sư Phật Triết, người có ảnh hưởng lớn đến nhã nhạc Nhật Bản.  Các học giả Nhật Bản cho biết Phật Triết hay Phật Triệt sinh trưởng ở Lâm Ấp, qua Nhật từ năm 736 cùng với Bodhisena, cao tăng người Ấn Độ. Ông có dạy tiếng Phạn, truyền lại điệu múa gọi là nhạc Lâm Ấp, có ảnh hưởng lớn đến nhã nhạc cung đình của Nhật. Không rõ mất khi nào.

 

Không chỉ có quân vương mộ đạo, nhà vua hiếu chiến, nhà sư tinh thông nhã nhạc, còn có nàng Mỵ Ê tiết liệt.

Nàng là vương phi của vua Chiêm Sạ Đẩu, tức Jaya Sinhavarman II. Năm 1044, vua Lý Thái Tông đánh Chiêm thành, chiếm thành Phật Thệ, bắt hàng trăm cung nữ, ca kỹ, nhạc công mang về, trong số ấy có cả nàng Mỵ Ê. Vua ép nàng theo hầu, nàng quấn khăn nhảy xuống sông Châu Giang tự trầm. Vua kính phục, khen nàng tiết liệt, phong làm Hiệp Chính Hựu thiện phu nhân. Thi sĩ Tản Đà viết bài thơ Tâm sự nàng Mỵ Ê  kể đời nàng:

Châu giang một giải sông dài,

Thuyền ai than thở, một người cung phi!

Đồ Bàn thành phá hủy,

Ngọa Phật tháp thiên di.

Thành tan, tháp đổ

Chàng tử biệt,

Thiếp sinh ly.

Sinh ký đau lòng kẻ tử quy!

Sóng bạc ngàn trùng

Âm dương cách trở

Chiên hồng một tấm,

Phu thê xướng tùy.

Ôi mây! Ôi nước! Ôi trời!

Đũa ngọc, mâm vàng, giọt lụy rơi.

Nước sông trong đục,

Lệ thiếp đầy vơi

Bể bể, dâu dâu, khóc nỗi đời!

Trời ơi! Nước hỡi! Mây hời!

Nước chảy, mây bay, trời ở lại,

Để thiếp theo chồng mấy dặm khơi!...

Ơi Mỵ Ê ! Hỡi Mỵ Ê ! Nước chảy, mây bay, trời ở lại. Để thiếp theo chồng mấy dặm khơi !

Những nhạc công, ca kỹ Chiêm Thành đã hình thành nền âm nhạc cung đình triều Lý. Và cả những kiến trúc mỹ thuật phẩm Lý Trần cũng mang dấu vết của nghệ thuật Chiêm. Họ còn là những chiến binh thiện chiến, những thủy thủ dạn dày sương gió, một thời ngang dọc khắp vùng biển miền Trung và Đông Nam Á.

Nào đâu, ai xây dựng đền tháp Chàm tuyệt mỹ, ai là tráng sĩ sa tràng quân mạc tiếu, ai đã theo Chế Bồng Nga ra tận kinh thành Thăng Long, khiến vua quan, dân kinh thành khiếp sợ, ai đã cùng Harivarman IV dong binh thuyền đánh đến tận kinh đô Chân Lạp (1074) và liên tiếp 100 năm sau đó, và những ai tham gia đội thương thuyền ngang dọc suốt vùng biển Đông Nam Á…

Phù điêu đản sanh thần Brhma, do nhà khảo cổ Henri Parmentier và các cộng sự tìm thấy ở tháp E1, Mỹ sơn, năm 1903-04, đưa về bảo tàng Chăm Đà Nẵng năm 1935. Đã từng được Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet, Paris mượn trưng bày năm 2004. Bảo tàng Metropolitan, New York, nhân trưng bày “Nghệ thuật điêu khắc Phật giáo - Ấn Độ giáo của những quốc gia đã mất ở Đông Nam Á.” cũng mượn năm 2014.

Phế tích Mĩ sơn

(Archéologie indochinoise. Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient. Tome 21, 1921. pp. 43-165)

Phần hiên và tháp, mặt Nam (Porche et Pylône, Face Sud) _ Đồng Dương, Quảng Nam

(Le Royaume de Champa_Georges Maspero)

 

Phần hiên và tháp, mặt Bắc (Porche et Pylône, Face Nord) _ Đồng Dương, Quảng Nam

(Đây lả ảnh thực tế để Parmentier thực hiện bản vẽ sơ đồ khu đền tháp Đồng Dương ở đầu bài. Những di tích này nay không còn nữa)

(Le Royaume de Champa_Georges Maspero)

 

Đài thờ Trà Kiệu (Piédestal de Trà Kiệu, Quảng Nam, Musée de Tourane)

(Le Royaume de Champa_Georges Maspero)

 

Đài thờ Trà Kiệu (Piédestal de Trà Kiệu, Quảng Nam)- Chi tiết (Musée de Tourane)

(Le Royaume de Champa_Georges Maspero)

Tháp Po Nagar: Tháp trung tâm, hành lang mặt bên, hướng Bắc (Tour centrale, Façade laterale Nord)

Po Nagar: Tháp trung tâm, hành lang chính (Tour centrale, Façade principale) 

(Le Santuaire de Po Nagar-Henri Parmentier, 1902)

“Trung Hoa đã là trung tâm lớn nhất về mặt dân số và sản xuất, trên thế giới trong suốt thời kỳ thịnh đạt của Chàm (vào khoảng 300-1500 sau Công Nguyên).

Chàm đã thụ hưởng vị trí may mắn nhất tại Đông Nam Á trong hoạt động thương mại này với Trung Hoa.  Mọi hải vận giữa Trung Hoa với phần còn lại của thế giới (ngoại trừ quần đảo Phi Luật tân và Nhật Bản), đã bám sát bờ biển xứ Chàm ít nhất trong năm trăm cây số nằm giữa Cape Varella (Mũi Kê Gà) và Cù Lao Chàm (sát phía nam Đà Nẵng ngày nay) và thông thường, cho các tàu du hành từ Eo Biển Melaka (và thường từ Ấn Độ) hay Xiêm La, trong một quãng đường tương đương xuôi xuống phía nam gần đên vùng Châu Thổ sông Cửu Long (Mills 1979, 73-5).

Như cảng ghé chân cuối cùng trước khi luồng hải vận này chạy băng ngang Vịnh Bắc Bộ đến miền Nam Trung Hoa, Chàm hẳn phải can dự nhiều vào công cuộc mậu dịch, triều cống, và các cuộc hành hương di chuyển đi/đến từ Trung Hoa.  Ngay các tàu đối nghịch cũng sẽ dừng chân tại một trong những cảng thiên nhiên của nó để lấy nước, và các tàu thân thiện sẽ tiếp nhận hàng hóa, dân chúng và tư tưởng.  Phần lớn việc hải vận này được đảm nhận bởi các người thuộc ngữ tộc Nam Á Đa Đảo…” 

(Trích Người Chàm trong hệ thống hàng hải Đông Nam Á, Anthony Reid, Ngô Bắc dịch)

Trong truyện ngắn Những vì sao (Les Étoiles), nhà văn Alphonse Daudet, qua lời chàng chăn dê, kể cho chúng ta nghe về sự tích những vì sao trên trời:

“Ngay cùng lúc ấy, một ngôi sao rơi đẹp lướt trên đầu chúng tôi cùng một hướng, không khác nào tiếng rên rỉ mà chúng tôi vừa nghe, mang theo mình một tia sáng. Stephanette khẽ hỏi tôi: - Gì thế? - Thưa cô, một linh hồn vào thiên đường…

“Nhưng ở đây, chúng tôi sống gần các vì sao hơn và chúng tôi biết những gì xảy ra trên ấy rành hơn những người dưới đồng bằng. Nàng vẫn nhìn trên cao, đầu tựa vào bàn tay, mình phủ áo da trừu như một tiểu mục đồng. Sao  lắm sao thế? Đẹp thật! Tôi chưa từng thấy nhiều như vậy. Anh có biết tên chúng không, anh chăn dê?

“- Biết chứ thưa cô. Đây này, ngay trên đầu chúng ta đó là Con đường của thánh Jacques ( giải Ngân hà ). Nó đi từ nước Pháp thẳng đến Tây ban Nha. Chính thánh Jacques de Galice đã vạch nó chỉ đường cho Charlemangne dũng cảm, khi ông đánh nhau với người Sarrasins. Xa hơn, ta thấy Chiếc xe linh hồn ( Bắc đẩu ), có bốn cái cốt xe sáng ngời. Ba ngôi sao đi phía trước là Ba con vật và ngôi sao bé tí cạnh bên ngôi sao thứ ba là  Người đánh xe. Cô có thấy chung quanh, đám mưa sao rơi xuống không? Đó là những linh hồn mà Thượng đế không muốn nhận vào Thiên đường….

(Trích Những vì sao, Les Étoiles, Alphonse Daudet, Lưu Bằng dịch)

Khi có một linh hồn lìa trần thế, Alphose Daudet qua lời chàng chăn dê cho chúng ta biết sẽ có một vì sao đẹp vừa vào Thiên đàng và vô số những vì sao khác rơi xuống, vì chúng không được vào Thiên đàng.

Vậy nàng Mỵ Ê có được vào Thiên đàng không ?

Nước chảy, mây bay, trời ở lại.

Để thiếp theo chàng…

Qua mấy vần thơ của thi sĩ Tản Đà, chỉ có trời ở lại. Vậy là nàng Mỵ Ê đã lên Thiên đàng rồi.

Số phận Mỵ Ê cũng là số phận của nàng Ngu Cơ, ái phi của Sở Bá vương Hạng Vũ:

 

Cai Hạ ca

Lực bạt sơn hề, khí cái thế,

Thời bất lợi hề, Truy bất thệ

Truy bất thệ hề khả nại hà,

Ngu hề, Ngu hề nại nhược hà.

 

Sức dời núi, khí trùm trời,

Ô Truy chùn bước bởi thời không may!

Ngựa sao chùn bước thế này?

Ngu Cơ, biết tính sao đây hỡi nàng?

 

Hòa Cai Hạ ca

Hán binh dĩ lược địa,

Tứ diện Sở ca thanh.

Trượng phu ý khí tận,

Tiện thiếp hà liêu sinh.

 

Quân Hán đã cướp đất,

Bốn mặt giọng Sở ca.

Đại vương ý khí tận;

Tiện thiếp sống chi mà?

 

Trong mấy vì sao lạc, sao nào là Ngu Cơ, sao nào là Hạng Vũ ?

Và vì sao nào mang theo linh hồn của những người dân quê miền Trung ?

Không chỉ là chiến binh, thủy thủ, họ còn là những chuyên gia thủy lợi tài ba. Giếng cổ ở Gio An, Quảng Trị, đập nước ở Nha Trinh, Ninh Thuận có từ hàng ngàn năm trước, đến nay vẫn phát huy tác dụng. Họ còn có giống lúa Chiêm mà Trung Hoa gọi là lúa tiên, đi vào nền nông nghiệp Đại Việt và Tống khoảng thế kỷ X. Giống lúa có năng suất cao, trồng được 2 vụ và nhờ đó đời sống người dân được ấm no hạnh phúc. Các nhà dân tộc học nhận xét rằng người dân ở khu vực miền nam, sống nhờ vào nền nông nghiệp lúa nước, ổn định và ít phải di chuyển nên thường thi ca và văn học của họ phát triển hơn khu vực miền bắc. Cỏ vẻ như chỉ đúng với dân tộc Trung hoa, không đúng với dân tộc Chàm.

“Gần như ở mọi nơi trên thế giới này văn hóa của những kẻ chiến bại không bao giờ mất mà, dường như, nó còn sống dậy rất mãnh liệt để cả nhân loại phải chiêm ngưỡng và nhắc đến. Chăm Pa, may thay, đã là như vậy.” (TS Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học_ Đôi điều về nước sạch của người Chăm Pa xưa).

TS Nguyễn Tiến Đông cho biết thêm, người đầu tiên nghiên cứu về hệ thống khai thác nước bằng đá xếp này là M. Colani (từ 1912-1940). Bà kết luận là,  chúng “ "thuộc về một dân tộc ngoại lai đã để lại hậu duệ của mình ở Quảng Trị, song số lượng ít, chìm vào tổng thể". 

Tiếp tục công trình của Colani, Linh Mục L. Cadière cũng tiếp tục sự kiến giải trên bằng việc đưa ra một số giả thiết, rằng chủ nhân của những công trình khai thác nước bằng đá xếp trên là một tộc người ở đại dương đã từng tiến vào khu vực dọc bờ biển Quảng Trị.

Kết luận của TS Nguyễn Tiến Đông là, Đó không phải là sản phẩm của người Việt. Đó là của Chăm Pa và có thể, một số giếng có niên đại trước Chăm.

 

 

 

Cận cảnh một giếng cổ được xếp đá vô cùng độc đáo ở xã Gio An (Độc đáo giếng cổ 2.000 năm tuổi ở Quảng Trị - Báo Người lao động (nld.com.vn)

Nước ở giếng cổ chảy quanh năm, tưới tốt cho các ruộng rau liệt phía dưới (Độc đáo giếng cổ 2.000 năm tuổi ở Quảng Trị - Báo Người lao động (nld.com.vn)

Hệ thống đá xếp dẫn nước từ giếng cổ ra các ruộng rau được đặt công phu, đẹp mắt (Độc đáo giếng cổ 2.000 năm tuổi ở Quảng Trị - Báo Người lao động (nld.com.vn)

Đập Nha Trinh, Ninh Thuận

Các tảng đá được sắp đều nhau từ thế kỷ 12, tạo nên con đập Nha Trinh vững chãi đến ngày nay - Ảnh: Viễn Sự, Tuổi Trẻ online

Chòm rẫy xanh mướt ở làng Bàu Trúc, bên dòng mương Nhật dẫn nước từ đập Nha Trinh chảy về - Ảnh: Viễn Sự, TT online

Cách xây dựng đập của người Chàm nghe ra rất đơn giản và hoàn toàn thuận theo tự nhiên:

Vua Poklongirai (1151 - 1205) chọn địa điểm xây đập chỉ bằng việc thả một thân cây chuối từ thượng nguồn, đến khúc sông nào cây chuối trôi chậm lại và tấp vào bờ thì nơi đó được chọn, bởi các vua Chăm xưa đã không chọn cách cưỡng lại dòng nước mà thuận theo nước để xây đập. Nơi cây chuối tấp vào là nơi sông uốn khúc, dòng chảy chậm và sức phá nước sẽ giảm đi. Còn thân đập, những tảng đá được xếp kề nhau vẫn đủ tạo ra những khe hở để nước có thể luồn qua và tạo thành khe nhỏ chảy về xuôi nên không bao giờ bị tức nước. Tài liệu thủy nông còn ghi năm 1889 khi người Pháp cho tu bổ hệ thống kênh Chàm, họ đã không đủ tin tưởng vào con đập chỉ là đá được xếp chồng lên nhau và giữ chắc hơn bằng những đụn rễ cây phun chai nên đã dời đập Nha Trinh lên thượng nguồn khoảng 50m, ngay đoạn nước trũng sâu nhất, chảy mạnh nhất nhưng thất bại. Chỉ sau một mùa lũ con đập bêtông của người Pháp đã bị cuốn phăng, nay vẫn còn móng nằm sâu trong nước.

“Người Chăm không chặn luôn dòng nước mà chỉ đắp đập để dâng cột nước, đủ chảy về ruộng đồng... Không bao giờ để tức nước”.

Quan niệm về môi trường của người Chàm cũng là cách nghĩ của người da đỏ châu Mỹ.

Năm 1854, Tổng thống thứ 14 của nước Mỹ là Franklin Pierce muốn người da đỏ nhượng bớt đất cho người da trắng. Tù trưởng Seattle của bộ lạc da đỏ Duwamish và Supuamish đã trả lời với người đại diện của Tổng thống Hoa Kì. Bài trả lời được Tiến sĩ Henry A.Smith ghi và dịch ra tiếng Anh.

 

Bức thư được coi là văn kiện hay nhất xưa nay nói về mối quan hệ thiêng liêng của các tộc người thiểu số đối với đất đai quê hương ngàn đời của họ và quan niệm thâm thúy của họ về môi trường sống của con người:

“Bầu trời này, nguồn sưởi ấm đất đai của chúng tôi làm sao Ngài có thể mua bán nổi?...

“Đối với đồng bào tôi, mỗi tấc đất là thiêng liêng, mỗi lá thông óng ánh, mỗi bờ cát, mỗi hạt sương long lanh trong những cánh rừng rậm rạp, mỗi bãi đất hoang và tiếng thì thầm của côn trùng là những điều thiêng liêng trong ký ức và kinh nghiệm của đồng bào tôi. Những dòng nhựa chảy trong cây cối cũng mang trong đó ký ức của người da đỏ…

“Dòng nước óng ánh, êm ả trôi dưới những dòng sông, con suối đâu chỉ là những giọt nước, mà còn là máu của tổ tiên chúng tôi…

“Những dòng sông là người anh em của chúng tôi, làm chúng tôi nguôi đi những cơn khát. Những dòng sông chuyên chở những con thuyền và nuôi lớn con cháu chúng tôi...

“Ở thành phố của người da trắng, chẳng có nơi nào yên tĩnh cả, chẳng có nơi nào là nghe được tiếng lá cây lay động vào mùa xuân hay tiếng vỗ cánh của côn trùng. Nếu có nghe thấy thì đó cũng chỉ là những tiếng ồn ào lăng mạ trong tai…

“Không khí quả là quý quá đối với người da đỏ, bởi lẽ bầu không khí này là của chung, muông thú, cây cối và con người cùng nhau hít thở. Người da trắng cũng cùng chia sẻ, hít thở bầu không khí đó. Nhưng hình như người da trắng chẳng để ý gì đến nó…

“Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu bất cứ một cách sống nào khác. Tôi đã chứng kiến cả ngàn con trâu rừng bị chết dần chết mòn trên những cánh đồng trơ trọi vì bị người da trắng bắn mỗi khi có đoàn tàu chạy qua. Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu nổi tại sao một con ngựa sắt nhả khói lại quan trọng hơn nhiều con trâu rừng mà chúng tôi chỉ giết để duy trì cuộc sống. Con người là gì, nếu cuộc sống thiếu những con thú? Và nếu chúng ra đi, thì con người cũng sẽ chết dần chết mòn vì nỗi buồn cô đơn về tinh thần, bởi lẽ điều gì sẽ xảy đến với con thú thì cũng chính xảy ra đối với con người. Mọi vật trên đời đều có sự ràng buộc… 

 

“Ngài phải dạy cho con cháu rằng mảnh đất dưới chân chúng là những nắm tro tàn của cha ông chúng tôi, và vì thế, chúng phải kính trọng đất đai. Ngài phải bảo chúng rằng đất đai giàu có được là do nhiều mạng sống của chủng tộc chúng tôi bồi đắp nên. Hãy khuyên bảo chúng như chúng tôi thường dạy con cháu mình: Đất là Mẹ. Điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra đối với những đứa con của đất. Con người chưa biết làm tổ để sống, con người giản đơn là một sợi tơ trong cái tổ sống đó mà thôi. Điều gì con người làm cho tổ sống đó, tức là làm cho chính mình…

“Đâu còn những cánh rừng rậm rạp? Tất cả đã qua đi và đâu còn những chú đại bàng vĩ đại? Tất cả đã qua đi.”

 

Không phải biến đổi khí hậu làm tất cả nền văn minh biến mất. Nhưng chính biến đổi khí hậu đã làm vài nền văn minh biến mất: văn minh Maya, văn minh Khmer,…

Người Chăm khai thác thiên nhiên bằng cách hoàn toàn thuận theo tự nhiên. Họ ứng xử với thiên nhiên đẹp đến thế. Họ là người bạn chân tình của thiên nhiên và những gì họ họ mượn từ thiên nhiên vẫn tồn tại đến hàng ngàn năm. Người Ả rập bảo, con người sợ thời gian, còn thời gian lại sợ Kim tự tháp. Ta cũng có thể nói tương tự: con người không bao giờ đi cùng hay đuổi kịp thời gian, còn thời gian thì đi cùng giếng cổ.

Vương quốc Champa với những Indravarman, Chế Bồng Nga, Mỵ Ê, Phật Triết…, những nhạc công, thủy thủ, những người thợ xây dựng, điêu khắc, những người nông dân sáng tạo ra lúa Chiêm, giếng nước, đập thủy lợi… không chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhưng họ đã biến mất: Tất cả đã qua đi và đâu còn những chú đại bàng vĩ đại? Tất cả đã qua đi.

 

Tháng 8. 2022

NTH

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết