Vua Gia Long - Đông Cung Cảnh và Thành Diên Khánh (Kỳ 2/4)

1789, tháng giêng, quân Thanh đánh nhau dữ dội với giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ ở Thanh Trì. Tôn Sĩ Nghị chạy về, Điền châu Thái thú Sầm Nghi Đống chết. Vua Lê chạy sang nước Thanh, nhà Lê mất.

Nguyễn Hoàng Đức từ Xiêm về Gia Định. Đức người Kiến Hưng, tỉnh Trấn Định, sức mạnh tuyệt vời, người đời khen là hổ tướng. Vua từng đánh nhau với giặc bị sa lầy. Đức lội xuống bùn dắt vua, kéo ngựa lên rồi dục ngựa chạy nhanh, nhờ đó mà thoát. Hoàng Đức theo ngựa vua, vì nước hết lòng trung, vua rất khen ngợi. Sau Hoàng Đức thế cùng bị Tây Sơn bắt được, chuộng sức mạnh nên dụ hàng. Lòng Đức không quên chúa cũ nên trốn đi đường núi sang Xiêm. Vua nghe tin nhờ vua Xiêm giúp thuyền đưa Hoàng Đức về Gia Định.

Tháng 5 nhuận, bàn việc đánh Tây Sơn nhưng nghe tin Huệ ở Thuận Hóa đóng nhiều chiến thuyền mưu đánh phương nam, bèn thôi.

Cấm phù thủy và đồng bóng, vua cho là tả đạo lừa dân nên cấm.

Cấm con hát không được vào sổ quân.

Tháng 6, 1789 Hoàng tử Cảnh từ Tây Dương về. Đầu là việc vua sai Cảnh sang Đại Tây cầu viện, trải 2 năm mới đến được nước ấy. Vua nước ấy đãi theo trọng lễ, nhưng không giúp gì được nên sai thuộc hạ là Nguyễn Văn Thắng (tức Jean-Baptiste Chaigneau), Nguyễn Văn Chấn (tức Philippe Vannier) theo Bá Đa Lộc đưa Cảnh về nước. Cảnh đi đã được 4 năm, vua để lòng thương nhớ, nên nghe tin tức khắc cho binh thuyền ra cửa Cần Giờ đón.

(Hoàng tử Cảnh về nước năm 9 tuổi, theo cách tính cũ là 10 tuổi. Từ tháng 2, 1783 khi Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ vào chiếm Gia Định cho đến tháng 8, 1788, khi Nguyễn Ánh lấy lại Gia Định, Nguyễn Ánh chỉ lưu lạc dưới miền nam và xa nhất là ra Phú Quốc và sang Xiêm, không lúc nào có mặt ở Nha Trang cả).

Tháng 7, 1789, Nguyễn Văn Huệ đặt tên trấn Nghệ An là Trung đô, sửa thành lũy, đặt kho tàng, dùng trọng binh đặt ở đấy.

1790, tháng giêng, cho đi dò tình hình Tây Sơn.

Ngày Kỷ Sửu, tháng giêng đắp thành đất Gia Định. Vua thấy thành cũ ở thôn Tân Khai chật hẹp, bàn mở rộng thêm. Bèn huy động dân quân, hẹn đắp trong 10 ngày thì xong. Thành đắp theo kiểu bát quái, mở 8 cửa, đông sang tây dài 131 trượng 2 thước, nam sang bắc cũng thế, cao 13 thước, chân dầy 7 trượng 5 thước. Ngoài thành là hào rộng 10 trượng 5 thước, sâu 14 thước, có cầu treo bắc ngang. Hai bên đường quan đều trồng cây gọi là đường thiên lý.

Vua chăm làm mọi việc, suốt ngày không lúc nào rỗi. Sai Thi thư viện sung chức Khởi cư chú, phàm vua làm công việc gì đều ghi chép hết.

Nguyễn Văn Huệ sai người sang chầu nước Thanh, vua Thanh yêu cầu sang chầu, Huệ bèn cho người cháu là Phạm Công Trị, nét mặt giống mình đi thay.Vua Thanh thẹn vì thua trận nên cũng nhận, ban quà cho rất hậu.

Tháng 4, 1790, sai Lê Văn Quân lãnh quân thủy bộ 6.000 người đánh lấy Bình Thuận. Chiếm Bình Thuận rồi, Quân muốn sai Nguyễn Văn Thành tiến lấy Diên Khánh. Thành không nghe, Quân bất đác dĩ phải sai Thành giữ Chợ Mơ, Tánh giữ Phan Rí, rồi tự dẫn quân giữ Phan Rang.

Tây Sơn đem 9.000 quân đi đánh Diên Khánh, thủy quân đóng ở cửa biến Phan Rang. Lê Văn Quân ít binh nên thua, vỡ tan.

1790, tháng 7, Lê văn Quân và Nguyễn Văn Thành giữ thành Phan Rí, bị giặc vây chặt. Thuyền vua đóng ở cửa biển Cần Giờ. Võ Tánh và Nguyễn Hoàng Đức đem viện binh đến Phan Rí, chia đường đánh giặc. Lê Văn Quân và Nguyễn Văn Thành mở cửa thành trợ chiến. Đánh nhau từ sáng đến tối. Quan binh tiến tới Lũy Chàm (Lam Lũy). Vua cho rằng tình thế không tiện đánh nên dụ rút quân về.

 Sai Cai cơ Nguyễn Đình Đắc đi dò tình hình Bắc hà. Nghe tin nhà Thanh đem quân Lưỡng Quảng đánh Tây Sơn bèn gửi thư sang Thanh và cho chở 50 vạn cân gạo giúp lương. Gặp bão đắm cả ở biển. Sai Đình Đắc đi dò tin vua Lê nhân tiện chiêu dụ hào kiệt Bắc hà.

Tháng 12, 1790, sửa đắp thành đất Gia Định.

1791, tháng giêng, lệnh cho các hạng dân và người Đường (Hoa kiều) ai muốn làm đồn điền ở Long Xuyên thì làm. Cũng cho người Phiên và người Đường khẩn đất làm đồn điền ở 2 phủ Ba Xắc và Trà Vinh. (Từ 1791 người Hoa đã có những đồn điền ở Long Xuyên, Ba Xắc, Trà Vinh).

Chưởng tiền quân Lê Văn Quân có tội phải tự sát.

Người nước Bút Tu Kê (Bồ Đào Nha) tên là Chu Di Nô Nhi đến buôn bán. Nhân đó vua sai gửi thư cho quốc trưởng nước ấy để mua binh khí (1 vạn cây súng chim, 2.000 cỗ súng gang, mỗi cỗ nặng 100 cân, 2.000 viên đạn nổ, đường kính 10 tấc).

Thao diễn quân ở đồng Tập trận.

Mùa hạ tháng 4, ngày Đinh mão, hoàng tử thứ tư tức thánh tổ nhân hoàng đế sinh (là vua Minh Mệnh), ở xóm Tân Lập phía hữu thành Gia Định. Năm Minh Mệnh thứ 3, dựng chùa Khải Tường ở đó. (Vị trí gần Bảo tàng chứng tích chiến tranh, đường Võ Văn Tần (Trần Quý Cáp cũ, Q. 3, hiện nay).

Mở khoa thi lấy trúng cách 12 người.

Tháng 6, cấm người Việt ở 2 phủ Ba Xắc, Trà Vinh, tranh chiếm ruộng đất của người Phiên (Miên). Vua cho rằng người Việt, người Di đã có giới hạn, không thể tranh đất của người ta được.

Tháng 8 cho Nguyễn Văn Thành đến Quy Nhơn do thám tình hình giặc, rồi về.

Truy tặng chiến sĩ trận vong ở Mỹ Tho. Lập đền Hiển trung thờ các tướng sĩ chết vì nước.

1792, tháng giêng vua hăng chí đánh giặc. Từ năm ấy trở đi, hễ gặp mùa gió nồm là ra quân đánh giặc, gió thuận thì tiến, gió vãn thì về. (Vì thế dân gian lan truyền câu ca: Lạy trời cho cả gió nồm, Cho thuyền chúa Nguyễn dong buồm thẳng ra. Từ nhỏ đã nghe câu ca này mà không biết đó là sự kiện đã được ghi vào chính sử). Khi phát thì quân lính họp hết, khi về thì tản ra đồng ruộng. Quân ta không vì đóng lâu mà mỏi, không vì ngồi ăn mà tốn. Quân Tây Sơn phải chạy vạy đối phó, không rỗi mà tính mưu.

Các phủ Phú Yên, Khang Thuận khổ với chính sách hà ngược của giặc, nhân dân nhiều người dắt vợ con chạy vào Bà Rịa, Sài Gòn. Vua thương xót, cho chọn nơi để họ ở, kẻ nào đói khát thì chẩn cấp.

Tháng 3, vua Xiêm đưa thư nói xin giúp quân đi theo miền Thượng đạo đánh Tây Sơn. Nguyên trước Tây Sơn đánh Vạn Tượng nên vua Xiêm muốn báo thù cho Vạn Tượng, xin ta giúp quân, nhưng yêu cầu ta phải để Long Xuyên, Kiên Giang cho Mạc Công Bính (dòng dõi Mạc Cửu), đem Ba Xắc cho Chân Lạp. Vua trả lời, nếu quả nhân đánh Quy Nhơn thì vương (vua Xiêm) đánh Nghệ An, nếu giặc giữ Nghệ An thì vương đánh ngã trước, quả nhân đánh ngã sau. Đến như Long Xuyên và Kiên Giang, sau loạn lạc, lòng dân tan tác Mạc Công Bính còn nhỏ chưa đương được việc nên cho quan giữ đó, chứ có phải là tiếc đâu. Còn đất Ba Xắc không cho Chân Lạp là vì Chiêu Chùy Biện. Nếu được người khác của Xiêm đến, thì quả nhân có tiếc gì. Những việc nhỏ nhặt ấy, vương bất tất phải quan tâm, cũng không nên đi lại nói nhiều làm gì. (Lời lẽ sắc bén, ràng buộc trước sau. Đến các tay biện sĩ lọc lõi cũng không hơn được.)

Tháng 5, truy lục tướng sĩ trận vong.

Tháng 6 lấy khâm sai cai đội là Olivi (Olivier), người Tây làm Vệ úy ban trực tuyển phong hậu vệ Thần sách.

Tháng 6, Nguyễn Văn Nhạc đóng nhiều chiến thuyền để ở cửa Thị Nại, mưu toan vào cướp. Gián điệp báo tin. Vua dụ cho tướng sĩ các dinh chỉnh bị lương thực, súng ống, khí giới đánh trước để chận giặc. Thuyền vua ra cửa Cần Giờ, thẳng tiến đến Diên Áo (Vũng Diên), thấy Thị Nại không phòng bị đánh thẳng vào bắt được hết thuyền giặc (thuyền chiến lớn 3 chiếc, thuyền đi biển 30 chiếc, thuyền sai 40 chiếc). Vua đóng ở chợ Thị Nại, ra chỉ dụ an dân, cấm quân sĩ không được cướp bóc. Rồi đó rút quân về. Chiến dịch này từ lúc khởi binh đến lúc khải hoàn chỉ có 10 ngày, người ta cho là thần binh.

Tháng 7, 1792 Giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ chết. Trước đó, Huệ ngồi chơi vào buổi chiều, bỗng mơ thấy một ông già đầu bạc, cầm gậy sắt dí vào đầu nói, ông cha mày sinh ở đất vua, đời làm dân vua, sao dám xâm phạm lăng tẩm. Huệ ngất đi. Rồi ốm không dậy được. Dặn con là Quang Toản rằng. Ta sẽ chết đây. Thần kinh Phú Xuân không phải của mày có được, Nghệ An là đất cha mẹ ta (tổ tiên Huệ là người Hưng Nguyên, khi vua Thái tổ lấy được 7 huyện Nghệ An, mới dời dân vào Quy Nhơn), ta đắp thành Trung đô để làm kế Tấn Dương cho mày. Khi ta chết mày nên về đó, nếu có biến, có thể giữ được.

Rồi Huệ chết, Quang Toản nối ngôi, xưng là Cảnh Thịnh.

1793, tháng 3 lập hoàng tử cả Cảnh làm Đông Cung quận công, dựng nhà Thái học, đặt một Đông cung thị đạo, 2 thị giảng, 8 hàn lâm thị đọc, 6 quốc tử giám thị học, mỗi ngày 2 buổi giảng kinh sử.

(Hoàng tử Cảnh được chọn để kế nghiệp, nên việc học rất được lưu tâm. 17 thầy để dạy 1 trò. Hoàng tử chẳng còn chút thì giờ nào bát phố Sài Gòn. Đến năm sau, không rõ đã tốt nghiệp chưa, nhưng sẽ được thuyên chuyển ra thành Diên Khánh theo lớp sĩ quan võ bị.)

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết