TƯƠNG BIỆT BA BỂ

TƯƠNG BIỆT BA BỂ

 

Bản đồ Bắc kỳ, trước 1885. Chưa có tỉnh Bắc Kạn

Vị trí Hồ Ba Bể, trong bản đồ trên

Ảnh: La Guerre du Tonkin, Lucien Huard, Paris 1885, p. 32. Trong ảnh này, vị trí Hồ Ba Bể (Lac Ba Bé) được vẽ ở sát biên giới Trung hoa, cao hơn cả Cao Bằng và Hà Giang. Địa danh Bac cam (có thể là Pác Cạm)_ phía trên Hà Nội về hướng đông bắc, đến 1900, mới được Pháp đổi thành tỉnh Bắc Kạn (trước đó thuộc tỉnh Thái Nguyên). Bagh thong (Bạch Thông) là một châu huyện trong tỉnh Thái Nguyên (Thai ngouiene), sau 1900, cũng được sát nhập vào tỉnh Bắc Kạn. Các địa danh này lẽ ra phải nằm gần nhau, nhưng trong bản đồ đã vẽ sai và ở rất xa nhau.

Hà Nội có chú thích là Ke Cho  (Kẻ Chợ). Tên Kẻ Chợ theo nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Tá, Kẻ Chợ là tên gọi khác của Thăng Long - Hà Nội xưa, mà người phương Tây đến đất này quen gọi từ thế kỷ 16. Có lẽ cố đạo người Bồ Đào Nha Barotxo (Barros) trong cuốn Nói về châu Á xuất bản năm 1550 là người đầu tiên nhắc đến tên này. Còn theo chú giải của nhà nghiên cứu Phạm Văn Tình, trong cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, còn gọi từ điển Việt - Bồ - La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của Alexandre de Rhodes xuất bản tại Roma năm 1651 (NXB Khoa học Xã hội in lại năm 1991) đã có từ Kẻ Chợ độc đáo này. Mục từ "Kẻ" được A. de Rhodes giải nghĩa: "Kẻ chợ: Những người ở trong chợ, nghĩa là những người ở kinh đô Đông Kinh".

(Hà Nội và cái tên Kẻ Chợ (hanoimoi.vn)

Như vậy, nếu căn cứ vào cái mốc của tài liệu trên thì tên gọi Kẻ Chợ xuất hiện ít nhất là từ thế kỉ 17.

 

(Mục từ Kẻ Chợ trong Tự điển Annam-Lusitan-Latinh)

La Guerre du Tonkin, ghi năm xuất bản là 1885, nên không rõ là bản đồ ở trên vẽ theo tài liệu nào.

Bản đồ ghi Bắc Kạn,

Histoire militaire de l’ Indochine, tome II, 1931, p.200

Ghi chú trong bản đồ là thực hiện trong chiến dịch năm 1908 chống phong trào Cần vương. Tỉnh Bắc Kạn được Pháp thành lập năm 1900. Vị trí Hồ Ba Bể ở cực bắc của tỉnh Bắc Kạn. (chú ý, tên Bắc Kạn viết K)

 

 

Là điểm dừng cuối trong hành trình Đông Bắc. Khởi hành từ Thác Bản Giốc, Cao Bằng, đến Bắc Kạn lúc chiều tối. Nghỉ ngơi ở khách sạn, sáng sớm mới bắt đầu đi thăm thú Hồ Ba Bể. Thời gian thong thả nên đây là nơi không bị bóng câu rượt đuổi.

Thời Pháp, khoảng những năm 1920-1940, hồ là nơi du lãm chính của giới văn nhân, công chức, nhà báo, ngoài vài nơi khác như Hạ Long, Lạng Sơn (động Tam Thanh, nàng Tô thị…), Ninh Bình (Dục Thúy sơn)…Khách du chỉ có một cung đường duy nhất là Hà Nội-Bắc Kạn.

Giới thương hồ thì đi ngược lại: từ biên giới miệt Đông Bắc, Cao Bằng, Lạng sơn xuống.

Đi theo đường nào thì dân bản thổ (Nùng, Tày, Thái, Dao, Hmông…) vẫn là sắc dân chính, và luôn chiếm đa số là người Tày. Cho nên tên các địa danh, các thắng cảnh đều là thổ âm Tày như Slampé là Hồ Ba Bể. Cũng như tên tỉnh Bắc Kạn (viết K) có từ thời Pháp, được cho từ tên Bắc Cản (chữ Hán), tên này lại có gốc theo tiếng Tày là Pác Kản (không rõ nghĩa) hoặc Pác Cạm (cửa ngõ), (tên ghi trên bản đồ trong sách La Guerre du Tonkin.) (Bắc Kạn – Wikipedia tiếng Việt)

Chúng tôi đi theo hành trình các tay giang hồ miền Cao Bắc Lạng đến Hồ Ba Bể, nhưng ngồi xe khách “Limousine” chứ không đi ngựa.

Nghĩa là đi từ thượng du xuống mạn trung du.

Rời thác Bản Giốc chừng 2,30 chiều. Xuống dốc nên xe chạy nhanh. Nhà cửa thưa thớt. Cảnh hoang vắng, không gặp một người bản thổ nào. Thỉnh thoảng vài chiếc xe máy ngược chiều, chẳng phải xe ngựa thồ hàng, mà là những thanh niên trai trẻ đi du lịch bụi. Đường tốt nên đi xe máy có cái tiện là thích chỗ nào ngừng chỗ ấy. Không còn những dải núi, đỉnh cao, sống sắc lẹm. Chỉ là mấy rặng đồi thấp, cây thưa thớt. Nhà cửa rải rác. Và không còn bờ tường đá, vách tường trình như trên cao nguyên nữa. Đôi lúc qua vài thị trấn, nhà cửa dân cư đông hơn một chút.

Ngày nay người ta đi du lịch bất cứ lúc nào, nên cảnh chợ phiên như ngày xưa, để dễ gặp trai thanh gái lịch, xiêm y rực rớ như hoa gạo đỏ nở ven sông e rằng không còn nữa.

Cầu Phà, trên sông Cầu, tp Bắc Cạn (Dòng sông hai nguồn nóng lạnh (nhandan.vn)

Trăm năm trước, khách du lịch thuần tuý, như dân thành thị, thường là khởi hành từ Hà Nội đến thị trấn Bắc Cạn.

Ký giả Hoàng Văn Trung, trong Ba Bể du ký, đăng trên Nam Phong tạp chí (số 55, 1922) thuật lại chuyến đi chơi Hồ Ba Bể, cho biết cầu Phà cách tỉnh lỵ Bắc Cạn hơn ngàn thước. Để đến Hồ Ba Bể, phải qua cầu này. Ban đầu, cầu làm bằng tre, mỗi khi mưa lũ, lại bị sập. Pháp dựng lại bằng sắt, như thấy trong hình trên. Hiện đã làm cầu mới, nhưng vẫn giữ cầu cũ.

Tác giả cũng thêm thời gian du lịch tốt nhất là từ tháng 10 đến tháng 3 (âl), nhằm tránh mùa mưa, nước lũ thường làm sập cầu.

Sau khi qua Cầu Phà, đi tiếp qua đồng trống, qua đoạn đường đèo. Đến thị trấn Phủ Thông, qua đèo Mỹ Vi, đến làng Pou-mát (cách Phủ Thông 17km), dân toàn là Khách với Nùng. Thêm 25km nữa đến Chợ Rã, nơi có Hồ Ba Bể.

 

Đường từ thác Bản Giốc, Cao Bằng xuôi về Bắc Kạn toàn là núi với đèo. Không hiểm trở như từ Hà Giang đến Cao Bằng, và vẻ hùng vĩ, ngoạn mục thì kém xa. Xưa, đường đi chẳng có, chỉ men chân dốc, vượt thung lũng mà đi. Nên chi nhà văn Hoàng Ly mới tưởng tượng ra cảnh núi đồi trùng điệp, chạy liên hành khắp bốn phương tám hướng, gian hiểm chẳng kém gì đất Ba Thục bên Tàu. Nay thì đường cao tốc, xe bốn bánh, hai bánh phóng như tên.

Hồ Ba Bể rộng 650 ha, được xếp vào 100 hồ nước ngọt rộng nhất thế giới. Hồ bị các dãy đá vôi cắt xẻ thành thành 3 hồ nhỏ, thông với nhau bằng các khe nước hẹp, nên có tên là Ba Bể.

Các dãy đá vôi bao quanh hồ tạo nên cảnh sắc ngoạn mục, có cây trên núi, có hang động dọc bờ, vài hòn đảo nhỏ điểm tô cho lòng hồ bớt vẻ cô độc. Đôi chiếc thuyền độc mộc của dân bản thổ, ngược xuôi, chở theo những hình ảnh thời quá vãng. Hồ rộng như sông, sóng dập dờn đuổi theo đuôi thuyền. Ngày xưa, du khách đi thuyền chèo tay, thuyền trôi lững lờ theo dòng nước, hẳn sẽ còn thơ mộng hơn nhiều lắm. Nếu trời trong, bóng núi mây trời in trên dòng nước ắt sẽ tạo ra nhiều vẻ kỳ thú. Và nếu thời gian cho phép, đi thăm vài cảnh hang động, thác ghềnh, ghé qua vài nhà người dân Tày ven hồ, ăn thử vài món địa phương, như cá suối, thịt rừng chắc sẽ cho nhiều cảm nhận sâu xa hơn.

Chúng tôi đi chỉ như cưỡi ngựa xem hoa, như xem triển lãm ảnh phong cảnh, nên không có nhiều cảm xúc. Chỉ để biết chốn quê hương có ngần ấy thứ. Nhưng cũng đủ thấy núi sông hùng vĩ, cảm được phong vị gió núi mây ngàn.

Bánh lá Ngái, cơm lam ở nhà hàng Ramsar trong ks Saigon-Babể. Cơm lam nhiều người đã ăn; bánh lá Ngái, hương và vị gần giống bánh ít lá gai của Bình Định

Có nhiều giai thoại, chuyện hoang đường lẫn thần tiên chung quanh hồ. Gò bà Góa, đền An Mạ là vài chuyện trong số đó. Hay là bối cảnh chính cho tiểu thuyết Nữ chúa hồ Ba Bể của nhà văn Hoàng Ly nữa.

Đã trăm năm trôi qua tính từ lúc ấy. Nên khi xe đến khách sạn Sàigòn Ba Bể, đã vào đêm rồi, từ đường quốc lộ rẽ vào đường nhỏ, bóng tối bao trùm, nhìn đâu cũng thấy những hình những ảnh của trăm năm cũ.

 

Dễ hình dung ra cảnh ngựa xe, cảnh vài tay giang hồ, cưỡi ngựa, súng dắt hông, cảnh xe thồ hàng hóa, cảnh người Thổ, Mán, Nùng, Thái tay xách vai mang dăm ba sản vật núi rừng từ miền ngược xuống… và đâu đó, trong bóng tối, biết đâu tinh sói từ hang Buông (Poung), thuồng luồng từ Slam Pé (tên hồ Ba Bể theo tiếng Tày), rình rập chờ vồ lấy người nào vô phúc…

Nghỉ đêm ở khách sạn Saigon-BaBể. Sáng hôm sau mới đi chơi hồ. Như khách du trăm năm trước vậy.

Thuyền máy, rời bến chừng 8g sáng. Dạo quanh hồ. Ghé đảo An Mạ. Lên Đảo Bà Góa, ngồi sân khấu tự nhiên, ghế là đá tảng đá hòn, gió mát trên hồ, thưởng thức dân nhạc địa phương: hát Then với đàn Tính với 2 cô ca sĩ người Tày. Một tiết mục thú vị. Theo các nhà nghiên cứu, Then trong tiếng Tày nghĩa là Trời . Hát Then là hình thức âm nhạc mang tính chất tín ngưỡng. Sơ khai, các dân tộc Tày, Nùng, Thái…dùng hát Then như cách liên hệ với thần linh, về sau cũng dùng trong dịp lễ hội, hát giao duyên, kết bạn. Nhạc cụ trong hát Then là đàn Tính, chùm xóc nhạc, quạt, thẻ âm dương, kiếm…Hai cô ca sĩ ngoài vài bài dân nhạc địa phương, chiều ý khách, hát cả nhạc Trịnh Công Sơn !!! Thì hát Then theo nghĩa là Kết Bạn mà.

 

Sau rốt là ghé Ao Tiên. Phải rất đẹp và thơ mộng đến thế nào để mang mỹ danh này. Hơi thất vọng. Cảnh tù túng, nước không sạch mấy. Nên chi tiên không xuống nữa.

Thượng du Bắc Kỳ. Ảnh: Le Haut Tonkin, 1924

Tìm trong ngõ vắng cô liêu

Chiều hôm ngõ vắng. Cảnh quanh khách sạn. Trăm năm trước, chỉ có núi rừng, trăm năm sau, vẫn không một bóng người. Chỉ có cảnh hồ mãi âm u

 

Thông tin chính thức thì:

Hồ Ba Bể được hình thành cách đây hơn 200 triệu năm, do cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á cuối kỷ Camri đã đưa một khối nước khổng lồ với bề mặt xấp xỉ 5 triệu m2 và chiều dày hơn 30m lên lưng chừng vùng núi đá vôi, tạo ra hồ Ba Bể.

 

Hồ Ba Bể nằm ở cánh cung sông Gâm, địa hình gồ ghề và cắt xé bởi các ngọn núi cao từ 1.400m đến 1.600m và xen kẽ là các thung lũng. Hồ được nước của hai con sông chảy vào là sông Chợ Lèng và sông Nam Cường rồi chảy ra sông Năng, đổ xuống thác Đầu Đẳng. Hồ Ba Bể được hợp thành từ 03 hồ có tên là Pé Lèng, Pé Lù và Pé Lầm. Hồ có chiều dài hơn 08km, nơi rộng nhất là 02km, diện tích mặt nước khoảng 500ha, độ sâu trung bình 20m, có những nơi sâu đến 35m, có nhiều loài thủy vật và cá nước ngọt sinh sống, trong đó có nhiều loài đặc biệt quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam như cá Chép Kình, cá Rầm Xanh, cá Chiên… Nước Hồ Ba Bể trong xanh, quanh năm mát mẻ, toàn cảnh hồ như một bức tranh thủy mặc, in đậm bóng núi, lồng lộng mây trời, nhìn như một chiếc gương khổng lồ phản chiếu những dãi núi uốn lượn vùng cung ẩn hiện trên mặt nước. Trên mặt Hồ có nhiều đảo nhỏ xinh đẹp như Đảo Bà Góa, đảo An Mạ…

(Hồ Ba Bể - Vẻ đẹp tiềm ẩn và lôi cuốn (backan.gov.vn)

 

Còn theo Sự tích hồ Ba Bể trong nhiều sách truyện thì:

 

Ngày xửa ngày xưa, ở xã Nam Mẫu thuộc tỉnh Bắc Kạn có phong tục mở hội cầu Phật vào dịp đầu năm. Dân làng ăn mặc đẹp đẽ, nô nức lên chùa thắp hương, khấn vái, mong được nhiều điều may mắn.
Một hôm, bỗng có một bà lão ăn xin từ đâu tới. Trông bà già thật đáng sợ. Thân hình bà gầy gò, lở loét, quẩn áo bẩn thỉu bốc mùi hôi thối. Vừa đi bà vừa thều thào xin ăn: “Tôi đói quá! Mong các ông các bà làm phúc!”. Mọi người sợ hãi, xua đuổi bà ra khỏi đám đông. Bà lão lê bước tới ngã ba thì gặp hai mẹ con cậu bé đi chợ về. Thấy bà lão ăn xin tội nghiệp, người mẹ đưa bà về nhà, lấy cơm cho ăn rồi mời nghỉ lại qua đêm.

Đến khuya, hai mẹ con nhìn ra chỗ bà già nằm thì thấy sáng rực lên. Một con giao long khổng lồ đầu gác lên xà nhà, đuôi thò xuống đất đang cuộn mình nơi góc nhà. Hai mẹ con kinh hãi rụng rời, đành nhắm mắt, nín thở, nằm im phó mặc cho số phận.
Sáng ra, họ chẳng thấy con giao long đâu cả. Trên chõng, vẫn là bà cụ ăn mày ốm yếu, lở loét. Bà cụ đang chuẩn bị đi, vẫy người mẹ lại gần, bà bảo rằng vùng này sắp có lụt lớn và đưa cho một gói tro bếp dặn đem rắc quanh nhà. Nghe vậy, người mẹ lo lắng hỏi làm thế nào để cứu người bị nạn. Bà cụ nhặt hạt thóc, cắn vỡ ra rồi đưa hai mảnh vỏ trấu và dặn dùng nó để làm việc thiện. Vụt một cái, bà cụ biến mất. Hai mẹ con bàng hoàng khôn xiết. Người mẹ vội mang chuyện kể lại cho dân làng nghe nhưng chẳng ai tin cả.

Quả nhiên, tối hôm đó, lúc mọi người đang lễ bái thì một cột nước dưới đất phụt mạnh lên. Nước phun đến đâu, đất lở đến đấy. Dân làng kinh hoàng, chen nhau chạy thoát thân. Bỗng một tiếng ầm rung chuyển mặt đất, nhà cửa và muôn vật trong phút chốc chìm sâu trong biển nước.

Riêng ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con tốt bụng vẫn khô ráo, nguyên vẹn và nước ngập tới đâu là nền nhà lại nâng lên tới đó. Người mẹ xót xa trước thảm cảnh, sực nhớ lời bà lão dặn, liền thả hai mảnh vỏ trấu xuống nước. Kì lạ thay, chúng biến thành hai chiếc thuyền độc mộc. Thế là mặc gió lớn, mưa to, hai mẹ con ra sức cứu vớt người bị nạn. Khi nước rút, chỗ đất bị sụp xuống biến thành hồ Ba Bể, còn nền nhà của hai mẹ con thành chiếc gò nổi giữa hổ, nay được người dân gọi là gò Bà Goá.

 

Đền An Mạ

Theo truyền thuyết, trong chiến trận giữa nhà Lê- Mạc, quân tướng Mạc thua trận rút về đây, và tự sát. Nhân dân tiếc thương nên lập đền thờ, đặt tên là An Mạ, nhưng sợ nhà Lê phá bỏ, phài đổi tên thành An Mã. Bia phục dựng ở đền ghi năm 2007, không rõ dựng từ bao giờ.

 

Trên gò An Mã (Gò Yên Ngựa) có dựng một đền thờ 5 vị trung thần nhà Mạc. Khi bị Lê Chiêu Thống đánh đuổi họ nhà Mạc lên Cao Bằng và chạy xuống Ba Bể để cố thủ ở hang Puông. Thất thế, cả 5 vị trung thần nhà Mạc nhảy xuống sông Năng tự vẫn. Nhân dân thương tiếc và để tưởng nhớ các vị trung thần nhà Mạc đã lập đền thờ trên gò Mã để thờ cúng hàng năm. Và để tránh sự trả thù của nhà Lê, nhân dân đổi tên là đền thờ họ Mạ. Hàng năm vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch, nhân dân tổ chức lễ hội để tưởng nhớ các vị trung thần đã khuất.

 

Đền An Mạ - Chốn linh thiêng giữa hồ Ba Bể (2023) (kynghidongduong.vn)

 

Theo văn bia hồ Ba Bể, (Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.1123-1132, Nguyễn Thị Việt, Viện nghiên cứu Hán nôm (hannom.org.vn), sự tích hồ Ba Bể như sau:

Cớ sao lại có tên là Ba Bể?

Nước hồ liền nhau như hình con ngựa quỳ, cho nên đặt tên như vậy. Giữa hồ đột nổi một núi nhỏ tên là núi Yên Ngựa. Núi có chùa thờ Phật, không biết từ đời nào. Lạ thay! Núi mà nổi danh là nhờ có bể, bể kiếm củi được mà núi thì đánh cá được. Tạo vật hình như cố ý tàng trữ cảnh đẹp mà dành cho khách du quan. Đầu hồ có động, trong động có ngòi. Phàm tự sông vào hồ phải dong thuyền qua đây. Hai vách là đá, nước không rời núi, sâu mà lặng, khuất khúc mà sáng sủa, quỷ khắc, thần chạm, khéo đến nhường nào!

Nơi đây xưa thuộc châu Bạch Thông tỉnh Thái Nguyên. Từ khi đặt tỉnh Bắc Cạn mới thuộc châu Chợ Rã. Mùa đông năm ngoái, tôi đên chốn này, lạm giữ chức trách xem khắp núi sông nhân biết được danh thắng. Hỏi người bản thổ thì một cụ già nói với tôi rằng: “Tương truyền một một đoạn sông Năng thuộc thôn Đầu Đảng, xã Nam Môn, hai bên bờ là triền núi. Một hôm núi thình lình lở, sông bị lấp, nước trên nguồn dồn lại tràn ra rồi xoáy thành miệng hồ, bãi đất xã Nam Môn chìm hết. Ấy là việc xảy ra năm Bảo Thái nhà hậu Lê (Bảo Thái là niên hiệu của vua Lê Dụ Tông, 1720-1729). Cuối đời Lê 12 vị quận công đánh giặc ở quanh hồ là dân xã Nam Mẫu, cũng có người là dân xã Nam Môn còn sót lại”.

Lại có người bảo với tôi rằng: “Tương truyền thổ dân vùng này thời xưa mỗi khi mở hội, Già Lam, thường giả danh đạo Phật để kiếm lợi. Dân không tốt, trời bèn giáng tai hoạ. Sấm động sét rền, mưa mau gió dữ, phút chốc đất sụt, nước trắng mênh mông, núi biến thành bể là để diệt lũ sài lang đó. Riêng có một bà lão hay, bố trí tránh được tai hoạ là nhờ có con Giao long hóa hình người hủi báo cho biết trước. Trong hồ có vài cái gò cao, chính là dấu vết cũ của bà lão lánh nạn lúc ấy vậy”

(Tháng Giêng mùa Xuân năm Giáp Tý, niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924), Quang lộc tự thiếu khanh, Án sát sứ tỉnh Bắc Cạn, là Lễ Đình Phan Đình Hoè, người Nam Định soạn, Tri châu Chợ Rã là Vi Văn Thượng phụng mệnh khắc bia”.)

 

Sự tích hồ đã được nhiều sử sách ghi chép như Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Công dư tiệp chí của Vũ Phương Đề, đều ở thế kỷ 18, Đại Nam nhất thống chí thế kỷ 19.

Nguyên nhân thành hình hồ Ba Bể do Án sát sứ Bắc Cạn Phan Đình Hoè giải thích, trong văn bia nói trên, theo lời người dân địa phương, là do núi lở lấp sông, nước dồn lại thành hồ. Như cách xây dựng hồ thủy điện vậy. Sự việc xảy ra vào năm Bảo Thái nhà Hậu Lê, đầu thế kỷ 18.

Các nhà khoa bảng thời ấy đã biết giải thích sự việc theo một cách hợp lý nhất, chứ không tin vào những chuyện hoang đường. Nhưng vẫn đưa thêm chuyện thần tiên, như chuyện giao long hoá người, nhằm khuyến thiện lánh dữ.

Về đền An Mã hay An Mạ, ta biết thêm vốn có tên núi tên là Yên Ngựa (đúng ra là đảo nổi lên giữa hồ) , trên núi có chùa không rõ có từ bao giờ. Về sau lại thành tên An Mã, và thêm giả thuyết là do tướng nhà Mạc chết tại đây, dân thương tiếc lập đền, sợ nhà Lê phá bỏ nên lấy tên An Mạ.

Lại có một thuyết khác kể rằng, An Mạ là nơi chôn cất dân làng sau trận thủy tai vùi lấp làng Nam Mẫu thành ra Hồ Ba Bể (Hồ Ba Bể – Wikipedia tiếng Việt).

Đường từ Cao Bằng đến Ba Bể

 

 

 

Cảnh bến thuyền hồ Ba Bể. Các dãy núi đá cắt ngang lòng hồ, gây cảm tưởng đây là sông, không phải hồ.

Rời bến. Núi rừng bao bọc lấy mảnh hồ. Cảnh gợi nhớ bài thơ Phù Dung lâu tống Tân Tiệm, của Vương Xương Linh, đời Đường:



Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô,
Bình minh tống khách Sở sơn cô.
Lạc Dương thân hữu như tương vấn,
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.

Mưa lạnh mờ sông đêm đến Ngô

Sớm mai tiễn khách núi đơn cô

Lạc Dương nếu có ai thăm hỏi

Một mảnh lòng băng tại ngọc hồ

 

 

 

 

Thuyền độc mộc của người dân. Vẫn là hình ảnh mà trăm năm trước, phóng sự Ba Bể du ký có nhắc đến.

Thuyền độc mộc trên hồ trăm năm cũ. Ảnh: Le Haut Tonkin, 1924

Và trăm năm sau, vẫn là thuyền độc mộc, chỉ khác một chút thôi

 

Vẻ âm u bí  hiểm dễ khiến sờn lòng

Cảnh không khác mấy với đèo Mã Phục ở Cao Bằng, chỉ thay cho lũng thấp đèo cao là sóng với nước thôi. Còn 2 chú ngựa châu đầu thì giống quá

Đèo Mã Phục, Cao Bằng (Đèo Mã Phục, con đèo đẹp nhất Cao Bằng (luhanhvietnam.com.vn)

 

Trăng tàn trên hè phố

Đảo An Mạ

 

Giờ còn ghi nhớ mãi. Ngày ấy vẫn đâu đây

Còn ai đếm bước âm thầm

Mơ bóng bao ngày qua

Đền An Mạ

 

 

 

 

Đảo Bà Góa. Là sân khấu tự nhiên, trình diễn hát Then đàn Tính

 

Ao Tiên. Nước không sạch lắm nên …

chẳng thấy tiên đâu.

Hay Thượng đế sai Nhị Lang thần xuống bắt hết về trời rồi.

Tương biệt Hồ Ba Bể. Cùng chia nhau giọt rượu ngô cuối cùng, rượu lấy từ lò rượu dinh nhà Vương. Bỗng nhớ hồi Đoàn Dự uống rượu thi với Tiêu Phong, trên Tùng Hạc lâu, Thái Hồ, thành Vô Tích:

 

Hoài thượng hỉ hội Lương Xuyên cố nhân

Vi Ứng Vật

 

Giang Hán tằng vi khách,

Tương phùng mỗi túy hoàn.

Phù vân nhất biệt hậu,

Lưu thủy thập niên gian.

Hoan tiếu tình như cựu,

Tiêu sơ phát dĩ ban.

Hà nhân bất qui khứ,

Hoài thượng đối thu san.

 

Từng phen Giang Hán quê người
Gặp nhau, say ngất bồi hồi bước chân
Biệt ly buổi ấy phù vân
Chảy trôi dòng nước, mười năm qua rồi
Tình xưa lại vẫn vui cười
Đầu phơ phất trắng tóc vài sợi thưa
Sao không về lại quê xưa
Mà còn đứng trước núi thu sông Hoài?

Trần Trọng San dịch

Thái Hồ – Wikipedia tiếng Việt

Thái Hồ, thành Vô Tích, Giang Tô, Trung quốc. Không nổi tiếng như Động Đình hồ, nhưng là bối cảnh cho vô số tích truyện, văn thơ…(Non nước hữu tình ở mặt hồ lớn thứ tư củaTrung Quốc - Địa điểm du lịch - ZINGNEWS.VN),

Chẳng hạn như Truyện Kiều:

Khi Vô Tích, khi Lâm Tri,
Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương.

Hay:

Ba quân chỉ ngọn cờ đào,

Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri.

(Đây là nơi giàu khoáng sản, nhất là thiếc, nhưng đã bị khai thác cạn kiệt vào cuối thời Tần, nên có tên là Vô Tích, nghĩa là không có thiếc _ Tích nghĩa là Thiếc, đồng âm với Tích nghĩa là chất chứa, dồn lại, nhưng viết khác nhau. Cũng như Yên nghĩa là Yên Ngựa, đồng âm với Yên, nghĩa là Yên tĩnh, cũng đọc là An, viết khác nhau. Vì thế mà tên đảo tên là Yên Ngựa có thể đã viết nhầm thành An Mã.)

 

Và…chúng tôi chia tay nhau ở đây.

Sổ thanh phong địch ly đình vãn

Quân hướng Tiêu tương ngã hướng Tần

(Hoài thượng biệt hữu _Trịnh Cốc)

Gió đưa điệu sáo chiều hôm vắng

Người về đôi ngã bóng ngày qua

 

 

Tháng 7.2023

NTH


 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết