QUÁN BÊN ĐƯỜNG

QUÁN BÊN ĐƯỜNG

Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói
Trút tâm tư vào đêm vắng canh dài
Quãng đời tôi tàu đêm vắng không người
Vẫn lặng trôi

(Quán nửa khuya_Tuấn Khanh-Hoài Linh)

Đi du lịch đường dài hay ngắn; đi ngoạn cảnh chốn xa hay gần, bước lỡ độ đường trên đường về chiều cuối năm, điều mà khách du mải miết tìm kiếm sau khi đã no mắt say lòng với ngoạn cảnh, với cây xanh nước biếc rồi, hay chân mỏi mệt, bụng đói meo, là tìm một quán ăn, một quầy nước.

Lúc ấy thì thức dở hoá ngon, người ta cần no bụng để còn tiếp bước đăng trình.

Mà nếu lại được thức ăn ngon, nước mát lành thì không còn gì bằng nữa.

Bạn đã bao giờ được như thế chưa ?

Thế nên trong tập bút ký đã đi vào văn học sử, Băm Sáu Phố Phường, nhà văn Thạch Lam mới viết:

Muốn biết rõ một thành phố, không cần phải biết những lâu đài mỹ thuật, những nhà bảo tàng, những tờ báo hay những nhà văn, nhưng cần phải biết những chốn mà dân thành phố ấy ăn chơi. Ăn và chơi, phải, đó là hai điều hành động mà trong ấy người ta tỏ rõ cái tâm tình, cái linh hồn mình một cách chân thực nhất.

Với lại đó không phải là hai cái hành động cốt yếu của đời ư? Trong sự ăn chơi, có cả dấu hiệu của dân thành thị, cả những tật xấu hay nết hay, những cái yếu hèn cũng những cái kiêu ngạo.

Chẳng phải ăn chơi lọc lõi, nên khách du không quá khó tính. Chỉ cần lót dạ là đủ. Vậy thử xem cách đây chừng một vài thế kỷ, khách du, khách bộ hành, cả ta lẫn tây thưởng thức ra sao.

Trong Nampyoky của Shihoken Seishi, ký sự ghi chép của các thủy thủ Nhật bị đắm thuyền năm 1794, phải lưu ngụ vài tháng ở một nơi có thể là Sài Gòn nay. Thời gian sống ở quán trọ, cảm tưởng của họ về chuyện ăn uống như sau:

Người An Nam nấu nướng bằng đồ đất nung, không có đồ kim loại. Cơm không dẻo, không có mùi vị gì, dở so với gạo Nhật và cả với gạo Quảng đông (Trung hoa). Họ ăn nhiều thịt, ít ăn cá nên các thủy thủ Nhật phải ráng ăn nhiều cá và rau củ ở lữ quán, vì nếu được mời đến nhà người An Nam chơi, họ chỉ mời ăn thịt. Họ không dùng nước tương, nấu tất cả các món với muối, thêm mỡ heo, mỡ bò.

Nhận xét khá cụ thể. Chê chứ không khen.

Samuel Baron, trong ký sự Mô tả Vương quốc Đàng ngoài (1685):

Đồ ăn thức uống của người Đàng Ngoài khá thú vị, cho dù mùi vị của chúng chẳng dễ chịu với người nước ngoài. Dân nghèo đành lòng với những món qua ngày như cơm rau và cá khô; tầng lớp trên nếu muốn có thể hưởng thụ những sơn hào hải vị  nhất hạng sẵn có trong vương quốc.

Rất sơ sài nên khó nói là ngon hay dở. Chỉ bảo là thú vị dù mùi vị chẳng dễ chịu. Có lẽ do nước mắm.

Còn dưới đây là nhận xét của một người Pháp về bữa ăn ở một quán bên đường vào cuối thế kỷ 19:

(Năm 1884, Charles Edouard Hocquard, bác sĩ quân y, theo chân quân viễn chinh Pháp, đã đến Bắc kỳ tham gia vào một cuộc chiến tranh mà ông gọi là Chiến dịch Bắc kỳ (Une Campagne au Tonkin) đã ghi chép và chụp rất nhiều hình về Việt Nam).

QUÁN BÊN ĐƯỜNG

Dọc đường cái quan (từ Hà Nội lên Bắc Ninh), khách du lịch ghé quán ven đường, ngồi trước cửa hàng trên một chiếc ghế gỗ; trên quầy, những món ăn làm sẵn được bày ra trước mắt anh trong những chiếc đĩa sứ nhỏ, sạch sẽ. Anh có thể chọn giữa những miếng vịt quay năm xu (sapèque) một đĩa, tôm lớn một xu một cặp; cua, cá chiên bằng dầu mè, thịt lợn nướng xiên, cắt thành miếng nhỏ và trộn với salad rau sam, khoai bột nghiền làm từ đậu Trung Quốc, đậu hạt to ngâm nước muối (cà muối?), v.v., v.v. Mấy que gỗ (đũa) đặt trên đĩa: đây là thìa và nĩa của người bản địa. Tất cả các loại thịt đều được cắt trước thành miếng nhỏ, vì người An Nam không bao giờ dùng dao khi ăn.

Một người Bắc Kỳ có thể ăn một bữa tối thịnh soạn tại một trong những quán này với giá ba mươi xu, gần tương đương với ba xu tiền tệ của ta (tiền Pháp). Với giá này, anh sẽ được dọn những món sau: hai đĩa thịt, một chén nước dùng mà anh múc bằng một chiếc thìa sứ nhỏ có cán ngắn và cong; sau cùng là một hoặc hai bát cơm mà anh sẽ ăn bằng cách để chén gần môi và dùng đũa lùa cơm vào cái miệng há to.

Sau khi tỉ mỉ làm sạch răng bằng một que tre (tăm), anh sẽ qua hàng trà nhỏ bên cạnh, nơi luôn gần bếp của chủ quán ăn. Ở đó, vì đã không uống gì trong suốt bữa ăn vừa rồi, anh sẽ tự thưởng cho mình một hoặc hai tách trà xanh nấu trong nước với giá hai xu, đôi khi thêm một thìa rượu gạo; trên quầy sẵn có một ống nước với một cái bát rất nhỏ, anh sẽ lấy một nhúm thuốc lào (une pincée de tabac opiacé) rút từ thắt lưng đặt trên đó; anh rít một hai hơi và tỉnh hẳn người; trên đường đi nhai một miếng trầu. Bữa tối mới tuyệt làm sao.

Quán ăn nhỏ và hàng nước chè.

(Une Campagne au Tonkin, Dr Hocquard, Paris, 1892)

 

Thực đơn ở quán bên đường này, thật sự là phong phú, hấp dẫn và ngon lành. So với những bữa ăn nghèo nàn mà các thủy thủ Nhật kể lại, hay với vài món mà Samuel Baron nhìn thấy thì khác nhau một trời một vực. Có vịt quay, có món chiên, món mặn. Có cá, tôm, cua. Thịt bò, thịt heo. Có canh nữa. Không khác gì quán ăn thời nay ở bất cứ đâu trên đường thiên lý từ nam ra bắc.

Và, hãy nghe, nhìn, ngửi những món ngon Hà Nội qua ngòi bút Thạch Lam:

Muốn thức quà no, thì lại hàng xôi, cơm của bà cụ phố Hàng Khoai... Bà bán đủ các thứ xôi xôi vò, ăn bùi và béo, xôi đỗ ăn đậm vị, xôi lạc ăn vừa miệng, đôi khi cả xôi gấc đỏ tươi, lúc xới ra, khói bốc thơm phức... Ăn với những miếng đậu thái vuông to, rán phồng (tuy rất ít mỡ) và muối sẵn sàng; hay những miếng chả trâu không ngon lành lắm người nghèo có kỳ quản đâu! Đã lâu, bà có làm một thứ giò sỏ, mỡ ròn và mộc nhĩ, ăn cũng thú vị.

Khi nào đồ chừng khách hàng đã ngấy rồi, thì bà rán cả cơm, với cá riếc rán, với trứng gà "ôm lét" (mà tôi ngờ là trứng vịt!) với vó bò hay giò lợn, và cả một nồi mọc đông quánh như keo sơn, béo ngậy như thịt đông.

Ở đây, không có gì đáng quyến rũ một người sành thưởng thức, quả vậy. Nhưng phải trông các bác xe, các người phu ngồi ăn, mới hiểu cái ngon lành có thể đến bậc nào!

Nhắp một vài chén rượu, thong thả gặm một mảnh vó bò may có dính nhiều thịt, vo tròn nắm xôi trong tay trước khi đưa lên miệng, họ có cái sung sướng của nhà nghệ sĩ thưởng thức án văn hay, (có lẽ họ là những nghệ sĩ không biết). Mà nếu hôm ấy buổi xe lại có lãi, thừa được vài hào, thì cái thú của họ thực là vô cùng tận.

Cho nên quanh mẹt hàng của bà cụ phố Hàng Khoai, bao giờ cũng vây một hai vòng người. Thỉnh thoảng chúng ta được thấy một vài nhân vật lạ; một vài người không biết ở đâu, và sống bằng cách gì, gầy gò và rách rưới, nhưng quần áo rách là những thứ sang trọng trước kia. Nhìn kỹ thì biết là những người nghiện; lắm người nghèo có kỳ quản đâu! Đã lâu, bà có phải, mà chỉ có những người nghiện mới biết đưa tha nhường ấy, mới biết khà hớp rượu một cách ngon lành như vậy, mới biết đưa tay có móng đen véo đĩa xôi một cách chắc chiu thế kia; họ tính từng xu, thêm bớt từng tí mỡ, và mặc cả từng khoanh giò; nhưng cái nhắm nhía, cái lờ đờ mắt ngẫm nghĩ đến vị miệng ăn, đủ tỏ một tâm hồn cảm giác không thường, cùng với một sự từng trải đã qua nhiều đau đớn.

Cái ngon ấy cũng dễ lây lắm. Cả đến chính bà hàng cũng theo được cái nên thưởng thức. Những lúc vắng khách, bà cũng rót một chén rượu to để cạnh, và thong thả tự nhắm những thức ăn chính tay mình làm ra. Có lẽ bà tự lấy làm bằng lòng: vì mắt bà lâu dần mờ say đi, tay bà dính thêm nhiều mỡ, và bên thúng thêm một đống xương con ... Ít ra ở đâu mà được người bán cùng với mua cùng là tri kỷ, hiểu các vị một cách thấu náo như thế, và cùng bàn chuyện về xôi, giò chả và với cái dễ dàng thân mật của những người kính phục lẫn nhau. Ở đâu, nếu không ở chốn Hà Nội ba mươi sáu phố phường.

Giờ ăn đã no rồi, rượu đã làm cháy khô cuống họng. Còn gì bằng một chén nước chè nóng, một lá trầu tươi, một điếu thuốc lào ở cái điếu rõ kêu? Vậy xin mời các ông sang bên "Hàng nước cô Dần".

Cửa hàng của cô cũng không có gì: một vài miếng trầu, một vài phong thuốc lào, một bao thuốc lá bán lẻ, vài cái bát uống nước, như cái bát uống nước ở tất cả các hàng nước Việt Nam, đặt úp xuống mặt chõng. Nhưng hàng cô Dần có một chút đặt biệc hơn: cô không bán nước vối hay nước chè tươi. Cô bán nước chè, tôi cũng không biết chè mạn hay chè hột, chỉ biết là một thứ chè cũng dễ uống. Và có lẽ bán cho người ở đất "văn minh", nên cô bán nước chè uống sôi, dù trời rét hay trời nóng, mùa đông hay mùa hạ. Ấm chè bọc cái áo gai rất cẩn thận, dựng bên một cái hỏa lò than cũng hồng, mang một ấm nước bao giờ cũng reo sôi.

Ai uống nước đường thì có cốc thủy tinh, một xu một cốc. Cô múc vào cốc một thìa đường, tuy đường đắt mà xem ra cô cũng múc nới tay lắm. Nghiêng bình chè rót đầy cốc, vừa đưa lên cho khách với cái nhìn của đôi mắt nhỏ, lanh lẹ, hai con người đen bóng loáng, như hai con mắt của một con vật non nào.

Ăn cơm, uống rượu xong mà được một cốc nước chè được rất nóng thì ai chả thích. Nên hàng cô Dần đông khách lắm, có khi cô trở tay bán không kịp. Kẻ đứng, người ngồi xúm vòng quanh, nhưng ngồi xổm mà thôi, vì hàng nước ấy lại còn có cái đặc biệt khác nữa là không có ghế ngồi. Những bác phu xe đặt nón, lần túi lấy một điếu thuốc lào, vài thầy đội xếp uống chè từng ngụm nhỏ trên xe đạp gác ở hè với vài khác hàng áo ngắn, còn trẻ tuổi, hay điểm thêm vào vị nước một vài câu bông đùa nhè nhẹ đối với cô hàng…

 

Các thuỷ thủ Nhật, nhà thám hiểm người Anh S. Baron và vị bác sĩ quân y Hocquard người Pháp kia, họ là người ngoại quốc. Nên cách nhận xét chỉ thoáng qua, có phần dè bỉu như người Nhật, có ý chê bai như người Anh, một chút tinh ý và ngợi khen như người Pháp. Nhưng phải cực kỳ tinh tế, ý nhị như Thạch Lam mới thấy hết cái đáng yêu, cái thú vị, cái ngon lành chỉ trong vài món đơn sơ, giản dị như món xôi buổi sớm, miếng đậu rán, mùi thơm của cá riếc rán trong chảo mỡ sôi.

Hãy nghe ông tả bún ốc, một thức bình dân và bún chả, một thức cầu kỳ:

Tôi thích nhất cô hàng bún ốc,vì nghe thức quà của cô là cái điểm không thể thiếu được của một cảnh bình dân hoạt động trong các ngõ con và trên các bờ hè… Có ai buổi trưa hay buổi đêm khuya, đi qua các nhà cô đào, và các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến đâu không? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phấn và mệt lả, miếng ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt, và khiến đôi khi rõ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình…

... Một ông đồ cuồng chữ ở nhà quê, một hôm khăn gói, ô lên Hà Nội, đã phải ứng khẩu đặt hai câu thơ như thế này, khi ngửi thấy mùi khói chả:

Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long
Bún chả là đây có phải không?

Mà cảm hứng thế thì chí phải. Khi ngồi cuối chiều gió, đói bụng mà đón lấy cái khói chả thơm, thì ngài dễ thành thi sĩ lắm. Khói lam cuộn như sương mờ ở sườn núi, giọt mỡ chả xèo trên than hồng như một tiếng thở dài và tiếng quạt khẽ đập như cành cây rung động, quà bún chả có nhiều cái quyến rũ đáng gọi là mê hồn, nếu không là mê bụng…

Người ta thường nói đến cái triết lý cao xa trong món ăn Việt hay cái sự điều hoà âm dương trong cách chế biến món ăn. Thạch Lam không cần nhắc gì những sự xa xôi ấy. Mà sao ta thấy tâm hồn Việt, ý nhị Việt, với cả những ý tình thiết tha, đắm say trong cách ông diễn tả cách nấu, cách ăn, cách trình bày và cả những cái cẩu thả, luộm thuộm, ăn xổi ở thì (xem chương nói về gánh mì vằn thắn của chú khách và của người Việt). Chúng ta yêu mến và chúng ta chấp nhận.

Đừng vào cao lâu, nhà hàng sang trọng. Hãy ghé quán ven đường. Tấp vào quán nhỏ bên chợ buổi sáng. Như Thạch Lam. Để biết cái tận cùng thú vị của những tay chơi lỡ vận, của những người đầu tắt mặt tối đánh vật với đời, của những kẻ lấy đêm làm ngày. Sẽ biết cái ngon của một nắm xôi lạc béo, mảnh vó bò dai sần sật, của mảnh xương còn tí thịt, chút mỡ. Của miếng đậu rán, miếng giò sỏ (người Nam gọi là giò thủ) với mỡ dòn và mộc nhĩ dai. Và biết qua chén nước chè nóng là gì. Uống vào lúc trời còn mờ tối, bụng đã no với cơm dẻo, xôi bùi, thịt béo. Rít thêm điếu thuốc lào. Sẽ thấy đời không còn gì đáng thưởng thức nữa.

Và như BS Hocquard viết, Bữa ăn tuyệt thú. Ta sẽ viết, Đời tuyệt làm sao.

Mà, biết đâu đấy, ta lại gặp trong quán bên đường, từu quán, quán trọ… một hai khách giang hồ trên đường hành hiệp. Như Kiều Phong, như Đoàn Dự. Như,

Khách nước Triệu phất phơ giải mũ
Gươm Ngô câu rực rỡ tuyết sương
Long lanh yên bạc trên đường
Chập chờn như thể muôn ngàn sao bay

Rảnh rang tới Tín Lăng uống rượu
Tuốt gươm ra, kề gối mà say
Chả kia với chén rượu này,
Đưa cho Châu Hợi, chuốc mời Hầu Doanh.
Ba chén cạn, thân mình xá kể!
Năm núi cao, xem nhẹ lông hồng
Bừng tai, hoa mắt chập chùng,
Mống tuôn hào khí mịt mùng trời mây
Chùy cứu Triệu vung tay khảng khái,
Thành Hàm Đan run rẩy, kinh hoàng
Nghìn thu tráng sĩ hai chàng
Tiếng tăm hiển hách, rỡ ràng Đại Lương.
Thân dù thác, thơm xương nghĩa hiệp;
Thẹn chi ai hào kiệt trên đời.
Hiệu thư dưới gác nào ai ?
Thái huyền, trắng xoá đầu người chép kinh.

(Hiệp khách hành_Lý Bạch_Trần Trọng San dịch. Lý Bạch viết bài thơ này lấy cảm hứng từ truyện Tín lăng quân, Sử ký Tư Mã Thiên. Và cũng từ bài thơ và tích truyện này Kim Dung viết truyện Hiệp Khách hành).

 

Truyện Tín Lăng Quân, Sử ký Tư Mã Thiên

Tín Lăng Quân là công tử Ngụy Vô Kỵ là con trai út của Ngụy Chiêu Vương, vốn là người có tâm hồn cao khiết, nhân hậu, tính thích chiêu hiền đãi sĩ, không phân biệt giàu nghèo, thường lấy lễ để giao tiếp với kẻ sĩ.

Nước Ngụy có kẻ ẩn sĩ tên là Hầu Doanh, tuổi đã 70, nhà nghèo, làm nghề gác cửa thành Di Môn ở Đại Lương. Ngụy công tử nghe tiếng, tìm đến kính cẩn kết giao, mà người ấy lại không nhận, nói rằng:

- Tôi sửa mình, giữ hạnh mấy mươi năm trời, không thể vì cái tình cảnh khốn khó này mà nhận của cải của công tử.

Tín Lăng Quân bèn thiết tiệc, mời quan khách họp mặt đông đủ. Chủ khách yên vị rồi, công tử lên xe ngồi chỗ bên phải, nhường chỗ bên trái (ngày xưa dành chỗ bên trái cho người mình quý trọng), đích thân đi đón Hầu Doanh. Hầu sinh giũ manh áo rách, phủi cái mũ cũ, bước thẳng lên xe, ngang nhiên ngồi vào chỗ dành sẵn, thử xem phản ứng của công tử ra sao. Công tử cầm cương, càng tỏ vẻ cung kính. Hầu sinh bảo công tử:

- Tôi có một người quen ở dãy hàng thịt trong chợ, xin vui lòng cho xe qua đó.

Công tử đánh xe vào chợ. Hầu sinh xuống thăm người quen là Chu Hợi, cố ý đứng nói chuyện lâu, liếc mắt, dò ý công tử. Lúc đó, văn thần, võ tướng nước Ngụy cùng người trong tôn thất và các tân khách đầy nghẹt cả nhà, chờ công tử về khai tiệc. Người trong chợ xem công tử cầm cương. Lính theo hầu đều rủa thầm Hầu sinh. Hầu sinh nhìn vẻ mặt công tử, thấy trước sau không đổi, bèn từ biệt người quen lên xe. Về đến nhà, công tử mời Hầu sinh ngồi chỗ cao nhất, giới thiệu và ca tụng tài đức Hầu sinh với quan khách. Tất cả đều kinh ngạc. Rượu ngà say, công tử đứng lên, đứng trước mặt Hầu sinh chúc mừng. Hầu sinh thừa dịp nói với công tử rằng:

- Hôm nay, Doanh tôi làm công tử mất thể diện nhiều quá rồi. Doanh tôi chỉ là tên gác cửa mà công tử đích thân đánh xe đến đón tôi, ở giữa nơi đông người, công tử không nên tỏ ra quá ư lễ độ mới phải. Vậy mà nay công tử cố ý đi quá mức. Xong Doanh tôi muốn vun quén cho cái danh của công tử, cố ý để cho xe của công tử dừng lâu trong chợ, khiến mọi người thấy cái phong độ của công tử, càng đợi lâu càng tỏ vẻ cung kính dịu dàng. Người trong chợ đều cho rằng công tử là một bậc trưởng giả biết trọng kẻ sĩ.

Tiệc tan, Hầu sinh được đãi làm thượng khách. Hầu sinh nói với Tín Lăng Quân:

- Người hàng thịt là Chu Hợi mà tôi qua thăm đó, đó là người hiền, đời không ai biết, cho nên mới ẩn thân làm nghề mỗ lợn đó thôi.

Công tử đến thăm Chu Hợi nhiều lần, mà Chu Hợi cố tình không cảm tạ. Công tử cảm thấy kỳ lạ về thái độ của Chu.

Năm 20 đời Ngụy An Hi Vương, Tần Chiêu Vương phá tan quân Triệu ở Trường Bình, lại kéo quân vây thành Hàm Đan của Triệu. Chị của Tín Lăng Quân là vợ của Bình Nguyên Quân nước Triệu (Triệu Thắng), nhiều lần viết thư cho Ngụy vương để xin cứu viện. Ngụy Vương sai tướng quan Tấn Bỉ mang 10 vạn quân đi cứu Triệu. Tần Vương bảo Ngụy Vương rằng:

- Ta đánh Triệu, thắng trong sớm tối. Nước nào cứu Triệu, thì sau khi hạ xong Triệu, ta sẽ đánh nước đó trước.

Ngụy Vương nghe vậy cả sợ, liền ra lệnh cho Tấn Bỉ án binh bất động ở Nghiệp Hạ. Còn Tín Lăng Quân Ngụy Vô Kỵ vốn có mối giao tình thâm đậm với Bình Nguyên Quân, nên ông cố vào triều cố thuyết phục vua Ngụy tiến quân. Vua Ngụy quyết khước từ.

Tín Lăng Quân đau đớn không biết làm cách nào để giúp bạn mình, liền nói với đám thực khách:

- Các vị có vì ta mà hy sinh cứu Triệu không?

Cả ngàn tân khách đều hưởng ứng lời hiệu triệu đó.

Tín Lăng Quân dẫn đám thực khách đi ngang qua Di Môn, ghé lại thăm Hầu Doanh, Hầu Doanh nói:

- Chúc công tử cố gắng. Doanh này già rồi không theo công tử được.

Đi được mấy dặm, Tín Lăng Quân thấy lòng không vui, chợt nghĩ điều gì đó, bèn quay lại, thấy Hầu Doanh đứng trước cửa đón mình. Hầu Doanh mỉm cười nói:

- Tôi đoán công tử thế nào cũng trở lại.

Vô Kỵ (Tín Lăng Quân) hỏi:

- Sao biết?

Hầu Doanh nói:

- Công tử đãi Doanh này rất hậu. Giờ này công tử vào nơi nguy hiểm mà Doanh này không có một ý kiến gì, tất công tử sẽ giận, nên trở lại hỏi cho ra lẽ? !

Vô Kỵ nói:

- Tôi ngờ rằng đãi tiên sinh có điều gì sơ sót nên tiên sinh mới giận mà ghét bỏ, vì thế tôi quay lại hỏi cho biết.

Hầu Doanh nói:

- Công tử nuôi ba ngàn thực khách đã vài chục năm rồi thế mà không có vị nào nghĩ ra diệu kế. Công tử và đám thực khách liều mạng xông vào trại Tần có khác nào ném thịt cho hổ đói? Có phải trước đây công tử có ơn với Vương Phi Như Cơ không?

Tín Lăng Quân chợt nhớ ra ... Liền quay về thành Ngụy gặp Vương Phi Như Cơ, nhờ Vương Phi lấy cắp binh phù đưa cho mình rồi tức tốc trở lại gặp Hầu Sinh (tức Hầu Doanh), Hầu Sinh nói:

- Tướng ngoài mặt trận có thể không tuân theo mệnh vua. Công tử phải mời Chu Hợi mới được.

Tín Lăng Quân cùng Hầu Doanh đến gặp Chu Hợi. Hợi nói:

- Tôi là đứa mổ heo ở chợ, thân phận hèn hạ, bấy lâu đội ơn công tử hạ cố. Sở dĩ Hợi tôi không nói lời ơn nghĩa vụn vặt là đợi đến lúc này đây.

Hầu Doanh nói:

- Binh hung chiến nguy! Doanh này đã già không đi cùng công tử được. Khi công tử tới trận, ở đây Doanh này xin lấy cái chết để tạ ơn công tử.

Ba người bái biệt nhau. Tín Lăng Quân đến Nghiệp Hạ cùng với Chu Hợi vào yết kiến lão tướng Tấn Bỉ. Tín Lăng Quân nói:

- Đại vương thấy tướng quân mấy mươi năm dầm sương dãi gió cực khổ về binh nghiệp, nay sai Vô Kỵ đến cầm quân thay cho lão tướng.

Nói rồi đưa binh phù ra, hai bên so, ăn khớp nhau. Nhưng Tấn Bỉ nói:

- Làm tướng ngoài mặt trận có lúc vì tình thế mà không tuân theo mệnh vua, tuy rằng công tử có binh phù này nhưng hãy chờ ít hôm, tôi làm sổ sách và cho người về hỏi lại nhà vua lần nữa.

Tín Lăng Quân nói:

- Cứu binh như cứu lửa. Thành Hàm Đan đang khắc khoải tứng giây phút lẽ nào phải chờ tin đi tin lại?

Chu Hợi hét:

- Nguyên soái không tuân theo mệnh vua, ý muốn làm phản chăng?

Nói rồi lấy dùi sắt đập đầu Tấn Bỉ chết ngay.

Tín Lăng Quân cùng Chu Hợi đoạt lấy binh quyền, đánh vào trại Tần. Tướng Tần là Vương Hạt đại bại, kéo tàn quân chạy về Hàm Cốc quan đóng kín cửa ải. Công tử Ngụy Vô Kỵ cứu được nước Triệu. Triệu Vương cùng Bình Nguyên Quân ra đón rước công tử. Danh tiếng Tín Lăng Quân thành lừng lẫy.

 

 

Tháng Giêng. 2023

NTH

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết