THÁNG BẢY MƯA NGÂU VÀ LỄ VU LAN

THÁNG BẢY, MƯA NGÂU VÀ LỄ VU LAN

 

Tranh khắc gỗ lễ Thất tịch của Nhật

(Wiki)

 

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,

Toát hơi may lạnh buốt xương khô

Não người thay buổi chiều thu,

Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng…

Tháng Bảy là tháng buồn nhất trong năm. Trời thì mưa sùi sụt. Gió lạnh tái tê. Lòng người hiu hắt. Nếu không lên chùa đọc kinh thì nấu bát cháo gói trong lá đa cột trước cửa nhà hay trên thân cây. Cho những cô hồn uổng tử, tạm được rời cửa địa ngục, lên dương thế lang thang dìu trẻ dắt già, tìm chút hơi ấm trần gian.

Truyền thuyết kể rằng những giọt mưa rơi mãi không ngừng là nước mắt của Ngưu lang Chức nữ khóc cho thân phận mình, thương cho duyên kiếp nhau, mỗi năm chỉ gặp được một lần trên cầu Ô thước, cây cầu kết bằng vô vàn cánh chim Ô y, nâng bước cho đôi nam nữ nửa tiên nửa tục ấy. Nên có lễ Thất tịch nhằm ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch. Mưa tháng 7 gọi là mưa Ngâu, tức Ngưu. Vì Ngưu lang Chức nữ cũng gọi là ông Ngâu bà Ngâu. Những tiếng nức nở của nàng hoá thành mưa ngâu, những tiếng nấc nghẹn của chàng biến nước mùa thu hoà cùng màu trời liền thành một sắc: sắc xám u hoài.

Lạ thay, lễ Vu lan cũng tổ chức trong tháng Bảy, vào ngày rằm. Sự tích lễ này khởi nguồn từ truyền thuyết trong Phật giáo. Ngài Mục Kiều Liên, nhờ lời chỉ dạy của Đức Phật, họp sức tất cả chư tăng cùng đọc kinh cầu để qua đó xá tội cho mẫu thân của ngài Mục. Rồi nhân đó, lễ mang thêm ý nghĩa báo hiếu cho các đấng sinh thành.

Vì hai lễ cùng tổ chức trong Rằm tháng Bảy nên người ta thường nhầm lẫn với nhau.

Ngày xưa, rằm tháng Bảy chỉ thuần túy là lễ Xá tội vong nhân hay lễ cũng cô hồn. Nên trong ngày này, qua nhà nào cũng thấy có gói thức ăn nho nhỏ, với ít cháo loãng, lạc luộc, khúc mía cây, vài cái kẹo, treo trước cửa nhà; nếu là ở thôn quê, sẽ được treo trên cành đa trước cổng làng, cho những cô hồn đói khát, không được ai cúng giỗ, chẳng còn ai nhớ tới, được Thập điện diêm vương cho phép ra khỏi chín tầng địa ngục, lên dương thế tìm cái ăn, hơi ấm… Gói thức ăn cho cô hồn luôn đơn sơ, đạm bạc. Nên phải có thêm những mâm cổ lớn ở chùa, ở những nhà giàu có. Nhưng vẫn là bát cháo nén nhang thay cho manh áo thoi vàng để làm của ăn đường thăng thiên.

Chuyện Ngưu lang Chức nữ là sự tích của Tàu nên ta nghe qua rồi bỏ. Ít ai nhớ đến. Rằm tháng Bảy, lễ Vu lan có ý nghĩa thiết thực hơn nên ngày nay người ta nhớ nó như ngày lễ báo hiếu.

Báo hiếu thì ngày nào mà chẳng làm được. Có cần mượn đến ngày lễ đâu?

Ngày lễ Vu lan là một cách để ta tưởng nhớ ông bà tổ tiên, đến người đã khuất, vì đó là một phần của ký ức, của dĩ vãng. Con người không chỉ sống bằng hiện tại, bằng tương lai. Vì hiện tại và tương lai là sức đẩy, là hy vọng để người ta bước tới. Còn có quá khứ, dĩ vãng. Nó làm người ta tiếc nhớ, buồn thương và mỉm cười hay ứa vài giọt nước mắt mỗi khi nhớ lại những hình bóng cũ, kỷ niệm xưa. Dĩ vãng là của ăn đường, là thức quà nhà quê, là dây tơ mong manh nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Tiếc thay chút nghĩa cũ càng. Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Sợi dây tơ mong manh nhưng không bao giờ đứt là thế.

Tìm đâu những ngày thơ ấu qua
Tìm đâu những ngày xinh như mộng
Tìm đâu những ngày thơ
Tìm đâu những chiều mơ
Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ?

(Những ngày thơ mộng – Hoàng Thi Thơ)

Tháng Bảy, 2022

NTH


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết