NHỮNG BỨC ẢNH GỢI NHỚ (Phần 4) - TẾT VÀ CHỢ TẾT NĂM XƯA

NHỮNG BỨC ẢNH GỢI NHỚ (Phần 4)

TẾT VÀ CHỢ TẾT NĂM XƯA

 

Những ngày Tết năm xưa không có Đường Hoa, không có Hội Hoa, chỉ có chợ Tết thôi. Đó là nơi duy nhất hiện ra đầy đủ tất cả những gì gọi là phong vị ngày Tết. Và, những ngày trước Tết, từ khoảng rằm tháng Chạp trở đi, là những ngày bận rộn nhất của gia đình tôi. Sáng sớm cả nhà bận bịu mang hàng, gánh hàng ra chợ. Tôi, đôi lần, được theo Mẹ xuống chợ Đầm, một ngôi chợ lớn nhất Nhatrang thời ấy, để cất hàng về bán Tết. Mẹ tôi thường lấy hàng ở một ông Tàu, (lâu nên quên mất tên) sau khi tính toán hàng họ xong xuôi, ông bao giờ cũng gói cho tôi một món quà nhỏ gì đấy, mứt hay kẹo hay gì cũng không còn nhớ, mà tôi nâng niu nó mãi chẳng dám ăn.

Từ 23 tháng Chạp, ngày ông Táo về trời, là đã phải thức đêm luôn ở chợ. Nên đến ngày 30 là đã rất mệt rồi. Làm cơm cúng ông bà xong, Mẹ tôi soạn mấy tờ tranh, tranh in sẵn bán cho người ta mua dán trong nhà gọi là chơi Tết, tranh Phạm Công Cúc Hoa, tranh Tiết Nhơn Quí chinh đông, chinh tây, tranh Lâm Sanh Xuân Nương… bảo các con dán lên tường cho vui nhà vui cửa. Thế rồi cả nhà lăn ra ngủ. Chỉ còn Ba tôi vẫn thức, cặm cụi chuẩn bị các thức cúng Giao thừa. Đúng 12 giờ khuya, có tiếng chuông Nhà thờ Đá, nhà thờ chánh tòa của tỉnh, văng vẳng báo giờ khắc quan trọng nhất của năm đã tới. Ba tôi, mặc áo dài, gọi là áo lương, trịnh trọng thắp ba nén nhang, đốt lư trầm nhỏ, (trầm lúc ấy rất dễ mua, giá cũng không đắt), rồi đứng trước bàn thờ khấn nho nhỏ. Tôi, có một lần, tỉnh giấc, ra đứng cạnh ông, ráng lắng tai mà cũng không nghe được ông khấn những gì. Những năm sáu mươi thế kỷ trước, không khí Nhatrang có thể nói là rất trong lành. Có cảm giác không khí trong lành đến nỗi ta có thể ngửi được, cầm nắm được. Thế cho nên, mùi khói hương, mùi trầm, mùi pháo nhà ai đốt cúng Giao thừa, thoang thoảng bay và nồng nàn thơm. Hình ảnh, hương vị Tết năm ấy còn mãi…

 

Chợ Tết, Đoàn Văn Cừ, 1939

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;

Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,

Vài cụ già chống gậy bước lom khom,

Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,

Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,

Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau…

 

 

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.

(Chợ Tết, ĐVC)

 

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;

(Chợ Tết ĐVC)

 

Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.

(Chợ Tết, ĐVC)

 

Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ

Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán

(Chợ Tết, ĐVC)

Chợ Đông Ba, Huế. Ngoài bắc có chợ Đồng Xuân, Sài Gòn có chợ Bến Thành, thì Huế có Đông Ba, 3 ngôi chợ lớn và có tiếng ở ba miền.

 

Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm,

 (Chợ Tết, ĐVC)

 

Những người quê lũ lượt trở ra về. (Chợ Tết, ĐVC)

Chợ Cầu Giấy

 

Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ (Chợ Tết, ĐVC)

Chợ chồm hổm, ngoại ô Sài Gòn

 

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu, giấy đỏ

Trên phố đông người qua…

(Ông đồ, Vũ Đình Liên)

 

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu…

(Ông đồ, VĐL)

 

Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản,

Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.

(Chợ Tết, Đoàn Văn Cừ)

 

Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,

Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.

(Chợ Tết, ĐVC)

 

Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ, (Chợ Tết, ĐVC)

 

Bán lá dong…

 

Và, mua hoa thủy tiên

Gọt được một củ thủy tiên ra hoa vào đúng giao thừa hay mồng một Tết là cả một kỳ công. Chỉ những ông cụ nhiều kinh nghiệm, đặt hết tâm hồn và xem đây là thú vui tao nhã những ngày cận tết mới làm.

 

Tết năm xưa, xem xinê là thú giải trí duy nhất

(Tết năm 1949 tại Sài Gòn, rạp Nguyễn Văn Hảo trên đường Galliéni, nay là Trần Hưng Đạo)

Cùng đọc lại bài thơ Hoa Đào của Thôi Hộ để nhớ một mùa xuân năm cũ. Bài này có nhiều người dịch, nhưng có lẽ chỉ điển tích Nguyễn Du tiên sinh dẫn lại trong Truyện Kiều là hay nhất:

Đề tích sở kiến xứ

Thôi Hộ

Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong.

Bài thơ Hoa Đào

Đầy vườn cỏ mọc lau thưa
Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

Nguyễn Du

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết