HÀ TIÊN MẢNH ĐẤT NƠI CUỐI TRỜI

HÀ TIÊN, MẢNH ĐẤT NƠI CUỐI TRỜI

 

Ác vàng vừa lặn hang tây,

Liễu dinh tiếng trống vang dầy sơn xuyên.

(Giang thành dạ cổ, Mạc Thiên Tích)

 

Trước đây khi đường sá còn trắc trở, nếu đi du lịch, phía bắc người ta chọn Hạ Long, miền trung, người ta chọn Nhatrang, Cao nguyên thì chọn Đà Lạt, còn miền nam,  tới Cần Thơ hay Tây Ninh là thôi, chẳng mấy ai đi Hà Tiên.

Hay vì nó nằm khuất nẻo, hay vì không có cảnh đẹp, thức ăn ngon. Vì không mấy người lui tới nên chẳng buồn tìm hiểu. Thế là Hà Tiên chịu phận hẩm hiu.

Thế nhưng trong các đơn vị hành chánh ngày xưa, ta quen gọi là Nam kỳ lục tỉnh, Hà Tiên là một trong Lục tỉnh đấy.

Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán (triều Nguyễn), vào năm Mậu Dần (1698) chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập phủ Gia Định. Năm Nhâm Tuất (1802) vua Gia Long đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định; đến năm Mậu Thìn (1808) đổi tên trấn Gia Định ra Gia Định Thành (hay tổng trấn Gia Định) gồm 5 trấn là Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên.

 

Năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thìn, 1832), vua Minh Mạng bãi bỏ Gia Định Thành, đổi các trấn thành tỉnh, chia 5 trấn của Gia Định Thành trước đây thành 6 tỉnh (Lục tỉnh) gồm Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Hai năm sau (Giáp Ngọ, 1834), vùng Lục tỉnh thuộc Gia Định Thành trước đây được gọi chung là Nam Kỳ. Từ đó có tên gọi là Nam Kỳ Lục tỉnh.

Nam kỳ Lục tỉnh, 1832-1841

Tên gọi Hà Tiên, có 2 thuyết: khi còn là vùng đất hoang sơ, có người thấy có thần tiên bay trên sông. Thuyết thứ 2: xưa người Khmer gọi sông ở đó là Tà Ten, hay Prek Ten, rồi đọc trại đi thành Hà Tiên.

Hà Tiên: tiên bay trên sông, nghe thơ mộng. Chắc đúng thế. Tiên thường xuất hiện ở nơi vắng người phàm mà.

Tuổi địa chất của Hà Tiên chừng 400 triệu năm (Tạp chí các Khoa học về Trái đất – Đa dạng địa học vùng Hà Tiên, Hà Quang Hải, Nguyễn Ngọc Tuyên).

Hà Tiên thập vịnh mà Tao đàn Chiêu Anh các của Mạc Thiên Tích và sau này, nhà thơ Đông Hồ Lâm Tấn Phác hết lời ca tụng, hẳn là đặc sắc rồi. Nhưng ấn tượng nhất lại là thiên nhiên dành tặng riêng cho Hà Tiên: những hõm sâu do ngấn nước biển để lại trong giai đoạn biển tiến toàn cầu, đâu chừng hơn 5.000 năm trước:

3 hõm do nước biển gặm mòn tại Hang Cá Sấu, Hà Tiên, mũi tên đỏ.

Hõm 3 (cao): cao 4.8 m, bề rộng hõm 0.7 m

Hõm 2 (giữa): cao 2.9 m, bề rộng hõm 0.7 m

Hõm 1 (thấp): cao 0.9 m, bề rộng hõm 0.8 m

Độ cao và bề rộng ba mức gặm mòn tại hang Cá Sấu

(Biển tiến Flandrian và dấu ấn để lại vùng đồng bằng Sông Cửu Long – Cổng thông tin Địa môi trường (diamoitruong.com- Hà Nguyên Hải)

Dấu tích này là bằng chứng hiển nhiên toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long xưa chìm trong biển nước. Thế nên mới có chuyện nhà khảo cổ Louis Malleret tìm được 2 đồng tiền vàng La Mã ở Óc Eo (Thoại Sơn, An Giang). Vì vào đầu Công nguyên nước biển vẫn còn dâng ngập đồng bằng, nên tàu buôn La Mã mới vào đến tận Óc Eo buôn bán.

2 đồng tiền vàng La Mã_Bảo tàng Lịch sử TP HCM (Đồng vàng La Mã và thương cảng quốc tế Óc Eo (thanhnien.vn)

Học giả Nguyễn Hiến Lê có viết một bài khảo cứu rất đặc sắc về Hà Tiên. Trích đoạn:

“Đất Hà Tiên

 

Nam Việt là một “tặng phẩm” của sông Cửu long. Hàng vạn năm trước là biển, sông Cửu long chở phù sa xuống, rồi lần lần mà thành đồng ruộng. Thời tiền chiến, tôi không nhớ rõ là năm một ngàn chín trăm ba mươi mấy, người ta đào được những đồng tiền vàng La Mã ở Óc eo (gần chân núi Ba thê), vậy thì vào khoảng đầu công nguyên, biển vô tới Óc eo hoặc cách Óc eo không bao xa, chỉ vài ba cây số. Hồi đó các núi ở Hà tiên, Ba hòn, Hòn trẹm chắc còn nằm ngoài biển, không biết từ thế kỷ thứ mấy, miền ấy mới được bồi xong. Ngày nay ai đi qua Ba hòn, còn thấy trên những núi đá vôi ở sát lộ Rạch giá – Hà tiên, có những ngấn nước cao hơn mặt đất khoảng một thước. Vậy thì vùng bờ biển đó chắc cũng đã được dâng lên nữa, ngoài hiện tượng được phù sa bồi.

 

“Dãy núi từ Hà tiên tới Hòn trẹm ấy hiện nay nằm sát hoặc gần bờ biển, nhìn ra các hòn ngoài khơi: hòn Phụ tử, hòn Heo, hòn Ngang, hòn Một, hòn Phú Quốc… và quay lưng lại một cánh đồng bát ngát (xưa là rừng, nay vẫn còn đất phèn), xa xa vài chục cây số mới có dãy núi Thất sơn. Như vậy là Hà tiên là một miền hẻo lánh nơi chân trời góc biển. Trước năm 1930, khi chưa có con đường trải đá Rạch giá – Hà tiên thì thị trấn ấy gần như cô lập với các miền chung quanh: muốn xuống Rạch giá phải dùng đường biển, mất nữa ngày, mà muốn vô Châu đốc thì phải đi vòng lên biên giới, mượn một con đường trên phần đất Cao miên.

 

“Nó đã cô lập mà lại kì đặc, không giống một miền nào khác. Thi sĩ Đông Hồ trong cuốn Văn học Hà tiên đã tả nó như sau:

“Ở đó (Hà tiên), kỳ thú thay, như gồm hầu đủ hết.

 

Có một ít hang sâu động hiểm của Lạng sơn. Có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển của Hạ long. Có một ít núi vôi ở Ninh bình, có một ít thạch thất sơn môn của Hương tích. Có một ít Tây hồ, một ít Hương giang. Có một ít chùa chiền của Bắc ninh, lăng tẩm của Thuận hóa. Có một ít Đồ sơn, Cửa tùng, có một ít Nha trang, Long hải.

 

Ở đây không có cảnh nào to lớn đầy đủ; ở đây chỉ nhỏ nhắn, xinh xinh, mà cảnh nào cũng có”.

 

Tóm lại, nó là một tiểu vũ trụ biệt lập, rất hợp cho kẻ nào có chí vẫy vùng, muốn nghênh ngang một cõi.”

(Mười câu chuyến văn chương, Nguyễn Hiến Lê)

 

Kẻ đó là họ Mạc ở cuối thế kỷ XVII.

HỌ MẠC

 

Chùa Phù Dung (đúng ra là Phù Cừ). Nơi kết thúc cho thiên truyện Nàng Ái cơ trong chậu úp của nữ sĩ Mộng Tuyết, vợ nhà thơ Đông Hồ

Thạch Động

Cửa hang, nơi phát sinh sự tích Thạch Sanh cứu công chúa

 

Không thừa nhận nhà Mãn Thanh, Mạc Cửu kéo bộ hạ đi xuống phía nam. Trong khi Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên quy phục chúa Nguyễn Phúc Chu, được chúa cho đi trấn Biên Hoà và Mỹ tho (1679), thì Mạc đi tuốt xuống Chân Lạp, được triều đình Khmer cho làm chức ốc nha, rồi năm 1700 xin ra Banteay Meas tức Mang Khảm (sau là Hà Tiên), khai khẩn. Trước là mở sòng bạc, sau quy tụ dân giang hồ, hải khấu lập ấp, mở khẩu thành ra một tiểu quốc.

Để tránh bị Xiêm đe dọa, Mạc Cửu, 1708 và sau con là Mạc Thiên Tích (Tứ), 1735, đã xin thần phục chúa Nguyễn Phúc Chu và nhận chức Tổng binh. Nhưng thực sự, họ vẫn là vua một cõi. Những sự kiện sau đây cho thấy điều ấy:  cho loan truyền chuyện các nàng tiên xuất hiện trên sông Giang Thành, việc đào được hũ bạc và ánh sáng lạ ở Lũng Kỳ báo hiệu sự ra đời của (chân thiên tử) Mạc Thiên Tích. Đặc biệt là trong một bức thư năm 1742 viết bằng chữ Khmer gửi đến chính quyền Mạc Phủ Tokugawa, Mạc Thiên Tứ tự xưng mình là Neak Somdec Preah Sotoat và tự phong danh hiệu “vua của Campuchia_King of Cambodia” (SouthEast Asia, A historical Encyclopedia, from Angkor Vat to East Timor, Li Tana, Editor Ooi Keat Gin). Việc thậm xưng cho thấy sự thần phục chúa Nguyễn chỉ là danh nghĩa. Hà Tiên, dưới quyền cai trị của Mạc Thiên Tứ, gần như thái ấp riêng, chỉ cống nạp chứ không phải đóng thuế cho nhà Nguyễn. Ông còn cho đúc tiền riêng. Quân đội gồm cả người Việt, Khmer và Mã lai. Năm 1767, ông dung nạp và bảo vệ  Mission Étrangères de Paris khi Ayutthaya sụp đổ. Ông cho họ sử dụng Hòn Đất mở các lớp học. Đó là chính sách đa chủng tộc khôn ngoan riêng cho Hà Tiên. (Li Tana, sđd)

Nhưng công lao lớn nhất của Mạc thị, nhất là Mạc Thiên Tích là biến tiểu quốc này thành một “văn hiến quốc”, như nhận định của học giả Nguyễn Hiến Lê.

“Nếu chỉ là một hải khẩu thì dù ghe tàu tấp nập, cũng chưa có gì đặc biệt. Điều đáng cho ngày nay chúng ta nhắc nhở nhất là tiểu quốc đó chỉ trong nửa thế kỉ đã thành “một văn hiến quốc” ở giữa một miền hẻo lánh, y như một đầm sen giữa cánh đồng hoang vậy, khiến ai cũng phải ngạc nhiên.

 

“Công ấy là nhờ Mạc Thiên Tích, con của Mạc Cửu. Thiên Tích kế nghiệp cha, là đô đốc Hà tiên năm 1735, thì ngay năm sau, 1936, thành lập Chiêu Anh các, một tao đàn kiêm một nghĩa thục, có thờ Khổng Tử. Ông cha Trung hoa, mẹ Việt, rất đa tài: trị nước, ngoại giao, cầm quân, đặc biệt là có tài văn thơ mà lại rất trọng tiếng Nôm, chiêu tập được 36 (có sách chép là 32) văn nhân thi sĩ vô Chiêu Anh các (gọi là tam thập lục kiệt), trong số đó sáu vị là người Việt, còn thì là Trung hoa, người Minh hương, họ từ Thuận, Quảng vô hoặc từ Gia định tới, hoặc từ Quảng đông, Phúc kiến sang. Thiên Tích làm nguyên soái.

“Trong khi đó đừng nói chi Gia định, ngay cả ở Thuận hóa cũng chẳng có một thi đàn nào cả. Sự kiện ấy quả thực chưa hề xảy ra trong lịch sử văn học. Ta thử tưởng tượng một nhóm người di cư qua một nước tuy là đồng văn nhưng vẫn là lạ, dựng nghiệp ở một nơi hẻo lánh nhất, mà chỉ nữa thế kỉ sau, làm cho nơi đó thành một đất văn vật nhất trong cõi, góp công vào văn học xứ đó bằng chữ của mình và bằng cả thổ ngữ, thì có lạ không chứ!” (NHL, sđd)

Ta thấy bóng dáng của Từ Hải trong con người của Mạc Thiên Tích:

Giang hồ quen thói vẫy vùng

Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo

Không chỉ giỏi trị nước, cầm quân, sành văn chương, Mạc Thiên Tích còn rất hào hoa. Chuyện tình của ông với nàng ái cơ ông rất mực yêu thương được Mộng Tuyết, vợ nhà thơ Đông Hồ kể lại trong thiên truyện mà học giả Nguyễn Hiến Lê hết lời khen ngợi, “Nàng Ái cơ trong chậu úp”.

 

“Truyện có thực, còn lưu lại di tích, tức chùa Phù Dung ở Hà tiên mà Đại nam nhất thống chí chép đúng, là chùa Phù Cừ, người sau không hiểu nghĩa đổi thành Phù Dung. (Phù Cừ là tên hiệu của nàng ái cơ, cũng là tên loài hoa sen trắng; Phù Dung là tên hoa sen hồng).

Nhân vật chính, Dì Tự, một ái cơ của Mạc Thiên Tích, đã đẹp lại hay chữ, khiến bà chính thất họ Nguyễn ghen tương mà lập mưu hãm hại, nhốt vào một cái chậu úp cho ngộp mà chết, may được Thiên Tích ngẫu nhiên cứu sống, rồi chán chường thế sự bà xin phép chồng đi tu, Thiên Tích cất cho bà ngôi chùa Phù Cừ đó để bà lánh đời.

 

Truyện chỉ có vậy, tác giả đã tưởng tượng thêm để viết thành một lịch sử tiểu thuyết dài non hai trăm trang làm sống lại một thịnh thời ở Hà tiên với những hội hoa đăng, hội thơ, cảnh duyệt binh, cảnh tết Đoan ngọ… Tuy là tưởng tượng nhưng vẫn dựa vào sử, theo sát tài liệu lịch sử, giữ đúng niên đại trong sử. Tác giả đã khảo cứu công phu, dựng truyện chặt chẽ, mà văn thì đẽo gọt, đối với một tiểu thuyết, có lẽ đẽo gọt quá theo quan niệm hiện thời. Từ đầu thế kĩ đến nay, ít cuốn trong loại đó có thể so sánh được: tiểu thuyết của Lan Khai chỉ là truyện tình mang tên “lịch sử” còn tiểu thuyết của Nguyễn Triệu Luật ngoài cuốn Bốn con yêu và ba ông đồ chỉ là lịch sử kí sự mượn cái tên “tiểu thuyết”. Đúng tên lịch sử kí sự tiểu thuyết chỉ có Nàng Ái cơ trong chậu úp. Tiếc thay, tác phẩm được ít người hoan nghênh có lẽ chỉ vì xuất hiện không đúng lúc.” (Nguyễn Hiến Lê, sđd)

Để điểm tô cho cảnh sắc, con người và sự việc đẹp mơ màng như trong tiểu thuyết, còn có chuyện cổ tích Thạch Sanh cứu công chúa Thủy tề, phát tích từ hang Thạch động ở Chùa Hang.

Trong bộ Kho tàng Truyện cổ tích Việt Nam rất nổi tiếng của Nguyễn Đổng Chi, truyện Thạch Sanh bắt đầu như sau: "Ngày xưa ở Quận Cao Bình có vợ chồng bác tiều phu Thạch Nghĩa tuổi đã cao mà không có con.

Trong phần "Khảo dị" của truyện Thạch Sanh, ông viết:

Thế là từ hang động ở quận Cao bình mãi tận tỉnh Cao bằng xứ Bắc, chàng Thạch Sanh bỗng thành đặc sản miền Tây.

Hà Tiên vốn là biên địa với Cambodia, mà chuyện cổ Khmer cũng có chuyện Thạch Sanh chém chằn. Vậy Hà Tiên có hẳn một cái hang để chứng minh chuyện Thạch Sanh cứu công chúa dưới hang không phải là chuyện lạ

Đàn kêu tích tịch tình tang

Ai đem công chúa dưới hang mà về.

Các nhà văn bản học cho rằng chuyện cổ tích là minh chứng cho thuyết tổ tiên chung của loài người. Cho nên ta thấy chuyện cổ tích của các dân tộc hầu như đại đồng mà tiểu dị.

HỌ LÂM

 

Đông Hồ Lâm Tấn Phác

Học giả Nguyễn Hiến Lê nhận xét là Mạc Cửu gầy dựng cơ đồ, nhưng chính Mạc Thiên Tích mới là người có công biến Hà Tiên thành một xứ “văn hiến quốc”.

Nhưng chưa đầy nửa thế kỷ, Mạc thị đã tuyệt tích giang hồ. Gầy dựng lại và đưa Hà Tiên vào bản đồ văn học nước nhà là công của nhà thơ Đông Hồ Lâm Tấn Phác, non một trăm năm mươi năm sau.

Tổ tiên của Đông Hồ gốc gác ở Phúc Kiến (Hoa Nam) có lẽ cũng qua Việt nam với họ Mạc (Mạc Cửu có dùng một quan kí lục họ Lâm), đời đời theo Nho học, và cụ Hữu Lân, bá phụ của Đồng Hồ nổi tiếng văn hay chữ tốt. Thiếu thời Đông Hồ được cụ dạy dỗ, đào tạo trong nền cổ học, gần như không ra khỏi Hà tiên, không được đọc gì khác ngoài văn thơ Hán Nôm. Vì vậy tâm hồn ông gần với tâm hồn các nhà Nho Bắc, Trung hơn các người Nam đồng thời với ông ở miền Đông, chẳng hạn Hồ Biểu Chánh.

Ngay ở bài thơ đầu tiên, bài thơ khóc vợ Linh Phượng hay Trác Chi lệ ký tập, ông đã nổi tiếng khắp nước, sau đăng ở tạp chí Nam Phong, năm 1928. Nếu ta biết rằng, Nam Phong là tờ báo văn học duy nhất trong cả nước, với ban biên tập toàn các nhà tây học, nho học lão luyện. Và nếu biết rằng ông lập Trí Đức học xá ở Hà Tiên năm 1926, chuyên dạy tiếng Việt, ta sẽ còn ngạc nhiên và khâm phục ông hơn nữa. Lúc ấy ông chỉ ngoài đôi mươi (ông sinh năm 1906). Đọc đôi dòng tâm sự của ông để biết tấm lòng của ông với Quốc ngữ:

Nằm nhà buồn buồn, tôi lấy mấy quyển sách ra xem thì là mấy tập Nam Phong cũ. Tôi giở từng số, xem qua một lượt. Tôi gặp bài thơ Le Lac của Lamartine dịch ra quốc ngữ của cô Lê Cẩm Nhung và của ông Nguyễn Văn Bông. Tôi để ý đọc, chỉ đọc bài quốc ngữ thôi, vì bài chữ Tây thì tôi đã thuộc lòng (…) Thì ra quốc văn có thể diễn nổi những cảnh sắc sảo sáng sủa của thơ Tây, và cũng có thể diễn nổi những ý tứ thâm trầm, những tư tưởng cao thượng của thơ Tàu. Tôi tỉnh ngộ. Tôi thấy rằng nước ta còn có chữ, giống ta còn có tiếng nói. Quốc văn ta có nghèo hèn kém cỏi gì đâu. Tôi bỏ Pháp văn, quay ra chuyên tâm học quốc ngữ. Cái duyên của tôi với báo Nam Phong cũng bắt đầu từ đó, mà cái cảm tình của tôi đối với tiếng nước nhà đằm thắm mặn mà cũng bắt đầu từ đó.

(Hương vườn Úc, nhiều tác giả)

Học giả Phạm Quỳnh có nói, “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn.”

Có lẽ thầy giáo trẻ Lâm Tán Phác đã rất thấm thía câu nói này. Nhiều bài làm văn của học trò Trí Đức học xá đã được Đông Hồ biên tập và gửi đăng trên báo Nam Phong, trong đó có bài của người học trò xuất sắc nhất là nữ sĩ Mộng Tuyết, sau này trở thành người bạn đời của ông.

Ông cộng tác với Nam Phong và viết bài nhiều thể loại. Ông còn viết bài cho Đông Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn, Tri Tân và nhiều báo khác. Năm 1935, ông lên Sài Gòn lập báo Sống. Năm 1950 ông lập nhà sách Yiễm Yiễm thư trang rất nổi tiếng dạo ấy. Ông còn dịch thơ chữ Hán (của Mạc Thiên Tích, Nguyễn Cư Trinh), thơ Pháp (của Sully Prudhomme, Victor Hugo), thơ Anh (của thi hào Tagore). Những năm 1960, ông phụ trách khoa Văn học miền nam ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Vì thế gọi ông là nhà văn hóa thì đúng hơn.

Không có Đại thành điện, Khuê văn lâu… như Tông Đức hầu (tước phong của nhà Nguyễn cho Mạc Thiên Tích), thì ông có Vạn quyển thư lâu, Vương giả hương đình, Quình Lâm thư thất… tuy chẳng lộng lẫy, nhưng sách quí, tranh quí và nét bút của cổ nhân và của chính ông thì chất, treo đầy tường; mà hương trầm, hương mai, hương lan, hương huệ thường tỏa ngào ngạt mỗi khi có bạn văn tới; ai cũng phải nhận rằng về phương diện đó ông là bậc “vương giả” trong giới tao nhân Việt nam. Cho nên năm 1961, khi viên thư kí Hàn lâm viện Ấn Độ, K.F. Kripalani, qua Sàigòn để tìm những kỉ niệm về thi hào Tagore thì nha Văn hóa bối rối, không biết tiếp vị khách ấy ở đâu cho trang nhã, có vẻ “văn hóa” một chút, phải xin mượn Yễm Yễm thư trang vậy.(NHL, sđd)

Cho mực đượm vào hương sực nức,
Cho thơ hoà với gió mơn man.
Phương tâm tìm được trong vương giả,
U cốc gần nhau giữa thế gian.

(Đề Vương giả hương đình, Quách Tấn. Trích trong Hương vườn cũ)

Trích nhận xét của học giả Nguyễn Hiến Lê, người đồng thời viết về nhà văn hóa Đông Hồ:

“Đông Hồ có hai công lớn: Phụng sự Việt Ngữ, thúc đẩy người ta trau dồi Việt Ngữ từ 1924-1925; làm cho văn xuôi Miền Nam hóa thanh nhã, “có văn”, như văn xuôi Miền Bắc. (So sánh văn anh ấy viết từ 1925 với văn các cây bút đương thời, như Nguyễn Chánh Sắc... thì thấy một trời một vực.

“Anh ấy lại có công lớn với Hà Tiên, cũng giới thiệu phong cảnh, phong tục, lịch sử (họ Mạc) với văn học (Chiêu Anh các).

(Thư gởi Quách Tấn, ngày 25.1.1983. Quách Tấn, Nguyễn Hiến Lê, những bức thư đầm ấm)

Với Hà Tiên, ông có cuốn Hà Tiên Mạc thị sử, đăng trên Nam Phong nhiều bài văn thơ về Hà Tiên, cuốn Hà Tiên thập cảnh và đường vào Hà tiên. Rồi suốt mấy chục năm ông sưu tập rất nhiều sách báo Việt, Hán, Pháp viết về Hà tiên để soạn cuốn Văn học Hà tiên, khảo cứu công phu, trình bày sáng sủa với giọng văn của một nhà giáo kiêm nghệ sĩ (lời NHL).

“Vậy ông đã trả ơn quê hương một cách xứng đáng. Hiện nay chúng ta biết được chút gì về Hà tiên hầu hết là nhờ ông cả.

“Thật cũng lạ! Họ Mạc và họ Lâm đều gốc gác ở Hoa Nam: Mạc ở Quảng đông, Lâm ở Phúc kiến, cùng qua Nam Việt một thời, cùng yêu ngay quê hương thứ hai của mình, rồi coi quê hương đó là quê hương thứ nhất, cũng tận tâm phục vụ cho tiếng mẹ đẻ.” (NHL, sđd)

Vậy, ai đến Hà tiên, đem lòng yêu mến Hà tiên, cũng sẽ yêu mến Mạc Thiên Tích và Đông Hồ như người con của quê hương Việt Nam.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA NHÀ THƠ, THƯ PHÁP GIA, HOẠ SĨ ĐÔNG HỒ

Bìa cuốn Nàng Ái cơ trong chậu úp

Thư pháp chữ Hán: Dữ mai tinh tác thập phần xuân

Triện son của Mộng Tuyết: Dữ mai tinh tác thập phần xuân

Chữ Đông Hồ trên hồ lô

 

 

PHỤ SOẠN

TÂY DU KÝ NGOẠI TRUYỆN, HÀ TIÊN NHIỄU SỰ

Lại nói nhằm Nhâm ngọ niên, tây lịch 2002, toàn gia Kim Sơn và một số thân hữu dự một chuyến du lãm Hà Tiên. Vì có tham gia  nên bây giờ viết lại nhưng tiếc là thời gian như bóng câu qua cửa sổ, kí lực giảm suy nên không còn nhớ bao nhiêu. Chỉ nhắc lại vài điểm chính như là để hồi tưởng.

Đi đường bộ, lại là du lãng, nên tiện đâu ghé đó. Thăm thú được nhiều nơi. Và cũng gọi là nhìn thấy một phần nào quê hương đất nước.

Đó là:

Khu di tích chiến khu xưa Xẻo Quýt, ở Đồng Tháp, nơi giờ gọi là du lịch sinh thái. Được đi thuyền qua rừng tràm. Không khí mát mẻ dưới tán rừng tràm. Rừng không quá dày, nên nhìn được trời xanh qua kẽ lá. Cảm giác thanh bình, êm đềm. Tưởng như cảm được thời gian trôi qua kẽ ngón tay. Hình dung lại thời chiến, bom đạn ở kề bên, thì mới biết được thanh bình quý giá xiết bao.

Nước thanh bình ba trăm năm cũ

 

Rồi là làng người Chăm ở An Giang. Xem tận mắt khung cửi dệt với cô thiếu nữ Chăm. Nhớ lại hình bóng xưa của mẫu thân, cô thợ dệt làng Bảo An, Quảng Nam. Cớ sao quê hương ờ miền Trung mà cô lại trôi dạt đến tận phương này. Nào những tháp, những đền. Nào đâu binh hùng tướng mạnh. Giờ chỉ còn ngôi làng nhỏ yên ả ở cuối trời phương Nam.

Đây, những cảnh thái bình trong Chiêm Quốc,

Những cô thôn vàng nhuộm nắng chiều tươi,

Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp,

Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui.

(Trên đường về, Chế Lan Viên)

 

Lồng bè nuôi cá tra trên sông, chẳng nhớ sông nào. Cứ tưởng nó bé tí. Ngờ đâu to bằng cả mấy ngôi nhà. Bước trên bè mà tưởng đi trên sân bóng đá.

Đứng trên bè nhìn ra sông rộng, cảm giác man mác buồn:

Chiều buông…

Trên dòng sông Cửu long

Như một cơn ước mong,

Ơi chiều

Về đâu,

Ơi hàng cây gỗ rong

Nghiêng mình trên sóng sông

Yêu kiều…

(Chiều về trên sông, Phạm Duy)

Đi qua Lộ Tẻ, Rạch Sỏi. Không biết có phải ?

Nếu đúng là Rạch Sỏi, thì tên hiển thị đúng hiện trạng đường. Đường khô khốc, không thấy bóng người, bóng xe. Nên chẳng bị kẹt xe, kẹt đường.

Mà phải là đi qua con đường này thì mới thấy cái thần tiên, cái tận thú của cảnh sắc Hà Tiên.

Mặt nước hòn non nổi,
Đáy hồ mảnh nguyệt trôi.
Chiếc thuyền thong thả dạo,
Tiếng hát động chân trời.

Bài Bơi thuyền chơi Đông Hồ


Nam Phong tạp chí, số 116, tháng 4-1927

 

Tên cũng như người. Cụ Nguyễn Hiến Lê nói đúng thật. Mạc thị đã biến nó thành một “văn hiến quốc”.

 Từ quán ăn đến khách sạn, chủ nhân tiếp đãi khách du mà thân tình, ân cần như đón người thân. Thức ăn có thể không quá ngon, nhưng tình cảm thì như chén nước đầy:

Đãn sử chủ nhân năng tuý khách,
Bất tri hà xứ thị tha hương.

(Lý Bạch)

Chủ nhân ví biết say lòng khách
Non nước đâu là chẳng cố hương.

Một cõi biên thùy, nơi cùng trời cuối đất. Tưởng như có gì mà thăm thú. Thì lại có đủ mọi cảnh “tiểu thần tiên”.

Có lăng mộ của người mở cõi, Mạc Cửu.

Có hang động như Tam Thanh, Lạng Sơn.

Có chuyện cổ tích Thạch Sanh ở Thạch Động.

Có dấu vết của thiên nhiên kỳ bí ở các hõm núi đá vôi.

 

Có hang thạch nhũ, không lung linh như Phong Nha, Quảng Bình, thì cũng lóng lánh sắc nước hương trời, đủ say lòng du khách.

Có một ngôi cổ tự, Phù Dung, lồng trong một chuyện tình vương giả.

Còn có cả Lộc Trĩ thôn cư  (thôn quê ở Mũi Nai), Nam phố trừng ba (phố biển phía nam). Dĩ nhiên có vài cảnh chẳng như tên gọi. Nhưng là có mặt với đời đã là cái thú cho người ngoạn cảnh.

Lộc Trĩ thôn cư, xóm quê ở Mũi Nai

Nam phố trừng ba, biển ̉ở phố nam

Thạch động thôn vân, Động đá nuốt mây

Giang thành dạ cổ, Trống cầm canh bên sông

Bình San điệp thúy, núi dựng một màu xanh

(Bình San điệp thúy cũng là nơi Mạc Cửu chọn làm nơi dựng lăng mộ cho dòng họ Mạc. Đứng trên đỉnh, nhìn ra xa thấy được đồng ruộng và vài nếp nhà, là một cảnh xinh đẹp; những khi nắng sớm mưa chiều, có vài áng mây lững thững trôi qua. Dựng cơ nghiệp lớn, hẳn Mạc Cửu phải tìm thầy địa lý gỉỏi mong kéo dài. Nhưng chỉ đến đời thứ hai là hết: thầy địa lý sai hay khoa địa lý không còn ý nghĩa. Gần ba trăm năm đã trôi qua, biết hỏi ai bây giờ ?)

 

Ngoài điểm kỳ thú nhất là các hõm núi đá vôi do nước biển ăn mòn đã nói ở đầu bài; điều kỳ thú còn lại chẳng phải là Hà Tiên thập cảnh ( mấy vị thi nhân của Tao đàn Chiêu Anh các hơi giàu trí tưởng tượng), mà chính là những bất ngờ gây ra khi đi qua chùa Hang. Chẳng ai ngờ trong Hang có chùa. Và chẳng ai ngờ rằng đến cuối hang, qua những thạch nhũ chẳng so được với Hang Thiên đường ở Quảng Bình, bỗng nghe hơi gió thổi mang mùi biển mặn: Bãi Dương với Hòn Phụ tử lừng danh ở ngay trước mắt. May quá. Vẫn còn Phụ lẫn Tử. Chứ đến nay thì chẳng còn đâu.

 

Thường thì chui vào hang rồi ngược trở ra. Chứ ai biết cuối hang là biển rộng. Là hòn non bộ thiên nhiên. Chẳng bao giờ biết hết được bà mẹ thiên nhiên.

 

Hà Tiên. Nơi ấy có Tiên bay trên Sông.

 

Sông Giang thành, nơi có huyền tích Tiên bay trên sông

 

Nào đâu Mạc thị. Nào đâu Lâm gia. Mạc thị đến đời thứ bảy chỉ có 2 con gái. Lâm gia đời thứ bảy là con trai duy nhất và ông chỉ có con gái. Chỉ còn đây tên tuổi ghi lại với non sông.

“Chẳng đội trời Thanh Mãn/ Lần qua đất Việt bang/ Triều đình riêng một góc/ Trung hiếu vẹn đôi đường/ Trúc thành xây vũ lược/ Anh Các cao văn chương

(Thơ Đông Hồ)

 

Bên trái là cửa hang dẫn ra biển, nơi có Hòn Phụ Tử

NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH

 

Khu du lịch Xẻo Quýt:

Ngồi thuyền qua rừng tràm

 

Làng Chăm ở An Giang:

 

Không thấy cô thợ dệt. Chỉ thấy khách du giả trang

Cô thợ dệt ngồi khuất ở sau

 

Bè cá Châu Đốc:

Đi thuyền ra thăm bè cá

Một cảnh thơ mộng trên Cừu Long giang

 

Đây, Hà Tiên:

Đến Hà Tiên khi chiều muộn

Trùng hợp lạ lùng: lưu ngụ ở ks Đông Hồ, quê hương của nhà thơ Đông Hồ Lâm Tấn Phác

Đang là Tết, nên vẫn có mai vàng đón khách: Giang nam mộng cũ xuân man mác…Năm ba hé nở, năm ba nụ… (thơ Đông Hồ)

 

Vài nơi đã đi qua:

Người đi qua… panô

Bên lăng Mạc Cửu

 

Thạch động thôn vân, trong Hà tiên thập cảnh

Tìm bắt Chằn tinh ???

Vừa ra khỏi Hang, bên trái

Và, Hòn Phụ tử ngay trước mắt

Cả Phụ lấn Tử

Hà tiên, nơi ấy có Tiên Bay Trên Sông

Ăn mừng vì đã thoát khỏi Hang

Còn trẻ con thỉ hú vía

Vì thoát nanh vuốt Chằn tinh. Vẫn còn run

 

Nam phố trừng ba, trong Hà tiên thập cảnh

…Trên Đường Về…

 

 

 

 

 

NÓI THÊM VỀ NHÂN VẬT MẠC CỬU VÀ MẠC THIÊN TỨ

Một tài liệu của hai học giả Nhật bản cho thấy có đôi điều không giống mấy với các sử liệu của Việt Nam (Gia định thông chí, Đại Nam thực lục, Đại Nam Liệt truyện…). Lược trích vài dòng dưới đây ( Ha Tien or Banteay Meas in the time of the fall of Ayutthaya, Yumio Sakurai và Takako Kitagawa, 1994)

“Banteay Maes và Hà Tiên là 2 vùng khác nhau: Bantaey Maes thuộc Cambodia và Hà Tiên thuộc Việt Nam. Vào đầu thế kỷ 17, Bantaey Maes dưới quyền tổng trấn người Cambodia bao gồm cả Hà Tiên (là vùng có cảng gọi là Sài Mạt phủ hay Phượng Thành) nay thuộc Việt Nam và Bantaey Maes (là vùng nội địa, hinterland) vẫn thuộc Cambodia.

Mạc Cửu không phải là tổng trấn Banteay Meas mà chỉ là người đứng đầu các cộng đồng người Hoa ở Banteay Maes.

Không thể xem Mạc Cửu là thống đốc (Governor-general) toàn vùng Bantaey Maes do vua Cambodia hay chúa Nguyễn phong. Chức Okna (chức quan lo việc mậu dịch) chỉ là chức vụ tự phong.”

Li Tana cho biết thêm:

“Mạc Cửu, di thần nhà Minh, rời Trung hoa năm 1671. Đầu tiên, định cư ở Phnom Penh, sau đó phiêu dạt đến Philippines và Java. Thành công đến khi ông viếng Banday Mas, cảng thị thịnh vượng ở bờ biển Cambodia, gặp gỡ nhiều thương buôn Hoa, Việt, Khmer, Mã lai ở đó. Ông mua lại các sòng bài mà vua Khmer đang thu thuế và lập ra cả một trang trại bài bạc, hình thành các trang trại bài bạc có chịu thuế trên toàn vùng Đông Nam Á. Về sau, Mạc Thiên Tứ tình cờ phát hiện nhiều bạc chôn vùi, trở nên giàu có. Và nhờ nguồn tài chánh bất ngờ và bí ẩn này, Mạc thị trở nên giàu có và tập hợp được nhiều thương buôn quanh vùng. Banday Mas thành một cảng thị thịnh vượng, sau là đổi tên Cancao (Hà Tiên).

Mạc Cửu mất năm 1735 thì năm sau, 1736, con trai là Mạc Thiên Tứ kế vị, thiết lập một chính quyền và quân đội tự trị. Ông mời giới học giả Trung hoa đến mở mang văn học Hà Tiên. Triều đình của ông giống như cung cách triều đình Trung hoa. Trong bức thư gởi cho sứ quân Nhật năm 1742 viết bằng tiếng Cambodia, Neak Somdec Preah Sotoat (tên Cambodia chỉ Mạc Thiên Tứ) tự xưng là Reacea Krong Kampucea Tiptei (tức vua Cambodia, King of Cambodia). Có thể xem chính sách này là để tạo dựng vương quốc Hà Tiên (Ha Tien kingdom) từ 1730, cho dù đôi khi vẫn cống nạp cho nhà Nguyễn .”

(Li Tana, Mac Thien Tu, King of Cambodia)

Trong khi các tác giả Việt Nam chú ý đến tính cách văn nhân của Mạc Thiên Tứ thì các nhà nghiên cứu ngoại quốc lại nhấn mạnh đến vai trò chính trị của ông. Lược trích nhận định của Li Tana:

“Mạc Thiên Tứ là con trai duy nhất của Mạc Cửu và một phụ nữ Việt quê ở Biên Hoà. Sinh ở Ream, duyên hải Khmer khi gia đình lưu ngụ ở đó. Kế nghiệp cha năm 1735, ông tiếp tục chính sách mở cảng tự do (free port) và khuyến khích thương buôn bất kể quốc tịch từ khắp mọi nơi. Nhờ đó Hà Tiên thành nơi hội tụ mạng lưới mậu dịch giữa Trung hoa, châu thổ Mê kông, Xiêm và bán đảo Mã lai. Những năm 1760 dưới quyền Mạc Thiên Tứ, Hà Tiên là cảng danh tiếng nhất vùng vịnh Xiêm la rất lâu trước khi thành lập Saigon và Vọng các.

Để tạo thế chính trị vững chắc cho Hà Tiên, Mạc tạo dựng nền thương mại ổn định với nhiều vùng cả gần và xa. (Li Tana nhắc lại lá thư Mạc gởi cho sứ quân Nhật bản) và gả em gái, Mạc Kim Đính cho con trai tướng Trần Thượng Xuyên. Việc ông mời giới văn gia Trung hoa đến chơi Hà tiên và sáng tác thi ca về miền đất này, khiến cho khi họ trở về Quảng đông, tạo ra làn sóng thi hứng cho cả những người chưa bao giờ đặt chân đến đó (tập thơ Minh bắc di du, do Mạc Thiên Tứ soạn và đề tựa năm 1737).

Gần như độc lập, Mạc chỉ cống nạp chứ không đóng thuế cho nhà Nguyễn. Ông còn cho đúc tiền riêng. Chính sách đa chủng tộc đã chiêu dụ được nhiều người Mã lai, Khmer, Việt , đầu quân dưới trướng, có người giữ chức vụ cao. Quân đội của ông có người Hoa, Khmer và rất có thể, cả người Việt. (Li Tana cho rằng) việc ông dung chứa nhân viên Giáo đoàn truyền giáo Paris (Missions Étrangères de Paris) sau khi Ayutthaya sụp đổ, là điều bất thường hiếm thấy trong toàn vùng Đông Nam Á ở thời điểm ấy.”

(Li Tana, Mac Thien Tu, 1700-1780, King of Cambodia)

Từ những nhận định của các tác giả nêu trên, tạm tóm tắt như sau:
Sau khi lưu vong đến Cambodia, với tầm nhìn và khả năng tổ chức, Mạc Cửu chiếm được lòng tin của triều đình Khmer và được giao chức vụ Okna (có thể hiểu như là chức đại diện thương mại ngày nay). Vùng Banday Mas (hay Banteay Meas) gồm phần nội địa và phần cảng biển (mà sau này trở thành Hà Tiên). Khi thám du đến cảng (rồi sẽ là Sài Mạt phủ hay Phượng Thành hay Hà Tiên), nhận thấy sự trù phú và khả năng phát triển của nó, Mạc Cửu đã tìm cách mua lại các sòng bài đang do triều đình Khmer cai quản. Tập hợp, mở rộng thành một dạng như là Đại Thế giới ở Chợ Lớn thế kỷ 20, rồi từ nguồn thu từ các sòng bạc này, Mạc thu phục các nhà buôn tứ xứ, hình thành lãnh địa riêng, chỉ nộp thuế hay xâu cho vua Khmer.

Khi Mạc Thiên Tứ kế vị, đồn rằng ông tình cờ đào được nhiều hủ bạc chôn dấu, trở nên giàu có. Gần Hà Tiên, Phú Quốc, có một hòn đảo nhỏ tên là đảo Hải tặc. Có vẻ như chuyện hải tặc chôn kho báu là có thật, bạc này do các hải tặc cướp của các tàu buôn qua lại vùng này đem chôn trên các nơi hoang vắng ở Hà Tiên ?

Nhờ tiềm lực tài chánh, Mạc Thiên Tứ dễ dàng tạo lập một vương quốc riêng. Cộng với thiên tài chính trị, quân sự, ngoại giao và để tránh bị Xiêm la dòm ngó, Mạc thị quy thuận nhà Nguyễn làm thế phên dậu. Chính sách thu nạp nhân tài đa chủng tộc, kết thân với Trần Thượng Xuyên ở Biên Hòa, khoan dung với các nhà truyền giáo, điều mà Li Tana cho là bất thường (thì hẳn qua đó Mạc Thiên Tứ muốn gây cảm tình và nhân đó tạo mối liên hệ lâu dài với tây phương), họ Mạc đã làm vua một cõi gần nửa thế kỷ. Trong một khu vực nhiều biến động, lắm thế lực hăm he: Xiêm, Khmer, nhà Nguyễn với sự hỗ trợ của Dương (Ngạn Địch), Trần (Thượng Xuyên), họ Mạc tưởng như đi trên dây mà vẫn an toàn.

Mạc Thiên Tứ là một anh hùng thời tao loạn.

 

Có vẻ như bài ca mở đầu và kết thúc của bộ truyện Tam quốc chí rất hợp với chuyện kể về Hà Tiên:

“Cuồn cuộn sông dài luôn biển Đông

“Sóng xô cát dập anh hùng.

“Tàn mơ; thành, bại... cũng là không!

“Non xanh trơ vẫn đó

“Lần lữa bóng chiều hong.

“Đôi bạn ngư, tiều phơ tóc bạc

“Gặp nhau, gió mui trăng sáng;

 “Mở vò rượu đục chuyện thêm nồng.

 “Ngàn xưa, đem kể lại,

“Vang mấy tiếng cười ngông...

 

“Cồn cồn Trường-giang đông thệ thủy

“Lãng hoa đào tận anh hùng.

“Thị phi thành bại: chuyển đầu không!...

“Thanh sơn y cựu tại

“Kỷ-độ tịch dương hồng.

“Bạch phát ngư tiều giang chử thượng

“Quán khan thu nguyệt xuân phong

“Nhất hồ mọc tửu hi tương phùng;

“Cổ kim đa nhiều sự

“Đô phó tiếu đàm trung...

 

TÂM SỰ PHÙ CỪ

Tình sử dây oan buộc mối sầu

Lỡ làng mang hận mãi về sau

Ái cơ lạnh đấy. Hoa không nở

Vương gia quân lệnh. Đã về đâu

Phù Cừ đời mảng vào chuông sớm

Ai biết lòng riêng Tông đức hầu

Đến đây nhìn bóng thương hình bóng

Gởi chút lòng riêng mấy giọt châu

*

Tình ngỡ như mơ chốn lục đình

Nửa màu hương phấn nửa u linh

Ba sinh hương lửa đang nồng đượm

Một giấc chiêm bao bỗng biến hình

Chuông sớm kệ khuya vòng ảo mộng

Nâu sòng cơm hẩm phận linh đinh

Vương thành phủ đệ đời dâu bể

Bụi trần sen trắng hóa vào kinh

 

Thành Phiên An, cuối năm Tân Sửu

NTH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết