ĐỔNG THIÊN VƯƠNG

ĐỔNG THIÊN VƯƠNG

 

Trong cõi thần linh nước Việt, Thiên Vương Phù Đổng có lẽ là nhân vật kỳ lạ nhất, được nhắc tên nhiều nhất, có nhiều truyền thuyết nhất và được phụng thờ kỹ nhất.

Truyện cổ thì nhiều, tìm thấy khắp nơi, xin không lập lại, chỉ viết lại cốt lõi:

Người vốn không có cha. Mẹ cảm ứng thần linh mà sinh ra. Đến 3 tuổi vẫn không nói. Gặp lúc nước có giặc ngoại xâm, sứ giả vua Hùng rao truyền ai người tài xin hãy ra giúp nước. Lúc ấy ông bật dậy và nói mẹ hãy nhận lời sứ giả và xin nhà vua chu cấp hai việc: Cho ăn thật nhiều và cấp phương tiện đánh giặc là nón sắt, giáp sắt, ngựa sắt, kiếm sắt. Người ăn như sấm, lớn vụt như thổi, cao to 10 thước, khoác giáp, đội mũ, cầm kiếm 7 thước, lên ngựa 18 thước, khè lửa chạy như bay về biên giới. Giặc thấy hình dung cổ quái, sức mạnh phi thường, hãi sợ, thua chạy tán loạn. Thắng giặc, ngài phi ngựa về Sóc Sơn, bỏ lại áo mũ, rồi bay lên trời mất dạng.

Vua Hùng nhớ ơn tôn xưng là Phù Đổng Thiên Vương, lập miếu thờ tại nơi sinh ra là làng Phù Đổng. Sau Lý Thái Tổ phong làm Xung Thiên Thần Vương, lập miếu thờ tại làng, lại tạc tượng tại núi Vệ linh, Xuân Thu hai mùa tế lễ.

Chân núi thờ Đổng Thiên Vương còn bài thơ xưng tụng ngài, do Ngô chi Lan một cô gái giỏi thơ văn cùng quê quán, cảm tác khi dạo chơi Núi Vệ Linh.  

 

Vệ Linh xuân thụ bạch vân nhàn

Vạn tử thiên hồng diễn thế gian

Thiết mã tại thiên danh tại xứ

Anh hùng lẫm lẫm mãn giang san

 

Đề Vệ Linh Sơn

Vệ Linh cây cỏ lẫn mây ngàn

Muôn tía nghìn hồng đẹp thế gian

Ngựa sắt lên trời tên rạng sử

Anh hùng mãi mãi với giang san

 

 

Thánh Gióng, TP. HCM

 

ĐỔNG LÀ GÌ, GIÓNG LÀ CHI ? 

 1.Từ Nguyên

Theo Lê Hải Nam, tiếng Môn-Khmer phù=pu là Người. Từ Đổng=Tlong, Blong, Prong, Plong, trong tiếng nguyên Nam Á và nguyên Nam Đảo, nghĩa là Lớn, To. Phù Đổng là Ông To Lớn, Người Khổng Lồ.

Nhà ngôn ngữ học Trần Giỏi xác định Dóng có họ hàng với Dông( tiếng Việt) và là Kotong =mưa rào (tiếng Rục, mã Liềng). Vậy Gióng= Dông=Giông= mưa rào. Sử thi Bana, Xơ đăng có anh hùng tên Dông, khá gần gủi Gióng. Hội Gióng ngày 9-4 hàng năm chính là Hội Mưa Giông, hội cầu mưa, theo Trần Quốc Vượng. Mà Giông đi liền với sấm sét, vậy Gióng và Thần Sấm Sét khá gần nhau.

Người Bắc Việt phát âm Giầu=trầu, Giời=Trời, Giăng=trăng nên Gióng có thể là triong= Trống. Gióng, Việt ngữ là đánh, đánh trống= như gióng trống, vậy Gióng= Trống.

Gióng= Dóng, khá gần gủi từ Đổng. Từ đó Thánh Gióng và Đổng, hay Phù Đổng có quan hệ mật thiết. Lễ Hội Mưa Giông cũng là lễ cầu khấn thần Trống, tiếng trống ầm vang gần như tiếng sấm chăng ?

 

 

Hội Gióng tại Sóc Sơn

 

 2.Trong Dân Gian

Vậy Đổng và Đồng Cổ thì sao? Đồng cổ là trống đồng.

Phù Đổng giúp vua Hùng dẹp giặc Ân. Vua Hùng, vua Lý đều từng được thần trống đồng giúp sức khi chinh phạt.

Thanh Hóa có sự tích miếu Thần Trống Đồng, kể khi xưa Vua Hùng đi đánh giặc, đêm đóng quân núi Khả Lao mộng thấy thần đánh trống đồng giúp vua đánh giặc. Khi xung trận, vua nghe có tiếng trống thúc quân từ trời cao vọng xuống. Kết quả quân ta toàn thắng. Vua phong là Đồng Cổ Đại Vương.

Việt Điện U Linh, Lĩnh Nam Chích Quái đều có truyện Thần Núi Trống Đồng nói về Lý Thái Tông chinh phạt Chiêm Thành, qua núi Đồng Cổ, Thanh Hóa, mộng thấy thần nhân xin theo dẹp giặc. Thắng trận, nhớ ơn, về vua lập đền Đồng Cổ ở Thăng Long. Đổng thần là thần Trống=Đồng Cổ thần. Vậy Đổng Thiên Vương, Thần Đồng Cổ, Thần Mưa-Sấm Sét, Thần Chiến Tranh, phải chăng là một thần duy nhất ?

Trống đồng Ngọc Lũ

 

Có nửa câu lục bát: "ông Đổng mà đúc trống đồng". Nửa sau thất lạc, nhưng truyền thuyết làng Gióng đã kể: một vị thần trên trời đã thì thầm với Gióng, hãy rèn đồ sắt mà đánh giặc thì thế nào cũng thắng ! Ông Gióng bèn vào núi tìm quặng sắt, kêu gọi 1000 thợ rèn thổi bể làm nón, kiếm, giáp, ngựa. Vậy Gióng có thể là tổ sư ngành khai khoáng, luyện kim, đúc đồng người Việt. Thần Đồng Cổ đâu chỉ là thần Chiến Tranh, thần Mưa Gió Sấm sét, vậy chăng ? 

Sầm Sơn, Thanh Hóa có truyền thuyết thần Độc Cước, là người Khổng Lồ một chân. Từ cậu bé nhỏ nhắn, nhờ ăn khỏe lớn nhanh thành người khổng lồ, đã đánh tan giặc cướp biển Quỷ Đỏ vùng biển Sầm Sơn. Cướp chạy ra đảo xa, thần tự xẻ đôi thân mình, nửa đứng tại đất liền, nửa trụ biển đảo xa. Quỷ Đỏ sợ hãi, từ ấy không còn dám quấy nhiễu. Thần Độc cước đầu có một sừng, gần giống Xuy Vưu.

 

Thần Độc Cước tại Thanh Hóa

Một ghi chép khác tại Thanh Hóa, thần phả tại đền Thánh Gióng ở đây, theo tác gỉa Nguyễn Bính, ĐTV còn có tên là Đàm Gia, con cung phi của Kinh Dương Vương. Sao dấu vết lại có thể xa xưa nhường ấy? Bổng dưng mà có ?

 

 3.Liên tưởng

Theo Tạ Chí Đại Trường, phù đổng=pu don, tiếng Tày Thái= núi đá. Có thể hiểu là gò đống. Gò đống, lớn hơn là đồi, là núi, là vật thể to, cao. Lý Ông Trọng là một liên hệ về con người theo Tạ tiên sinh. Một vật thể to lớn, bay được, không thể xem là một vị thần, một chuyện lạ hay sao?

Cao Huy Đỉnh( 1969) không rõ dựa vào nguồn nào, đã viết: Tiếng nói ông vang ầm thành sấm. Mắt ông sáng lòe chớp lửa. Hơi thở thành mây đen, gió bão, mưa giông. Ông đi đủ mọi chiều, lúc xoáy vòng, lúc tốc thẳng. Ông đi từ Tây sang Đông là bão Tây. Ông đi từ Đông sang tây là bão  Tây. 

Với miêu tả, thích nghĩa của hai tác giả trên, Phù Đổng có thể là một ET, một UFO lắm chứ ?

Xe Bay Vimana trong kinh Vệ Đà

 

 ĐỔNG THIÊN VƯƠNG, THÁNH GIÓNG, THẦN ĐỒNG CỔ, CÁC NGÀI LÀ AI ? 

 

Thần tích đền thánh Gióng tại thôn Bộ Đầu, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, kiến lập năm1527, viết Thánh Gióng chém đầu tướng giặc Ân ở chân Núi Ngũ Lĩnh, nam Hồ Nam, rang giới đất Giang Tây ngày nay.

Theo Bình Nguyên Lộc, sử Trung Quốc ghi nhà Ân đánh nước Quỷ Phương. Xứ ấy chính là Xích Quỷ và Gióng hay Phù Đổng là một làng phía nam Trung Quốc đã di cư sang Việt Nam mang theo vị anh hùng cứu quốc của mình.

 

Tỳ Sa Môn

Thiền Uyển Tập Anh, bộ sách lịch sử Phật Giáo xưa nhất VN soạn từ thời Lý, soạn giả Thông Biện, ghi ngài là thần hiện ra trong giấc mộng của  Khuông Việt, vị tăng thống dưới triều Đinh Tiên Hoàng, tự xưng là Tỳ Sa Môn. Ngài mặc giáp vàng, tay cầm thương, tay cầm bảo tháp, xưng là thần bảo hộ đất nước và Phật Pháp. Tỉnh dậy, Sư vào núi Vệ Linh, thấy cây đa to lớn có khí lành che chở, bèn hạ cây làm tượng theo giấc mộng, lập đền thờ tại chân núi để thiết trí tượng. Chính tại núi Vệ Linh, còn gọi là Sóc Sơn, cậu bé Phù Đổng đã cỡi ngựa sắt bay lên trời theo truyền thuyết. Vì thế Tỳ Sa môn đã được đồng hóa với Đổng TV.

Tỳ Sa Môn Thiên tại Nhật Bản

 

Đa Văn Thiên Vương

Thiên Vương là khái niệm trong Đạo Giáo. Phong Thần diễn nghĩa có Đa Văn Thiên Vương, Tây Du Ký có Thác Tháp Thiên Vương Lý Tịnh, cha của Na Tra thái tử. Trong Ấn Giáo, Vaisravana, âm Hán Việt là Tỳ Sa Môn, thần chủ sự giàu sang, cai quản kho tàng. Phật Giáo Ấn độ, Lokapala, Hộ Pháp, thần mặc giáp trụ màu lục, màu vàng, tay cầm lọng. Trung Hoa gọi là Đa Văn Thiên Vương và Nhật Bản là Tỳ Sa Môn Thiên. Ở Trung Hoa, ngài được thờ chung với 3 vị khác, gọi là Tứ Đại thiên Vương, thường mặc giáp trụ cầm thương, tay cầm tháp, và được tôn vinh là hộ thần phương Bắc; Ở Nhật bản, xem là thần chiến tranh; Các Chùa châu Á ,là tứ đại Kim Cang hộ vệ các tượng Phật, La Hán trong chánh điện, hoặc chỉ có 2 vị thờ trước cổng chính, như gặp ở chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM.

Đa Văn Thiên Vương tại Trung Quốc                    Lokapala- Hộ Pháp Champa

 

Người Xưa Đất Thục ?

Thời Đại Đồng Thau xếp vào giai đoạn 3300-1200 TCN, ngay sau Thời Đá Mài và trước thời Đồ Sắt. Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ năm 2879TCN, khởi nguyên Cổ Đổng thời đại. Nhà Ân trước nhà Thương, 1600TCN. Sử ghi Đổng Thiên Vương thắng giặc Ân rồi lên núi Sóc về trời. Biên giới nhà Thương khi ấy phía nam chưa quá Trường Giang, dòng sông biên cương phía bắc của nước Xích Quỷ. Như vậy, chiến tranh vệ quốc của vua Hùng chỉ có thể diễn ra đâu đó phía nam Trường Giang mà thôi chứ không thể ở châu Thổ sông Hồng. Và Sóc sơn không thể là nơi Đổng TV về trời mà chỉ là một sự dịch chuyển địa danh từ phương Bắc. Và kinh đô vua Hùng hẳn không thể ở Phú Thọ như đền Hùng tọa lạc hôm nay. Đền Hùng thiết lập vào thời Lý, đền thờ Đổng TV cũng làm cùng lúc, có lẽ như là một điểm trụ tâm linh cho dân tộc, một phát tích tiền triều của quốc gia độc lập và một thần bào hộ xứ sở chống ngoại xâm Bắc phương vốn luôn rình rập mọi thời.

Xuy Vưu khắc trên mộ Hán

 

Tổ Phụ Nghề Rèn-Đúc phương Nam. Là Xuy Vưu phương Bắc

Nhưng, như vậy ĐTV còn là ai nữa trước khi trở thành Thiên Vương, trở thành Phù Đổng? Theo Tạ Đức, ĐTV chính là thần Đồng Cổ, tổ nghề rèn Lạc Việt và cũng là thần chiến tranh, vệ thần. Nói về Thiên Vương, ý trọng tâm vẫn luôn là một người ban đầu rất nhỏ bé, nhưng vụt lớn thành cao to, măc giáp trụ, mũ sắt, kiếm sắt, ngựa sắt, di chuyển như gió lốc. Nhân vật truyền thuyết Hồng Bàng là Xuy Vưu có dong mạo lạ lùng: mình thú, đầu có sừng, sử dung 5 loại binh khí, có nhiều phép thuật. XV cũng chính là thần chiến tranh, tổ nghề luyện kim của người Hán. Di chỉ Tam Tinh Đôi có nhiều cổ vật đồng tinh xảo nhưng đặc sắc nhất vẫn là tượng người khuôn mặt nạ dị thường cho tới nay chưa ai giải thích được. Với một chút tưởng tượng, mặt nạ này khá gần gủi với đầu trâu thực và hình vẽ trên mộ Hán, mà trâu là một biểu tượng của Thần Nông, vị tổ của nông tang, cày cấy. Người Tam Miêu xem Xuy Vưu là thủy tổ. Tam Miêu là một liên minh với bộ tộc Cửu Lê do XV đứng đầu. Sau trận đại chiến Trác lộc với Hoàng Đế, XV thua, dân Tam Miêu một số qui thuận, số khác chạy dần xuống phương Nam. Người Hmong ở Sapa là một nhóm trong số ấy.  Có một nhóm người Miêu tóc dài ở Quý Châu TQ hiện nay còn tập tục làm sừng trâu bằng chính tóc của mình.

Phải chăng ĐTV là một hóa thân khác của Xuy Vưu thuộc Hồng Bàng thị ?

Xuy Vưu 

 

Đổng TV không còn giới hạn lãnh địa bảo hộ của mình phía nam thác Bản Giốc hôm nay, phía dưới Ải Nam Quan mấy mươi năm trước. Có thể ngài đã vượt qua dãy Ngũ Lĩnh, để chăn giặc Ân ở đâu đấy và chém tướng giặc dưới chân rặng Lĩnh Sơn. Đất Kinh-Đất Sở là Hồ Bắc-Hồ Nam ngày nay, đất của Kinh Dương Vương ngày trước, lấy hồ Động Đình làm ranh giới. Xuy Vưu thần chiến tranh, tương truyền đầu đồng trán sắt, để được bảo vệ, một số thủ lĩnh BáchViệt ra trận đeo mặt nạ đồng. ĐTV chính là hình tượng Xuy Vưu nhưng đẹp hơn, cao to hơn và tài năng gọị gió, kêu mưa không hề thua kém tiền nhân. Tam Tinh Đôi rộng 12 Ha, chỉ mới khai quật 2Ha, còn rất nhiều điều chưa biết của quá khứ mịt mùng còn chô dấu dưới lòng đất ấy. 

Mặt Nạ Sắt Bí Ẩn ở Tam Tinh Đôi                                 Vị Trí Địa Lý Tam Tinh Đôi và Thành Đô (Cheng du)

 

Hồng Bàng ghi rõ Xuy Vưu là hoàng tộc Đế lai, dòng họ Viêm đế, vai cháu Lộc Tục-Kinh Dương Vương, anh em họ với Lạc Long quân. Sử cũng ghi ĐTV là thần nhân được Long quân gởi gắm giúp vua Hùng bảo vệ đất nước. Đó có thể chính là Long Quân, cũng có thể là Xuy Vưu hiện ra giúp con cháu Viêm Đế chống lại xâm lược của nhà Ân Thương- vốn cháu con của Hoàng Đế, người từng là kẻ thù tiêu diệt Viêm Đế năm xưa.

 

Tam Tinh Đôi dưới chân rặng Côn Luân

 

Hay Là Alien ?

Nhưng Xuy Vưu là thần hay người? Hoàng Đế, Viêm Đế là nhân vật thần thoại, XV –ĐTV cũng thế, và ai cấm ta nghĩ các ngài chính là những Aliens? ĐTV xong sứ mệnh bảo hộ, lên núi Sóc bay về trời. Sóc Sơn -Vệ Linh, hay Ngũ Lĩnh chỉ là một bệ phóng, một sân bay vũ trụ. Từ một cậu bé (nên nhớ Aliens ở vùng 51 Roswel chỉ cao 1m) vụt lớn, khoác giáp trụ, nón sắt, cởi ngựa đi nhanh vùn vụt làm liên tưởng ông bước vào một xe bay, dĩa bay, hay rồng bay to lớn. ĐTV không về trời một mình mà với ngựa sắt, thiết mã, phương tiện di chuyển và chiến đấu của mình.

 

Hậu Duệ Long Quân

Đền Bạch Mã tại Hà Nội thờ thần Long Đỗ Chính Khí Vương, là người đã hiện ra hăm dọa Cao Biền lúc xây thành Đại La, là người đã hiện ra hứa sẽ phò trợ Lý Thái Tổ khi dời đô về Thăng Long. Trong Tây Du ký, Bạch Mã của Đường Tăng cưỡi chính là tam thái tử con trai Tây Hải Long Vương. Vậy Thiết Mã mà ĐTV xử dụng không thể là biến tướng của rồng Long Quân hay sao ?

Đền Bạch Mã, Hà Nội 

 

Những Dấu Hỏi

Đổng Thiên Vương là Tỳ Sa Môn, vệ thần Ấn Giáo. Kinh Vệ Đà có nói đến chiếc xe bay Vimana hình dạng như những tháp đá Ấn độ, hay Tháp Chàm ở VN, vậy ngựa sắt bay của ĐTV có thể nào là một đồng vọng của Vimana ?

Trống đồng, cho trí bổng bay lên một chút, đâu khác mấy một phi thuyền, một cải biên, một phiên bản khác của Vimana, vẫn cứ được chứ sao đâu ? Người Chàm có gốc gác Bách Việt. Người Vanatu ở Nam đảo có mặt nạ mắt lồi tương tự ở Tam Tinh Đôi. Đảo Phục Sinh có quần tượng người khổng lồ, không xa đó lắm. Họ thì có liên quan gì đến Thánh Gióng thân cao 10 thước, cởi ngựa 18 thước đã về trời mấy nghìn năm trước ?

Tượng Mắt Lồi ở Tam Tinh Đôi                               Trâu, biểu tượng của Thần Nông

Tượng Mắt Lồi tại Vanatu-Tân Đảo, gần New Zealand

Tháp Chàm tại Viêt Nam

 

Tam Tinh Đôi ở bắc Thành Đô, kinh đô nhà Thục Lưu Bị. Gia Cát thừa tướng nhà Thục có tài kinh bang tế thế, thông thạo nhâm cầm độn toán, hô phong hoán vũ, cũng từng  trụ ở đây. Ngài có liên quan gì đến Viêm đế, Xuy Vưu hay ĐTV không nhỉ ?

Cổ vật Tam Tinh Đôi- tiền thân Gia Cát Lượng ?

 

Đất Bắc Hà có gà Mạnh Hoạch, gốc Hải Dương, rất nổi tiếng thơm ngon. Mạnh Hoạch một nhân vật Nam Man, từng được Không Minh bắt tha bảy lần. Không ai rõ từ đâu có giống gà Mạnh Hoạch này. Hay con cháu Xuy Vưu đất Ba Thục lại có người lưu lạc về tận Phong Châu Mê Linh nương náu ?

Gà Mạnh Hoạch

 

Nhà Hàng Mạnh Hoạch

 

Đa Danh Hiệu

Từ một cậu bé 3 tuổi không biết nói, chỉ nằm bú mớm, vì nghe loa truyền lời vua cầu người tài ra cứu nước mà người bổng vụt lớn thành thập trượng nhân dũng mãnh, với áo mũ ngựa kiếm toàn sắt thép, chạy như giông như gió ra trận, đánh cho giặc thua tan tác, rồi cởi bỏ mũ áo, chỉ phi ngựa sắt về trời, chẳng từ tạ ai.

Phàm nhân chẳng ai làm được thế trừ phi là thần! Mà thần này lại không chịu ở lại thế gian mà thăng thiên, nên gọi là Thiên Vương. Sóc Thiên Vương vì ngài giã biệt tại Sóc Sơn. Đổng Thiên Vương vì thần rất to lớn. Thánh Gióng vì ngài tạo ra giông ra mưa. Đồng Cổ Thần vì ngài gióng trống ra trận giúp vua Lý, vua Trần đánh giặc.

Các vị Thần Linh tại Tam Tinh Đôi. Mình Rắn rất giống Phục hy-Nữ Oa

Phục Hy và Nữ Oa                         Tượng Khổng Lồ đảo Phục Sinh, châu Đại Dương                                    Tượng Thần tại Vanatu

 

 

Ẩn Dụ Người Xưa ?

Chuyện cổ mà cứ như ngụ ngôn. Ai đó thôi là trẻ con, hãy trưởng thành, hãy để trí tuệ , để khoa học kỹ thuật lớn lên thành phương tiện vệ quốc như Phù Đổng đã từng làm.

Và hãy cứ như Trương Lương, như Phạm Lãi, xong việc, hết giặc, họ cởi bỏ áo mũ công danh để lại dương thế, ra đi trong im lặng, chẳng để lại dấu tích gì ngoài tiếng sáo(Trương Lương), chén trà (Phạm Lãi) và các ao chuôm, vết tích Thiết mã kiêu hùng một thủa dưới chân Sóc Sơn, Vệ Linh, dãy đồi tận cùng của hệ núi thiêng Tam đảo, Bắc Hà, Đại Việt của Đinh Lê Lý Trần Lê Nguyễn - Xích Quỷ của Long quân.- Văn Lang của vua Hùng. 

 

Lập Thu muộn, 29/9/21

TK

 

Ghi chú: Hầu hết tư liệu trích dẫn từ “ Nguồn gốc Người Việt-Người Mường” của Tạ Đức. Ảnh lấy từ Internet của nhiều tác giả khác.

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết