Tên làng, tên xóm, nỗi nhớ quê hương

Ở Sài Gòn thì ai cũng biết quận Tân Bình. Ngày xưa, khi Nguyễn Hữu Cảnh vào trấn thủ phương nam, thì Tân Bình là huyện duy nhất của cả dinh Phiên Trấn, phủ Gia Định. Người ta bảo là ông ấy lấy tên quê quán của mình là phủ Tân Bình (ở ngoài Quảng Bình) để đặt cho vùng đất mới.

Kinh đô nước Việt ta ban đầu ở Hoa Lư, Ninh Bình. Khi Đinh Tiên Hoàng dẹp xong loạn 12 sứ quân, ông đổi tên Hoa Lư thành Trường Yên hay Trường An (Tràng An). Tên này còn lại cho đến ngày nay, và hiện chỉ là tên một xã thuộc huyện Hoa Lư và cũng là tên một khu du lịch. Bên Trung Hoa cũng có Tràng An, từng là kinh đô nhà Tây Hán ( Tràng An cách Bắc Kinh chừng hơn 800km về phía tây nam). Không biết Đinh Tiên Hoàng có bà con họ hàng gì ở bên đấy không mà lấy tên làng nước người làm tên xóm nước mình.

Nhưng tỉnh Hà Nam ở Việt Nam ( nghĩa là phía nam Hà Nội ), với Hà Nam của Trung quốc lại chả liên quan gì . Hà Nam ở Trung quốc nghĩa là phía nam sông Hoàng Hà, là một địa danh quan trọng xưa , các kinh đô cũ Lạc Dương, Khai Phong đều nằm ở đây; một số văn bản, tiểu thuyết đề cập đến Trung Nguyên chính là để chỉ tỉnh Hà Nam này.

Chợ Sặt ở Biên Hòa vốn là tên làng rồi sau là tên chợ ở tỉnh Hải Dương. Tên ban đầu là làng Kẻ Sặt, vào đến Biên Hòa chỉ còn là Sặt. Người làng Kẻ Sặt khi tha phương cầu thực vào nam mang theo tên làng cho nguôi nỗi nhớ. (Kẻ là tiếng Nôm cổ. Alexandre de Rhodes giải thích Kẻ chỉ người, ví dụ Kẻ Chợ là người ở Chợ [ Chợ ở đây là Đông Kinh tức Hà Nội ] , Đào Duy Anh lại cho Kẻ để chỉ làng, ví dụ Kẻ Sặt là làng Sặt, chỉ e Kẻ Chợ là làng Chợ thì buồn cho kinh đô Thăng Long Hà Nội. Chả biết ai đúng, ghi cả ra đây cho rộng đường dư luận ).

Còn rất nhiều tên làng, tên xóm, tên đình miễu chùa chiền trùng nhau ở khắp mọi miền trên nước Việt Nam.

Ví dụ như chùa Vĩnh Nghiêm, ngôi chùa rất nổi tiếng ở Sài Gòn nguyên là chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang do hai Hòa thượng Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiểm cho xây dựng theo mẫu ngôi chùa gỗ ở Bắc Giang, người thiết kế là Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng.( Ngôi chùa ở Bắc Giang có ảnh hưởng rất lớn trong dân gian, có câu ca dao rằng: “ Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm. Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa thành”. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, từng là trung tâm Phật giáo của Việt Nam, nơi phát tích Tam Tổ, Thiền phái Trúc Lâm. )

Tên trùng nhau chẳng phải là đặc quyền của Việt Nam.

Thử ngó nghiêng qua vài xứ khác:

Memphis, thành phố cổ ở Ai Cập và Memphis, một thị trấn ở tiểu bang Tennessee, Mỹ. Dân Ai Cập dọn nhà dọn cả tên làng.

Lebanon, quốc gia ở miệt Trung đông, người Việt kêu bằng Libăng, cũng là tên thành phố thuộc tiểu bang New Hampshire (đông bắc nước Mỹ, tiểu bang còn có thành phố Manchester, dân ở đây chuyển hộ khẩu từ Manchester nước Anh qua). Vậy là dân ở đây, nửa có quê ở Trung đông, nửa còn lại quê ở Âu châu. Nghe đồn Steve Jobs, cha đẻ thương hiệu Apple là người Li băng, nhà ông dọn từ Li băng qua hay từ New Hampshire chuyển xuống ?

Auckland, New Zealand và Oakland thuộc tiểu bang California. Viết khác nhau nhưng đọc giống nhau. Dân hai nơi này không ưa nhau nên cố tình viết khác đi cho  khỏi thấy giống bản mặt khó ưa của ông hàng xóm.

La Paz, Mexico và thủ đô La Paz của Bolivia. Dân hai chỗ này cùng nói tiếng Tây ban nha, cùng có gốc da đỏ chắc không ghét nhau nên viết y chang như nhau.

Moscow, thủ đô nước Nga và Moscow, thị trấn nhỏ ở tiểu bang Kansas. Tiểu bang này nằm đâu không biết nữa. Ở Kansas vào cuối thập niên 50 thế kỷ 20, từng xảy ra vụ án làm chấn động nước Mỹ. Nhà văn Truman Capote dựa theo sự kiện này viết thiên ký sự In Cold Blood khá nổi tiếng.

Waterloo ở Bỉ và Waterloo (thuộc tỉnh Ontario) ở Canada. Waterloo ở Bỉ chắc chắn nổi tiếng hơn rồi vì đây là nơi diễn ra trận đánh cuối cùng của Napoleon.

Paris, tên nhân vật trong trận chiến Thành Troy lừng danh lịch sử, cũng là người bắn Achilles bị thương ở gót chân. (Sau này gót chân Achilles thành 1 thuật ngữ chỉ điểm yếu chí mạng). Paris cũng là tên kinh thành ánh sáng của nước Pháp. Nhưng 2 tên này chẳng liên quan gì với nhau. Tên kinh thành Paris có gốc từ tên sắc dân Parisii thuộc bộ tộc Gaulois.

Nhân nói đến tên trùng nhau, sông Cái ở Nhatrang trùng tên với sông Cái ngoài Bắc, ngoài Trung ( sông Nhị hay sông Hồng còn có tên là sông Cái, ở Bình Định, Phú Yên cũng có sông Cái. Và ngay ở Ninh Hòa cũng có sông Cái còn gọi là sông Dinh.

Sông Cái ( có nghĩa là sông Mẹ), ở Nhatrang mang tên Chăm là Ya Tran, ( không biết người Chăm đọc như thế nào, nếu theo nguyên tắc viết sao đọc vậy thì có phải đây là nguồn gốc tên Nha Trang không ? ) hay Sông Lau, vì ngày xưa hai bên bờ sông còn nhiều lau lách.

Nhiều nơi ở Việt Nam có cặp yếu tố sông núi như ngoài bắc thì có núi Nùng sông Nhị, núi Tản sông Đà, miền trung thì có sông Hương núi Ngự, còn ở Nhatrang có rất nhiều núi, nhưng lại thiếu danh sơn ( Đồng Khánh Dư Địa chí cũng nhấn mạnh điều này), thế nên sông Cái (còn có tên sông Phú Lộc hay sông Cù), đành chảy một mình. Do vậy mà tiên không xuất hiện chăng?

Nhà mình khi còn ở Nha Trang là khu Xóm Mới. Khoảng sau 1970, thành phường Tân Lập (nhưng thật ra tên Tân Lập đã được ghi nhận trong Đại Nam Nhất thống chí, tức là đã có từ ít nhất là thế kỷ 19).

Khi vào Sài Gòn, nhà mình lại tập trung ở Khu Tân Cảng. Tân Cảng giờ đã dời đi, nhưng tên thì còn lại ở tên đường. Nghĩa là nhà mình luôn dính đến chữ Tân (Mới). Giống như tên Xóm Mới đi theo bác Sơn qua Mỹ thành Xóm Cây Sồi.

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương

(Ca dao)

Canh rau muống nấu với tôm khô hay sang hơn, với tôm tươi đều ngon.

Cà dầm tương thì không thích lắm. Nhưng cà pháo mắm tôm thì tuyệt diệu. Thỉnh thoảng nhà lại làm bữa bún mắm tôm, chiên thêm vài bìa đậu hũ, cắt thêm trái dưa leo thì lúc nào cũng hết veo.

Tới đây thì có vẻ dây cà ra dây muống rồi. Chấm hết vậy.

 

Bình Thạnh, tháng Bảy hai không hai mươi

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết