Corona Virus và Đế quốc Mông Cổ : đại dịch toàn cầu

Ngày 12.3.2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Ôi trời! Muộn còn hơn không. (hay như lời bài hát “ Thà như giọt mưa” của Phạm Duy, phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên, có…còn…hơn…không.)

Phải chi tuyên bố sớm hơn chừng nửa tháng, tình hình có lẽ đã khác. Các bác sĩ ở nước Ý khốn khổ kia đã không phải có những lựa chọn sinh tử (cứu chữa những bệnh nhân nặng hơn, vì người bệnh quá đông và bác sĩ quá ít.)

Ngày 14.3.2020, WHO nhấn mạnh châu Âu đang là tâm của đại dịch này, và Ý đang lâm vào cơn khủng hoảng y tế chưa từng có.

8 thế kỷ trước, đế quốc Mông Cổ là nỗi khiếp sợ của cả thế giới trung cổ. Từ Á sang Âu, từ vua quan đến dân thường, câu nói cửa miệng là quân Mông Cổ đến đâu rồi. Đức Giáo hoàng (có lẽ là Innocent IV), đã phải than van rằng mong sao cho thứ quân ác quỷ đó đừng tới đây, khi nghe tin Mông Cổ đã làm cỏ Ba Lan và Hung gia lợi, sau khi đã xéo nát nước Nga, Tiệp Khắc, Nam Tư.

 Quân Mông Cổ cũng là đại dịch toàn cầu ở thời điểm ấy!

Chắc chúa trời nghe được thì phải. Tới biên giới nước Áo, chuẩn bị tiến vào Vienne, kinh đô Áo, thì bỗng Mông Cổ rút hết quân về (cuối mùa xuân năm 1242).

Lý do thì có nhiều. Đầu tiên là Hãn Oa Khoát Đài (Ogedei Khan, con trai của Thành Cát Tư Hãn) qua đời khiến quân Mông Cổ phải bỏ dở kế hoạch tiến tới biển lớn (tức Đại Tây Dương), theo như giải thích của Avner Falk (sử gia người Israel). Thứ hai là thời tiết lạnh đột ngột trong 3 năm (1238 – 1241), đến mùa xuân 1242, tuyết tan và khí hậu ẩm ướt biến Hungary thành một vùng đầm lầy, không thích hợp cho kỵ binh di chuyển (mà kỵ binh là chiến thuật hành binh chủ lực của quân Mông Cổ), các đồng cỏ lại ít thức ăn, đây là lý do sử gia Nicola Di Cosmo, đại học Princeton đưa ra.

Mông Cổ Xâm Chiếm Âu Châu, 1237-42

Gần đây các nhà sử học đã được tiếp cận với thư khố mật của Giáo hội, và họ khám phá ra những lá thư trao đổi giữa các Giáo hoàng và các Hãn Mông Cổ vào thế kỷ 13 (1881, nhưng công chúng thì rất lâu về sau mới được biết) Họ cho rằng các giáo hoàng đã bỏ lỡ cơ hội và lịch sử đã rẽ theo hướng khác nếu như…. lá thư đầu của Giáo hoàng Innocent gởi cho Hãn Quý Do (Guyuk Khan) năm 1245, thuyết phục Quý Do ngừng tàn sát phần Nam Âu và cải đạo sang Công giáo. Quý Do nổi cơn thịnh nộ, trả lời rằng Giáo hoàng phải tuân phục ông ta chứ không phải là ngược lại. Và Giáo hoàng Innocent không hề biết Quý Do có người vợ, tên là Oghul Qaimish (Hải Mê Thất) có đạo. Bà theo đạo Nestorian, một nhánh của Thiên chúa giáo. (Nestorian hay Cảnh giáo, hay Giáo hội phương Đông hay Giáo hội Ba tư, một nhánh của Kitô giáo phương Đông hiện diện ở Ba tư)

(Ballandalus: Mongol - Papal Encounter, letter exchange between Pope Innocent IV and Guyuk Khan in 1245-1246)

Giáo hoàng Innocent IV gởi sứ giả Dominican và Franciscan đến Mông Cổ,

 

Thư Giáo hoàng Innocent IV gởi Hãn Guyuk, Thư khố mật Vatican _ thư viết bằng tiếng Latinh

 

Thư Hãn Quý Do gởi Giáo hoàng Innocent IV, Thư khố mật Vatican._ thư viết bằng tiếng Batư, Persian.

 

Đến 1266, cháu nội của Thành Cát Tư Hãn (tức Hốt Tất Liệt, Kublai Khan) gặp Marco Polo. Ông này viết thư cho Giáo hoàng Gregory X, yêu cầu gởi sang một giáo đoàn 100 người. Và đây chính là điều mà các sử gia gọi là cơ hội lớn nhất bị bỏ lở trong lịch sử giáo hội (the greatest missed opporturnity in Christian history) khi sứ bộ đi sang chỉ có 2 người mà lại bỏ trốn mất trên đường đi. Lúc một sứ đoàn khác được gởi sang vào năm 1294, thì Hốt Tất Liệt đã theo Phật giáo mất rồi.

(Chỉ trong nửa đầu thế kỷ 13, Thành Cát Tư Hãn và con cháu ông đã tàn sát 40 triệu dân châu Âu.

Julia Duin, The untold story of Pope’s letters to Mongol Khans)

Năm 1279, đế chế Mông Cổ nối dài một dải từ Á sang Âu, dài 9.000km, rộng 24 triệu km2

 

Mông Cổ 1279

 

Bình Thạnh, tháng 3.2020

Ng T Hi


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết