Ghi chú riêng
Đây là bài của Ông anh cả chúng tôi, Ông Nguyễn Văn Chương. Năm nay anh đã 86 tuổi, nhưng tâm trí vẫn minh mẫn. Sức khoẻ thỉ khỏi bàn. Vẫn đi du lịch khắp nước Mỹ. Trước đây, anh vẫn tự lái xe đi lại giữa Oregon và California như cơm bữa. Nay thì vẫn đi, nhưng tay hơi run nên đã chuyển sang đi bằng chim trời (máy bay). Sức khoẻ, không phải thứ trời ban. Đó là cả một quá trình dài rèn luyện, ngay từ thời trẻ. Dưới đây là vài kinh nghiệm anh muốn trao đổi cùng các bạn, trẻ cũng như già.
Tháng 7. 2023
TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM TUỔI GIÀ
Nay ở tuổi 83, chưa phải đã già lắm, nhưng cũng không còn trẻ, nên tạm cho có chút kinh nghiệm để tâm sự, trao đổi với các bạn già giúp nhau làm cho ngày tháng còn lại được thoải mái, bớt khó khăn, giảm lệ thuộc vào người khác.
Thường cứ 65 tuổi trở lên, đa số được gọi là già, và nhiều người trong nhóm nầy có BA CAO MỘT THẤP (cao máu, cao mở, cao đường và thấp khớp). Vì vậy nhiều vị cứ nghĩ mình đã già, nên làm gì cũng ngại. Theo tôi, đó là mình tự làm cho mình yếu đi rồi đưa tới nhút nhát và lệ thuộc vào con cháu quá nhiều, trong khi sức khỏe vẫn ổn và còn tự lo được.
Riêng tôi, may mắn chưa bị mấy thứ nói trên nhưng, tôi lại bị PARKINSON, một chứng bịnh gây rất nhiều trở ngại cho sinh hoat thường ngày Vì tay run, bất cứ làm gì cũng khó khăn.
Tuy vậy, tôi đã áp dụng BA TĂNG, MỘT GIẢM như sau rất có hiệu quả cho người lớn tuổi chớ không riêng cho người bịnh Parkinson. nên muốn chia sẻ để quí vị nào thấy hợp với mình thì thử áp dụng xem sao. Chẳng mất gì ngoài thời gian và sự kiên nhẩn.
BA TĂNG gồm:
1/- Tăng học hỏi, Cố gắng học thêm những điều mới, để mở mang kiến thức, giúp nảo bộ hoạt động duy trì trí nhớ. (Người Mỹ hay nói: “Never too late for learning” rất hay, vì học thì có bao giờ trễ đâu?)
2/- Tăng hoạt động Tham gia sinh hoạt hội đoàn, tôn giáo, giúp đở bạn bè hay bất cứ sinh hoạt nào để giử cho mình luôn bận rộn và suy nghỉ.
3/- Tăng tập thể duc. Ngoài đi bộ, xe đạp hay tập Gym, ta nên tìm cách kết hợp với sinh hoạt hàng ngày, bất cứ lúc nào có thể, để các gân tay và chân luôn hoạt động làm chậm tiến trình thoái hóa và xơ cứng.
MỘT giảm là giảm ăn; Dù ngon cở nào cũng chỉ ăn vừa đủ, đừng ăn quá no.
(Giảm muối, đường, mở. Gia tăng chanh, gừng, hành, tỏi. Về rượu và thuốc lá, xin miển bàn ở đây, vì ai cũng biết tác hại của nó rồi, tự mình điều tiết).
Từ xưa, các danh y như : Hãi Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh.. đã nhấn mạnh đến vai trò của ẩm thực trong ngăn ngừa và trị bịnh như sau: “Muốn cho phủ tạng được yên; Bớt ăn một miếng nhịn thèm hơn đau” hoặc “Chết vì bội thực cũng nhiều. Ngờ đâu lại có người nghèo chết no”. Người Anh cũng có câu ngạn ngữ: “You are what you eat” (xin tạm dịch: ăn thế nào người thế ấy).
Theo thiển ý, Thượng Đế tạo dựng con người có hình hài giống nhau nhưng, thể trạng và tâm trí không ai giống ai cả. Do đó tôi quan niệm thầy thuốc rất cần giúp mình chửa trị những bịnh lý rõ ràng và tổng quát… Nhưng chính mình mới biết rỏ mình cần gì và phải làm sao để sống thoải mái.
Cách tôi áp dụng thật ra rất bình thường trong đời sống hằng ngày, nhưng khi đi vào thực tế cũng hơi khó cho một số người. Đại khái như học cách xử dụng smartphones, computers… (Ít ra mình phải tìm hiểu để tự điều chỉnh màu sắc, ánh sáng, cở chữ cho hợp với mình, hay xóa hoặc thêm một số phần mềm nào đó cho đúng với nhu cầu của riêng từng người ...v.v….để tiết kiệm battery) Nhiều người cho là quá rắc rối, chỉ đám trẻ mới làm được.
Theo tôi, không khó quá đâu, trừ khi cái đó cần đến thể lực. Mình cứ kiên nhẩn mày mò tìm hiểu với hai chữ “Tại sao” và “Để làm gì” trong đầu sẽ có kết quả tốt. Ví dụ: Trong cái Smartphone (bất cứ của hãng nào) có cái nút hay hình (logo) lạ là ta bắt đầu trổ tài “Sherlock Holmes” : Tại sao phải có nó, và nó nằm đây để làm gì? Thể nào ta cũng tìm ra công dụng và cách dùng nó. Cứ mày mò, đừng sợ, nó không hư đâu. Nếu có trục trặc cũng dể sửa thôi, không tốn bao nhiêu mà ta học được rất nhiều (đã học phải chấp nhận tốn kém).
Người già thường chỉ cần cái phone để nói chuyện, gởi tin nhắn, email, chụp hình và đọc tin tức hay chơi games là nhiều lắm rồi. Và nhu cầu ít, ta mua cái đơn giản, màn hình lớn càng tốt, dễ sử dụng, giá rẻ, chúng ta lợi được một ít tiền. Tại sao phải trả tiền để mua những cái có “options” chẳng bao giờ mình dùng nó mà lại rắc rối nữa(?). Khi nào ta đã đủ khả năng sử dụng những kỷ thuật mới, thì cũng nên theo đuổi… để học hỏi thêm và cũng là cách để duy trì trí nhớ. Trẻ nó học một giờ. Mình chậm thì mười giờ hay hơn nữa cũng sẽ thành công. Người già là “tỷ phú” thời gian mà, ngại gì (?)
Về ăn uống, Đôi khi gặp món ngon mà phải ngưng trong khi còn có thể ăn thêm, khó thiệt. Uống nước chanh không đường hoặc ăn lạt một chút, chua một chút thì còn gì là ngon, phải không quý vị ? Nhưng…. đó mới là chìa khóa và là yếu tố để thành công, góp phần làm chậm sự phát triển của bịnh tật giúp cho mình sống khỏe, bớt phiền hà người thân hoặc con cháu.
Mong quý vị, nhất là các bạn trung niên, áp dụng thử biết đâu sẽ kết quả tốt khi về già. Tôi đã áp dụng từ khi hơn 50 tuổi, máu, mở, đường không cao, khá tốt. Quý hữu nào có kinh nghiệm gì hay xin đóng góp thêm để cùng nhau học hỏi.
Nhân đây xin tặng quý vị bài thơ “Nghỉ Về Tuổi Già”, đọc cho vui:
Không hẳn rằng già chỉ nghỉ ngơi
Sao ta lại phí tuổi cuối đời
Tháng năm còn lại bao nhiêu nữa (?)
Nhẹ nhàng từng bước ta rong chơi
Nay già nhưng trước cũng là trai
Phải tự vươn lên sống thật oai
Đừng ngồi ủ-rũ so đo mãi
Biết sống hôm nay có ngày mai(?)
Bạc tiền, cơm áo, chuyện tương lai
Ta nên xếp lại không cần nhớ
Chỉ nhớ đem theo đủ thuốc xài
Lên đường với túi nhẹ trên vai
*
* *
Vui chơi cho thỏa đi rồi chết
Cố trốn nằm nhà cũng vẫn “đai”!!!
Chúc Quý hữu sức khỏe và vui vẻ.
Nguyễn Văn Chương,
-
CẢM THU< Trang trước
-
TƯƠNG BIỆT BA BỂTrang sau >