TỪ ĐẠO TỚI ĐỜI

TỪ ĐẠO TỚI ĐỜI

 

Kết loan lữ ư vân trung, tiền duyên dĩ đoạn

Phỏng tiên san ư hải thượng, hậu hội vô nhân

 

Kết lứa phượng ở trong mây, duyên xưa đã hết

Tìm non tiên ở trên bể, dịp khác còn đâu

(Truyền là thư Giáng Hương để lại cho Từ Thức trước khi về trời)

 

Khoa học mãi đi tìm cội nguồn của văn minh loài người mà đầu tiên là văn tự. Nhưng Đạt Ma sư tổ thì không cho như vậy. Ngài bảo:

Bất lập văn tự

Giáo ngoại biệt truyền

Trực chỉ nhân tâm

Kiến tánh thành Phật

Có phải là thế cho nên Lạc Việt không muốn để lại dấu tích của văn tự.

Cuộc sống hồn nhiên, vui cùng cỏ cây, muôn thú. Hát cùng vạn vật, hòa ca cùng gió núi chim rừng là niềm vui bất tận của  những con người đã đạt Đạo. Lão tổ viết Đạo Đức Kinh rồi cưỡi trâu đi mất. Phật tổ chỉ bảo Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành. Ta ̣giác ngộ thì các ngươi sẽ giác ngộ, nói theo Lão tử là Đạt Đạo. Ngài không để lại phép lạ nào cả, chỉ là triết lý tóm tắt trong một khái niệm VÔ THƯỜNG. Để cho hậu sinh muốn diễn dịch kiểu gì cùng được. Nên mới có các Đại sư Long Thọ, Vô Trước diễn dịch Phật pháp của các Bồ tát Văn Thù , Di lặc để thành phái Đại thừa.

Và, lạ thay, phương Tây cũng có một khái niệm tương tự: Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Ta hiểu không gì là mãi mãi.

Nên bây giờ, Vô Thường thành câu nói cửa miệng, khi chứng kiến cái gì có đó mất đó, như, cuộc sống này thật vô thường. Hay, đời vô thường quá.

Người đi tu muốn ăn chay cũng tốt, tốt cho sức khoẻ của bản thân, còn muốn ăn mặn như một vài vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm cũng được hoan nghinh. Kinh Dịch hiểu là triết học cũng được mà xem là môn bái toán cũng xong. Nhiều người đả phá dùng Kinh Dịch để bói, nhưng lại có người viết vài dòng hay cả cuốn sách để chỉ cách bói. Họ chưa tìm ra uyên nguyên của nó chăng ?

Đạo, khả Đạo, phi thường Đạo. Đạo mà nói ra rõ ràng minh bạch thì không còn là Đạo nữa. Vẫn không hiểu gì lắm. Nhưng một Đạo gia phi thường khác là Trang tử diễn ý như sau:

Ông không phải là cá sao biết cá vui. Huệ tử hỏi. Trang tử đáp, Thì tôi đứng trên cầu sông Hào mà biết đấy thôi.

Là một cách diễn ý của Lão tử. Nói rõ ra thì còn đâu là tính phi thường của Đạo nữa.

Cách biện bác của Trang tử cũng là cách lập luận của Long Thọ, Vô Trước, để hình thành phái Đại thừa.

Chuyện kể rằng có lần Phật Thích Ca đến một bờ sông thì gặp một thầy tu Bà La Môn, ông này khoe rằng mình có thể đi được trên mặt nước và đã phải bỏ hết 40 năm cuộc đời để khổ luyện thành công mỗi một bộ môn này. Rồi ông hỏi ngược lại là Thích Ca có phép nhiệm mầu gì. Phật Thích Ca đáp rằng: “Tôi tuy không đi được trên nước nhưng chỉ cần bỏ ra vài xu cho người đưa đò là có thể qua được bờ bên kia, rồi còn để dành được 40 năm để tu học điều giác ngộ và cứu rỗi chúng sanh.”

Đó chính là yếu lý để Lý Tiểu Long phát minh ra Tiệt quyền đạo. Trong bộ phim Long tranh Hổ đấu, anh để một tay giang hồ cứ múa may quay cuồng đủ mọi quyền cước, bất thình lình anh tung một đòn chớp nhoáng cho đối thủ nốc ao. Môn này thì Kim Dung tiên sinh hiểu rõ hơn ai hết. Lệnh Hồ Xung được Phong Thanh Dương lão tiền bối truyền cho phép Vô chiêu thắng hữu chiêu, kiếm pháp phát sinh từ tâm ý, nghĩ tới đâu kiếm bay theo tới đó. Đối phương không biết đường đâu mà lần. Cũng là kiếm pháp mà Độc thủ đại hiệp Dương Qua học được từ Độc cô cầu bại. Chiêu thứ chín là Vô chiêu thức. Nghĩ sao đánh vậy. Không có chiêu thức thì đối phương biết đâu mà đỡ.

Đòn thế Lý Tiểu Long sử dụng chính là kiếm pháp Lệnh Hồ Xung đấu với Xung Hư đạo trưởng, chưởng môn Võ Đang, trên đường đi cứu Doanh Doanh, đang bị giam ở Thiếu Lâm. Vòng tròn kiếm quang tạo ra bởi hai vòng âm dương nối nhau bất tận đã bị kiếm pháp Lệnh Hồ xung phá nát chỉ nhờ tính liều lĩnh của chàng: đâm vào ngay trung tâm vòng kiếm quang.

Lệnh Hồ Xung nghĩ là may mà được, còn Xung Hư lại cho đó là kiếm pháp kỳ tuyệt: hay không bằng hên.

Kiếm pháp của Lệnh Hồ Xung là kết hợp giữa tính vô vi của Lão Tử và tính ngạo nghễ của Trang Tử.

Nhưng không gì bằng vị vô danh tăng chỉ giữ việc quét rác ở Tàng kinh các, nhưng võ công và phật pháp uyên áo khôn lường, lão chỉ thuyết vài câu và thi triển vài chiêu thức của Thiếu lâm phái. Đã làm quần hào thất kinh bạt vía.

Giết người không khó, nhưng diệt hết những oán thù, khổ đau chồng chất suốt bao nhiêu năm trời mới là điều không tưởng.

Giả cách đánh chết ngất Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn để hai người thấy hết cái vô vị (không phải vô vi !) của kiếp người: Sau khi phóng chưởng đánh chết Mộ Dung Bác, nhà sư già hỏi Tiêu Viễn Sơn:

“Tiêu lão cư sĩ đã muốn chính mắt trông thấy Mộ Dung lão cư sĩ chết để hả mối thù hận chứa chất trong lòng bấy lâu nay. Bây giờ Mộ Dung lão cư sĩ chết rồi, Tiêu lão cư sĩ đã nguôi giận chưa?”

 Theo lẽ ra thì Tiêu Viễn Sơn sung sướng lắm mới phải. Thế mà trong lòng lão lại cảm thấy một nỗi tịch mịch thê lương khôn tả.

Lão biết đi đâu làm gì bây giờ. Cách nào cũng hoàn toàn vô vị.

Nhà sư già lại bảo, thôi thì ta giết nốt Tiêu Viễn Sơn để mọi tội nghiệt đổ hết cho ta là xong. Ông phóng chưởng đánh chết Tiêu lão rồi xách thây hai người phóng chạy lên đỉnh núi.  Hãy xem tiếp đoạn đối thoại sau:

Nhà sư già hỏi:

- Hai vị sống rồi lại chết, chết rồi lại sống, chạy quanh một vòng. Trong lòng có điều gì ân hận nữa không? Sau cái chết vừa qua các vị còn nghĩ đến chuyện trùng hưng Ðại Yên hay báo phục thê cừu nữa không?

Tiêu Viễn Sơn đáp:

- Ðệ tử bình sinh giết người có đến hàng trăm. Giả tỷ bọn thân thuộc những người bị hạ sát cũng đến đòi mạng thì dù đệ tử có chết đến cả trăm lần cũng chưa đủ trả nợ.

Mộ Dung Bác đáp:

- Kẻ thứ dân là cát bụi, bậc đế vương cũng là cát bụi, nước Ðại Yên khôi phục cũng thành không mà chẳng khôi phục được cũng là không.

Thế nhưng Tiêu Viễn Sơn, Mộ Dung Bác, mối thù ba mươi năm và vị sư già chỉ là tưởng tượng.

Vậy ta xem một nhân vật có thật nhưng chuyện kể về ông đã trở thành huyền thoại xem có khác gì không.

Chuyện kể rằng khi đã trở thành nhà tu hành lỗi lạc, một vị thiền sư, một lần Tuệ Trung Thượng Sĩ được em gái là bà Nguyễn Thánh Thiên Cảm - khi đó đã là Hoàng Thái hậu - mời vào cung dự tiệc. Trên bàn có cả món mặn và món chay.

Những tưởng thiền sư sẽ ăn chay, nhưng ông lại gắp không phân biệt chay mặn. Thấy vậy, Thái hậu bèn hỏi:

- Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao mà thành Phật được?

Ông cười đáp với em gái mình rằng: 

"Phật là Phật. Anh là Anh. Anh không cần thành Phật, Phật cũng chẳng cần thành anh".

"Em chẳng nghe cổ đức có nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát đó sao"?

(Cổ đức: tiếng tôn xưng các bậc cao tăng ngày xưa)

Câu chuyện này được lưu truyền mãi về sau, một phần quan trọng là nhờ chính vua Trần Nhân Tông sau đó đã viết lại trong cuốn "Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục giảng giải".

Tuệ Trung Thượng sĩ chính là Lệnh Hồ Xung kết hợp với vị thánh tăng ở Tàng Kinh các.

Mà đó cũng là tinh thần của Đạt Ma tổ sư.

Trực chỉ nhân tâm

Kiến tánh thành Phật

Tuệ Trung ngộ đạo há phải vì mấy miếng thịt. Mà vì đã đắc đạo nên xem thịt chẳng khác chi miếng đậu hủ. Nuốt nó đi là triệt hết. Hết thịt rồi là thành Phật.

Xem ra thì dễ mà khó vô chừng.

Nên đời chỉ có một Tuệ Trung.

 

Tháng 4. 2024

NTH

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết