HÀ NỘI, NGÀY THÁNG CŨ
NGÀY THÁNG CŨ
…
Hà Nội ơi
Phố phường dãi ánh trăng mơ
Liễu mềm nhủ gió gây thơ
Thấu chăng lòng khách bơ vơ…
Hà Nội ơi
Những chiều sương gió dâng khơi
Có người lặng ngắm mây trôi
Biết bao là nhớ tơi bời…
(Hướng về Hà Nội, Hoàng Dương)
Đại La, Thăng Long, Kẻ Chợ, Đông Kinh. Tất cả đều là quá khứ. Quá khứ thật xa nhưng rất gần. Huyền thoại Rồng bay khi Lý Thái tổ chọn miền đất Trong Sông để dựng kinh đô (Hà Nội do ba con sông bao bọc: Sông Hồng, Tô Lịch và Kim Ngưu). Trở thành chốn quen thuộc dân gian khi mang tên Kẻ Chợ. Khi Hồ Quý Ly chọn Tây Kinh (Thanh Hóa) làm đế đô thì Thăng Long chỉ là Đông Kinh và không hiểu sao mà Đông Kinh (Tonkin) lại được nhiều tác giả chọn để gọi là Bắc kỳ (với Annam là Trung kỳ, Cochinchine là Nam kỳ). Trở lại làm Hà Nội bây giờ và mãi mãi.
Những đền đài, những chùa những đình, những dinh thự lầu son gác tía, nơi các ông hoàng, bà chúa ngự trị. Giờ ở đâu ? Những lầu Ngũ Long, những gác Nguyên Huyền, nơi lầu son gác tía. Giờ còn không ? Nào đâu cung Thúy Hoa nhà Lý, điện Hàn Nguyên nhà Trần, những cung vàng điện ngọc. Điện Kính Thiên còn đó. Gác Đoan Môn còn đây. Bắc Môn. Ô Quan Chưởng. Chùa Trấn Quốc. Đình Trấn Vũ vẫn đó. Chùa Hàm Long, chùa Quan Thượng nay đâu ?
Hồ Gươm, Hồ Hoàn Kiếm nơi Rùa vàng đòi lại kiếm. Chùa Một Cột, nơi các vua nhà Lý, những Phật tử thuần thành dựng nên, Văn Miếu nơi biết bao Tiến sĩ mài mực viết những dòng phượng múa rồng bay. Đền Ngọc Sơn, nơi chứng kiến Rùa vàng nổi lên. Một ngàn năm. Một trăm năm.
Và đâu nữa, Thăng Long với chuyện Bích Câu kỳ ngộ: Tú Uyên, Giáng Kiều, nay ở đâu.
Và Phủ Tây hồ, nơi kể chuyện Phùng Khắc Khoan gặp chúa Liễu Hạnh, nơi thần tiên và người phàm đàm đạo chuyện văn chương.
Nhưng thành Hà Nội, dấu vết tôn nghiêm biết bao đời vua chúa đã vĩnh viễn biến mất. Chút Bắc Môn còn lại, nơi vết đạn đại bác còn hằn nỗi đau chỉ khiến lòng khách ngậm ngùi.
Đất kinh kỳ, tất nhiên có vô số di tích. Và ở đây giá trị trường tồn của văn học, âm nhạc lại rõ hơn bao giờ.
Vì nói đến Hà Nội, người ta nhớ ngay đến Hà Nội, Băm sáu phố phường, bút ký đã đi vào văn học sử của Thạch Lam.
Trích Lời tựa:
Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải...
Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố có nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp thật …
Hà Nội có một sức quyến rũ đối với các người ở nơi khác... Ở những hang cùng ngõ hẽm của làng xa, hay ở những nương mật thẳm trong rừng núi, ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một phương trời để cố trông cái ánh sáng mở của Hà Nội chiếu lên nền mây.
Bởi vì Thạch Lam là người Hà Nội. Nên với ông, sẽ không có thành Thăng Long, không có chùa Một Cột, đền Quán Thánh. Cũng không Văn Miếu…Chỉ có những biển hàng viết chữ Tây ngộ nghĩnh. Vài thức quà, cốm, bánh đậu xanh. Vài thức ăn đã thành di sản, phở, bún sườn, bún thang, bún ốc. Và hàng nước cô Dần…
Chỉ có thế.
Nhưng… ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một phương trời để cố trông cái ánh sáng mờ của Hà Nội chiếu lên nền mây.
Cốm là thức quà đặc biệt riêng của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam...
Cái quán rượu mà cụ Nguyễn Du, lúc còn trẻ tuổi bắt ba, bốn người bạn uống rượu và bàn chuyện về lũ kiêu binh, cái quán rượu ấy chẳng hạn mà còn đến bây giờ, còn cả bộ trường kỷ mà Nguyễn Du đã ngồi thì hẳn là một chốn đáng cho ta trọng vọng dường nào…
Cửa hàng của cô cũng không có gì: một vài miếng trầu, một vài phong thuốc lào, một bao thuốc lá bán lẻ, vài cái bát uống nước, như cái bát uống nước ở tất cả các hàng nước Việt Nam, đặt úp xuống mặt chõng…
Nồi nước sôi sùng sục, tỏa mùi thơm ra khắp phố… Và người hàng phố tìm dấu hiệu để gọi tên anh cho dễ nhớ: anh phở trọc, anh phở Bêrê, anh phở Mũ Dạ, anh phở Cao ...
Phở bán gánh có một vị riêng, không giống như phở bán ở hiệu. Các gánh phở có tiếng ở Hà Nội đều được người ta đặt tên và tưởng nhớ: phố Ga, phố Hàng Cót, phố Ô Quan Chưởng, phố Cửa Bắc v.v ...
Tôi thích nhất cô hàng bún ốc … Có ai buổi trưa hay buổi đêm khuya, đi qua các nhà cô đào, và các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến đâu không? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phấn và mệt lả, miếng ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt, và khiến đôi khi rõ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình…
Suýt tôi quên không nói đến thứ quà bún quan trọng và đặc điểm nhất của Hà Nội băm sáu phố phường: đó là thức quà bún chả.
Phải, cái thức quà tầm thường đó, sáu tỉnh đường trong, bốn tỉnh đường ngoài, chẳng có đâu ngon bằng kinh đô… Một ông đồ cuồng chữ ở nhà quê, một hôm khăn gói, ô lên Hà Nội, đã phải ứng khẩu đặt hai câu thơ như thế này, khi ngửi thấy mùi khói chả:
Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long
Bún chả là đây có phải không?
Bánh cuốn Thanh Trì, là thứ quà Hà Nội. Nhưng đây là thứ bánh không nhân, tuy cũng gọi là bánh cuốn, mà không cuốn gì hết. Hà Nội còn thứ bánh cuốn khác nữa, mấy lần bánh mỏng lấy nhiều vị làm nhân…
(Thạch Lam, Hà Nội Băm sáu phố phường)
CÁC CỬA Ô HÀ NỘI
Khi Văn Cao viết bài hát Tiến về Hà Nội:
Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
(Năm cửa ô: Ô Cầu Dền, ô Đông Mác, ô Quan Chưởng, ô Cầu Giấy, ô Chợ Dừa)
Đó là năm 1949. Từ 21 cửa ô thời Nguyễn, đến 1902, bản đồ do Pháp lập chỉ còn ghi 15 cửa ô…Vài cửa ghi bằng tiếng Pháp như Porte Mandarine (Ô Đồng Lầm), Porte du Roi (Ô Chợ Dừa), Porte de Sontay (Ô Cầu Giấy), Porte de Hué (Ô Cầu Dền).
Ngày nay, tên của các địa danh xưa có chữ “ô” đứng trước vẫn còn, nhưng chỉ hai địa danh còn chữ “ô” là phố Ô Quan Chưởng và đường Ô Chợ Dừa. Tuy nhiên, với lịch sử, Hà Nội xưa vẫn có 21 cửa ô.
(Nguyễn Tá Nhí, Lịch sử hình thành các cửa ô ở kinh thành (Tạp chí Hán Nôm, số 4(101) 2010)
(Nguyễn Ngọc Tiến, Hà Nội xưa có bao nhiêu cửa ô? - Nhịp sống Hà Nội (hanoimoi.com.vn)
Từ Cửa ô trong tiếng Việt vốn được dịch từ Ô môn trong tiếng Hán… Sách Đại Việt sử ký tục biên nói rõ thời chúa Trịnh Doanh, triều đình cho đắp lại thành Lại La, cho đặt cửa và 16 ô. Tám cửa ở tám hướng đi từ nội thành ra bên ngoài, chỉ khi nào có việc lớn mới mở, còn ở mỗi cửa chính lại đặt thêm hai cửa phụ gọi là ô. Ở mỗi ô đều có cửa đóng then cài và đặt lính canh gác giữ gìn. Ngày nay chúng ta còn nhìn thấy một cửa thành cũ duy nhất đó là cửa Đông Hà, mà dân gian vẫn quen gọi là ô Quan Chưởng. Đứng ở ngoài đê nhìn vào chúng ta vẫn nhìn thấy có chữ Hán lớn viết ở chính giữa cửa là Đông Hà môn (Nguyễn Tá Nhí, Lịch sử hình thành các cửa ô)
Rời xa Hà Nội, Tạ Tỵ viết bài thơ Thương về năm cửa ô xưa.
…
Thương về năm cửa ô xưa
Quan Chưởng đêm tàn dẫn lối
Đê cao hun hút chợ Dừa
Cầu Dền mưa dầm lầy lội
Gió về đã buốt lòng chưa?
Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ
Nhị Hà lấp lánh sao thưa
Cầu Giấy đường hoa phượng vĩ
Nhớ nhung biết mấy cho vừa…
Sao ông không nhớ gì khác, lại nhớ năm cửa ô. Ta chỉ có thể ước chừng vì nó là là một phần tuổi thơ, một phần ký ức của ông. Nên nó đi theo ông suốt cuộc đời.
Thành trì ở bất cứ đâu, bất cứ xứ nào, cũng phải có cửa. Để còn có chỗ đi ra, đi vào. Nhưng không đâu gọi nó là Cửa Ô như Hà Nội.
Ô QUAN CHƯỞNG
Ô Quan Chưởng (Flickr)
Nằm phía đông kinh thành, còn được biết đến với cái tên Ô Đông Hà, được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông (1749), cách bến sông Hồng xưa chỉ khoảng vài chục mét nên thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán từ các vùng khác với kinh thành.
Vài chi tiết lịch sử về Ô Quan Chưởng:
“Điểm làm Hà Nội năm 1873 khác với Hà Nội hiện nay là ở những công trình bảo vệ của nó. Đó là những tường vây hoặc các cổng (porte) chia nhỏ các phố… Khu phố buôn bán được bảo vệ bằng nhiều cổng, trong đó hiện nay chỉ còn cổng Jean Dupuis (nay là cổng Ô Quan Chưởng). Cổng có nguy cơ bị phá năm 1906 nhưng may mắn được Trường Viễn đông bắc cổ cứu thoát. Cổng được xây dựng năm 1749 để phòng thủ kinh thành trước sự nổi dậy của Nguyễn Hữu Cầu (quận He-TG). Cổng có một cửa chính lên tháp canh và hai cửa phụ ở hai bên, phía trên để trống nhưng có lan can trang trí. Trên tường cửa chính gắn một tấm bia đề năm Tự Đức thứ 34 (1881) cấm lính gác đòi tiền người qua lại”.
(Trích Hà Nội giai đoạn 1873-1888” của André Masson, Lưu đình Tuân dịch, tr 116)
Tháng 11-1873, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất. Tại cửa Đông Hà, một đội quân của triều đình do viên quan Chưởng cơ chỉ huy đã chiến đấu dũng cảm. Tuy nhiên, do chênh lệch về tương quan lực lượng, cả đội quân đã hy sinh đến người cuối cùng. Về sau, để kỷ niệm và nhắc nhớ về tinh thần chiến đấu quả cảm, quyết tử của viên quan Chưởng cơ cùng các nghĩa sĩ năm đó mà nhân dân Hà Nội gọi cửa ô này là cửa ô Quan Chưởng.
(Ô Quan Chưởng chứng tích thành lũy xưa (qdnd.vn)
Và, năm cửa ô trong bài hát Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao:
Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về…
Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…
Ô CẦU GIẤY
Cầu Giấy cuối thế kỷ XIX. Ảnh của Docteur Hocquart trong “Une campagne au Tonkin”, 1892. Nơi mà, số phận thật kỳ lạ, 2 sĩ quan Pháp chỉ huy đánh thành Hà Nội, Francis Garnier năm 1873 và Henri Rivière năm 1883, đều bị quân Cờ Đen giết.
Ô Cầu Giấy, phía tây thành Thăng Long, có thể là cửa ô xưa nhất, có từ thời Lý, vì thời ấy phía tây thành có cửa Tây Dương, (cửa Tây Dương đã đi vào lịch sử với đoạn ghi sau đây của Đại Việt sử ký toàn thư: "Năm Mậu Thân (1128), tháng giêng, ngày Kỷ Sửu, biếm chức Đại liêu ban Lý Sùng Phúc vì khi đi qua cửa thành Tây Dương, tuần lại có hỏi mà không trả lời"). Năm 1426, quân Lê Lợi từng kéo qua đây vây thành Đông Quan, tức thành Thăng Long. Nơi đây vào thế kỷ 17, là cầu kiểu thượng gia hạ kiều. Thời nhà Nguyễn, mới có tên là Cầu Giấy, theo nghề làm giấy của dân làng. Cầu bị phá vào thế kỷ 18, nhưng tên thì còn cho đến nay. (Hà Nội 21 cửa ô và Hà Nội 5 cửa ô -- 1000 Years Thang Long (VietNamPlus)
HỒ HOÀN KIẾM
(Ảnh, Flickr)
Ta nghe nghìn giọt lệ
Rớt xuống thành hồ nước long lanh
Dĩ nhiên các nhà khoa học sẽ giải thích khác về nguyên do hình thành các hồ ở Hà Nội. Nhưng các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ luôn có cách giải thích riêng.
Chuyện chàng thuyền chài Trương Chi đời Hùng vương, tương tư Mị Nương rồi…
Đêm năm xưa yêu dấu người xa xăm
Nâng chén trong lầu buồn
Thương nhớ nơi ngàn trùng
Lệ sầu rơi xuống câu hò khoan.
Lệ sầu Mị Nương rơi xuống câu hò khoan. Thế rồi nghìn giọt lệ rớt xuống thành hồ nước long lanh.
Nghìn năm sau, hồ nước long lanh hóa thành Hồ Hoàn Kiếm.
Và đã có người xưa nào về soi bóng mình trên mặt nước hồ long lanh ấy ?
Hồ Gươm có thể còn nhiều tuổi hơn cả kinh thành Thăng Long xưa. Lùi lại lịch sử để khám phá sự hình thành của Hồ Gươm, căn cứ vào bản đồ Hồng Đức (1490) và cả các tấm bản đồ sau này như: “Trung đô sơn xuyên hình thắng chi đồ” vẽ nǎm Cảnh Hưng 31 (1770), “Trung đô Thǎng Long thành nhất phủ nhị huyện đồ” (thế kỷ thứ XVII), “Thǎng Long thành Phụng thiên nhất phủ nhị huyện” nǎm Gia Long thứ chín (1810) thì Hồ Gươm lúc ấy chưa hình thành, nó là một nhánh cụt của sông Hồng. Không biết sau đó hồ được hình thành từ thời gian nào, đến tấm bản đồ tỉnh thành Hà Nội vẽ nǎm Minh Mạng thứ 12 (1831) thì Hồ Gươm đã gần như ngày nay.
Trước kia hồ có tên gọi là hồ Lục Thủy (vì nước có màu xanh ngắt quanh năm). Cái tên hồ Hoàn Kiếm mới có từ thời Lê. Tương truyền Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, có mò được một lưỡi kiếm dưới sông, lại tìm được cái chuôi ngoài ruộng. Lưỡi lắp vào chuôi vừa khít. Lê Lợi đem kiếm báu dưới cờ kháng chiến suốt mười năm đánh đuổi giặc Minh. Giải phóng đất nước, nhà vua đóng đô ở Thăng Long cũ và gọi là Đông Kinh. Một buổi, vua dạo thuyền trên hồ Lục Thủy, bỗng gặp một con rùa vàng lớn nhô lên mặt nước. Rùa nói: “Xin nhà vua trả kiếm thần cho Long Vương”. Kiếm vừa rút khỏi vỏ đã vút bay về phía rùa, rùa ngậm lấy và lặn biến mất. Từ sự tích này mà hồ Lục Thủy đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm (hồ trả Gươm hay gọi tắt là hồ Gươm).
(Phương Anh_Cổng Giao tiếp điện tử Thành Phố Hà Nội - hanoi.gov.vn)
HỒ TÂY VÀ CHÙA TRẤN QUỐC
Hồ Tây, và đường Cổ Ngư xưa (Flickr)
Hồ Tây, Tây hồ hay hồ Dâm Đàm, nghĩa là hồ mù sương. Nơi chứng kiến nỗi oan nghìn đời của Thái sư Lê Văn Thịnh (1095), vị Trạng nguyên đầu tiên của nước ta.
Hồ Tây có rất nhiều tên. Cái tên đầm Xác Cáo được cho là tên cổ nhất. Về tên Lãng Bạc, theo Tây Hồ chí, tướng nhà Hán là Mã Viện đã gọi hồ Tây là Lãng Bạc với ý nghĩa hồ đầy sóng vỗ. Còn trong sách Hồn sử Việt, vua Lý Công Uẩn thấy hồ Kim Ngưu đẹp nên thường xuyên đi thuyền rồng du ngoạn. Và không ít lần, sương mù đã bao phủ thuyền tạo ra cảnh tượng vô cùng huyền ảo, vì vậy, hồ được đổi tên là Dâm Đàm (nghĩa là hồ mù sương). Về cái tên Tây Hồ, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm 1573, vua Lê Thế Tông lên ngôi, tên húy là Duy Đàm, kiêng húy cấm không được gọi hồ Dâm Đàm, mà đổi gọi là Tây Hồ”. Đến đời chúa Trịnh Tạc, năm 1657, vì kiêng chữ Tây nên Tây Hồ bị đổi thành Đoài Hồ (đoài nghĩa là phía tây).
(Nguyễn Ngọc Tiến_Lịch sử hồ Tây)
Khi lên kinh chữa bệnh cho chúa Trịnh (1783), Hải thượng lãn ông có ghi chép vài nơi ông có đi thăm thú ở kinh kỳ.
“Tôi lên thuyền đến Trấn Vũ thì noi theo bờ trái Tây Hồ mà đi, gần đến ngọ thì tới nơi…
Hãy nói khi tôi đến nơi này thì thấy ở cửa dinh mấy chiếc quan thuyền buộc ở góc Tây Hồ… Một lúc sau thuyền đến giữa hồ, lướt qua mặt một hòn núi đá. Màu trời sắc nước long lanh trên mặt hồ, có đám le đàn bay nhảy nơi góc bến. Cạnh đê tại mấy nơi Ly cung, thụ sắc âm u hoặc ẩn hoặc hiện; trong vùng là một dãy lâu đài, hoa cỏ tốt tươi phô lục khoe hồng. Gác chuông chùa nọ, tiếng vang như giục mặt trời lặn; thuyền đánh cá kia, câu hát dường tiễn bóng chiều tà. Tôi ở trong thuyền, khoái ý khôn xiết kể, bỗng thấy ở đằng xa một nơi điện các nguy nga, tùng bách rợp đất; chèo thuyền thẳng tới mới biết đó là chùa Trấn Quốc…”
Ông còn tả kinh thành Thăng Long trong vài dòng:
“Uống trà xong, đứng dậy, tên Sự dẫn đạo, cùng đi theo cửa Vũ Quan, nhắm cửa thành mà vào. Tôi thấy một cái thổ thành không cao lắm, kế bên có một dãy tường nhỏ, trên mặt tuờng ngựa đi được; phía ngoài là hàng rào tre dày đặc, dưới hàng rào có hào sâu, trong hào thả chông, thật là mười phần kiên cố. Ba tầng vọng canh được thiết lập nơi đây, tầng nào cũng có quân lính đứng thành hàng hai bên, đao thương xán lạn, hào quang như tuyết. Lính giữ cửa thấy bọn tôi đi có mang binh khí, xét hỏi thật nghiêm ngặt, đến khi biết rõ đầu mối, lại nhận thấy dấu hiệu áo lính trấn đất Nghệ An, mới để cho đi. Chúng tôi tạm nghỉ ngơi. Nguyên tại đất này thuở nhỏ tôi tùng du học và trú ngụ. Tôi mới chống gậy, thủ bộ tứ phía, du ngoạn nơi đất cũ. Tuy hồ sơn vẫn như trước mà Phật điện, đình đài, quan xá, quân cư nhất nhất không còn hình dạng thuở xưa. Người qua kẻ lại như nêm, ngựa xe rộn ràng…
Tôi lên cáng mà đi, tử cửa cung Khánh Thụy qua đình Quảng Minh, rồi qua cửa Đại Hưng, theo đường phía hữu đi hơn nửa dặm nữa thì đến dinh quan Chính Đường. Cửa dinh cao lớn, voi đi lọt, hai bên có dựng điếm túc trực bày đồ nhung trang mười phần nghiêm chỉnh; quân lính canh ngày đêm, tra xét bọn người tạp nhạp… Bấy giờ chuông lầu đã điểm canh tư. Trên sảnh bài thiết nghi trượng sáng bóng, chói cả mắt. Trước sân bọn lính đi lại như chợ…”
(Thượng kinh ký sự)
Ông tả chùa Trấn Quốc, điện bách nguy nga, tùng bách rợp đất.
Và cửa Vũ Quan: một cái thổ thành không cao lắm, kế bên có một dãy tường nhỏ, trên mặt tuờng ngựa đi được; phía ngoài là hàng rào tre dày đặc, dưới hàng rào có hào sâu, trong hào thả chông, thật là mười phần kiên cố. Ba tầng vọng canh được thiết lập nơi đây, tầng nào cũng có quân lính đứng thành hàng hai bên, đao thương xán lạn, hào quang như tuyết.
(Có tác giả cho đây là Ô Chợ Dừa)
CHÙA QUAN THƯỢNG
Chùa Quan Thượng (Pháp gọi là chùa Thụ hình, la Pagode des Supplices). Đã bị phá vào 1889. (Flickr)
Chỉ còn lại Tháp Hoà phong, nằm bên bờ Hồ Gươm (Flickr)
Thời điểm xây dựng chùa, các tác giả viết khác nhau, 1841, 1842, 1843. Xong vào 1846 hoặc 1847. Bị quân đội Pháp xung công khoảng 1884, đến 1889 thì bị phá hủy hoàn toàn.
Tồn tại chưa đến 50 năm. Chỉ còn thấy qua một số ảnh do người Pháp chụp. Trương Vĩnh Ký, trong bút ký Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi 1876, là người duy nhất đến thăm và tả lại trong vài dòng:
"Vô cửa hai bên có tháp cao. Trong có hồ đi quanh co vòng theo chùa, lại ăn lọt dưới chùa nữa, hai bên mép xây đá cả. Cầu bắc tứ phía qua chùa cũng xây đá gạch hết. Xung quanh bốn phía có hành lang chạy dài giáp nhau.
Trong chùa đằng trước để tượng Phật đứng bàn cả đám, hình lớn to, quang thếp cả. Hai bên sau có động và tháp điện, đều bọng hình nổi ra hết. Đằng sau đền, có tạc hình cốt ông Nguyễn Đăng Giai.
Phải chi nhà nước lo tu bổ, giữ gìn thì ra một kiểng rất xinh, rất đẹp. Mà nay thầy chùa, thầy sãi ở đó, dỡ ngói, cậy gạch bán lấy đi mà ăn nên hư tệ uổng quá"̉
Và, qua mô tả của André Masson:
“Ở phía Đông Nam hồ, chỗ ngày nay là sở Bưu Điện, sừng sững ngôi chùa đặc biệt nhất trong các chùa ở Hà Nội. Tòa nhà chính của chùa được bao bọc một hồ tròn đầy sen, chính hồ sen này đã cho chùa cái tên Liên Trì (Fleurs de Lotus). Chùa còn được gọi là chùa Nguyễn Đăng Giai để kỷ niệm viên tổng đốc, người đã cho xây chùa vào những năm đầu tiên vua Thiệu Trị (1841-1847) bằng cách vung phí tiền cúng của dân chúng, một hành động tạo hứng cho nhiều thi sĩ ứng tác.”
Người Pháp đổi tên chùa thành chùa Khổ Hình (Pagode des Supplices) vì “người ta thấy khắc trên đá và gỗ ở chùa hàng loạt khổ hình những kẻ có tội sẽ phải chịu ở thế giói bên kia. Thật là một tác phẩm lố lăng và khó tả nhưng tinh tế vượt xa những bức bích họa khiếp đảm nhất của các họa sĩ chúng ta ờ thời Trung cổ.
Trong vô số tháp chuông, hàng hiên lôi cuốn du khách từ rất xa chỉ còn lại Hòa Phong Tháp, tháp gió thuận. Công trình nhỏ bé này rất đơn giản nhưng có tỉ lệ duyên dáng. Tháp gồm phần dưới bằng gạch, mỗi mặt trổ một cửa, phần trên là tháp xây trên sàn bốn góc trang trí bốn con nghê. Nằm bên bồ hồ, tháp là điểm khởi đầu đường vào chùa Khổ Hình như thấy trong bức tranh thô của Trường Viễn Đông Bác Cổ”.
KHU PHỐ THƯƠNG MẠI (PHỐ CỔ)
Đối với người châu Âu, những cuộc dạo chơi qua các phố cùa người bản xứ khi tắt nắng là một trong những thú tuyệt vời...
Những đường phố đông người, những khu dân cư đẹp tuyệt vời, trong dó có những tâm hồn tinh tế cùa một dân tộc nhẹ nhàng và đáng yêu. trong mùi hương thoang thoảng tỏa ra từ các nhà của người Tầu.
(Pierre Pasquier, Toàn quyền Đông dương 1928-1934)
Nhưng khách du lịch hiện nay, đa phần là Tây, ít thời gian, nên chỉ thích đi thăm Phố cổ Hà Nội, khu phố buôn bán sầm uất bậc nhất, nằm gọn trong quận Hoàn Kiếm, với vô số hàng quán bán đồ lưu niệm, các cửa hàng thủ công, mà diện tích chỉ nhỏ như lòng bàn tay, nhưng giá đắt ngang đất Tokyo, New York. Diện tích nhà cửa ở đây rất nhỏ, do tính thừa kế. Con cháu càng đông, danh sách thừa kế càng dài, của thừa kế càng ít. Và đất phố cổ cứ thế mà nát vụn ra.
Khu phố có dạng tam giác, đáy dựa vào bờ Bắc Hồ Hoàn Kiếm, một cạnh dựa vào sông Hồng và một cạnh dựa vào Thành Hà Nội.
Phố cổ Hà Nội gồm các khu phố: Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Bạc, Mã Mây, Hàng Đào, Hàng Mã, Hàng Thiếc, Hàng Quạt,…
Gắn với khung cảnh hiện đại của khu phố kiểu châu Âu, khu phố với những người thợ khéo tay và đông đúc này phần nào giữ được vẻ đẹp xưa kia của nó với những đường phố quanh co lên xuống và vẻ cổ lỗ của những người thợ thủ công cúi mình bên công việc trong các cửa hàng. Thực ra một số ấn tượng của du khách thế kỷ XX, đã được ghi lại gần như trong cùng câu chữ của du khách thế kỷ XVII: “Trong thành phố này, mỗi thứ hàng có phố quy định riêng để bán, y hệt kiểu các công ty hay hợp tác xã ờ các thành phố châu Âu” (Samuel Baron, Description de royaume du Tonkin, 1658, bản dịch của Deseille, Revue Indochinoise, 1914, đệ nhị tam cá nguyệt, tr. 70.)
Phố đã có từ thời Lý, khi dân từ các làng đồng bằng Bắc bộ tề tựu về sinh sống. Nằm phía đông kinh thành Thăng long, kéo dài đến bờ sông Hồng. Đời Lê nhiều Hoa kiều đến đây lập nghiệp hình thành các khu phố Tàu. Thời Pháp thêm người Pháp, người Ấn.
Hồi ký của Raoul Bonnal, trú sứ đầu tiên ỏ Hà Nội (1886-87), mô tả: “Các phố, nói chung khá hẹp, được lát theo kiểu Tầu, tức là chỉ lát phần giữa đường trên một chiều rộng khoảng một mét và những viên gạch lát vuông bằng đất nung phần lớn bị vỡ hoặc bong ra. Hai bên đường là những rãnh nước tù đọng. Ngoài ra, những mái hiên che hàng hóa còn làm hẹp lối đì làm khách đi lại khó khăn và cáng hoặc người đi ngựa phải bì bõm trong bùn có chỗ sâu hơn 30cm” .
Paul Bourde, thông tín viên Thời báo (le Temps) ở Bắc kỳ năm 1883, thêm một chi tiết kỳ lạ về phố́ Hà Nội: “Theo nghi lễ An Nam, các phố cổ Hà Nội duy trì một diện mạo rất đặc biệt. Luật đặt vua quan cao hơn tất cả mọi người. Luật đó làm cho một người thiêng liêng đến độ chỉ cần nhìn vào người đó đã phạm tội. Luật còn đi tới chỗ cấm trổ cửa sổ quay ra những phố trong hoàng thành vì một ngày nào đó con người thiêng liêng sẽ đi qua. Người ta không chỉ để mặt trước nhà không có cửa số mà còn che chắn nó bằng những cái chái bán mái làm giảm độ rộng của mặt đường, chi còn lại một con đường nhỏ hẹp thắt nghẽn làm người ùn lại, đôi khi ngựa khó đi qua”.
Cảnh phố Hà Nội khi một viên quan đi qua. Tất cả các cửa nhà hai bên đường vội đóng sập, dân quỳ lạy. (Flickr)
Những sự kiện năm 1883 dẫn tới những đảo lộn sâu sắc trong khu phố buôn bán trong đó có việc quân Cờ Đen đốt khu phố vào tháng năm. Bức thư của tướng Bouet gửi thông đốc Nam kỳ cho biết tầm cỡ thảm họa; “Tới Hà Nội vào chiều ngày 15-6, tôi thấy thành phố trong tình trạng tan hoang. Tất cả cháy rụi, trừ một phần nhỏ của khu người Tầu. Chiều nào bọn cướp cũng tới cướp những thứ còn dùng được. Dân chúng hầu như bỏ đi hết và không ló mặt ra nữa.”
(André Masson, Hà Nội giai đoạn 1783-1888)
Bọn Cờ đen không chỉ cướp bóc các làng quê xa. Chúng còn đốt cả phố Hà Nội. Vậy đấy.
BS Hocquard viết về phố Hà Nội như một người Hà Nội. Và ông đã gọi nó là Phố cổ (Le vieux quartier).
Hà Nội chia thành nhiều phố. Mỗi phố có đặc thù riêng, ngành nghề riêng. Thợ thêu ờ cùng phố. Thợ làm bánh kẹo, mộc, lụa… cũng tương tự. Những phố giàu có như Phố Cờ đen (Rue des Pavillons-Noirs), nơi các cửa hàng buôn bán đều do người Hoa làm chủ. Đường xá tốt, lót bằng đá, hai bên là con kênh hẹp và sâu, để hứng nước mưa và nước thải.
Phố Cờ đen (Phố Mã Mây) (Une Campagne au Tonkin, Hoacquart, Paris, 1892)
Nhà của người Bắc kỳ đều giống nhau. Hẹp và sâu, như quan niệm của họ: muốn sống yên vui, hãy ở cuối nhà, tránh mọi cặp mắt tò mò tọc mạch.
Vì mang tính đặc thù riêng, nên việc thăm thú Hà Nội trở nên hấp dẫn, nhất là với những người mới đến lần đầu. Mỗi ngày đi xem một nơi, ta sẽ hiểu rõ hơn tính chất công việc của họ.
Ngành nghề chính là thêu lụa. Sản phẩm bày bán ngay trước xưởng.
Đồ thêu (sđd)
Thợ khảm (sđd)
Cửa hàng bánh kẹo (sđd)
Đường vào Văn Miếu ngày xưa (sđd)
Chuà Thụ hình hay Chùa Quan Thượng (vì do quan Thượng Nguyễn Đăng Giai xây dựng), đã bị Pháp phá bỏ. (sđd)
Chỉ còn Tháp Hoà Phong (gió thuận) bên bờ Hồ Hoàn Kiếm (sđd)
Hàng Gốm (sđd)
Đường chính trong khu nhượng địa, có thể là Phố Tràng Tiền ngày nay (tức Rue Paul Bert thời Pháp). Thời Gia Long có xưởng đúc tiền ở đây nên thành tên (sđd)
Ngoại ô Hà Nội (sđd)
…Ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vùi
Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền
Để người về hát đêm hồng
Địa đàng còn in dấu chân bước quên…
(Dấu chân địa đàng_Trịnh Công Sơn)
Thành Đại La huyền thoại, Thành Thăng Long bất tử. Thần Long Đỗ và Rùa Vàng đã in mãi dấu chân bước quên ở Địa Đàng trần thế…
Tháng 9. 2023
NTH
-
HÀ GIANG DU KÝ BẰNG HÌNH, P3< Trang trước
-
MẤY BÀI THƠTrang sau >