QUÂN VƯƠNG MACHIAVELLI VÀ BINH PHÁP TÔN TỬ
Tôn Tử, tranh vẽ thời Minh, wikipedia
Machiavelli, Santi di Tito vẽ, wikipedia
Tôn Tử luyện binh pháp cho các cung nữ của vua Hạp Lư (ảnh: The Art of War, Samuel Griffith dịch, Oxford, 1963)
Hai nhân vật, một đông một tây, sống cách nhau đến tận hai thiên niên kỷ. Một người thời Xuân Thu bên Tàu, người kia thời Phục Hưng bên Ý. Người viết cuốn Binh pháp, dạy về lý thuyết quân sự, người viết quyển Quân vương, bàn về lý thuyết chính trị. Mục đích chính vẫn là dựng nước, hưng quốc.
Tôn Tử nổi tiếng cả ở Đông và Tây. Machiavelli được Tây phương biết đến nhiều hơn.
Nhưng khi nói về Tôn Tử với một sự kính trọng thì người ta nhắc về Machiavelli với nhiều dè bỉu.
Trích lời giới thiệu Quân Vương (Đăng Thư dịch, 2017)
Crowell đã đọc Quân Vương, Napoleon Bonaparte ra trận vẫn mang theo một cuốn và Adolf Hitler xác nhận thường đọc cuốn sách này ban đêm. Quân Vương là chuyên luận chính trị thực dụng đầu tiên, là cẩm nang trị quốc thực dụng đầu tiên _ và cũng là một trong những cuốn sách bị căm ghét nhất trong lịch sử thế giới. Tác giả của nó, Niccolò Machiavelli, đã trở thành một biểu tượng cho mưu đồ xấu xa, khả năng thao túng và giải quyết chính trị vô lương tâm, thế nhưng sinh thời ông lại là một trong những nhà tư tưởng chính trị sâu sắc nhất. Cuốn sách ngắn gọn của ông nhằm mục đích chỉ dẫn cho các “quân vương” (hay bất kỳ nhà lãnh đạo nào) cách duy trì quyền lực.
Hay như trang History.com viết về ông:
“Unlike the noble princes portrayed in fairy tales, a successful ruler of a principality, as described in Machiavelli’s writings, is brutal, calculating and, when necessary, utterly immoral.
Until Machiavelli’s writing, most philosophers of politics had defined a good leader as humble, moral and honest. Machiavelli shed that notion, saying frankly, “It is better to be feared than loved, if you cannot have both.”
Không giống các đấng vương gia cao quý kể trong chuyện thần tiên, một nhà cai trị thành công, như Machiavelli mô tả, phải tàn nhẫn, tính toán và nếu cần, một kẻ vô đạo.
Trước khi tác phẩm của Machiavelli ra đời, hầu hết các triết gia chính trị đều xác định một lãnh đạo tốt là người khiêm cung, nhân hậu và trung thực. Machiavelli phản bác quan niệm ấy, và nói toạc ra, “Nên để người ta sợ hơn là yêu, nếu ngươi không thể có cả hai”.
Sách có 26 chương, có thể chia làm 4 phần:
_ Chương 1-11: các hình thức lãnh địa (principality) hay quốc gia (state)
_ Chương 12-14: bàn về các tổ chức quân sự và tư cách của vương gia khi là lãnh đạo quân sự.
_ Chương 15-23: bàn về tính cách và hành xử của vương gia.
_ Chương 24-26: về vị trí chính trị hèn kém của nước Ý. Chương cuối là lời thỉnh cầu đề đạt cho nhà Medici, mong mỏi dòng họ này sẽ dẫn dắt nước Ý đến chốn vinh quang.
(Magedanz, Stacy. CliffsNotes on The Prince)
QUÂN VƯƠNG (Tóm tắt những ý chính theo Caitlin Stephens và Erica Cummings)
_ Tóm tắt:
Quân vương nên tập trung đến các vùng lãnh địa mới, ám chỉ các vương gia vừa lên cầm quyền hay các vương gia cần có lãnh địa mới.
Machiavelli lập luận rằng nhà cai trị nên hoàn thiện về mặt quân sự và chiến lược, vì nó cần thiết để nắm giữ và duy trì những gì vừa đoạt được.
Ông cũng cảnh báo nhà cai trị phải chống lại sự thù ghét của thần dân, dù phải thi hành những hành động vô luân.
_ Những luận điểm chính:
Có vẻ như Machiavelli dựa trên một đấng Quân vương lý tưởng là Cesare Borgia, một chính trị gia Ý đại lợi tàn bạo, đã tàn sát vô số người trên hành trình nắm quyền lực.
Machiavelli cho rằng có 3 hình thức lãnh địa chính: thế tập (hereditary), mới và hỗn hợp.
Thế tập thì quyền lực được thừa hưởng. Mới thì nắm quyền bằng cách đi chinh phục. Hỗn hợp thì chiếm quyền bằng việc chiếm cứ đất mới thêm vào đất có sẵn.
Ông nêu ra một số tính cách của nhà cai trị thành công:
+ Nhà cai trị phải có biệt tài về chiến tranh.
+ Kết quả biện minh cho phương tiện.
+ Đôi khi nhà cai trị thành công là người phải nhẫn tâm.
+Nên để người sợ hãi hơn là được người yêu thương.
_ Chủ đề của Quân vương:
+ Ý chí tự do (free will).
+ Bản chất con người (human nature).
+ Thuật cai trị (statesmanship).
+ Chiến thuật (warcraft).
+ Đạo đức (virtue).
Nhưng theo History.com, nhà cai trị phải có 2 tính cách: Vận may (fortune) và Táo tợn (virtù, mà trang này chú thích là not Virtue, tức không phải Đạo Đức mà là Táo tợn hay Bạo liệt (Bravery, Power).
Finally, leaders must not rely on luck, Machiavelli wrote, but should shape their own fortune, through charisma, cunning and force. As Machiavelli saw it, there were two main variables in life: fortune and virtù.
Virtù (not virtue) meant bravery, power and the ability to impose one’s own will.
Mchiavelli viết, nhà lãnh đạo không nên tin ở vận may, mà phải tạo vận may cho chính mình bằng uy tín, quỷ quyệt và sức mạnh. Trong cuộc đời, có 2 biến thiên chính yếu: may mắn và táo tợn.
Táo tợn, nghĩa là bạo liệt, sức mạnh và khả năng áp đặt ý chí lên người khác.
Thế là theo Machiavelli, trước khi là nhà chính trị nắm giữ quyền lực thì phải là nhà quân sự tài ba. Có thế thì mới chiếm được đất đai, làm căn cứ cho việc thi hành thể chế, thi thố quyền hành. Mới làm Quân vương được. Ông dành hẳn 3 chương (12, 13, 14) để bàn về các vấn đề quân sự kia mà.
Tức là phải đọc binh pháp Tôn Tử. Mà không biết Machiavelli có đọc Binh pháp chưa !!??
Ông không cần đọc bởi chính ông còn là một nhà quân sự vì sau khi viết Quân Vương vài năm, ông có viết The Art of War, binh pháp, bàn về vai trò của công dân khi tham gia quân đội, vai trò của pháo binh, và nhấn mạnh âm mưu và lừa dối là những chiến lược quân sự có giá trị lớn lao. Thật tình cờ, Tôn Tử cũng nhấn mạnh yếu tố lừa dối trong Binh pháp, (Binh là cái đạo dối trá (Tôn Tử binh pháp, Thiên 1: Kế Sách), (All warfare is based on deception, The Art of War, Linonel Giles, 2004).
Trớ trêu thay là bản chất của chính trị và quân sự, đều là trò chơi lừa gạt.
Dưới đây là vài trích dẫn nổi tiếng của Machiavelli (theo History.com):
"The first method for estimating the intelligence of a ruler is to look at the men he has around him."
“Phương pháp đầu tiên để đánh giá óc sáng suốt của nhà cai trị là nhìn vào đám cận thần của ông ta”.
"It is not titles that honor men, but men that honor titles."
“Không phải tước hiệu làm vinh danh con người mà con người mới làm vinh hạnh cho tước hiệu”.
"Whoever believes that great advancement and new benefits make men forget old injuries is mistaken."
“Ai mà tin là những tiến bộ lớn lao và những món lợi mới làm người ta quên đi những vết thương cũ đều sai lầm”.
"The best fortress is to be found in the love of the people, for although you may have fortresses, they will not save you if you are hated by the people."
“Thành trì kiên cố nhất nằm trong chính tình yêu của người dân, vì cho dù ngươi có bao nhiêu thành trì, chúng sẽ không cứu được ngươi nếu như ngươi bị dân thù ghét”.
"Where the willingness is great, the difficulties cannot be great."
“Khi ý chí vĩ đại thì khó khăn trở nên nhỏ bé”.
"There is no other way to guard yourself against flattery than by making men understand that telling you the truth will not offend you."
“Không có cách nào tốt hơn bảo vệ cho ngươi khỏi sự bợ đỡ là làm người ta hiểu được rằng bảo cho ngươi biết sự thật sẽ không tổn thương ngươi”.
"Every one sees what you appear to be, few really know what you are."
“Ai cũng thấy cái bề ngoài của ngươi, chỉ vài người thấy được ngươi là ai”.
Xưa nay, hầu hết các nghiên cứu về 2 nhà này đều ghi rạch ròi là Machiavelli, nhà chính trị và Tôn Tử, nhà quân sự. Quân vương (The Prince) là chuyên luận chính trị và Binh pháp là cách dùng binh (mà tất cả các bản tiếng Anh là The Art of War).
Nhưng xem các nghiên cứu bàn về 2 tác phẩm này, ta lại thấy chúng gần như tương đồng nhau. Cũng là chiếm đất xây thành để gầy dựng quyền lực, rồi củng cố quyền hành bằng thuật cai trị, để lấy lòng dân, để lập quốc rồi hưng quốc. Chẳng khác gì nhau.
Ngay trong thiên thứ nhất: Kế Sách, Tôn Tử đã tóm tắt hết các nguyên tắc quân sự (mà cũng là chính trị) của ông:
TÔN-TỬ nói rằng : việc binh là một việc rất hệ trọng, đất làm cho ta sống hay chết, đạo khiến ta còn hay mất, cần phải xem xét cẩn thận. Dùng hết mưu cơ để dò xét tình hình bên địch, ta cần phải thấu hiểu 5 nguyên tắc sau đây : 1 Đạo, 2 Trời, 3 Đất, 4 Tướng, 5 Pháp. Thế nào gọi là Đạo ? Đạo khiến dân và chính phủ đồng tâm hiệp lực, cùng sống cùng chết, không sợ chi nguy hiểm. Thế nào gọi là Trời ? Trời là thời tiết, xét về khi trời rét, nóng, sáng, tối. Thế nào gọi là Đất? Đất là để cho ta biết được xa, gần, hiểm, dễ, rộng, hẹp, chết, sống.
Thế nào gọi là Tướng ? Tướng phải có đủ 5 đức tốt : TRÍ, TÍN, NHÂN, DŨNG, NGHIÊM. Thế nào gọi là Pháp ? Pháp để xử các việc nhà binh. 5 nguyên tắc nói trên, phàm là người tướng, cần phải biết đến, vì biết thì chiến thắng, không biết thì chiến bại. Cho nên cái Đạo dùng binh phải xét bằng tình và dò bằng kế.
(Tôn Tử binh pháp, Thi Đạt Chí dịch, nxb Việt Hoa tùng thư, 1955)
1.Sun Tzu said: The art of war is of vital importance to the State. 2. It is a matter of life and death, a road either to safety or to ruin. Hence it is a subject of inquiry which can on no account be neglected. 3. The art of war, then, is governed by five constant factors, to be taken into account in one’s deliberations, when seeking to determine the conditions obtaining in the field. 4. These are: (1) The Moral Law; (2) Heaven; (3) Earth; (4) The Commander; (5) Method and discipline.
These five heads should be familiar to every general: he who knows them will be victorious; he who knows them not will fail.
Therefore, in your deliberations, when seeking to determine the military conditions, let them be made the basis of a comparison, in this wise.
(The Art of War, translated by Lionel Giles)
Tôn Tử theo Sử Ký của Tư Mã Thiên:
(Trích Liệt truyện, phần Tôn Tử – Ngô Khởi, Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch)
TÔN TỬ
Tôn Tử, tên là Vũ, người Tề, nhân dâng binh thư, được vào yết kiến Ngô vương Hạp Lư. Hạp Lư nói:
_ Mười ba thiên sách của ông, ta đã đọc hết. Có thể đem thao diễn thử được chăng?
Tôn Tử đáp:
_ Bẩm, được.
_ Diễn thử bằng đàn bà được chăng?
_ Bẩm, được.
Hạp Lư bèn cho phép đưa những cung nữ đẹp đẽ ra thao diễn tất cả là một trăm tám mươi người. Tôn Tử chia bọn này làm hai đội, cử hai người cung nữ được vua Hạp Lư yêu làm đội trưởng, cho cả hai cầm kích.
Tôn Tử hỏi bọn cung nữ:
_ Có biết đâu là ngực, đâu là tay phải, đâu là tay trái, đâu là lưng không?
Bọn cung nữ đáp:
_ Biết.
Tôn Tử giao hẹn:
_ Hễ nói : “trước”, thì nhìn thẳng ngực; hễ nói: “trái”, thì nhìn phía tay trái; hễ nói: “phải”, thì nhìn phiá tay phải; hễ nói: “sau”, thì nhìn về sau lưng.
Bọn cung nữ nói:
_ Vâng.
Kỉ luật ban bố rồi mới cho dàn gươm, dao, giáo, búa. Kỉ luật còn được nhặc đi nhắc lại nhiều lần. Xong rồi, trống lệnh nổi lên, truyền nhìn về phía phải. Bọn cung nữ cười ồ. Tôn Tử nói:
_ Kỉ luật ban bố không rõ ràng, mệnh lệnh truyền phát không thuần thục, tội đó về phần tướng.
Kỉ luật lại được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Rồi trống lệnh lại nổi, truyền nhìn về phía trái. Bọn cung nữ lại cười ồ. Tôn Tử nói:
_ Kỉ luật ban bố không rõ ràng, mệnh lệnh truyền phát không thuần thục, tội đó về phần tướng. Đã rõ kỉ luật mà không theo mệnh lệnh, tội đó về phần quân.
Và ông quyết định đem chém hai viên đội trưởng.
Ngô vương ngồi trên đài xem, thấy sắp chém ái cơ của mình thì kinh hoảng, vội sai người truyền lệnh:
_ Quả nhân biết Tướng quân cầm quân hay rồi. Quả nhân mà thiếu hai người cung nữ ấy thi ăn hết ngon, xin Tướng quân đừng chém.
Tôn tử nói:
_ Thần đã thụ mệnh làm tướng. Tướng ở nơi ba quân có trường hợp không theo lệnh vua.
Và ông cho chém hai người cung phi đội trưởng, đem đi rong cho mọi người thấy. Rồi, theo thứ tự, cử người khác lên thay. Lần này hiệu trống nổi lên, bọn cung nữ hướng về phía trái, phía phải, phiá trước, phía sau, quì xuống, đứng lên, đều đúng phép tắc, chừng mực, không còn dám ho he. Bấy giờ Tôn Tử mới sai sứ giả tâu với Ngô vương:
_ Quân đã chỉnh tề, Đại vương có thể xuống coi thử mà tuỳ ý sử dụng, muốn bảo nhẩy vào nước, vào lửa cũng được. Ngô vương nói:
_ Thôi, Tướng quân hãy về nghỉ nơi khách xá, quả nhân không muốn xuống coi.
Tôi Tử nói:
_ Đại vương chỉ thích lời nó suông mà không muốn áp dụng.
Hạp Lư biết Tôn Tử có tài dụng binh bèn dùng ông làm tướng. Hạp Lư tây phá được cường Sở, vào được Dĩnh Đô, bắc, uy hiếp được Tề, Tấn, nổi tiếng với chư hầu, phần nào có nhờ sức Tôn Tử.
(Chú thích của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê:
Sách Tôn Tử có tập do Tào Tháo chú thích là nổi tiếng nhất. Sách gồm mười ba thiên: 1 _Thuỷ Kế, 2 _Tác Chiến, 3_Mưu Công, 4_Quân Hình, 5_Binh Thế, 6_Hư Thực, 7_Quân Tranh, 8_Cửu Biến, 9_Hành Quân, 10_Địa Hĩnh, 11_Cửu Địa, 12_Hoả Công, 13_Dụng Gián.)
Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, khi soạn Binh thư yếu lược, có nêu ý “Binh quý hồ tinh bất quý hồ đa” chính là dựa theo ý của Tôn Tử. (Tôn Tử binh pháp, Thiên 2, Tác Chiến_ Người giỏi dùng binh thì việc phu phen lính tráng không gọi sổ đến hai lần, lương thực không chuyên chở đến ba lần.
Hay quan điểm của Nguyễn Trãi, “chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công” cũng là ý của Tôn Tử, (thiên 3 _ Mưu công: Không đánh mà làm khuất phục được quân của người, ấy là người giỏi ở trong những người giỏi; Cho nên người giỏi dùng binh, đuổi quân của người mà không phải chiến; Hạ thành của người mà không phải đánh. Tất phải lấy sự toàn thắng để tranh thiên hạ cho nên không nhụt binh mà được toàn lợi, ấy là cái phép mưu công đó. _ Tôn Tử binh pháp, Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch)
Hay kế Khổng Minh rất hay dùng: xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị là ý ở thiên thứ nhất, Kế Sách: Đánh chỗ không phòng bị, ra chỗ bất thình lình. (Tôn Tử, Ngô Văn Triện dịch)
Kế thứ ba mươi sáu, bỏ chạy là hay hơn cả: “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”, chưa hẳn là kế sách của Tôn Tử, có khi là do người đời sau gán cho ông.
(Truyền rằng bộ binh pháp Tôn Tử gồm 18 thiên hay chương, hiện chỉ tìm thấy 13 thiên).
Khảo luận chính trị Quân Vương của Machiavelli gồm 26 chương, nêu ra những mưu lược chính trị cho các nhà lãnh đạo gìn giữ đất nước.
Sinh ở Florence năm 1469, là con một luật sư, Machiavelli tham gia quân đội ngay sau khi xong việc học, trở thành nhà ngoại giao rồi nhà chiến lược quân sự, chỉ huy quân đội Florence từ 1503-1506. Bị buộc tội chống lại nhà Medici, bị giam và tra khảo, sau được phóng thích và hồi hương, về ở điền trang tại Florence. Chính tại đây, ông viết cuốn Quân Vương.
Ma chiavelli xuất thân ngoại giao, rồi chuyển sang hoạt động quân sự. Những hoạt động trong 2 lãnh vực này giúp ông thêm kinh nghiệm để thành nhà chính trị lão luyện. Sách ông viết là sách gối đầu giường cho hầu hết các nhà chính trị từ thời trung cổ cho đến nay.
Tôn Từ là nhà quân sự thuần tuý, nhưng những gì ông viết trong Binh pháp không những chỉ áp dụng trong lãnh vực chiến tranh, nó còn là kim chỉ nam cho kinh doanh và cho nhiều lãnh vực quản trị kinh tế khác nữa.
Thương trường là chiến trường trở thành câu châm ngôn quan thuộc trong văn chương, trong điện ảnh… và hơn đâu hết Binh pháp Tôn Tử là sách tham khảo chính, là đề mục chính thảo luận trong hầu hết trong trường kinh tế, tài chính, doanh thương…
Hai nhà này ngẫu nhiên có mấy ý giống nhau. Chẳng hạn:
Tôn Tử binh pháp. Thiên VII, Quân Tranh:
_Cướp làng chia bọn :
Đỗ Mục rằng: Những làng xóm của bên địch, không có quân giữ, chứa nhiều của cải, thóc lúa, dễ sự cướp bóc, nên chia phiên mà lần lượt đi, để ai nấy đều được đi cả, chứ không nên đi một mình, như thế thì lớn nhỏ mạnh yếu, ai cũng đều muốn cùng bên địch tranh lợi.
Trần Hạo rằng: Những hương ấp thôn xóm chẳng phải chỉ có một nơi, xét thấy không có phòng bị, chia binh đi mà cướp.
Họ Hà rằng: Nói cướp được mọi vật thì chia cho mọi người trong bọn.
Trương Dự rằng: Cái đạo dùng binh, đại khái cốt nhờ lương bên địch, nhưng dân hương ấp chứa đựng không nhiều, tất phải chia binh đi các nơi mà cướp thì mới đủ dùng.
_ Mở đất chia lợi :
Đỗ Mục rằng: Mở mang được cõi đất thì nên chia cắt cho ngưòi có công. Hàn Tín nói với Hán vương rằng: Hạng vương dùng người, kẻ có công đáng phong tước, đã khắc ấn rồi mà lại tiếc, không chịu cho. Nay đại vương nếu làm trái lại lấy thành ấp trong thiên hạ, phong cho công thần, thì việc lấy thiên hạ chẳng khó gì cả. Sách Tam lược nói: "Được đất thì rạch ra mà chia".
Trần Hạo rằng: Nói được đất cát, thì đóng binh trồng tỉa, để chia cái lợi của bên địch.
Trương Dự rằng: Mở mang cõi đất bình-dị tất chia binh mà giữ lấy lợi, không để cho kẻ địch chiếm được. Hoặc có người bảo đây nói được đất thì chia thưởng những người có công, nay xem các lời ở trên dưới thì e rằng không phải định nói như vậy.
(Ý của Tôn Tử rất cô đọng, vắn tắt. Trúc Khê dịch lời giảng của nhiều người để dễ tham khảo)
Machiavelli, Quân Vương, c.5 (Phan Huy Chiêm dịch, 1971):
_ Sự thực hiển nhiên, khi ta muốn chiếm giữ vững chắc một lãnh thổ không có cách gì hay hơn là hãy tàn phá nó đi đã.
Tôn Tử chủ trương cướp được đất thì chia (cho người có công để bọn này giữ lấy). Machiavelli thì cho là phá hủy hết để dân địa phương không còn gì để gầy dựng lại. Phương pháp khác nhau nhưng mục đích là như nhau.
Đây không phải là binh pháp, nó là chính trị.
Việc binh cũng như chính trị, dối trá là sự thường:
_ Binh là cái đạo dối trá (Tôn Tử binh pháp, Thiên 1: Kế Sách), ( All warfare is based on deception, The Art of War, Linonel Giles, 2004)
_ Vua chúa nào muốn giữ vững địa vị cần phải biết làm điều sai trái; và có sử dụng phương cách đó hay không là tuỳ theo nhu cầu (Quân Vương, c XV, Đăng Thư dịch) (Hence it is necessary for a prince wishing to hold his own to know how to do wrong, and to make use of it or not according to necessity _ The Prince, W.K. Marriott dịch)
Machiavelli không hẳn là nhà chính trị vô luân như hầu hết các nhà phê bình đều đồng ý. Hãy đọc những dòng sau đây:
“Ngoài sự việc kể trên, Vương hầu phải tỏ ra biết trọng tài đức, biết ban vinh dự cho những kẻ có biệt tài trong mỗi ngành. Sau nữa phải khuyến khích toàn thể nhân dân nên sinh sống yên ổn để phát triển nghề nghiệp của họ trong địa hạt thương mại, canh tác ruộng đất, cùng trong tất cả các sinh hoạt khác.
Làm sao cho nông dân không bỏ đất hoang vì lo sợ bị người khác lại chiếm đoạt mất, giới thương gia khỏi bỏ nghề theo nghề khác vì sợ thuế khóa. Vậy Vương hầu phải tưởng thưởng những ai muốn hành những nghề nghiệp trên đây, và hoạt động bằng cách này hay cách khác để làm giàu cho xứ sở đất nước. Thêm nữa, hàng năm, một vài khi Vương hầu cũng phải tổ chức những hội hè, những cuộc du hí để nhân dân có dịp hả hê vui đùa giải trí. Địa phương nào cũng chia ra từng tập đoàn nghề nghiệp, đoàn thể chủng tộc; Vương hầu phải đặc biệt lưu tâm đến những đoàn thể ấy. Một vài khi phải xuất hiện trong những cuộc hội họp của họ để nêu gương tình bác ái, nhưng phải luôn luôn giữ gìn tính cách nghiêm trang, không bao giờ để kém phần oai phong của địa vị Vương giả.
(Quân Vương, c XXI, Cách cai trị được lòng dân, Phan Huy Chiêm dịch)
Chiến tranh cần tàn nhẫn, bạo lực để đạt mục đích. Nhưng khi hoà bình, cần đạo đức, trung thực, chú ý đến lòng dân, sức dân. Khoan thứ, hoà nhập nhưng luôn giữ thể diện quân vương. Có phải Machiavelli là người vô đạo?
Chỉ riêng nhà phê bình Raymond Aron là đi ngược với đa số. Ông ca ngợi Machiavelli chứ không chê bai như J.J Rousseau:
_ Ngày nay ta không còn có thể chấp nhận lời diễn giảng độc ác, nhưng thiên lệch của triết gia J. J. Rousseau.
_ Machiavel yêu quý tự do và ông không giấu diếm gì mối tình cảm đó.
_ Nếu có phải vì thực ông chỉ chú trọng vào những lãnh thổ mới chiếm cùng những lãnh thổ suy nhược và nếu vì ông hơi tỏ vẻ ngưỡng mộ César Borgia cùng những thủ đoạn của hắn, như chúng ta đã chê trách ông, thì thật là nhầm to.
Và, Machiavelli thể hiện quan điểm của ông về đạo đức như sau:
Bây giờ xét đến cách cư xử và cử chỉ của một vị Chúa đối với thần dân và thân hữu, thế nào cho phải. Tôi biết đã có nhiều nhà trí thức viết về vấn đề này. Nay nếu tôi bày tỏ tư tưởng của mình khác xa tư tưởng của họ, không khỏi mang tiếng là người lập dị. Nhưng vì muốn viết ra những gì mình tự xét có thể giúp ích cho người đọc, nên tôi diễn tả đúng sự thực chứ không thêu vẽ theo trí tưởng tượng. Có nhiều người đã vẽ ra những lãnh thổ Vương quốc hoặc Cộng hòa mà chưa ai từng trông thấy tận mắt hoặc biết chắc có thực. Ở đời, kiểu mình hiện đang sống khác xa kiểu mình đáng lẽ là phải sống; cũng như việc mình đang làm khác xa các việc mà mình đáng lẽ phải làm. Nếu ta bỏ thực tế hiển hiện để theo đuổi cái "đáng lẽ phải thế này thế kia" mãi chắc chắn ta tự tiêu tự hủy. Nếu ta cứ nhất định luôn luôn giữ mức đạo đức tuyệt đối, chắc chắn ta sẽ bị tiêu diệt giữa đám đông mà đa số là hạng người bất hảo quanh ta.
Thế cho nên vị Chúa nào muốn giữ vững địa vị khi cần phải biết cách gác đạo đức một bên; lúc áp dụng đức độ, lúc không, tùy theo nhu cầu của thời thế.
(Quân Vương, Phan Huy Chiêm dịch, nxb Quán Văn, 1971.)
Cũng như khi Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo, Machiavelli viết để cổ vũ lòng yêu nước của người dân Ý, để trông chờ một người anh hùng nào đó đứng lên để đánh đuổi quân xâm lược, để gầy dựng một nước Ý hùng cường như lòng ông mong mỏi:
Như trên kia tôi đã nói, phải có dân Do Thái bị làm nô lệ ở Ai Cập, giá trị của thủ lãnh Moise mới được minh xác. Dân Ba Tư có bị dân Mèdes đè nén, mới biết khí tiết anh hùng của Cyrus. Dân Athéniens có ly tán, mới biết rõ tài khôn khéo của Thèsée.
Vậy nay Tổ quốc có lâm vào cảnh tuyệt vọng, ta mới có cơ tìm được một Anh hùng Ý Đại Lợi. Cảnh nước Ý hiện nay: nhân dân bị nô lệ hơn dân Do Thái, yếu hèn hơn dân Ba Tư, ly tán hơn dân Nhã Điển, không người lãnh đạo, sống trong cảnh rối ren vô trật tư, bị hà hiếp, bóc lột, xâu xé, quân ngoại xâm tự do hoành hành, đất nước chịu biết bao nỗi đau khổ thảm thương.
Cho đến ngày này, thỉnh thoảng cũng có một vài nhân vật mang lại tia hy vọng, cho dân tin Thượng đế sai họ xuống cứu vớt non sông; nhưng chẳng may giữa đường đang hăng say hoạt động, lại bị bánh xe số mệnh đè nghiến. Đến nỗi giờ đây Tổ quốc lâm cảnh hữu thể vô hồn. Ai là người ra tay hàn gắn những vết thương đau, ai là người ra tay dẹp bọn giặc cướp hung tàn hoành hành ba tỉnh Lombardie, Naples, và Toscane, như những ung thư máu chảy không ngừng? Toàn dân tâm niệm cầu Trời mau cử một anh hùng xuất chúng hòng tiêu diệt hết bọn rợ hung tàn, hàn gắn, xoa dịu những cảnh đau thương trên đất nước. Nhân dân sẵn sàng hăng hái xếp hàng theo sau Người Hùng phất cờ khởi nghĩa. Phải tìm Người Hùng đó ở đâu nếu không phải là trong dòng họ của Đức Ngài, [1]
(Trích c 26, chương cuối, Quân Vương, Phan Huy Chiêm dịch)
[1]: tức Guiliano de Medici. (chú thích của W.K.Marriott)
Thì ta sẽ thấy ông thiết tha ra sao với một tiền đồ của nước Ý, một người dân yêu nước nồng nàn, không phải là một nhà chính trị hoạt đầu, tráo trở, vô lương tâm như nhiều nhà phê bình phương Tây chê bai.
Machiavelli là nhà quân sự trước khi là chính trị gia. Luận điểm của ông là dùng vũ lực để chiếm đóng, nắm giữ rồi từ đó tăng cường quyền lực chính trị cho thấy rõ tư tưởng của ông. Tôn Tử cũng vậy. Chỉ có điều kế sách của Tôn Tử được bình chú, trích dẫn của nhiều nhà chính trị, quân sự tài ba_ đặc biệt là Tào Tháo_ đã khiến Binh pháp của Tôn Tử trở thành nổi tiếng và áp dụng rộng rãi hơn trong nhiều mặt của xã hội, kể cả thể thao.
Tôn Tử binh pháp đã được dịch ra trên 100 thứ tiếng và xuất bản ở hầu khắp các nước trên thế giới. Tôn Tử binh pháp, với tên tiếng Anh quen thuộc The art of war từ lâu đã được đưa vào hệ thống thư viện của quân đội Hoa Kỳ. Tất cả các nhân viên CIA đều được đề nghị nghiên cứu Tôn Tử binh pháp. Rất nhiều công ty Nhật Bản, Hàn Quốc đưa Tôn Tử binh pháp vào danh sách tài liệu yêu cầu đối với các cấp quản lý. Sau chiến thắng năm 2002 đưa đội tuyển Brazil vô địch World Cup lần thứ 5, nhiều phân tích đã chỉ ra rằng huấn luyện viên đội này lúc đó, ông Scolari đã áp dụng chặt chẽ Tôn Tử binh pháp qua từng trận đấu.
(Trích Lời giới thiệu Tôn Tử binh pháp, Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch, nx Dân Trí, 2017)
Tôn Tử sinh đồng thời với Khổng Tử, một người là nhà quân sự và người kia là nhà giáo dục.
Machiavelli sinh đồng thời với Lenonardo da Vinci, một người là nhà chính trị và người kia là một họa sĩ và thiên tài bách khoa.
Họ đều là những người bất tử của Đông và Tây phương.
Chỉ có điều họ mưu việc lớn: Tôn Tử nói, Binh giả, quốc gia đại sự (Sun Tzu said: The art of war is of vital importance to the State, Lionel Giles dịch _ War is a matter of vital importance to the State, Samuel Griffith dịch): Việc binh là việc lớn của quốc gia.
Nên không ai lưu tâm đến những thân phận nhỏ nhoi: những nạn nhân của chiến tranh, những Bà Mẹ Gio Linh, có ở khắp nơi trên trái đất này:
…
Mẹ già tưới nước trồng rau
Nghe tin xóm làng kêu gào
Quân thù đã bắt được con
Đem ra giữa chợ cắt đầu
Hò ơi hò
Hò ơi hò
Nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu
Đường về thôn xóm buồn teo
Xa xa tiếng chuông chùa reo
Hò ơi hò
Hò ơi hò
Tay nâng nâng lên
Rưng rức nước mắt đầy
Mẹ nhìn đầu con
Tóc trắng phất phơ bay
Ta yêu con ta
Môi trắng bết máu cờ
Nụ cười hồn nhiên
Đôi mắt ngó trông ta
…
Chỉ có tiếng chuông chùa xa xa réo cùng mái tóc bạc trắng phất phơ bay của Bà Mẹ Gio Linh…
Tháng 12. 2023
NTH
-
TRANH THỦY MẶC< Trang trước
-
NHỮNG TAY GIANG HỒ LẪY LỪNG Ở SÀI GÒN THẾ KỶ XIX-XXTrang sau >