ĐỌC LẠI LIÊU TRAI CHÍ DỊ

ĐỌC LẠI LIÊU TRAI CHÍ DỊ

 

“Liêu Trai Chí Dị” nghĩa là những chuyện kỳ quái chép ở gian nhà tạm dựng.

Truyền rằng ông tức Bồ Tùng Linh, thường trải chiếu ven đường mời người qua lại ghé kể chuyện, ông theo đó viết lại thành bộ Liêu Trai.

Vì thế mà trong khá nhiều truyện, ông thường viết ở dòng cuối, ông Giáp, ông Ất, ông Mỗ... kể cho ta nghe tường tận như thế...

 

Đề từ
Cô vọng ngôn chi cô thính chi,
Đậu bằng qua giá vũ như ti.
Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
Ái thính thu phần quỷ xướng thi.

Vương Ngư Dương

Họa
Chí dị thư thành cộng tiếu chi
Bố bào tiêu sách mấn như ti
Thập niên phả đắc Hoàng châu ý
Lãnh vũ hàn đăng tự thoại thi

 

Bài họa là của chính Bồ Tùng Linh

 

 

Sách “Chí dị” đã xong cùng cười với nhau

Cảnh áo vải buồn thiu tóc như tơ

Mười năm tạm vừa ý Hoàng Châu

Chuyện đêm bên đèn lạnh mưa rơi

 

Hai nhân vật trong giới văn học nghệ thuật miền Nam trước đây có thể xem như người từ truyện Liêu Trai bước ra. Ấy là “Trung niên thi sĩ” Bùi Giáng và ca sĩ Thanh Thúy. Cuộc đời và hành tung của Bùi Giáng hệt như Liêu Trai. Còn ca sĩ Thanh Thuý, không kỳ bí như thế, nhưng tiếng hát của cô (giờ phải gọi là bà mới phải) được ví như tiếng hát Liêu Trai.

Người ta biết nhiều đến bản dịch tiểu thuyết Hoàng tử bé (của Saint Éxupery) hay nhiều bài thơ, tiểu luận văn học, ít người biết ông còn dịch một truyện kiếm hiệp của Ngọa Long Sinh, “Kim kiếm điêu linh”. Không đọc nên không rõ nội dung. Chỉ nhớ mang máng một tờ báo nào đó có đăng từng kỳ truyện này. Có đọc được vài số. Rồi báo đình bản hay sao. Cũng không nhớ tên tờ báo. Chỉ nhớ mơ hồ tên một chương hồi trong truyện, mà tựa chương này là một câu thơ lục bát. Hình như là:”Gió mưa điên đảo tơi bời, Tiêu Linh xuất hiện giang hồ trùng tên”.

Văn phong đúng kiểu Bùi Giáng. Không giống ai. Nửa mê, nửa tỉnh. Và đậm đặc Bùi thi sĩ.

Mãi đến sau này nghe trong vài chương trình ca nhạc phát trên tivi, giới thiệu qua loa về ca sĩ Thanh Thúy, và nghe cô hát bài “Buồn trong kỷ niệm” của Trúc Phương. Một chất giọng nữ trầm, độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Quả danh bất hư truyền. Tiếng hát liêu trai. Tiếng hát như từ lòng đất , như trong mồ hoang. Tưởng như là không gian lãng đãng sương khói mờ nhân ảnh. Ai biết tình ai...có nhớ HỒ !!!

 

Bồ tiên sinh lao đao trường ốc, nên chi,  trong nhiều truyện, ông tỏ ra oán hận chốn trường thi, oán cả giám khảo. Cho rằng họ không đủ tài thẩm định văn tài của thí sinh (hay là bài của chính ông chăng?)

Liêu Trai chỉ có nghĩa gian nhà, hay căn phòng nát, tạm bợ, sơ sài. Nhưng trong tiếng Việt, từ “Liêu Trai” đọc lên lại hàm ý rất “liêu trai”, tức là  cái gì đó rất không thực, mơ mơ hồ hồ, ba phần tiên, một phần ma quỷ, bốn phần hồ ly.

Hầu hết truyện của ông thì nhân vật chính là hồ. Mà hồ là gì thì không rõ. Là chồn, là cáo thành tinh chăng?

Có đôi khi, trong cùng một truyện có cả hồ, cả ma. Vài truyện có tiên, có thánh. Yếu tố kỳ dị, quái đản, bao trùm trong tất cả truyện.

Một số truyện ẩn hiện bóng dáng Đạo giáo. Những nhân vật Hà tiên cô, Lã đồng tân v.v...dưới hình hài một tiên cô, tiên ông nào đó, xuất hiện đậm đặc.

Có cả Bạch liên giáo, nhánh Đạo giáo sử dụng bùa phép, thịnh hành cuối đời Minh, đầu đời Thanh.

Cũng chẳng thiếu các thầy đồ dạy học, hình ảnh của chính Bồ Tùng Linh.

Cá biệt có một hai truyện đề cập các nhân vật rất đời. Không hồ ly, không ma quỷ, không tiên thánh, không đạo sĩ, thầy pháp. Tiêu biểu là truyện Cừu Đại nương. Đề cao nữ quyền. Một người phụ nữ, thế kỷ XVII, cáng đáng, vực dậy cả một dòng họ, một đại gia đình, đang trên bờ vực ly tán, mà gia đình tan nát do chính các vị đàn ông. Than ôi !

 

Thuở nhỏ, năm thì mười họa, mới được đọc một vài truyện Liêu trai, dịch đăng trên báo hay tập san, tạp chí nào đó, mà lâu quá không còn nhớ tên báo, tên truyện, tên người dịch.

Nhưng chắc chắn người dịch không phải là Tản Đà, Nhượng Tống hay một tên tuổi đã có danh.

Đọc xong thì lãng đãng, thấy nó lạ quá. Không giống truyện ma thường đăng trên báo, chẳng giống gì với truyện đường rừng, kinh dị của Thế Lữ, Tchya Đái Đức Tuấn. Và sau sau nữa, thấy nó cũng khác với loại truyện của Edgar Allen Poe. Riêng với Stephen King, như truyện Ngàn Dặm Xanh, The Green Mile (đã được dựng thành phim), thì các yếu tố siêu nhiên, kỳ lạ, vượt ngoài cái hiểu thông thường của cõi thế gian, một cách nào đó, có thể xem là dạng Liêu Trai của văn học Mỹ.

Vẻ kỳ lạ trong không khí Liêu Trai không gây cảm giác sợ hãi, không làm người đọc rợn người. Cái bảng lảng trong Liêu Trai chỉ gây tò mò, khiến người ta muốn đi tiếp, muốn sống cùng nó. Hai thế giới mộng và thực pha trộn vào nhau.

Cái tài tình của Bồ tiên sinh là ở đó.

Có lẽ, so với vài danh tác của Trung quốc như Tam quốc chí, Tây du ký, Thủy hử, Liêu Trai được nhiều tác giả Việt Nam dịch nhất. Kể sơ qua vài tên: Huỳnh Tịnh Của, trong Chuyện giải buồn, cuốn 1, 1886 (bản in lần 2) và cuốn 2, 1987 (bản in lần 2) đã dịch một số truyện như là Trương Thành, Đạo Bạch Liên, Thầy đạo sĩ ở núi Lao sơn, Thi Thành Hoàng, Chịu án oan, Chuột cống, Quân mồ hóng, Trương Bất Lượng, Tuyết xuống mùa hạ...Trong vài truyện, ông (Huỳnh) còn ghi rõ Sách Dị sử bàn rằng (Dị sử thị là bút hiệu của Bồ Tùng Linh).

(Như vậy so với bản dịch sớm nhất sang Anh ngữ của Herbert Allen Gilles từ 1880, thì bản dịch của Huỳnh Tịnh Của là đồng thời, Chuyện giải buồn in lần đầu năm 1880).

Từ 1901, trong báo Nông Cổ Mín Đàm là bản dịch của Nguyễn Chánh Sắc, Lương Dũ Thúc, Lương Hòa Quý; thời tiền chiến có Tản Đà, Nhượng Tống, Đào Trinh Nhất. Gần đây là Cao Tự Thanh, Nguyễn Đức Lân, Nguyễn Huệ Chi, Cao Xuân Huy, Đàm Quang Hưng.... Cả dịch giả nữ như Trần Thị Băng Châu. Những năm 1958-60, trên tạp chí Bách Khoa, có dịch giả Kiều Yiêu, dịch khoảng mười mấy truyện, đăng rải rác trên nhiều số.

Và nhiều người khác nữa chỉ dịch một vài truyện.

Theo lời toà soạn tạp chí Bách Khoa, Liêu Trai là một trong các danh tác Trung hoa khó dịch nhất.

Trích:

Bởi lẽ trong các tiểu thuyết danh tiếng của Trung hoa, có lẽ Liêu trai là khó hiểu hơn hết, lại bởi ngoài cái giá trị văn chương, còn thêm cái giá trị cách mạng; và bởi lẽ bạn Kiều Yiêu đã thất vọng với một Tản Đà già giặn, một Quán Chi khiêm tốn, với một Nhượng Tống tài hoa, lúc ba bậc đàn anh này dịch Liêu trai chí dị. Văn của Bồ Tùng Linh gãy gọn quá, mà đặc tính này đã xui nên bao sự hiểu lầm cho người đọc ngoại quốc, trong đó có ba nhà văn mà chúng tôi vừa kể.

 

Nhân vật chính thường là hồ, hay hồ ly. Để cho thêm phần kinh dị, có người thêm, hồ ly tinh.

Hồ là kí rì vậy??? (kí rì >đí gì không phải là cách nói bông phèng, nó chính là cách nói của ông bà ta xưa, do Alexandre de Rhodes ghi lại trong bộ tự điển Việt Bồ La lừng danh).

“Đí gì, chẳng có đí gì sốt”. Từ thế kỷ 17, đã ghi nhận thế rồi, tức là đã nói như thế từ rất lâu.

(Dictionarium Annamaticum Lusitanum et Latinum, Alexandro de Rhodes, Roma, 1651, mục từ G: gì, đí gì, sự gì, đều gì. Tr. 269, 270)

Trong vài truyện, Bồ tiên sinh hé cho ta biết ấy là... hồ, tức là chồn hay cáo. Một con vật thường được gán cho tính cách khôn ranh, quỷ quyệt. Như tập truyện Con Chồn tinh quái của nhà văn nữ Linh Bảo kể lại.

Giả Phụng Trì, tranh minh họa Liêu trai có vẽ hồ (wikipedia)

Và hồ trong Liêu Trai, luôn là nhân vật gần giống thần tiên. Phép thuật, biến hoá tài tình, đoán trước mọi sự, liệu việc như thần. Tám phần là hồ lành, thiện. Chỉ hai phần là hồ ác.

Cũng như vậy, tám phần hồ là nữ. Hai phần là nam.

Mà hồ, khi là nữ, cũng lấy chồng là người thật. Chỉ là không bền thôi.

Chỉ tiên nữ, hay ma, nặng nợ trần gian, hoá người thật, nhờ một pháp lạ nào đó, mới sinh con đẻ cái.

Bồ tiên sinh, từ dạo ấy, đã biết rõ quy luật của y học, sinh học nhỉ!!! (tiên hay ma là dạng người chuyển kiếp, chồn hay hồ khác giống)

Xuyên suốt tất cả Liêu Trai, là ảnh hưởng Đạo giáo tràn ngập. Luôn có tiên thánh, đạo cô, đạo sĩ. Luôn có phép thuật, bùa chú ở mọi nơi, mọi lúc. Cả Bạch Liên giáo, một giáo phái có thật thời Minh, Thanh, cũng được hiện diện trong một số truyện. Thời mà Đạo giáo ảnh hưởng rất mạnh đến mọi mặt xã hội. Rất ít truyện nhắc đến Phật giáo.

Nhưng Phật giáo lại bàng bạc ở Liêu Trai. Nhiều truyện nhắc đến chuyện họa phúc, nói đến quả báo kiếp này là duyên do từ kiếp trước, đời trước.

Lão tử, Trang tử, những vị tổ sư của Đạo giáo không nói gì đến đến nhân quả, họa phúc. Vì đó là triết lý của nhà Phật.

Ngày nay, người ta cho rằng Bồ Tùng Linh, phê phán chuyện quan lại hủ bại, triều đình thối nát, thi cử oan khốc. Nhưng trong nhiều truyện, lại chỉ thấy cái ước vọng thi đỗ, ra làm quan, đem vinh dự cho tổ tiên, dòng họ.

Vì Bồ tiên sinh, chỉ đỗ một kỳ thi nhỏ lúc còn trẻ, không đủ để lên kinh, gia nhập cái vòng lẩn quẩn, mà ông mạt sát hết lời.

Chí dị thư thành cộng tiếu chi
Bố bào tiêu sách mấn như ti
Thập niên phả đắc Hoàng châu ý
Lãnh vũ hàn đăng tự thoại thi

 

(Bài họa của Bồ Tùng Linh)

Sách quỷ làm xong, cả tiếng cười,
Tóc tai trắng xóa, áo mành tơi.
Mười năm thấm ý lời Châu ngọc.
Mưa lạnh, đèn tàn, kể thế thôi.

Lạ thay. Nhạc sĩ Vũ Thành An đã phổ lời bài họa này thành phần đầu bài hát “Bài Không Tên Số 7”:

Một làn khói trắng
Ru đời vào quên lãng
Nâng sầu thành hơi ấm
Hơ dịu tình đau

Ngày tàn im lắng
Yêu người làm tóc trắng
Tâm sự rồi đến đắng
Như lệ giờ biết nhau

 

 

Dưới đây trích một số truyện do nhiều người dịch.

 

 

CHUYỆN VƯƠNG-THẬP

(Trích Chuyện Giải buồn, cuốn 1, Huỳnh Tịnh Của, 1886)

Tên Vương-thập là dân ở đất Cao-uyễn, đi vác muối lậu ban đê)m gặp hai người đi đàng, ngỡ là quân canh ở hản muối, lật đật quăng bao muối mà chạy ; chẳng dè cóng chơn muốn chạy mà chạy không đặng, liền bị hai người ấy bắt, năn nĩ xin tha. Hai người ấy nói : ta chẳng phải là người ở hản muối, vốn ta là quỉ. Thập sợ nói : có bắt thì cho tôi về nhà từ giã vợ con. Quỉ không cho, nói bắt mầy đây chẳng phải là bắt chết, chẳng qua là bắt đi làm xâu đở ít ngày mà thôi. Thập hỏi đi xâu việc gì ? Quỉ nói dưới đền Diêm-la, sông Nại-hà ứ lại, mười tám hầm phẩn tràn trề, cho nên phải bắt ba thứ người vét ; còn bắt mấy đứa ăn cắp vặt, mấy đứa đánh xỏ lá, cùng những đứa bán muối lậu để mà rửa nhà xí. Tên Thập đi theo quỉ vào thành, tới một cái đền thấy vua Diêm-la ngồi trên ngai mà tra bộ. Quỉ vào gỡi nói có bắt đặng một đứa buôn muối lậu tên là Vương-thập. Vua Diêm-la ngó Thập giận mà nói rằng : Hễ bán muối lậu thì trên trốn thuế vua, dưới sâu mọt dân, mới gọi là bán muối lậu ; chớ như những đứa các quan tham lam, hản buôn gian gião chỉ là đứa buôn lậu, cả thảy là dân lương thiện nghèo nàn, liều một hai đồng vốn kiếm một hai đồng lời, thì chẳng lẽ gọi là đứa buôn lậu. Khi ấy vua Diêm-la quở hai thằng quỉ, bắt phải mua bốn đấu muối, lại lấy bao muối tên Thập quăng dọc đàng đem để tại nhà tên Thập ; còn Tên Thập thì cầm ở lại, giao cho nó một cây hèo, dạy nó phải theo quỉ mà đốc việc vét sông. Quỉ dắc Thập tới bên sông Nại-hà, thấy người ta lúc nhúc dưới sông như giòi, còn nước thì thâm đen mà đục ngàu, lại gần thúi tha chịu không nổi. Những người vét sông thì trần truồng, cầm ki cầm mai, hụp lên hụp xuống dưới sông, hốt những thây ma xương mục, đầy ki trạc liền khiêng đội mà lên, chỗ sâu lút đầu cũng phải lặn ; có ai làm biếng thì Thập phải lấy hèo mà đánh. Các người đồng coi việc, đều ngậm một hoàn thuốc thơm, để mà chịu với mùi thúi. Xảy thấy có ông hản muối ở Cao-uyên cũng loi ngoi dưới sông, Thập cứ làm dữ với ông ấy, xuống sông thì đập lưng, lên bờ thì khẻ chơn ; ông ấy sợ cứ dưới hụp nước chừa có hai lổ mũi, Thập mới thôi đánh. Cách ba đêm ngày dân phu chết hết phân nữa, công việc vét sông cũng hoàn thành. Hai thằng quỉ trước mới đưa Thập về nhà, bèn hồi tỉnh mà sống lại. Duyên ngày trước tên Thập đi vác muối chưa về, sáng ngày vợ mở cữa, thì thấy có hai bao muối để tại nhà. Vợ đợi Thập lâu không thấy về, cho người đi kiếm, thì gặp Thập chết giữa đàng ; khiêng đem về nhà, Thập hãy còn một chút hơi thở, ai nấy đều lấy làm lạ không hiểu làm sao, đến khi Thập sống lại mới học các chuyện. Còn tên hản muối chết trong ba ngày trước, đến khi ấy cũng sống lại, mấy chỗ Thập đánh đều hóa ra ung độc lỡ lói thúi tha, không ai dám lại gần. Thập cố ý tới thăm, tên hản muối ấy ngó thấy Thập, cũng còn hơi sợ, thụt đầu vào mền, in như hồi còn ở dưới sông Nại-hà. Tên hản ấy đau một năm mới lành, không dám lảnh việc buôn muối nữa.

Sách Dị-sữ nói rằng : xét một vụ muối thuế, Triều đình gọi rằng lậu, chính là những người chẳng cứ nơi công ; còn quan tham ô cùng kẻ buôn xảo trá gọi rằng lậu, thì là những người chẳng cứ nơi tư.

 

Bản dịch của Cao Tự Thanh, phần lời bình của Dị Sử thị, dịch đầy đủ hơn:
“Dị Sử thị nói: Một chuyện buôn muối, triều đình gọi là “lậu” là không làm theo phép công, quan lại và thương nhân gọi là “lậu” là không theo lệ riêng của họ. Gần đây ta tới vùng Tề Lỗ (tỉnh Sơn Đông) tận mắt nhìn thấy, thì những người thầu buôn muối đặt vựa đều vạch ra khu vực buôn bán, không những dân trong hạt không được qua hạt khác mua mà ngay cả dân chợ này cũng không được qua chợ khác mua. Mà trong chợ còn đặt mồi nhử dân nơi khác tới mua, bán ở huyện khác thì rẻ mà bán cho dân trong huyện thì đắt. Lại còn đặt lính tuần ngăn bắt trên đường để người trong hạt không sao lọt lưới, nếu có người trong hạt giả mạo dân nơi khác tới mua thì không bắt tội. Cứ người bán nơi này nhử người mua nơi khác như vậy nên dân đen giả mạo là người nơi khác vượt cõi buôn bán càng nhiều. Nếu bị bắt thì trước hết là bị lính tuần đánh nát tay chân rồi giải lên quan, kế bị quan gông cùm giam nhốt, gọi là bọn buôn muối lậu. Than ôi oan thay! Trốn mấy vạn tiền thuế thì không phải là buôn lậu mà mang túi xách giỏ lại là buôn lậu, người nơi này mua ở nơi khác thì không phải là buôn lậu mà mua tại nơi mình ở lại là buôn lậu, oan lắm vậy? Luật buôn muối trong chợ rất nghiêm nhưng chỉ nghiêm với những lính khổ dân nghèo, lấy công làm lời mà thôi. Không cấm được nên nay không cấm gì nữa mà lại thành ra giết những lính khổ dân nghèo. Vả lại lính khổ dân nghèo vợ con nheo nhóc, người trên mà giữ phép không làm bậy thì kẻ dưới biết nhục không làm càn, chỉ bất đắc dĩ mới bỏ mười đồng vốn để mong được một đồng lời mà thôi. Nếu dân đều như thế thì ban đêm có thể không cần đóng cửa, chẳng phải là dân lương thiện trên đời sao! Kẻ thầu buôn muối kia không chỉ phải đào vét sông Nại Hà mà thôi đâu, còn phải bắt dọn cả hầm xí mới đáng tội. Mà quan thì lễ tết hàng năm đều nhận quà biếu của họ, nên đem pháp luật giúp họ giết dân lành, nếu tính cho người nghèo khổ thì quả không còn cách nào là buôn hàng lậu làm tiền giả. Kẻ cướp ăn cướp giữa ban ngày thì quan như điếc, bọn đúc tiền giả đúc tiền khói lửa mù trời thì quan như mù. Thế nhưng như ngày khác đào sông, giả như chưa tới những kẻ như Vương Thập mà số phu còn thiếu, thì quan giở pháp luật ra ngay đấy. Than ôi. Kẻ trên không nhân từ để cầm cân nảy mực mà cứ theo phép của bọn gian thương, càng ngày pháp luật càng nguy, thì còn trách gì hạng dân gian trá điêu ngoa ngày càng nhiều thêm mà loại dân hiền lành lương thiện ngày cứ chết dần! Trước đây trong huyện có người thầu buôn muối, hàng năm cứ đưa số tiền một ngàn thạch muối tới dâng cho quan huyện, gọi nhã là Tiền mua muối. Lại gặp những dịp lễ tết cũng biếu xén rất hậu, người thầu mà có việc vào gặp thì quan đối xử rất trân trọng, có khi trò chuyện, có khi mời trà. Nên người buôn lậu bị bắt giải tới thì quan trừng phạt rất nặng không hề nương tay. Năm ông Trương Thạch làm Tri huyện huyện Truy, người thầu tới gặp, cũng theo lệ cũ chỉ vái mà không lạy. Ông giận nói: “Quan trước nhận tiền của ngươi nên không thể không kính trọng ngươi, chứ ta mua muối chợ mà ăn, gã thầu buôn muối nhà ngươi là cái gì mà dám vào công đường không chịu làm lễ?” Bèn sai lột áo đánh cho một trận, người thầu dập đầu năn nỉ rối rít mới được tha. Sau trong chợ bắt được hai người buôn muối lậu, một người chạy thoát, một người bị giải tới quan. Ông hỏi hai người cùng đi buôn, người kia đâu rồi? Người buôn lậu đáp chạy mất rồi. Ông hỏi: “Chân ngươi đau không chạy được à?” Người kia đáp: “Thưa được chứ!” Ông nói: “Đã bị bắt là không chạy được, nếu đúng là được thì chạy thử xem có chạy được thật không?” Người kia chạy vài bước toan dừng, ông nói: “Chạy mau đừng dừng xem nào!” Người kia cắm đầu cắm cổ lao ra khỏi huyện đường chạy luôn, ai thấy cũng cười. Việc ông thương dân như vậy rất nhiều, đây chỉ là chuyện vặt, nhưng đến nay người trong huyện vẫn còn ca ngợi kể lại.

 

Đọc lời bình của Dị Sử thị, không thể không nhắc đến bài thơ nổi tiếng của Đỗ Phủ, Thạch Hào lại, mà bản dịch của Ngô Tất Tố đã lột tả thần tình nguyên tác:

Chiều hôm tới xóm Thạch hào,
Đương đêm có lính lao xao bắt người.
Vượt tường ông lão trốn rồi,
Cửa ngoài mụ vợ một hai mời chào.
Lính gầm mới dữ làm sao!
Mụ kêu như tỏ biết bao khổ tình.
Lẳng nghe lời mụ rành rành:
“Ba con đóng ở Nghiệp thành cả ba,
Một con mới nhắn về nhà,
Rằng: hai con đã làm ma chiến trường!
Kẻ còn vất vưởng đau thương,
Nói chi kẻ dưới suối vàng thêm đau!
Trong nhà nào có ai đâu?
Có thằng cháu nhỏ dưới bầu sữa hoi.
Cháu còn mẹ nó chăn nuôi,
Ra vào quần áo tả tơi có gì?
Thân già gân sức dù suy,
Cũng xin theo lính cùng về đêm nay,
Hà Dương tới đó sau này,
Cơm canh hầu bữa sớm ngày, còn trôi”
Đêm khuya tiếng nói im rồi,
Vẫn nghe nức nở tiếng người khóc thương.
Sáng mai khách bước lên đường,
Chỉ cùng ông lão bẻ bàng chia tay.

 

BA ÔNG TIÊN

Tản Đà dịch

 

Một người học trò đi vào thi ở Kim Lăng, đường qua huyện Túc Thiên, gặp ba ông đồ cùng nói chuyện rất khoáng đạt hơn chúng, bụng lấy làm thích lắm, mua rượu thết uống rồi cùng vui vẻ bày tỏ họ tên với nhau. Một người là Giới Thu Hành, một người là Thường Phong Lâm, một người là Ma Tông Từ. Rượu uống rất vui, trời tối lúc nào không biết. Giới nói: “Lê địa chủ chưa có gì, mà đã được hậu đãi như thế thực không yên. Vậy chỗ nhà tranh không xa đây, xin tiện mời được quá bộ tạm nghỉ”. Thường và Ma đứng dậy lôi áo gọi đầy tớ cùng nhau mời cùng đi. Đến chỗ núi phía bắc làng, chợt thấy có nhà cửa, có dòng nước chảy quanh, phong cảnh thực đáng yêu. Vào rồi thấy trong nhà sạch sẽ, gọi đầy tớ đốt đèn lại sai cho đứa đi hầu được yên nghỉ. Ma nói: “Từ trước ta vẫn chơi với nhau bằng văn chương, nay ngày thi đã đến nơi, không nên bỏ uổng phí đêm tối, xin gnhĩ bốn đầu bài, cho ai nấy tự bói chọn lấy một, văn làm xong hãy cùng uống rượu:” Chúng đều theo, mỗi người viết một đầu bài, viết để ra trên kỷ, ai nhặt được bài nào, đến chỗ làm riêng nghĩ ngồi làm. Chưa hết canh hai, mọi người đều xong cả bản ráp, rồi cùng đưa lẫn cho nhau xem. Ông đồ đọc ba bài làm rất là khen hay, chép bản thảo mà cất đi. Chủ nhân đem rượu ra kính khách, chén lớn uống ngụm to, đều say cả. Khách đứng dậy xin thôi, chủ nhân bèn đưa khách đến một chỗ mà ngủ. Trong lúc say không cởi giày nữa, mặc cả áo ngủ liền, tỉnh dậy thấy mặc trời đã lên cao, nhìn bốn xung quanh không có nhà cửa gì chỉ hai thầy trò nằm với nhau chổ hang núi. Sợ quá gọi đầy tớ dậy nốt, thấy ở cạnh có một cái động, như nước rót chảy ra, tự ngờ hay là mê chăng. Nhìn vào trong bọc, thời ba bài văn làm cũng còn cả. Xuống núi hỏi những người ở gần đó, mới biết chỗ ấy gọi là động ba vị tiên, vì trong động có ba con cua, rắn và ễnh ương rất thiêng, thời thường vẫn ngồi chơi người ta trông thấy cả. Sau rồi ông đồ vào trường thi, được ba bài đều trúng cả với ba bài tiên làm cho, thành thử được đỗ đầu.

TẢN ĐÀ dịch

Học tài thi phận à?

Bạc đầu với mớ cổ văn, thuộc làu làu bao nhiêu kinh sách chẳng bằng một đêm uống rượu với tiên trá hình, chép lại bài của mấy thí sinh lạc đệ tràn lan ngoài đồng, cua rắn ễnh ương, là đậu ngay thôi.

Tản Đà chọn dịch bài này để mỉa mai phận mình chăng? Chữ nghĩa đầy bồ, văn chương một bụng, chẳng bằng vào trường thi nhờ người chép cho bài văn ma quỷ đọc dùm là qua ngay thi hương, thi hội.

 

 

LÃO HÀO

Cao Tự Thanh dịch

 

Hình Đức người Trạch Châu (huyện Tấn Thành tỉnh Sơn Tây) là tay kiệt hiệt trong bọn lục lâm, có thể phát tên liên tiếp nhiều mũi, nổi tiếng là tuyệt kỹ, bình sinh phóng khoáng không để ý tới chuyện kiếm tiền, ra cửa mới nhìn lại túi. Các nhà buôn lớn ở hai kinh* đều thích đi chung với Hình vì dọc đường chắc chắn sẽ được yên ổn. Gặp lúc đầu mùa đông, có hai ba người khách buôn tới vay ít tiền rồi rủ Hình cùng đi, Hình cũng dốc túi góp vốn với họ. Bạn Hình có người bói giỏi, Hình tới hỏi, người bạn gieo quẻ rồi nói “Quẻ này rất xấu, làm gì cũng không những không có lời mà còn cụt vốn”. Hình không vui, đã định thôi không đi nữa nhưng mấy người khách cứ ép lên đường ngay. 

*Hai kinh: tức Trường An và Lạc Dương, hai trung tâm chính trị và kinh tế ở Trung Quốc thời cổ. 

Tới kinh quả nhiên buôn bán thua lỗ, giữa tháng chạp Hình cưỡi ngựa rời kinh, tự nghĩ qua năm mới không có tiền, càng thêm phiền muộn. Lúc ấy là buổi sáng, hơi mù ngập đồng, Hình phóng nhanh tới một quán rượu cạnh đường, cởi hành lý gọi rượu. Thấy một ông già tóc bạc trắng ngồi cùng hai thiếu niên uống rượu chỗ của sổ phía bắc, có một đứa tiểu đồng đứng hầu, tóc xõa rối tung. Hình ngồi bàn phía nam, đối diện với ông già. Đứa tiểu đồng bưng rượu lỡ tay làm đổ mâm vấy cả thức ăn vào áo ông già, một thiếu niên tức giận đứng dậy kéo tai nó rồi lấy khăn lau áo cho ông già. Kế lại thấy trên cổ tay đứa tiểu đồng có đeo một chuỗi đạn sắt dày khoảng nửa tấc, mỗi viên nặng khoảng hơn hai lượng. Ăn uống xong ông già bảo thiếu niên lấy bọc tiền trong túi da đổ ra trên bàn, tính toán trả tiền xong còn đủ uống thêm mấy chén nữa, bèn cất trở vào. 

Thiếu niên dắt một con ngựa đen buộc dưới tàu ra, đỡ ông già lên, đứa tiểu đồng cũng nhảy lên ngựa đi theo. Hai thiếu niên thì đều đeo cung tên trên lưng, thúc ngựa cùng ra. Hình nhìn trộm thấy họ có nhiều tiền, lại đang lúc túng quẫn, máu tham nổi lên vội trả tiền đuổi theo, thấy ông già và đứa tiểu đồng đang thủng thỉnh phía trước bèn rẽ xuống đường tắt phóng ngựa vòng lên chặn trước ông già, kéo căng dây cung chĩa thẳng tên trợn mắt hăm dọa. Ông già cúi xuống tháo chiếc giày bên chân trái ra cười khẽ nói “Người không biết lão cướp già này à?”. Hình bắn thử một phát, ông già ngã người trên yên ngựa giơ chân lên lấy hai ngón cặp mũi tên rồi cười nói “Tài nghề chỉ có bấy nhiêu thì chưa đáng là địch thủ của cha ngươi đâu”. Hình nổi giận giở tuyệt kỹ ra, mũi trước vừa phát đi, mũi sau lại xé gió bay tới. Ông già vươn tay chụp được mũi trước nhưng dường như không đề phòng tên liên châu nên bị mũi sau bắn trúng miệng ngã lăn xuống ngựa, miệng ngậm tên, mắt trợn ngược, đứa tiểu đồng cũng vội xuống ngựa. 

Hình mừng rỡ cho là ông ta đã chết bèn phóng tới gần, ông già phun mũi tên ra nhảy choàng dậy vỗ tay nói “Sao vừa gặp nhau đã giở độc thủ ra thế?”. Hình cả kinh, con ngựa cũng giật mình phóng đi, vì thế biết ông già là người lạ, không dám quay lại nữa. Đi được ba bốn mươi dặm thấy có một bọn gia nhân nhà quan chở đồ đạc về kinh, Hình đánh cướp luôn, tính ra được khoảng hơn ngàn vàng, lại bắt đầu hăng hái. Đang lúc phóng nhanh chợt nghe phía sau có tiếng vó ngựa, ngoảnh nhìn thì thấy đứa tiểu đồng đã thay con ngựa khác đuổi tới như bay, quát lớn “Thằng kia đừng chạy, số hàng vừa cướp được phải chia đôi”. Hình hỏi “Ngươi có biết Liên châu tiễn Hình mỗ không?”, nó đáp “Ta vừa được lãnh giáo rồi”. 

Hình nhìn bộ dạng nó không có gì là khỏe mạnh, lại không thấy có cung tên nên xem thường, phát luôn ba mũi tên liên châu nối nhau không dứt như bầy chim ào ạt bay ra. Đứa tiểu đồng không hề hoang mang, giơ tay bắt hai mũi, há miệng cắn một mũi rồi cười nói “Tài nghề như thế thì nhục nhã thật, cha ngươi đi gấp quá không kịp mang cung, vật này vô dụng, xin trả lại ngay”, rồi rút chuỗi đạn sắt trên tay xỏ vào mũi tên lấy hết sức phóng trả. Mũi tên rít gió bay tới, Hình vội lấy dây cung gạt ra, vừa chạm vào chuỗi đạn sắt thì phựt một tiếng, dây cung đứt đôi, cánh cung cũng bị sứt một mảnh. 

Hình khiếp đảm, chưa kịp bỏ chạy thì mũi kế lại lướt qua mang tai, bất giác ngã ngựa. Đứa tiểu đồng xuống ngựa tới túm lấy, Hình nằm dưới đất lấy cánh cung đánh trả. Đứa tiểu đồng tức giận giật cung bẻ làm đôi, lại chập đôi bẻ làm tư ném đi, rồi một tay nắm hai tay, một chân đạp lên hai đùi Hình, tay nắm chặt như dây trói, chân đạp nặng như đá đè, Hình hết sức vùng vẫy mà không sao nhúc nhích được. Trên lưng Hình có thắt sợi dây lưng dày hai lớp, rộng bằng ba ngón tay, đứa tiểu đồng lấy một tay giật ra, sợi dây theo tay đứt tả tơi như tro. Lấy hết tiền của Hình xong, nó nhảy lên ngựa giơ tay một cái, một tràng vó ngựa vừa vang lên thì người đã mất hút. Hình về tới nhà, sau đó trở nên lương thiện, thường kể lại cho người ta nghe chuyện ấy không hề lấy làm xấu hổ. Chuyện này cũng phảng phất như chuyện Lưu Đông Sơn*. 

*Chuyện Lưu Đông Sơn: chưa rõ nội dung, nhưng bản Hương Cảng chú là chép trong Cửu thược tập của Tống ấu Thanh. 

(Cao Tự Thanh dịch)

 

Cao nhân tắc hữu cao nhân trị, là thế. Núi cao còn có núi cao hơn.

“Có tài mà cậy chi tài,

Chữ Tài liền với chữ Tai một vần

Ðã mang lấy Nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài“.

 

Cụ Nguyễn Tiên Điền phê bình nhân vật Liêu Trai này thật là không trượt chỗ nào.

 

 

(Bách Khoa, số 33, ngày 15.5.1958)

Khi tạp chí Bách Khoa khởi đăng một số truyện Liêu trai, tòa soạn báo đăng lời giới thiệu về truyện và dịch giả:

Nhắc đến cổ giai phẩm Trung hoa, dù có thiên về mấy bộ Tam quốc, Tây sương, mà xưa nay ai đã đành quên Tình sử? Mà đã nhớ Tình sử thì ai nỡ nào quên được Liêu trai?

...chúng tôi đã nhờ một bạn đã từng để hai mươi năm học hỏi Hán, Pháp, Anh, Thế giới ngữ , là bạn Kiêu Yiêu đã nhận lời và đã... khổ sở.

Bởi lẽ trong các tiểu thuyết danh tiếng của Trung hoa, có lẽ Liêu trai là khó hiểu hơn hết, lại bởi ngoài cái giá trị văn chương, còn thêm cái giá trị cách mạng; và bởi lẽ bạn Kiều Yiêu đã thất vọng với một Tản Đà già giặn, một Quán Chi khiêm tốn, với một Nhượng Tống tài hoa, lúc ba bậc đàn anh này dịch Liêu trai chí dị. Văn của Bồ Tùng Linh gãy gọn quá, mà đặc tính này đã xui nên bao sự hiểu lầm cho người đọc ngoại quốc, trong đó có ba nhà văn mà chúng tôi vừa kể.

Cho nên mấy truyện dịch của bạn Kiều Yiêu đành phải hơi nhiều lời, quá tân thời, quá rành rọt. Điều này làm cho bạn chưa vừa lòng trọn vẹn.

Đồng ý rằng người độc giả chân chính muôn thuở và muôn nơi bao giờ cũng “muốn làm sao nước chảy dưới vòm còn giữ được ít nhiều cái hương vị tinh ròng lúc nó còn ở trên nguồn tuôn ra”, bạn đang cố dịch những chuyện kể sao cho vừa gọn gãy, vừa giữ một ngữ khí cổ kính gần như nguyên văn, sao cho súc tích hơn, chập chờn mộng huyễn hơn.

Còn giờ, mời những bạn nào đã chán ngán chuyện “người” hãy cùng ai trước đèn, thơ thẩn mà nghe ma to nhỏ.

L.T.S.

 

Khi chọn để cải tác ba chuyện Liêu trai: Tiểu Tạ, Thúc Chức và Thư Si mà cho vào quyển “Trung quốc trứ danh tiểu thuyết tuyển”  (Famous Chinese short stories) do The John Day Company, New York, xuất bản năm 1948, nhà văn Lâm Ngữ Đàng (Lin Yutang), có viết cho độc giả Anh Mỹ lời giới thiệu cho tác phẩm của Bồ Tùng Linh (P’u Sungling) như thế này:

“Trong số hơn 450  ngoài chuyện Liêu trai, có chừng một phần ba đã được giáo sư Herbert A. Gilles dịch ra Anh văn, dưới tiêu đề “Strange Stories from a Chinese studio” , tiếc rằng có vài chuyện vào bực hay nhất lại không được tuyển vào đó. Bạn đọc nào thấy thích, có thể tìm đọc Ngựa trong tranh và Cô ả hay cười (2) trong bản dịch ấy.

Trong bản Liêu trai do Lữu Hũ Chi biên tuyển, Quảng Trí thư cục, Hương Cảng xuất bản, Ngựa trong tranh được vinh dự đặt đầu tiên trong số 112 chuyện chọn lọc.

Mặc dù ngắn (nguyên văn chỉ có 301 chữ), nhưng Ngựa trong tranh, ngoài cái thú vị ưu nhã do chân giá nghệ thuật của nó gây nên, còn gợi thêm một  thú vị bất thường khác, là giúp ta hiểu được phần nào thái độ phê bình của giới trí thức Trung Quốc, hay nói đúng hơn là của vài người trí thức Trung Quốc, nhiễn đậm văn hóa Âu Mỹ, đối với các chuyện ngắn của Bồ Tùng Linh.

Dịch giả

Trên là lời giới thiệu của Bách Khoa

 

NGỰA TRONG TRANH (HỌA MÃ)

Kiều Yiêu dịch

 

Chàng họ Thôi, ở huyện Lâm Thanh (thuộc tỉnh Sơn Đông) nhà nghèo khó, đến nỗi bức tường thấp vâu quanh nhà đã đổ nát, mà cũng không tiền sửa sang lại.

Mỗi sáng tinh sương thức dậy, đều trông thấy một con ngựa trên bãi cỏ ướt sương, mình đen mượt có vài đốm trắng, lạ một điều là lông đuôi chẳng mấy gì đầy đủ, dường như bị lửa đốt cụt. Đuổi đi, tối lại dẫn xác trở lại, chẳng biết từ đâu đến.

Chàng Thôi có người bạn tri kỷ, làm quan ở Thái nguyên (3), bao phen muốn đi thăm, khốn nỗi không lừa không ngựa. Bèn ra bắt con ngựa kia, buộc cương, rồi cưỡi đi, dặn người nhà: “Như có ai lại tìm ngựa, hãy sang Tần cho hay.”

Một khi đã lên đường, ngựa phi vùn vụt, chớp mắt là chạy được trăm dặm. Tối đến, không ăn cỏ, ăn đậu cho lắm, tưởng chừng mắc bệnh gì. Hôm sau siết chặt hàm thiếc, không cho tế nước đại nữa. Nhưng ngựa dậm chân, hí vang, sùi bọt mép, hung hăng như bữa trước, đành phải nới cương mặc sức. Đúng ngọ là đến Thái Nguyên.

Lúc cưỡi vào chợ, thiên hạ bu lại xem, không ai là chẳng trầm trồ, khen ngợi. Tần vương nghe tiếng đồn, tự ra giá thật cao, định mua cho được. Thôi những sợ nguyên chủ truy tầm, nên chẳng dám bán.

Đợi nửa năm trời, tin nhà vắng bặt, bèn chịu giá tám trăm lượng bạc, bán cho vương phủ. Còn mình thi mua một con la vạm vỡ mà về.

Sau đó ít lâu, Tần vương vì chuyện gấp, sai Hiệu úy cưỡi ngựa ấy đi Lâm Thanh. Ngựa bỗng vụt chạy thoát, đuổi theo đến một nhà phụ cận, ở phía đông nhà Thôi. Bước vào cửa, không thấy đâu nữa cả, mới gạn hỏi chủ nhà. Ông chủ họ Tăng, thưa thật là tuyệt nhiên chẳng thấy.

Đến lúc vào phòng trong, thấy trên vách treo một bức tranh ngựa của Triệu Tử Ngang (4). Trong đó có một con ngựa sắc lông giống hệt con ngựa vừa biến mất, chót đuôi bị ngọn nhang đốt cháy. Bấy giờ mới vỡ lẽ ngựa kia chính là ngựa vẽ thành tinh.

Viên Hiệu úy thấy sự tình khó mà bẩm lại cho Tần Vương tin thật, bèn thưa ông Tằng lên quan. Lúc ấy Thôi đã nhờ được món tiền bán ngựa, mở hiệu buôn giàu có bạc vạn, tự nguyện đem cho ông Tăng mượn đủ số tiền bồi thường cho viên Hiệu úy, rồi đi. Ông Tăng rất cảm kích, chớ đâu dè người ơn kia chính là kẻ bán ngựa năm xưa.

(1) Trong bản dịch Liêu trai chí dị xuất bản năm 1959, ông Nguyễn Hoạt, có lời bổ chú ở trương 23, “Riêng bản dịch bằng Anh văn do bà Pearl Buck dịch, là một nữ sĩ Mỹ nổi tiếng trên văn đàn thế giới, đã từng sống lâu năm ở Trung Quốc”. Thực ra, nữ sĩ Pearl Buck chỉ có dịch “Thủy hử truyện” dưới tiêu đề “All men are brothers”  (Shui hu chuuah), do Methuen & Co. London, xuất bản năm 1933 (1280 trương).

(2) Tức là chuyện Anh Ninh, mà bạn đọc Bách Khoa, có thể thưởng thức qua bổn dịch của Tản Đà (trương 103, quyển thượng), của Nguyễn Văn Thi (trương 154) và của Đào Trinh Nhất (tr. 441).

(3) Thái Nguyên; tỉnh hội tỉnh Sơn Tây, tỉnh nầy còn gọi tắt là Tấn.

(4) Triệu Mạnh Phủ, tự là Tử Ngang, hiệu là Tùng Tuyết đạo nhân, danh họa đời Nguyên, giỏi về sơn thủy và vẽ ngựa, lại nổi tiếng về thư pháp. Thuộc dòng tông thất nhà Tống, sau hợp tác với nhà Nguyên. Dưới triều vua Nhân Tông, ông làm quan đến chức Hàn lâm học sĩ thừa chi. Tài văn chương kinh tế vượt hẳn người đồng thời, lại thông Phật giáo, Lão giáo. Tuy có để lại ba tác phẩm, Thượng thư chú, Cầm nguyên và Tùng Tuyết thi tập, nhưng lưu danh hậu thế là nhờ tài vẽ (1254-1322).

Tiện đây xin mách, bạn đọc Bách Khoa có thể tìm thấy bản in lại có màu (reproduction en couleurs), một bức tranh của Triệu Mạnh Phủ, chú âm theo Pháp là Tchao Meng-Fou, nhan đề bằng Pháp văn là, Le Poète Tao Yuan-Ming dans la montagne (thi nhân Đào Uyên Minh đi chơi núi) trong quyển L’Art de l’Etrême-Orient, của René Greuseste, do Librairie Plon xuất bản, năm 1936.

(Kiều Yiêu dịch, Bách Khoa số 81, ngày 15.5.1960)

 

 

Trích thêm bản dịch sang Anh ngữ của Herbert Gilles, người có lẽ dịch Liêu trai sớm nhất giới thiệu với độc giả Tây phương,  truyện mà Bách Khoa giới thiệu rất nồng nhiệt ở trên.

 

THE PICTURE HORSE.

A certain Mr. Ts‘ui, of Lin-ch‘ing, was too poor to keep his garden walls in repair, and used often to find a strange horse lying down on the grass inside. It was a black horse marked with white, and having a scrubby tail, which looked as if the end had been burnt off; and, though always driven away, would still return to the same spot. Now Mr. Ts‘ui had a friend, who was holding an appointment in Shansi; and though he had frequently felt desirous of paying him a visit, he had no means of travelling so far. Accordingly, he one day caught the strange horse and, putting a saddle on its back, rode away, telling his servant that if the owner of the horse should appear, he was to inform him where the animal was to be found. The horse started off at a very rapid pace, and, in a short time, they were thirty or forty miles from home; but at night it did not seem to care for its food, so the next day Mr. Ts‘ui, who thought perhaps illness might be the cause, held the horse in, and would not let it gallop so fast. However, the animal did not seem to approve of this, and kicked and foamed until at length Mr. Ts‘ui let it go at the same old pace; and by mid-day he had reached his destination. As he rode into the town, the people were astonished to hear of the marvellous journey just accomplished, and the Prince sent to say he should like to buy the horse. Mr. Ts‘ui, fearing that the real owner might come forward, was compelled to refuse this offer; but when, after six months had elapsed, no inquiries had been made, he agreed to accept eight hundred ounces of silver, and handed over the horse to the Prince. He then bought himself a good mule, and returned home. Subsequently, the Prince had occasion to use the horse for some important business at Lin-ch‘ing; and when there it took the opportunity to run away. The officer in charge pursued it right up to the house of a Mr. Tsêng, who lived next door to Mr. Ts‘ui, and saw it run in and disappear. Thereupon he called upon Mr. Tsêng to restore it to him; and, on the latter declaring he had never even seen the animal, the officer walked into his private apartments, where he found, hanging on the wall, a picture of a horse, by Tzŭ-ang, exactly like the one he was in search of, and with part of the tail burnt away by a joss-stick. It was now clear that the Prince’s horse was a supernatural creature; but the officer, being afraid to go back without it, would have prosecuted Mr. Tsêng, had not Ts‘ui, whose eight hundred ounces of silver had since increased to something like ten thousand, stepped in and paid back the original purchase-money. Mr. Tsêng was exceedingly grateful to him for this act of kindness, ignorant, as he was, of the previous sale of the horse by Ts‘ui to the Prince.

(Trích The Strange stories from a Chinese studio, Herbert Gilles, London, 1880)

 

PHIÊN PHIÊN (Mặc áo lá cây)

Đào Trinh Nhất dịch

 

La Tử Phù người Phân Châu, cha mẹ đều mất sớm, hồi tám chín tuổi ở nhà chú là Đại Nghiệp nuôi.
Ông này làm quan ở Quốc Tử Giám, nhà giàu mà không có con, cho nên thương yêu La như con ruột vậy. Lúc chàng mười bốn tuổi, bị kẻ gian dụ dỗ đi chơi gái. Vừa gặp một ả lầu xanh ở Kim Lăng đến quận này ở trọ kiếm tiền, La trông thấy say mê. Sau ả trở về Kim Lăng, chàng bỏ nhà chú mà trốn đi theo, đêm ngày ăn ở nhà ả.
Được nửa năm, tiền túi hết sạch, bị các chị em khỉnh rẻ lạnh lùng, nhưng chưa nỡ tống cổ đi. Không bao lâu, ung nhọt bể mủ, thối tha, làm thấm ướt dơ dáy cả giường chiếu, chàng bị chị em lầu xanh đuổi ra khỏi nhà, phải ra ngoài chợ ăn xin. Người chợ trông thấy vội vàng xa lánh.
Chàng lo sợ chết mất xác ở quê người, nên quyết kế xin ăn dọc đường, lần mò trở về quê quán. Mỗi ngày đi ba bốn chục dặm, lần hồi về đến ranh giới Phân Châu.
Nhưng lại nghĩ mình rách rưới hôi thối, không mặt mũi nào về làng xóm mình, còn thơ thẩn ở quanh miền chưa dám về nhà vội.

Trời tối, định bụng đến ngủ nhờ một ngôi chùa trên núi, nửa đường lại gặp một thiếu nữ, dung mạo như tiên, tới gần hỏi chàng đi đâu? Chàng kể tình thật. Nàng nói:
- Tôi xuất gia tu hành, ở trong hang núi, có thừa chỗ trải chiếu cho anh ngủ nhờ, không sợ gì beo cọp đâu.
Chàng mừng rỡ, theo đi, vào tận núi sâu, thấy một hang động. Bước vào bên trong, thấy cửa bắt ngang khe suối; đi mấy bước, có hai căn nhà đá, ánh sáng chói lọi, không cần đèn đuốc. Nàng bảo cởi áo rách, ra khe suối tắm thì khỏi mụn nhọt. Lại kéo màn quét chiếu, giục chàng đi nằm.
- Anh đi ngủ cho khoẻ, tôi may áo quần cho.
Đoạn, nàng lấy mấy tàu lá to như lá chuối, cắt và may thành áo. Chàng nằm liếc mắt dòm, thấy nàng may chốc lát đã xong, xếp để trên giường, nói:
- Sáng thức dậy, lấy áo mới đó mà mặc!
Rồi nàng nằm giường đối nhau mà ngủ.
Sau khi chàng ra khe suối tắm rửa sạch sẽ nghe những vết thương không đau đớn gì nữa. Chàng tỉnh ngủ rờ xem, thì mụn đã lên da. Trời sáng sắp dậy lòng còn ngờ vực lá chuối may áo thì mặc sao đặng, nhưng cầm tay nhìn kĩ, té ra gấm xanh cực đẹp.
Một lúc sau, dọn cơm, nàng hái lá gì trên núi chẳng rõ, nói là bánh và bảo chàng ăn: chàng ăn quả thật là bánh. Nàng lại cắt lá thành hình gà với cá, đem ra mổ, đều như vật sống. Một cái lọ để góc nhà, bảo là rượu ngon, múc uống, quả thật rượu. Múc hơi cạn thì lấy nước suối đổ thêm vào.
Mấy hôm ghẻ lở khỏi hẳn, đòi nằm ngủ chung với nàng. Nàng tức cười và nói:
- Thằng cha bợm bãi này mới vừa được yên thân, đã muốn nọ kia.
Chàng nói:
- Tôi muốn đền ơn cô mà!

Rồi hai người nằm chung, hết sức ân ái.
Một hôm, có một thiếu phụ đến, cười nói:
- Con ranh Phiên Phiên độ này vui sướng quá ta! Liệu bao giờ có mang đấy, em?
Phiên Phiên mơn trớn nói:
- A, cô Hoa Thành hèn lâu không bước chân tới đây. Hôm nay bị gió tây nam thổi vù đến. Thế nào? Cậu bé đã ẵm đi chơi được chưa?
Hoa Thành đáp:
- Lại một con bé thì có.
- Sao Hoa cô không ẵm cháu lại chơi luôn thể?

- Nó vừa khóc rồi ngủ thít, chị mới đi được đấy.Hoa Thành nói đoạn ngồi xuống đòi đãi rượu uống chơi, lại day qua La sinh, bảo chàng đốt thứ hương tốt cho thơm. Chàng để ý dòm Hoa Thành độ hai mươi ba hay hai mươi bốn tuổi, tuy gái mấy con nhưng vẫn còn đẹp, trong ý ưa muốn lắm. Lúc gọt trái cây, lỡ đánh rớt xuống bàn, chàng vờ cúi xuống lượm, để thừa dịp rờ chân. Hoa Thành ngó lảng và cười như tuồng không hay biết gì cả.
Chàng đang vui sướng tâm thần, chợt thấy trong mình lạnh lẽo, ngó lại áo mình mặc, đã biến ra lá cây, trong trí hoảng sợ, phải ngồi lặng giây lát mới thấy nó biến trở lại gấm vóc như cũ. Lòng khấp khởi mừng thầm hai nàng không thấy.
Chén tạc chén thù chốc lát, chàng lại nổi chứng cũ, thừa lúc Phiên Phiên ngoảnh mặt chỗ khác, thò ngón tay gãi vào bàn tay mềm mại của Hoa Thành.
Hoa Thành cứ thản nhiên cười đùa, hình như không để ý. Nhưng áo quần chàng bỗng hiện nguyên hình lá cây, một lát mới biến trở lại. Từ đó chàng hổ thẹn ngồi nín khe, chẳng dám mơ tưởng xằng bậy nữa.
Bấy giờ Hoa Thành mới cười xoà, nói với Phiên Phiên:
- Anh chồng tí hon của dì nó thật không đứng đắn tí nào, ví bằng gặp phải vợ dữ, thì có lẽ hắn nhảy vọt lên tới mây xanh không chừng.
Phiên Phiên cũng cười mỉm:
- Thằng cha bạc tình nên để chết rét cho đáng kiếp.
Hai người cùng vỗ tay thích chí. Đoạn Hoa Thành đứng dậy nói:
- Thôi, phải đi! Con bé ngủ thức dậy khát sữa, e khóc tới đứt ruột mất.
Nàng cũng đứng dậy nói giỡn.
Sau khi Hoa Thành đi rồi, chàng nơm nớp lo sợ Phiên Phiên trách mắng về tội thấy gái như mèo thấy mỡ, nhưng may nàng làm lơ không nói gì, đối đãi y như bình thường.
Không bao lâu, thu mãn sang đông, sương sa lá rụng, nàng lo nhặt nhạnh những lá rơi, để dành làm đồ ngự hàn. Chừng day lại ngó chàng rét ngồi co ro, bèn ra ngoài cửa động, bốc lấy mây trắng làm bông gòn, may áo lót cho chàng mặc, thấy mềm nhuyễn mà nhẹ nhàng, lúc nào cũng ấm áp như bông mới tinh vậy.

Qua năm, nàng sinh hạ một con trai, cực xinh xắn thông minh, hàng ngày chàng ở trong động ẵm bồng nựng nịu con làm vui. Nhưng lòng thương nhớ quê hương muốn rủ nàng cùng về; nàng nói:
- Tôi không thể đi theo mình đặng. Nếu nhớ quê thì xin tự đi một mình, mặc tôi ở đây.
Nấn ná hai ba năm, thằng con lớn dần, chàng bèn định ước sui gia với Hoa Thành. Nhiều khi chàng ngỏ ý lo nghĩ đến ông chú già ở nhà, không ai chăm sóc, nàng nói:
- Ông chú, cố nhiên tuổi tác đã cao, nhưng nhờ trời phù hộ vẫn còn mạnh khoẻ, mình không phải lo. Thôi thì mình cố ở đây cho tới khi cưới vợ cho con rồi sự đi hay ở tuỳ mình quyết định.
Nàng ở trong động, lấy lá làm giấy viết chữ chép sách, dạy con học. Thằng nhỏ sáng dạ, chữ nào qua mắt cũng thuộc lòng ngay. Nàng nói:
- Thằng bé này có phúc to lắm, cứ thả cho nó lăn lộn vào cõi trần, chả lo gì không làm nên quan lớn.
Thấm thoát, nó được mười bốn tuổi. Hoa Thành tự đưa con gái đến nhà chồng. Con nhỏ mặt đẹp, dung nhan lộng lẫy như trên trời sa xuống. Hai vợ chồng La sinh và Phiên Phiên rất vui lòng. Cả nhà yến tiệc linh đình. Phiên Phiên gõ cây trâm làm nhịp mà hát:
Ta có con hiền,

Không chuộng quan sang.
Ta có dâu thảo,
Không chuộng bạc vàng.
Đêm nay sum vầy
Cả nhà vui vẻ
Mời chàng chén này,
Cầu chàng sức khoẻ!
Hoa Thành đi rồi, hai người cùng đôi vợ chồng mới cùng ở đối diện nhau trong hang đá. Con dâu hiếu thảo, chăm lo săn sóc hầu hạ mẹ chồng tối ngày ríu rít bên cạnh, vì đó Phiên Phiên thương yêu như con ruột.
Chàng lại bàn chuyện hồi hương, nàng biết thế không cầm giữ được nữa, đành thu xếp cho chồng đi.
- Mình có cốt tục, chung quy không sao thành tiên đặng, thôi thì mình đi. Thằng con chúng ta cũng là người trong làng phú quý, vậy mình nên đem con về theo, tôi không muốn cầm giữ để lỡ mất cuộc vinh hoa một đời của nó.
Con dâu đang suy nghĩ làm thế nào gặp mẹ để từ giã, thì Hoa Thành đã tới nơi. Con khóc lóc bịn rịn, hai bà mẹ cùng yên ủi:
- Con hãy tạm đi, sau sẽ có dịp trở lại.
Phiên Phiên cắt lá thành hình con lừa, cho ba người cưỡi mà đi.
Lúc này ông chú ruột La sinh già nua, đã cáo quan về nhà, trong trí tin tưởng bề nào thằng cháu cũng chết bỏ xác đâu rồi; nay bỗng thấy cháu lù lù trở về, lại có cả con trai con dâu cùng theo, ông cụ hết sức vui mừng như bắt được của báu vậy.
Khi ba cha con vào đến trong nhà, ngó lại áo mặc, đều thành lá chuối, xé ra, may lót bên trong ngùn ngụt bay lên không. Ông chú đưa quần áo thật cho ba cha con thay đổi.
Sau chàng thương nhớ Phiên Phiên, dắt con đi vào núi thăm, chỉ thấy lá vàng lấp ngõ, cửa động mây phong, cùng nhau ngậm ngùi trở về.

Đào Trinh Nhất dịch (còn có bút hiệu là Quán Chi, như Bách Khoa có nhắc đến ở trên)

Nhang nhác như chuyện Lưu Nguyễn nhập thiên thai

 

dừng nơi xóm cũ xóm hoang vu
đôi mái nhà tranh lòng núi thu
hỏi ai ai biết là ai nữa
mấy trăm năm mây nổi sương mù

con bướm trần sầu cất cánh bay
gửi đêm nay cho một quán say
cạn bầu rượu gặp bầu hư mộng
hình hài tan theo gợn gió mây .

(Phạm Thiên Thư – Ngày xưa Từ Thức)

 

 

 

HỒ GẢ CON

Nguyễn Huệ Chi dịch

 

Có một Thiên Quan họ Ân, người Lịch Thành thuở nhỏ, nhà nghèo, thường tỏ ra gan dạ. Trong ấp có khu nhà của một cố gia, rộng vài chục mẫu, lầu viện liền nóc, thường thấy chuyện quái dị, vì thế mà bỏ hoang, không ai ở.
Lâu ngày tranh cỏ mọc um tùm, giữa ban ngày cũng không ai dám bén mảng đến.
Một hôm, Ân đang cùng các bạn học trò uống rượu, có người nói đùa:
- Ai dám ngủ trong nhà đó một đêm, chúng tôi sẽ góp tiền đãi bữa rượu.
Ân ngồi nhổm ngay dậy, nói:
- Khó gì việc ấy:
Rồi cắp một chiếc chiếu mà đi. Chúng bạn tiễn Ân đến cổng, bảo đùa rằng:
- Chúng tôi hẵng đợi ngoài này, nếu như có thấy điều gì thì kíp gọi to lên.

Ân cười đáp lại:
- Nếu có ma hãy hồ thì sẽ tóm cổ đưa về làm bằng
Nói rồi đi vào. Thấy lau sậy mọc khuất cả lối đi, các loài cỏ dại mọc rậm như gai.
Hôm đó, nhằm khoảng đầu tháng, trăng non mờ nhạt, nên cửa ngõ cũng phân biệt được.
Ân đưa tay lần vách mà đi mãi, mới đến khu lầu phía sau.
Trèo lên sân thưởng nguyệt, thấy sáng sủa, sạch sẽ, một vành trăng sáng ngậm trên đầu núi, ngồi một lúc lâu, không thấy có gì lạ, trong bụng cười thầm cho là thiên hạ đồn hão.
Rồi giải chiếu xuống đất, gối đầu lên hòn đá, nằm ngắm sao Ngưu Lang Chức Nữ.
Canh khuya, lơ mơ muốn ngủ, Ân chợt nghe dưới lầu có tiếng giầy lẹp kẹp đi lên.
Ân vờ ngủ, ghé mắt xem, thấy một nàng áo xanh xách chiếc đèn hoa sen, thốt nhiên nhìn thấy Ân thì giật mình lùi bước, bảo với người đi sau rằng:
- Có người lạ trên này.
Người bên dưới hỏi:
- Ai vậy?
- Cô gái đáp rằng:
- Không biết.
Giây lát, một ông già bước lên, đến tận nơi nhìn kỹ, nói:
- Ðây là quan thượng thư họ Ân. Ngài đã ngủ say, ta cứ làm việc mình. Ông lớn là người không câu nệ, chắc không lấy làm lạ mà quở trách đâu.
Họ bèn đưa nhau lên, vào cả trong lầu. Các cửa lầu mở hết. Một lát nữa, kẻ đi người lại càng nhiều. Trên lầu, đèn sáng như ban ngày.
Ân khẽ cựa mình, cất tiếng ho hắng.
Ông già thấy ông đã tỉnh, bèn bước ra, quỳ xuống thưa rằng:
- Kẻ hèn mọn này có đứa con gái sắp gả chồng, đêm nay cho cháu làm lễ vu quy; không ngờ xúc phạm đến quan nhân, mong ngài lượng thứ.
Ân ngồi dậy, đỡ ông lão lên nói:- Không biết hôm nay là ngày vui mừng của nhà ta, thật áy náy vì không có gì để mừng tặng.
Ông già đáp:
- Ðược quan nhân hạ cố, trấn áp điềm hung hiểm, là may lắm rồi. Lại xin được phiền ngài ngồi lại cùng vui, quý hóa biết chừng nào
Ân cũng mừng, nhận lời.
Vào trong lầu, nhìn xem, thấy bày biện đẹp đẽ, trang nhã.
Lúc ấy, có người đàn bà bước ra vái chào, tuổi đã ngoại bốn mươi. Ông già nói:
- Ðây là tiện nội.
Ông vái chào lại.
Bỗng nghe tiếng sênh, tiếng nhạc cất lên inh tai, có người nhà chạy vội lên thưa:
- Ðến rồi!
Ông lão chạy ra đón, Ân cũng đừng đợi.
Phút chốc, một chiếc đàn lồng bằng sa mỏng, dẫn chú rễ vào.
Chú rễ tuổi khoảng mười bảy mười tám, vẻ người sáng sủa, thanh tú.
Ông già bảo hãy chào quan khách trước.Chàng trai đưa mắt nhìn ông.
Ông giữ chân tiếp khách dùm chủ nhà, nên nhận lễ nửa khách nửa chủ. Thứ đến là bố vợ và chàng rễ giao bái. Xong, bèn ngồi vào bàn tiệc.
Một loáng, đám người phấn sáp kéo lên như mây. Rượu thịt bày la liệt. Chén ngọc, bình vàng sáng nhoáng, chiếu rọi lên bàn ghế.
Rượu được vài tuần, ông già bảo con hầu vào mời tiểu thư ra.
Con hầu vâng lời đi vào, lúc lâu vẫn không thấy ra.
Ông lão tự mình đứng lên, vén bức màn, giục ra.
Phút chốc, một bọn hầu gái, trẻ có già có, cùng đỡ cô dâu ra.
Tiếng ngọc đeo vang lên lanh canh, mùi lan thơm sực nức.
Ông già truyền bảo nàng hãy trông lên mà chào lạy.
Lạy xong cô dâu đứng dậy, ngồi bên cạnh bà mẹ.
Ân đưa mắt liếc nhìn, thấy cô tóc phượng cài trâm thu, tai đeo ngọc minh châu, dung nhan tuyệt đẹp.
Thế rồi, rót rượu vào chén vàng, mỗi chén lớn chừng vài đấu.
Ân nghĩ:
-Vật này có thể đưa cho bạn bè làm chứng được, bèn giấu vào trong tay áo rồi vờ say, tựa xuống ghế, gục đầu mà ngủ.
Mọi người đều nói:
- Ông lớn say rồi!
Không bao lâu, nghe tiếng chú rễ có lời xin rước dâu.
Tiếng nhạc, tiếng sênh lại nổi lên, mọi người nhộn nhịp xuống lầu ra đi.
Xong xuôi, chủ nhân thu dọn bàn tiệc, thấy thiếu mất một cái chén, tìm khắp không thấy.
Có người bàn, vụng ngờ cho ông khách đang nằm ngủ.
Ông già vội gạt đi không cho nói hết, chỉ sợ Ân nghe được.

Lúc lâu nữa, trong ngoài im lặng cả, Ân mới trở dậy.
Tối mò không có đèn đuốc gì, chỉ có mùi thơm của phấn sáp và hơi rượu, như còn đầy cả bốn quanh tường.
Trông ra, hừng đông đã rạng, bèn thong thả bước ra. Sờ vào trong tay áo, cái chén vàng vẫn còn.
Ra đến cổng thì bạn bè đã đợi sẵn, họ cứ ngờ Ân đang đêm lẻn ra, gần sáng mới trở vào.
Ân đưa chén cho xem, ai cũng kinh ngạc, dò hỏi.
Ân bèn kể rõ đầu đuôi cho biết. Chúng đều nghĩ vật này thì anh học trò nghèo chẳng thể nào có, mới tin là chuyện thực.
Về sau, ông thi đỗ Tiến sĩ, nhậm chức ở Phù Khâu.
Có nhà gia thế họ Chu thết tiệc ông, sai lấy bộ chén lớn, mà mãi vẫn không thấy người hầu mang ra.
Có đứa hầu nhỏ che miệng nói thầm với chủ nhân điều gì đấy, nét mặt chủ nhân có vẻ tức giận.
Một lát sau đem bộ chén vàng ra, rót mời khách uống.
Nhìn kỹ kiểu chén cùng đường trạm trổ, không khác chút gì với thứ chén của hồ dạo nào.
Ân lấy làm lạ, Ân hỏi chén này chế tạo ở đâu. Chủ nhân đáp:
- Bộ chén này cả thảy có tám chiếc, đời ông thân tôi làm quan Khanh tại kinh, kén tìm thợ khéo chế ra, nên lấy làm vật gia bảo truyền thế, cất kỹ từ lâu. Vì được đại nhân hạ cố mới lấy ở trong hòm ra, thì chỉ còn bảy chiếc.
Ngờ đâu người nhà lấy trộm, mà dấu niêm phong mười năm vẫn như cũ, thật chẳng hiểu sao nữa.Ân cười bảo:
- Chén vàng mọc cánh bay mất rồi, những vật báu truyền đời không nên để cho mất. Tôi có một chiếc cũng gần giống, xin đem để tặng ngài.
Tiệc xong, về dinh, ông lấy chén ra, cho người mang đến.
Chủ nhân xem kỹ, rất kinh hãi, đích thân đến tạ ơn, và hỏi nguyên do chiếc chén từ đâu mà có.
Ân bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện.
Mới hay rằng vật ngoài nghìn dặm, hồ cũng có thể lấy được, duy chỉ không dám giữ làm của mình.

 

NGUYỄN HUỆ CHI dịch

Hồ mà lễ nghĩa chẳng khác người ở cõi trần gian.

Quan niệm xưa nay vẫn cho rằng có phúc lớn mới được làm quan _ (lời ông già hồ nói với Ân:  Ðược quan nhân hạ cố, trấn áp điềm hung hiểm, là may lắm rồi). Cái ước vọng thầm kín của Bồ tiên sinh có như thế không ?

 


Chú thích* đất Thái Sơn: tên quận, thuộc tỉnh Sơn Đông.

 

NHÀ SƯ Ở TRƯỜNG THANH (Trường Thanh Tăng)

Cao Tự Thanh dịch

Có nhà sư ở Trường Thanh (tỉnh Sơn Đông) đạo hạnh cao khiết, tuổi đã hơn tám mươi vẫn còn khỏe mạnh. Một hôm chợt ngã chúi xuống, các sư trong chùa chạy tới đỡ dậy thì đã viên tịch rồi. Nhưng nhà sư không biết mình đã chết, hồn cứ bay đi, tới địa giới tỉnh Hà Nam.

Ở Hà Nam có con nhà thân hào dẫn hơn mười người cưỡi ngựa thả ưng săn thỏ, ngựa lồng lên rơi xuống đất chết, hồn nhà sư vừa tới đó bèn nhập luôn vào, dần dần tỉnh lại. Đám đầy tớ xúm lại hỏi han thì cứ giương mắt nói: “Sao ta lại tới đây?” Mọi người bèn đỡ về nhà, vào cửa thì đám thê thiếp môi son má phấn xúm lại thăm hỏi, phát hoảng nói: “Ta là sư mà, sao lại tới đây?” Mọi người cho là còn choáng váng, ghé vào tai nhắc cho mà sư cũng chẳng hiểu nổi, bèn nhắm mắt không nói gì nữa. Cơm đưa tới nếu gạo xấu thì ăn, rượu thịt thì chối từ, đêm ngủ một mình, không cho thê thiếp hầu hạ. Sau vài hôm chợt muốn dạo chơi, mọi người đều mừng rỡ. Ra tới bên ngoài, vừa dừng bước thì đám tôi tớ xúm tới, sổ sách tiền gạo tranh nhau đưa trình, nhao nhao xin lệnh. Công tử lấy cớ có bệnh còn mệt, nhất nhất chối từ, chỉ hỏi: “Có biết huyện Trường Thanh tỉnh Sơn Đông ở đâu không?” mọi người cùng thưa có biết. Công tử bèn nói: “Ta thấy buồn bực không vui, muốn tới đó chơi, mau sắp sửa hành trang”. Mọi người nói vừa khỏi bệnh chưa nên đi xa, công tử không nghe. Hôm sau lên đường, tới huyện Trường Thanh thấy phong cảnh vẫn như cũ, không phải hỏi đường một ai, đi thẳng tới chùa. Các sư đệ tử thấy khách sang tới, đón tiếp rất cung kính. Công tử hỏi: “Sư già ở đâu?” họ đáp: “Thầy bọn ta vừa mất”. Hỏi mộ ở đâu, các sư bèn đưa tới, thì thấy ba thước mộ lẻ loi, cỏ hoang còn chưa phủ kín, các sư đều không biết khách có ý gì. Đến khi lên ngựa ra về, dặn rằng: “Thầy của các ngươi là sư giữ gìn đạo hạnh, những vật còn để lại nên giữ cho kỹ, đừng để hư hỏng chút gì”. Các sư vâng dạ, công tử bèn lên đường. Về tới nhà ngơ ngác thẫn thờ, chẳng nhìn ngó gì tới việc gia đình. Được vài tháng ra cửa trốn đi một mình, về thẳng chùa cũ nói với đệ tử rằng: “Ta là thầy các ngươi đây”. Mọi người ngờ là nói đùa, nhìn nhau mà cười. Sư bèn kể lại chuyện nhập hồn vào xác lạ, lại nhắc lại việc làm lúc bình sinh, thảy thảy đều đúng, mọi người mới tin bèn đưa vào ở chỗ cũ, hầu hạ như ngày trước.

Sau gia đình công tử mấy lần đem xe kiệu tới năn nỉ xin trở về nhưng sư không ngó ngàng gì tới. Hơn một năm sau phu nhân sai đầy tớ tới thăm, đem rất nhiều quà cáp nhưng sư trả lại hết vàng lụa, chỉ nhận một chiếc áo vải mà thôi. Bạn ta có người tới đó kính cẩn xin gặp, thấy sư im lặng dốc lòng tu hành, tuổi chỉ trạc ba mươi mà học đạo hơn tám mươi năm rồi.

Dị Sử thị nói: Người chết thì hồn tan, mà hồn sư đi ngàn dặm chưa tan, là nhờ tính đã định vậy. Ta không lạ về việc sư sống lại mà lạ về chỗ bước vào nơi hương thơm sắc đẹp lại có thể dứt lòng trốn đi. Chứ nếu ánh mắt một phen lay động mà trong lòng sinh hương sắc thì có kẻ muốn chết còn không được kia, huống hồ là sư ư?

Cao Tự Thanh dịch

 

Một truyện Liêu trai hiếm hoi nhắc đến Phật giáo và cái nhìn thiện cảm của tác giả về một nhà sư đắc đạo; nếu biết rằng dưới trào Minh_Thanh, ở Trung quốc, Đạo và Nho giáo rất mạnh.

 

Phán quan họ Lục, tranh minh họa Liêu trai (Wikipedia)

 

 

PHÁN QUAN HỌ LỤC (Lục Phán)

Cao Tự Thanh dịch

 

Chu Nhĩ Đán người Lăng Dương (tỉnh An Huy) tự Tiểu Minh, tính hào phóng nhưng tối dạ nên tuy chăm học vẫn không thành danh. Một hôm văn xã hội họp uống rượu, có người đùa nói “Ông có tiếng là hào, nếu đang đêm dám tới đền Diêm Vuơng cõng vị Phán quan ở hành lang bên trái về đây thì mọi người xin mời một bữa rượu”. 

Nguyên ở Lăng Dương có đền thờ Diêm Vương, tượng thần đều chạm bằng gỗ, phục sức như sống, hành lang phía đông có tượng Phán quan đứng, mặt xanh râu đỏ trông rất dữ tợn. Có khi đang đêm nghe hai bên hành lang có tiếng tra khảo, ai vào cũng rợn tóc gáy nên mọi người lấy đó thách Chu. Chu cười đứng dậy đi thẳng, không bao lâu ngoài cửa có tiếng gọi lớn “Ta mời tôn sư rậm râu tới đây rồi!”. 

Mọi người đứng cả dậy thì thấy Chu cõng tượng Phán quan vào đặt lên bàn, bưng chén mời rượu ba lần. Mọi người nhìn thấy co rúm cả lại trên ghế, lại xin cõng đi. Chu lại rót rượu xuống đất khấn “Đệ tử ngông cuồng thô suất, xin đại tôn sư bỏ qua đừng trách. Nhà tranh không xa đây mấy, lúc nào gặp hứng xin cứ tới lấy rượu uống, mong đừng khách sáo”, rồi cõng pho tượng đi. Hôm sau, mọi người quả mời Chu uống rượu, đến tối Chu ngà ngà về nhà chưa hết hứng lại khêu đèn uống một mình. 

Chợt có người vén rèm bước vào, nhìn ra thì là Phán quan. Chu đứng dậy nói “Ôi, chắc ta sắp chết rồi, tối hôm qua ta trót xúc phạm nên hôm nay tới để trừng trị phải không?”. Phán quan vuốt chòm râu rậm cười khẽ, nói “Không phải thế, hôm qua đội ơn ông hẹn mời, đêm nay may được thong thả xin theo lời hẹn của bậc đạt giả”. Chu mừng rỡ kéo áo mời ngồi, tự đi rửa chén khơi lò Phán quan nói “Trời ấm uống rượu lạnh cũng được”, Chu theo lời đem vò rượu đặt lên bàn rồi chạy xuống sai người nhà sửa soạn thức ăn. Vợ nghe thế cả sợ bảo đừng ra, Chu không nghe, đứng đợi thức ăn làm xong rồi bưng ra, nâng chén mời xong mới hỏi tên họ. 

Phán quan nói “Ta họ Lục, không có tên tự gì cả”, bàn tới chuyện văn chuơng điển tích thấy ứng đáp trôi chảy. Chu hỏi có biết văn chương kinh nghĩa không, ông ta đáp “Cũng có thể phân biệt được hay dở. Việc học hành ở âm ty đại khái cũng giống trên trần thế”. Lục uống rất hào, mỗi lần nâng chén là uống liên tiếp hàng chục chén, Chu vì đã uống suốt ngày nên bất giác gục xuống bàn ngủ khò, lúc tỉnh dậy thì ngọn đèn còn leo lét mà ông khách ma đã đi. 

Từ đó cứ hai ba hôm Lục lại tới chơi, ngày càng thân thiết, có khi nằm gác chân lên nhau mà ngủ. Chu đem văn bài cho Lục xem, Lục lấy son sổ hết, chê là không hay. Một đêm Chu say đi ngủ trước, Lục còn ngồi uống một mình, Chu đang ngủ say chợt thấy tạng phủ hơi đau, mở mắt nhìn thì thấy Lục ngồi trước giường mổ bụng mình lôi ruột gan lên sắp lại, ngạc nhiên hỏi “Vốn không có thù oán, sao lại giết nhau?” Lục cười đáp “Đừng sợ, ta thay cho ông quả tim thông tuệ mà thôi”, rồi ung dung nhét ruột Chu vào khoang bụng, kéo hai mép lại, sau cùng lấy vải bó chân buộc ngang lưng Chu, xong rồi Chu nhìn tới giường không thấy dây vết máu nào, chỉ hơi ngứa ở bụng. Thấy có một khối thịt trên bàn, hỏi thì Lục đáp “Đó là quả tim của ông. Xem văn ông thấy không được hay, biết rằng tim ông có một khiếu không thông, vừa rồi ta chọn được một quả tim tốt trong ngàn muôn quả dưới âm ty để thay cho ông, còn quả này để bù vào đó”, rồi đứng dậy khép cửa đi. 

Trời sáng Chu cởi áo xem thì vết rạch đã liền da, chỉ còn như vết chỉ đỏ, từ đó học hành tấn tới, sách vở đọc qua là nhớ không quên. Vài hôm sau đưa văn cho Lục xem, Lục nói “Được rồi, nhưng ông phúc mỏng không hiển đạt lớn được, chỉ đỗ thi hương thôi”. Chu hỏi bao giờ đỗ, Lục đáp “Năm nay ắt đỗ đầu” Không bao lâu Chu thi khảo khóa đứng đầu, kế thi huơng cũng lại đỗ đầu. Các bạn học vốn coi thường Chu, đến lúc đọc bài thi của Chu đều nhìn nhau kinh ngạc, hỏi kỹ mới rõ chuyện lạ, bèn nhờ Chu nói trước để xin làm quen với Lục. 

Lục nhận lời, mọi người chuẩn bị tiệc rượu thịnh soạn để đợi, hết canh một thì Lục tới, hàm râu đỏ lay động, mắt sáng quắc như chớp. Mọi người khiếp đảm, răng đánh vào nhau lập cập, dần dần rút lui hết. Chu bèn dẫn Lục về nhà cùng uống rượu, khi đã ngà ngà say Chu nói “Được nhờ ơn lớn rửa ruột thay tim, nay lại có việc muốn làm phiền, không biết được không”. Lục xin cho biết, Chu nói “Đổi được tim ruột thì trộm nghĩ mặt mũi cũng thay được. Vợ ta thì phần thân thể không đến nỗi xấu, duy mặt mũi thì không được đẹp lắm, nếu muốn phiền đến lưỡi dao của ông thì thế nào?”. Lục cười đáp “Được thôi, nhưng để ta tính”. 

Qua mấy hôm, nửa đêm Lục tới gọi cửa, Chu vội trở dậy mời vào, thắp đèn lên thấy có bọc một vật trong vạt áo. Hỏi thì Lục đáp “Hôm trước ông dặn kể cũng khó tìm, nhưng vừa may được cái đầu mỹ nhân, xin đem tới để phụng mệnh”. Chu mở ra xem, thấy máu trên cổ còn ướt. Lục giục vào ngay đừng để gà chó kinh động. Chu lo ban đêm vợ đóng cửa phòng nhưng Lục vào đẩy một cái thì cánh cửa mở ra ngay. Chu dẫn vào giường, thấy vợ đang nằm nghiêng mà ngủ, Lục đưa cái đầu cho Chu cầm rồi rút trong giày ra một lưỡi dao sáng loáng như thanh chủy thủ đặt lên cổ vợ Chu dùng sức ấn xuống như bổ dưa, cái đầu theo luỡi dao rơi xuống cạnh gối. Lục vội đỡ cái bọc từ tay Chu, lấy cái đầu mỹ nhân ra gắn lên cổ, ướm cho thật ngay rồi xoa miết cho liền vết, kế đặt gối đỡ vào dưới vai vợ Chu, bảo Chu đem đầu vợ chôn ở nơi sạch sẽ rồi đi. Vợ Chu tỉnh dậy thấy cổ hơi ngứa, sờ thấy vết máu khô sợ quá sai đứa tỳ nữ múc nước rửa mặt, đứa tỳ nữ thấy mặt vợ Chu máu me bê bết cũng phát hoảng, rửa xong nước trong chậu đỏ lòm, ngẩng đầu lên thấy mặt mày khác hẳn lại càng khiếp sợ. Vợ Chu soi gương cũng ngơ ngác không hiểu vì sao, Chu vào kể lại mọi chuyện, nhân nhìn kỹ thì thấy lông mày dài tới gần chân tóc, nụ cười tươi tắn như người trong tranh. Nhìn tới cổ thấy còn một ngấn đỏ vòng quanh, hai phần trên dưới màu da khác hẳn nhau. 

Nguyên là quan Thị ngự họ Ngô có người con gái rất xinh đẹp, có hai người hỏi xong chưa kịp cưới đều chết nên mười chín tuổi vẫn chưa có chồng. Nhân tiết Thuợng nguyên nàng đi chơi điện Thập Vương, người đi chơi chen chúc, trong có một tên vô lại thấy nàng xinh đẹp bèn ngầm hỏi nhà cửa. Kế nhân đêm tối bắc thang leo vào, đào ngạch vào phòng ngủ, giết một tỳ nữ nằm dưới giường rồi ép cô gái giao hoan. Cô gái cố sức chống cụ la lớn, y tức giận giết luôn. Ngô phu nhân thoáng nghe tiếng, bảo tỳ nữ tới xem, thấy xác chết sợ mất vía. Cả nhà đều trở dậy, đem xác nàng đặt trên sảnh, để cái đầu bên cạnh khóc lóc ầm ĩ suốt đêm. Đến sáng mở chăn ra thì thân vẫn còn mà đầu thì biến mất, bọn tỳ nử bị đánh đòn suốt lượt vì tội canh giữ bất cẩn để chó ăn mất cái đầu. 

Thị ngự trình lên quận, quan ra nghiêm hạn tìm bắt hung thủ, qua ba tháng vẫn không tìm ra được. Dần dần có người đem việc đổi đầu kỳ lạ ở nhà họ Chu kể cho ông Ngô nghe, Ngô ngờ vực sai người vú già tới thăm dò, bà ta vào nhà Chu nhìn thấy phu nhân hoảng sợ chạy về báo với. Ông Ngô thấy xác con gái vẫn còn, kinh nghi không hiểu vì sao, nghĩ là Chu dùng tà thuật giết chết con gái bèn tới cật vấn. Chu nói “Vợ ta nằm mơ thấy đổi đầu, thật cũng không hiểu vì sao, nếu nói là ta giết tiểu thư thì oan lắm”. Ngô không tin bèn kiện lên quan, quan bắt người nhà Chu tra vấn thì họ đều khai như lời Chu nói, quận thú không sao xét xử được. 

Chu trở về hỏi kế Lục, Lục nói “Không khó gì, để bảo con gái y tự nói ra”. Ban đêm Ngô mơ thấy con gái về nói “Con bị tên Dương Đại Niên ở Tô Khê giết chứ không can gì tới Hiếu liêm họ Chu, vì ông ta thấy vợ không đẹp nên Phán quan họ Lục lấy đầu con thay vào, thế thì tuy thân con chết mà đầu vẫn sống, xin đừng thù oán họ”. Ngô tỉnh dậy kể cho phu nhân, phu nhân cũng mơ thấy như thế bèn lên thưa với quan. Hỏi ra quả có tên Dương Đại Niên bèn bắt lên tra khảo, y liền nhận tội. Ngô bèn tới nhà Chu xin gặp phu nhân, từ đó coi Chu như con rể rồi đem đầu vợ Chu về chôn với xác con gái. 

Chu ba lần vào kinh thi hội nhưng đều phạm trường quy bị đánh rớt, từ đó công danh nguội lạnh, suốt ba mươi năm. Một đêm Lục nói “Ông không còn thọ lâu nữa đâu”, Chu hỏi đến lúc nào, Lục đáp trong năm ngày nữa. Chu hỏi có thể cứu nhau được không, Lục đáp “Đó là mệnh trời, ai mà thiên vị riêng tư được. Vả lại lấy con mắt đạt nhân mà xem thì sống chết cũng như nhau, cần gì phải sống thì vui mà chết thì buồn”. 

Chu cho là đúng, liền cho chuẩn bị quần áo quan quách rồi ăn mặc chỉnh tề mà chết. Hôm sau phu nhân đang khóc ở bên quan tài bỗng Chu từ ngoài đi nhanh vào, phu nhân hoảng sợ, Chu nói “Ta đúng là ma nhưng cũng không khác gì lúc sống, nghĩ tới nàng mẹ góa con côi nên quyến luyến thôi”. Phu nhân đau lòng chảy nước mắt ròng ròng, Chu cố gắng an ủi. Phu nhân nói “Xưa có việc hoàn hồn sống lại, chàng đã linh thiêng sao không làm thế”. Chu nói “Số trời không thể trái được”. Phu nhân lại hỏi làm việc gì dưới âm ty, Chu đáp “Phán quan họ Lục tiến cử ta giữ chức đôn đốc việc án, được trao quan tước cũng chẳng có gì khổ”. Phu nhân còn muốn hỏi chuyện thì Chu nói “Ông Lục cùng về với ta, nàng dọn cho mâm rượu”, rồi rảo bước đi ra. Phu nhân theo lời dọn rượu, chỉ nghe nhà ngoài có tiếng cười nói uống rượu, ăn to nói lớn hệt như lúc sống, nửa đêm ra nhìn thì đã đi mất. 

Từ đó cứ vài ba ngày Chu lại về một lần, có khi ở lại gần gũi với vợ, chỉ vẽ cho các việc trong nhà. Con trai là Vĩ lúc ấy mới năm tuổi, Chu về là bế ẵm, năm bảy tám tuổi đêm đêm vẫn được cha dạy học cho. Đứa con cũng thông minh, chín tuổi đã biết làm văn, mười lăm tuổi được vào học trường huyện nhưng vẫn không biết mình mồ côi cha. Nhưng từ đó Chu về cũng thưa dần, có khi cả tháng mới về. Một đêm về nói với phu nhân “Từ nay thì cùng nàng vĩnh biệt”. Phu nhân hỏi đi đâu, Chu đáp “Ta được Thuợng đế cho làm Thái Hoa khanh, sắp phải đi xa, việc bận đường xa nên không thể về được nữa”. Hai mẹ con ôm Chu khóc lóc, Chu nói “Đừng thế! Con trai đã khôn lớn, gia sản cũng đủ sống, mà có ai sau trăm tuổi không phải loan phượng chia lìa”, kế nhìn con nói “Con sống đừng làm hư sự nghiệp của cha, mười năm nữa sẽ có lần gặp nhau”, rồi ra cửa đi thẳng, từ đó không về nữa. 

Về sau Vĩ hai mươi lăm tuổi thi đỗ Tiến sĩ, làm quan tới chức Hành nhân, phụng mệnh ra tế Tây Nhạc, đường đi ngang qua Hoa âm bỗng có toán xe kiệu cờ lọng rong ruổi xông vào giữa đoàn nghi trượng. Kinh ngạc nhìn kỹ thì người trong xe là cha, bèn xuống ngựa khóc lạy bên đường. Cha dừng xe nói “Con làm quan có tiếng tốt, ta nhắm mắt được rồi!”. Vĩ quỳ rạp không đứng lên, Chu giục xe đi như bay không ngoảnh lại, được mấy bước quay nhìn rồi cởi thanh bội đao sai người cầm lại cho con, từ xa nói “Đeo vào thì sẽ được quý hiển”. Vĩ muốn chạy theo thì thấy xe kiệu người ngựa lướt đi như gió, trong chớp mắt đã mất hút, đau xót hồi lâu. Rút thanh đao ra xem thấy chế tác rất tinh xảo, khắc một hàng chữ “Hành sự cần quả quyết, suy xét cần thận trọng, kiến thức cần đầy đủ, đức hạnh cần trọn vẹn*”. 

* Hành sự… tron vẹn: nguyên văn là “Đảm dục đại nhi tâm dục tiểu, trí dục phương nhi hạnh dục viên”, vốn là lời của Tôn Tư Mạo thời Đường nói với Lư Chiếu Lân. 

Vĩ sau làm quan tới chức Tư mã, sinh năm con trai là Trầm, Tiềm, Vẫn, Hồn, Thâm. Một đêm mơ thấy cha về nói “Thanh bội đao nên cho thằng Hồn”. Vĩ theo lời. Hồn sau làm quan tới chức Tổng đốc, có tiếng về chính tích tốt. 

Dị Sử thị nói: Cắt ngắn cổ hạc, nối dài chân le là lời gian dối, nhưng Dời đổi hoa lá, nối thêm gốc rễ thì thật kỳ lạ, huống hồ là việc đem rìu búa mổ gan ruột, lấy dao cưa cắt đầu cổ sao? Như ông Lục có thể nói là người diện mạo xấu xí mà lòng dạ đẹp đẽ vậy Từ cuối thời Minh đến nay năm tháng chưa xa, ông Lục ở Lăng Dương còn không? Không biết có còn linh thiêng không? Ta muốn cầm roi theo hầu, vì rất hâm mộ ông ta.

(Cao Tự Thanh dịch)

 

Khi Bác sĩ Christiaan Barnard, thực hiện ca phẫu thuật ghép tim đầu tiên trên thế giới, năm 1967, thì trước đó hơn hai trăm năm, Bồ Tùng Linh, qua tay Lục Phán quan, đã làm việc ấy rồi. Mà lại rất thành công.

Tim họ Chu có một khiếu không thông, vậy nên đầu óc tối tăm. Thay tim thì một khiếu thông dẫn đến vạn khiếu thông.

Ẩn bên trong là một tình bạn sâu xa, chẳng kém gì chuyện Bá Nha, Tử Kỳ. Chu đối đãi với Lục bằng một tấm chân tình nên Lục cũng đáp lại bằng một tấm tình chân. Không có gì cản giữa hai thế giới thực và mộng.

Truyện cảm động. Một truyện khác cũng gây xúc động như thế, nhưng là một tình yêu nam nữ, truyện Thụy Vân.

 

Tạp chí Bách Khoa số 35, ngày 15.6.1958

 

THỤY VÂN

Kiều Yiêu dịch

 

Thụy-Vân, một danh kỹ ở phủ Hàng- chẳu, là người sắc nghệ vô song. Lúc nàng tuổi vừa mười bốn, thì mụ Thái, chủ lầu xanh, bắt nàng tiếp khách. Thụy-Vân nói : “ Đây là bước đầu cùa đời con ; con nghĩ không nên làm sơ sài quá. Giá cả, xin mẹ toàn quyền định đoạt, còn khách thì xin mẹ cho con được phép lựa chọn». Mụ trùm đồng ý, bèn định giá mười lượng vàng. Rồi thì ngày ngày đón khách. Khách làng chơi muốn tìm đến thì phải đem quà biếu.

Ai hậu, thì nàng đãi một ván cờ, và tặng một bức vẽ. Bạc, thì nàng chỉ cầm lại uống một miếng trà thôi. Danh tiếng Thụy- Vân lâu ngày lan rộng, và bấy giờ, bao nhiêu người phú thương quí tộc, ngày ngày nối gót nhau trước cửa nhà nàng.

Ở huyện Dư-hàng, có chàng họ Hạ, sớm nức tiếng tài danh, mà gia tư thì chỉ vừa vừa bực trung. Chàng bấy lâu vốn ngưỡng mộ Thụy-Vân, mà chẳng hề dám nghĩ đến mộng uyên ương bao giờ. Chàng cố góp bao nhiều tặng vật hèn mọn, mong được một lần say ngắm hoa dung, nhưng vẫn thầm sợ rằng nàng thấy người ta đã nhiều, chắc không bận tâm gì đến tình cảnh gieo neo của kẻ hàn sĩ. Kịp đến lúc cùng nhau giáp mặt, mời nói chuyện lần đầu thì nàng đã tiếp đãi ân cần đặc biệt. Hai người ngồi thủ thỉ rất lâu, đầu mày cuối mắt chứa chan niềm quyến luyến. Nàng làm một bài thi tặng chàng. Thi rằng :

Lựa là nhắp rượu quỳnh kia ?

Cầu lam gõ cửa từ khi rạng ngày.

Ai ơi muốn kiếm được chày.

Can chi lìa thế gỉan nay lên tiên ?

Chàng được thi mà lòng vui như điên cuồng, có điều tâm sự rất muốn nói, thì bỗng tiểu hoàn vào thưa rằng có khách đến. Chàng bèn lật đật cáo lui. Về đến nhà, chàng cứ ngâm đi ngâm lại bài thi, mà mộng hồn nghe có chiều vương vấn.

Qua một hai hôm sau, cầm lòng không đậu, chàng lại sửa soạn lên đường. Thụy- Vân tiếp rước chàng rất niềm nở, ngồi xích lại gần chàng, rủ rỉ bên tai : « Anh có liệu nổi một đêm sum vầy không ? » Chàng đáp : « Làm thân hàn sĩ túng quẩn, thì chỉ có một chút tình si để hiến cho người tri kỷ. Chứ như bây giờ thì một món quà cỏn con cũng đã sạch nhẵn, không đào đâu ra. Miễn được gần hoa dung, là ý nguyện đã thỏa rồi. Còn việc gần gũi xác thịt, thì làm sao dám mộng tửng xa xôi ». Thụy-Vân nghe thế, bùi ngùi tấc dạ không vui, đối diện nhau mà chẳng nói một lởi.

Chàng ngồi đó mãi không chịu ra. Mụ trùm đã mấy lần lên tiếng gọi Thụy- Vân để giục nàng. Chàng đành lui về, lòng buồn rầu vô hạn, những muốn bán sạch gia tư để chuốc lấy một đêm vui. Nhưng rồi chợt nhớ rằng vui đến tàn canh, rồi cũng phải chia tay, thì lòng nào chịu được sự thương đau dường ấy. Nghĩ đến đó, bao nhiêu nỗi niềm tưởng nhớ đều tiêu tan đi cả. Và từ độ ẩy, tâm dạng chàng vắng biệt ờ Hàng châu.

Riêng phần Thụy-Vân, thì nàng để ý chọn bạn trăm năm luôn mấy tháng trời mà chằng được người nào. Mụ trùm giận lắm, định giở trò cưỡng ép mà chưa gặp dịp ra tay.

Một hôm, có một vị tú tài đến trao quà tặng, ngồi nói chuyện, một lát bèn đứng lên đưa một đầu ngón tay sờ trán nàng mà rằng “Uổng quá ! Uổng quá !” rồi bước ra khỏi cửa. Thụy-Vân đưa khách đi, trở vào, soi gương thấy trên trán có vết ngón tay, màu đen như mực tàu, đem rửa lại càng hiện rõ. Qua mấy ngày sau, vết đen càng lan rộng. Hơn nửa năm vết ấy tràn xuống gò má, lấn tới sóng mũi. Ai thấy cũng chế diễu, và dấu xe ngựa cũng bắt đầu dứt tuyệt. Mụ trùm mắng nhiếc, bắt lột cả đồ trang sức, liệt nàng vào hạng nô tì. Thụy-Vân yếu đuối, chịu đựng không xuể với bao nhiêu sai khiến, nên càng ngày càng tiều tụy.

Hạ nghe được bèn đi ngang qua nhà, thấy có ai dầu bù tóc rổi lui cuỉ dưới bếp, hình trạng xấu như ma lem. Lúc ngửng đầu lên thoạt thấy chàng, nàng liền quay vào vách mà lánh mặt. Hạ

thương nàng quá, tìm đến mụ trùm nói chuyện, tình nguyện chuộc nàng ra. Mụ trùm chịu, thì Hạ bán ruộng cầm quần áo, mua nàng đem về.

Lúc bước vào cừa nhà chàng, nàng kéo vạt áo lau nước mắt ; nàng chẳng dám coi mình với chàng là đôi vợ chồng, mà lại vui lòng tự sẳp mình vào hàng bé mọn, chờ người vợ cả đến. Hạ nói «Thiên hạ, ai cũng lấy tri kỷ làm trọng. Đương thời hưng thịnh, mà em còn biết được anh, thì nay chẳng lẽ vì cớ suy vi mà anh nỡ quên em sao». Rồi không cưới vợ nữa. Ai nghe cũng đều cười, nhưng phần chàng thì tình yêu càng ngày càng thắm thiết.

Hơn một năm sau, chàng tình cờ đi Tô-châu, cùng trọ một chủ với một người họ Hòa. Người kia ngẫu nhiên hòi : « Ở Hàng-châu có nàng danh kỹ tên Thụy- Vân, không biết dạo gần đây như thế nào ? Hạ đáp là nàng đã yên nơi yên chốn. Hòa hỏi với ai, thì Hạ đủng đỉnh nói : «Người ấy nghe đâu cùng một cỡ tôi vậy». Hòa nói : «Nếu được như bác, thì có thể gọi là biết chọn người đấy. Nhưng chẳng hay chuộc nàng ra trả giá độ bao nhiêu ?» Hạ nói: « Vì nàng có tật lạ, nên người ta đành bán rẻ. Nếu không thế, thì cỡ như tôi, làm sao ở chốn lầu xanh mua được người mỹ nữ ? » Lại hỏi : « Người ấy quả thật có được như bác không ? » Hạ cho là hỏi lạ, bèn hỏi vặn lại cho rõ lý do sự tò mò ấy. Hòa cười rằng : « Quả tình tôi không dám dối bác. Số là trước kia tôi đã có lần được ngắm dung nhan cô ả, rất tiếc người đẹp tuyệt mà đến nơi lưu lạc không ai bạn lứa, nên tôi dã dùng một thuật nhỏ bôi lọ khuôn trăng đề bảo tồn vóc ngọc, đợi kẻ liên tài đến giám thường ».Hạ vội hòi : « Bác đã điểm vết đen, thì xin hỏi bác có thế nào tẩy sạch được chăng ? * Hòa cười rằng : « Làm gì mà chẳng được ? Miễn là người ấy phải thành khẩn thỉnh cầu ». Hạ bèn dứng dậy chấp tay xá mà rằng : « Bạn trăm năm cùa Thụy-Vân không ai khác hơn là tôi đây ». Hòa tươi cười dáp : « Trong thiên hạ, quả chỉ có kẻ đa tài mới có thề là người đa tình, không lấy cớ đẹp xấu mà thay đổi lòng yêu mến. Tôi xin được cùng về bên ấy với bác, là sẽ tặng bác một giai nhân. » Rồi cùng đi với Hạ.

Về đến nơi, Hạ toan đãi một tiệc rượu, thì Hòa ngăn lại mà rằng : « Trước khi làm phép của tôi, thì phải làm sao cho người lo việc nấu nướng được vui lòng cái đã ». Bèn bảo lấy một cái thau có nước, trỏ ngón tay vào đó mà viết không biết là bùa gì, rồi nói : « Lấy nước đó rứa thì hết ngay. Nhưng buộc phải thân hành ra cảm tạ ơn thầy trị khỏi mới được ». Hạ cười, bưng thau nước đi, đứng đợi Thụy Vân rửa mặt, rửa tới đâu là sạch trơn tới đó, thoắt đà diễm lệ như năm xưa. Hai vợ chồng rất mực cảm kích, cùng nhau ra tạ ơn, nhưng khách dã biến đâu mất. Tìm khắp nơi chẳng thấy, có ý nghỉ khách hẳn là tiên.

BỒ-TỦNG-LINH (Bổn dịch cùa KIỀU-YIÊU)

 

Đa tài thì đa tình. Biết tiếc ngọc thương hương nên vị tiên họ Hoà mới dành tặng mỹ nhân cho Hạ.

Quế trạo hề lan tương,

Kích không minh hề tố lưu quang.

Diểu diểu hề ngô hoài,

Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương.

(Tiền Xích Bích phú-Tô Thức, Tô Đông Pha)

 

Thung thăng thuyền quế chèo lan,

Theo vừng trăng tỏ vượt làn nước trong.

Nhớ ai canh cánh bên lòng,

Nhớ người quân tử ngóng trông bên trời.

(Phan Kế Bính dịch)

 

Nòi si, cốt nhạc, giống đa tình
Vạn thuở còn say bóng nguyệt chênh
Mực ngát trang thơ, dòng thạch bản
Đằm tươi màu tóc Thôi Oanh Oanh

...

Ta nằm mơ lại giấc mơ cuồng
“Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương”

(Vũ Hoàng Chương – Đêm kỳ bút)

 

Là một khúc hoan ca cho tình yêu và hôn nhân tự do, vượt ngoài mọi rào cản của định kiến và vòng cương tỏa của lễ giáo.

 

 

 

 

 

Cừu đại thư hưng gia (trích Liêu trai chí dị liên hoàn họa)

 

CỪU ĐẠI NƯƠNG

Cao Tự Thanh dịch

 

Cừu Trọng người đất Tấn (tỉnh Sơn Tây) không rõ phủ huyện, gặp loạn bị giặc bắt đi. Có hai trai là Phúc và Lộc còn nhỏ, vợ kế là Thiệu thị chăm sóc đôi trẻ mồ côi, may nhờ sản nghiệp của Trọng đê lại cũng được ấm no, nhưng gặp mấy năm mất mùa liên tiếp, lại bị cường hào lấn áp đến nôi không giữ được mà ăn. Chú của Trọng là Thượng Liêm thấy cháu dâu cải giá thì có lợi cho mình, thường khuyên lấy chồng nhưng Thiệu thị thề giữ chí không lay chuyên. Liêm ngầm hẹn với một nhà đại tộc, định cưỡng ép nàng, bàn bạc đã xong mà người ngoài vẫn không ai biết.

Trong làng có tên Ngụy là kẻ gian giảo quỷ quyệt từ lâu có hiềm khích với nhà Trọng, có chuyện gì cũng nghĩ cách phá đám, nhân Thiệu thị ở góa bèn phao tin nhảm để bêu xấu. Nhà đại tộc nghe được, cho Thiệu thị là người không có đức bèn thôi. Lâu ngày mưu của Liêm và lời đồn đại bên ngoài cũng tới tai Thiệu thị, nàng buồn râu uất sớm tối sa lệ dần dần tay chân tê bại nằm liệt giường. Phúc đã mười sáu tuổi, vì trong nhà không có người khâu vá nên vội lo việc lấy vợ, hỏi cưới con gái Tú tài Khương Dĩ Chiêm, có tiếng hiền thục đảm đang, việc nhà đều nhờ nàng lo toan xếp đặt, nhờ vậy nhà cũng hơi dư dật, bèn cho Lộc đi học.

Ngụy ghen ghét nhưng làm ra vẻ thân thiện, nhiều lần mời Phúc uống rượu, Phúc thấy thế coi Ngụy như bạn thân. Ngụy nhân dịp nói "Lệnh đường bệnh nằm liệt giường không thê’ coi sóc việc nhà, chú em thì chỉ ngồi ăn không làm được việc gì, hai vợ chồng việc gì phải nai lưng ra làm trâu ngựa? Lại lúc chú em cưới vợ thì còn tốn kém nhiêu nữa chứ. Tính kế cho ông chang bằng cứ sớm ra riêng, thì chú em sẽ phải nghèo chứ ông sẽ giàu có". Phúc về bàn với vợ, vợ cho là nói bậy. Nhưng Ngụy cứ rủ rỉ xúi giục ngày này tháng khác, mưa dầm thâm sâu nên Phúc nghe theo, bèn nói thẳng ý ấy với mẹ. Mẹ tức giận chửi mắng, Phúc càng tức tối, cho rằng tiền bạc thóc gạo trong nhà chẳng qua chỉ là của người khác nên không ngó ngàng gì tói nữa.

Ngụy thừa cư rủ rê Phúc cờ bạc, thóc trong kho cứ voi dần, vợ biết nhưng chưa dám nói, đến lúc hết thóc ăn, mẹ giật mình hỏi mói nói thật. Mẹ giận lắm nhưng không làm sao được, đành cho Phúc ra ở riêng. May là cô gái họ Khương hiền đức, sáng chiêu vân qua lại lo cơm nước hầu hạ mẹ như trước. Phúc đã ra riêng càng không nể sợ gì nữa, thả sức cờ bạc, chỉ trong vài tháng đã bán sạch ruộng vườn nhà cửa để trả nợ chơi bời mà mẹ và vợ vẫn chưa biết. Khi tiền bạc đã hết sạch, không còn cách nào bèn làm tờ gán vợ đê vay tiền mà không ai chịu nhận.

Trong huyện có Triệu Diêm La vốn là tên cướp lớn lọt lưới, ngang ngược nhất vùng nên không sợ Phúc nuốt lời, thản nhiên cho vay. Phúc cầm tiên đi, vài ngày thì thua sạch, đang ngần ngừ định bội ước thì Triệu đã trừng mắt nhìn. Phúc cả sợ, lừa dắt vợ tới giao cho Triệu. Ngụy nghe tin mừng thầm, chạy ngay tới nói với nhà họ Khương, rắp tâm làm cho họ Cừu lụn bại. Khương tức giận phát đơn kiện, Phúc sợ quá bèn bỏ trốn. Cô gái họ Khương tới nhà Triệu mới biết là bị chồng lừa bán, khóc lớn chỉ muốn chết ngay. Triệu ban đầu còn dô dành nhưng nàng không nghe, kế ra oai quát nạt thì nàng càng mắng chửi, cả giận đánh đập nàng cũng không chịu khuất phục, rút trâm cài đầu tự đâm vào cô họng, vội tới cứu thì đã lút vào thực quản, máu phun ra. Triệu vội lấy lụa băng bó cho nàng, còn nghĩ cứ đê thong thả sẽ khuất phục được.

Hôm sau có trát quan tới đòi, Triệu thản nhiên lên hầu như không có chuyện gì. Quan khám thấy vết thương của cô gái rất nặng, sai nọc Triệu ra đánh, nhưng đám lính cứ nhìn nhau không dám ra tay. Quan nghe đồn Triệu ngang ngược đã lâu, đến lúc ấy càng tin, cả giận gọi người nhà ra đánh Triệu chết luôn tại chô, Khương bèn cáng con gái về. Từ khi họ Khương đi kiện, Thiệu thị mới biết Phúc hư hỏng tới mức ấy, gào khóc cơ hô đứt hơi rồi nhắm mắt ngất đi. Bấy giờ Lộc mười lăm tuổi, một mình lúng túng không biết làm sao.

Trọng có một gái con vợ trước là Đại Nương gả chồng xa, tính khí cương cường, môi khi về thăm mà thức ăn vật dùng không vừa ý thì cãi vã với cha mẹ rồi giận dữ bỏ đi, Trọng vì thế giận ghét, lại vì đường xa nên có khi vài năm không một lần thăm hỏi. Lúc Thiệu thị bệnh nặng, Ngụy muốn gọi nàng tới để gây ra việc tranh giành của cải, gặp lúc có người lái buôn ở cùng làng với Đại Nương bèn thác cớ nhắn tin, lại mừng rằng nhà này thế là tan nát.

Vài hôm sau quả nhiên Đại Nương dắt một đứa con nhỏ tói, vào nhà thấy em nhỏ hầu mẹ ốm, quang cảnh rất thảm đạm, bất giác mủi lòng. Nhân hỏi tới Phúc, Lộc kể hết đầu đuôi, Đại Nương nghe thấy giận nghẹn cổ, nói "Nhà không có người lớn nên để cho người ta giày xéo đến như thế! Ruộng vườn nhà ta sao bọn ăn cướp dám lừa chiếm lấy?". Rồi xuống bếp chụm lửa nấu cháo bưng lên mời mẹ trước, kế gọi em và con cùng ăn. Ăn xong giận dữ ra đi, tới huyện nộp đơn kiện bọn cờ bạc. Cả bọn sợ góp tiền đút lót Đại Nương, nàng nhận tiền nhưng vẫn kiện.

Quan cho bắt tên Giáp, tên Ất... đánh đòn quở trách nhưng không hỏi tới việc ruộng vườn. Đại Nương căm tức không thôi, dắt con lên thẳng lên quận. Quận thú rất ghét cờ bạc, Đại Nương hết sức bày tỏ nỗi cơ khổ cùng tình trạng bị bọn cờ bạc lừa đảo, lời lẽ thống thiết. Quận thú động lòng, ra lệnh cho quan huyện truy thu ruộng vườn cấp lại cho chủ cũ và trừng phạt Cừu Phúc làm gương cho bọn hư hỏng. Sau khi nàng v'ê, quan huyện được lệnh ráo riết thi hành nên nhà cửa ruộng vườn cũ lấy lại được hết. Lúc ấy Đại Nương góa chồng đã lâu, bèn bảo đứa con nhỏ về nhà, dặn phải theo anh lo làm ăn không được tới nữa. Đại Nương từ đó ở lại nhà mẹ, nuôi mẹ dạy em, xếp đặt trong ngoài đâu vào đấy. Mẹ được an ủi rất nhiều, dần dần khỏi bệnh, việc nhà giao cả cho Đại Nương.

Bọn cường hào trong làng có hơi lấn lướt thì nàng vác dao tới tận cửa cứng cỏi đấu lý, kẻ nào cũng phải nhụt. Hơn một năm thì ruộng vườn ngày càng tăng, thỉnh thoảng lại mua thuốc men và thức ngon vật lạ gởi cho cô gái họ Khương. Lại thấy Lộc dần trưởng thành, nhiều lần dặn mối lái tìm nơi cưới hỏi. Ngụy nói với mọi người rằng "Sản nghiệp nhà họ Cừu đều giao cho Đại Nương, e rằng sau này không lấy lại được", mọi người tin theo nên không ai muốn kết thông gia với họ Cừu. Có công tử Phạm Tử Văn, nhà có khu vườn nổi tiếng nhất ở đất Tấn, các loại hoa quý trong vườn trồng dọc hai bên đường chạy thắng vào nhà trong. Có người không biết lỡ đi vào, gặp lúc gia đình công tử đang ăn tiệc, ông nổi giận bắt trói bảo là kẻ trộm, đánh cho gần chết.

Gặp tiết Thanh minh, Lộc từ trường học trở về, Ngụy rủ đi chơi, dắt tới chỗ ấy. Ngụy vốn quen người coi vườn nên được cho vào, đi xem khắp cả đình tạ. Giây lát tới một chô nước khe chảy cuồn cuộn, có chiếc cầu vẽ lan can màu đỏ thông vào cánh cổng sơn đen, từ xa nhìn tới thấy hoa rậm như gấm, là nơi phòng sách của công tử. Ngụy lừa nói "Anh cứ vào trước, ta đi tiểu một chút". Lộc tin bèn bước lên, qua cầu vào cửa, tới một dãy viện thì nghe tiếng con gái cười nói. Vừa dừng chân thì có một tỳ nữ ra, nhìn thấy Lộc lập tức quay gót trở vào, Lộc mới sợ hãi bỏ chạy. Giây lát công tử bước ra quát người nhà lấy dây thừng đuổi bắt, Lộc bí quá nhảy luôn xuống khe. Công tử hết giận bật cười, sai đầy tớ xuống dắt lên.

Thấy mặt mũi y phục của Lộc đều phong nhã, ông sai đem áo và giày ra cho thay rồi dắt vào một ngôi đình hỏi họ tên, thái độ hết sức niềm nở thân mật. Lát sau công tử đi nhanh vào trong rồi trở ra ngay, tươi cười dắt tay Lộc đi, qua câu dần tới chô lúc nãy. Lộc không hiểu ý thế nào, dùng dằng không dám bước, công tử cố kéo vào. Thấy sau giậu hoa thấp thoáng có người đẹp nhìn trộm, vừa ngồi xuống thì các tỳ nữ dọn rượu lên. Lộc từ tạ nói "Trẻ con không biết gì, đi lầm vào chốn khuê các, được khoan xá là đã mừng lắm, chỉ mong được cho về sớm thì đội ơn vô cùng", nhưng công tử không nghe. Giây lát thức ăn bày lên la liệt, Lộc lại đứng lên từ tạ là đã no say rồi. Công tử kéo ngồi xuống, cười nói "Ta có một cái tên từ khúc, nếu ông đổi được xin cho đi ngay". Lộc dạ dạ xin cho biết. Công tử nói "Phách tên Chẳng hề giống", Lộc ngẫm nghĩ hồi lâu rồi đối "Bạc đúc Biết làm sao". Công tử cười lớn nói "Quả đúng là Thạch Sùng!"*, Lộc không hiểu gì cả.

*Công tử nói... Thạch Sùng: nguyên văn hai vế đối trên là "Phách danh Hồn bất tự, Ngân thành Một nại hà", vế trước lấy tích Chiêu Quân có chiếc đàn tỳ bà bị hỏng, sai làm chiếc khác, khi dâng lên thì bé hơn chiếc trước, Chiêu Quân cười nói "Chẳng hề giống chiếc trước" (Hồn bất tự), người sau nhân lấy đó đặt tên cho một bản nhạc, vì ngoa truyền nên có khi gọi là "Hồn phát tứ", vế sau lấy tích nhà Trương Tuần, Vương Tuấn thời Tấn có nhiều bạc, cho đúc thành hình quả cầu, mỗi quả là một ngàn lượng, gọi tên là "Biết làm sao" (Một nại hà), ý nói quá giàu có. Thạch Sùng là người thời Tấn, nổi tiếng phú gia địch quốc.

Thì ra công tử có con gái tên Huệ Nương, xinh đẹp lại biết chữ, vẫn tìm chô gả chồng cho. Đêm trước nàng mơ thấy một người nói "Chồng ngươi là Thạch Sùng", hỏi ở đâu thì đáp "Ngày mai sẽ rơi xuống nước", sáng ra kể với cha, mọi người đều lấy làm lạ. Vừa gặp việc Lộc rất hợp với giấc mơ nên công tử mời vào nhà trong cho phu nhân và đàn bà con gái trong nhà xem mặt. Công tử nghe câu đối của Lộc rất mừng, nói "Tên phách nhạc là do tiểu nữ đặt ra, nghĩ mãi mà không đối được, nay mới được câu đối hay, cũng là duyên trời. Ta muốn để cháu làm người nâng khăn sửa túi cho ông, vả lại tệ xá cũng không thiếu nơi ở, không dám làm phiền phải rước dâu". Lộc bối rối từ tạ lại lấy cớ mẹ đang ốm không ở rể được. Công tử bảo cứ về bàn lại rồi sai mã phu thắng ngựa mang áo quần ướt đưa Lộc về.

Về tới nhà Lộc kê với mẹ, mẹ sợ cho là việc bất tường, từ đó mới biết Ngụy là kẻ hiểm độc nhưng vì gặp việc dữ mà được điều lành nên cũng không đem lòng thù oán, chỉ khuyên con nên xa lánh đừng giao thiệp với y nữa mà thôi. Qua vài hôm công tử lại cho nguời đến ngỏ ý với mẹ Lộc, rốt lại bà vẫn không dám nhận lời, Đại Nương bèn nhận lời rồi nhờ hai bà mối đi nộp sính lễ cho nhà công tử. Không bao lâu Lộc tới gởi rể ở nhà công tử, qua năm sau được vào học trường huyện nổi tiếng tài giỏi. Em vợ dần dần lớn lên, không kính trọng anh rể như trước nữa. Lộc tức giận bèn đưa vợ về nhà mình. Lúc ấy mẹ đã chống gậy đi lại được mấy năm liền nhờ có Đại Nương trông nom nên nhà cửa cũng khang trang.

Cô dâu mới đã về, tớ trai tớ gái tấp nập, rõ ra có phong thái đại gia. Ngụy bị tuyệt giao lại càng ghen ghét, giận không vạch lá tìm sâu gì được để hãm hại, gặp lúc có bọn cướp lớn đang bị truy nã bèn vu cáo Lộc giấu diếm tiền bạc cho chúng, Lộc bị xử đày ra ngoài cửa ải. Phạm công tử đút lót từ trên tới dưới chỉ xin miễn cho Huệ Nương khỏi bị đi đày, còn ruộng vườn nhà cửa đều bị sung công. May là Đại Nương cầm giấy chia gia tài  lên quan cãi lý, bao nhiêu ruộng vườn mói mua thêm đều đứng tên Phúc nên mẹ con mới được ở yên. Lộc nghĩ mình không trở về được nữa bèn làm giấy ly hôn đưa cha vợ rồi lẻ loi lên đường.

Đi được vài ngày tới đất Bắc Đô, vào ăn trong quán, thấy có người ăn mày khép nép ngoài cửa, mặt mũi rất giống anh mình, ra hỏi thì đúng là anh. Lộc kể chuyện mình, anh em đều buồn thảm. Lộc mở hành lý chia cho Phúc ít tiền bảo về nhà. Phúc rơi lệ nhận rồi chia tay.

Lộc tới cửa ải được sung làm lính hầu cho tướng quân, vì là học trò yếu ớt nên được giữ việc biên chép sổ sách, ăn ở chung với đám tôi tớ. Bọn họ hỏi han gia thế, Lộc kê hết, trong bọn có một người cả kinh nói "Đúng là con ta rồi". Thì ra Cừu Trọng ban đầu bị bọn cướp sai chăn ngựa, về sau chúng bỏ trốn, Trọng bị bắt đày ra cửa ải làm đầy tớ cho tướng quân. Trọng thuật lại rõ đầu đuôi, cha con mới nhận ra nhau bèn ôm nhau khóc, mọi người đều mủi lòng. Không bao lâu, tướng quân bắt đuợc vài mươi tên cướp lớn, trong có một tên chính là kẻ trước đây Ngụy vu cáo là bè đảng của Lộc. Kế lấy lời cung của y xong, hai cha con kêu khóc với tướng quân. Tướng quân dâng sớ rửa oan cho, vua biết chuyện bèn ra lệnh cho quan địa phương chuộc lại ruộng đất trả lại họ Cừu, cha con đều mừng rỡ. Lộc hỏi số người trong nhà đê tính cách chuộc mình cho cha mới biết từ khi theo hầu tướng quân Trọng đã hai lần lấy vợ mà không có con, lúc ấy lại vừa góa vợ. Lộc bèn sắm sửa hành trang về quê.

Trước đó Phúc chia tay em về tới nhà, khúm núm sụp lạy xin chịu tội. Đại Nương rước mẹ lên ngồi nhà trên, cầm gậy hỏi Phúc "Ngươi chịu đánh đòn thì có thể tạm cho ở lại còn không thì ruộng vườn nhà cửa của ngươi đã hết sạch, đây cũng không phải chô người xin ăn, mời xéo ngay!". Phúc khóc lạy xuống đất xin chịu đòn, Đại Nương vứt gậy xuống nói "Cái người đã bán vợ thì ta cũng chẳng thèm đánh đòn, nhưng án cũ vẫn chưa xóa, nếu tái phạm cứ báo quan thôi!", rồi lập tức cho người qua báo tin cho họ Khuơng. Cô gái họ Khuơng mắng "Ta là nguời gì của nhà họ Cừu mà phải báo tin!", Đại Nương cứ nhắc đi nhắc lại câu ấy để đay nghiến Phúc, Phúc hổ thẹn không dám lên tiếng.

 

Suốt nửa năm Đại Nương cho Phúc đủ ăn đủ mặc nhưng bắt làm việc như tôi tớ, Phúc cũng làm lụng không hề oán trách, có giao cho tiền bạc cũng không dám bừa bãi. Đại Nương xét thấy không có ý gì khác, bèn thưa với mẹ mời cô gái họ Khương về. Mẹ cho rằng không sao làm nàng hồi tâm lại được, Đại Nương nói "Không phải thế, nếu người ta chịu thờ hai chồng thì đã không tự chuốc lấy đau đớn khổ sở, chứ không thể không có nỗi uất hận ấy", rồi dắt em trai qua chịu tội. Ông bà nhạc trách mắng hết lời, Đại Nuơng quát bắt Phúc quỳ xuống rồi mới xin gặp mặt cô gái. Mời ba bốn lần nàng vẫn khăng khăng từ chối không chịu ra, Đại Nương kéo ra thì nàng chỉ mặt Phúc mắng nhiếc. Phúc thẹn toát mồ hôi, không sao tha thứ được cho mình, bà Khương mới kéo Phúc, bảo đứng lên. Đại Nương xin cho biết ngày trở về, cô gái nói "Trước nay chịu ơn chị rất nhiều, nay chị dạy như thế đâu dám nói gì khác nhưng sợ không giữ được khỏi bị bán lần nữa. Vả chăng ân nghĩa đã dứt, còn mặt mũi nào ăn ở với đứa vô lại xấu xa ấy nữa? Muốn xin chị cho một chỗ ở riêng, thiếp qua đấy phụng dưỡng mẹ già còn hơn cạo đầu đi tu là đủ". Đại Nương nói hộ là Phúc đã ăn năn, hẹn ngày mai qua đón rước rồi chào về.

Sáng hôm sau cho kiệu qua đón cô gái về, mẹ ra đón ở cổng quỳ lạy, cô gái cũng sụp lạy khóc lớn. Đại Nương khuyên lơn an ủi, dọn tiệc ăn mừng, bảo Phúc ngồi cạnh bàn rồi nâng chén rượu nói "Ta tranh giành khổ sở không phải để mưu lợi cho mình. Nay em đã hối lỗi, vợ hiền đã trở về, xin đem sổ sách giao lại, ta tới tay không thì cũng về tay không". Vợ chồng đều rời bàn tiệc đứng dậy, nghiêm trang vái lạy khóc lóc năn nỉ, Đại Nương bèn thôi. Không bao lâu lệnh rửa oan về tới, chỉ vài ngày ruộng vườn nhà cửa lại trở về chủ cũ. Ngụy kinh hãi không biết vì sao, tự giận mình không còn kế gì đê thi thố. Gặp lúc nhà láng giềng phía tây bị cháy, Ngụy lấy cớ chữa cháy chạy qua, ngầm lấy mồi rơm đốt nhà Lộc, gió lại thổi mạnh cháy lan gần hết, chỉ còn hai ba gian nhà của Phúc, cả nhà phải ở chung vào đó ít lâu sau Lộc về, gặp nhau mừng mừng tủi tủi.

Lúc trước Phạm công tử nhận được tờ ly hôn, đem bàn vói Huệ Nương, Huệ Nương khóc ròng xé nát vứt xuống đất, cha chiều ý không ép nữa. Lộc về nghe nỏi nàng chưa cải giá mừng rỡ tới nhà nhạc gia, công tử biết nhà Lộc vừa bị cháy, mượn giữ ở lại đó nhưng Lộc không chịu, cáo từ ra về. May là Đại Nương còn tiền cất được bèn đem ra sửa nhà, Phúc vác mai đi đào đất đắp nền, đào phải hầm tiền chôn. Đêm đến cùng em ra đào thì là một cái bệ xây bằng đá rộng khoảng một trượng chứa đầy tiền đồng, nhờ đó mướn thợ xây nhà, lầu gác san sát tráng lệ sánh ngang nhà đại gia. Lộc nhớ ơn tướng quân, sắp ra ngàn vàng để chuộc cha. Phúc xin đi, nhà bèn cho đầy tớ khỏe mạnh theo hầu. Lộc đón Huệ Nương về, ít lâu sau cha và anh cùng về, cả nhà vui vẻ tưng bừng.

Đại Nương từ khi về ở nhà mẹ thì cấm con tới thăm để tránh tiếng, nay cha đã về liền quyết ý xin đi, hai em không nỡ để chị đi. Cha bèn chia gia sản làm ba, con trai hai phần con gái một phần. Đại Nương từ tạ không nhận, hai em rơi nước mắt nói "Hai em không có chị thì làm gì có được ngày nay!". Đại Nương bèn ở lại, sai người gọi con dọn nhà vê ở chung. Có người hỏi Đại Nương rằng chị em khác mẹ sao gắn bó như vậy, Đại Nương đáp "Biết có mẹ mà không biết có cha, chỉ có cầm thú mới thế thôi? Là người sao lại bắt chước giống vật chứ". Phúc và Lộc nghe nói đều chảy nước mắt. Rồi sai thợ làm nhà cho Đại Nương, cũng rộng lớn như nhà mình.

Ngụy nghĩ hơn mười năm tìm cách gây họa mà hóa ra lại là tạo phúc cho người, rất hổ thẹn áy náy. Lại ngưỡng mộ họ Cừu giàu có, muốn làm thân bèn lấy cớ mừng Trọng mới về, đưa lê vật qua mừng. Phúc muốn từ chối nhưng Trọng không nỡ phật ý bèn nhận gà rượu. Gà có buộc dây vải ở chân, sổng ra chạy vào bếp, lửa bén vào dây vải, gà nhảy lên đống củi đậu, đám tôi tớ đều nhìn thấy nhưng chưa đê ý. Lát sau đống củi bốc cháy, cả nhà hoảng sợ, may có đông người nhiêu tay xúm lại dập tắt được ngay nhưng đồ đạc trong bếp đã cháy sạch, anh em đều bảo đồ vật của Ngụy là không lành.

Sau đó gặp ngày mừng thọ của Trọng, Ngụy lại biếu con dê, từ chối không được phải buộc dê vào gốc cây ngoài sân. Đến đêm có đứa tiêu đồng bị tên đầy tớ đánh, tức giận chạy ra gốc cây mở sợi dây buộc dê tự treo cô chết. Anh em than rằng "Y làm phúc lại không bằng y gây họa", từ đó tuy Ngụy vân ân cần, nhưng nhà Trọng không dám nhận đến một sợi chỉ, chỉ đối xử với y thật tốt mà thôi. Sau Ngụy già nghèo khổ phải đi ăn mày, nhà họ Cừu vẫn lấy ơn trả oán, chu cấp cho cái ăn cái mặc.

Dị Sử thị nói: Ôi, tạo vật quả thật rất không theo ý người. Càng thù ghét thì càng đem phúc tới cho, sự gian trá của kẻ kia không thể nói là quá đáng được! Nhưng mong được y thương yêu kính trọng thì lại gặp tai họa, chẳng cũng lạ ư? Thế mới biết nước suốỉ Đạo Tuyền*, vốc một vốc thì nhơ bẩn một vốc.

* Đạo Tuyền: tên một con suối ở tỉnh Sơn Đông, "Đạo" có nghĩa là trộm cuớp. Tuơng truyền Khổng Tử đi ngang suối ấy khát nuóc nhung không chịu uống vì ghét tên suối, nguời ta dùng tích này để chỉ việc kẻ quân tử tự trọng thân phận trong hành động. Đây có ý nói nên thận trọng trong việc giao du với nguời xấu.

 

(Cao Tự Thanh dịch)

Như truyện Trương Thành, Cừu Đại nương là truyện chỉ kể về người. Không có hồ, không ma, không tiên, không đạo sĩ. Ở đầu thế kỷ 17, khi quan niệm nam nữ còn rất nặng nề, thì Bồ tiên sinh đã rất cương quyết, vượt lên mọi giáo điều, đề cao nữ giới.

Một nữ nhân đởm lược, quyết ý, ngay thẳng, trung hậu và lại có phong thái của người chỉ huy. Mọi đức tính mà xưa nay, đều chỉ gán cho nam giới.

Ông đã đi trước thời đại. Rất xa.

 

Sau cùng là một bản dịch Anh ngữ khác của John Minford, rất gần đây, 2006, bản dịch này chỉ chọn chừng hơn trăm truyện. Và đây là truyện đậm đặc triết lý Phật giáo: nợ nần phải trả từ kiếp trước .

 

KARMIC DEBTS

A prominent mandarin named Wang Xianqian, of Xincheng, had a steward who was very comfortably off. One day, this steward dreamed that a man rushed into the house and said to him, ‘Today you must pay me back those forty strings of cash you owe me.’ The steward asked him who he was, but the man made no answer and hurried past him into the inner apartments. The steward awoke, to learn that his wife had given birth to a son, and he knew at once that this child was a karmic retribution, his ‘payment’ of a debt contracted in a previous life. He duly set aside forty strings of cash, the sum specified in his dream, and used it to buy whatever food, clothes and medicines the baby might need. By the time the boy was three or four years old, the steward found that of the forty strings (forty thousand coins all told), there remained no more than seven hundred coins. One day, when the wetnurse came by and played with the child before his eyes, the steward merely looked at him and exclaimed, ‘The forty strings are nearly spent. It is time you were on your way.’ The words were no sooner spoken than the child pulled a strange face, his head fell back and his eyes opened in a glassy stare. They tried to revive him, but without success. The father used the balance of the forty strings to pay for a coffin, and buried him. This should be a warning to people with unpaid debts.

The wet-nurse came by with the child.

(Strange Tales from a Chinese Studio, John Minford, London, 2006)

 

BỐN MƯƠI NGÀN

Đất Tân-thành có một ông giàu có, nằm chiêm bao thấy một người chạy vào nhà mà nói rằng : ông thiếu bốn mươi ngàn, nay phải trả lại. Ông ấy lật đật hỏi, thì người ấy thoát vào nhà trong mà đi mất. Đến khi ông nhà giàu thức dậy, thì vợ chuyển bụng đẻ đặng một đứa con trai. Ông ấy biết nó là oan nghiệt, bèn lấy bốn muôn đồng tiền để riêng ra một chỗ : nhứt thiết sắm sanh đồ ăn, áo mặc, hay là chạy thuốc thang cho con trẻ ấy thì cứ lấy tiền ấy mà tiêu. Khi con nít ấy đặng ba bốn tuổi thì số tiền còn có 700. Tình cờ bà vú bồng con nhỏ ấy lại gần giỡn chơi, ông nhà giàu bèn kêu con mà nói chơi rằng : bốn mươi ngàn gần hết rồi, mầy phải đi đi. Ông ấy nói vừa rồi, con nít ấy liền biến sắc dàu dàu, nghẽo cổ trợn mắt ; lại ôm nó thì nó đã tắt hơi, bèn lấy tiền dư 700 ấy mà lo việc cấp táng cho nó. Ấy cũng nên gương cho những người mắc nợ mà không chịu trả.

Xưa có một người già mà không con, hỏi một ông Hòa thượng vì cớ gì mà mình không con. Ông Hòa thượng trả lời rằng : nhà ngươi không thiếu người ta, người ta không thiếu nhà ngươi thì làm sao cho có con. Bỡi vì sanh con lành, thì để mà trả duyên ta, sanh con dữ thì để mà đòi nợ ta ; có con chớ mầng, con chết chớ rầu.

(Huỳnh Tịnh Của, Chuyện Giải buồn, cuốn 1, bản in lần 2, 1886)

Bản Cao Tự Thanh dịch tựa là Bốn Mươi Ngàn Đồng, Tứ Thập Thiên, bản Nguyễn Đức Lân cũng dịch tương tự, Bốn Chục Ngàn Đồng.

Chỉ bản John Minford này dịch Karmic Debts, Món Nợ Tiền Kiếp, tuồng như John Minford rất thông hiểu Phật học).

 

 

Những đêm mưa

2024

NTH


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết