PHỐ CỔ ĐỒNG VĂN, KÝ ỨC TRÊN CAO NGUYÊN ĐÁ
Đây là kiến trúc ban đầu hình thành nên phố cổ Đồng Văn. Chỉ có 2 dãy nhà làm chợ, bên trái giờ thành dãy quán cà phê, bên phải vẫn làm sạp chợ. Ở cuối, có một dãy ngang, dựa lưng vào núi, thành hình chữ U.
Bên phải là dãy chợ với các sạp hàng, bên phải là các quán hàng chỉ ngăn nhau bằng vách và quầy thu ngân, tất cả đều là quán giải khát. Có lẽ ban đầu là nhà lồng chợ, sau dành để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Không thoát được cái bóng ám ảnh của núi đá. Đây là kiến trúc chính của phố Đồng Văn xưa. Các dãy nhà phố chỉ được xây cất thêm khi chợ đã thành hình.
Dãy ngang ở cuối. Cũng có dạng nhà lồng chợ
Cao nguyên đá Đồng Văn, công viên địa chất toàn cầu, bao gồm 4 huyện của tỉnh Hà Giang là Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn và Mèo Vạc. Diện tích chừng 2.000km2.
Như tên gọi, độ cao của vùng này là 1.000-1600m. Đặc sản phổ biến nhất chỉ có đá và đá. Tai mèo là chính. Nước rất ít, đất rất hiếm. Ở Yên Minh còn thấy rừng thông, một chút êm đềm, chứ từ Quản Bạ trở đi, không còn chỗ cho rừng tập trung nữa.
Nhưng thiên nhiên và con người vẫn tìm thấy nhau. Đây đó là vài thung lũng, rộng thì vài chục, hẹp thì vài nóc gia.
Thế nên khi thấy 2 thung lũng khá rộng, đủ chỗ xây dựng cả một dinh thự, vừa làm chốn ăn ở và làm việc vừa là đồn binh phòng thủ, như dinh họ Vương; và một nơi tập trung đến hơn 40 nóc gia như Đồng Văn, thì đừng ngạc nhiên.
Được xây dựng gần như đồng thời, khoảng sau những năm 1920, nên, nếu tính tuổi, phố cổ Đông Văn và dinh họ Vương không thể nào so sánh những phố cổ hơn 200 năm trở lên như phố cổ Hà Nội và phố cổ Hội An. (Chị Vương thị Chở, chắt nội của vua Mèo Vương Chính Đức, hướng dẫn viên ở dinh họ Vương, nói là dinh này xây dựng năm 1898, xong năm 1903; lại có tài liệu cho biết xây năm 1919, xong năm 1926. Biển sắc phong của vua Khải Định ghi năm 1923, thì chắc là phải xây dựng sớm hơn thời điểm 1919)
Những gì của lịch sử để lại, không tính bằng tuổi, dù nó là tiêu chí đầu tiên để xếp hạng. Cái hồn của di tích mới là cái làm say lòng người. Và nếu thế, phố cổ Đồng Văn xứng đáng là linh hồn của cao nguyên đá, là một mảnh ký ức, một thời vang bóng đã qua.
Giữa vô vàn khô khốc, dữ dội của đá. Thì Đồng Văn xuất hiện như một nốt cao. Làm du khách ngỡ ngàng. Con người đã chen ngang, lặng lẽ nhưng cứ chầm chậm trôi trong lòng đá núi.
Phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An sống với con người, đi chung với lịch sử, đã hàng trăm năm. Phố cổ Đồng Văn không đi cùng lịch sử, vì không hề được lịch sử ghi nhận. Nó chỉ sống trong tâm trí con người. Nó sống với thiên nhiên, hoà cùng thiên nhiên. Và cứ âm thầm trôi theo dòng đời.
Phố cổ Hà Nội có đến 36 phố, mỗi phố buôn bán một mặt hàng riêng. Nhà rất hẹp, sâu hun hút, tránh ánh mắt người qua đường, và hầu hết đều có sân trong, một dạng giếng trời để lấy ánh sáng và thông khí. Phố cổ Hà Nội là cả một thành phố. Hội An là một dãy phố, chạy dọc theo con sông Hoài mơ màng, mang đậm dấu ấn kiến trúc Hoa. Đồng Văn, trẻ tuổi hơn, cũng mang nét kiến trúc Hoa, vì do thợ người Hoa sang xây dựng, bằng vật liệu và nét riêng của người sắc tộc bản địa _ trình tường, cột gỗ nghiến, chân cột kê bằng đá…và một ít nét riêng của kiến trúc Pháp, lan can bằng gỗ.
Cái khác biệt của Đồng Văn là phố tựa lưng vào vách núi. Cái mềm mại của kiến trúc, làm mềm đi đá núi. Họ không phá núi làm nhà. Núi chừa một khoảng đủ rộng cho người. Và cứ thế, núi, tức là thiên nhiên, đi cùng người và lặng lẽ trôi theo dòng thời gian.
Tên gọi Đồng Văn được phiên từ tiếng quan thoại “Tổng Puôn” có nghĩa là cánh đồng buôn bán, trong lịch sử đây là trung tâm giao thương của cả huyện Đồng Văn rộng lớn, là đầu mối chính trung chuyển thuốc phiện sang Trung Quốc. Dù rằng, nhà buôn chính, nhà cung cấp chính, họ Vương tức vua Mèo, chỉ giao dịch ở Phố Bảng, ở về phía tây dinh cơ, chứ không qua phía đông là thị trấn hay phố cổ Đồng Văn. Có lẽ để tránh xung đột với người Tày, và với Pháp.
Khu vực trung tâm thị trấn Đồng Văn xưa thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Yên tỉnh Hà Tuyên. Sau đó tách nhập thuộc châu Bảo Lạc do một thổ quan người Tày họ Nông ở Bảo Lạc cai quản. Khi thực dân Pháp chiếm đóng đã tách Đồng Văn ra khỏi Bảo Lạc.
Sau khi chiếm được Hà Giang, năm 1887, thì đến năm 1891, người Pháp lập đội quan binh số 2, gồm Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, để dễ bề nắm vững tình hình an ninh. Năm 1893, lại thuộc về đội quan binh số 3, Tuyên Quang, Hà Giang. Và họ khôn khéo giao cho các thổ ty, tức quan chức người địa phương, quản trị vùng đất của mình. Cai trị Đồng Văn thuở ấy là ông Nguyễn Chấn Quay, như là một đại lý của Pháp. Thực sự, người Mông (hay H’mông), dưới quyền Vương Chính Đức, sau khi đuổi được Cờ đen, không tuân phục người Pháp, vẫn tổ chức kháng chiến. Không sao khuất phục được, nên đến tháng 10.1913, Pháp phải ký hoà ước với Vương chính Đức, giao quyền tự trị Đồng Văn cho chúa Mèo (là cách gọi xưa, nay là Mông hay H’Mông). Vương Chính Đức, nắm đầu mối buôn bán thuốc phiện, nguồn lợi chính của Hà Giang. Nên Dinh họ Vương mọc lên. Và họ, tức người Pháp, cho phép ông Lương Trung Tú, lý trưởng thị trấn Đồng Văn, xây dựng nên phố chợ Đồng Văn, gồm 2 dãy bao quanh chợ, có lẻ như một cách kiểm soát thế lực họ Vương. Ông Lương là người Tày. (Dinh họ Vương cách phố cổ Đồng Văn chừng 14km)
Tết Nguyên đán năm 1923, chợ Đồng Văn bị cháy lớn, thiêu rụi cả chợ, vốn chỉ làm bằng tranh tre nứa lá. Dân địa phương thuê thợ Tứ xuyên bên Tàu qua tham gia xây lại phố. Có chừng 15 gian, xếp thành 3 dãy hình chữ U. Ban đầu chỉ có người HMông và Tày, sau có thêm người Nùng, Hoa và Kinh cũng làm nhà nối tiếp dãy phố chính chạy vào đến chân núi.
Nhà xây kiên cố, cột đá, mái ngói âm dương, một số tường trình, gạch nung nên rất chắc. Riêng dãy nhà chợ là tường đá. Khung cửa ra vào hay cửa sổ dạng vòm bằng đá, cột nhà bằng đá hay gỗ nghiến. Một số làm kiểu 3 gian, một số dạng nhà ống như ở Hà Nội.
Nhìn chung, phố cổ Đồng Văn vẫn giữ hình hài như xưa.
(Theo tài liệu của tác giả Lường Ánh Hồng, Phố cổ Đồng Văn - Quá trình hình thành và phát triển (hagiang.gov.vn)
Và hồn phố cổ thì vẫn đâu đó.
Đã từng có một nhà văn, Carlo Collodi, tạo nên tượng gỗ Pinocchio, rồi thổi linh hồn vào cho nó, biến nó thành người. Vậy nên, có phải chăng, ông Lương Trung Tú, khi xây dựng khu phố chợ Đồng Văn, cũng đã thổi hồn đá núi vào phố chợ, hóa thân nó thành một phố cổ sống cùng con người, núi đá và thời gian.
Thị trấn Đồng Văn nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc. Buổi sớm, nếu hôm nào trời có nắng, không biết màu vàng của nắng có nhuộm vàng màu phố cổ. E rằng không, vì tường vàng là đặc trưng của phố cổ Hội An, còn nhà ở phố cổ Đồng Văn là tường đá chỉ có màu xám, mái ngói thì màu nâu trầm. Hôm chúng tôi đến, trời nhiều mây và sương mù, nên phố cổ trở nên trầm mặc, chỉ thấy mang mang màu khói.
Theo tài liệu từ một cuộc hội thảo về phố cổ Đồng Văn thì tại khu vực này còn khoảng trên dưới 40 ngôi nhà cổ có tuổi đời trên dưới 100 năm, cá biệt có những ngôi nhà gần 200 năm như nhà ông Lương Huy Ngò, người Tày và được xây dựng từ khoảng năm 1860.
Từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã tổ chức mỗi tháng 3 "đêm phố cổ" vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch. Theo đó các hộ dân trong khu phố cổ đồng loạt treo đèn lồng đỏ, một số hoạt động như trưng bày thổ cẩm các dân tộc, trình diễn và bán các món ăn truyền thống của các dân tộc với kỳ vọng thu hút khách du lịch theo kiểu một phố cổ Hội An.
1860, tuổi ngang với nhiều nhà cổ ở Hà Nội. Và nếu thế, phố cổ Đồng Văn rộn rịp từ khi phố chợ được xây cất lại, sau 1923, khi hỏa hoạn thiêu rụi chợ cũ. Chứ nó vốn có trước đó rất lâu. Và chắc rằng, sau khi họ Vương đã nắm quyền tự trị (sau 1913), tình hình buôn bán ở phố chợ Đồng Văn càng thêm sôi động.
Như nội dung cuộc hội thảo chỉ ra, nhiều nhà xây cất giống nhà ở Hà Nội. Đi qua phố chính, khách du cảm giác như đang lạc vào thời quá khứ. Phố cổ Hà Nội, chỉ còn cái tên ví như phố hàng Đường, hàng Than, hàng Đào, có bán đường, bán than, bán vải vóc đâu, và rất nhiều nhà đã cải tạo lại gian dưới làm chỗ kinh doanh, buôn bán. Đôi nhà còn giữ được cái gác, như một mảnh hồn hoang. Biết làm sao được. Người ta còn phải sống chứ. Phố cổ Đồng Văn, thực sự là phố cổ. Kiến trúc chính là ký ức của di sản, như con người có kỷ niệm vậy.
Chợ của người Mông, đầu thế kỷ 20. Chợ Đồng Văn có lẽ ban đầu cũng giống như thế, sạp cất bằng tranh tre (Les Races du Haut-Tonkin, Maurice Abadie, Paris, 1924)
Rất tiếc đã không vào đây uống cà phê. Một căn nhà đặc trưng của phố cổ. Nhà 3 gian, 3 cửa, khá lạ. Có cả ống khói.
Đêm phố cổ. Không có ánh đèn đường, chỉ có đèn từ nhà và các hàng quán hắt ra. Trăm năm trước, là nơi Đèn Không Hắt Bóng. Dãy nhà này chỉ xây thêm khi khu chợ đã thành hình
Linh hồn phố cổ
Cô bé người H’mông, phụ quán cà phê ở phố cổ. Công việc ở đây chắc làm đời sống cô tốt hơn một chút. Một khía cạnh tích cực của du lịch
Góc phố cổ, ban đêm
Và, ban ngày. Để ý tấm biển chỉ dẫn màu vàng phía dưới
Là nó đây:
Hóa thạch Trùng thoi
Được phát hiện tại vách núi dọc đường phía sau Chợ cổ Đồng Văn, Thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và một số nơi khác trong vùng.
Đây là hóa thạch của một loài sinh vật đơn bào sống trong môi trường biển cách ngày nay khoảng 345 triệu năm (vào kỷ Carbon). Chúng phát triển mạnh mẽ trong suốt gần 100 triệu năm và tuyệt diệt sau cuộc khủng hoảng sinh giới lớn nhất hành tinh xảy ra cách ngày nay khoảng 251 triệu năm (vào cuối kỷ Permi).
Những sinh vật kỳ lạ này có tên khoa học là Trùng Thoi, trông giống như những quả bóng bầu dục nhỏ kích thước cỡ hạt đậu tương. Sau khi chết, lớp vỏ vôi cứng của chúng được bảo tồn và trở thành hóa thạch. Các hóa thạch Fusulinids phong phú và được bảo tồn tốt rất có ích cho nghiên cứu, phân loại và xác lập lại điều kiện môi trường thành tạo của các đá chứa chúng.
BQL Công viên địa chất (dongvangeopark.com)
Chuyện thương hải tang điền, bãi bể nương dâu, biển xanh thành phố, là có thật. Không phải 500 năm mà là 500 triệu năm. Thời gian như nước chảy qua cầu ! Ngày xưa, đây là biển, giờ là nhà, là phố chợ. Tính theo tuổi phố cổ, Đồng Văn chỉ là hàng em út. Nhưng theo tuổi đời, hay tuổi địa chất, Đồng Văn phải là cụ, kỵ.
Đến đây, là chúng ta đang đứng ờ thời quá khứ, khi mà trái đât đang trong tiến trình tạo lập.
Khung cửa đều có dạng vòm. Quán ở dãy cuối, tựa lưng vào vách núi. Gian dưới rất cao, vách đá; gác lại rất thấp, vách gỗ: một tương phản lạ lùng.
Cà phê, đêm phố cổ. Đây là khu nhà lồng chợ, sửa lại thành các quán cà phê, giải khát. Gọi thế thối, chứ muốn bia hơi Saigon, cũng có. Hãy nhìn tấm biển bên trái.
Và, cà phê sáng hôm sau
Khung cửa dạng vòm, tường đá và gạch nung. Cửa vào, nhìn từ cuối dãy
Dãy phố chính, ban đêm
Và, ban ngày, buổi sáng
Một căn nhà cổ ở dãy phố chính, ban ngày. Mái ngói âm dương, cột gỗ nghiến, chân kê bằng đá, gần giống chân cột ở dinh họ Vương, lan can với hàng chấn song con tiện bằng gỗ, một nét kiến trúc tây. Không một chút nào hình dáng nếp nhà người Hmông, hay Tày với tường trình và bờ rào đá. Thị trấn Đồng Văn từ đầu thế kỷ 20 đã là ngã tư quốc tế, nơi hội họp đủ các sắc dân: Tây, Tàu, Việt, Hmông, Tày, Nùng, Lôlô, Dao, Thái…
Góc nối dãy cuối và dãy nhà phố bên trái. Trái núi như vị sơn thần bảo hộ cho dân phố. Hội An có sông Hoài thì Đồng Văn có Sơn thần
Cháo ấu tẩu _ Món cháo ấu tẩu ở thành phố Hà Giang. Do bữa tối ở tp Hà Giang, nhiều người không vừa miệng nên kiếm phở, cháo ấu tẩu dằn bụng
Đây là lẩu gà đen ở nhà hàng Hưng Thịnh, Đồng Văn, với bia Tam giác mạch, đặc sản quê hương của vua Mèo. Đặc sản, là gà đen và tam giác mạch. Chứ lẩu và bia là thức dưới miền xuôi đem lên. Gọi là giao lưu văn hóa
Chú gà này đây
Tóm được chú ở chợ Mèo Vạc
Vài đặc sản của Đồng Văn
Đối với người châu Âu, những cuộc dạo chơi qua các phố cùa người bản xứ khi tắt nắng là một trong những thú tuyệt vời...
Những đường phố đông người, những khu dân cư đẹp tuyệt vời, trong dó có những tâm hồn tinh tế cùa một dân tộc nhẹ nhàng và đáng yêu. trong mùi hương thoang thoảng tỏa ra từ các nhà của người Tầu.
(Pierre Pasquier, Toàn quyền Đông dương 1928-1934)
Đó là phố cổ Hà Nội trong mắt một người Pháp. Mùi hương ở các phố người Tàu, ta hiểu là mùi thuốc bắc thoang thoảng, thơm dịu. Ấy là chuyện đời xưa. Ở phố cổ Đông Văn, mùi mắc mật, hay ấu tẩu, gia vị quen thuộc của người thượng du, không nồng, không đủ dư hương để du khách, dù chỉ đi thoáng qua, cảm nhận được. Đành nhìn bảng quảng cáo để biết. Nhưng chính đó là cái riêng có của miền cao biên giới. Chẳng nhẽ đến Đồng Văn, Mèo Vạc… lại ăn cơm tấm Sàigòn, bánh tôm Tây hồ, bún chả Hà Nội, bún bò Huế… Ẩm thực, là một nét của văn hóa. Dù sao thì thắng cố (gồm toàn bộ nội tạng ngựa, cả xương thịt nấu chung với gia vị núi rừng) hay mèn mén (bột ngô hấp) khó ăn với nhiều người nên thôi thì giao lưu văn hóa cho hợp với số đông.
Cây mắc mật, sau nhà hàng Lan Phương, thị trấn Bảo Lạc, Cao Bằng, nơi có sông Lô chảy qua.
Củ ấu tẩu ở chợ Mèo Vạc
Đã từng có một vua Mèo kiêu hùng, làm người Pháp điêu đứng. Đã từng có những tay chọc trời khuấy nước, thành danh xưng Thổ phỉ Đồng Văn. Người Mèo kiêu hãnh, thích độc lập, nên chấp nhận cuộc sống khổ cực, thiếu thốn trên núi cao. Nhưng họ vẫn có vài sinh hoạt tinh thần, xua đuổi cái khó, cái nghèo: chợ tình, chợ phiên. Vài loại nhạc khí như khèn, sáo làm vui tai, vui mắt cho những lễ hội. Ấy là điệu Khèn réo rắt, tiếng sáo du dương ở nhà Pao. Nhưng tiếng sáo Mèo vương vấn của chú bé cô độc trên Đèo Thẩm Mã với một khán giả phương xa cảm mến chú mới làm nhớ mãi.
Tiếng Khèn và Sáo là vài chú bé tự biểu diễn để kiếm chút tiền tiêu vặt, nên không khí có khác (nghe được ở điểm Nhà Pao). Như tiếng nhạc, tiếng hát bâng khuâng khi đi trên phố. Nếu chúng tôi đến vào “Đêm Phố Cổ”, có thể đã được nghe đầy đủ giai điệu của người Hmông. Hơi tiếc.
Đó là điều đáng tiếc duy nhất trong chuyến hành trình. Thôi thì nhìn cái Khèn, ở phố huyện Yên Minh cho đỡ tiếc.
Tiếng sáo Trương Chi trên đèo Thẩm Mã
Dàn hoà tấu Khèn, Sáo, ở Nhà Pao. Các nhạc sĩ say sưa đến nghiêng ngả cả đất trời
Song tấu, Khúc Dương và Lưu Chính Phong, Tiếu ngạo giang hồ khúc. Nhà Pao
Tháng 6.2023
NTH
-
TƯƠNG BIỆT BA BỂ< Trang trước
-
DỐC BẮC SUM, HÙM CÁN TỶ, PHỈ ĐỒNG VĂNTrang sau >
Có lẽ đây là nơi thú vị nhất trong chuyến hành trình Đông Bắc của ACE KSG. Cám ơn chú Hải đã ghi lại những kỷ niệm và hình ảnh đẹp.
Son Ng.