CẢM GIÁC HỤT HẪNG KHI XEM PHIM ĐỌC TRUYỆN
Đó là sau bao nhiêu công sức, tận lực cho công việc, thì kết quả là con số không tròn trĩnh.
Đơn cử 2 ví dụ. Phim CẦU SÔNG KWAI và truyện QB VII (Queen’s Bench Courtroom Number Seven). Phim của đạo diễn David Lean, còn truyện thì của Leon Uris, rất nổi tiếng với cuốn Về Miền Đất Hứa (tựa tiếng Anh là Exodus).
Phim Cầu sông Kwai, công chiếu năm 1957, đoạt 7 giải Oscar trong cùng năm, với giải 3 giải quan trọng nhất, giải phim hay nhất, đạo diễn và nam chính xuất sắc nhất. Được chọn bảo quản ở Viện Lưu trữ quốc gia phim của Mỹ.
(Nhưng giải Oscar ấn tượng nhất của phim này là Oscar cho nhạc phim của Malcolm Arnold. Nghe bản này ở đây:
Hay, ở đây:
https://www.youtube.com/watch?v=CB8F8g1-4Uw
Bàn nhạc thể hiện đầy đủ phẩm chất của người lính Anh: can đảm, trọng danh dự, ý chí và nghị lực.)
Có điều hơi buồn cười là phim ca ngợi người lính Anh, nhưng dựng theo truyện của tiểu thuyết gia người Pháp, Pierre Boule (mà người Pháp và người Anh ghét nhau như chó với mèo).
Điều hụt hẫng muốn nói ở đây là các tù binh, bỏ ra bao nhêu mồ hôi, nước mắt, xương máu để dựng cây cầu (chỉ để cho quân Nhật vận chuyển hàng hóa cho chiến tranh), để rồi ngày khánh thành, khi đoàn tàu đang chạy qua, thì quân kháng chiến và biệt kích Mỹ đặt bom phá tung cây cầu.
Công sức đổ sông đổ biển.
Người Việt ta gọi là “dã tràng se cát”.
Dã tràng se cát biển đông
Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì.
(Dĩ nhiên là giữa phim và sự thật ngoài đời thì khác nhau xa, nhưng ở đây chỉ nói chuyện phim, không kể chuyện đời).
Và đó cũng là cảm giác khi đọc truyện QB VII.
Chuyện kể vụ kiện tụng giữa viên bác sĩ người Anh gốc Ba lan, Adam Kelno, mang tước Hiệp sĩ do Hoàng gia Anh ban tặng, kiện nhà văn người Mỹ, Abraham Cady, tội phỉ báng, làm mất danh dự.
Nguyên là ông nhà văn có xuất bản thiên tiểu thuyết The Holocaust (Lò thiêu). Kể chuyện một viên bác sĩ Ba lan, hợp tác với Đức quốc xã, thực hiện những vụ phẫu thuật thí nghiệm trên tù nhân ở trại giam Jadwiga, Ba lan.
Vụ kiện được đem ra xét xử ở Toà án Hoàng gia, phòng số 7. Tham gia biện hộ cho hai bên nguyên, bị, đều là các luật sư danh tiếng nhất của Anh. Nhân chứng của bên bị, tức là bên bị kiện, nhà văn Abraham Cady, là những tù nhân còn sống sót, hầu hết là người Do thái, đang sinh sống ở Israel.
Những lời chứng của họ trước toà, cho thấy sự rùng rợn của các vụ phẫu thuật, mổ xẻ trên thân người mà không có thuốc mê.
Bên bị bỏ ra rất nhiều công sức, đi tìm những tù nhân còn sống, những người chịu thí nghiệm ở trại Jadwiga. Trong số họ, rất ít người chịu ra làm chứng, vì tủi hổ, vì e ngại quá khứ đau buồn làm tổn hại gia đình.
Bên nguyên cũng hao tổn công sức không kém để tìm và đưa bằng chứng về quá khứ đầy hào quang của bác sĩ Adam Kelno. Sau chiến tranh, ông tình nguyện đi phục vụ người nghèo ở Indonesia. Chính những cống hiến ở đây mà ông được phong tước Hiệp sĩ. Đồng thời cũng cho rằng, các lời chứng về quãng thời gian ông làm việc ở trại giam Jawidga đều là giả dối.
Kết quả phiên tòa: bên bị thua, bị tuyên phải bồi thường cho bên nguyên 1 đồng danh dự (one haftpenny).
Chỉ là 1 đồng thôi. Tất cả những uất hận, những nghẹn ngào, những oan khuất của người Do thái, đã trôi theo dòng nước. Không được thừa nhận, không được đếm xỉa. Chỉ là vu khống mà thôi.
Xem thêm một tấm ảnh bià khác của cuốn tiểu thuyết QB VII để thấy sự mỉa mai của phiên tòa.
Thần Công lý bị bịt mắt
Hụt hẫng.
Trích dịch 2 chương cuối về phiên toà này.
CHƯƠNG 37
Thomas Bannister(là luật sư của bên bị, nhà văn Abraham Cady) sắp xếp lại vụ án trong khoảng chừng vài giờ bằng chất giọng du dương trầm ấm, cái chất giọng đã điều khiển phiên toà.
“Đây là một câu chuyện, như lịch sử đã ghi lại, về những gì người Công giáo đã làm với người Do thái vào thế kỷ 12 ở Âu châu. Và trong suốt lịch sử của chúng ta, không có một chương nào đen tối. Tất nhiên, Hitler và nước Đức phải chịu trách nhiệm những gì đã xảy ra, nhưng nó hẳn đã không xảy ra nếu như hàng trăm ngàn con người không chịu hợp tác.
“Tôi đồng ý với ông bạn uyên bác của tôi rằng quân đội được dạy phải tuân lệnh, nhưng người ta cũng thấy có bằng chứng rõ ràng có từ chối tuân lệnh đi giết kẻ khác. Câu chuyện của Abraham với Chúa. Phải, chúng ta đều biết phần kết câu chuyện này. Chúa đã hiểu theo nghĩa khác và không coi con ông ấy là trọng. Tất nhiên tôi không đánh giá Đại tá SS Adolph Voss là Đức chúa khác hơn như tôi hình dung Adam Kelno là Abraham. Vấn đề là Voss không làm thí nghiệm Otto Flenberg trên bác sĩ Kelno. BS Kelno đã nhìn mọi việc rất lâu và không chống lại bất cứ điều gì. Ông làm cái ông ta phải làm không chút do dự, không có sự đe dọa, không có chút khủng khiếp nào đối với ông ta.
“Vâng, quý vị đã nghe ông làm chứng rằng ông từ chối tiêm phenol vào tù nhân. Chuyện gì xảy đến với ông khi ông làm thế ? Ông sẽ bị trừng phạt ra sao ? Ông biết rõ các bác sĩ sẽ không bị bắn, không bị đưa vào phòng hơi ngạt. Ông biết rõ thế mà !
“Quý vị hẳn phải nghĩ một kẻ đã làm những gì như Adam Kelno phải bị bắn, phải coi như mình may mắn, chạy trốn với lương tâm trĩu nặng, nếu ông ta còn chút lương tâm, và đã không bới nó lên sau 25 năm. Ông làm vậy vì ông nghĩ mình có thể yên ổn với nó. Nhưng hỡi ôi, sổ y bạ lại được mở ra, và ông phải thú nhận rằng mình đã nói dối hết lần này đến lần khác.
“Có ai trong phòng này có con gái lại quên được Tina ? Tina Blanc-Imber, có mẹ, có cha, sống sót qua lò thiêu, và họ biết rằng con gái họ đã bị giết như con chuột thí nghiệm hình người. Không phải là một bác sĩ quốc xã giết cô, mà là một người Ba lan, một đồng minh thân cận. Điều này đã xảy ra cho bất kỳ người nào trong chúng ta, khi chúng ta biết rằng một viên bác sĩ người Anh đã hủy hoại con cháu chúng ta bằng một cuộc giải phẫu thí nghiệm vô tác dụng, sai lầm và tàn bạo… Phải, chúng ta hẳn phải biết hậu quả với ông ta là như thế nào.
“Tôi đồng ý rằng Trại Tập trung Jadwiga thì khủng khiếp như bất kỳ trại tập trung nào khác. Song, thưa bồi thẩm đoàn, tính vô nhân đạo của con người đối với con người cũng cũ kỹ như chính con người vậy. Chỉ vì một con người ở trong trại Jadwiga cũng như bất kỳ nơi nào khác, nơi con người không còn là người, mà không cho anh ta được rời đi để hủy hoại nhân cách, tôn giáo, triết lý hay tất cả những điều biến anh ta thành kẻ đáng kính trong giòng giống loài người.
“Quý vị đã nghe lời chứng của một số bác sĩ trong Trại tập trung Jadwiga, hai trong số những phụ nữ cao quý và can đảm nhất đã làm vinh dự cho toà án nước Anh. Một là người Do thái và là Cộng sản, còn người kia là Công giáo thuần thành. Điều gỉ xảy ra khi Bác sĩ Voss đe dọa bật công tắc trên Bác sĩ Viskova. Bà đã từ chối và sẵn sàng nhận số phận của mình. Còn Bác sĩ Susanne Parmentier… bà cũng đã ở tận cùng địa ngục Jadwiga. Xin quý vị vui lòng nhớ lại những gì bà đã nói với Bác sĩ Flenberg.
“Và quý vị đã nghe người can đảm nhất trong tất cả. Một con người tầm thường. Một giáo sư các ngôn ngữ La mã trong ngôi trường học nhỏ ở Ba lan. Daniel Dubrowsky, người đã hy sinh chất nam tính của mình cho một thanh niên trẻ để có cơ hội biết được cuộc sống bình thường.
“Thưa bồi thẩm đoàn. Có một khoảnh khắc trong đời khi cuộc sống riêng không còn ý nghĩa khi nó bị nhắm đến việc cắt xẻo và giết chết người đồng hành. Có một ranh giới tinh thần không ai có thể vượt qua nó mà vẫn mạnh miệng tuyên bố vẫn là thành viên của cộng đồng loài người khi kẻ đó đang tiến đến London hay Jadwiga.
“Ranh giới ấy đã bị vượt qua và không thể có sự cứu chuộc nào nữa. Chủ nghĩa bài Do thái là sự trừng phạt loài người. Nó là dấu ấn Cain trên mỗi chúng ta. (the mark of Cain: Cain là con trai đầu của Adam và Eva, bị nguyền rủa vì tội giết em trai Abel. Có thuyết cho đó là dấu vết trên cơ thể, có thuyết cho chỉ là dấu hiệu)
“Không gì mà ông ta đã làm từ trước hay từ đó có thể cứu rỗi cho những việc ông ta đã làm ở đó. Ông ta đã bị tước quyền được chúng ta thương xót. Và tôi đề nghị ông ta không nên được một bồi thẩm đoàn của Anh quốc tưởng thưởng vì những việc ông ta đã làm ngoại trừ sự khinh bỉ và trả cho một đồng xu teng.
CHƯƠNG 38
Anthony Gilgray (là luật sư của bên nguyên, bác sĩ Adam Kelno) nói, “Thưa bồi thẩm đoàn. Chúng ta đã đi đến hồi kết lời chứng trong suốt một tháng trong vụ kiện tội phỉ báng dài nhất trong lịch sử nước Anh. Bản chất của lời chứng cung cấp ở đây là chưa từng nghe thấy trước một phiên tòa dân sự Anh và nó chứa đầy những mâu thuẫn. Các thế hệ tương lai sẽ mô tả Trại Tập trung Jadwiga là tội ác lớn nhất, nhưng chúng ta ở đây không xử sự như trong phiên tòa xử tội phạm chiến tranh. Chúng ta ở đây để phân xử một vụ kiện liên quan đến luật dân sự của Anh.”
Bản tóm lược là công việc khó nhọc, Anthony hoàn thành bằng trí thông minh phi thường, kéo giảm tính chất mọi sự trở thành thường luật, những sự kiện và chứng cớ đều trở nên xác đáng, và những gì đã giải quyết. Sau một ngày rưỡi, ông đẩy gánh nặng qua cho bồ thẩm đoàn.
Thomas Bannister đứng dậy lần sau cùng. “Thưa Ngài chánh án, có hai sự việc cần giải quyết. Xin Ngài vui lòng giải thích trước khi bồi thẩm đoàn nghị án.”
“Trước tiên, xin ông xác định là ông đứng về phía nguyên hay bị. Nếu đứng về bên Bác sĩ Kelno và đồng ý là ông bị xỉ nhục, thì ông phải xác định mức độ thiệt hại dành cho ông ấy.”
“Cám ơn, thưa Ngài chánh án.”
Gilgray nói, “Thưa bồi thẩm đoàn. Tôi không còn làm được gì nữa. Việc là của quý vị. Mất bao lâu tùy quý vị. Nhân viên của tôi sẽ làm hết sức để cung cấp những gì quý vị cần, cả việc ăn uống, đèn đuốc. Còn một việc sau cùng. Chính phủ Ba lan, thông qua tòa đại sứ, đã yêu cầu cuốn sổ y bạ là tài liệu mang tính lịch sử rất quan trọng, họ mong muốn được hoàn trả để trưng bày trong bảo tàng quốc gia. Chính phủ Hoàng gia đã đồng ý. Đại sứ Ba lan đã cho phép để cuốn sổ này trong phòng bồi thẩm trong khi nghị án. Xin hãy rất cẩn thận với nó. Bỏ tàn thuốc xa ra, và thận trọng không để dây cà phê hay trà vào. Chúng ta chắc không muốn các thế hệ Ba lan mai sau nghĩ rằng chúng ta coi nhẹ nó. Xin mời quý vị vào nghỉ.”
Đã trưa rồi. Những con người Ăng-lê kỳ cục, không tên tuổi rời phòng xử, và cửa phòng bồi thẩm khép lại sau lưng họ.
Adam Kelno và Abraham Cady đi đến cuối cuộc chiến.
Lúc 1,30g Sheila Lamb chạy nhào vào phòng nghị sự, báo rằng bồi thẩm đoàn đang trở lại. Hành lang chật ních phóng viên với những ràng buộc khắt khe rằng không được phỏng vấn hay chụp ảnh trong phiên tòa. Có một người không cưỡng lại được. Anh ta hỏi, “Ông Cady, ông có nghĩ là chỉ trong thời gian ngắn, bồi thẩm đoàn đã xuất hiện thì đó là dấu hiệu ông thắng không?”
Abe đáp, “Không ai thắng ở phiên tòa này. Chúng ta đều là kẻ thua cuộc.”
Ông và Shawcross chen lấn lấy lối đi và thấy mình đứng cạnh Adam Kelno.
Gilagray gật đầu với viên phụ tá đang lại gần khu vực bồi thẩm.
“Quý vị có đồng ý về phán quyết?”
Đại diện bồi thẩm đoàn trả lời, “Có”.
“Đây là phán quyết của tất cả quý vị?”
“Phải”.
“Quý vị đứng về phía nguyên cáo, Ngài Adam Kelno hay bị cáo, Abraham Cady và David Shawcross (là đại diện nhà xuất bản)?”
“Chúng tôi nhân danh nguyên cáo, Ngài Adam Kelno”.
“Và quý vị có đồng ý về số tiền thiệt hại?”
“Chúng tôi có”.
“Là bao nhiêu ?”
“Chúng tôi bồi thường cho Ngài Adam Kelno một đồng xu danh dự, “We award Sir Adam Kelno one halfpenny.”
TÓM TẮT CHƯƠNG 39
Terry Kelno, con trai bác sĩ Adam Kelno, thu xếp hành lý bỏ đi, nói rằng nếu là bác sĩ anh muốn được như Bác sĩ Tesslar (người từ chối tham gia các cuộc giải phẫu thí nghiệm ở trại Jadwiga), và sẽ đi phụng sự ở bệnh viện người cùi.
TÓM TẮT CHƯƠNG 40
Abraham Cady có những cuộc chia tay đẫm nước mắt với các nhân chứng, là nạn nhân các vụ thí nghiệm trong trại Jadwiga. Con gái ông lên đường đi Israel để làm việc ở đó.
Đây là những dòng cuối cùng:
Bản tin của Thông tấn xã AP:
Tel Aiv, 6.6.1967. Bộ Quốc phòng Israel tuyên bố, thiệt hại rất nhẹ trong cuộc đột kích phá hủy lực lượng không quân Ả rập. Đáng chú ý nhất trong số người chết là Đại úy Ben Cady, con trai một nhà văn danh tiếng.
Như lời Abraham Cady đã nói, không ai thắng ở phiên tòa này cả. Tất cả chúng ta đều là kẻ thua cuộc.
Tháng 6.2022
NTH
-
THÁNG BẢY MƯA NGÂU VÀ LỄ VU LAN< Trang trước
-
SÁCH GIẤY VÀ SÁCH ĐIỆN TỬTrang sau >