Những nẻo đường Thiên Trúc

NHNG NO ĐƯỜNG THIÊN TRÚC

1.

Huyền Trang xưa, rời cố quận, trời tây bước mãi

Nẻo Trúc thiên độc đạo, Lạp sơn thành chắn mãi lối sao bay

Tuyết vạn niên, đường vạn dặm! nhưng lòng người chỉ một !

Để một hôm, chân lý ngàn năm bổng mở lời… 

Nhà tưởng niệm Đường Huyền Trang tại Ấn Độ

 

2.

Tuyết Sơn, men chân, áo vải buồn phơ phất

Người đi, nắng sáng vói bóng nối người đi

Chiều xứ Phật, vóc mai bầy xơ xác!

Chiếc hình hài, lau cỏ náu mênh mông… 

 Hành trình của ngài Huyền Trang từ Trung hoa đến Thiên Trúc

 

3.

Hy Mã, giáp vòng đông tây…

Nam phương rộn mở, Deccan phẳng tít tắp chân trời !

Cọ xanh thay núi viền khuôn đất, nhô nhấp từng đàn

Sỏi đỏ khô khốc, bóng lá trải mọng lời xin lữ khách nối thêm chân… 

 Cảnh quan vùng bắc Ấn

 

Bình minh triền tây Himalaya

 

4.

Từng bình minh, tuyết cầu vồng nắng trể

Từng chiều, bóng đỏ, soi đỏ cây vắng lá, ngàn lời bông rực đỏ cả mai sau…

Huyền Trang xưa, lối có tiếp lối ?

Vó ngựa mòn, dép nối gót phiêu du…

Ta nay, cánh sắt nối đường tàu, đường nhựa đen chen ngõ đất,

gập ghềnh sơn lộ, mãi tìm dấu ngưỡng vọng lời kinh…

 

Sơn lộ Bắc Ấn

 

Sông Indus, Ân Hà, Tây Bắc Ấn độ

 

5.

Một ngày về…

Lumbini, mượn kiếp người chuyển thế

Ka ti la thành, gươm lóa, tóc thôi bay

Lộc Uyển, nai nghe lời minh tuệ

Kushinagar, thân hóa ngọc, trí mở dòng kinh 

 Kushinagar, nơi Phật Thích Ca nhập diệt

 

6.

BodhGaya…

Chân bước, cội Đề quanh, chân bước…

Nước Liên Thiền, sâu đáy cát còn đưa

Thinh lặng, rì rào tiếng kinh, lá rơi vào tịch mịch

Cõi vô cùng, sấm động giữa trời quang

Mấy ngàn năm, còn lấp lóa hào quang !

 Đại tháp tại Bodh Gaya, nơi Phật Thích Ca thành đạo

 

 

 

7.

Thiên trúc xưa mất dấu, chỉ thênh thang đồng lúa mạch

Những đồi hoang bằng mặt, lớp lớp địa tầng rơi rả đón đưa ta

Vùi sâu đây đó, vụn đá vỡ ghi lời,

Có người hóa Phật, chẳng đùa chơi… 

 Trích đoạn Kinh Pháp Cú tại vườn Lộc uyển, nơi Phật có bài thuyết pháp lần đầu cho 5 anh em Kiều trần Như

 

Địa  tầng Trung Ấn

 

Hang động Aurangabad

 

8.

Ashoka bạo chúa, thành minh chúa !

Trăm ngàn bảo tháp, lời tạ lỗi muôn dân

Trụ đá vụt cao, sư tử hống, bốn phương vọng vang tiếng Phật !

Bi ký đây nét ngời còn tôn súy thánh nhân…

Tháp sư tử của Ashoka đại đế, năm 200 BC

 

 9.

Nên,

Ajanta, trăm năm sau tạc mãi

Ellora, nghìn năm còn lại

Giữa núi, bóng đền đài

Núi, ngậm những hình hài

Chuyển động tim đá

Tĩnh lặng sóng đời

Ngời ngợi vách đợi chờ ta lại

Patma pani mĩm cười, sen nâng cánh mở,

mắt soi miền hư ảo…

Quay về, sao còn nhớ những hôm qua… 

 Hang AJANTA và ELORA tại Bang Aurangabab, Miền trung tây Ấn Độ

TK thứ 2 BC- TK 4AD

 

 Tranh tường Padma Pani tại hang Ajanta.

Nguyên tác bên cổTK 2BC, bên trái. Phóng tác mosaic ceramic , 2019, của Mai Nhơn, bên phải.

 

 

10.

Himachal Pradesh, Mcleod Ganj, bên chân Hy mã

Một sáng, ngàn mai trắng, cuộn đáy vực ngẩng đầu

Đá cuội dừng, xin cỏ biếc quanh co

Phố núi dốc như lăn, cội thông già chắn mái

Mảng trời xanh, man mác ngõ đời xanh…

 Mai đào dưới chân triền Tây Nam Himalaya, bang Himachal Pradesh giáp ranh Pakistan và Tây tạng,

 

11.

Mòn lối nhỏ, khép hờ, đóng mở

Gã viễn phương lần nẻo cô liêu

Giữa đàng mấy nếp tịch liêu

Bậc thềm, chiếu trải, nổi niềm trắng soi :

“Một ngày Thủy chúa quyết đòi

Mười năm nghiệp cả, thả trôi theo giòng “… 

( tâm sự của người dân sơn cước bịmất nhà cửa vì lũ quét )

 Với một gia đình Ấn độmiền sơn cước Himalaya

 

12.

Sông Hằng lại về…

Đền đài con sóng…

Dập dềnh bên sông, cồn vắng đòi thuyền

Tao nhân còn bóng ? Mỹ nữ đâu lời ?

Vệ thành đỏ uy nghi ngất ngưởng, lở lói những tinh hoa, từng mảng cô đơn, thẳm đen chìm đáy nước

Đâu lung linh những đèn xưa, gấm bào, hương ngọc ? Giờ chỉ sáng theo từng cơn nắng mặt trời !

 Vệ thành Sa thạch đỏbên sông Hắng

 

Sông Hằng hà

 

Nước về xuôi, chậm rãi nước về xa,

về Bengal, hay xa, xa nữa…

Tội nghiệp đa mang sinh chúng, gột rửa sẽ về nơi ?

Áo trắng đẫm hình,

Saree vạn sắc đẫm mình dòng lạnh

Ta bụi trần vấy bẩn

Chào thần nữ một lần, sông Hằng khiết bạch

Rồi đường trần bước lại

Có ngại ngần, trên mỗi dấu chân đi… 

 

 

8/4/2018

TK

 


Có 1 phản hồi với bài viết “Những nẻo đường Thiên Trúc”

  1. Thứ hai, 28 Tháng 12 2020 08:59

    Lần đầu tiên đọc một thiên ký sự bằng thơ.

    Khá bất ngờ và thú vị.

    Ký sự bằng hình, bằng phim ảnh kèm lời thuyết minh, bằng văn xuôi đã đọc nhiều, xem nhiều. Đọc thơ phụ họa bằng hình ảnh hẳn phải khác. Nó làm đầu óc mình bay đi xa hơn, óc tưởng tượng phong phú hơn. Và … mơ màng tưởng là … mình.. đang là người … trong ký… sự.  Tỉnh ra mới biết mình chỉ đang đọc thôi.

    Trước đây khá lâu, đã xem phim Mêkông ký sự, vài tập Huyền bí sông Hằng, vài tập Ký sự Amazon và vài tập trong bộ Bên dòng Mississipi, của HTV. Phim hay, thuyết minh hấp dẫn nhờ kiến thức phong phú của người viết. Anh không biết địa lý Ấn độ, nhưng xem hình ảnh cũng hình dung chú Kim đi gần hết nước Ấn, và đặc biệt theo sát chân Đức Phật.

    Một Phượt thủ chân chính.

    Hình ảnh rất đặc sắc nhưng đặc biệt thích 2 tấm sau: tấm ngồi ăn với một gia đình người Ấn sơn cước, và tấm đứng một mình trên sân ga. Dĩ nhiên hình ảnh là bằng chứng cho những chuyến viễn hành, nhưng cảnh quan đâu có biết nói, con người mới là nhân chứng sống động, ăn cùng người bản địa, với gió núi, mây ngàn, hẳn sẽ là kỷ niệm khó quên. Và xem bộ ảnh ký sự này rồi mới hay những gì mình biết về xứ Ắn Độ qua những mẩu tin tức trên truyền hình khác xa nhau một trời một vực.

    Bức mosaic của MN đẹp quá. Nếu không đọc lời chú thì tưởng là cắt ra từ vách đá trong tu viện Ajanta.

    28/12/2020

    NTH

     

Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết