Phật Viện Đồng Dương Bị Tàn Phá Từ Khi Nào
Những cuộc chiến tranh qua lại giữa 2 nước Chiêm – Việt suốt nhiều thế kỷ mà theo Phan Khoang (Việt sử xứ đàng trong) và Vũ Văn Mẫu (Trên đường Nam tiến) là do tính cách hung dữ, hiếu chiến của người Chiêm. Ta hãy đọc các bộ chính sử của Đại Việt về một vài trong số các cuộc chiến ấy để bình tâm đánh giá lại nhận định trên.
Đại Việt sử ký toàn thư:
Nhâm Ngọ, Thiên Phúc năm thứ ba, 982, vua (Lê Đại Hành) thân đi đánh Chiêm Thành, thắng được. Trước đó vua sai Từ Mục, Ngô Tử Canh đi sứ Chiêm Thành bị người Chiêm bắt giữ. Vua giận, sai đóng chiến thuyền, sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém Bê Mi Thuế (là vua Chiêm) tại trận. Chiêm Thành thua to, bắt được quân sĩ của chúng nhiều vô kể, cùng là kỹ nữ trong cung 100 người, một nhà sư người Thiên Trúc (tức là Ấn Độ), lấy các đồ quý đem về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn, san phẳng thành trì, phá hủy tông miếu, vừa một năm thì trở về kinh sư.
Dấu vết cuộc tàn phá trong trận chiến này được nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương nói rõ thêm:
“Dấu vết của cuộc tàn phá khủng khiếp đó còn lưu lại rất rõ tại di tích Đồng Dương và nó đã được Parmentier làm sáng tỏ khi ông tiến hành cuộc khai quật khảo cổ học tại đây vào năm 1902. Parmentier xác nhận rằng, Phật đường hoàng gia đã bị cướp phá một cách hệ thống, và đã bị phá hủy bởi một trận hỏa hoạn khổng lồ. Ông phát hiện rằng các bức tường của Phật đường đã bị cháy đổ, những lanh-tô/đà cửa bằng đá bị gãy đổ vì lửa cao, và một số pho tượng hoặc đã bị cháy đen vì lửa hoặc bị hủy hoại bằng khói. Ông cũng phát hiện vết tích của một mảnh tượng apsara – vũ nữ thiên tiên bị cháy thành than, ông cho rằng pho tượng này đã bị kéo đổ xuống từ đài thờ chính của Phật đường. Những phát hiện quan trọng khác từ trong chánh điện của Phật đường bao gồm nhiều pho tượng đá và nhiều phần của đài thờ chính bị đập phá tuy nhiên một số không có dấu vết của lửa. Mục đích của những kẻ phá hủy dường như muốn hủy diệt toàn bộ Phật viện. Parmentier đã kết luận ngay sau cuộc khai quật rằng Phật viện này đã bị bỏ phế sau khi nó hoàn toàn bị tàn phá (Parmentier 1909: 446).
Tuy nhiên, một dịp may lớn đã đến với nghệ thuật Chàm vào năm 1978 khi nhân dân trong làng Đồng Dương tình cờ phát hiện một pho tượng đồng lớn đã được chôn giấu ngay tại di tích. Việc phát hiện pho tượng này tại vị trí cách tháp – cổng Khu I khoảng 50 mét về phía Nam góp thêm phần khẳng định Phật viện Đồng Dương đã bị cướp phá trong cuộc chiến với Lê Hoàn vào năm 982 như kết quả khảo cổ học trước đây từng chứng minh. Chúng ta có thể suy luận rằng, pho tượng bằng đồng quý giá này đã được chôn giấu cẩn thận trước khi Phật đường chính bị cướp phá trong cuộc tấn công vào Đồng Dương, nó phù hợp với những gì Parmentier đã tường thuật ở trên khi ông khai quật Phật đường này “.
Thiền phái Trúc Lâm
Sau đó chừng 4 thế kỷ, vị vua đầu tiên của triều Trần, Trần Cảnh Trần Thái Tông (1218-1277) đã để lại một sự nghiệp chính trị lẫy lừng, một dòng văn học bất hủ, và một Thiền phái độc đáo của Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm.
Khi từ bỏ ngai vàng, âm thầm lên núi Yên Tử cầu đạo, Trúc Lâm thiền sư có nói rằng, “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta “.
Nhà vua và là Thiền sư Trúc Lâm không xây dựng một tu viện lộng lẫy nào cả. Ông chỉ để lại tư tường thiền phái đậm chất dân tộc, dấn thân vào cuộc đời, chuyển hóa phiền não khổ đau bằng con đường hành động tích cực, lấy việc phụng sự chúng sinh làm sự nghiệp giác ngộ, giải thoát.
Đọc 2 câu thơ sau của ông để thấy ông thấu hiểu Phật giáo thế nào:
“Vị minh nhân vọng phân tam giáo,
Liễu đắc đế đồng ngộ nhất tâm.”
Nghĩa là: người đời khi chưa hiểu thì phân thành 3 giáo (Nho, Phật, Lão giáo), khi hiểu ra rồi thì chỉ có một chữ tâm.
Trong Khóa Hư Lục, ông có viết 5 bài thi kệ, gọi là Tứ Sơn kệ, gồm 1 bài mở đầu theo thể thất ngôn tứ tuyệt và 4 bài thất ngôn bát cú nói về 4 chủ đề Sinh, Lão, Bệnh, Tử, có ý nghĩa rất thâm sâu về Phật pháp.
TỨ SƠN KỆ
Tứ sơn tiễu bích vạn thanh tòng
Ngộ liễu đô vô vạn vật không
Hỉ đắc lư nhi tam cước tại
Mạch kị đả sấn thướng cao phong.
Dịch thơ:
BÀI KỆ BỐN NÚI
Bốn núi cao, xanh ngắt vạn tùng
Tuệ giác soi, tất thảy đều Không
Nếu vui, hãy cưỡi lừa ba cẳng
Lên đỉnh núi cao cho thỏa lòng?
Chân tể huân đào vạn tượng thành
Bản lai phi triệu hựu phi manh
Chỉ sai hữu niệm vong vô niệm
Khước bội vô sinh thọ hữu sinh
Tị trước chư hương thiệt tham vị
Nhãn manh chúng sắc nhĩ văn thanh
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lí trình
Dịch thơ:
BÀI NÚI SỐ 1 (Sinh)
Đất trời kết tập, pháp sinh thành
Trước nay không mối cũng không manh
Sai lầm hữu niệm quên vô niệm
Chối bỏ vô sanh nhận hữu sanh
Mũi lưỡi mê tham hương với vị
Mắt tai ái dục sắc và thanh
Lãng đãng phong trần thân đất khách
Xa quê ngày tháng mãi lênh đênh.
NHỊ SƠN (Lão)
Nhân sinh tại thế nhược phù âu
Thọ yểu nhân thiên mạc vọng cầu
Cảnh bức tang du tương hướng vãn
Thân như bồ liễu tạm kinh thu
Thanh điêu tích nhật Phan Lang mấn
Bạch biến đương niên Lã Vọng đầu
Thế sự thao thao hồn bất cố
Tịch dương Tây khứ thủy Đông lưu
Dịch thơ:
BÀI NÚI THỨ HAI (Già)
Kiếp người như bọt nước phù du
Thọ yểu đừng mong ở vọng cầu
Cành dâu im bóng chiều phai nhạt
Nhánh liễu đìu hiu thu úa màu
Phan Lang thuở ấy còn trai trẻ
Lã Vọng giờ đây đã bạc đầu
Chuyện đời thôi nhắc, trời Tây đã
Ác lặn, triều Đông nước chảy mau.
TAM SƠN (Bệnh)
Âm dương khiên đức bản tương nhân
Biến tác tai truân cập thế nhân
Đại để hữu thân phương hữu bệnh
Nhược hoàn vô bệnh diệc vô thân
Linh đan mạn sá trường sinh thuật
Lương dược nan linh bất tử xuân
Tảo nguyện viễn li ma cảnh giới
Hồi tâm hướng đạo dưỡng thiên chân
Dịch thơ:
BÀI NÚI THỨ BA (Bệnh)
Âm dương không hợp lẽ với người
Tai họa gây ra phải vậy thôi
Có thân có bệnh, đương nhiên thế
Không thân không bệnh, tất nhiên rồi
Sống lâu sống mãi, u mê hết
Thuốc tiên thuốc thánh, phỉnh lừa chơi
Hãy sớm lìa xa ma cảnh đó
Quay về chánh đạo thoát luân hồi.
-
Phật viện Đồng Dương và Thiền phái Trúc Lâm (Kỳ 6/7)< Trang trước
-
Phật viện Đồng Dương và Thiền phái Trúc Lâm (Kỳ 4/7)Trang sau >
Bài viết liên quan
- Phật viện Đồng Dương và Thiền phái Trúc Lâm (Kỳ 7/7)
- Phật viện Đồng Dương và Thiền phái Trúc Lâm (Kỳ 6/7)
- Phật viện Đồng Dương và Thiền phái Trúc Lâm (Kỳ 4/7)
- Phật viện Đồng Dương và Thiền phái Trúc Lâm (Kỳ 3/7)
- Phật viện Đồng Dương và Thiền phái Trúc Lâm (Kỳ 2/7)
- Phật viện Đồng Dương và Thiền phái Trúc Lâm (Kỳ 1/7)