Đền Quán Thánh

ĐỀN QUÁN THÁNH

 

Đền Quán Thánh, khoảng 1893, Pháp gọi Pagode du Grand Bouddha, chùa ông Phật lớn

 

 

Cổng Đền ngày xưa nằm sát bờ Hồ Tây

 

Cổng Đền ngày nay, 2013

 

 

 

Trong sân Đền. 2013

 

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ xương

 

Trấn Vũ, chính là đền Quán Thánh.

Nghe qua tưởng là nghe nhầm. Đã là Đền, sao còn Quán. Hay là đền Quan thánh. Người Việt đâu có thờ ông Quan thánh.

Mà quán Quán thật. Đạo quán là nơi thờ tự của Đạo gia. Một trong ba nhánh triết học hay tôn giáo, từ Trung hoa du nhập vào Việt Nam: Nho, Phật, Đạo hay Lão.

Sự tích về đền này có nhiều tài liệu ghi chép rồi. Chỉ nhắc qua vài điểm.

Ví dụ như xây dựng vào triều Lý thái Tổ. Trong đền có dựng tượng Huyền thiên Trấn vũ, dưới thời vua Lê Hy Tông, do lệnh của chúa Trịnh Tạc (1677), Huyền Thiên Trấn Vũ là thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái; trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương 14); trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông…

Con cáo 9 đuôi hay Cửu vĩ linh hồ có trong huyền tích vài nước như Nhật, có tích viên đá phong cáo gọi là Sát sinh thạch ở tỉnh Tochigi, kể vị cao tăng dùng phép trừ tà nhốt tinh con hồ ly 9 đuôi dưới viên đá đã phù phép. Không biết có phải là người Việt di cư qua Nhật đem truyện cổ tích đi theo hay là ngược lại. Hay 2 dân tộc có cùng ông tổ?

Vậy thì Đạo giáo là gì?

Nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Đạo là gì thì chẳng mấy ai hiểu. Chỉ biết nó có vị tổ sư tên là Lão tử, thế kỷ thứ 4 TCN, rồi lan truyền do Trang tử, nổi tiếng với câu chuyện: Tử phi ngư, an tri ngư chi lạc (không phải là cá làm sao biết cá vui?).

Mà Lão tử cũng là nhân vật huyền thoại, nhiều người cho là không có thật. Vì ông chủ trương sống hoà hợp với thiên nhiên, thuận theo tự nhiên, chứ không cải hoá để đưa con người vào khuôn phép như Khổng tử. Truyền rằng viết xong Đạo Đức kinh, thấy người đời không ai hiểu, ông chán cho đời, bèn cưỡi trâu đi mất. Vì thế, trong tiểu thuyết Kim Dung, các nhân vật võ lâm thường gọi xách mé Võ Đang phái (theo Đạo giáo) là “lão mũi trâu”.

2 câu mở đầu của Đạo Đức kinh tóm tắt mọi nguyên lý của Đạo cũng chính là triết lý của Lão tử:

Đạo khả đạo, phi thường đạo; danh khả danh, phi thường danh.

Vô, danh thiên địa chi thủy; hữu, danh vạn vật chi mẫu.

Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cửu bất biến; tên mà có thể đặt ra để gọi nó [đạo] thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến.

“Không”, là gọi cái bản thủy của trời đất; “Có” là gọi mẹ sinh ra muôn vật.

(Lão tử - Đạo đức kinh, Nguyễn Hiến Lê)

E rằng số người hiểu được Đạo giáo còn ít hơn số người hiểu được Thuyết Tương đối.

Tây phương có câu: Mọi con đường đều dẫn về La mã. Lão tử nói: đường đi phải ngoằn nghèo, ngắt ngoéo như đèo Lò xo, đèo Ngoạn mục ở miền Trung (đoạn từ Dalat xuống Phan Rang) mới gọi là đèo. Còn thẳng tắp như xa lộ Biên Hòa thì không phải là đường đi. Thế đấy. Đông Tây không bao giờ gặp nhau, nhưng vẫn đang cố tìm hiểu nhau.

Thuyết vô vi của Lão tử rất được các nhà vật lý hiện đại ưa chuộng. Vì cái vô cùng nhỏ của Đạo gia thì chẳng khác hạt vô cùng nhỏ của vật lý. Cái vô biên của vũ trụ thì hợp với thuyết tương đối quá chừng. Chữ “Không” của Đạo, của Phật và của Vậy lý hiện đại sao giống nhau thế.

Đạo này, như vài tôn giáo lớn khác, cũng có phái này, phái kia.

Như phái Đạo gia tu tiên của Lão tử, Trang tử, với các đệ tử trứ danh như Bát tiên, có Lý thiết Quài, Chung ly Quyền, Lã đồng Tân, Hà tiên Cô… Trong phái này còn có nhân vật huyền thoại nổi danh nhờ bộ truyện Tây du ký là Thái thượng lão quân (hóa thân của chính Lão tử) với lò luyện đan thuốc trường sanh bất lão.

Phái Đạo gia bùa chú, phép thuật của Trương đạo Lăng (đồn là cháu 8 đời của Trương Lương đời Hán (điệp khúc cháu 8 đời nghe quen quá), phái bùa chú này rất được ưa chuộng trong giới bình dân.

Nhân vật nổi tiếng nhất trong phái tu tiên là Hi Di Trần Đoàn, ông tổ của môn Tử vi, môn mà đại đa số dân Đông phương rất mê.

Còn có phái Nam tông, Bắc tông (mà đại diện trứ danh là Toàn chân phái với giáo chủ Vương Trùng Dương chân nhân, ai đọc Kim Dung đều biết).

Hay tông phái võ thuật với Trương Tam Phong lập ra Võ Đang phái. (Trương Tam Phong ở xa quá, khó nhớ, đệ tử Trương Vô Kỵ dễ nhớ hơn nhờ bộ truyện Ỷ thiên Đồ long kiếm hay Cô gái Đồ long). Phái này giờ nổi tiếng nhờ 2 môn võ công được đưa vào thi cử của môn võ thuật gọi là Kungfu (Công phu), Thái cực quyền và Thái cực kiếm.

Hay phái Khí công với tổ sư là Bồ Đề Đạt ma, nổi tiếng với Dịch cân kinh. Vị này thì cả Thiền phái của Phật giáo cũng nhận là tổ sư.

Đạo quan hay Đạo quán chỉ có trong tiểu thuyết nhưng nổi tiếng chẳng kém ngoài đời thật là Đạo quán trong bộ truyện Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Trong đó, các đạo sĩ và đạo cô chán làm người đi tu cho thành tiên, còn chồn cáo thì chán kiếp súc vật đi tu để thành người (một vòng lẩn quẩn).

 

 

Đạo quán (còn gọi là điện hay cung) ở Trung hoa thường ở trên núi, phong cảnh đẹp và kỳ thú như Võ Đang sơn, Hoa Sơn (môn phái của chàng Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ ký), Thanh Thành sơn, Không Động sơn…, nơi tu luyện của các đạo sĩ. (Nga Mi sơn nơi hình thành phái Nga Mi toàn nữ tu, có tổ sư là Quách Tường, theo Phật giáo chứ không phài Đạo giáo. Hằng sơn, môn phái và là nơi tu hành của Nghi Lâm tiểu sư muội, người có mối tình si với Lệnh Hồ ca ca cũng là Phật giáo). Bồ Tùng Linh tiên sinh thường cho đạo sĩ thì thành tiên, còn đạo cô thì đi lấy chồng. Không hiểu tại sao? Có khi là hồng nhan da truân chăng? Còn đạo quán ở Việt nam, ngược lại, thường ở nơi phồn hoa đô hội, nhưng không có đạo sĩ, mà chỉ là nơi thờ phượng thánh, thần.

Cho nên Đạo quan hay quán ở Việt Nam thờ thần linh bảo hộ hợp với tín ngưỡng dân gian. Thế là các thần được thờ phụng thay đổi tuỳ nơi chốn, chứ không nhất thiết phải thờ ai. Tính cách uyển chuyển nhưng bí hiểm và cả bùa phép của Đạo giáo do đó dễ hợp với nhiều xã hội, nhiều dân tộc khác nhau. Ví như Thăng long tứ trấn ở Hà Nội, bốn nơi thờ bốn vị. Cứ làm tròn phận sự giữ cửa cho kinh thành là được rồi: đền Voi phục thờ thần Linh Lang con vua Lý Thái tổ, đền Bạch mã thờ thần Long Đỗ (vị thần bảo hộ đất Hà Nội xưa, đã hiển linh đuổi tay địa lý Cao Biền về nước), đền Kim liên (thờ Cao Sơn đại vương, người con của Lạc long quân và Âu cơ, vị này cũng được thờ ở Bái Đính Sơn, Ninh Bình nữa) và đền Quán thánh.

Ngoài Thăng long tứ trấn nói trên, còn có Thăng long tứ quán là Trấn Vũ quán (tức đền Quán thánh), Huyền Thiên quán nay là chùa Huyền Thiên, Đổng Thiên quán nay là chùa Kim cổ, và Đế Thích quán nay là chùa Vua. Sở dĩ các quán trở thành chùa vì sau thời Hậu Lê, Đạo giáo dần suy thoái và hoặc do vua, hoặc do dân gian thay đổi tín ngưỡng. Chỉ mỗi Trấn Vũ quán vẫn còn là Đền thôi.

Vì thâm nhập sâu vào dân gian nên dễ hiểu là Đạo giáo cũng đi vào văn học. Trong danh tác Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du có nhắc đến vài nhân vật thường thấy trong Đạo giáo như hồn ma Đạm tiên, thầy bói, và có chức phận rõ ràng là Tam hợp đạo cô. Trích vài đoạn về đạo cô này:

Gặp bà Tam Hợp đạo cô,

Thong dong hỏi hết nhỏ to sự nàng:

“Người sao hiếu nghĩa đủ đường,

“Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi?

Đã gọi rõ là Tam hợp đạo cô, nhưng liền sau đó, Nguyễn Du tiên sinh lại nói đó là sư:

Sư rằng: “Phúc hoạ đạo trời,

“Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.

“Có trời mà cũng tại ta,

“Tu là cỏi phúc tình là dây oan.

“Thuý Kiều sắc sảo khôn ngoan,

Ma đưa lối quỷ đem đường,

“Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.

“Hết nạn ấy đến nạn kia,

“Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần

“Làm cho sống đoạ thác đày,

“Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi!”

Sư rằng: “Song chẳng hề chi,

“Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều.

“Xét trong tội nghiệp Thuý Kiều,

“Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm.

“Lấy tình thâm trả nghĩa thâm,

“Bán mình đã động hiếu tâm đến trời!

“Hại một người cứu muôn người,

“Biết đường khinh trọng biết lời phải chăng.

Khi nên trời cũng chiều người,

“Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau.

“Đoạn trường sổ rút tên ra,

“Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau.

Lúc là đạo cô, lúc làm sư. Chắc đạo cô này gặp được đệ tử chân truyền của Đạt ma sư tổ nên hoắc nhiên ngộ đạo. Và vì là đạo cô nên đoán trước được phần số Thúy Kiều, nói không sai một mảy.

Tổ sư Trần Đoàn đã có một đệ tử làm rạng danh thầy. Lại là nữ. Thật tiếc, Nguyễn tiên sinh không cho biết Tam hợp đạo (sư) cô học Tử vi hay Nhân tướng từ bí kiếp nào. Nên nó mãi mãi thất truyền. Như Cửu dương, Cửu âm chân kinh vậy. Ngộ nhỡ, các vị thầy tử vi, tướng số có đoán sai, thì là vì thiếu bí kiếp, chứ không phải môn học này không linh nghiệm. Tần thủy hoàng đốt một mớ. Quân Minh khi xâm chiếm nước ta, đốt thêm một mớ nữa. Số còn lại bị tam sao thất bản. Vì thế tìm bí kiếp khó như đếm sao trên trời, đếm cát dưới sông vậy.

 

Tháng Ba. 2022

NTH

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết