BÁT NHÃ TÂM KINH và ...

Bồ Tát Quán Thế Âm, khi trầm sâu vào trí tuệ siêu việt, ngài nhìn xuống, soi thấu rằng, ngũ uẩn (hình tướng, cảm xúc, nhận thức, hành vi, ý thức) tự bản chất đều là chân không.

Này, con trai Xá Lợi, quả thật  mọi hình tướng đều là chân không; chân không là hình tướng. Vì hình tướng không có chân không; cũng giống như thế, trong chân không không có hình tướng. Thế cho nên chân không là hình tướng; thế cho nên hình tướng là chân không. Vậy (tứ uần) thụ, tưởng, hành thức cũng đều như thế. (đều không có tự tính).

Này con trai Xá Lợi, tất cả pháp tướng đều có tính riêng  là chân không; chúng chẳng sinh chẳng diệt, chẳng dơ chẳng sạch, không thiếu không đủ.

Vì vậy, này con trai Xá Lợi, trong chân không không có hình tướng, không có thụ (Cảm xúc), không có tưởng (nhận thức na vedana, bản tiếng Anh chép thiếu), không có hành (hành vi), không có thức (ý thức)(trong chân không không có ngũ uẩn); không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (trong chân không không có lục căn); không có hình, tiếng, mùi, vị, xúc, cảnh giới (trong chân không không có lục trần); nó không phải nhãn quan, cũng chẳng phải ý thức quan (không có thập bát giới). Không có ngu dốt, cũng chẳng hết ngu dốt, cho đến tận không có tuổi già và sự chết, cũng chẳng hết già hết chết (không có thập nhị nhân duyên). Không có khổ, không có duyên do của khổ, không hết khổ, không có con đường giải thoát (không có tứ diệu đế); không có trí huệ cao minh, không giác ngộ, không có cái không giác ngộ.

 

Trích Lục Mạch Thần Kiếm Hồi 124, 125

Tiêu Phong cùng Mộ Dung Phục đều thấy phụ thân mình mở mắt mỉm cười thì nỗi mừng biết lấy chi cân.

Bỗng Tiêu Viễn Sơn cùng Mộ Dung Bác hai người khoác tay nhau đến quỳ trước mặt nhà sư già.

Nhà sư già hỏi:

- Hai vị sống rồi lại chết, chết rồi lại sống, chạy quanh một vòng. Trong lòng có điều gì ân hận nữa không? Sau cái chết vừa qua các vị còn nghĩ đến chuyện trùng hưng Ðại Yên hay báo phục thê cừu nữa không?

Tiêu Viễn Sơn đáp:

- Ðệ tử giả làm hoà thượng đến chùa Thiếu Lâm trong ba mươi năm nhưng trong tâm chưa có chút nào giác ngộ đáng gọi là đệ tử nhà Phật. Vậy đệ tử khẩn cầu sư phụ thu nạp cho.

Nhà sư già hỏi:

- Thế còn mối thù giết vợ, lão cư sĩ không muốn báo phục nữa ư?

Tiêu Viễn Sơn đáp:

- Ðệ tử bình sinh giết người có đến hàng trăm. Giả tỷ bọn thân thuộc những người bị hạ sát cũng đến đòi mạng thì dù đệ tử có chết đến cả trăm lần cũng chưa đủ trả nợ.

Nhà sư già lại quay sang Mộ Dung Bác:

- Còn Mộ Dung lão cư sĩ nghĩ sao?

Mộ Dung Bác đáp:

- Kẻ thứ dân là cát bụi, bậc đế vương cũng là cát bụi, nước Ðại Yên khôi phục cũng thành không mà chẳng khôi phục được cũng là không.

Nhà sư già cười ha hả nói:

- Thế là lão cư sĩ giác ngộ rồi đó. Thiện tai! Thiện tai!

Mộ Dung Bác nói:

- Lão phu cũng thỉnh cầu sư phụ thu làm đệ tử khai thông những điểm ngu muội.

Nhà sư già đáp:

- Hai vị thí chủ đã muốn xuất gia làm sư thì yêu cầu một vị đại sư trong chùa Thiếu Lâm xuống tóc độ cho. Lão tăng có mấy câu kệ đọc ra cho các vị nghe tưởng cũng không hề gì.

Ðoạn nhà sư ngồi xếp bằng thuyết pháp.

Nhà sư già sử dụng thuật lấy hư làm thực lấy thực làm hư, sống rồi lại chết, chết rồi lại sống để giảng yếu lý của Bát nhã tâm kinh cho Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn.

 

Còn đây là lời dặn của Nguyễn Huệ với Quang Toản khi lâm chung:

“Ta sẽ chết đây. Thần kinh Phú Xuân không phải của mày có được, Nghệ An là đất cha mẹ ta, ta đắp thành Trung đô để làm kế Tấn Dương cho mày. Khi ta chết mày nên về đó, nếu có biến, có thể giữ được.”

 

Và lời dặn của Nguyễn Ánh cho Đông cung Cảnh:

“, đất Diên Khánh bốn mặt đều là chiến trường, dân chúng lầm than lắm rồi. Ta ngày đêm vất vả, nếm đủ đắng cay mới giành được miếng đất ấy. Con nên chuyên tâm, trong giữ yên dân, ngoài lo chống giặc, để đáp tấm lòng mong mỏi của dân và khiến quân giặc phải sợ. Con phải gắng làm như chính ta trông thấy. Lại nói, Đế vương từ xưa chưa ai là không học. Thế cho nên Thái Giáp làm được cháu hiền của vua Thang, Thành Vương làm được vua giỏi của nhà Chu cũng đều nhờ học mà nên đức. Khi việc binh rỗi, con nên gắng theo sư phó, chăm đọc kinh sách, khiến cho sự học được sáng tỏ, nghiệp đức được tiến lên. Đến như đối với người chung quanh thì nên gần người ngay thẳng, xa kẻ gian tà, thế mới gọi là sáng suốt biết người. Đi ra nên kính nhớ lấy.”

Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ chính là hình ảnh của Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn. Họ đối đầu nhau trên mọi mặt trận, tìm mọi cách để diệt lẫn nhau. Nguyễn Huệ có La Sơn phu tử làm quân sư. Khi Nguyễn Huệ muốn xây dựng Phượng hoàng Trung đô kiên cố để làm kế lâu dài, phu tử đã can ngăn, cho rằng dân chúng đã quá lầm than vì chiến tranh, Nguyễn Huệ không nghe nên phu tử bỏ về quê.

Kết cuộc của Nguyễn Huệ, các con và dòng dõi thế nào thì ta đã biết.

Sau khi dùng sức dân để xây thành Gia Định và Diên Khánh, Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, tiếp tục xây cung điện nguy nga ở Huế. Cũng chỉ được non 60 năm rồi mất nước vào tay thực dân Pháp.

 

Hãy ngược dòng lịch sử về thế kỷ 13. Đời vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông.

Thái Tông(cùng Thượng hoàng Trần Thừa và Thái sư Trần Thủ Độ) ông đã cải tổ luật pháp, hành chánh, khuyến khích nông thương nghiệp, phát triển nền giáo dục tam giáo đồng nguyên, xây dựng quân đội mạnh, ngăn quân Chiêm Thành phía nam, đánh tan quân Mông Cổ phía bắc(lần thứ nhất, 1258). Thế rồi, ông bỏ ngôi vua, chỉ làm thái thượng hoàng, lên núi Yên tử đi tu, mở đầu cho thiền phái Trúc lâm danh tiếng của nước ta.

Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba của triều Trần, cùng thượng hoàng Thánh Tông và Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo, lãnh đạo đất nước đánh tan đạo quân Mông cổ hùng mạnh(lần thứ hai, 1285). Ông được các sử gia xem là vị vua anh minh, giúp nước ta phát triển ổn định và hùng mạnh vào cuối thế kỷ 13.

Và, noi gương ông cha mình, ông truyền ngôi cho con(là Trần Anh Tông), xuất gia đi tu, lấy hiệu là Trúc Lâm Đại sĩ,  chính là vị tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm.

Tinh thần thiền Trúc Lâm của ông thể hiện trong bài kệ:

Cư trần lạc đạo thả tuỳ dyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mích

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Nghĩa:

Sống trên đời tùy cảnh mà vui với đạo

Đói thì ăn, mệt thì ngủ

Của báu trong nhà khỏi tìm kiếm

Đứng trước cảnh vật mà vô tâm thì không phải hỏi Thiền là gì.

Dịch thơ:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Hễ đói thì ăn mệt ngủ liền

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

 

Và đây là cách giải quyết của Kim Dung cho câu hỏi Thiền là gì.

Trích Vào Thiền, Doãn Quốc Sỹ:

“Thiền sư Kyogen nói với các môn đệ của ông:

Thiền như hệt một người ở thế tự treo lơ lửng trên bờ vực thẳm. Răng hắn cắn lấy một cành cây để giữ toàn thân  lửng lơ trên vực. Tay hắn không hề nắm giữ một cành cây nào; chân hắn không hề được đặt trên một cành cây nào. Thế rồi ở trên một mỏm đá gần đấy có người cúi xuống, cao giọng hỏi hắn: Này anh, Thiền là gì? Không trả lời, hắn thua cuộc. Mở miệng trả lời ư? Nát thây dưới đáy vực! Vậy hắn phải làm gì?”

Thế đó, Thiền là cách nhìn vấn đề tuỳ vào mỗi người.

Cũng giống như câu hỏi vũ trụ sinh ra từ đâu. Stephen Hawking cùng các nhà thiên văn theo thuyết Big Bang và quan điểm trái ngược của phái theo thuyết Big Shrink đã không thể thống nhất với nhau . Cho nên, công án mà thiền sư Kyogen nêu ra vẫn chưa có ai giải quyết thấu đáo.

Kim Dung đã thử giải quyết công án này trong tác phẩm hay nhất của ông, Lục Mạch Thần Kiếm. (hồi 130,131 LMTK).

Vương Ngọc Yến thất vọng về đường tình ái với Mộ Dung Phục, nhảy xuống vực sâu tự tử. Gã tứ ác Vân Trung Hạc thương hương tiếc ngọc, bèn nhảy theo nắm lại. Tam ác Nam Hải Ngạc thần, không nỡ bỏ huynh đệ của mình, nhảy xuống cứu. Rồi Đoàn Diên Khánh phóng trượng vào gốc cây cho Nam Hải Ngạc thần nắm lấy, và mắc kẹt luôn. Tiếp theo, gã võ sĩ Thổ Phồn, vì ghét Vân Trung Hạc, xách búa đốn gốc cây nơi chuỗi 4 người đang treo tòn ten trên đó.

Để cứu vãn tình thế chỉ mành treo chuông, Du Thản Chi ra điều kiện phải để A Tử đi theo gã, thì mới cứu. Đoàn Dự buộc phải chấp nhận.

Và thế là vấn đề được giải quyết. (Xem trích đoạn chương 130, 131 đính kèm).

Cách giải quyết của Kim Dung đi theo một thứ tự nhân quả có từ đầu truyện. Và chắc là ông đã đọc công án thiền này. Nhân đó ông thử giải quyết nó trong một tình huống phức tạp. Và giải quyết rốt ráo.

Tại hạ nhân đọc kinh sách nêu ra vấn đề vậy thôi. Giải quyết nó là việc của chư vị.

THIỀN LÀ GÌ?

 

Bình Thạnh, tháng 12.2019

Ng T Hải


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết