Nguyễn Bính dịch thơ Đường

NGUYỄN BÍNH DỊCH THƠ ĐƯỜNG

 

Nguyễn Bính vẫn được gọi là nhà thơ chân quê. Vì ông đã tự nhận như thế mà:

 

Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa

Như hôm em đi lễ chùa

Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

 

Giữa những ồn ào, náo động của phong trào Thơ Mới, giữa những câu, những chữ, những vần điệu Tây phương :

 

Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh,

Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần.

Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm!

Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.

 

Mây vắng, trời trong, đêm thuỷ tinh;

Lung linh bóng sáng bỗng rung mình

Vì nghe nương tử trong câu hát

Đã chết đêm rằm theo nước xanh.

 

Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời,

Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi...

Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:

Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người...

 

Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê.

Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề

Sương bạc làm thinh, khuya nín thở

Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.

(Nguyệt Cầm, Xuân Diệu)

 

Sớm nay tiếng chim thanh

Trong gió xanh

Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình

 

Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi

Ta lặng dâng nàng

Trời mây phảng phất nhuốm thời gian

 

Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngát

Hương thời gian không nồng

Hương thời gian thanh thanh

 

Tóc mây một món chiếc dao vàng

Nghìn trùng e lệ phụng quân vương

Trăm năm tình cũ lìa không hận

Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng

 

Duyên trăm năm dứt đoạn

Tình một thuở còn hương

Hương thời gian thanh thanh

Màu thời gian tím ngát

(Màu thời gian, Đoàn Phú Tứ)

 

Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người cô phụ?

 

Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô?

(Tiếng thu, Lưu Trọng Lư)

Thì ông vẫn nguyên tính cách ca dao giản dị mà thân tình, mộc mạc pha đẫm chất lãng mạn

 

Hỡi cô con gái hái mơ già!

Cô chửa về ư? Đường thì xa,

Mà ánh trời hôm dần một tắt,

Hay cô ở lại về cùng ta?

 

Nhà ta ở dưới gốc cây dương,

Cách động Hương Sơn nửa dặm đường,

Có suối nước trong tuôn róc rách,

Có hoa bên suối ngát đưa hương.

(Cô hái mơ, Phạm Duy phổ nhạc)

 

Cầm tay anh khẽ nói:

Khóc lóc mà làm chi?

Hôn nhau một lần cuối,

Em về đi, anh đi.

 

Rồi một hai ba năm,

Danh thành, anh trở lại.

Với em, anh chăn tằm,

Với em, anh dệt vải.

 

Ta sẽ là vợ chồng,

Sẽ yêu nhau mãi mãi.

Sẽ xe sợi chỉ hồng,

Sẽ hát câu ân ái.

 

Anh và em sẽ sống

Trong một mái nhà gianh.

Lấy trúc thưa làm cổng,

Lấy tơ liễu làm mành.

 

Nghe lời anh, em hỡi!

Khóc lóc mà làm chi?

Hôn nhau một lần cuối,

Em về đi! anh đi.

(Hôn nhau lần cuối, Văn Phụng phổ nhạc)

 

Xuân đã đem mong nhớ trở về

Lòng cô gái ở bến sông kia.

Cô hồi tưởng lại ba xuân trước,

Trên bến cùng ai đã nặng thề.

 

Nhưng rồi người khách tình, xuân ấy,

Đi biệt không về với... bến sông.

Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi,

Mấy lần cô gái mỏi mòn trông.

 

Xuân này đến nữa đã ba xuân,

Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần.

Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi,

Cô đành lỗi ước với tình quân.

 

Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng trong,

Cô lái đò kia đi lấy chồng.

Vắng bóng cô em từ dạo ấy,

Để buồn cho những khách sang sông...

(Cô lái đò, Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc)

 

Ông còn viết dăm ba bài nhuốm màu biên tái của thơ Đường như trong tập Mây Tần. Tiêu biểu là bài Tết Biên thùy:

Ngồi xếp bằng tròn trong ải lạnh

Nửa đêm trừ tịch bỗng dưng sầu

Có người lính thú ngâm qua rượu:

“Xuân nhật ngưng trang thượng thuý lâu...“

 

Có phải đêm nay trời mới tối,

Đêm nào trời cũng tối như đêm

Ải xa không pháo giao thừa nổ

Mưa rét tơi bời mưa rét thêm.

 

Vườn cũ hoa mai chắc nở rồi

Cánh mai ai gửi đến xa xôi

Mẹ ơi! Một sớm thăm hoa rụng

Nhặt giữ giùm con dăm cánh thôi.

 

Rượu chẳng say cho, đèn cũng lụi

Ngày mai xuân nở khắp giang san

Ngày mai ăn tết bằng chi nhỉ?

Ăn tết bằng hai cánh cửa quan!

 

Và khi ông viết bài Hành Phương Nam,  thì hầu như không nhận ra Nguyễn Bính nữa:

 

Đôi ta lưu lạc phương Nam này

Trải mấy mùa qua én nhạn bay

Xuân đến khắp trời hoa rượu nở

Mà ta với người buồn vậy thay

 

Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu

Mà không uống cạn mà không say

Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã

Mà áo khinh cừu không ai may

 

Người giam chí lớn vòng cơm áo

Ta trí thân vào nợ nước mây

Ai biết thương nhau từ buổi trước

Bây giờ gặp nhau trong phút giây

 

Nợ thế chưa trả tròn một món

Sòng đời thua đến trắng hai tay

Quê nhà xa lắc, xa lơ đó

Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay

 

Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc

Ly tán vì cơn gió bụi này

Người ơi buồn lắm mà không khóc

Mà vẫn cười qua chén rượu đầy

 

Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết

Ngày mai ra sao rồi hãy hay

Ngày mai có nghĩa gì đâu nhỉ?

Cốt nhất cười vui trọn tối nay

 

Rẫy ruồng châu ngọc, thù son phấn

Mắt đỏ lên rồi cứ chết ngay

Hỡi ơi Nhiếp Chính mà băm mặt

Giữa chợ ai người khóc nhận thây

 

Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén

Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay?

Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự

Giày cỏ gươm cùn ta đi đây

 

Ta đi nhưng biết về đâu chứ?

Đã đẩy phong yên lộng bốn trời

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ

Uống say mà gọi thế nhân ơi!

 

Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ

Ta với nhà ngươi cả tiếng cười

Dằn chén hất cao đầu cỏ dại,

Hát rằng phương Nam ta với ngươi.

 

Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!

Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!

Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh,

Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi...

 

 

(Gởi Văn Viễn, Đa Kao 1943)

 

Nhìn thấy hình ảnh Cao Tiệm Ly gõ trúc hát cùng Kinh Kha trước lúc sang sông hành thích vua Tần.

(Nhân tiện trích vài câu trong bài, Bài ca sông Dịch của Vũ Hoàng Chương để ngâm nga:

Vinh cho người hề ! ba nghìn tân khách

Tiễn người đi tiếng trúc nhịp lời ca

Biên thùy trống giục

Nẻo Tần sương sa

Gió thê lương quằn quại khói chiêu hà

Buồn xưa giờ chưa tan

Tám phương trời khói lửa

Một mũi dao sang Tần

Ai trách Kinh Kha rằng việc người đã lỡ

Ai khóc Kinh Kha rằng thềm cao táng thân

Ai tiếc đường gươm tuyệt diệu

Mà thương cho cánh tay thần

Riêng tồn tại với thời gian việc làm chính nghĩa

Tranh sáng với trăng sao tấm lòng trượng phu

Một nét dao bay ngàn thuở đẹp

Dù sai hay trúng cũng là dư

 

 

Và vì thế, khi ông cất bút dịch bài thơ Tiễn biệt Phó sinh, có lẽ là bài thơ Đường duy nhất mà ông dịch, nó trở thành tuyệt tác.

Dòng thơ Đường là dòng thơ đứng riêng một cõi. Những thi tiên Lý Bạch, thi thần Bạch Cư Dị, thi thánh Đỗ Phủ, trở thành những ông tiên, ông thánh, ông thần làm thơ chứ không phải vì làm thơ hay mà được phong tiên, phong thánh, phong thần.

Bài Tỳ Bà hành của Bạch Cư Dị lừng lẫy hơn nhờ bản dịch của Phan Huy Thực. Bản dịch có một đời sống riêng, và chẳng ai nhớ, cũng chẳng thèm biết đến nguyên tác.

Thử đọc hai câu đầu:

Bến Tầm dương canh khuya đưa khách

Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu

Tản Đà mê mẩn chữ Quạnh,  đến mức ông viết

Vèo trông lá rụng đầy sân

Công danh phù thế có ngần ấy thôi

(Cảm thu _Tiễn thu)

 

Và ta không biết chữ Quạnh với chữ Vèo, chữ nào đắt hơn !

Nói dông dài chỉ để nói đến bản dịch thơ Đường của Nguyễn Bính nếu không hơn thì cũng chẳng kém bản dịch Tỳ bà hành là mấy.

 

Tặng biệt Phó sinh

 

Nhất hạp xuân dao vạn lý tình,

Đoạn trường phương thảo đoạn trường oanh.

Nguyện tương song lệ đề vi vũ,

Minh nhật lưu quân bất xuất thành.

 

Dịch nghĩa

Một chén rượu xuân chứa tình chia ly vạn dặm,

Cây cỏ và chim oanh ngày xuân đang tươi vui cũng buồn đứt ruột.

Ước gì có thể đem đôi dòng lệ làm thành cơn mưa nhỏ,

Sớm lai níu kéo chàng không cất bước rời khỏi thành.

 

Chàng Phó ở đây là Phó Xuân.

 

Bản dịch của Nguyễn Bính

 

Chén xuân chan chứa bao tình

Cỏ thơm xơ xác, con oanh thẫn thờ

Sớm mai chàng đã đi chưa

Xin đem nước mắt làm mưa giữ chàng.

 

Đọc thơ ông, ta những ông dễ dãi, xuề xòa, thể hiện rõ nhất trong những bài Chân quê hay Cô hái mơ. Nhưng không, hãy đọc đoạn hồi ký sau đây của người bạn ông, ta sẽ rất bất ngờ:

 

Nhà thơ Hoàng Tấn, một người bạn thân của Nguyễn Bính nhớ lại trong Hồi ký: Nếu với thơ, Bính kỹ lưỡng đắn đo suy nghĩ có khi đến quên ăn quên ngủ vì một từ, viết nháp nhiều lần, sửa chữa kỹ lưỡng từng câu từng chữ, trước khi đưa in viết sạch sẽ rõ ràng nắn nót bao nhiêu, thì trong cuộc sống Bính bạt mạng buông thả bấy nhiêu. Tính thích khôi hài, giàu óc tưởng tượng, thông minh nhanh nhẹn, ứng phó mau lẹ như Án Anh, Bính thường hay châm chọc bạn bè. Cái mà Bính thù ghét nhất là những bài thơ dở, cũng như những người làm thơ không hay. Đưa cho Bính coi một bài thơ mà Bính cho là dở, thì lập tức không nể gì tác giả đang đứng trước mặt, dùng những lời lẽ cay độc để chê bai khiến tác giả đỏ mặt, nhiều khi tự ái phát khùng. Lại còn tính kiêu kỳ khinh bạc nữa. Ngay cả với những người cưu mang Bính, khi thất thố điều gì là Bính thẳng cánh mất mặn mất nhạt. Nhưng đặc biệt lạ lùng là sau một cuộc đấu khẩu nảy lửa gay gắt dẫn đến việc phải xa nhau, chỉ một thời gian sau gặp lại Bính lại vui vẻ niềm nở như không. Riêng về thơ, Bính tự cao tự đại quá quắt, chê thơ người này non, người kia dở, kể cả những thi sĩ có người còn nổi tiếng hơn cả Nguyễn Bính. Những câu thơ của ai được Bính khen hay (khuyên son), là một điều hãn hữu. Người mà Bính phục tài và "Nguyện suốt đời là người học trò nhỏ" là thi hào Nguyễn Du. Chẳng thế mà Truyện Kiều Bính thuộc làu và lấy làm sách gối đầu giường.

(Trích Wiki pedia)

 

Và ta sẽ hết ngạc nhiên với bản dịch trên. Gọi nó là tuyệt tác thì chắc cũng không quá lời.

Lời gọn, ý cô đọng, từng chữ đều được cân nhắc. Bài thơ chỉ có bốn câu nhưng tình ý triên miên như một dòng sông dài chảy mãi không dứt.

Bài thơ này không có trong các tuyển tập thơ Đường, nhưng lại lưu truyền gắn với những giai thoại đời Đường.

Có hai giai thoại khác nhau:

Nhiều nhà nghiên cứu cho bài thơ này là của Trần Mỹ Dung, một nhà thơ nữ, và giải thích: Trần Mỹ Dung là một cô gái xinh đẹp. Một viên quan muốn chiếm đoạt, bị nàng cự tuyệt. Hắn lập mưu bắt cha nàng vào tù. Viên quan trẻ tên là Phan Trung biết chuyện, tìm cách cứu cha nàng, sau đó được ông gả con gái. Sắp đến ngày thành hôn, Phan Trung bỗng nhận được lệnh phải đi làm công vụ. Trước lúc xa nhau, Trần Mỹ Dung làm bài thơ này.

Sau đó, Phan Trung có công phát hiện nhiều vụ tham nhũng, bị bọn tham quan ô lại trả thù bằng cách vu cáo, phải vào tù, được một cô gái là Hồng Nương chăm sóc những lúc ốm đau, bệnh tật. Khi Phan Trung được tha, Hồng Nương lo lắng thuốc thang, nên lúc bình phục chàng đành phụ tình Trần Mỹ Dung cưới Hồng Nương.

Mười năm trôi qua mà không có tin tức gì về Phan Trung, gia đình Trần Mỹ Dung cậy người đi dò la tin tức mới biết chuyện. Trần Mỹ Dung tìm thăm Phan Trung và Hồng Nương. Lúc chia tay, Phan Trung tặng Trần Mỹ Dung một bài thơ, trong đó có hai câu nổi tiếng, được truyền tụng rất rộng xưa nay:

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ

Vô duyên đối diện bất tương phùng

(Đã có duyên với nhau thì dù cách xa nghìn dặm cũng có thể gặp nhau

Không có duyên với nhau thì dù có ngồi trước mặt cũng như không gặp nhau vậy)

Lại có một giai thoại khác, kể rằng ở Kim Lăng có một kỹ nữ là Lê Cẩm Vân biết làm thơ, giỏi chơi đàn. Nàng phải lòng Phó Xuân. Khi Phó Xuân bị oan, phải giam trong ngục, nàng luôn luôn đến chăm sóc. Lúc Phó Xuân bị điều đi làm lính thú ở xa, Cẩm Vân vẫn đòi đi theo, nhưng chàng không thuận. Nàng ứng khẩu tặng Phó Xuân bài thơ "Nhất ẩm xuân giao..." nói trên. Sau đó, Cẩm Vân thương nhớ Phó Xuân đến buồn bã, ốm yếu, suốt ngày chỉ đọc kinh Phật, không lâu sau thì qua đời.

Giai thoại thứ nhất ghi bài thơ này Vô đề.

Giai thoại thứ hai lấy tên nhân vật trong bài làm đề tựa, Tặng biệt Phó sinh .

 

Tháng 3-4.2021

NTH

 

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết