Quảng nam hay cãi

Quảng Nam hay cãi

Quảng Ngãi hay co

Bình Định hay lo

Thừa Thiên ních hết.

Tính hay cãi của người Quảng Nam đã đi vào cả trong hò, vè. Tại sao vậy ?

Có nhiều cách lý giải của nhiều người.

Dưới đây là 3 lý giải chính:

Thứ nhất, đây là miền đất có khí hậu khắc nghiệt, mủa hè nóng bức, mùa mưa thì giông bão, con người phải mạnh mẽ mới sống còn, lâu dần thành tính cách dữ dội, mạnh bạo.

Thứ hai, đây là nơi lưu đày tội đồ, nơi tụ hội của dân tứ chiến, đầu trộm đuôi cướp. Cá tính mạnh mẽ dữ dội của họ lưu truyền lại cho con cháu, thành ra tính quyết liệt của người Quảng Nam.

Thứ ba, đây là đất của người Chăm, mà sử sách đã ghi lại họ có tính hung dữ lại giỏi nghề cướp biển. Khi giao lưu với họ, người Việt đã tiếp thu của họ nhiều thứ trong đó có cả tính “ ăn đầu sóng, nói đầu gió “ này.

Không bàn đến chuyện đúng sai, ví dụ như nói khí hậu khắc nghiệt thì Quảng BỈnh, Quảng Trị có khi còn khắc nghiệt hơn, hay nói là do tính cách của dân tội đồ, tứ chiến từ vùng Thanh Nghệ, thì dân vùng này có hay cãi đâu;  hay bảo do thừa hưởng từ người Chăm thì vùng Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, còn nhiều người Chăm hơn.

Hồ Trung Tú biện luận về tính hay cãi của người Quảng Nam như sau:

“sau khi khảo sát giọng nói người Quảng Nam, sau khi kết luận được “giọng nói người Quảng Nam chính là giọng của người Chăm nói tiếng Việt” thì chúng tôi chú ý đến vốn từ vựng của người Quảng, và chợt nhận ra là họ có một vốn từ vựng nghèo nàn một cách trầm trọng !

 

Không kể danh từ vật nào tên nấy, không thiếu; nhưng với tính từ, trạng từ, nhất là số từ biểu lộ tình cảm thì vô cùng thiếu và ít.

 

Những câu người Bắc, người Khu bốn cũ diễn đạt một cách đơn giản, dễ dàng, sắc thái biểu cảm sinh động như: Điêu; quá đáng; tinh tướng; lấp lánh; hão; háo; vẽ chuyện; ra phết, đanh đá... thì người Quảng Nam hoàn toàn không biết đến những từ này! Và xem một người Quảng Nam diễn đạt vất vả một chuyện gì đó ta hiểu họ đã phải thay sự diễn đạt đó bằng những câu khái quát chung như: “Cái này cái nọ”, “nói chung là”, “cứ rứa”... được xuất hiện với tần số khá nhiều, trong khi người miền khác lại không dùng đến. Chính người Chăm nói tiếng Việt nên vốn từ của họ không đầy đủ, nhất là các tính từ, trạng từ và câu biểu cảm, như người Việt.

 

Phải chăng, chính sự diễn đạt khó khăn đó đã tạo nên tính cách? Chính vì không thể diễn đạt được các sắc thái tình cảm tinh tế, không nói được điều cần nói một cách bay bổng nhẹ nhõm, người Quảng Nam đã lấy sự chân thành, bù trừ? Chính vì không diễn đạt được, không biểu cảm bóng bẩy được nên người Quảng Nam lấy nói thẳng làm ưu thế, lấy thẳng thắn trung thực làm sở trường để chống lại cái sở đoản trong văn hóa diễn đạt? Mà nói thẳng thì hay gay gắt, chân thành thì hay giận, trung thực thì hay cáu vì đòi hỏi ai cũng trung thực như mình. Tất cả những tính cách ấy đều dẫn đến một thái độ tương đối căng thẳng trong cuộc sống. Và hay cãi cũng là thuộc tính tất yếu của tính cách này.

 

Cũng như các giả định khác, có thể đúng, có thể sai, nhưng chí ít giả định này là có thể chứng minh đong đếm được nếu ta có được công trình về vốn từ của người Quảng cùng với công cụ tâm lý học tham gia. Và khi mà có thể chứng mình được, kiểm chứng được thì nó mang tính khoa học cao hơn các giả định khác. “

 

Vậy tính hay cãi của dân Quảng Nam hẳn còn do nhiều yếu tố khác nữa.

Nhưng tất cả các lập luận này khác đều là do chính người Việt ở nơi này nơi kia hay ngay trên chính đất Quảng Nam nêu ra. Vậy ta thử đi tìm xem người ngoại quốc nói gì về người Quảng Nam.

Năm 1402, Vua Chiêm là Chế Ma Na nhượng châu Cổ Lũy cho Đại Việt. Đến 1621, là năm Christoforo Borri viết hồi ký về Xứ Đàng Trong , đã là 219 năm. Khi thuộc về đất Việt, đa số dân di cư đến đây là người 2 vùng Thanh Nghệ. Họ là dân lưu đày có gia đình đi theo, hoặc là đi theo đoàn do triều đình tổ chức.

Thử xem Christoforo Borri nói gì về người Đàng Trong, mà đa số là người ở Quảng Nam , nơi có cảng thị Hội An. Người ngoại quốc hầu hết đều tập trung về đây sinh sống, buôn bán làm ăn.

“ … can đảm hơn người Tàu, còn người Nhật chỉ hơn họ ở điểm coi thường mạng sống lúc gian nguy. Người Đàng Trong dịu dàng, lịch thiệp khi đàm đạo hơn các dân phương Đông khác.

Tính rất trọng khách và ăn ở giản dị. Đoàn kết với nhau, hiểu biết nhau, đối xử với nhau thành thật và trong sáng.

Tính người Đàng Trong rộng rãi hay cho nhưng cũng hay xin những gì họ thấy.

Những từ ngữ đối thoại, giao tiếp và lịch sự cũng giống như Trung hoa. Người dưới rất kính trọng người trên, và kẻ bằng vai khi đối xử, họ dùng những cách thức tỉ mỉ và lịch sự. Bao giờ và ở đâu, họ cũng dành ưu tiên cho người già.

Vì người Đàng Trong tử tế và có tính hoà nhã nên họ rất trọng người ngoại quốc”.

Phái bộ Anh do Macartney cầm đầu khi ghé vịnh Tourane vào năm 1793, có ghi nhận vài điều như sau:

“ Về tính tình, người Đàng trong vui vẻ dễ chịu và nói luôn miệng, khác với người Trung hoa luôn nghiêm nghị suy tính. “ ( không biết nói luôn miệng có đồng nghĩa với hay cãi không ? ! )

Maspero, dẫn theo Nguyễn Duy Chính ( trong khảo luận Núi  Xanh Nay Vẫn Đó), nhận xét rằng, “ người Chăm hung hăng hay cãi cọ nhưng rất can đảm.”

Li Tana, trong thiên khảo luận về Xứ Đàng Trong mới gần đây ( 2017), cho biết rõ hơn về những người tiên phong đến Đàng Trong là những ai:

“ Lịch Triều Hiến Chương loại chí viết từ 1474, nhà Lê quyết định đưa tội nhân đến các vùng trước đây thuộc người Chăm. Tội nhẹ thì đến Thăng Hoa ( vùng Thăng BÌnh , Quảng Nam. Tội nặng thì đến Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Hoài Nhơn ( Bình Định ngày nay).

Vùng đất phía nam này còn là nơi trú ẩn của dân tị nạn. Đó là những người nổi dậy kháng chiến chống quân Minh xâm lược, thời Trần Giản Định (1370 – 1372), Trần Quý Khoáng ( 1407 – 1413), họ hoạt động ở vùng Thanh Hóa, Hóa Châu ( quận Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên ngày nay). Ngoài ra, năm 1471, trước khi tấn công Chămpa, vua Lê Thánh Tông đã tuyên hịch kể tội Chămpa, trong có kể tội chứa chấp tội phạm người Việt.

Khi Nguyễn Hoàng vào nam, có rất nhiều quan lại và gia đình họ đã đi theo đến vùng đất Thuận Hóa năm 1558. Nhiều hương khúc, nghĩa dũng cũng đi theo họ.

Một số thành phần ưu tú khác cũng đi theo Nguyễn Hoàng vào nam. Đó là các trung thần của nhà Lê.

Có những người đã tới vùng đất này theo lời kêu gọi của vua Lý Nhơn Tông từ thế kỷ 12.

Gia phả một số dòng họ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi cho biết tổ tiên họ ( được chiêu mộ đi đánh giặc) đã từ Thanh Hoá vào đây từ thời Hồng Đức ( 1470 – 1497 ). Có cả một số là nông dân từ miền bắc vào định cư nơi đây.

Lê Thánh Tông khi chiếm Phú Yên năm 1471, đã cho khắc vào núi Thạch BI dòng sau đây : “ Chiêm Thành qua đấy, quân thua nước mất. An Nam qua đấy, tướng chết quân tan.”

Vậy dân Quảng đâu chỉ gồm tội đồ, dân tứ chiến giang hồ, mà có cả những người nổi dậy chống quân xâm lược, những người ái quốc mà người đời sau luôn kính trọng. Và cả giới ưu tú của xã hội là giới quan lại cùng gia đình họ.

Xã hội xứ Quảng Nam gồm từ giới thượng lưu cho đến cùng đinh. Mỗi giới sẽ có cách nói khác nhau. Giới ưu tú ăn nói văn nhã (như nhận xét của Christoforo Borri), giới bình dân ăn nói thành thật, đơn giản.

Nên nhớ rằng cảng thị Hội An, thế kỷ 16, 17 là nơi lui tới của rất nhiều thương nhân ngoại quốc, từ Trung hoa, Nhật, đến Xiêm , Java, cũng không thiếu người Tây phương như Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp v.v… cho nên người Quảng Nam hay nói rộng ra là người Đàng Trong rất quảng giao tức là giỏi giao tiếp, chuyện trò. Đã buôn bán thì phải tranh chấp, đã tranh chấp thì hay cãi nhau. Nên người Quảng Nam cãi nhau thành thói quen. Phải thế chăng ?

 

Bình Thạnh, tháng 9.2019

Ng T. Hải

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết