Có lần chú H thắc mắc không hiểu chữ “ phượt” nghĩa là gì và gốc từ đâu ra. Sau khi tra cứu từ thư viện quốc hội Mỹ đến thư viện quốc gia VN, chú K định nghĩa phượt như sau:
Phượt: lật phật, tiếng gió thổi qua lớp quần áo trên người, phát ra âm thanh. Từ lật phật chuyển âm thành lượt phượt. Chỉ người đi du lịch không theo cách truyền thống.
Quần hùng hiện chấp nhận ý trên, Ai có ý khác xin mời đóng góp.
Nhân vừa lướt qua vài vài cuốn sách Phật, bỗng nhận ra hình như cuộc đời Đức Phật tái hiện hình ảnh một phượt thủ chân chính.
Này nhé. Đang nệm ấm, chăn êm, hoắt nhiên từ bỏ hết, lăn thân vào cuộc đời gió bụi. Đi bộ là chính, không laptop, không smartphone, không Google map, bị nghi ngờ và nguyền rủa. Chấp nhận hết. Phượt thủ cũng vậy, tra cứu thông tin từ bạn bè, người thân rôi tự tìm ra hướng đi.
Đa số phượt thủ hiện đại đều trang bị máy chụp hình, Đức Phật trang bị niềm tin và ánh mắt quan sát. 10 năm đầu của đời mưa gió, Phật cũng hoang mang. Những chuyến đi đầu, phượt thủ cũng run rẩy. Đa phần phượt thủ đi thành nhóm, đức Phật cũng có hội của mình (10 đại đệ tử La Hầu La, A Nan Đà, Mục Kiều Liên...).
Nơi nghỉ của phượt thủ là nhà nghỉ rẻ tiền, hay bất cứ chỗ nào có thể ngã lưng, kể cả khách sạn ngàn sao. Nơi nghỉ của Phật là dưới tàn cây, túp lều ven rừng.
Trong những chuyến đi gian nan, phượt thủ hạn chế tối đa vật dụng cá nhân. Khi đi thuyết pháp, Phật chỉ có tư tưởng mang theo trong đầu.
Thành tích của phượt thủ là những tấm ảnh và kiến thức về miền đất lạ, kết quả những chuyến đi của Phật là giáo lý được lan truyền.
Phượt thủ thường đi những nơi chưa ai đến. Xa xôi hoang vắng là nơi Phật đến trước tiên.
Phượt thủ nói, đời là những chuyến đi. Đức Phật dạy, đời là bể khổ.
Phật bảo, ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành. Phượt thủ tuyên bố, ta đã đi là đến, các ngươi cũng nên ra đi rồi sẽ ...quay về.
Phật giác ngộ dưới gốc bồ đề. Phượt thủ thành công khi đến giới hạn của địa lý.
Có 1 điểm khác. Đức Phật là vĩ nhân, không phải người phàm. Phượt thủ là người phàm, không phải vĩ nhân.
Vài phượt thủ nổi danh khác. Có thể kể Trần Huyền Trang. Phải nói ông gan cùng mình, khi chỉ 1 mình 1 ngựa với vài đệ tử, mà đám đệ tử này cũng trốn biệt khi chỉ mới cất bước viễn hành, ông dám đi trên con đường trước ông chưa ai đi qua. Nhờ vậy mà đời sau mới có Đại Đường Tây vực ký, 1 dạng ký sự phiêu lưu.
Trần Huyền Trang là người phàm bước lên hàng ngũ vĩ nhân.
Noi gương ông, nhưng đi ngược từ Tây sang Đông, khoàng 6 thế kỷ sau, là Marco Polo. Khác với Trần Huyền Trang là nhà tu đi tìm chân kinh, Marco Polo là tay phiêu lưu đi tìm chân lý theo con đường tơ lụa chứ không tìm chân kinh. Chân lý Marco tìm được là chức quan trong triều đình nhà Nguyên (Mông Cổ).
Marco Polo ham danh vọng chứ không ham danh tiếng nên vẫn là người phàm.
Và 2 phượt thủ này đều thành công và thành danh.
Bình Thạnh, tháng 10.2019
Ng T. Hải
-
Quảng nam hay cãi< Trang trước
-
Mùa thu vàng (Kỳ 2/2)Trang sau >