2. B. Bà Gabrielle Maud Vassal
Gần 20 năm sau, một nữ lưu tây phương khác, nữ phượt thủ đầu tiên, cũng đi theo lộ trình của Yersin lên cao nguyên Lâm Viên.
(Các ảnh trích từ sách On and Off Duty in Annam, London, 1910)
Bà Gabrielle Maud Vassal, người Anh theo chồng là quân y sĩ người Pháp đến Nha Trang nhận nhiệm vụ.
Bà Gabrielle M Vassal
Hồi ký của bà về thời gian ở Nhatrang có 2 điểm đáng lưu ý. Đó là chuyến đi Đà Lạt và chứng kiến nhà khảo cổ H. Parmentier khai quật cái mà người ta gọi là kho tàng của người Chăm ở tháp Po Nagar.
Trong chuyến tàu thủy từ Saigon đưa vợ chồng bà ra Nhatrang, bà ghi lại những ấn tượng đầu tiên về thành phố này:
“Lúc 5 giờ sáng, tôi ngồi dậy và nhìn ngắm chung quanh. Cảnh thật tuyệt vời. Mãi mãi tôi không bao giờ quên cảm giác mê tơi buổi sáng hôm đó. Đây là miền đất đẹp đẽ chúng tôi sẽ ở trong tương lai. Chúng tôi đã bỏ lại sau lưng miền đất thấp của Saigon. Những đồi cao, núi non bao bọc xung quanh. Rừng cây xanh um bao phủ hầu khắp. Tôi nghỉ ngay đến chuyện cọp, chuyện rừng xanh bí mật. Không thấy dấu vết con người ở đây. Các dãy núi, ngọn này nối tiếp ngọn kia, chạy sâu vào đất liền xa tít tắp. Vầng thái dương vừa ló dạng… trong những cụm rừng im lặng kia, ta tha hồ du ngoạn. Chìm đắm trong những ảo vọng ngây thơ tôi thấy tôi như đang trên con đường rừng miền nhiệt đới, hai bên là những đóa hoa tuyệt mỹ và những bãi cỏ xanh mướt như ở châu Âu.”
Khi đã lên bờ, bà mô tả Nhatrang:
“Nhatrang, tiếng Việt là Nhà Trắng, là một làng chài lưới khoảng 3.000 dân. Đây là thủ phủ của người Âu ở tỉnh Khánh Hòa dù dân da trắng không quá hai, ba mươi người. Gồm ông Sứ, vài người Âu làm việc trong tỉnh. Viện Paster, vài người Âu bỏ xứ sang đây làm ăn, đó là tất cả. Cứ 2 tuần một lần, chuyến tàu thơ liên tỉnh chạy đường Saigon – Hải phòng đưa những người Âu đáo nhậm, là viên chức của Nhà Đoan hay Sở Lục Lộ. Du khách khó kiếm ra một chỗ nghỉ đêm dù hiện nay có một phòng ngủ kèm hàng ăn do người Hoa làm chủ mà chỉ có tấm bảng hiệu là nét hấp dẫn nhất thôi.
Nhatrang nằm ở cửa ra vào một thung lũng hẹp nhưng trống trải. Gió biển và gió đất liền thổi đều hoà quanh năm. Nước uống tuyệt ngon, người ta lấy nước từ các giếng chứa nước ngọt thấm qua cát như màn lọc. Nhatrang là nơi an lành, người Âu sống ở đây ít bị sốt rét hay kiết lỵ”.
(Chắc là bà bảo Nhatrang còn có tên là Nhà Trắng vì nghe người ta nói thế và vì chỉ thấy có mấy toà nhà đều quét vôi trắng là nhà Yersin, Viện Pasteur. Dĩ nhiên có nhiều thuyết về nguồn gốc tên của thành phố. Nhưng khi soạn Phủ Biên Tạp Lục khoảng 1776, Lê Quý Đôn đã ghi tên Nhatrang rồi. Không rõ ông có thấy ngôi nhà nào màu trắng ở đấy không ? ? ?)
Thuyền về bến
Ngôi nhà nơi bác sĩ Yersin sống và làm việc
Nhà bà Gabrielle (không biết bà kiếm đâu ra cây Thùa,(Agave) này)
Nhà nhìn từ một góc khác
So với ấn tượng của Yersin về Lang Bian,”một cao nguyên trơ trụi, nhấp nhô gò đồi”, thì ấn tượng của Gabrielle về Nhatrang là đẹp đẽ hơn nhiều,”nắng vàng, cỏ xanh, những bông hoa tươi đẹp hai bên đường…”
Bà tả viện Paster Nhatrang:
“khi chúng tôi tới Nhatrang vào năm 1904, ngôi nhà chính của viện đã gần hoàn thành. Tầng lầu có 1 thư viện, 3 phòng thí nghiệm, 1 của bác sĩ Yersin, 1 cho chồng tôi, cái thứ 3 dành cho thú y sĩ. Tầng dưới có phòng làm việc, máy nhiệt áp, lò nung, phòng nhiếp ảnh, phòng tồn trữ huyết thanh. Có chuồng khỉ, bạch thử, chuột và chuồng nhốt thú lớn…”
Hành lang Viện Pasteur
Bà tả phụ nữ Chăm:
“Đàn bà Chăm trông khá xinh. Họ có dáng thon thả, mặt nhìn nghiêng có nét tinh thuần khiến người ta nghỉ đến phụ nữ Ấn độ…”
Hàng gốm của người Chăm ở một góc chợ
Chợ ngày nước lụt
Và ngày nắng ráo
-
Những phượt thủ Tây phương đầu tiên trên đất Việt (Kỳ 6/7)< Trang trước
-
Những phượt thủ Tây phương đầu tiên trên đất Việt (Kỳ 4/7)Trang sau >
Bài viết liên quan
- Những phượt thủ Tây phương đầu tiên trên đất Việt (Kỳ 7/7)
- Những phượt thủ Tây phương đầu tiên trên đất Việt (Kỳ 6/7)
- Những phượt thủ Tây phương đầu tiên trên đất Việt (Kỳ 4/7)
- Những phượt thủ Tây phương đầu tiên trên đất Việt (Kỳ 3/7)
- Những phượt thủ Tây phương đầu tiên trên đất Việt (Kỳ 2/7)
- Những phượt thủ Tây phương đầu tiên trên đất Việt (Kỳ 1/7)