Địa danh và thắng tích ở Khánh Hòa - Kỳ 3/6

7. Ao Phú Hội

Chép theo ĐNNTC:

“Ở huyện Quảng Phúc thủy triều lên thường có nước mặn tràn vào, trước kia có người trong thôn tên là Lục đắp bờ làm ao để nuôi tôm cá, nay bỏ.”

Đây có thể là nguồn gốc tên”Hồ Lục Vạn”. (chỉ là có thể thôi, chứ không nói Ao Phú Hội là Hồ Lục Vạn).

(Ví dụ ở mục Cầu Cống:”cầu Minh Yên, ở huyện Phúc Điền, tục gọi là cầu Thị Hương, vì trước kia người ở trong thôn tên là Thị Hương bắc cầu này, nên gọi trên thế”.

Một ví dụ khác.”Ao Trung Yên, ở huyện Quảng Phúc, trước kia trong xã có người tên Lam, đắp bờ làm ao nuôi cá, tục gọi ao Cha Lam).

 

8. Phú lộc phụ lũy xã (thuộc Tổng Trung, phủ Diên Khánh)

Có các xứ: Hoa Bông, Đồng Dừa, Vũng Sau, Bàu Gáo.

Vị trí từ núi Sĩ Lâm đến cầu Hoa Bông là vùng có trận đánh ác liệt nhất trong số các trận chiến trong thời Nguyễn Ánh – Tây Sơn. Có lẽ cầu Hoa Bông nằm trong xứ Hoa Bông. (nguyên văn trong ĐNTL: :”tháng 5, 1795 Võ Tánh đang đêm thân mở cửa thành, đốt trại giặc từ núi Sĩ Lâm đế cầu Hoa Bông tất cả 4 nơi. Quân giặc vỡ chạy, chết và bị thương vô số, súng đạn và khí giới đều bị quân ta bắt được.). Ta hình dung ra trận Xích Bích khi Khổng Minh bày liên hoàn kế, lừa Tào Tháo cột thuyền lại cho Chu Du nổi lửa đốt (vài chiếc hay mười mấy, hai ba chiến thuyền gì đó), hay là khi Lưu Bị dẫn quân vào Đông Ngô đánh trả thù cho Trương Phi, đóng trại suốt 400 dặm để rồi bị quân Đông Ngô nổi lửa đốt sạch., có lẽ chừng 4 trại đóng dài khoảng 4 dặm, nhưng con số 4 nghe không oai chút nào). 

Núi Sĩ Lâm: ĐNNTC chỉ ghi tên núi Du Lâm, cách tỉnh lỵ (tức là thành Diên Khánh) hơn 50 dặm về phía nam.

Ta biết thành Diên Khánh xây trên nền đồn cũ Hoa Bông. Vậy cầu Hoa Bông ở chừng đâu đó gần thành Diên Khánh. Nếu vậy, đoạn đường chiến tranh này dài chừng ấy, tức khoảng 50 dặm, khoảng hơn 20km. Trong 20km này có 4 trại, tức cách 5km có 1 trại. Rất hợp lý.

 

9. Đàn đá Khánh Sơn

Bộ đàn gồm 12 thanh, nhẹ nhất 9kg, nặng nhất 30kg.

Khánh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hoà. Cách thành phố Nhatrang về phía tây nam 100km, cao hơn mực nước biển 800m.

Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Lâm đồng và duyên hải miền trung nên khí hậu mát mẻ quanh năm.

Huyện lỵ là Tô Hạp, cũng là tên dòng sông chính chảy qua hầu hết các xã trong huyện. Khác với hầu hết các con sông ở Việt Nam đều chảy về phía đông xuôi ra biển, sông Tô Hạp lại chảy ngược về phía tây, đổ qua Ninh Thuận.

Cây Tô Hạp Hương (Cayơu Turủq) vốn là tên một làng cổ của dân tộc Raglai: Palơi Turủq (làng Tô Hạp). Cây Tô hạp hương mọc thành rừng ven sông vừa là dược liệu vừa là hương liệu.

Người Raglai chiếm hơn 70% dân số của huyện. Họ có truyền thống văn hóa khá phong phú. Họ có trường ca, sử thi, dân ca, truyện cổ tích. Có các nhạc cụ như đàn đá, đàn bầu, kèn môi, cồng chiêng, đàn ống tre, lễ mừng mùa lúa mới, lễ bỏ mã.

Đàn đá Khánh Sơn được công bố năm 1979 (trước đó, năm 1949 tại Tây Nguyên, một kỹ sư người Pháp đã phát hiện ra bộ đàn đá đầu tiên trên thế giới). Đây là bộ đàn đá do ông Bo Bo Ren, người dân tộc Raglai ở Khánh Sơn đào được và cất giấu trong hang đá đã hàng chục năm. Đàn đá Khánh Sơn có niên đại khoảng 2.500 - 3.000 năm về trước. Kết quả khai quật khảo cổ học tại đỉnh núi Dốc Gạo cho thấy hiện vật với hàng trăm mảnh tước cùng nhiều tảng đá lớn nhỏ và nhiều thanh đàn đá không còn nguyên vẹn đều thuộc loại đá Rhyolite Porphyre có nhiều ở Khánh Sơn, cũng là loại đá đã chế tác đàn đá. Điều này chứng minh đàn đá Khánh Sơn được chế tác tại chỗ, cư dân Raglai - chính là chủ nhân thực sự của những bộ đàn đá và Dốc Gạo là một”công xưởng”chế tác và đàn đá Khánh Sơn là một loại nhạc cụ cổ tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Điều lý thú là khi gõ vào mỗi thanh ở bất cứ điểm nào đó cũng cho một âm thanh riêng của thanh đó, trừ thanh có 2 vết mòn nhẵn ở 2 điểm âm thanh có cao độ khác nhau. Điểm gõ vang nhất ở mỗi thanh chính là những vết đã mòn nhẵn chứng tỏ những người chế tác ra nó đã có sự tính toán, cân nhắc khá chính xác và bộ đàn đã có quá trình sử dụng rất lâu. Các nhà nghiên cứu về âm nhạc, về nhạc khí đã xếp đàn đá Khánh Sơn vào loại nhạc cụ”roi”, tức là loại nhạc cụ tự rung như cồng, chiêng, đàn tơ-rưng…

(http://www.baodulich.net.vn/Doc-dao-Khanh-Son-0703-9127.html)

Thung lũng Tô Hạp

 

 

Đàn đá Khánh Sơn

 

Vậy bộ đàn đá này có tuổi từ 2.000 đến 5.000 năm. Nếu là 2.000 năm thì bằng tuổi với Văn hóa Sa Huỳnh (1.000 TCN-200), Văn hóa Đồng Nai (1.000 TCN-0), hoặc Văn hóa Óc Eo (1-630).

Còn nếu 5.000 tuổi thì bằng tuổi Văn hóa Phùng Nguyên (2.000-1.500 TCN).

Hay nói cách khác bằng tuổi với Hai Bà Trưng hay với các Pharaon, chủ nhân Kim tự tháp bên xứ Ai Cập.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Văn hóa Sa Huỳnh là tiền thân văn hóa của người Chăm. Không rõ nền văn hóa này có ảnh hưởng gì đến dân tộc Raglai không. Nhưng theo nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông (nguyên Giám đốc trung tâm nghiên cứu văn hóa tỉnh Khánh Hòa), đàn đá Khánh Sơn ra đời do nhu cầu sinh hoạt nương rẫy của chính dân tộc Raglai. Họ sống tách biệt trên cao nguyên, còn người Chăm sinh sống dưới đồng bằng.

Cũng có ý kiến cho rằng, đàn đá Khánh Sơn nguyên thủy có thể hòa tấu như các loại nhạc cụ hiện đại, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông bác bỏ quan điểm này. Ông lập luận: Mọi công cụ lao động, nhạc cụ đều phải xuất phát từ lao động, phục vụ đời sống lao động mà thành, những gì đóng góp cho đời sống xã hội, đời sống tinh thần trong một giai đoạn lịch sử nhất định mới tồn tại được. Cũng vì lẽ đó, thường các bộ đàn đá Khánh Sơn không theo âm vực, không biểu diễn được thành một bài, bởi người Raglai chỉ lấy đá rồi đẽo tương tự giống âm cồng chiêng, đánh theo kiểu của cồng chiêng. Mà bộ cồng chiêng thường có 5-7 cái nên người Raglai chỉ làm số lượng đàn đá tương tự với mục đích đánh thay cho cồng chiêng. Bởi thế, đàn đá Khánh Sơn nguyên thủy thường không đáp ứng được nhu cầu về nghệ thuật hiện đại, chỉ đánh được một số giai điệu ngắn của người Raglai.

(https://ct.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ho-so-dan-da-khanh-son-523673)

Theo Phan Khoang (Việt sử Xứ Đàng Trong), nhạc khí của người Chăm có đàn tranh, đàn có 5 dây, ống sáo, tù và, trống.

Tù và vừa là nhạc cụ vừa là phương tiện truyền tín hiệu đi xa.

Vậy dùng đàn đá truyền tín hiệu là sáng tạo của người Raglai. Giai đoạn đầu là phát tín hiệu để khỏi phải gân cổ lên gào thét, rồi dần dà khám phá thêm các âm điệu trầm bỗng khác nhau của đá, họ sử dụng nó như nhạc cụ để giải khuây, làm công cụ phục vụ lễ hội.

Đá trở thành thứ nhạc khí độc đáo nhất của các dân tộc miền cao nguyên Việt Nam.


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết