STONEHENGE, Lời giải mới cho bài toán cũ

LỜI GIẢI MỚI CHO MỘT BÀI TOÁN CŨ

STONEHENGE

Di tích hoang liêu trong bình nguyên Salisbury ở xứ Anh đã chịu thua trước các câu hỏi “khi nào” và “như thế nào”, nhưng vẫn bảo vệ một cách vững chắc bí ẩn lớn nhất của nó, “tại sao?”

(Dịch từ Harold E. Edgerton. NGC June 1960 )

 

Nằm trơ trọi trên bình nguyên Salisbury lộng gió, những khối đá đẽo thô đã thách thức gió mưa suốt 4.000 năm và đặt ra vấn nạn cho các nhà sử học và khảo cổ học. Di tích huyền bí của nước Anh cổ  chính là Stonehenge _ địa điểm có những khối đá treo.

Không có nơi nào khác ở Tây Âu có kiểu đền đài như thế; nó đứng chỉ một mình. Chúng ta có thể phỏng đoán nó đã được xây dựng khi nào và như thế nào; ta cũng có thể giả định về kiến trúc của nó ; nhưng về mục đích và việc sử dụng nó qua nhiều thế kỷ tăm tối thì chúng ta vẫn còn mù mờ. Stonehenge, như cách viết của tiểu thuyết gia Henry James, “ đứng cô độc trong lịch sử như nó  đứng một mình trong bình nguyên bao la vậy.”

Tôi đứng ở một vị trí thuận lợi mà hầu như bất cứ ai muốn quan sát những khối đá lạ lùng này đều phải đứng. Tôi nằm sấp trong một hố bom, nhìn qua cửa hầm của tay súng bắn tỉa. Nhiệm vụ thời chiến của tôi là huấn luyện các nhân viên không lực chụp hình do thám ban đêm, và mục tiêu ưa thích ở Anh quốc là Stonehenge.

Về sau tôi có cơ hội ngắm di tích này từ mặt đất. Đi cùng các sĩ quan pháo binh nghiên cứu những vị trí dễ tấn công từ trên máy bay chụp hình bay ở tầm thấp, tôi đã viếng Stonehenge trong khi máy bay lượn trên đầu, đạn pháo và bom nổ chung quanh. Bò qua hàng rào dây thép gai, chúng tôi lếch thếch đi về phía những khối đá màu xám khổng lồ và rán quan sát thật kỹ trong ánh trăng bàng bạc.

Tôi tì máy chụp hình trên cây cọc hàng rào , chụp vài tấm nhờ ánh đèn của những chiếc máy bay đang bay tới và pháo sáng chúng tôi phóng lên để dẫn đường cho chúng; nhưng chắc chắn những tấm hình này không làm tôi hết tò mò. Tôi thề sẽ có ngày trở lại, tốt nhất là vào giữa hạ chí, để có cái nhìn thực tế hơn.

Tôi chọn thời điểm hạ chí_ 22 tháng Năm_ vì nhiều nhà khảo cổ học tin rằng Stonhenge đã được nghiên cứu kỹ để hướng chính xác về địa điểm nằm trên đường chân trời nơi mà mặt trời mùa hè mọc lên trong những buổi bình minh xa xưa của thời tiền sử. Mãi đến nhiều năm sau tôi mới có cơ hội.

Tờ Luân đôn, tôi và con trai tôi, Bob, thuê một chiếc xe hơi để đi Stonehenge. Đã biết thời tiết ở Anh, tôi lần lữa mấy ngày trước ngày 22. Mây mù không phải là trở ngại duy nhất khi chụp hình. Trên bình nguyên Salisbury, ngay cả khi trời đêm trong trẻo, vẫn có những lúc sương mù dày đặc.

Nhưng chúng tôi đã gặp may. Bầu trời trống trải,và trong khi lái xe, chúng tôi cảm nhận những luồng gió đủ mạnh để thổi tan hết sương mù. Chúng tôi đến Salisbury lúc nửa đêm và cứ tiếp tục đi thêm 16km nữa, cho đến khi khối đá khổng lồ nổi tiếng ấy lù lù hiện ra dưới ánh đèn xe. Từ xa, những tảng đá nguyên khối khổng lồ lờ mờ hiện lên trên nền trời. Chúng tôi ngừng ở đây chờ bóng đêm tan dần  để chụp hình di tích dưới ánh mặt trời.

Từ những chuyến thăm đầu tiên và từ khối tài liệu khổng lồ chung quanh Stonehenge, tôi biết, dù chỉ mù mờ, thiết kế ban đầu của nó. Về phía tây bắc là Đại lộ dài mọc đầy cỏ, nhìn từ trên không rõ hơn dưới đất, chạy dài khoảng 3km đến bờ sông Avon. Gần đầu mút phía tây nam của Đại lộ này, là Tảng Đá Có Chân, một khối đá nằm nghiêng, được tạo dáng sơ sài, và có tên này vì có khấc ở gần chân. Theo truyền thuyết, con quỷ, vì giận một vị thầy tu, đã ném tảng đá  trúng ngay gót chân. Không xâm phạm được vị thầy tu đạo đức ấy, nên tảng đá phải gánh hậu quả.

Cách Tảng Đá Có Chân chừng 22m, ở bờ đường Đại Lộ, là con mương và các công trình bằng đất khác, bao quanh Stonehenge thành một đường tròn đường kính 97m. Ngay bên trong là một đường tròn đồng tâm gồm 56 hố, có tên là Hố Aubrey, đặt theo tên người khám phá ra chúng vào thế kỷ 17. Chắc chắn chúng nhằm để tế lễ.

Kế tiếp là 2 vòng tròn hố nữa, chưa rõ để làm gì. Rồi đến hàng cột đá khổng lồ đầu tiên, Vòng Tròn Sa Thạch ( The Sarsen Circle).

Những khối Sa thạch nặng hơn 40 tấn

Đá sarsen la một dạng sa thạch tìm thấy ở vùng đồi Marlborough, cách đó 24 dặm. Tên này rõ ràng là có gốc từ “ saracen”, thuật ngữ xuất hiện sau thời thập tự chinh, để chỉ bất cứ gì có yếu tố ngoại lai, man dã, và hơi một chút ma quỷ nữa. Stonehenge có 2 khối bố trí bằng sarsen, một vòng tròn khoảng 30m đường kính, từng chứa đến 30 cột, có một khối dầm đỡ chạy suốt ở trên, một móng ngựa bên trong gồm những khối đá còn lớn hơn, vài khối cao đến 6m và nặng hơn 40 tấn.

Giữa những cơ cấu sarsen này là một vòng tròn thứ hai và móng ngựa bằng đá xanh_ rhyolite và dolorite nhập từ rặng núi Prescelly ở tây nam xứ Wale. Nhỏ hơn sarsen, rất có thể chúng là một phần của một ngôi đền có từ trước, cũng xứng đáng với khối lượng lao động kinh hồn đã bỏ ra để kéo chúng qua 400km đất và nước.

Cùng vượt một khoảng đường như vậy ở Pembrokeshire_ có lẽ là Milford Haven_ là khối đá bệ thờ, một phiến đá khổng lồ rất ấn tượng trong vòng móng ngựa bằng đá xanh, nhưng có lẽ ban đầu nằm thẳng đứng. Từ khối đá này, những thuật sĩ thờ thần mặt trời đã đánh dấu vị trí của mình, trông về phía tây bắc dọc theo trục giữa những cột  trên lối vào Vòng Sa Thạch (Sarsen Circle).

Những tảng đá đồ sộ băng qua đồi ra sao

Không ai nhìn những khối đá kềnh càng ấy mà không thắc mắc làm sao mà người thượng cổ với hiểu biết kỹ thuật sơ sài lại có thể lôi chúng đến cái địa điểm hoang vắng này và dựng chúng lên. Song cũng chẳng nên thổi phồng quá mức điều bí ẩn này vì công việc thực ra đâu có đòi hỏi đến sức mạnh phi thường hay tài ba tột độ đâu.

Trên thực tế, có lẽ công việc đã được thực hiện do những chàng trai lực lưỡng, như cha con tôi đã chứng kiến trong một phim trường của đài truyền hình ở Luân đôn. Cuốn phim chiếu cảnh các chàng trai kéo một cây cột bê tông qua khu đất gồ ghề bằng dây thừng và con lăn. Chúng tôi cũng đã thấy một khối nặng như thế được chở ngược dòng sông bằng cách cột 3 chiếc xuồng độc mộc lại với nhau.

Những khối sarsen hẳn cũng đặt ra những vấn đề không phải là không thể vượt qua. Giữa vùng đồi Marlborough và khu di tích, những người thợ kéo phải đối phó với những ngọn đồi thoai thoải, những đầm lầy, những quảng đường đầy cây bụi. Nhưng khoảng cách chỉ  chừng 40km, và người ta ngờ là những người xây dựng bị thời gian thúc hối.

Trong khi những khối đá xanh phải đi một quãng đường dài hơn, từ Pembrokeshire, chúng khá nhỏ, trung bình chừng 1,5tấn. Hẳn người ta đã đi theo nhiều con đường, qua vùng núi Welsh, vùng đồi Cotswold, và về phía nam đi về miền Wilshire, và cả một chuyến hải trình dài chẳng hạn như qua Land’s End , ngược sông Avon. Ngày nay, rất có thể đó là một chuyến đi phức tạp, bằng thuyền từ Milford Haven đến Avon ở Bristol, rồi ngược dòng sông này đi quá Bath, và sau cùng, sau rất nhiều đoạn chuyển tải, mới đến được Stonehenge(xem bản đồ, t.851).

Phải thừa nhận rằng kéo những tảng đá này qua những vùng đất lồi lõm hay lầy lội chẳng phải là chuyến đi dã ngoại. Những con lăn gỗ thường va vào đá, vào cây, bị gẫy, bị nghiền ra, có khi lại lao xuống vũng lầy, mỗi tảng đá là một thử thách phải vượt qua.

Dù sao, với tôi, vẫn còn những vấn đề phức tạp hơn. Kiểu cách hàng cột Stonehenge ? Làm sao mà những con người chưa từng biết đến các công cụ thép lại có thể tạo dáng cho những khối sa thạch vừa cứng vừa to này ?

Thế mà họ đã làm được. Vì những khối sarsen cao ở vòng ngoài không những chỉ được cắt thành hình chữ nhật đều đặn, mà bên trên còn có những dầm đỡ nối với những trụ thẳng đứng bằng mộng, còn dầm đỡ thì nối với nhau bằng cái đai dạng lưỡi gà và đường soi. Không ai có thể lầm sự tinh xảo của Stonehenge với Parthenon, song giữa chúng vẫn có sự khác biệt rất lớn.

Việc sắp xếp các khối đá mất nhiều năm

Như mọi thứ khác về Stonehenge, nó cũng mất thời gian. Rất có thể,  các khối sarsen được đẽo bằng lửa. Sau khi khai quật được một tảng đá trông thích hợp, người thợ chẻ sẽ đốt đống lửa thật nóng trên nó, khi đá nóng lên, tưới đẫm nước vào, rồi dùng vồ đá nện nó. Nếu gặp may, tảng đá sẽ nứt theo chỗ đánh dấu bằng nước.

Nhưng chỉ làm được với một khối đá tương đối cồng kềnh. Để tạo dáng họ đập từng nhát một. Có lẽ  chỉ có một người dùng vồ sarsen tròn ngồi đập nhiều giờ liền, hay 2 người dùng sợi dây thừng cột cái vồ lớn bằng trái banh ở giữa, cùng nhấc lên và nện xuống.

Tôi mong là họ biết dăm ba bài hò hay của thời Tân Thạch khí (Neolithic) khi cùng làm việc theo nhóm, vì nó hẳn là một bài đồng ca buồn tẻ trong khi nhịp độ công việc tiến rất chậm, chỉ là từng milimét bụi. Một nhà khảo cổ đã tính toán là phải cần đến 50 người thợ làm trong 3 năm để các khối sarsen có hình dạng cuối cùng.

Khi đã kéo vào chỗ và bố trí xong, các khối đá hơi trượt đi một chút, phần chân  trước, vào những hố được đào xiên. Xong xuôi đâu đó, những người thợ dựng lên một giàn gỗ và từ từ dựng đứng các khốí đá lên và mau chóng thu gọn quanh lỗ mộng.

Các khối đá giờ đã đứng thẳng khá chắc chắn. Nhưng làm thế nào nâng bỗng các thanh dầm lên khi không có cần cẩu cũng chẳng có hệ thống puli nào. Có lẽ ta sẽ không bao giờ biết được, nhưng sự thể không quá khó khăn như ta tưởng. Những phiến đá lớn được nâng lên hoặc trượt trên những con lăn gỗ đặt trên đường dốc, sau đó gỡ bỏ đi. Nhưng người ta đã đề ra một phương pháp đơn giản hơn. Một giàn nâng bằng gỗ dựng ngay dưới mỗi tảng đá để đỡ nó lên từng phân một, từ chân đến đầu.

Một câu hỏi chợt nẩy ra khi tôi ngắm những gì còn lại của Stonehenge ngày hôm nay : Ban đầu nó có mái không ? Tôi nghĩ đến điều này chỉ vì kiểu kiến trúc có hàng cột bao quanh, mở ra dưới bầu trời. Nhưng những hàng cột và dầm đỡ này lại không nâng một hệ thống rui và mái sao, để hình thành một ngôi đền hình tròn hay một phòng họp hội đồng ? Vẻ kỳ quặc, có phần độc đáo nữa, sử dụng ngàm và mộng, các liên kết bằng ngàm mộng trên những khối đá khổng lồ này cho thấy là những người xây dựng này có phần quen thuộc với kỹ thuật mộc hơn là nề. Còn gì tự nhiên hơn là đặt trên đầu các cột trụ  một tấm trần bằng gỗ. Thời tiết 40 thế kỷ trước chắc cũng giống như thời tiết ở Anh ngày nay.

Khoảng 2 giờ sáng, khi gió thổi rít qua các lỗ tò vò, Bob và tôi mới thấu hiểu nhu cầu tìm nơi trú ẩn. Tôi rúc vào xe và bật máy sưởi trong xe, còn Bob nằm cuộn tròn trên Tảng Đá Bệ Thờ, nơi 2 khối đá lớn đổ xuống tạo thành chỗ khuất gió. Áo pajama quấn trên đầu làm khăn xếp , còn quần thì làm khăn quấn cổ. Nó có mang theo máy ghi âm, tôi nghe tiếng được tiếng mất một bài dân ca.

Còn một mình, tôi mặc tình ngẫm nghỉ những câu hỏi cũ, ai đã xây dựng Stonehenge, xây khi nào, những câu hỏi dĩ nhiên , không thể tách rời. Có lẽ, người khách nổi tiếng nhất đã đến đây là nhà thiên văn Sir Norman Lockyer, năm 1901. Ông giả thiết rằng Stonehenge đã được bố trí có tính toán để trục của nó hướng về mặt trời trên đường chân trời vào thời điểm hạ chí, và biết rằng vị trí mặt trời ở thời điểm này thay đổi hàng năm, tính toán của Lockyer cho thấy rằng lần cuối cùng mặt trời hạ chí đến ngay điểm này là năm 1840 trước Công nguyên, sai biệt chừng 200 năm.

Phải thừa nhận là điểm này ít nhiều gì cũng là một linh cảm có trải nghiệm, vì người thời cổ sắp xếp Stonehenge bằng mắt trần, đâu có dụng cụ đo đạc gì. Đường tầm mắt của họ (line of sight) đã bị chệch hướng so với quan sát của Lockyer nên gây ra sai lệch hàng trăm năm. Hơn nữa ta cũng không biết những người xây dựng lấy thời điểm mặt trời mọc vào lúc nào, một suy đoán sai ở đây sẽ đẩy chệch các tính toán đến vài thiên niên kỷ.

Dẫu sao, niên kỳ Lockyer đưa ra cũng nhận được sự ủng hộ nửa thế kỷ sau khi giáo sư Stuart Piggot, giáo sư A.J.C. Atkinson và tiến sĩ J.F.S. Stone đào lên mấy mẫu than ở một trong các hố Aubrey và công nhận giả thuyết này. Đo phóng xạ bằng carbon-14, tiến sĩ W.F Libby ở dại học Chicago đưa ra niên kỳ 1848 trước Công nguyên, sai biệt 275 năm.

Vài năm sau lại có một hỗ trợ bất ngờ khác nữa. Cũng là Atkinson, muốn chụp hình mấy ký tự do một du khách vào thế kỷ 17 đã khắc lên một trong những thạch bi, đã sửng sốt khi nhin qua máy ảnh , ông thấy lờ mờ một con dao găm và một lưỡi rìu chạm trong đá. Bỏ máy chụp hình ra, ông nhìn trực tiếp vào bề mặt đã bị thời tiết ăn mòn. Chúng nằm ở đó, không thể lầm được.

Ngay lập tức ông gọi tiến sĩ Stone. Ông này nhìn và cắn vào tẩu thuốc mạnh đến nổi gãy cả một cái răng !

Lưỡi rìu trông khá quen thuộc. Người ta đã tìm thấy những khí giới của người Ailen giống như thế trong các nghĩa trang vùng Wessex gần đó. Nhưng con dao găm... con dao găm có núm ở chuôi khá lớn, lưỡi thon nhọn cạnh rất sắc.

Với cả Atkinson và Stone, điều này cực kỳ quan trọng. Không đâu khác ở tây Âu có con dao găm như thế cả, nhưng người ta đã đào được loại tương tự ở vùng Mycenae, Hy Lạp, miền đất huyền thoại của các anh hùng của Homer và là một tiền đồn của văn hóa Aegean cổ (vùng biển Địa Trung Hải nằm giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỹ). Nếu con dao găm này là của người Mycenea, thì  Stonehenge phải có tuổi của nền văn minh 3.500 năm tuổi này và nó đưa ra một khả năng rất lý thú là kiến trúc sư của Stonehenge là người Mycenea.

Như giáo sư Piggott đã nêu ra, “Stonhenge là độc nhất vô nhị, là sáng tạo cá nhân của một kiến trúc sư mà khả năng thiết kế và phối trí vượt xa những con người man dã cùng thời ở Tây Âu, và nếu chúng ta đi tìm nguồn gốc của nó thì nó thuộc về người Aegea”.

Trong thực tế, việc xây dựng Stonehenge trải dài 4 thế kỷ và 3 giai đoạn riêng biệt, theo quan điểm gần đây nhất của các nhà khảo cổ. Công trình đất hình tròn , Tảng Đá Gót Chân (The Heel Stone), và những hố Aubrey xuất hiện trước hết, có lẽ khoảng giữa 1800 và 1700 trước Công nguyên, thế kỷ tiếp theo là việc tạo tác Đại lộ (Avenue) và những sắp xếp ban đầu các khối đá xanh (blue stones). Những giai đoạn này có lẽ là công việc của người (hay thời) Briton hạ Neolithic (late Neolithic Britons).

Vào đầu thời đồ đồng (Bronze Age), khoảng 300 năm sau khi Stonehenge lần đầu đã có hình thù, các thủ lĩnh vùng Wessex buôn bán với thế giới Địa trung hải. Họ ra lệnh cho số lao động rất đầy đủ sắp xếp lại các khối đá xanh, tạo hình các tảng sarsen lớn, dựng lên các vòng tròn khổng lồ và các móng ngựa. Họ có nhập các ông thầy người Aegean để giám sát công trình không? Có lẽ có. Có vài người chắc là có để lại chữ ký của mình trên toàn bộ Stonehenge. Điều lạ lùng là trải qua hàng thế kỷ, hàng chục vạn du khách đã săm soi rất kỹ các khối cự thạch này, nghiền ngẫm từng khối u, từng vết nứt, chẳng có ai khám phá ra một con dao găm hay một cái rìu nào cả. Thế nhưng ngay khi người ta biết cái mà người ta đang tìm , thì nó lại trồi ra .

2 ngàu sau khi Atkinson phát hiện ra các vết chạm trên khối đá số 53, một học sinh 10 tuổi tên David Booth tìm thấy những cái rìu tương tự chạm trên tảng đá số 4. Trong khi các nhiếp ảnh gia tiếp tục tập trung trên các tảng đá bị thời tiết bào mòn dưới nhiều ánh sáng và góc cạnh khác nhau, chúng ta có thể hy vọng những dấu vết như thế sẽ lần lượt được đưa ra ánh sáng.

Đền thờ mặt trời hay hầm mộ

Người ta xây nên Stonehenhe nhằm mục đích gì? Truyền thuyết và sự tưởng tượng của các nhà khảo cổ đã đưa ra nhiều câu trả lời rất kỳ quặc. Có người cho rằng các ông vua nước Anh thời cổ, bị quân xâm lăng Saxon giết chết, rồi chôn ở đây. Không may cho giả thiết này: Stonehenge đã 2.000 năm tuổi. Có người thì bảo là phù thủy Merlin đã ra lệnh cho quỷ làm biến mất các tảng đá này khỏi Ireland chỉ trong một đêm, câu chuyện này phát sinh, có hơi chút méo mó, từ việc nhập các khối đá xanh từ xứ Wales.

Các quan điểm khác thì cho là người La Mã xây nó làm đền thờ thần bầu trời, Coelus; người Đan Mạch xây nó làm triều đình; người Druid tạo ra nó để thờ tà thần. Tất cả đều là những ý kiến thú vị. Nhưng chúng đều giống nhau ở chỗ là đã phá hỏng mất vẻ cổ xưa khó hiểu của công trình vĩ đại này.

Thế có phải nó được sử dụng làm hầm mộ không? Có một học giả đã quát lên: “Nguồn gốc hầm mộ của Stonehenge không cần phải bàn cãi nữa.” Có người phản đối nhã nhặn hơn : “ Stonehenge cái chính không phải là hầm mộ.”

Vậy nó để thờ thần mặt trời. Một lần nữa, có nhà khảo cổ học đã chỉ ra rằng người Anh chưa từng biết đến tôn giáo như thế trước khi người La Mã Mithraic đến và gọi hướng chỉ về mặt trời hạ chí của Stonehenge là “sự tưởng tượng vô nguyên tắc.” Có người lại đoan chắc trục của kiến trúc này chẳng phải là ngẫu nhiên.

Có lẽ kết luận hợp lý nhất là của F. Herbert Stone. Ông bảo, “Có lẽ nó là một dạng đền thờ nào đó_ một Toà án_ hay một toà đền dùng tế lễ của các tù trưởng. Ta chỉ có thể nói là, “Chúng ta không biết”.

Sau 3 giờ, bầu trời bắt đầu có màu xanh thẫm. Từ xa, tôi đã nhìn thấy cả một khối thiên hà ánh sáng nhấp nháy dưới con đường. Chẳng bao lâu tôi đã có thể nhận ra trong khối ánh sáng đó là một đoàn xe đạp với các nữ sinh mặc đồng phục xanh dương. Đoàn khảo sát của trường Godolphin ở Salisbury đã đến.

Sau khi leo lên dốc, có hơi chút do dự, rồi bọn họ cũng gia nhập cùng Bob và tôi trong Vòng tròn Sarsen. Vui mừng vì có bạn, càng vui hơn khi chúng tôi đang ba hoa tán gẫu , họ nói lộ ra sẽ tổ chức một buổi picnic lúc bình minh và mời chúng tôi tham gia. Đó là một đêm dài, đói và lạnh.

Bầu trời nhạt dần. Lại có thêm một trung đội xe đạp nữa xuất hiện. Lần này là con trai từ Luân đôn đến. Họ mang theo dụng cụ cắm lều làm họ trông thoải mái. Còn bọn chúng tôi, để giữ ấm, chúng tôi phải nhảy nhót đôi chút.

Đúng thời khắc của nó, mặt trời ló dạng ở chân trời. Cả tá máy chụp hình đồng loạt nhấp nháy từ Tảng đá Bệ thở. Từ điểm quan sát thuận lợi, chúng tôi nhìn thấy quầng màu vàng ở lối đi chính đi vào Vòng tròn Sarsen.

Chiếc đĩa sáng ấy từ từ mọc lên. Ngang qua bề mặt của nó là hàng cây hắt bóng trên ngọn đồi Wiltshire ở xa xa. Chúng tôi đã được hướng dẫn là quan sát  nơi bóng của Tảng Đá có chân (Heel Stone) hắt xuống; cứ coi như đó là một nghi thức có ý nghĩa quan trọng. Nhưng bóng có vẽ bất thường lúc bình minh : chúng tôi nhận được độ sáng từ ánh sáng bị phân tán trên bầu trời nhiều hơn là từ chính mặt trời. Dù trong trường hợp nào, vị trí của Tảng đá Có chân hình như hơi bất hợp lý. Mặt trời giữa mùa hè, như nhìn thấy ở dưới trục của Stonehenge, chẳng bao giờ mọc chính xác trên Tảng đá Có chân cả, và sẽ không bao giờ trong 1.000 năm nữa.

Cuốc làm bằng sừng hươu

Bực mình vì phải chờ lâu, tôi nói với Bob nên ngủ một chút. Chúng tôi nghỉ ở một quán trọ gần Amesbury. Buổi chiều, chúng tôi lang thang trong Bảo tàng Salisbury, nơi trưng bày rất nhiều hiện vật tìm thấy ở Stonehenge. Chúng tôi cùng giám đốc bảo tàng, Hugh Shortt, xem xét những chiếc cuốc chim làm từ sừng hươu, những chiếc vồ đá để tạo dáng cho cho các khối đá _ ngay đến cái chai bị một tay đào bới bỏ lại dưới chân khối sarsen đổ sập cũng có ích cho các nhà khảo cổ trong tương lai. Thật thích thú khi nhìn thấy chiếc đầu rìu bằng đồng có nguồn gốc Ireland giống hệt như những chiếc đã tìm thấy chạm trong những cây cột khổng lồ.

Đêm kế, chúng tôi lại ra khu di tích. Lần này chúng tôi chụp ảnh trong ánh sáng đặc biệt của những chiếc đèn pha cứu hộ mua được trong một tiệm tạp hóa ở Luân đôn.

Lúc bình minh, rõ là mây đã che khuất ánh mặt trời, nên chúng tôi lại rút về Amesbury. Chúng tôi muốn để dành năng lượng cho những giờ đầu của ngày 22. Chúng tôi biết là  dù thời tiết tốt hoặc xấu, những vùng tiếp liền với Britons cũng sẽ hiện ra để chào đón điểm chí.

Và chúng tôi đã không phải thất vọng. Vào buổi chiều, hàng đoàn xe buýt và xe khách kéo nhau sầm sập đến. Suốt đêm dòng khách hành hương lần lượt đổ về, không chỉ từ các miền của nước Anh mà cả châu Âu và tận một nơi xa xôi như Tích Lan nữa (Sri Lanca hiện nay). Vào lúc các vì sao bắt đầu nhấp nháy, có đến khoảng 1.000 du khách dồn trong mảnh đất nhỏ bằng bàn tay.

Ấn tượng nhất trong đám người này là những người “Druids”. Người ta chỉ biết rất ít về những tu sĩ thời tiền La Mã thuộc giáo phái thờ thiên nhiên của người Celt, nhưng vào thời của bác sĩ William Stukely, nhà khảo cổ hàng đầu thế kỷ 18, thì những người Britons lãng mạn quá đỗi vui mừng để bổ sung thêm chi tiết.

Suốt hàng trăm năm, những nhóm nhà thần bí ở thời đại gần đây tập trung hàng năm ở Stonehenge để tiến hành những nghi lễ mà họ cho là của người xưa. Sự kiện Stonehenge đã từ lâu được coi là thánh tích trước khi  những người Druid đầu tiên đặt dấu chân lên nó chẳng bao giờ làm mất đi lòng nhiệt thành của họ.

Mặc áo choàng trắng, những người chủ tế thời hiện đại của chúng tôi bắt đầu những nghi thức chuyên nghiệp  trước khi mặt trời mọc quanh vòng tròn của di tích. Từ một tảng đá ở phía tây, một người Druid đưa lên một cái bát đựng bánh mì và muối, còn ở phía đông là nước.

Trong khi trên máy ghi âm nhạc sĩ đang chơi một giai điệu, thì ban nhạc Druid diễu hành đến Tảng đá có chân rồi đến Vòng tròn Sarsen và Tảng đá Bệ thờ để lam lễ và làm phép.

Không may cho buổi lễ, mặt trời có mọc lên nhưng không chiếu sáng. Phải mất nhiều giờ nó mới ló dạng trong sương mù buổi sớm ở nước Anh.

Lúc ấy người Druid đã đổi điểm tập trung sang một gò đất nhỏ ở rìa phía nam khu di tích, và một nhóm nhạc công đã chiếm lấy. Họ quay cuồng trong dáng vẻ thôn dã trong bãi cỏ xanh giữa Vòng tròn sarsen và bờ đường.

Cảm giác nghỉ ngơi xâm chiếm chúng tôi. Trong cơn phấn khích cao độ, chúng tôi đùa cợt, chọc phá nhau, bày bữa trưa trên cỏ và thưởng thức với nhau. Dù có được các nhà khảo cổ đồng ý hay không, chúng tôi đã cử hành nghi lễ chào đón hạ chí bằng phong cách thích nghi.

Stonehenge vẫn giữ bí ẩn của mình

Đằng sau và phía trên chúng tôi vẫn là những khối đá thần bí. Qua năm tháng, chúng ta đã phát lộ được vài bí mặt của Stonehenge, song phần lớn những bí ẩn của nó vẫn lảng tránh chúng ta và có lẽ, chúng ta đánh giá cao và thích thú vì điều đó.

Vẫn còn một điều khôi hài chua chát ẩn chứa trong di tích thiêng liêng này, Như nhà thơ Anh đã chế diễu vào đầu thế kỷ 17:

Người đáng kính thế mà đi tin chuyện thế thì ôi tệ quá

Chỉ thế thôi đã làm quên tên tuổi chói loà của kẻ dựng ngươi lên

( Ill did those mighty men to trust thee their story;

That hast forgot their names who reared thee for their glory.)

Những người thợ nâng các khối đá nặng 50 tấn lên giàn gỗ để tạo hình; nước , lửa và những trái bóng đá ném xuống để tách phần thô ra.Các kiến trúc sư Stonehenge chọn sa thạch xám gọi là sarsen, khai thác trên Marlborough Downs. Loại đá này cứng hơn cả granite, dễ dàng làm mòn đục bằng thép luyện.

Dựa theo những nghiên cứu mới nhất, họa sĩ Brian Hope-Taylor mô tả những phương tiện  người thời nguyên thuỷ làm việc mà không cần đến công cụ kim loại. Tại đây trên Marlborough Downs khoảng 1500 năm trước Công nguyên, những người lao động đang nâng một khối sarsen vùi trong lòng đất (giữa trên), trong khi những người khác đang cố luồn những thanh gỗ xuống dưới khối đá. Khi khối đá đã ở hẳn trên mặt đất, người thợ bắt đầu tạo hình bằng cách dùng củi đốt nóng theo một đường đã nhắm trước. Những người khác thì dùng nước lạnh đổ lên để ra sức ép bên trong. Sau cùng họ dùng những khối vồ đá nặng khoảng 22kg nện liên hồi. 4 người đứng trên lớp da thú để không bị giộp chân, chờ lệnh của đốc công. Viên này, tay giơ lên chờ cho người phụ tá đánh dấu bằng đường vạch. Một chú bé ôm túi da đựng nước.

Lưng căng cứng, chân trần bám vào đất, một khối sarsen đang trên đường đến Stonehenge trên những con lăn.

Các nhà khảo cổ học cho rằng có đến 1500 người lao động cật lực  suốt 10 năm để vận chuyển tất cả các khối đá khổng lồ ngang qua Wiltshire. Hình vẽ này diển tả lại chuyển dịch của một khối sarsen nặng 40 tấn trong một buổi chiều 3400 năm trước. 2 hàng người thở hổn hển cúi gập người trên sườn dốc Đồi Redhorn. Trong khi khối đá nặng nề nghiến ken két trên những con lăn bằng gỗ sồi, những toán luân phiên chuyển vội các thanh gỗ ngang lên phía trước, để con đường kéo dài mãi ra.

Đứng trên khối sarsen , viên đốc công hét to ra lệnh trong khi người phụ tá để râu chuyển hiệu lệnh cho viên giám thị, người này cầm ngọn giáo, vật tượng trưng cho chức vụ. Ở đầu khối đá có mấy người cầm gậy gióng lại những con lăn để chúng không bị trượt đi. Những toán ở phía sau đang chỉnh hướng để khối đá không bị trượt ra khỏi đường ray gỗ.

Sức mạnh cơ bắp dịch chuyển dần trong việc dựng đứng khối sarsen khổng lồ thành vòng tròn.

Khoảng 20 khối đá đã từng hình thành một vòng tròn chiều ngang 29,5m, nay còn lại 17 khối đứng và 10 khối là dầm đỡ (lintel). Tranh vẽ diễn tả giây phút căng thẳng khi dựng đứng các khối đá. Trước hết những người thợ cho khối đá đã gia công nằm trên các con lăn và đẩy cho 1/3 treo trên cái hố đã đào sẵn. Kế đó họ hợp sức đẩy cho đầu khối đá rơi xuống hố, rồi thợ mộc dựng giàn gỗ dưới khối đá đang nằm nghiêng. Rồi viên đốc công tay giơ cao ra hiệu cho toán thợ bẩy cho khối đá đứng thẳng lên.

Người cầm vồ ở góc dưới phải đang đóng cọc xuống hố chuẩn bị dựng khối đá kế tiếp.

Xa bên trên là bờ hào tròn bằng đất, xưa hơn các khối đá đến 3 thế kỷ

Chiếc cần trục 60 tấn nhẹ nhàng đặt khối lanhtô trong một công trình phục dựng vào năm 1958. Dù có máy móc tối tân, người ta vẫn thấy khó điều chỉnh các khối đá

1400 trước công nguyên: Stonehenge hoàn tất. Đám đông cung nghinh Hạ chí.

Các nhà khảo cổ nói đến “3 Stonehenge” để mô tả những giai đoạn kiến tạo kéo dài chừng 400 năm. Dùng cuốc bằng sừng hươu, người thời Đồ Đá Muộn dựng khối đá thô (dưới phải), tạo hình vòng tròn bằng đất bên ngoài, và ngay bên trong nó, đào 56 hố để hành lễ, một số có chứa xương hỏa táng. 2 thế kỷ sau, những người mới đến đào rãnh theo khối đá móng và tạo thành đại lộ lối vào, trên đó họ dựng 2 khối đá nhỏ hơn. Khoảng 1500 trước công nguyên, hậu duệ của họ bắt đầu dựng Vòng tròn sarsen và công trình móng ngựa ở bên trong, rồi lắp dựng 4 trạm bằng đá gần công trình đá ở bên ngoài. Ngoài Vòng tròn sarsen, họ đào 2 vòng hố để dựng loại đá xanh Welsh, sau đó bỏ các hố này đi và dựng các khối đá xanh bên trong khối đá sarsen. 1 trong đôi cột ở lối vào đại lộ còn tồn tại đến thời Đá tàn sát.

Giống như bộ xương khổng tượng, những khối đá nằm phơi nắng trên cánh đồng Salisbury.

Con đường dùng cho đám rước lễ đã có thời băng ngang Wilshire, bắt đầu từ sông Avon cách đó khoảng 2800m. Thời gian đã xóa nhoà con đường mòn cổ (xa bên trái) nhưng ảnh chụp từ trên không đã giúp phát hiện ra nó.

Tại đây, theo các sử gia, William Nhà Chinh Phạt, đã triệu tập các chủ đất lớn và buộc họ thực hiện lời thề Salisbury nổi tiếng. Lời thề nhằm để củng cố lòng trung thành của các chủ đất với nhà vua Norman vốn hung tợn

Các thầy tu ngày xưa có lẽ đã nhìn thấy những tia nắng đầu tiên của muà hè khoảng trên khối đá móng (Heel Stone, bên cạnh xa lộ). Các nhà nghiên cứu kết luận rằng các buổi lễ thực hiện tại đây để đón chào nguồn sáng và sự ấm áp của trái đất.

Tảng đá hành quyết, nằm lỏng chỏng giữa khối đá móng và  khu đền đài, phản ảnh những câu chuyện hiến tế không có căn cứ. Mô đất bên cạnh xa lộ được cho là nơi chôn cất một thủ lãnh chiến binh. Vòng cung những chấm trắng là những hố lấp đầy đá phấn

 

Dấu xác nhận của kiến trúc sư Hy Lạp chăng? Dấu vết con dao găm trên đá sarsen khiến người ta nghĩ rằng có người di cư từ vùng Aegean hoặc người Briton viễn du đến đó đã thiết kế Stonehenge. Giống như các cột trụ Hy Lạp, một số đầu cột phình ra làm át cái ảo giác là nó lõm xuống. Các nét chạm bên phải và bên dưới dao găm trông giống với đầu rìu bằng đồng của người Ireland. Các con chữ La mã ghi ngày tháng hiện nay.

Mẫu dao găm từ các phế tích ở Mycenae, nơi các chiến binh mang khí giới tương tự khoảng 1500 năm trước Công nguyên. Mycenaens thời ấy đang mọc lên những cung điện trong khi  Briton đang kéo đá về Stonehenge

Các du khách đang chứng minh tỉ lệ của Vòng tròn Sarsen: các tảng thẳng đứng cao trung bình 9,2m, tảng nằm ngang nặng khoảng 7 tấn. Những người xây dựng khu đền này là thợ mộc trong nghề đá, họ kết nối, họ kết nối cột và đà ngang bằng mộng thô sơ.

Mọc rễ như các vũ công bị nguyền rủa, những khối đá cổ sơ làm du khách ngày nay kinh sợ.

Những khối cự thạch vẫn sừng sững bất chấp sự tàn phá của gió mưa, những kẻ phá hoại và những mùa đông khắc nghiệt. Ngày nay được bảo vệ như là di sản quốc gia, Stonehenge làm dấy lên tranh cãi ở Quốc hội khi bên ủng hộ việc phục chế bất đồng với phe yêu mến di tích tự nhiên. Mới đây là công trình phục chế 5 khối đá ngã đổ trong 200 năm qua.

 

6.11.2010 NTH

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết