Những hình ảnh về nền văn minh Maya

Những hình ảnh về nền văn minh Maya

Một sai lầm muộn màng trong thế giới Maya, thành phố Uxmal trong bán đảo Yucatán thuộc Mexico vẫn tiếp tục phát triển với mọi vẻ huy hoàng trong khi các đại đô thị khác như Tikal, Palenque ở phiá nam đã sụp đổ vào thế kỷ thứ 9. Một di tích có chóp trang trí thể hiện phong cách kiến trúc Puuc gọi là Ngôi nhà Chim câu (the House of the Doves), đặt tên theo rặng đồi ở phiá nam bán đảo Yucatán.

Mặt nạ người chết của Pakal, một đại lãnh chúa ở Palenque, bất tử hóa sức sống tuổi trẻ của ông, làm từ 340 mảnh ngọc thạch, 4 mảnh sò và 2 mảnh đá vỏ chai,  được xếp trên cái giá gỗ đã bị mục nát, văn tự ghi lại rằng Pakal mất 8 năm trong thời trị vì dài 7 thập kỷ để chuẩn bị cho cuộc mai táng hoang phí này. Khi ông chết, ngày 28.8. 683 sau Công nguyên, ông được đặt yên nghỉ cùng với ngọc thạch_ chiếc mặt nạ này, 1 hoa tai lớn, những nút bịt lỗ tai, nhẫn, vòng cổ, vòng tay_ bên dưới một ngôi đền, nơi ông sẽ được tôn thờ hàng thế hệ về sau.

Được phái đi từ Teotihuacan, đại đô thị ở phiá tây, do một lãnh chúa bí ẩn có tên là Cú Ném Lao (Spear-thrower Owl), phái viên quân sự Lửa Sinh Ra ( Fire Is Born) đã xây dựng những đế chế mới mang lại vinh quang không gì sánh nổi cho thế giới Maya. Những đồ vật ngoại lai của ông , như dụng cụ đeo mắt và phóng lao ông đang cầm theo hình vẽ thời nay, đã trở thành những biểu tượng mà về sau các lãnh chúa Maya đều sử dụng để xác nhận liên hệ của họ với các đại lãnh chúa.

Đài tưởng niệm bằng đá ở thủ phủ Tikal của người Maya để ghi nhớ sự xuất hiện của Lửa Sinh Ra vào năm 378 sau Công nguyên. Hình dáng của nó gợi lại quả bóng trang trí lông chim tiêu biểu của miền trung bộ Mexico. Văn tự khắc trên thân mô tả ông là phái viên của một lãnh chúa bí ẩn tên là Cú Ném Lao, trong huy hiệu được tượng trưng ở đầu con cú bằng atlatl, hoặc dụng cụ ném lao. Các tài liệu khác tiết lộ rằng Lửa Sinh Ra đã đưa con trai của Cú Ném Lao lên làm ông vua mới của Tikal.

Nắp có trang trí của bình hương làm theo dạng một chiến binh theo phong cách Teotihuacan, ở mũi có gắn cánh bướm và giáp trụ hình chim_ có lẽ là đại bàng. Nhiều đồ vật như thế đã xuất hiện ở thành phố hiện thời Escuintla, phía nam Guatemala, nơi mà người dân Teohuacan hình như đã định cư giữa những người Maya.

Theo kế hoạch của Lửa Sinh Ra là chinh phục các thành phố và loại trừ các đối thủ, một thầy tế đeo mặt nạ đang hiến tế vị vua trẻ. Để đáp ứng được các mục tiêu quân sự_ chinh phục đất đai và phục tùng hoàn toàn kẻ đi chinh phục_ kẻ xâm lăng phài đánh bại được các thủ lĩnh địa phương, là những người cung cấp các địa điểm tập kết để nổi loạn.

Theo lệnh một thủ lĩnh Tikal tên là Trời Có Bão (Stormy Sky), một cột đá có khắc văn tự gọi là Bia số 31, kể lại chuyện Lửa Sinh Ra xuất hiện nhiều năm trước_ và cái chết trong cùng ngày của vua Tikal, chắc chắn là theo lệnh của thủ lĩnh đi chinh phục. Khi bia tưởng niệm này được phát hiện vào năm 1960 thì chữ viết Maya mới bắt đầu được giải mã, tên khắc của Lửa Sinh Ra (trên trái) lúc đầu được đọc là Ếch Phun Khói (Smoking Frog), mô tả thiết kế một cách đơn giản . Từ đó ngôn ngữ Maya được giải mã ngày càng nhiều, và Bia đá số 31 đã tiết lộ những bí mật nó đã lưu giữ lâu đời.

Những món đồ như thế này, cái lọ mang vương miện tương đồng với vị vua_ Jasaw Chan Kawii Đệ Nhị của Tikal_ chứng minh cho tài năng nghệ thuật của người Maya và nền thương mại rộng khắp của họ. Đồ xa xỉ cho tầng lớp thượng lưu_ gồm cả ngọc thạch, da thú ngoại quốc và lông chim sặc sỡ_ được buôn bán trên khắp lãnh thổ và thâm nhập cả vào trung bộ Mexico.

Một cái bình từ xứ sở cacao, duyên hải Thái bình dương thuộc Guatemala, làm theo hình dạng vị nữ thần nhân hoá cây cacao, với trái đâm ra từ thân hình y như từ thân cây vậy. Trái cacao thật có chứa những hàng hột màu trắng trơn trợt, như hột đậu. Người Maya dùng hột này làm tiền tệ và chế biến chúng thành thức uống có vị gắt và mùi thơm. Ngày nay, hột này được cho lên men, phơi khô và nghiền nát để làm coca và sô cô la.

Người lùn mặc giáp trụ, chế tác vào khoảng 600 sau Công nguyên, được phát hiện trong một lăng mộ hoàng gia tại di chỉ Waka, phía nam Guatemala, cùng với 22 tượng khác_ người lùn, triều thần, người chơi bóng, một pháp sư, một hoàng hậu và một vị vua. Các nhà khảo cổ tin rằng việc mai táng thuộc quyền một thủ lĩnh có lẽ được đặt tên là Tzih Bahlam (Báo Ló Ra, Emergent Jaguar). David Fredel, nhà khảo cổ thuộc Đại học Giám lý Nam, cho rằng, “Những tượng này hình như là tượng trưng cho buổi diễn trò ảo thuật trong triều đình, thích hợp với việc tống tiễn người chết về với tổ tiên. Chúng có lẽ là hình nhân của tổ tiên, hoặc là triều đình đương thời.”

Ngồi trên ghế đẩu bằng xương, vị thần già đỡ chiếc đầu người trong tay. Chiếc bình hương bằng gốm như có ma ám này ở trong ngôi mộ của vua Tikal đầu thế kỷ thứ 5, Yax Nuun Ayiin_ con trai của Cú Ném Lao, người đã vạch kế hoạch sát nhập Teotihuacan vào lãnh thổ Maya. Khi bình đã đầy hương cháy âm ỷ, khói từ miệng vị thần sẽ bọc trong cái đầu. Pho tượng này có lẽ tượng trưng cho thần sáng tạo đang thổi sự sống vào đầu người.

Bên người vợ đang khóc thương, nhà vua quá cố Kinich Yax Kuk Mo (Vẹt Đuôi Dài Sáng Chói, Shining Quetzal Macaw) nằm giữa những lễ vật trong ngôi mộ ở Copán ngày nay là Honduras. Được Teotihuacan hỗ trợ, ông đã xây dựng một vương triều vào khoảng năm 426 sau Công nguyên kéo dài chừng 4 thế kỷ.

Những phế tích ở Tikal, mọc lên từ cánh rừng mưa phía nam Guatemala, vẫn còn hiển hiện vẻ hùng vĩ từng làm người dân kinh sợ. Ở trong số những thành bang (city-states) lớn nhất có từ rất sớm, Tikal rất có thể là mục tiêu đầu tiên của đội quân chinh phục xuất phát từ trung bộ Mexico, và đến nơi vào ngày 16.1.376 sau Công nguyên. Trong suốt 5 thế kỷ sau đó, nó trở thành một siêu quyền lực cùng với các đồng minh_ và cả kẻ thù_ trong toàn lãnh thổ Maya.

Được đặt bên ngọn núi phía nam Mexico, vị trí trang nhã của Palenque đánh dấu phạm vi phía tây của lãnh thổ Maya. Rất nhiều kiến trúc của nó do một vị vua tên là Pakal xây dựng, ông đã được chôn cất sâu trong lòng Ngôi Đền Văn Bia (Temple of Inscriptions), bên trái, cùng với cả một kho đồ trang trí bằng ngọc thạch lớn nhất  tìm thấy trong một ngôi mộ Maya. Là đồng minh với Tikal, thành phố này đã suy sụp vào khoảng 800 sau Công nguyên, sau khi bị Toniná đánh bại, khi Toniná liên minh với một đối thủ của Tikal là Calakmul.

Với sao Bắc đẩu làm trung tâm, các vì sao kẻ sọc trong màn đêm trong thời gian phơi sáng của Ngôi Nhà Phù Thuỷ (House of the Magician) tại Úxmal. Là những nhà quan sát bầu trời tinh tế, người Maya theo dõi rất sát chuyển động của các vì sao và các hành tinh và tạo nên một bộ lịch mặt trời chính xác dựa theo quan sát của họ. Bầu trời cũng có tầm quan trọng siêu hình đối với người Maya. Họ tin rằng Dải Ngân Hà là đường đi đến Xibalba, địa ngục, và họ đã lập thời biểu cho các biến cố quan trọng như các cuộc chiến tranh, những vụ hiến tế, dựa theo đường đi của sao Kim (Venus) và có lẽ cả sao Mộc nữa (Jupiter).

Kabáh, ở Yucatán, có cùng phong cách kiến trúc trang trí như đã thấy ở Úxmal,  nối liền nhau bằng sacbe, hay con đê bằng đá. Kiến trúc nổi tiếng nhất của nó, Cung Điện Mặt Nạ (the Palace of the Masks), trưng bày 260 tấm hình của Chac, vị thần mưa có chiếc mũi dài. Được lập lại trên rất nhiều toà nhà trong vị trí khô cằn, chủ đề trang trí này có thể là cầu mong mưa. Đầu mũi có thể chứa lễ vật là đá copal, một loại hương linh thiêng.

Đền Thờ Các Chiến Binh ( the Temple of the Warriors) diễn đạt một thông điệp quyền lực ở Chichén Itzá, một trung tâm thương mại phát triển sau năm 1.000, rất lâu sau khi các thành phố ở phía nam đã sụp đổ. Các bức tường trong ngôi đền cho thấy hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ và đường biển, trên các cột vuông là hình ảnh chiến binh vũ trang đội mũ gắn lông chim.

Một kim tự tháp gọi là La Iglesia (Giáo Đường, the Church) vươn lên trong tán rừng mưa ở Cobá, Yucatán. Chỉ một phần nhỏ của kiến trúc rất ít người biết này rộng 78 km2 đã được dọn quang, và chỉ vài du khách đến được nơi đây trong khi ngành du lịch hứa sẽ mở đường vào những năm 1970. Ngày nay du khách từ các khu du lịch ở duyên hải Caribê thuộc Mexico leo lên những phế tích đổ nát này, nơi mà ngày xưa chỉ dành cho các thầy tế và vua chúa có quyền lực cao ngang thần thánh.

2 vị vua, có lẽ là anh em, sinh ra với định mệnh có vì sao vắt ngang vào đầu thế kỷ thứ 7 ở Tikal. Balaj Chan Kawii được phái đi khi còn là một đứa trẻ để cai trị Dos Pilas, một tiền đồn thương mại, trong khi Nuun Ujol Chaak trở thành vua Tikal. Dần dà, kẻ thù lớn nhất của Tikal, là Calakmul cướp phá Dos Pilas, bắt được Balaj Chan Kawii, buộc ông phải chống lại Tikal. Rồi Dos Pilas đánh bại Tikal và Balaj Chan Kawii hy sinh người em mình cùng các quyến thuộc khác. Một văn bia trên cầu thang ở Dos Pilas cho biết, “ Hàng núi xương sọ chồng chất lên nhau và máu đã chảy thành dòng.” Tuy nhiên, sự đối đầu cứ tiếp diễn, tạo ra một chu kỳ bạo lực mà cuối cùng đã đẩy nền văn minh Maya cổ điển vào chỗ diệt vong.

Xã hội Maya trở nên căng thẳng khi các tầng lớp quý tộc gia tăng, làm nẩy sinh những nhu cầu xa xỉ và những nghi thức phức tạp. Mặc những đồ đẹp nhất, tầng lớp thượng lưu như tượng người đàn ông bằng đất sét trên đây, tìm được ở đảo Jaina, ngoài khơi duyên hải phía tây bán đảo Yucatán, Mexico, trang trí cực kỳ phong phú, lông chim nhiệt đới loại hiếm, ngọc thạch quý giá, vỏ sò từ Thái bình dương, và da báo, loài mèo thiêng của rừng mưa. Những lông chim dài lấy từ đuôi của loài vẹt là hào quang của vương miện, vuốt ngược lên trên từ chiếc mũ bằng liễu gai.

Chơi ở mọi thành phố, dù lớn hay nhỏ, trò chơi bóng của người Maya yêu cầu người chơi phải mang đệm dày, họ nhồi bóng quanh một sân rộng mà chỉ dùng tay và bắp đùi. Thường là có 2 đội, mỗi đội có 2 hoặc 3 người, trò chơi này đôi khi được xem như tượng trưng cho chuyển động của mặt trời, mặt trăng và sao Kim. Nó cũng là một cách ẩn dụ để chỉ cuộc cạnh tranh bí ẩn giữa thần bắp và các nhân vật gọi là Người Hùng Sinh Đôi. Tới lúc cao trào, nó trở thành sự tái diễn nghi thức chiến tranh, và trận đấu kết thúc khi kẻ thua cuộc bị chém đầu.

Một bức tranh dựa theo những diễn tả cổ xưa của người Maya về một cảnh hoan lạc khi các thành viên trong triều đình nốc từng ly sôcôla thơm ngát với sự hiện diện của đức vua. Thói chè chén quá mức như thế đã làm giới thượng lưu Maya mờ mắt trước cơn bão định mệnh đang vần vũ trên đầu họ.

Mặc xàrông kết hợp với nữ thần mặt trăng, bản thể thiêng liêng của sắc đẹp và sự phì nhiêu, người thiếu nữ này đang ôm cái bình có nắp để rót thứ nước uống_ có lẽ là sôcôla thơm ngát mà giới quý tộc Maya ưa thích. Phần đầu rất dài của cô phản ánh phong tục nắn sọ từ lúc sơ sinh theo hình tai bắp, vật linh thiêng mà người Maya tin rằng mọi con người đều sinh ra từ đó. Có thể là được chôn theo nhân vật quan trọng nào đó, pho tượng mang ý nghĩa là dâng thức ăn cho người chết để đi vào cõi vĩnh hằng.

Theo cách phô diễn khủng khiếp quyền lực hoàng gia, bức tường đắp nổi ở Toniná trình bày một bộ xương có chân rùa đang ghì chặt mái tóc của thủ cấp đã bị cắt rời_ mang đường nét chân dung, có lẽ của một người thật_ và một con vật loài gậm nhấm thần thoại đang cầm một cái đầu khác. Những nhân vật này gọi là wayob , những bạn chí cốt của nhà vua thường được dùng để nguyền rủa kẻ thù. Chúng làm việc ở đây giữa một giàn giáo chứa đầu của những người bị hiến tế.

Bằng chứng chắc chắn cho thấy rằng đoạn kết đã ở gần kề nền văn hóa Maya cổ điển, một đài tưởng niệm bằng đá đề ngày 18.1.909 sau Công nguyên, ngày cuối cùng được biết trong Lịch Vạn Niên (the Long Count), hệ thống lịch bao trùm nhiều thế kỷ. Khi các thành phố lớn sụp đổ và các vị vua thần thánh mất hết quyền lực, hầu hết mọi người có lẽ sẽ trôi dạt đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, không để lại ai để khắc các đài tưởng niệm_ và không ai quan tâm đến việc ghi lại lịch sử đã đến hồi kết thúc.

Cầm lưỡi riù giống với loại dùng để cắt đầu một số người trong hoàng tộc và triều thần khi Cancuén bị tràn ngập vào khoảng 800 sau Công nguyên, pho tượng một chiến binh bằng đất sét này là hiện thân của thảm họa chiến tranh đã huỷ diệt Maya cổ điển. Rất nhiều pho tượng như thế được tìm thấy với tính cách là lễ vật trong các cuộc mai táng ở Cancuén, hầu hết được thiết kế đang thổi sáo.Có một lỗ thổi dấu ở sau chân tượng này, và một lỗ do ngón tay chọc thủng ở sau lưng.

Mang số phận đáng buồn của một tù binh, nhà quý tộc này bị lột trần truồng, có lẽ bị bắt đi diễu trước mặt nhà vua chiến thắng, bị hành hạ theo nghi thức, rồi bị hiến tế. Những cái lỗ ở tai có lẽ là mấy mẩu giấy trắng mà các tù nhân Maya mang theo. Được khai quật từ một ngôi mộ ở đảo Jaina thuộc Mexico, pho tượng này có lẽ tượng trưng cho một người thật, song các chi tiết như râu ria lại làm liên tưởng ông với vị thần thường được trình bày trong nghệ thuật Maya như là kẻ hiến tế.

Trong cảnh tưởng tượng này dựa theo những khám phá ở Cancuén, những kẻ xâm lược xếp hàng 31 nhà quý tộc ở Cancuén_ đàn ông, đàn bà và trẻ con_ lần lượt giết từng người một, rồi bỏ xác họ vào bể nước thiêng ở trước cung điện hoàng gia. Nhà vua và hoàng hậu, được vẽ với đầy đủ huy hiệu, rồi cũng sẽ bị giết và chôn gần đó. Nhà khảo cổ địa điểm này, Arthur Demarest thuộc Đại học Vanderbilt nói rằng, “ Tất cả những người trong vương triều này đều có thông gia với nhau. Có lẽ qua hôn nhân, nó đã loại trừ sự cạnh tranh giữa họ.” Phân tích pháp y cho thấy có một số bị chặt đầu.

Một trong những vị vua vĩ đại cuối cùng của Cancuén, Taj Chan Ahk, chủ trì một buổi lễ vào tháng 9.795 trước Công nguyên trong một tuyệt tác của nghệ thuật Maya vừa được tìm thấy . Với hàng trăm địa điểm cần được khảo sát, vẫn còn rất nhiều những báu vật như thế chờ được khám phá.

Dưới lớp báo hoá trang, vũ công này đang nhún nhảy theo nhạc của tiếng sáo làm bằng sậy và tiếng trống trong suốt lễ El Pochó, một nghi lễ ở Tenosique , Mexico, hoà trộn những phong tục lâu đời của người Maya cổ với đức tin Thiên chúa La mã do những kẻ chinh phục Tây Ban Nha đem lại. Buổi trình diễn bắt đầu khi vị ác thần thả báo ra cho đi giết người. Rốt cuộc cái thiện sẽ thắng cái ác khi con người ăn năn tội lỗi của mình và tiêu diệt kẻ thù tàn ác.

ΩΩΩ

 

26.5.2010 – 7.4.2011 NTH


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết