Địa danh và thắng tích ở Khánh Hòa - Kỳ 2/6

2. Xóm Bóng

Tg Quách Tấn, trong Xứ Trầm hương (1969) ghi:

“Sau khi xứ Kaut Hara sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam, người Chàm bỏ đi hết, và tuyệt nhiên không bước chân đến tháp Poh Nagar. Gặp những người Chàm ở Phan Rang ra buôn bán ở Nhatrang, hỏi về tháp, họ đáp cụt ngủn”không biết”, rồi ngó ngơ. Thái độ ấy chứng tỏ họ không ưa nghe tên ấy. Hoặc giả vì tên ấy gợi cảnh diệt vong của giống nòi, hoặc giả họ không phải là người theo đạo Bà la môn, mà là người theo Hồi giáo.

Tháp Chàm bị người Chàm hờ hững!

Trái lại phần đông người Khánh Hòa, và một số đồng bào ở các tỉnh di cư đến, lại gởi trọn niềm tín ngưỡng nơi tháp, nhất là các bà các cô.

Thời tiền chiến, đến ngày vía bà (mồng 3 tháng 3 ÂL), dân địa phương tổ chức lễ cúng tế rất long trọng, ban đêm có lệ múa bóng trước sân tháp. Múa bóng là điệu múa của Chiêm Thành truyền lại.

Người múa toàn là con gái, áo xiêm rực rỡ, đầu đội, người hoa tươi, kẻ đền lồng ngũ sắc. Đèn và hoa chồng cao như ngọn tháp.

Họ múa rất tài, tay chân luôn cử động, đầu và thân cũng uốn éo theo nhịp bước chân. Vậy mà đèn và hoa, không vịn không đỡ vẫn không lay chuyển.

Tổ chức múa Bóng do người ở trước tháp phụ trách. Vũ nữ phần nhiều là người trong xóm. Trường dạy múa cũng ở trong xóm. Cho nên xóm mệnh danh là Xóm Bóng thuộc làng Cù Lao. (xem ở mục Cầu Xóm Bóng, sẽ biết có cách giải thích khác về tên Xóm Bóng).

Lệ múa Bóng ngày vía Bà đã bỏ từ thời Bảo Đại, trước thế chiến”.

 

4. Xóm Cồn

Xóm Cồn, là xóm hình thành từ cái cồn nổi giữa sông Cái, từ cầu Hà Ra đến cầu Xóm Bóng, sau này thuộc phường Vĩnh Phước. Thời Yersin, dân xóm Cồn chưa nhiều, đa phần là người nghèo, dân tứ chiến, tụ họp đi biển, nuôi dê, đông nhất là từ Phú Yên, Quảng Ngãi vào.

 

5. Xóm Mới

Không rõ tên do đâu mà có. Chỉ thấy trong Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn (Nguyễn Đình Đầu, 1997) ghi như sau:

“Khánh Hoà tình, Bình Hòa Phủ, Quảng Phước huyện có các đơn vị sau đây:

  1. Hạ Tổng.
  2. Thượng Tổng.
  3. Trung Tổng.
  4. Hà Bạc Thuộc., 43 làng (có 2 xã, 38 thôn, 1 xóm, 1 xứ, 1 sách). Trong số đó: … 34/ Phước Hải thôn.  35/ Phường Mới thôn. … 37/ Tân Lập Đông thôn. (Các tên Phước Hải, Tân Lập cho đến trước 1975 vẫn còn.)

Khu Xóm Mới, trước 1975, hình như thuộc phường Tân Lập, gần phường Phước Hải. Đây là căn cứ để cho rằng, Xóm Mới có thể là Thôn Phường Mới hoặc là Thôn Tân Lập Đông ngày xưa.

 Đây là tên các đơn vị hành chánh có từ giai đoạn 1810- 1830, thuộc 2 triều Gia Long, Minh Mạng.

(Từ”PHƯỜNG”và từ”XÓM”trong tiếng Hán viết gần giống nhau, về nghĩa cũng gần giống nhau. Điều này cho phép ta nghĩ tên”Phường Mới”cũng có thể đọc là”Xóm Mới”.

Đại Nam quốc âm tự vị

 

6. Suối Đổ

Chú Kim có kể lại kỷ niệm năm học lớp 3, có theo Má lên Suối Đổ lấy nước thiêng.

Suối Đổ được Nguyễn Đình Tư (Non nước Khánh Hòa) và Quách Tấn (Xứ Trầm Hương) kể khá kỹ. Quách Tấn kể thi vị hơn. Trích lại ở đây lời kể của QT.

Cũng gọi Suối Nước Đổ, nằm trong địa phận làng Phước Trạch, gần làng Cư Thạnh, vùng phía tây dãy núi Hoàng Ngưu. Suối từ trên núi cao tục gọi Hòn Chùa chảy xuống và tạo thành ba cảnh hồ khá rộng.

Hồ thứ nhất nằm trên lưng chừng núi, dưới một thác nước đổ mạnh (có lẽ do vậy mà thành tên, chú thích của người viết, không phải của QT). Nước hồ chia làm 2 nhánh chảy quanh co xuống triền núi chừng năm ba chục thước thì rót vào 2 hồ nằm gần nhau, rồi nhập lại thành một dòng chảy xuống núi. Lòng hồ cát trắng phau phau. Lòng suối và quanh suối đá xanh lớp giăng lớp chồng. Cây cối mọc chen đá, xanh tươi rậm rạp. Trên bờ hồ thứ nhất, ngoài những tảng đá dựng thành vách, nằm thành đống, có một tảng đá hoa cương to lớn dị thường và bằng phẳng như tấm ván ngựa, trông như có tay người đẽo dũa công phu. Truyền rằng đó là nơi bà Thiên Y A Na đến ngồi hóng mát, hoặc nghỉ chân lúc vân du. Những lúc bà đến thì có 3 tiếng sấm nổ vang trời, rồi có một luồng ánh sáng màu xanh, rộng và dài như một cây lụa xổ, từ phía Hòn Núi Chúa ở Đại Điền, hoặc từ Hòn Bà ở Cam Lâm, bay đáp xuống suối. Đi vào sâu trong núi, có một vườn cam và một vườn quít, trái rất nhiều. Ai đến hái ăn cũng được, nhưng không được khen chê, cũng không được hái đem về. Nếu không tuân thì có tai họa xảy đến.

Cách hồ thứ nhất chừng trăm thước, có một cây kỳ nam lớn đến bốn ôm và dài chừng 9, 10 thước, nằm ngang qua suối. ĐI ngoài xa nghe phảng phất mùi thơm, lại gần thì không thấy chi cả. Nếu người nào muốn chiếm hữu thì một cặp rắn mun to lớn hiện ra khủng bố. Thời Pháp thuộc, một chánh tổng tìm thấy cây kỳ, đem lễ vật đến cúng rồi lấy dây cột nơi gốc cây kéo cho đến chân núi làm dấu. Đoạn về nhà thuê người đem dây thừng đến khiêng.  Nhưng khi trở lại theo sợi dây lên núi, đến nơi, thấy mối dây cột nơi khác, còn cây kỳ biến mất, tìm không thấy tăm hơi. Vậy mà mãi đến nay, người đi củi thỉnh thoảng vẫn nghe trầm thoảng. Bên suối nơi hồ thấp, có đền thờ Bà, khói hương không ngớt.

Năm 1963, trước khi Ngô Đình Diệm sụp đổ, bỗng nghe trên Suối Đổ nổi lên 3 tiếng sấm, người địa phương hãi hồn vì tưởng có loạn. Liền đó có người chiêm bao thấy thần linh mách rằng Bà Thiên Y về Suối ban phước cứu dân độ thế. Tiếng đồn lan ra, người ta đến múc nước về chữa bệnh.

Ban đầu chỉ có người trong quận Diên Khánh đến xin nước, lần hồi đến người ở các quận khác trong tỉnh, rồi đó người Đà Lạt, Sài Gòn cũng đem thùng chai đến. Chánh quyền tỉnh Khánh Hòa khi ấy cấm không được, phải cho lính đến canh. Cảnh chộn rộn, ồn ào, vui thật là vui.

Gặp những người đi xin nước, hỏi, ai nấy đều đáp”hết sức linh nghiệm”, nhưng những người kém đức tin vẫn nghĩ, đó là một cách xem thơ Trạng Quỳnh, nên nhân dịp đông vui, đến ngắm cảnh chớ không xin nước.

Suối Đổ trước kia ít người để ý, khách du lịch cũng không mấy người lui tới. Nhưng từ ngày xảy ra việc xin nước thiêng, thì miệng người đã đưa danh Suối Đổ đi xa, nên Suối Đổ cũng tế danh như Suối Tiên vậy.”

Thác Suối Đổ


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết