TRÊN ĐỈNH CAO QUYỀN LỰC, KỲ 5

Chương 9

 

 TƯỚNG ADRIAN NESBITSON

 

 1.

 

Toàn thể nội các, ngoại trừ ba Bộ trưởng vắng mặt ở Ottawa, đã đến phi trường Uplands để tiễn phái đoàn Thủ tướng đi Washington. Việc này không có gì bất thường. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, James Howden đã cho phép phổ biến, ông thích được đưa tiễn và đón chào, không chỉ với một, hai vị Bộ trưởng mà là toàn thể. Và việc này được áp dụng, không chỉ trong những trường hợp đặc biệt, mà cả trong tất cả những chuyến đi trong và ngoài thủ đô.

Các thành viên Nội các thân mật gọi đó là chuyến đi ‘ xếp hàng’. Đôi khi có những tiếng xì xào nho nhỏ và có lần, lọt vào tai James Howden. Nhưng thái độ của ông – nói theo Brian Richardson, người báo cáo lại những lời than phiền này – thì đó là dịp để chứng minh tính thống nhất giữa đảng và Chính phủ và ông trưởng ban tổ chức tỏ ra hài lòng. Thủ tướng không nhắc đến một kỷ niệm thời thơ ấu mà bây giờ ông vẫn còn nhớ.

Đã lâu rồi, chàng trai trẻ James Howden đi từ viện mồ côi đến trường ở Edmonton cách ba trăm dặm, để thi vào viện Đại Học Alberta. Anh đã được cấp vé xe lửa khứ hồi và đi một mình. Ba ngày sau, cuồng nhiệt với nhiệm vụ thành công mà anh muốn chia sẻ, anh quay về - một ga xe lửa vắng tanh, không ai đón tiếp. Thế rồi, xách chiếc va li bằng giấy bồi, anh phải đi bộ về viện mồ côi cách thành phố ba dặm, niềm hứng khởi ban đầu tan thành mây khói dọc đường đi. Từ đó về sau, anh kinh sợ phải bắt đầu hay kết thúc những chuyến đi có một mình.

Ngày nay thì không còn cô đơn nữa. Ngoài các thành viên trong Nội các, còn những người khác đến phi trường và từ chỗ ngồi ở băng sau trên chiếc Oldsmobile có tài xế lái, với Margaret bên cạnh, James Howden quan sát các viên tư lệnh – Lục quân, Hải quân, Không quân, mặc đồng phục, cùng với các tùy viên – cả Thị trưởng Ottawa, tư lệnh đội kỵ binh cảnh sát Hoàng gia Canada, một số chủ tịch các Hội đồng của Chính phủ và kín đáo ở phía sau, ngài Đại Sứ Mỹ, Phillip B. Angrove. Và tất nhiên cả một nhóm phóng viên, nhiếp ảnh viên; Brian Richardson và Milly Freedeman đứng trong nhóm này.

Margaret thì thào, ‘ Trời ơi! Cứ như ta đi Trung hoa truyền giáo vậy?’

Ông trả lời, ‘ Anh biết chứ. Phiền phức lắm. Nhưng người ta chờ đợi những chuyện như vậy.’

Margaret nói nhỏ, ‘ Đừng giả dại nữa. Anh thích thế. Không có lý do gì để anh không thích cả.’

Chiếc Limousine lượn lờ một vòng cung rộng ngang đoạn dốc ở phi trường, nhẹ nhàng dừng ở gần chiếc phi cơ Vanguard chở các nhân vật quan trọng. Thân nó lấp lánh trong nắng sáng, phi hành đoàn thuộc không lực Hoàng gia Canada xếp hàng dọc chờ đợi. Một nhân viên trong đội kỵ binh cảnh sát mở cửa xe và Margaret bước lên, theo sau là James Howden. Các quân nhân và cảnh sát hô chào kính, Thủ tướng giơ cao chiếc nón nỉ màu xám ngọc trai mà Margaret mới mua cho ông trong chuyến đi mua sắm ở Montreal. Ông nghĩ, có cái vẻ chờ mong, trong những người đang đứng đợi; hay có lẽ vì cơn gió lạnh thổi qua đường băng phi cảng làm những bộ mặt trở nên căng thẳng. Ông tự hỏi sự bí mật – dù đã được giữ kín, đã bị rò rỉ chăng, vì ông cảm nhận được không khí quan trọng trong chuyến đi hôm nay.

Stuart Cawston bước tới, tươi cười. Stu cợt, với tư cách là thành viên thâm niên nhất trong Nội các, sẽ hành xử quyền Thủ tướng khi Howden vắng mặt. Ông Bộ trưởng Tài chánh nói, ‘ Chào, Ngài và Bà Margaret.’ Và khi họ bắt tay. ‘ Ông thấy đó, chúng tôi là một nhóm ủng hộ viên đáng kể.’

Margaret hỏi một cách khiếm nhã, ‘ Ban nhạc đâu rồi? Hình như đó là cái thiếu duy nhất.’

Cawston nhẹ nhàng tiếp, ‘ Có vẻ như đó là chuyện bí mật, nhưng chúng tôi đã cho họ bay trước đi Washington giả dạng lính thủy Hoa kỳ rồi. Nếu bà có thấy ai, thì họ là người cùa chúng ta đấy.’ Ông chạm tay Thủ tướng. Bộ mặt trở nên nghiêm trọng, ông hỏi, ‘ Có thêm lời nào không – có hay không có bằng chứng ?’

James Howden lắc đầu. Không cần phải giải thích. Câu hỏi này cũng là câu mà cả thế giới đang hỏi, từ giờ phút đó trở đi. 48 giờ trước, Moscow đã làm rùm beng lên rằng đã tiêu diệt một tàu ngầm nguyên tử của Mỹ, chiếc Defiant, trong vùng biển đông Siberia. Theo tuyên bố của người Nga – mà Washington đã phủ nhận – chiếc tàu ngầm này xâm phạm vào hải phận Sô Viết. Biến cố ấy đã làm cả thế giới căng thẳng suốt mấy tuần qua.

Toán dàn chào chờ đợi trong khi ông đang nghiêm trang nói với Cawston, ‘ Không thể có một bằng chứng nào, ít nhất là trong hiện tại. Tôi tin rằng đó là một hành động khiêu khích có tính toán và ta phải cố tránh hành động trả đũa . Tôi có ý định hối thúc Bạch ốc việc này vì ta vẫn cần có thời gian, càng nhiều càng tốt.’

Cawston nói nhỏ, ‘ Tôi đồng ý.’

Thủ tướng nói, ‘ Tôi đã ra lệnh không được tuyên bố hay phản đối gì cả, ông phải hiểu là không ai ngoại trừ tôi và Arthur quyết định ở Washington, trong trường hợp này sẽ quyết định tại đó. Rõ chứ ?’

Cawston nói, ‘ Rất rõ. Nói thật tôi mừng vì chuyện đó thuộc phần ông và Arthur chứ không phải tôi.’

Họ quay lại nhóm người đang chờ và James Howden bắt đầu bắt tay. Cùng lúc, ba thành viên nữa sẽ tháp tùng ông lên máy bay – Arthur Lexington. Adrian Nesbitson và Style Bracken ở Bộ Thương Mại và Mậu dịch – tập trung ở phía sau.

Howden nghĩ, Adrian Nesbitson trông khỏe hơn lần gặp trước. Người chiến binh già, má hồng hào, khăn len quấn chặt, mũ lông và áo khoác dày, có cung cách như trên bãi diễn tập, rõ ràng là rất thích quang cảnh này như ông vẫn thích mọi dịp lễ lạc. Howden nhận ra là họ phải nói chuyện suốt chuyến bay ; không có cơ hội nào từ lúc Hội đồng Quốc phòng họp và dẫu sao, cần phải đưa ông già này vào hàng lối. Dù Nesbitson không trực tiếp tham dự vào các cuộc hội đàm của cấp lãnh đạo, và không được có sự bất hòa rõ rệt trong thành phần phái

đoàn Canada.

Ở phía sau, Lexington có vẻ bình thản như thường, người mà từ khi trở thành Bộ trưởng Ngoại giao, chuyện đi khắp nơi trên thế giới là chuyện thường ngày. Hình như không quan tâm đến cái lạnh, ông đội nón nỉ mềm, để lộ chiếc cà vạt vẫn hay mang. Bracken, Bộ trưởng Thương mại và Mậu dịch, một người miền Tây giàu có, chỉ vừa tham gia Nội các mấy tháng trước, được đi theo vì chức tước của ông, chả là thương mại được coi như chủ đề trong cuộc hội đàm ở Washington.

Harvey Warrender đứng trong hàng các thành viên Nội các, ‘ Chúc một chuyến đi thành công.’ Cung cách ông chân thật một cách cẩn trọng, không một dấu hiệu nào về cuộc đụng chạm vừa qua. Ông nói thêm, ‘ Và cả bà nữa, Margaret.’

Thủ tướng đáp, ‘ Cám ơn.’ Câu trả lời kém lịch sự hơn so với những người khác. Margaret bỗng nói, ‘ Harvey, ông không có bài diễn văn Latinh nào cho chúng tôi sao?’

Warrender nháy mắt, ‘ Đôi lúc tôi có cảm tưởng chồng bà ghét đòn thí quân của tôi lắm.’ Margaret nói, ‘ Không sao. Tôi nghĩ nó vui hơn chứ.’

Ông Bộ trưởng Di trú cười nhẹ, ‘ Trong trường hợp này, có lẽ nên nói : vectatio, interque, et mutata regio vogorem dant.’

Stuart Cawston nói, ‘ Tôi hơi hiểu chữ vogorem. Thế còn lại nghĩa là gì, Harvey ?’

Warrende đáp, ‘ Nhận định của Seneca. Nghĩa là : Du lịch, viễn hành và sự thay đổi nơi chốn sẽ truyền niềm hứng khởi.’

James Howden nói cộc lốc, ‘ Dù đi hay không đi, tôi cũng hào hứng lắm rồi.’ Cuộc trao đổi làm ông bực mình, ông nắm chặt tay Margaret, kéo bà lại chỗ ông Đại sứ Mỹ, ông này đang bước lên phía trước, bỏ nón ra, những người khác lùi lại phía sau.

Howden nói, ‘ Angry, đây là sự thích thú bất ngờ.’

‘ Thưa Thủ tướng, trái lại – tôi mới là người được hưởng đặc ân và vinh dự này.’ Ông Đại sứ nhẹ cúi đầu chào Margaret. Phillip Angrove, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp tóc muối tiêu, có bạn bè ở nhiều nước trên thế giới với biệt tài tạo ra vẻ lịch thiệp đầy nghi thức mang ý nghĩa riêng tư. Howden nghĩ, chúng ta thường không lưu ý đến những gì được nói ra một cách lịch sự chỉ mang ý nghĩa ngoài mặt. Ông để ý thấy ông Đại sứ rùn vai thấp hơn lệ thường.

Margaret cũng thấy điều đó, ‘ Ông Angrove, hy vọng chứng thấp khớp không hành ông lắm.’

Một nụ cười buồn, ‘ Tôi e nó có đấy. Thưa bà Howden, mùa Đông ở Canada có nhiều cái vui, nhưng bù lại nó làm thiệt thòi cho chứng thấp khớp của chúng tôi.’

Margaret phát biểu, ‘ Thượng đế không lịch sự cho mùa Đông của chúng tôi ! Nhà tôi và tôi sinh trưởng ở đây mà còn ghét nó nữa là.’

Ông Đại sứ nhẹ nhàng nói, bộ mặt sứt sẹo trầm tư, ‘ Tôi hy vọng không hẳn vậy. Thưa bà Howden, tôi vẫn thường nghĩ rằng Canada phải rất cám ơn khí hậu của họ vì đặc điểm khang kiện mãnh liệt, nhưng sự ấm áp lớn lao ít khi rời xa.’

James Howden đưa tay ra, ‘ Nếu đúng, thì có thêm lý do nữa cho chúng ta nên sống chung. Theo tôi hiểu, ông sẽ gặp lại chúng tôi ở Washington?’

Ông Đại sứ gật đầu thừa nhận, ‘ Chuyến bay của tôi sẽ cất cánh sau Ngài vài phút.’ Khi họ bắt tay nhau, ông thêm, ‘ Thưa Ngài, chúc một chuyến đi bình an và trở về trong vinh quang.’

Lúc Howden và Margaret quay đi hướng về chiếc máy bay đang đợi thì toán phóng viên vây kín lấy họ. Có cả tá phóng viên chuyên về tin Nghị trường, cùng các phóng viên truyền thanh và truyền hình và một đoàn quay phim. Brian Richardson chọn chỗ đứng nơi ông có thể nghe và Howden thấy được ông. Thủ tướng cười và thân mật gật đầu với ông, Richardson cười đáp. Cả hai đã thảo luận việc tuyên bố với báo chí trong chuyến đi này và đồng ý lời tuyên bố chính thức – nhưng không tiết lộ ra những tin tức chính – sẽ được loan báo khi đến Washington. Tương tự , Howden biết ông phải cung cấp cái gì đó có thể khai thác được cho báo chí ở Ottawa.

Ông nói ngắn gọn, sử dụng những tình tiết vô thưởng vô phạt trong mối liên hệ giữa Canada và Mỹ. Rồi ông chờ câu hỏi.

Người đầu tiên là phóng viên truyền hình, ‘ Thưa Thủ tướng, có tin đồn rằng, chuyến đi của Ngài liên quan đến cái gì nhiều hơn là hội đàm thương mại.’

Howden nói, tỏ ra rất nghiêm trang, ‘ Phải, có thế thật. Nếu có thời gian. Tổng thống và tôi sẽ chơi một ván ném banh.’ Có tiếng cười rộ; ông đã nhấn đúng phím, tỏ ra vui vẻ nhưng không phớt lờ tay phóng viên kia.

Anh chàng phóng viên truyền hình cười theo bổn phận, để lộ hàm răng trắng đều tăm tắp. ‘ Nhưng , thưa, ngoài khía cạnh thể thao ra, hẳn không có những cuộc thảo luận về các quyết định quân sự quan trọng cần có trong thời điểm này chứ ?’

Đã có chuyện rò rỉ rồi, dù là rõ ràng mới chỉ chung chung. Howden nghĩ, thật ra cũng không nên ngạc nhiên; ông từng nghe người ta nói rằng, khi một bí mật nào đó đi qua chỉ một người thôi, nó không còn là bí mật nữa. Nó còn là sự nhắc nhở những thông tin quan yếu không nên chặn giữ quá lâu và sau chuyến đi Washington, ông phải hành động thật nhanh nếu ông còn hy vọng giữ kín được những tin tức trọng đại .

Và ông trả lời, cẩn thận từng chữ trong khi vẫn nhớ rằng những gì ông nói có thể được trích lại nguyên văn về sau. ‘Tất nhiên, vấn đề phối hợp quốc phòng sẽ được thảo luận tại Washington, như vẫn thường có trong những trường hợp này, cộng với những vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm. Nhưng còn quyết định, bất cứ quyết định nào cũng vậy, phải được thực hiện tại Ottawa , khi đã thông báo đầy đủ cho Quốc hội và nếu cần, có sự chấp thuận của Quốc hội.

Lác đác có tiếng vỗ tay từ phía khán giả.

Phóng viên truyền hình hỏi tiếp, ‘ Thưa ông Howden, ông có thể cho biết, biến cố tàu ngầm, vừa mới đây có được thảo luận và nếu có, thái độ của Canada sẽ như thế nào ?’

Howden trả lời, bộ mặt diều hâu khoằm khoặm của ông nghiêm lại, ‘ Tôi chắc chắn nó sẽ được đưa ra thảo luận và tất nhiên, chúng tôi chia sẻ sự quan tâm sâu xa của Hoa Kỳ về tổn thất bi thảm của chiếc Defiant và thủy thủ đoàn. Nhưng ngoài điều đó ra, trong hiện tại, tôi không có gì để tuyên bố thêm.’

‘ Thưa, trong trường hợp đó,’ Anh chàng ở đài truyền hình chưa nói hết thì một phóng viên khác đã nóng nảy cắt ngang, ‘Này ông bạn, để cho người khác với chứ! Báo chí chưa bị tiêu diệt kia mà.’

Có tiếng xì xào tán thành trong đoàn phóng viên báo chí, James Howden cười thầm. Ông thấy anh phóng viên truyền hình đỏ mặt và gật đầu với nhóm quay phim. Thủ tướng đoán chừng, đoạn phim đặc biệt này sẽ được phát sau đó.

Người ngắt lời là một nhà báo trung niên, tác phong nhanh nhẹn tên George Haskins làm cho tờ Free Press ở Winnipeg, lên tiếng, ‘ Thưa Thủ tướng, tôi muốn hỏi, không phải về Washington, mà về thái độ của chính phủ đối với bản tin về con người vô tổ quốc.’

James Howden nhíu mày. Bối rối , ông hỏi, ‘ Lập lại câu hỏi xem, George ?’

‘ Thưa, tôi đang nói về chàng trai Henri Duval, con người ở Vancouver mà Bộ Di trú không cho vào. Ông có thể cho chúng tôi biết lý do khiến Chính phủ có thái độ như thế không ?’

Howden bắt gặp ánh mắt của Brian Richardson và ông trưởng ban tổ chức len lỏi lên phía trước. Ông nói, ‘ Thưa quý vị, chắc chắn đây không phải lúc…’

Haskins quát ầm lên, ‘ Này Brian, có ở địa ngục mới không phải lúc. Nó đang là tin tức sốt dẻo nhất trong nước, thế thôi.’ Có ai đó bực bội thêm, ‘ Còn với truyền hình và những phương tiện thông tin đại chúng, ông càng không thể hỏi những câu khó hơn nữa.’

Lấy giọng khôi hài, James Howden can thiệp, ‘ Tôi sẽ trả lời bất cứ câu hỏi nào tôi trả lời được. Tôi vẫn luôn luôn vậy, phải không nào?’

Haskins nói, ‘ Thưa vâng. Ngài vẫn như vậy. Chỉ có những người khác mới tìm cách phá đám thôi.’ Ông nhìn Brian Richardson như bực bội, ông này thản nhiên nhìn lại.

Thủ tướng nói, ‘ Tôi chỉ ngờ, tất nhiên cả ông Richardson nữa, là chủ đề này có thích hợp với thời điểm đặc biệt này không ?’ Ông hy vọng có thể dẫn câu hỏi đi theo hướng khác; nếu không, ông cho là phải cố gắng hết mức. Ông nghĩ, có tùy viên báo chí cũng có lợi – như Tổng thống Mỹ vậy – để giải quyết những trường hợp tương tự. Nhưng ông lại tránh việc chỉ định một người như thế vì sợ mình quá xa cách.

Tomkins ở tờ Toronto Star, một người Anh trí thức, mềm dẻo, rất được tôn trọng ở thủ đô, lịch sự nói, ‘ Thưa Ngài, thật ra phần lớn chúng tôi ở đây đều đã nhận lệnh chủ bút của mình là phải có được lời tuyên bố của Ngài về Duval. Hình như có nhiều người quan tâm đến những gì sẽ xảy ra cho anh ta.’

‘ Tôi hiểu’. Không tránh được vấn đề nữa rồi. Dù là Thủ tướng, nếu là người khôn ngoan, ông cũng đừng đi quá việc tiết lộ ra. Thật đáng giận, người ta chú ý tới chuyến đi Washington của ông và coi đó như một hậu quả. Howden suy nghĩ thật cẩn thận. Ông thấy Harvey Warrender đang len đến gần nhưng không thấy ông, giận dữ nhớ tới thái độ cố chấp đến ngu xuẩn đã làm gây ra những chuyện này. Ông bắt gặp ánh mắt Richardson. Thái độ Richardson như muốn nói, ‘ Tôi báo trước cho ông sẽ có chuyện rắc rối nếu không kiềm chế được Warrender’. Hay có lẽ, vào lúc này, Richardson đã đoán ra lại có thêm một sự kiện nữa dính vào; ông ta đã sáng suốt để nhận ra việc đó. Nhưng dù bằng cách nào đi nữa, với sự đe dọa của Harvey Warrender như một lưỡi dao kề cổ, James Howden phải giải quyết việc này với đầy đủ thẩm quyền. Ông lập luận , có một điều chắc chắn, biến cố này dù có gây lộn xộn một chút, là loại sự việc chỉ bùng lên trong vài ngày rồi sẽ bị quên đi. Ông thấy những ống kính truyền hình hoạt động trở lại; có lẽ, xét cho cùng, đây là lúc để giải thích chính thức và như vậy sẽ dập tắt được những lời chỉ trích.

Và Thủ tướng tuyên bố một cách hùng hồn, ‘ Được, thưa quý vị, đây là những gì tôi phải nói ra.’ Trước mặt ông, những cây bút hườm sẵn rồi chạy rào rào khi ông bắt đầu.

‘ Người ta đã chỉ cho tôi thấy có rất nhiều bài báo nhắc đến tên con người mà ông Haskins vừa mới nêu ra. Tôi phải nói rất thành thật là, có một số bài tường thuật, hình như mang tính cách hơi quá khích, cố tình bỏ qua một số sự kiện – những sự kiện mà chính phủ, do trách nhiệm của mình, không thể bỏ qua.’

Phóng viên tờ Gazette ở Montreal lên tiếng, ‘ Thưa, Ngài có thể cho chúng tôi biết đó là những sự kiện gì không ?’

Giọng Howden bắt đầu lanh lảnh, ‘ Anh cứ kiên nhẫn, tôi sắp nói tới đây . Ông ghét bị ngắt lời và cũng chẳng hại gì mà không nhắc cho những con người này nhớ rằng không phải đang phỏng vấn một ông Bộ trưởng không mấy quan trọng nào đó, ‘ Tôi muốn lưu ý rằng có rất nhiều trường hợp riêng lẻ không gây dư luận gì cả nhưng dẫu sao những trường hợp đó cũng không xảy ra thường xuyên ở Bộ Dân quyền và Di trú. Trong những trường hợp này luôn luôn có sự công bằng và nhân đạo, song dựa trên căn bản của luật pháp, điều này chẳng phải là kinh nghiệm mới mẻ gì cho cả chính phủ hoặc các viên chức Bộ Di trú.’

Phóng viên tờ Journal ở Ottawa hỏi, ‘ Thưa Thủ tướng, trường hợp này không phải hơi khác một chút sao ? Tôi muốn nói, con người này không có tổ quốc và tất cả những cái đại loại như vậy.’

James Howden buồn rầu nói, ‘ Ông Chase, khi ông tiếp xúc với những con người, thì mỗi trường hợp mỗi khác. Đó là lý do – để đưa ra một biện pháp nào đó công bằng và luôn luôn như nhau – chúng ta có luật nhập cư, đã được Quốc hội và dân Canada chấp thuận. Chính phủ , do phải hành xử theo luật, đã hành động trong khuôn khổ của luật này và trong trường hợp mà ta đang nói tới, đây chính xác là những gì đã được làm.’ Ông ngừng lại, để các phóng viên kịp ghi chép, rồi tiếp, ‘ Tất nhiên, tôi không có ở đây một chi tiết nào cả. Chúng tôi đã được bảo đảm rằng thỉnh nguyện của chàng trai này đang được cứu xét cẩn thận dựa trên tinh thần đó và chắc chắn anh ta có thể được nhận vào Canada theo luật nhập cư.’

Một phóng viên trẻ, Howden không nhận ra được là ai, hỏi, ‘ Thưa, Ngài không cho là có những lúc sự cứu xét về mặt con người quan trọng hơn mặt thuần túy kỹ thuật không ?’

Howden mỉm cười, ‘ Nếu anh hỏi tôi vấn đề tu từ học, thì câu trả lời của tôi là sự cứu xét về con người luôn luôn quan trọng, và Chính phủ đã chứng tỏ sự ý thức của mình về điều đó. Nhưng nếu câu hỏi của anh nhấn mạnh đến trường hợp ta đang nói tới, thì cho phép tôi nhắc lại rằng yếu tố con người vẫn luôn được xem xét tới mức cao nhất. Dĩ nhiên, tôi phải nhắc lại cho anh nhớ rằng, Chính phủ bị giới hạn – như nó phải và sẽ phải bị - là chỉ làm việc theo luật mà thôi.’

Gió thổi dữ dội hơn và James Howden cảm thấy Margaret run rẩy cạnh ông. Ông quyết định, thế này là đủ rồi; câu kế sẽ là câu cuối cùng. Đó là con người có phong thái mềm dẻo, Tomkins và ông nói như xin lỗi, ‘ Thưa Ngài, sáng sớm nay, thủ lãnh đảng đối lập có tuyên bố,’ ông ta lật lật tập giấy ghi chép, xem lại rồi tiếp, ‘ Ông Deitz nói rằng, “ Chính phủ phải giải quyết trường hợp của Henri Duval theo nguyên tắc rộng rãi về con người hơn là tham khảo cứng nhắc từng chữ trong luật. Ông Bộ trưởng Dân quyền và Di trú có quyền, nếu như ông ta muốn, ban hành một nghị định cho phép chàng trai bất hạnh đến khốn cùng này vào Canada với tư cách một người nhập cư.’

James Howden quát lên, ‘ Bộ trưởng không có quyền đó. Quyền này được giao cho Triều đình thông qua đại diện là Ngài Toàn quyền. Ông Bonar Deitz cũng biết điều đó như bất kỳ ai khác.’

Một giây yên lặng rồi, tay phóng viên lại hỏi với vẻ ngây thơ vô tội, ‘ Nhưng không phải là Ngài Toàn quyền thường không làm đúng như những gì Ngài đề nghị, gồm cả việc từ chối luật nhập cư, như đã xảy ra vài lần rồi ?’ Với cái vẻ ngọt ngào của mình, Tomkins là một trong những bộ óc sắc bén nhất trong giới báo chí ở Canada, và Howden nhận ra ông đã rơi vào cái bẫy ngôn từ.

Ông gay gắt nói, ‘Tôi vẫn cho rằng, phái đối lập cũng chỉ trích chính phủ bằng nghị định.’ Đó là một câu trả lời rất dở và ông biết vậy. Ông nhìn thấy bộ mặt giận dữ của Brian Richardson – ông nghĩ, cũng hợp lý thôi. Không chỉ vì trọng tâm chú ý đã di chuyển từ nhiệm vụ quan trọng ở Washington sang cái vấn đề cỏn con này, mà còn vì chính ông đã không thoát ra được câu hỏi ấy.

Ông nhất định phải lập lại thế cân bằng, ‘ Rất tiếc, nhờ sự nhắc nhở của ông Deitz tôi mới biết rằng vấn đề chúng ta đang nói tới đã trở thành chuyện tranh chấp giữa các đảng phái chính trị. Quan điểm riêng của tôi là nó không phải như vậy.’ Ông dừng lại cho thấm đòn rồi sôi nổi tiếp, ‘ Như tôi đã nói từ đầu, không có căn cứ nào để chấp nhận anh Duval này vào Canada theo luật lệ hiện hành của chúng ta và theo những gì tôi được nghe, những quốc gia khác cũng có thái độ tương tự. Tôi cũng không thấy sự bắt buộc nào khiến Canada phải hành động như thế khi những nước khác đã không. Còn đối với các sự kiện, đã được biết và được khằng định, cho phép tôi bảo đảm với các ông một lần nữa rằng những sự kiện này đã được Bộ Dân quyền và Di Trú giải thích đầy đủ trước khi có một quyết định đươc đưa ra. Và bây giờ, thưa quý vị, xin quý vị vui lòng,tới đây là chấm dứt.’

Ông rất muốn nói thêm là báo chí phải duy trì một tỉ lệ cân xứng nào đó giữa các tin tức, nhưng quyết định là thôi; ở mỗi người quản lý của từng tờ báo sẽ phải hối tiếc một cách khôn ngoan khi tự chỉ trích mình. Thay vì thế, ngoài mặt thì cười cợt, nhưng trong lòng thì giận căm căm Harvey Warrender, Thủ tướng nắm lấy tay Margaret và bước về chiếc phi cơ. Tiếng vỗ tay và cổ vũ của những người ủng hộ đuổi theo họ.

 

2.

 

Chiếc chuyên cơ Vanguard dành chở những nhân vật quan trọng, được phân làm ba phần. Phần quy ước ở phía trước dành cho những nhân viên tham mưu và thuộc hàng Bộ trưởng đã lên phi cơ trước khi Thủ tướng đến, ngăn giữa tiện nghi hơn, đã có ba vị Bộ trưởng yên vị cùng một số Thứ trưởng; và ngăn phía sau, một loại phòng họp bọc nệm dày, trang hoàng màu xanh lơ với một phòng ngủ gọn ghẽ và ấm cúng ở liền bên.

Phòng ở tận cùng phía sau, nguyên là được thiết kế dành cho Nữ hoàng và phu quân trong những chuyến công cán, thì bây giờ dành cho Thủ tướng và Margaret. Tiếp viên, là một trung sĩ trong Không lực Hoàng gia Canada, giúp họ buộc dây an toàn trong hai chiếc ghế nệm êm và dày, rồi kín đáo rút lui. Bên ngoài, tiếng rì rầm của bốn động cơ Rolls- Royce tăng dần cường độ khi phi cơ bắt đầu ra đường băng hướng về vành đai phi cảng.

Khi người tiếp viên đi rồi, James Howden gay gắt hỏi, ‘ Có thật cần thiết phải khuyến khích Warrender phun cái câu Latinh dở hơi đó ra không ?’

Margaret dịu dàng đáp, ‘ Em cho là không cần lắm. Nhưng anh nói thế thì em nghĩ anh cộc cằn quá nên em muốn sửa chữa lại.’

Ông cao giọng, ‘ Trời đất ơi, Margaret. Anh có lý do để cộc cằn với Harvey Warrender.’

Bà vợ cẩn thận nhấc mũ ra và đặt lên cái bàn nhỏ ở cạnh ghế ngồi. Chiếc mũ này là một tác phẩm bện bằng nhung đen và lưới bà mua ở Montreal. Bà nói, giọng đều đều, ‘ Jamie, xin anh đừng quát tháo với em. Anh hẳn có lý do còn em thì không, và em đã nói từ trước em không phải là bản sao những cung cách của anh.’

‘ Đó không phải là điểm đáng bàn !’

Gò má Margaret đỏ ửng lên. Bà không phải là người dễ giận, vì thế chuyện họ cãi nhau tương đối hiếm.

‘ Không. Nó chính là điểm phải bàn. Cứ xem cái cách anh xử sự với các phóng viên vừa mới rồi, em phải nói rằng Harvey Warrender không phải là người duy nhất bị buộc tội oan.’

Ông hỏi một cách sỗ sàng, ‘ Thế em muốn nói gì?’

‘ Anh nổi giận với cái nhà ông Tomkins đó chỉ vì ông ta không ngu ngốc để bị lôi vào sự huênh hoang vô nghĩa lý của anh về những gì là công bằng và nhân đạo. Nếu anh muốn biết rõ hơn, thì em đây cũng không bị đâu.’

Ông quở trách, ‘ Chắc chắn rồi, ít nhất là ở đây. Anh được phong tước để trung thành mà.’

Margaret phát cáu, ‘ Này , đừng có đùa. Và xin anh đừng có nói với em như em đang dự một buổi họp chính trị. Em là vợ anh, nhớ chưa ? – Em đã nhìn thấy con người anh. Nó rõ ràng là cái đã xảy ra. Harvey Warrender đã đưa anh vào một tình thế khó khăn…’

Ông ngắt lời, ‘ Đó là một tình thế không thể.’

‘ Tốt lắm, không thể. Và vì những lý do nào đó anh cảm thấy anh phải ủng hộ ông ta, nhưng vì anh không thích làm thế nên anh trút cơn giận lên đầu những người khác kể cả em nữa.’ Những lời cuối cùng này của Margaret, đã chạm phải một điều gì đó.

Giữa họ là cả một sự thinh lặng. Bên ngoài, tiếng động cơ càng lúc càng ầm ầm để chuẩn bị cất cánh, đường băng trôi lướt qua và họ đã ở trên không, đang bay lên. Ông với tay nắm Margaret, ‘ Em hoàn toàn đúng. Anh đã tỏ ra nóng giận.’

Đó là cách tốt nhất để chấm dứt những vụ cãi vã, kể cả những vụ trầm trọng nhất, và đã có vài lần như thế trong đời họ. Cứ y như rằng, có một người sẽ nhìn thấy quan điểm của người kia và nhượng bộ. James Howden tự hỏi có thật có những cặp vợ chồng sống với nhau mà không cãi nhau. Ông nghĩ, nếu có, họ nhất định là những người đần độn và không có tâm hồn.

Margaret đã quay đầu đi, nhưng chồng bà lấy tay níu lại.

Một lát sau ông nói. ‘ Chuyện Warrender không có gì quan trọng cả, anh muốn nói, không đối với chúng ta. Nó có gây trở ngại chút đỉnh, vậy thôi. Nhưng mọi việc sẽ êm xuôi.’

‘ Em nghĩ em cũng hơi ngu dại. Có lẽ vì buổi tối em ít được gặp anh.’ Margaret rút trong xách ra một vuông khăn nhỏ và nhẹ nhàng lau nước mắt. Rồi bà chậm rãi tiếp, ‘ Đôi khi em có cảm giác ghen tị kinh khủng với chính trị. Một thứ cảm giác vô vọng. Em nghĩ em sẽ thích nó nếu như anh có một người đàn bà khác dấu ở đâu đó. Ít nhất em cũng biết phải tranh đấu như thế nào.’

Ông nói, ‘ Em không phải tranh đấu. Em đã không bao giờ tranh đấu.’ Trong một thoáng ông thấy nhói lòng vì cảm giác tội lỗi, nhớ đến Milly Freedeman.

Margaret bỗng hỏi, ‘ Nếu Harvey Warrender khó khăn đến thế, sao lại giao cho ông ta Bộ Di trú? Anh không thể đặt ông ta ở một chỗ khác, một chỗ không nguy hiểm, đươc sao ? – như Bộ Ngư nghiệp, chẳng hạn.’ James Howen thở dài, ‘ Đáng tiếc là Harvey muốn giữ Bộ Di trú và ông ta vẫn còn ảnh hưởng đủ để biến mơ ước của ông ta thành sự thật.’ Ông tự hỏi không biết Margaret có tin vào mệnh đề thứ hai này không, nhưng bà không tỏ dấu hiệu thắc mắc.

Chiếc Vanguard tiếp tục quay về hướng nam, vẫn đang lên cao, nhưng với độ nghiêng không lớn. Mặt trời xế buổi sáng chiếu rực rỡ qua các khung cửa sổ và về bên phải, có thể nhìn thấy từ cả hai bên ghế, Ottawa trải dài như một bức tiểu họa chín trăm mét bên dưới . Sông Ottawa như một vết dao bạc giữa hai bờ tuyết. Về phía tây, gần những khúc hẹp của thác Chaudière, những lá cờ trắng mờ nhọn như những ngón tay chỉ về Tòa án Tối cao và Quốc hội, nhìn từ trên trông thấp lè tè và mỏng manh.

Thủ đô dần khuất dạng, nhường chỗ cho những cánh đồng trải rộng phía trước. Trong khoảng mười phút nữa, họ sẽ vượt qua St. Laurence và ở trên tiểu bang Nữu Ước. Howden nghĩ, một hỏa tiển có bộ điều khiển sẽ tàn phá toàn vùng này, không phải từng phút mà là từng giây.

Margaret quay mặt vào, hỏi, ‘ Anh có nghĩ rằng những con người ở dưới kia nghĩ gì về những diễn biến trong Chính phủ không ? Những liên hệ chính trị, những đặc ân đổi lấy đặc ân và tất cả những gì gì khác.’

Trong thoáng chốc, James Howden thoáng giật mình. Đây không phải lần đầu ông có cảm giác Margaret đã len vào tận những tư tưởng thầm kín của mình. Và ông trả lời, ‘ Tất nhiên, cũng có người nghĩ thế - những người gần cận với nội tình. Nhưng anh cho rằng phần lớn người ta không nghĩ gì đâu, hay ít nhất cũng không muốn biết tới. Và cũng có những người không tin nếu em không đưa ra được bằng chứng rõ ràng hay thề thốt này khác.’

Margaret tư lự, ‘ Chúng ta luôn vội vã khi phê bình nền chính trị Hoa Kỳ.’

Ông đồng ý, ‘ Anh biết. Hoàn toàn không hợp luận lý, vì đổi lại, chúng ta cũng có quá nhiều nạn bè phái và hối lộ như người Mỹ, thậm chì còn hơn nữa kìa. Đúng là trong nhiều dịp, chúng ta tỏ ra khôn ngoan hơn để rồi thỉnh thoảng đưa một kẻ nào đó quá tham lam ra làm vật tế thần.’

Đèn hiệu thắt dây an toàn đã tắt, James cởi dây ra và chồm qua giúp Margaret. Ông nói, ‘ Em này, em phải thừa nhận là một trong những sở hữu quốc gia lớn nhất của chúng ta là ý thức chính trực. Đó là cái chúng ta thừa hưởng từ người Anh. Em có nhớ câu của Shaw không ? – “ Bạn sẽ không thấy người Anh làm điều gì quá tệ hay quá tốt, nhưng bạn sẽ không bao giờ thấy một người Anh nào làm điều gì sai lầm.” Quan niệm đó giúp cho ý thức quốc gia rất nhiều.’

Margaret nói, ‘ Nhiều khi anh nói rất vui về những điều sai lầm.’

Howden ngừng lại, ngẩm nghĩ, ‘ Anh không muốn nói hình như vậy. Đúng là khi chỉ có chúng ta với nhau, anh đã để cho tính tự phụ buông thả.’ Và ông cười mơ hồ, ‘ Hôm nay còn nhiều chỗ cho anh lên trình diễn.’

Giọng Margaret lo lắng, ‘ Em xin lỗi, lẽ ra em không nên nói thế.’

‘ Không ! Anh không muốn một trong hai ta cảm thấy cái gì mà ta không thể nói với nhau được, dù là gì đi nữa.’ Ông chợt nhớ tới Harvey Warrender và sự liên hệ giữa hai người. Tại sao ông không bao giờ nói cho Margaret biết ? Có lẽ ông sẽ nói một ngày nào đó. Còn bây giờ ông bảo, ‘ Nhiều chuyện trong chính trị anh biết làm anh buồn lòng. Luôn luôn là vậy. Nhưng rồi anh nghĩ đến cái chết và sự yếu đuối của con người, nhớ lại là không có một thứ quyền lực nào là trong sạch - ở bất cứ đâu. Nếu em muốn trong sạch, em phải đứng một mình. Nếu em tìm cách làm một việc minh bạch, đạt đến một cái gì đó, thì em phải chọn quyền lực và vất bớt sự trong sạch của em đi. Không còn cách chọn lựa nào khác.’ Và ông ngẫm nghĩ rồi tiếp, ‘ Giống như ta cùng bơi với nhau trong một dòng sông chảy xiết, dù em có muốn đi nữa, cũng không thể đổi hướng một cách đột ngột. Em chỉ có thể bơi xuôi và cố uốn từ từ theo một hướng này hay hướng nọ.’

Chiếc điện thoại liên lạc nội bộ màu trắng ở gần ghế Thủ tướng ngồi rung chuông theo điệu nhạc, ông nhấc lên. Giọng viên phi công trưởng, ‘ Thưa Ngài, đây là Galbraith.’

‘ À, chỉ huy chuyến bay đấy hả?’ Galbraith, một cựu phi công nổi tiếng cứng rắn, thường điều khiển các chuyến bay đưa các nhân vật quan trọng ra khỏi Ottawa. Trước đây ông đã nhiều lần bay cùng gia đình Howden.

‘ Chúng ta đang ở độ cao phi hành, 6.000m, sẽ đến Washington trong khoảng 1 giờ 10 phút nữa. Thời tiết, trời nắng và trong, nhiệt độ 18o C .’

Howden nói, ‘ Tin thật tốt lành. Có hương vị của mùa hè.’ Ông báo cho Margaret thời tiết ở Washington, rồi nói vào máy, ‘ Ông phi đoàn trưởng, tôi được biết ngày mai ở tòa Đại sứ sẽ có buổi tiệc trưa.

Chúng tôi mong đựoc gặp ông.’

‘ Thưa, cám ơn Ngài.’

James đặt điện thoại xuống. Trong khi ông nói, người tiếp viên lại xuất hiện, mang theo khay cà phê và sandwich. Có cả một ly nước nho. Margaret chỉ ly này, ‘ Nếu anh thích thứ đó, em sẽ cho đặt một ít ở nhà.’

Ông chờ người tiếp viên đi khỏi rồi hạ giọng, ‘ Anh bắt đầu ghét thứ này rồi. Có lần anh nói anh thích, thế là lan đi khắp nơi. Bây giờ anh mới hiểu vì sao Disraeli không ưa hoa ngọc trâm.’

Margaret nói, ‘ Nhưng em cứ tưởng ông ta yêu hoa ngọc trâm. Đó không phải loại hoa ông ta thích nhất sao ?’

Chồng bà lắc đầu quầy quậy, ‘ Disraeli chỉ nói thế đúng có một lần, vì lịch sự với Nữ hoàng Victoria, bà mới gởi cho ông một ít. Thế là từ đó về sau thiên hạ cứ tới tấp gởi hoa ngọc trâm cho ông ta, cho tới khi chỉ còn là hình ảnh mới đưa được ông ta vào chỗ quên lãng. Em thấy đấy, huyền thoại trong chính trị chết một cách khó khăn như thế nào.’ Ông cười cười, cầm ly nước nho, mở cửa sau cabin và đổ nó vào bồn rửa mặt.’

Margaret tư lự, ‘ Anh biết không, nhiều khi em nghĩ anh cũng dòng giống Disraeli, nhưng có dữ hơn một chút.’ Rồi mỉm cười, ‘ Ít nhất cũng ở cái mũi.’

Ông đồng ý, ‘ Phải. Riêng cái bộ mặt lồi lõm già cằn của anh đã là nhãn hiệu cầu chứng rồi.’ Ông vuốt cái mũi diều hâu của mình, hồi tưởng, ‘ Nó vẫn thường làm anh ngạc nhiên khi người ta nói anh dữ, nhưng sau đó khi đã học được cách tắt mở, thì đâm ra nó lại rất có ích.’

Margaret nói, ‘ Thế là tốt lắm, được là chính mình trong phút chốc. Ta còn được bao lâu trước khi đến Washington ?’

Ông nhăn mặt, ‘ Anh e là không lâu hơn thế này đâu. Anh phải nói chuyện với Nesbitson trước khi hạ cánh.’

‘ Có thực không, Jamie ?’ Đó là một lời cầu khẩn hơn là một câu hỏi. Ông nói một cách ân hận, ‘ Em yêu, anh rất tiếc.’

Margaret thở dài, ‘ Em nghĩ kéo dài được thì quá hay. Thôi được, để em nằm nghỉ, để anh được tự do.’

Bà cầm túi xách và nón, đứng dậy. Đến cửa phòng ngủ bà quay lại, ‘ Anh không định hăm dọa ông ta đấy chứ ?’

‘ Có lẽ không – trừ khi bắt buộc.’

Margaret nghiêm trang nói, ‘ Em hy vọng là anh đừng. Ông ấy chỉ là một ông già tội nghiệp. Em cứ nghĩ ông ấy phải ngồi trên xe lăn có một tấm chăn đắp với một người lính già khác đẩy xe.’

Thủ tướng cười, vẻ khoan dung, ‘ Tất cả những ông tướng về hưu nên như vậy. Đáng tiếc họ lại, hoặc là viết sách, hoặc đi làm chính trị.’

Khi Margaret đi rồi, ông nhấn chuông gọi tiếp viên chuyển một tờ giấy viết rất lịch sự cho tướng Nesbitson mời đến gặp ông.

  

3.

 

James Howden nói, ‘ Trông ông thật khỏe mạnh.’

Từ cái ghế nệm dày Margaret vừa đứng lên, đôi tay mập mạp hồng hào nâng niu ly rượu mạnh pha soda, Adrian Nesbitson gật đầu tán thành một cách thỏa mãn , ‘ Thưa Thủ tướng, tôi đang tận hưởng cảm giác được ngồi hạng nhất mấy hôm nay, giống như là vất bỏ được cái chứng sổ mũi chết tiệt này vậy.’

‘ Nghe vậy tôi rất vui. Tôi nghĩ có thời gian ông đã làm việc quá sức.Thật ra tất cả chúng ta đều vậy.Nó làm chúng ta sốt ruột lẫn cho nhau.’

Howden ngắm nghía cẩn thận ông Bộ trưởng Quốc phòng. Ông già này trông khỏe hơn thật; thậm chí có vẻ nổi bật nữa, dù có hói hơn. Bộ ria mép rậm trắng, tỉa tót cẩn thận làm tăng thêm một vầng hào quang trang trọng cho khuôn mặt vuông vức vẫn còn mang nét oai phong của người lính. Howden nghĩ, có lẽ bài học mà ông ta nghiền ngẫm sẽ có tác dụng. Nhưng ông cũng nhớ lại lời cảnh cáo của Brian Richardson, ‘ Cứ mặc cả thoải mái, ông già này có tiếng thẳng thắn.’

' Sốt ruột hay không thì tôi vẫn không thể chia sẻ quan điểm của ông về Hiệp ước Liên minh được. Tôi đoan chắc chúng ta có thể nhận được cái ta muốn ở người Mỹ mà không cần cho đi nhiều như thế,'

James Howden muốn mình bình tĩnh, lờ đi không biết tới, cơn giận và sự phản ứng dữ dội trong trào lên trong đầu ông.. Ông biết sẽ không đạt được gì nếu mất bình tĩnh, nếu cứ thét to lên rằng, ' Lạy Chúa, hãy mở mắt ra ! Hãy mở mắt mà nhận thức sự thực hiển nhiên này. Đã quá trễ và không còn thời gian đâu mà xài cái phương thuốc lang băm cũ rích ấy nữa.'

Thay vì thế, ông chỉ điềm đạm nói, ' Adrian, nếu như ông sẵn lòng, tôi muốn ông giúp cho tôi một vài việc.'

Ông già này do dự một chút rồi hỏi, ' Chuyện gì ?'

' Hãy suy nghĩ những việc này : tình thế sẽ như thế nào; thời gian ta còn sử dụng được ; điều đã nói ra ngày hôm trước; rồi đến những sự thay đổi và lương tâm của ông.'

Câu đáp là một lời khẳng định, ' Tôi đã làm rồi.'

Howden dở hết khả năng thuyết phục, ' Nhưng thử một lần nữa xem sao ? Như một đặc ân riêng dành cho tôi vậy.'

Ông già nốc hết ly rượu. Nó làm ông nóng lòng và ông đặt ly xuống. Ông nhượng bộ. 'Được, làm vậy cũng chẳng sao.Nhưng tôi báo trước cho ông câu trả lời của tôi vẫn vậy : chúng ta phải giữ vững nền độc lập quốc gia – Tất cả.'

James Howden nói, ' Cám ơn.' Và ông ấn chuông gọi tiếp viên. ' Xin anh cho một scotch và soda nữa cho tướng Nesbitson.'

Nesbitson nhấm nháp tiếp thứ hai và tựa người ra sau ngắm nghía quanh cabin. Ông nói, vẻ tán thưởng, giọng sặc mùi lính, ' Phòng đẹp khiếp, thưa Thủ tướng, nếu tôi được phép nói vậy.'

Đó là cánh cửa mở mà James Howden đã hy vọng.

Ông thừa nhận, ' Không tệ lắm.' Ngón tay ông nhịp nhịp trên ly nho tươi người tiếp viên đã mang tới cùng với ly scotch cho viên Bộ trưởng Quốc phòng. ' Nhưng tôi cũng không sử dụng nhiều. Nó dành cho ngài Toàn quyền hơn là cho tôi.'

Nesbitson có vẻ ngạc nhiên, ' Thế sao ? Ông muốn nói Sheldon Griffiths được ngự như thế này sao ?'

Giọng Howden lại tinh tế như thường lệ, ' Phải chứ. Bất cứ khi nào ông ấy muốn. Xét ra thì Toàn quyền là đại diện của Nữ hoàng. Ông ấy có quyền được đối xử đặc biệt. Ông không nghĩ vậy sao ?'

‘ Ông già sửng sốt, ‘ Tôi cho là vậy.’

Howden nói một cách bình thản làm như cuộc đối thoại làm ông sực nhớ ra, ‘ Chắc ông đã nghe rằng Shel Griffiths sẽ về hưu trong mùa hè này. Ông ấy đã phục vụ bảy năm trong dinh Toàn quyền và cảm thấy muốn bước xuống.’

Nesbitson nói, ‘ Tôi có nghe đại khái vậy.’

Thủ tướng thở dài, ‘ Toàn quyền mà về hưu luôn luôn có vấn đề- tìm cho ra người xứng đáng nhất để kế vị ông, một người nào đó có đủ kinh nghiệm và sẵn sàng phục vụ. Ông ta phải nhớ rằng đó là vinh dự cao nhất đất nước dành cho.

Howden thấy ông già này làm cả một ngụm rượu đầy và ông ta nói, ‘ Phải. Chắc chắn rồi.’

Howden nói, ‘ Dĩ nhiện, công việc này cũng có những bất lợi riêng. Quá nhiều lễ lạc – vệ binh danh dự ở khắp nơi, những đám đông tung hô, những phát đại bác chào mừng cho Ngài Toàn quyền – cũng nhiều bằng Nữ hoàng vậy.’

Nesbitson nói nhỏ, ‘ Phải, tôi biết.’

Howden tiếp, như thể suy nghĩ đang thốt ra lời, ‘ Tất nhiên, phải có kinh nghiệm đặc biệt để xử lý những công việc này cho suông sẻ. Một người nào đó có tính cách quân nhân thường là làm những việc này tốt nhất.’

Đôi môi người chiến binh già hơi hé ra, ông lấy lưỡi liếm ướt. Ông nói, ‘ Phải. Tôi nghĩ sự thật nó như vậy.’

Howden nói, ‘ Nói thực, tôi vẫn hằng mong ông sẽ nhận việc này vào một ngày nào đó.’

Mắt ông già mở to. Giọng ông chỉ vừa đủ nghe, ‘ Tôi à ? Tôi sao ?’

Howden nói, như muốn xua ý tưởng này đi. ‘ Ôi, tôi biết là không đúng lúc rồi. Ông đâu muốn rời bỏ Nội các, và tôi chắc chắn không muốn mất ông.’

Nesbitson dợm người như muốn đứng lên rồi lại thôi. Tay cầm ly run lẩy bẩy. Ông nuốt như cố giữ cho giọng đừng run, ‘ Dĩ nhiên, cứ nghĩ đến lúc nào đó thoát ra khỏi chính trị. Đôi khi ở tuổi tôi phải cố gắng một chút.’

Thủ tướng cho phép mình tỏ ra ngạc nhiên, ‘ Thật chứ, Adrian ? Tôi cứ nghĩ ông sẽ còn làm việc với chúng tôi một thời gian dài nữa.’

Ông dừng lại suy nghĩ, ‘ Tất nhiên nếu ông chấp thuận, phải giải quyết nhiều vấn đề. Tôi không ngại nói với ông rằng, sau khi có Hiệp Ước Liên minh, sẽ là một thời gian khó khăn cho đất nước. Chúng ta cần ý thức vế tính thống nhất và liên tục trong tư tưởng quốc gia. Cá nhân tôi, tôi xem chức vụ Toàn quyền – giả sử như đã được trao cho đúng người – là đóng góp rất nhiều cho việc đó.’

Trong giây lát ông tự hỏi mình có đi quá xa không. Trong khi ông nói, ông già ngước mắt nhìn ngay vào mắt ông. Khó mà đoán được nó chứa đựng gì trong đó. Khinh bỉ; không tin tưởng; hay cả hai trộn lẫn với tham vọng. Có thể chắc một điều. Dù về một mặt nào đó, Adrian Nesbitson là một kẻ ngốc, nhưng ông ta không đần độn đến mức không hiểu được những gì được đưa ra : một cuộc mặc cả, trả bằng giá cao nhất, để đổi lấy thái độ ủng hộ khía cạnh chính trị.

Đó chính là cách đánh giá của ông già về vinh dự mà James Howden đã tính tới. Ông biết là có những người không bao giờ thèm muốn chức Toàn quyền dù dưới bất cứ hình thức nào. Đối với họ, nó là hình phạt hơn là phần thưởng. Nhưng đối với một nhân vật quân sự, thích chuyện lễ lạc và khen thưởng, thì đó lại là lý tưởng tối hậu.

James Howden không bao giờ tin ở thuyết cho rằng mọi người đều có giá trị của họ. Trong đời mình ông đã từng biết đến những con người không thể mua được, dù bằng tiền bạc hay bằng danh dự, thậm chí cả sự cám dỗ - và nhiều người đã không chống nổi – muốn làm điều tốt đẹp cho bạn bè mình. Nhưng hầu hết những kẻ hoạt động chính trị đều có một cái giá nào đó. Họ phải xử sự đúng phép để sống còn. Có người thích dùng những uyển ngữ như “ thích đáng” hay “ thỏa hiệp”, nhưng cuối cùng thì cũng đi tới một mục đích. Vấn đề là : ông có tính đúng cái giá trả cho sự ủng hộ của Adrian Nesbitson không.

Cuộc chiến đấu nội tâm diễn ra trên mặt ông già : những nét biểu lộ thay đổi liên tục, biến chuyển nhanh như ống kính vạn hoa mà trong đó, nghi ngờ, kiêu hãnh, xấu hổ, khát khao, pha lẫn vào nhau …

Ông nghe được tiếng súng nổ trong ký ức … tiếng gầm pháo tám mươi tám ly của quân Đức và tiếng khai hỏa đáp trả… một buổi sáng đầy tia nắng mặt trời; Antwerp ở sau lưng, sông Scheldt ở trước mặt… sư đoàn quân Canada bấu víu leo lên, tiến về phía trước; rồi chậm chạp, run rẩy, sửa soạn quay đi…

Đó là trục trung tâm của trận đánh, ông trưng dụng một chiếc jeep, ra hiệu cho anh lính thổi kèn và ra lệnh cho tài xế lái về phía trước. Trong những tiếng kèn từ ghế sau nơi ông đứng, đối diện với đại pháo của quân Đức, dẫn đầu đầy khí thế và đội ngũ tan tác đang tập trung trở lại. Ông thúc dục những người lính tản lạc bước lên, nguyền rủa , quát mắng ầm ỹ, lính tráng cũng to tiếng trả đũa và cứ tiến theo.

Tiếng ồn ào, khói bụi, tiếng pháo của thiết giáp, mùi khói súng và xăng dầu, tiếng la hét của những kẻ bị thương … Hướng tiến về phái trước, lúc đầu chậm chạp rồi nhanh dần lên … Sự ngạc nhiên trong mắt những người lính – về chính ông - đứng thẳng, kiêu hảnh, một mục tiêu không phát súng nào của kẻ thù có thể trật được …

Đó là giây phút vinh quang sau cùng. Tình thế đã là tuyệt vọng nhưng họ lại lôi được chiến thắng trở lại. Hành động liều lĩnh như tự sát nhưng thật kỳ diệu ông đã sống sót.

Họ gọi ông là ông tướng điên và trận đánh ngu xuẩn, còn sau đó ông trở thành một con người yếu đuối bạc nhược thêm tật nói lắp, nhận huy chương tại điện Buckingham.

Nhưng giờ đây, bao nhiêu năm tháng đã trôi qua cùng những kỷ niệm ấy; chỉ còn một vài người nhớ lại những giờ phút vinh quang và một số ít hơn nữa được trông nom đến. Không ai còn gọi trận chiến ngu xuẩn nữa. Nếu có nhớ chăng, thì họ lại quên chữ “ trận đánh” đi.

Có những lúc, rất ngắn ngủi, ông ao ước được nếm lại hương vị của vinh quang.

 Tỏ vẻ lưỡng lự, Adrian Nesbitson nói, ‘ Hình như Thủ tướng rất chắc chắn về Hiệp ước Liên minh này. Ông có bảo đảm nó sẽ thông qua không ?’

Cả bộ mặt và giọng nói của Howden đều nghiêm trang, ‘ Có. Nó sẽ thông qua vì phải như vậy.’

Ông già nhíu mày, ‘ Nhưng sẽ có phản đối.’

Howden lấy giọng thuyết phục, ‘ Tất nhiên. Nhưng cuối cùng, khi người ta đã thấy cần kíp thì không có khác nhau đâu. Adrian, tôi biết cảm giác ban đầu của ông là phản đối kế hoạch này và tất cả chúng tôi đều kính trọng ông vì điều đó. Tôi cũng cho rằng, nếu ông cảm thấy ông cần phải tiếp tục phản đối, thì chúng ta buộc lòng phải chia rẽ nhau về mặt chính trị.’

Nesbitson càu nhàu, ‘ Tôi thấy không cần thiết phải vậy.’

Howden nói, ‘ Không cần thiết. Nhất là khi, với tư cách Toàn quyền, ông phải hành động để phục vụ đất nước nhiều hơn là cho sự tàn nhẫn của chính trị.’

Nesbitson ngắm nghía đôi tay, ‘ À, tôi cho là nếu ông nhìn vấn đề như thế.’

Howden nghĩ, đơn giản là thế. Bảo hộ, quyền được ban phát, nắm hầu hết mọi chuyện trong tay. Ông nói to, ‘ Nếu ông đồng ý, tôi sẽ thông báo với Nữ hoàng càng sớm càng tốt. Tôi tin chắc Ngài sẽ rất vui lòng.’

Adrian Nesbitson trang trọng cúi đầu, ‘ Thưa Thủ tướng, tùy ý ông.’

Họ đứng lên và trịnh trọng bắt tay nhau. James Howden nói, ‘ Tôi mừng lắm. Rất mừng.’ Rất tự nhiên, ông nói thêm, ‘ Việc đề bạt ông làm Toàn quyền sẽ được công bố vào tháng sáu. Ít nhất chúng tôi cũng còn ông trong Nội các cho tới lúc đó, và việc ông tham dự cùng chúng tôi trong kỳ bầu cử sẽ có ý nghĩa rất lớn.’

Rồi ông tóm tắt lại, làm sáng tỏ để tránh hiểu lầm về những gì họ đã thỏa thuận. Như vậy đối với Adrian Nesbitson sẽ không có sự phản đối trong nội bộ Chính phủ, sẽ không có sự chỉ trích về Hiệp ước Liên minh nữa. Thay vì thế, Nesbitson sẽ tham gia trong cuộc bầu cử cùng với những người còn lại trong đảng - ủng hộ, thừa nhận và chia sẻ trách nhiệm.

James Howden chờ xem có sự bất đồng nào không. Không có gì cả.

Giây lát sau, tiếng ồn của động cơ máy bay thay đổi. Họ đang hạ dần xuống và mặt đất bên dưới không còn tuyết phủ mà là những mảng nâu và xanh lục nối tiếp nhau. Điện thoại nội bộ reng và Thủ tướng nhấc máy.

Giọng phi công trưởng Galbraiths, ‘ Thưa Ngài. Chúng ta sẽ đáp xuống Washington trong mười phút nữa. Chúng ta sẽ có đường băng ưu tiên và tôi được yêu cầu thông báo với Ngài là Tổng thống đang trên đường ra phi trường.’

 

4.

 

Sau khi chuyến bay của Thủ tướng đã cất cánh, Brian Richardson và Milly trở về bằng chiếc Jaguar của Richardson. Gần suốt đường về Ottawa, ông trưởng ban tổ chức ngồi yên, mặt cau lại, thân hình căng cứng vì giận. Ông hành hạ chiếc Jaguar – mà thường ngày ông vuốt ve nó như người tình – làm như nó phải chịu trách nhiệm vì cuộc họp báo thất bại trong phi cảng hổ lốn kia. Hơn ai hết, ông nhận ra sự nông cạn trong lời tuyên bố của James Howden về Bộ Di trú và Henri Duval khi nó xuất hiện trên báo chí. Richardson bực tức nghĩ, đáng tiếc hơn nữa, Chính phủ - qua hình ảnh Thủ tướng – đã bị đẩy vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Milly có liếc nhìn ông một, hai bận nhưng cảm thấy những gì đang diễn ra trong đầu người bạn đồng hành, cô muốn nói nhưng lại thôi. Nhưng gần đến vành đai thành phố, sau một khúc quẹo gắt, cô ngã vào tay Richardson. Không cần nói gì nữa.

Ông trưởng ban tổ chức giảm tốc độ, quay đầu sang và cười, ‘ Xin lỗi, Milly. Anh đang bốc hơi đây.’

‘ Em biết.’ Câu hỏi của tay phóng viên ở phi trường cũng làm Milly phiền lòng, như thể cô ý thức được sự câu thúc bí ẩn trong con người James Howden.

Richardson nói, ‘ Anh muốn làm một ly. Em về nhà được chứ ?’

‘ Được.’ Đã gần trưa và trong một , hai tiếng nữa thì Milly cũng chưa vội quay về văn phòng Thủ tướng. Họ vượt qua sông Rideau tại cầu Dunbar và vòng qua phía Tây theo đường Nữ hoàng Elizabeth về thành phố. Mặt trời rực rỡ trước đó đã khuất trên lớp mây đen và ngày đang chuyển xám hòa lẫn màu với những tòa bin- đing bằng đá. Gió rít từng cơn, cuốn lên những lớp bụi cùng giấy và lá cây quay cuồng trong những miệng cống và quanh những đống tuyết đọng cả tuần rồi, giờ đã biến thành đống bùn lầy nhớp nhúa. Những khách bộ hành vội vã, cổ áo kéo cao, tay giữ chặt mũ, đi sát vào các tòa nhà. Dù trong xe rất ấm, Milly vẫn rùng mình.Đây là thời gian mà mùa Đông hình như là vô tận và cô ao ước đến mùa Xuân.

Xe ngừng ở bin-đing nơi Milly ở và họ cùng đi lên thang máy. Vào phòng rồi, trái với thói quen, Milly lấy rượu ra pha. Brian Richardson quàng tay quanh vai cô và hôn nhanh lên má cô. Trong một thoáng, ông nhìn ngay vào mặt Milly rồi đột ngột buông cô ra. Xúc cảm trong lòng làm ông sửng sốt; ông có cảm tưởng như mình đang trôi nổi trên sông, như trong mơ … Quay lại thực tế, ông nói, ‘ Để anh pha rượu cho. Chỗ của đàn ông là ở quầy rượu.’

Và trong khi cô nhìn, ông lấy ly, rót hai ly bằng nhau rượu đỗ tùng, rồi vắt chanh vào. Ông bỏ đá, mở thêm chai thuốc bổ Schweppes và chia rất gọn gàng vào hai ly. Thật đơn giản và chẳng tốn công chút nào nhưng Milly nghĩ : việc chia xẻ mới tuyệt làm sao – dù là chuyện đơn giản như pha rượu – với một người mà bạn thật tình quan tâm đến.

Milly cầm ly rượu ngồi ở trường kỷ, nhấm nháp và để xuống. Tựa lưng ra sau, cô ngửa đầu thoải mái trên nệm ghế, thưởng thức sự xa xỉ ở giấc trưa. Cô có cảm giác như đánh cắp được thời gian. Nằm ưỡn người, cô duỗi dài đôi chân có mang vớ nylon, tựa gót chân lên thảm, hất văng giày đi.

Richardson bước qua lại trong căn phòng nhỏ ấm cúng, tay nắm chặt ly rượu, trán nhăn lại, đăm chiêu, ‘ Milly này, anh không hiểu. Đơn giản là anh không hiểu gì hết. Tại sao xếp lại xử sự như thế trong khi trước kia ông không bao giờ làm vậy ? Tại sao, giữa bao nhiêu chuyện, có phải ông đang ủng hộ Warrender ? Ông không tin những gì ông làm, hôm nay em có thể nói như thế. Thế thì, lý do là gì ? Tại sao, tại sao và tại sao ?’

Milly nói, ‘ Ôi, Richardson, ta không thể quên nó đi một lát được sao ?’

Ông tức giận văng tục, ‘ Mẹ kiếp, quên nó di ! Anh nói cho em biết, chúng ta là một lũ ngu khốn ngu khổ vì không chịu thua để cho thằng đi lậu chó chết đó ra khỏi tàu. Toàn bộ câu chuyện này có thể và sẽ tiếp tục biến thành cả một trái núi, nó sẽ đáng giá một cuộc tuyển cử.’

Milly rất muốn hỏi một câu thật vô lý : có thành vấn đề không ? Cô biết là sai lầm khi suy nghĩ như vậy và ngay từ đầu cô cũng hết sức lo lắng như Richardson. Nhưng bỗng nhiên cô thấy chán ngấy chuyện chính trị : những chiến thuật , đòn phép, tính toán nhỏ nhen, những lẽ phải trái cố chấp. Để cuối cùng đi tới cái gì ? Những biến cố tưởng như trọng đại hôm nay thì đến tuần sau hay năm sau chỉ là chuyện vặt rồi cũng bị quên lãng. Trong mười năm hay một trăm năm sau, những nguyên nhân tầm thường và những con người nhỏ bé đó rồi sẽ rơi vào cõi hư vô. Chính là những cá nhân, chứ không phải chính trị, mới tạo thành vấn đề. Và không phải những con người khác… mà là chính họ đấy thôi.

 

 5.

 

Trong gian phòng yên tĩnh, tiếng chuông điện thoại reo nhè nhẹ. Brian Richardson chống tay ngồi dậy, ‘ May mà nó không reo mười phút trước.’ Ông có cảm giác nói để mà nói, dùng lời nói làm mộc che cho những dao động trong lòng.

Milly nói, ‘ Em không trả lời đâu.’ Vẻ uể oải đã mất. Cô thấy nhanh nhẹn và chờ đợi.

Brian Richardson hôn lên trán cô. Ông nghĩ, giữa Milly, cái thấy được bên ngoài và Milly ông biết được

ở đây không có chút gì giống nhau. Lúc này, hình như cô buồn ngủ, tóc rối bời, ấm áp.

Rồi cô lại nói, ‘ Em nên trả lời thì hay hơn.’ Cô lồm cồm ngồi dậy đi lại chỗ điện thoại. Đó là cô thư ký ở văn phòng Thủ tướng, ‘ Cô Freedeman, tôi nghĩ phải gọi cô. Quá nhiều điện tín ập đến sáng nay, đến giờ có tới bảy mươi hai cái rồi, đều gởi cho ông Howden.’

Milly lùa một tay vào mái tóc. Cô hỏi, ‘ Nội dung ?’

‘ Đều hỏi về người ở trên tàu, người mà Bộ Di trú không cho vào đấy. Có vài tin nữa về y trong báo cáo sáng nay. Cô có xem chưa ?’

Milly nói, ‘ Rồi. Tôi xem rồi. Điện tín nói gì vậy ?’

‘ Cô Freedeman, gần như đều nói cùng một việc bằng những cách khác nhau : rằng y sẽ được vào và sẽ được dành cho một cơ hội. Tôi nghĩ chắc cô muốn biết.’

Milly nói, ‘ Cô gọi tôi là phải. Cô cứ liệt kê chúng từ đâu đến và tóm tắt nội dung. Tôi sẽ đến ngay.’ Milly cúp điện thoại. Cô phải báo cho Elliot Prowse, phụ tá điều hành, vào giờ này hẳn anh ta đã ở Washington. Dù muốn hay không, anh ta cũng phải biết để báo cho Thủ tướng. James Howden rất coi trọng thư từ, điện tín. Ông đòi hỏi phải thống kê từng ngày, từng tháng, nội dung và nguồn gốc, đích thân ông và viên phụ tá sẽ đọc cẩn thận.

Brian Richardson hỏi, ‘ Gì đấy ?’ Và Milly nói cho ông biết.

Như môt guồng máy khởi động, đầu óc ông quay về những vấn đề thực tế. Ông quan tâm ngay lập tức và cô biết vậy, ‘ Phải có ai đó tổ chức vụ này, nếu không đã không có quá nhiều điện tín đến thế. Anh không muốn gì hơn là biết ngay kết cục.’ Và ông buồn rầu thêm, ‘ Ước gì anh biết được đồ chó chết đó làm gì .’

Milly nói, ‘ Có lẽ không còn gì để làm nữa đâu.’

Ông nhìn cô gay gắt. Rồi nhẹ ôm lấy hai vai cô. Ông nói ,’ Milly, em yêu. Có cái gì đó đang diễn ra mà anh không biết, nhưng anh nghĩ em biết.’ Cô lắc đầu.

Ông nài nỉ, ‘ Nghe này, Milly. Chúng ta ở cùng phía, có phải không ? Nếu anh định làm gì, thì anh phải biết.’

Mắt họ gặp nhau.

Ông nhỏ nhẹ, ‘ Em có thể tin ở anh, phải không ? Nhất là bây giờ.’

Cô cảm thấy những xúc cảm và lòng trung thành đang va chạm nhau quyết liệt. Cô muốn che chở cho James Howden, cô luôn luôn vậy.

Song, bỗng nhiên, mối liên hệ giữa cô và Brian đã thay đổi. Anh ấy bảo rằng anh ấy yêu cô. Chắc chắn, trong hiện tại, giữa họ không có gì phải dấu nhau. Nó cũng là cách để trút bớt…

Ông nắm vai cô chặt hơn, ‘ Milly, anh phải biết.’

‘ Tốt lắm.’ Vùng ra khỏi tay ông, cô lấy chìa khóa trong sắc mở ngăn kéo dưới cùng của chiếc bàn nhỏ cạnh cửa phòng ngủ. Bản sao chụp nằm trong một phong bì niêm kín, cô lấy trao cho ông. Trong khi ông đọc, cô cảm thấy không khí vài phút trước đó đã tan đi, đã mất như làn sương trong gió nhẹ ban mai. Một lần nữa, lại là công việc như thường lệ : chính trị.

Brian Richardson khẽ huýt sáo khi đọc xong. Rồi ông nhìn lên, người cứng đơ, như không tin vào mắt mình.

Ông thở mạnh, ‘ Lạy Chúa ! Lạy Chúa tôi !’

 

 

Chương 10

 

CHỈ THỊ “ TẠM THỜI”

 

1.

 

Văn phòng trước bạ Vancouver thuộc Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia đóng những cánh cửa sồi nặng nề vào bốn giờ chiều mỗi ngày.

Vào 4giờ kém 10 phút hôm sau ngày có cuộc hội kiến lần thứ hai trên tàu với Thuyền trưởng Jaabeck và Henri Duval  (và khoảng cùng giờ đó – 7giờ kém 10 phút giờ Washington D.C. – Thủ tướng và Margaret Howden đang sửa soạn để đến tòa Bạch ốc dự dạ tiệc), Alan Maitland đến phòng đăng bạ, cặp hồ sơ trong tay.

Trong văn phòng, Alan lưỡng lự, quan sát căn phòng dài, trần cao, một vách tường chất đầy những tủ hồ sơ và một quầy gỗ bóng nhoáng chạy gần suốt chiều dài. Anh đến gần quầy, mở cặp lấy hồ sơ ra. Trong khi đó, anh thấy lòng bàn tay mình ướt đẫm hơn lệ thường.

Một viên thư ký trọng tuổi, người duy nhất trong phòng trước bạ, bước tới trước. Ông ta người nhỏ bé gầy gò, lưng gù xuống như thể những năm tháng gần gũi với pháp luật đã đè một quả tạ nặng nề lên vai ông.

Ông nhã nhặn hỏi, ‘ Thưa, ông…?’

Alan nói, ‘ Maitland.’ Và anh đẩy tập hồ sơ tới. ‘ Tôi đăng ký cái này và tôi xin được tới phòng thẩm phán.’

Viên thư ký kiên nhẫn nói, ‘ Thưa ông Maitland, các phòng thẩm phán làm việc lúc 10giờ 30 sáng và danh sách hôm nay đã kết thúc rồi.’

Alan chỉ tập hồ sơ anh đang đè tay lên. ‘ Xin ông thứ lỗi, đây là vấn đề tự do của một cá nhân. Tôi đã được giao phó để mang ngay đến đây.’

Ít nhất ở điểm này, anh cũng có cơ sở vững chắc. Trong bất cứ thủ tục nào liên quan đến tự do của con người và sự giam cầm bất hợp pháp, thì luật pháp không cho phép trì hoãn và nếu cần, phải triệu thẩm phán đến ngay dù đang nửa đêm đi nữa.

Viên thư ký lấy trong hộp ra cái kính không gọng, chỉnh lại rồi cúi xuống đọc. Ông có vẻ thờ ơ như trên đời chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Lát sau ông ngẩng đầu lên, ‘Ông Maitland, xin lỗi ông. Ông hoàn toàn đúng.’ Ông kéo cuốn sổ bọc bìa vải lại gần. ‘ Không phải ngày nào chúng tôi cũng nhận được đơn yêu cầu xét xử trước tòa như vậy.’

Ghi xong vào sổ, viên thư ký lấy áo khoác trên móc xuống và quàng vào cổ, ‘ Mời đi lối này.’

Ông đi trước ra khỏi phòng, bước dọc theo hành lang ốp gỗ, qua hai cánh cửa đẩy, vào phòng xử án, có một cầu thang lớn bằng đá dẫn lên tầng trên. Tòa nhà vắng lặng, chỉ có tiếng chân họ vang lên. Vào giờ này, hầu hết các phiên tòa đã bế mạc và có vài ánh đèn đã tắt.

Họ đi lên cầu thang, từng bước một trịnh trọng, sự căng thẳng kỳ lạ lan khắp người Alan. Một nỗi sợ trẻ thơ thúc đẩy anh muốn quay người bỏ chạy. Ngay từ đầu khi nghiên cứu những lý do để đưa anh đến đây, anh thấy chúng có vẻ chấp nhận được, dù có một vài cơ sở luật pháp còn lỏng lẻo. Nhưng bỗng nhiên, giờ đây, cấu trúc hồ sơ của anh lại hình như ngây thơ và kém sắc bén. Anh có định biến mình thành một thằng ngốc dưới con mắt oai nghiêm của viên Thẩm phán Tòa án Tối cao không ? Và nếu thế, hậu quả sẽ như thế nào ? Thẩm phán không phải là người để đùa và những cuộc thẩm vấn đặc biệt không phải không đòi hỏi những lý do quan trọng.

Anh ước gì mình chọn được một thời điểm khác trong ngày, khi phòng xử đang bận rộn thường là vào buổi sáng hay đầu giờ trưa. Sự hiện diện của những người khác sẽ làm vững dạ. Nhưng anh đã cẩn thận chọn giờ giấc này, tránh sự chú ý và dư luận sẽ gây nguy hiểm. Anh hy vọng là hầu hết các phóng viên ở tòa án vào giờ này đã về nhà và anh đã cẩn thận không cho những nhà báo đã điện thoại cho anh nhiều lần trong ngày, biết gì về kế hoạch của anh.

Viên thư ký nói, ‘ Hôm nay, Thẩm phán Willis có mặt trong phòng. Ông có biết ông ấy không, ông Maitland ?’

Alan nói , ‘ Tôi có nghe tên ông ấy, nhưng chỉ vậy thôi’. Anh có biết rằng bảng phân công các Thẩm phán trực phòng thay đổi thường xuyên, cứ mỗi quan tòa của Tòa Tối cao đến lượt lại trực phiên ngoài các giờ xử án thường lệ. Do đó, gặp được một Thẩm phán nào, chỉ là vấn đề cơ may mà thôi.

Viên thư ký định nói gì rồi lại thôi. Alan dục ông, ‘ Có việc gì ông định nói với tôi phải không ?’

‘ Thưa ông vâng. Chỉ là một đề nghị thôi – nếu như không tự thị quá.’

Alan thúc , ‘ Xin ông cứ nói.’

Họ đã lên tới đầu cầu thang và rẽ qua một hành lang tối om. Viên thư ký hạ giọng, ‘ Thế này, ông Maitland ạ; Đức ông là người rất tốt. Nhưng Đức ông rất nghiêm khắc về thủ tục và nhất là cái chuyện ngắt lời. Ông cứ nói dài bao nhiêu đó thì nói, ông ấy sẽ dành cho ông đủ thời gian cần thiết. Nhưng khi ông ấy đã bắt đầu nói thì ông ấy không thích ai nói cả, dù chỉ là đặt câu hỏi thôi. Ông ấy sẽ rất bực mình nếu chuyện đó xảy ra.’

Alan nói, lòng đầy biết ơn. ‘ Cám ơn ông. Tôi sẽ nhớ.’

Dừng trước một cánh cửa nặng nề có kẻ chữ PHÒNG RIÊNG , viên thư ký gõ nhẹ hai tiếng, rồi nghiêng đầu lắng nghe. Mơ hồ có tiếng nói ở trong, “ Vào đi !” Viên thư ký mở cửa đưa Alan vào.

Đó là một căn phòng rộng ốp gỗ. Alan thấy có trải thảm và một lò sưởi lát gạch. Trước lò sưởi là bếp điện có hai tim đã mở. Một cái bàn gỗ đào hoa tâm, chất từng chồng hồ sơ và sách vở, nằm ngay giữa phòng, thêm cái bàn cũng đầy giấy má sách vở phía sau. Những tấm màn nhung nâu đã được kéo ra ở các cửa sổ cho thấy ánh hoàng hôn bên ngoài, cùng những ánh đèn trong thành phố và hải cảng đang bắt đầu nhấp nháy. Trong phòng, duy nhất có một bóng đèn trên bàn, tỏa ra một vùng ánh sáng. Ngoài phạm vi của ánh đèn, một cái bóng gầy và thẳng đang khoác áo, đội nón chuẩn bị ra về đúng lúc viên thư ký và Alan đi vào.

Viên thư ký nói. ‘ Thưa Ngài, ông Maitland trình thỉnh nguyện xin được xét xử trước tòa.’

‘ Vậy ư.’ Đó là câu trả lời duy nhất thốt ra bằng một giọng cộc cằn. Trong khi viên thư ký và Alan đứng đợi, Thẩm phán Stanley Willis từ tốn bỏ mũ áo ra và đặt trên cái bục cạnh ông. Rồi bước vào vùng ánh sáng và ngồi xuống, ông gọn gàng ra lệnh, ‘ Ông Maitland, lại đây.’

Alan nhận xét Đức ông khoảng 60 tuổi, tóc bạc, người gầy gò, nhưng đôi vai rộng, dáng như cây sào làm ông có vẻ cao hơn kích thước thật. Bộ mặt dài có góc cạnh, cằm bạnh ra, lông mày rậm bạc trắng, miệng mím chặt thành một đường thẳng. Mắt sáng quắc và linh động song không để lộ ra điều gì. Vẻ uy quyền bộc lộ tự nhiên.

Cố kiềm nhưng không dấu được vẻ căng thẳng, Alan Maitland bước lại gần bàn, viên thư ký vẫn ở trong phòng như thủ tục đòi hỏi. Alan lấy trong cặp ra các đơn thỉnh nguyện và lời khai đánh máy anh đã đăng ký ở phòng đăng bạ. Hắng giọng, anh nói, ‘ Thưa Ngài, đây là tài liệu và đây là biện hộ trạng của tôi.’

Thẩm phán Willis nhận hồ sơ bằng một cái gật đầu cụt ngủn, đem lại gần ánh đèn và đọc. Hai người kia đứng yên lặng, âm thanh duy nhất trong phòng là tiếng sột soạt khi lật sang trang.

Đọc xong, vị quan tòa ngước lên và không để lộ thái độ gì cả, ông hỏi, vẫn cộc lốc như trước. ‘ Anh có ý định biện hộ bằng lời không ?’

‘ Nếu Đức Ngài vui lòng cho phép.’ Lại gật đầu, ‘ Nói đi.’

‘ Thưa Ngài, nội dung của vấn đề là như thế này’. Lần lượt như đã sắp xếp từ trước, Alan mô tả tình trạng của Henri Duval trên con tàu Vastervik, sự việc viên Thuyền trưởng đã hai lần từ chối đưa người đi lậu này trình diện các viên chức Sở Di trú trên bờ, và biện hộ của Alan – được củng cố bằng lời khai của chính anh – rằng Duval đang bị giam bất hợp pháp và bị ngược đãi về nhân quyền.

Mấu chốt của vấn đề, như Alan biết rõ, nằm trong lập luận là sự giam giữ Henri Duval hiện thời là sai nguyên tắc luật pháp và do đó bất hợp lệ. Nếu điều này chứng minh được, thì tòa án – mà đại diện là Ngài Thẩm phán Willis phải đương nhiên ký trát gọi hầu tòa, ra lệnh cho đưa gã đi lậu ấy lên bờ và ra trước tòa để cứu xét trường hợp của y.

Chỉnh đốn các lý lẽ và trích dẫn các điều luật để củng cố, Alan thấy tin tưởng trở lại. Anh cẩn thận tự giới hạn mình trong các quy định của luật pháp thôi, không đả động gì đến tình trạng của gã đi lậu. Ở đây chỉ đề cập đến luật pháp, chứ không phải là tình cảm. Trong khi anh nói, viên thẩm phán ngồi bất động lằng nghe, thái độ không thay đổi.

Chuyển từ việc giam cầm bất hợp pháp sang tình trạng hiện thời của Henri Duval, Alan nói, ‘ Thưa Ngài, Bộ Di trú lập luận rằng, vì thân chủ tôi là người đi lậu và khẳng định là không có giấy tờ gì, nên về mặt luật pháp không có quyền gì và do đó không thể đòi hỏi – như những người khác có thể đòi hỏi ở bất kỳ hải cảng nào của Canada - mở một cuộc điều tra đặc biệt về tình trạng nhập cư của anh. Nhưng theo ý tôi, sự kiện anh là người đi lậu và không xác định nơi sinh của mình không hề làm giảm bớt những quyền của anh.’

‘Nếu Đức ông vui lòng cứu xét những khả năng này : môt công dân Canada có quốc tịch theo nơi sinh, đi ra ngoại quốc và bị giam cầm bất hợp pháp, giấy tờ bị lấy mất, chỉ tìm được cách trốn thoát duy nhất là đi lậu lên một chiếc tàu nào đó mà anh ta biết đó sẽ là quê hương định mệnh đã dành cho. Trong trường hợp đó, vì anh ta được mô tả như một người đi lậu, vì thiếu giấy tờ, phải chăng anh ta được xếp loại như một người không hiện hữu, không thể chứng minh được quyền hợp pháp của mình để vào Canada vì cuộc điều tra của Bộ Di trú đã phủ nhận anh ta ? Thưa Ngài, tôi đề nghị rằng tình trạng phi lý này có thể có nếu luật lệ hiện thời của Bộ Di trú được thực hiện theo kết luận hợp lý của họ.’

Viên thẩm phám nhướng đôi lông mày rậm, ‘ Có phải anh không đề nghị thân chủ Henri Duval của anh là một công dân Canada ?’

Alan lượng lự rồi cẩn thận trả lời, ‘ Thưa Ngài, đó không phải là đề nghị của tôi. Trái lại, một cuộc điều tra của Bộ Di trú có thể cho thấy anh là người Canada, một sự kiện không thể được tạo ra nếu trước hết không có một cuộc điều tra.’

Alan nghĩ, khi ngươi chỉ có những bằng cớ lỏng lẻo thì dù là một cộng rơm cũng phải nắm cho thật chắc.

Quan tòa Willis nói, và lần thứ nhất gương mặt ông mới thoáng lộ nụ cười, ‘ Thật là một lý luận thông minh. Nhưng có hơi kém chặt chẽ. Hết rồi chứ, anh Maitland ?’

Linh tính bảo với Alan : hãy ngừng lại khi ngươi đang dẫn điểm. Anh khẽ nghiêng đầu, ‘ Thưa Đức ông, vâng. Đấy là biện hộ của tôi.’

Trong vùng ánh sáng của ngọn đèn bàn, quan tòa Willis yên lặng suy nghĩ. Nụ cười thoáng hiện đã biến mất, bộ mặt trở lại vẻ bất động nghiêm trang, những ngón tay phải gõ nhẹ lên mặt bàn. Lát sau, ông mở lời, ‘Tất nhiên, phải tính đến yếu tố thời gian, là vấn đề chiếc tàu ra khơi…’

Alan ngắt lời, ‘ Xin Ngài vui lòng cho : về vấn đề chiếc tàu…’ Anh định giải thích việc chiếc tàu Vastervik phải ở lại Vancouver để sửa chữa nhưng bỗng ngừng lại. Bị ngắt lời, mặt viên thẩm phán bừng sắc giận, mắt ông quắc lên. Alan như nghe được tiếng nguyền rủa của viên thư ký. Anh nuốt nước miếng, ‘ Xin Ngài thứ lỗi.’

Quan tòa Willis lạnh lùng nhìn chàng luật sư trẻ. Rồi ông nói tiếp, ‘ Theo như tôi thấy, dù có giới hạn về thời gian, nghĩa là thời điểm chiếc tàu sẽ khởi hành, nó cũng không nhất thiết liên quan gì đến vấn đề xử sự công bằng với một cá nhân.’

Tim Alan đập thình thịch. Có phải điều này có nghĩa là trát gọi hầu tòa sẽ được ký chăng ?... Và sau đó anh sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị thủ tục, cứ từ tốn mà sắp xếp những giai đoạn cần thiết, và trong khi đó chiếc Vastervik sẽ ra khơi, để Henri Duval lại ?

Giọng viên thẩm phán đều đều, ‘ Trái lại, về vấn đề chính sách đối với dư luận và để cho công bằng đối với Công ty Tàu biển có liên quan, mà dẫu sao cũng chỉ là một yếu tố không có dính líu gì cả trong vụ này, thì điều thích hợp nhất là tất cả những gì có thể làm được cần phải làm để tiến hành ngay các thủ tục cũng như để có được quyết định tối hậu trước khi chiếc tàu nhổ neo bình thường.’

Thế là lạc quan quá sớm rồi. Alan buồn rầu nghĩ, không chỉ Edgar Kramer mà cả vị Thẩm phán này nữa, đã nhìn ra âm mưu trì hoãn của anh.

Đức ông kéo tập biện hộ trạng lại phía mình và ghi chú vào đó bằng bút chì, ‘ Tôi thấy rằng vấn đề giam cầm này không được chứng minh. Nhưng không phải vì nó không được chứng minh với nữa tôi vẫn sẵn sàng nghe anh lập luận thêm, cho nên tôi cho phép cấp một chỉ thị tạm thời.’ (The Order Nisi)

Chưa phải là thất bại, dù mới chiến thắng có một phần và sự phấn khởi tràn ngập người Alan. Thực ra, anh chưa đạt được cái anh hy vọng, nhưng ít ra anh đã không biến mình thành một thằng ngốc. Chỉ thị tạm thời- một thủ tục pháp lý cổ của người Anh – nghĩa là “trừ phi” (unless). Chỉ riêng trát tạm thời thôi chưa đủ để giải thoát Henri Duval ra khỏi con tàu tù ngục và đưa anh ra hầu tòa. Nhưng nó có nghĩa là Edgar Kramer và Thuyền trưởng Jaabeck sẽ đựoc gọi đến đây để giải thích hành dộng của họ. Và trừ phi lập luận của họ - hoặc của viên cố vấn luật pháp – thắng thế, trát gọi hầu tòa, giải thoát cho Henri Duval mới được ký.

‘ Anh Maitland, khi các sự kiện đang xảy ra như vậy, lúc nào chiếc tàu sẽ ra khơi ?’

‘ Thưa Ngài, theo như tôi được biết, tàu sẽ còn ở đây trong hai tuần nữa.’ Vị Thẩm phán gật đầu, ‘ Cũng đủ rồi.’

‘ Thưa Ngài, thế còn việc thẩm vấn sơ bộ khi có trát ?’

Quan tòa Willis kéo cuốn lịch để bàn lại gần, ‘ Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ ấn định ngày giờ trong khoảng ba ngày tới, nếu như thuận tiện.’

Đó là lề thói lịch sự thông thường giữa vị Thẩm phán và chàng luật sư, bất chấp tuổi tác trẻ trung của anh ta.

Alan nghiêng đầu, ‘ Vâng, thưa Ngài.’

‘ Tất nhiên, anh phải trình hồ sơ ra.’

Alan mở cặp hồ sơ, ‘ Thưa, nếu Ngài vui lòng, tôi đã có sẵn đây.’

‘ Còn chỉ thị tạm thời ?’

‘ Vâng, thưa Ngài, tôi đã tiên liệu khả năng đó.’

Nói xong Alan mới thấy mình non nớt và vụng về quá. Thông thường, trát này phải được đánh máy và được trình cho vị thẩm phán ký vào ngày hôm sau. Ý định của Alan là soạn sẵn lệnh sau cùng để ký ngay, Tom Lewis có đề nghị chuẩn bị thêm chỉ thị tạm thời. Còn bây giờ, và không được tự tin lắm, Alan trải những tờ giấy đánh máy ra, kẹp lại để trên bàn viên thẩm phán.

Quan tòa Willis không thay đổi thái độ, chỉ có mắt ông hơi nhíu lại. Ông lạnh nhạt nói, ‘ Anh Maitland, trong trường hợp này, vẫn còn có thời gian, tôi đề nghị, chúng tôi sẽ mở cuộc thẩm vấn sơ bộ sớm hơn. Nên chăng, chúng ta thỏa thuận vào ngày mốt ?’

Alan Maitland rủa thầm sự ngu xuẩn của mình. Thay vì kéo dài thêm sự trì hoãn anh đang mong muốn, anh lại thành công trong việc thúc đẩy cho mọi công việc chạy nhanh hơn. Anh tự hỏi có nên xin thêm thời gian để chuẩn bị. Anh bắt gặp ánh mắt viên thư ký, hình như ông ta đang lắc đầu.

Cố kiềm chế, Alan nói, ‘ Thưa Ngài, tốt lắm, vào ngày mốt.’

Quan tòa Willis đọc lệnh rồi cẩn thận ký tên, viên thư ký chậm cho khô mực rồi xếp gọn các trang giấy lại. Alan nhớ lại những tài liệu anh đã sửa soạn nếu như kế hoạch của anh thành công. Đêm nay, Tom Lewis sẽ lên chiếc Vastervik, mang theo lệnh mời thuyền trưởng Jaabeck và giải thích nội dung cho ông ta hiểu. Tom, trong bất kỳ trường hợp nào, cũng là người rất khôn ngoan để quan sát chiếc tàu và gặp cả Thuyền trưởng lẫn Henri Duval.

Về phần mình, Alan dành lại niềm thú vị đặc biệt : có mặt ở Bộ Di trú với lệnh mời riêng cho Edgar Kramer.

 

2.

 

Dù bóng tối và ẩm ướt đã buông xuống hải cảng và thành phố Vancouver, người ta vẫn thấy ánh đèn sáng trong văn phòng giám đốc tại tòa nhà trụ sở Bộ Di trú ở đối diện bờ biển.

Edgar S. Kramer, mỗi ngày bắt đầu đi làm rất đúng giờ, lại ít khi bận tâm đến chuyện kết thúc ngày làm việc theo giờ hành chánh. Dù ở Ottawa, Vancouver hay bất cứ nơi nào, ông vẫn thường ở lại ít nhất là thêm một giờ sau khi các nhân viên văn phòng đã về hết, một phần là để tự cách ly mình ra khỏi đám đông ồn ào ra về kia, phần khác là để tránh việc ứ đọng hồ sơ trên bàn giấy. Thói quen chu tất và giải quyết công việc bàn giấy nhanh chóng là hai lý do khiến Edgar Kramer trở thành một công chức chuyên nghiệp đạt được thành công đáng kể. Trong nhiều năm trên nấc thang thăng tiến, đã có nhiều người thù ghét ông với một số nguời phản đối ông kịch liệt. Nhưng không ai, ngay cả kẻ thù, có thể chỉ trích ông là lười biếng hay bê trễ.

Một thí dụ điển hình về tính nhanh nhẹn của Kramer là quyết định trong ngày hôm nay và được mô tả trong thông báo với tựa đề khác là “ Phân chim bồ câu”. Edgar Kramer đọc đi đọc lại bản thông báo này mấy lần, đọc cả những bản đánh máy mà ngày mai sẽ chuyển cho viên quản lý ở trụ sở này và những người có liên quan, và ông gật gù tán thưởng tài ứng biến của mình.

Vấn đề này đã gợi sự chú ý của ông ngày hôm qua. Nghiên cứu bản dự trù ngân sách hàng năm của Sở Di trú phụ trách duyên hải phía Tây, ông thắc mắc về chi phí để bảo trì trụ sở, gồm cả khoản bảy trăm năm mươi đôla – khoản này cứ lập di lập lại mỗi năm - “ để lau chùi mái hiên và máng xối”.

Edgar Kramer cho gọi viên quản lý tòa nhà đến – một gã ăn to nói lớn, cổ như bò mộng, khoái cầm chổi hơn ngồi bàn giấy – y hùng hổ trả lời, ‘ Quỷ thần ơi, ông Kramer, đúng là có tiêu tốn nhiều đấy, nhưng còn đống phân chim câu kia.’

Miệng nói chân bước, y đi ngay lại cửa sổ và chỉ, ‘ Ông hãy nhìn lũ khốn kiếp kia !’ Lúc ấy, không gian bên ngoài đen kịt hàng đàn chim câu, con làm tổ, con bay, con thải phân ở khoảng không đối diện mặt nước.

Gã quản lý càu nhàu, ‘ Đái ỉa, đái ỉa, suốt hai mươi bốn giờ mỗi ngày, cứ như chúng nó đi thường trực.

Nếu con nào cần có lon đựng, nó bay ngay lên mái nhà của ta. Vì vậy mà chúng tôi phải xịt nước lau chùi mái hiên với máng xối mỗi năm sáu lần – đầy cả phân chim câu. Tốn bao nhiêu là tiền, ông Kramer.’

Kramer nói, ‘ Tôi hiểu vấn đề rồi. Có cách nào làm giảm bớt số chim câu đi không – giết đi chẳng hạn ?’ Gã quản lý buồn rầu đáp, ‘ Đã thử bắn lũ khốn này một lần rồi, phải trả đến khối tiền. Người ở Hội Nhân quyền cũng kéo xuống đây. Họ bảo luật ở Vancouver không cho phép. Cũng nói luôn với ông : ta có thể bỏ thuốc độc lên mái; khi chúng đến đó để…

Edgar Kramer nói cộc lốc, ‘ Đó là chữ phẩn – phẩn chim câu.’ Gã quản lý nói, ‘ Theo sách của tôi, nó là…’

Kramer kiên quyết cắt ngang, ‘ Hơn nữa. Nếu chim câu được luật pháp bảo vệ, thì luật phải được tôn trọng.’ Ông ngẩm nghĩ, ‘ Ta phải tìm cách khác.’

Ông cho gã quản lý đi. Còn lại một mình, ông cứu xét vấn đề một cách cẩn thận. Có một điều chắc chắn: chi phí bảy trăm năm mươi đô la mỗi năm phải được xóa bỏ.

Rốt cuộc, sau vài lần thử và nhiều lần phác họa, ông đã vạch ra một kế hoạch dựa trên một ý tưởng thoáng qua. Về cơ bản, kế hoạch là căng những sợi dây đàn piano cách khoảng 18cm trên mái nhà, cột bằng những cây cột cao cũng 18cm. Ông lập luận là chim chỉ có thể đi qua bằng chân chứ không bay qua những sợi dây này được. Nhu thế, khi chim đáp xuống, dây sẽ ngăn không cho nó xếp cánh và nó phải bay đi ngay.

Sáng nay Edgar Kramer đã cho làm thử một khoảng trên mái. Phát minh tỏ ra kiến hiệu. Bây giờ thông báo là ông đã chấp thuận mệnh lệnh cho thực hiện kế hoạch. Dù chi phí ban đầu là 1.000 đô la, nhưng khoản chi phí 750 đô la thường lệ mỗi năm sẽ không còn nữa – một khoản thuế tiết kiệm đươc cho người dân, dù chẳng mấy ai biết chuyện đó.

Ý nghĩ này làm Edgar Kramer hài lòng, như lương tâm của ông vẫn thường xuyên được thanh thản. Còn một điều thú vị nữa : luật lệ ở địa phương đã được tôn trọng, vì ngay cả lũ chim câu cũng được đối xử công bằng và theo đúng nguyên tắc.

Edgar Kramer cho rằng đây là một ngày mãn nguyện nhất. Trong số những việc làm ông hài lòng, việc đi tiểu cũng giảm hẳn đi. Ông xem đồng hồ. Đã gần một giờ kể từ lần trước và ông tin là có thể chờ lâu hơn nữa, dù có hơi nặng bụng.

Có tiếng gõ cửa và Alan Maitland bước vào. Anh lạnh nhạt nói, ‘ Chào’. Và đặt tờ giấy đã gấp lại trên bàn.

 

Viên luật sư trẻ xuất hiện thật đột ngột và bất ngờ. Edgar Kramer hỏi cộc lốc, ‘ Chuyện gì đây ?’ Alan bình tĩnh nói, ‘ Đây là chỉ thị tạm thời. Tôi nghĩ ông sẽ thấy tự nó đã đủ nghĩa.’

Kramer mở trang giấy ra, đọc thật nhanh. Mặt ông ta đỏ lên vì giận. Ông lúng búng, ‘ Anh muốn nói cái quỷ gì đây ?’ Cùng lúc, ông thấy sức ép nhè nhẹ nơi bàng quang giây phút trước bỗng trở nên mạnh mẽ.

Trong thâm tâm, Alan muốn trả lời thật cay độc, rồi quyết định là thôi. Xét cho cùng, anh chỉ mới chiến thắng có một phần và hiệp đấu tới sẽ dễ dàng đi theo một cách thức khác. Vì thế anh đáp, khá lịch sự. ‘ Ông biết đấy, ông đã bác bỏ khi tôi yêu cầu mở cuộc điều tra đặc biệt về trường hợp Henri Duval.’

Trong một thoáng, Edgar Kramer ngạc nhiên thấy mình bừng bừng giận dữ vì gã luật sư non nớt này.

Ông quát lên, ‘ Dĩ nhiên tôi đã bác. Không có lý do gì để phải mở cuộc điều tra như vậy cả.’

Alan bình tĩnh nhận định, ‘ Đáng tiếc là tôi không đồng quan điểm với ông.’ Anh chỉ vào chỉ thị tạm thời, ‘ Để xem tòa sẽ chấp nhận ý kiến của ai – của ông hay của tôi.’

Sức ép càng lúc càng làm ông khốn khổ. Ông cố kềm nó lại để nổi cơn thịnh nộ. ‘ Đây chỉ đơn thuần là nguyên tắc hành chánh. Tòa án không quyền gì can thiệp vào.’

Alan Maitland nghiêm mặt lại. Anh khẽ khàng nói, ‘ Nếu ông cần một lời khuyên. Nếu tôi là ông, tôi sẽ không nói như thế với quan tòa đâu.’

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết