CON RUỒI

CON RUỒI

Nguyên tác The Fly. Truyện kinh dị của George Langelaan

Về truyện này:

Thuyết Viễn chuyển (teleportation), tưởng chỉ có trong tiểu thuyết khoa học giả tưởng, thì cách đây vài năm, các nhà khoa học Úc đã thực hiện được bằng chiếc máy Viễn chuyển lượng tử (Quantum teleportation): cho một vật lên máy đặt ở điểm A, máy phân rã vật chất thành các nguyên tử rồi chuyển đến điểm B, một  máy khác tổng hợp nguyên tử thành vật chất. Điểm A cách điểm B trong thí nghiệm trên cách nhau 143km.

Chuyện này xuất hiện lần đầu trong tiểu thuyết Con Ruồi, The Fly, của nhà văn George Langelaan, đăng trên tạp chí Playboy, tháng 6.1957. Được dựng thành phim lần 1 năm 1958, lần 2 năm 1986; dựng thành nhạc kịch diễn ở nhà hát Châtelet, Paris năm 2008. Trong bộ phim dài tập Star Trek, Chiến tranh giữa các vì sao, nhân vật The Spock, Lỗ Tai Lừa, bước lên phi thuyền, vèo từ nơi này sang nơi khác trong chớp mắt mà không cần vượt qua khoảng cách vật lý, tức là không gian, cũng là di chuyển theo cách này.

Trong truyện nhân vật chính là người ham mê thí nghiệm, làm công việc nghiên cứu cho Bộ Hàng không, Pháp quốc, muốn vận chuyển người và hàng hóa đi nhiều nơi mà không phải bước lên máy bay, xe lửa, xe đò phiền phức. Anh sáng chế ra chiếc máy phân rã vật chất thành các nguyên tử, và chiếc máy thứ hai, sẽ tổng hợp nguyên tử lại. Anh lần lượt thí nghiệm với đồ vật rồi đến  con vật và thành công. Sau rốt, anh lấy chính mình làm thí nghiệm. Nhưng không may, con ruồi lại lọt cùng anh vào máy. Chiếc máy nhận cho ra Vật chất 1: hình người đầu ruồi; vật chất 2: thân ruồi đầu người. Con ruồi lọt ra ngoài bay vào vườn. Anh nhờ vợ đi tìm nó để làm lại thí nghiệm mong hoàn lại kiếp người. Nhưng …

Đọc bản dịch truyện này những năm 1960, khi còn ở NhaTrang, không còn nhớ là đăng trên báo nào. Nay mới tìm được nguyên tác, cố gắng thuật lại cho quý thân hữu của trang tapluan xem chơi.

 

I.

Điện thoại và tiếng chuông điện thoại luôn làm tôi khó chịu. Nhiều năm trước, khi còn là vật lắp cố định trên tường, tôi đã ghét chúng rồi, còn giờ khi chúng có ở mọi ngóc ngách, hẽm hóc, thì rành rành chúng là kẻ xâm nhập. Ở Pháp chúng tôi có câu rằng, thợ lò than là ông chủ trong nhà mình; với cái máy điện thoại câu này không còn đúng, mà tôi ngờ rằng ngay dân Ănglê cũng chẳng còn ông vua trong lâu đài nữa là.

Ở sở, tiếng chuông điện thoại đột ngột réo làm tôi bực hết sức. Nó nghĩa là, dù tôi đang làm gì, mặc kệ ông quản đốc, mặc kệ tay thư ký của tôi, mặc kệ mấy cánh cửa với bức tường, vài kẻ vô danh đang xộc vào phòng, chồm lên bàn tôi rỉ vào tai tôi, bí mật đấy nhé_thích hay không cũng kệ. Ở nhà, cảm giác còn rầy rà hơn, mà tệ nhất là tiếng chuông điện thoại trong đêm thanh vắng. Nếu ai mà thấy tôi dậy, bật đèn, hấp háy mắt trả lời, thì tôi cá là tôi giống thằng cha đang ngái ngủ bị làm phiền. Sự thực là trong trường hợp đó, tôi phải vật lộn với cơn khủng hoảng, cố dằn cái cảm giác có kẻ lạ đột nhập vào nhà, đang ở ngay trong buồng ngủ. Lúc tôi sắp vồ lấy ống nghe mà nói, “Ici Monsieur Delambre. Je vous ecoute” (tiếng Pháp trong nguyên tác, Ông Delambre đây. Tôi nghe.). Bề ngoài tôi vẫn bình tĩnh, nhưng tôi chỉ bình thường trở lại khi nhận ra ai ở đầu dây bên kia và người ta cần gì ở tôi.

 

Nỗ lực để chế ngự phản ứng cục cằn và nỗi sợ có hiệu quả nên khi hai giờ sáng cô em dâu gọi thì tôi đến ngay, mà trước tiên nhờ báo cảnh sát là cô vừa giết chết ông em tôi, Andre, tôi chỉ lặng lẽ hỏi tại sao cô lại làm thế.

 

“Francois ơi ! Em không thể nào giải thích được gì qua phôn hết. Anh cứ báo cảnh sát rồi đến đây ngay.”

“Hay là tôi nên đến gặp cô trước, Helen nhé ?”

“Không, anh nên gọi cảnh sát trước đi. Bằng không họ sẽ hỏi đủ thứ trên đời. Họ sẽ bận bịu mà tin rằng em làm việc ấy một mình… À, nhân tiện, anh cần cho họ biết là Andre… xác Andre, đang nằm ở xưởng. Họ, có lẽ, nên đến đó trước.”

“Cô bảo Andre đang ở xưởng?”

“Vâng… dưới cái búa hơi nước.”

“Dưới cái gì ?”

“Cái búa hơi nước ! Mà đừng hỏi nhiều nữa. Xin đến ngay, Francois. Xin hiểu là em đang rất sợ… Thần kinh em không chịu nỗi nữa rồi !”

Bạn có bao giờ cố công giải thích này nọ cho một nhân viên công lực đang ngái ngủ rằng em dâu mình mới giết chồng bằng cái búa hơi nước chưa ? Tôi lập đi lập lại, nhưng ông ta không chịu hiểu.

“Oui, monsieur, tôi đang cố đây… nhưng ông là ai cái đã ? Tên ông là gì ? Ông sống ở đâu ? Tôi nhắc lại, ông ở đâu ?”

Thế rồi ông Ủy viên Charas gác máy và gác luôn công việc. Ít nhất thì có vẻ như ông ta cũng hiểu đầu đuôi. Tôi có nên chờ ông ta ? Phải, ông ta có thể ghé đón tôi đến thẳng nhà chú em tôi. Khi nào ? Năm, mười phút nữa.

Tôi vừa mới xỏ quần, khoác áo, vớ lấy cái mũ và áo khoác, thì chiếc Citroen đen, đèn trước sáng rực, chồm lên trước cửa.

“Xưởng ông chắc có người gác đêm chứ, ông Delambre. Ông gọi ông ta chưa ?” Ủy viên Charas hỏi khi tôi vừa ngồi cạnh và sập cửa lại.

“Không. Em tôi thường vào xưởng qua ngã phòng thí nghiệm những khi nó làm việc khuya…thì thoảng vẫn vậy”

“Công việc của giáo sư Delambre có liên quan đến việc của ông không ?”

“Không, em tôi đang và vẫn đang làm công việc nghiên cứu cho Bộ Hàng Không. Vì chú ấy muốn cách xa Paris nhưng vẫn trong phạm vi có thể tiếp xúc với những con người tài năng để sửa đổi, cải tiến vài thí nghiệm nên tôi dành cho chú một cơ xưởng cũ, chú sống ở ngôi nhà đầu tiên của ông chúng tôi xây cất trên đỉnh đồi phía sau lưng xưởng”.

“Tôi hiểu. Ông ấy có nói gì đến công việc không ? Loại nghiên cứu gì ấy mà ?”

“Ông biết đấy. Chú chả mở miệng. Ông có thể hỏi Bộ. Tôi chỉ biết là chuẩn bị cho vài thí nghiệm đã sửa soạn mất tháng rồi. Chú bảo phân rã vật chất gì đấy”.

Ông Ủy viên đi chậm lại rồi đánh xe qua cánh cổng xưởng mở rộng, dừng ngay bên cạnh viên cảnh sát rõ là đang chờ ông.

Tôi không cần nghe cảnh sát xác nhận gì cả. Tôi biết ngay rằng em tôi đã chết, cứ như thể người ta đã bảo tôi từ nhiều năm trước. Run như tàu lá, tôi lẩy bẩy theo sau ông Ủy viên.

Một viên cảnh sát khác bước ra khỏi cửa, dẫn chúng tôi đến phân xưởng, nơi đèn đuốc đều bật lên hết. Thêm vài vị cảnh sát nữa đứng ngắm hai người đang dựng máy chụp hình. Nó đang chĩa xuống và tôi ráng nhìn.

Khủng khiếp hơn tôi tưởng. Dù tôi chưa bao giờ thấy em tôi say xỉn, trông như chú ấy như đang ngủ sau một chầu nhậu bí tỉ, nằm bẹp, ép bụng trên cái khe hẹp nơi những phiến kim loại nóng sáng lăn về phía cái búa. Nhìn thoáng qua, tôi đã thấy phần đầu và cánh tay chỉ là mớ bèo nhèo; nhưng mà không thể như thế được, cứ như chú ấy tự đưa đầu và hai cánh tay vào cái đầu búa bằng kim loại kia.

Đang nói chuyện với đồng nghiệp, ông Ủy viên quay sang tôi:

“Làm sao để nâng cái búa lên, ông Delambre nhỉ ?”

“Để tôi nâng lên cho ông”.

“Ông có cần người của tôi lên giúp không ?”

“Không. Tôi làm được mà. Đây này, đây là bảng điều khiển. Ban đầu nó là cái búa hơi, nhưng giờ mọi thứ được điện khí hóa cả rồi. Đây, ông Ủy viên. Búa được đặt ở 50 tấn và lực va chạm ở số không”.

“Ở…số không…?”

“Phải. Ngang với mặt đất, nếu ông muốn hiểu như vậy. Nó cũng được đặt cho từng cú đập, nghĩa là nó sẽ nâng lên sau mỗi cú đập. Tôi không biết Helen, cô em dâu tôi, nói thế nào về chuyện này, nhưng tôi biết chắc, cô ấy không hề biết gì cách sắp đặt và cách vận hành cái búa cả”.

“Có lẽ nó được đặt sẵn tối qua khi công việc xong ?”

“Chắc không đâu. Độ rơi không bao giờ đặt ở số không, thưa ông Ủy viên”.

“Tôi hiểu. Có thể nâng nhẹ lên không ?”

“Không. Tốc độ nâng không thể đều đặn được. Trong bất kỳ trường hợp nào nó cũng không quá nhanh khi  sắp đặt cho từng cú đập.”

“Hiểu. Anh chỉ dùm phải làm sao. Tôi thấy không dễ chút nào”.

“Không. Không, ông Ủy viên. Tôi sẵn lòng”.

Ông Ủy viên quay sang hỏi mấy người kia.

“Sẵn sàng rồi chứ. Được rồi. Ông Delambre. Ông cứ làm đi”.

Nhìn phiến lưng em tôi, tôi từ từ nhưng chắc tay nhận nút vung búa lên.

Không khí tĩnh lặng trong xưởng bỗng bị phá vỡ bởi luồng khí ép thổi qua mấy ống xy lanh, luồng khí luôn làm tôi nhớ ông khổng lồ đang hít hơi dài trước khi trịnh trọng làm một ông khổng lồ khác hoảng vía, và cái khối kim loại là cái búa rùng  rùng rồi thật nhanh nâng lên. Tôi còn nghe được âm thanh nghèn nghẹn khi nó rời cái bệ kim loại và tôi đâm hoảng khi thấy xác em tôi nhấc lên và dòng máu chảy tràn trên cái mớ bầy hầy kia.

“Hạ xuống lại không nguy hiểm gì chứ, ông Delambre ?”

“Không, không vấn đề gì”. Tôi lầm bầm khi vất công tắc an toàn đi và khi quay lại, tôi thấy khủng khiếp khi trước mắt tôi là anh cảnh sát trẻ mặt xanh như tàu lá.

 

II.

 

Vài tuần sau, Ủy viên Charas vẫn ngập đầu trong vụ án, nghe, hỏi, chạy đi chạy lại, làm báo cáo, đánh điện tín, điện thoại bên trái, bên phải. Sau này, khi đã trở nên thân thiết, ông mới thú nhận là suốt thời gian dài ông xem tôi là nghi can số một, rồi rốt cuộc từ bỏ ý ấy không chỉ vì không tìm thấy bằng chứng nào mà còn vì không thấy có nguyên do nào.

Helen, vẫn tỏ ra bình thản đến nỗi các bác sĩ sau cùng phải xác định điều mà từ lâu tôi đã xem là giải pháp duy nhất: cô ấy điên. Mà trong trường hợp này thì không có xét xử gì hết.

Vợ em tôi thì không cố tự bảo vệ mình mà như thế càng khiến thiên hạ cho là cô điên thật. Cô thừa nhận đã giết chồng và dễ dàng chứng minh được là cô biết cách sử dụng búa; nhưng cô không bao giờ nói tại sao, bằng cách nào và trong trường hợp nào cô giết chú em tôi. Bí mật lớn nhất là bằng cách nào và tại sao chú ấy lại đưa đầu vào dưới cái búa, cách giải thích khả dĩ nhất là vai trò của chú trong thảm kịch này.

Người gác đêm có nghe được cái búa hoạt động, ông ta quả quyết là còn nghe đến hai lần. Điều này thật lạ, vì máy đếm nhịp  luôn được đặt lùi về mức không sau mỗi thao tác, hình như chứng minh là ông ta đúng, vì nó đánh dấu con số 2. Hơn thế, ông đốc công chịu trách nhiệm cái búa, sau khi dọn vệ sinh ngày hôm trước vụ sát nhân, ông đã đặt máy đếm nhịp về số không. Dù vậy, Helen khẳng định rằng cô là người duy nhất sử dụng búa và thế là thêm một bằng chứng là cô điên rồi.

Ủy viên Charas, người được giao điều tra vụ này, thoạt đầu, tỏ ra thắc mắc không biết tôi có đúng là anh trai nạn nhân không, nhưng vì không thể có sự nghi ngờ nào, nếu chỉ vì vết sẹo to chạy từ đầu gối lên bắp đùi, hậu quả một quả đạn pháo rơi cách chú ấy chỉ vài mét trong vụ rút lui năm 1940; ngoài ra còn có sự trùng khớp về dấu vết bàn tay trái khắp phòng thí nghiệm và đồ vật cá nhân trong nhà.

Có một người gác ở phòng thí nghiệm của anh và hôm sau, nửa tá viên chức ở Bộ Hàng không đổ xuống. Họ lục lọi tất cả giấy tờ của anh, lấy đi vài dụng cụ, trước khi rời đi, họ cho ông Ủy viên biết là những giấy tờ và dụng cụ quan trọng nhất đã bị phá hủy.

Phòng thí nghiệm trực thuộc Sở Cảnh sát Lyon, danh tiếng nhất thế giới, báo cáo rằng đầu Andre được bọc trong miếng nhung khi bị búa đập vỡ và có một hôm Ủy viên Charas đã cho tôi thấy miếng vải tả tơi mà tôi nhận ra ngay là mảnh vải nhung màu nâu để trên bàn trong phòng thí nghiệm của em tôi, chỗ dọn bữa ăn khi em tôi không thể rời tay khỏi công việc.

Chỉ sau vài hôm trong tù, Helen được dời sang dưỡng trí viện gần đó, một trong ba nơi ở Pháp các tù phạm mất trí được chăm sóc. Cháu Henri của tôi, chú bé sáu tuổi, hình ảnh rõ nét của cha nó, được tin tưởng giao cho tôi, và sau rốt mọi thủ tục pháp lý đã hoàn tất và tôi trở thành người giám hộ và nuôi dưỡng nó.

Helene, bệnh nhân lặng lẽ nhất của dưỡng trí viện, được phép tiếp khách, tôi thường đến thăm cô vào Chủ nhật. Có một vài lần ông Ủy viên đi cùng tôi và về sau tôi hay rằng ông cũng có vài lần đi thăm riêng Helene. Nhưng chúng tôi chẳng bao giờ có chút thông tin gì từ cô em dâu, cô gần như thành người dửng dưng. Cô hiếm khi trả lời tôi, cũng chẳng nói năng gì với ông Ủy viên. Cô bỏ thời gian may vá, nhưng thú giải trí ưa thích của cô là bắt ruồi, rồi lại thả chúng ra sau khi đã ngắm những con vật vô hại này rất kỹ.

Helen chỉ có một lần lên cơn _ cơn kích xúc thần kinh thì đúng hơn, như lời vị bác sĩ chịu trách nhiệm giám sát cô _ cái ngày cô nhìn thấy y tá đập nát con ruồi.

Sau hôm Helene lên cơn ấy, chỉ một lần duy nhất đó thôi, Ủy viên Charas đến gặp tôi.

Ông bảo, “tôi có cảm giác lạ lùng là có chìa khóa giải được tất cả chuyện này, ông Delambre à”.

Tôi không hỏi làm sao ông biết chuyện Helene lên cơn.

“Tôi không nghe ông đâu, ông Ủy viên. Bà Delambre tội nghiệp không còn quan tâm đến chuyện gì khác. Ông không tình cờ nghĩ rằng ruồi bỗng lại là chủ đề bên lề cơn điên của Helene sao ?”

Ông hỏi, “Anh không tin cô ta điên thật sao ?”

“Ông Ủy viên thân mến ơi, tôi không nghi ngờ chút nào. Ông nghi à ?”

“Tôi không biết. Mặc kệ đốc tờ nói gì thì nói, tôi có cảm giác đầu óc cô Delambre hoàn toàn bình thường… cho dù cô ấy đang bắt ruồi đi nữa…”

“Cứ cho là anh đúng. Vậy anh giải thích sao thái độ của cô ấy với chú bé con cô ấy đây ? Cô ấy chẳng hề coi nó là con mình”.

“Anh biết không, anh Delambre. Tôi cũng nghĩ vậy đấy. Có lẽ cô cố bảo vệ nó. Có lẽ cô sợ nó hay theo như ta thấy, thù ghét nó ?”

“Ông Ủy viên thân mến, e là tôi không hiểu”.

“À, anh có để ý là cô ta không bao giờ bắt ruồi khi cậu bé có mặt không ?”

“Không, mà nghĩ lại, anh có lý. Phải, lạ nhỉ…Song, tôi chịu, không hiểu nổi”.

“Anh Delambre, tôi cũng vậy. Tôi rất sợ rằng chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được, trừ khi nào, cô em dâu anh khá hơn”.

“Đốc tờ lại cho là không hy vọng gì sất, anh biết vậy mà”.

“Phải. Mà anh có biết em anh làm thí nghiệm gì với mấy con ruồi không ?”

“Thật tình là tôi không biết, mà tôi không nghĩ gì cả. Anh có hỏi người của Bộ Hàng không chưa ?”

“Rồi. Họ cười nhạo tôi”.

“Tôi hiểu”.

“Anh Delambre, rất may anh đã hiểu chút gì đó…Tôi thì không…nhưng tôi mong sẽ có ngày…”

 

III.

 

“Bác ơi, cho cháu biết đi, ruồi sống có lâu không ?”

Chúng tôi vừa xong bữa trưa và theo thói quen sẵn có, tôi rót tí rượu vào cốc cho Henri chấm bánh quy.

Henri không nhìn vào cái ly đang rót đầy tới mép, có gì đó trong cái nhìn của tôi làm nó sợ.

Đây là lần đầu nó để ý tới ruồi. Tôi rùng mình khi nghĩ ông Ủy viên Charas có thể dễ dàng xuất hiện. Tôi hình dung mắt ông ta liếc khi ông trả lời câu hỏi đứa cháu mồ côi của tôi. Hình như tôi nghe được ông ta nói:

“Bác không biết, Henri à. Sao cháu hỏi vậy ?”

“Vì cháu vừa nhìn thấy con ruồi Mẹ cháu đang tìm”.

Và chỉ sau khi nốc hết ly rượu của Henri, tôi mới nhận ra nó đã trả lời ý nghĩ thốt ra thành lời của tôi.

“Bác không biết mẹ cháu đang đi tìm một con ruồi”.

“Có, mẹ cháu đang tìm. Nó đã lớn nhiều, nhưng cháu nhận ra ngay”.

“Cháu tìm thấy nó ở đâu. Và… làm sao cháu nhận ra nó ?”

“Sáng nay, trên bàn bác đấy, bác Francois. Đầu nó trắng, chứ không đen. Mà nó có cái chân buồn cười lắm”.

Cảm tưởng như càng lúc càng giống Ủy viên Charas, nhưng cố tỏ ra không quan tâm, tôi hỏi tiếp:

“Vậy chớ cháu thấy con ruồi này lần đầu khi nào ?”

“Cái ngày Bố đi mất. Cháu bắt được nó, nhưng Mẹ cháu bắt cháu thả nó đi. Rồi sau Mẹ lại muốn cháu đi tìm nó. Mẹ đổi ý.” Rồi rùn vai y hệt chú em tôi, nó thêm, “Bác biết phụ nữ ấy mà”.

“Bác cho là con ruồi đó hẳn chết lâu rồi, cháu chắc đã nhầm,” tôi vừa nói vừa đứng lên đi ra cửa.

Nhưng vừa ra khỏi phòng ăn, tôi chạy nhào lên thang gác đến phòng làm việc. Chẳng có con ruồi nào để đi tìm cả.

Tôi bận tâm hơn tôi tưởng khi nghĩ về chuyện này. Henri vừa chứng minh Charas đã tiến gần đến một chứng cớ nào đó khi ông ta nói với tôi điều ông nghĩ về quá khứ của Helene.

Và lần đầu tiên tôi tự nghĩ hay là Charas thực ra biết nhiều hơn những gì ông ta để lộ. Và cũng lần đầu tiên, tôi thắc mắc về Helene. Cô ấy có bị điên không ? Một cảm giác kỳ lạ, hãi hùng dâng lên trong tôi, và càng nghĩ, tôi càng cảm thấy, dù sao thì, Charas có lý: Helene đã mang nó theo rồi.

Có thể nào đó là nguyên do cho một tội ác khủng khiếp như vậy ? Cái gì đưa đẩy tới ? Chuyện gì đã xảy ra ?

Tôi nghĩ tới hàng trăm câu hỏi Charas đã hỏi Helene, lúc thì nhẹ nhàng như y tá vỗ về, khi thì khắc nghiệt và lạnh lùng, lúc lại nổi khùng quát ầm lên. Helene trả lời rất ít, luôn bằng giọng nhỏ nhẹ, không để ý gì tới cách đặt câu hỏi. Dù mụ mẫn, đầu óc cô ấy vẫn rất lành mạnh.

Lọc lõi, được đào tạo tốt và am tường, Charas còn hơn là một viên chức cảnh sát thông minh. Ông là nhà tâm lý sâu sắc, đánh hơi ngay ra lời nói dối hay câu bịa đặt trước cả khi thốt ra nữa kìa. Tôi biết ông chấp nhận vài câu trả lời của cô. Nhưng rồi cũng có những câu hỏi mà cô không bao giờ trả lời. Loại câu trực tiếp và quan trọng nhất. Ngay từ đầu cô đã có một hệ thống cực kỳ đơn giản: “Tôi không thể trả lời câu hỏi ấy”, cô nói bằng giọng trầm lặng. Và chỉ thế thôi ! Việc lập lại cùng một câu hỏi hình như chẳng làm phiền cô. Suốt những giờ dằng dặc cô phải trải qua, chẳng bao giờ cô bảo với ông Ủy viên rằng ông đã hỏi cô câu này câu khác. Cô chỉ nói, “Tôi không trả lời câu này được”, cứ như lần đầu người ta hỏi cô câu ấy và cũng là lần đầu cô trả lời.

Cái câu rập khuôn này là hàng rào ghê gớm ông Ủy viên không thể nhận được dù chỉ là cái liếc mắt hay ý nghĩ gì đó trong đầu Helene. Cô sẵn lòng trả lời mọi câu hỏi về cuộc sống với chú em tôi _ cuộc sống hạnh phúc và phẳng lặng _ cho đến giờ phút kết thúc cuộc đời. Cái chết của chú ấy, tất cả những gì mà cô nói được chỉ là cô đã giết chú ấy bằng chiếc búa hơi, nhưng cô không chịu nói vì sao, điều gì dẫn tới thảm kịch và làm sao mà cô đẩy đầu chú ấy dưới cái búa. Thực ra thì cô không từ chối thẳng thừng, cô chỉ tỏ ra trống rỗng, không có cảm xúc gì rõ rệt, chỉ là bật công tắc sang, “tôi không trả lời câu ấy cho ông được”.

Helene, như tôi đã nói, tỏ cho ông Ủy viên thấy rằng cô biết cách sắp xếp và vận hành cái búa hơi nước.

Charas chỉ tìm ra một chi tiết duy nhất không khớp với khẳng định của Helene, đó là cái búa đã được sử dụng hai lần. Charas không có ý gán việc này với tình trạng điên khùng. Vết nứt hiển nhiên trong bức tường phòng ngự của Helene là điểm mà ông Ủy viên có thể khai thác mở rộng. Nhưng cô em dâu tôi đã bít xi măng nó lại bằng cách thừa nhận:

“Được rồi, tôi nói dối ông đấy. Tôi đã dùng búa hai lần. Đừng hỏi tôi tại sao, tôi không nói được”.

“Có phải là bà chỉ… nói nhầm, bà Delambre ? ông Ủy viên hỏi, cố bám lấy cái ông xem là lợi thế.

“Vậy đấy… ông Ủy viên, ông biết mà”.

Rồi, bực bội, Charas thấy là Helene đọc được ý nghĩ của ông như cuốn sách đã mở.

Tôi đã tính ghé qua ông Ủy viên nhưng biết rằng ông ta đang thẩm vấn Henri làm tôi ngần ngại. Một lý do nữa làm tôi ngại là nỗi sợ mơ hồ rằng ông ta sẽ tìm và tìm thấy con ruồi Henri nói đến. Điều làm tôi phiền nhất lại là không có cách giải thích thỏa đáng cho nỗi sợ đặc biệt ấy.

Andre rõ ràng không phải kiểu giáo sư đãng trí, đi trong cơn mưa như trút mà lại cắp dù dưới tay. Anh là một con người, với khiếu hài hước sắc sảo, yêu trẻ con, thú vật, không chịu được khi thấy ai bị áp bức. Tôi đã từng thấy anh bỏ công việc để xem đội lính cứu hoả diễn hành, hay xem đoàn đua xe đạp Tour de France (Vòng quanh nước Pháp) đi qua, hay chỉ là ngắm đoàn xiếc đi quanh xóm.

Anh thích những trò chơi có tính lý luận và chính xác như bi-a, quần vợt, bài bridge và cờ tướng.

Vậy thì làm sao giải thích cái chết của anh đây ? Điều gì buộc anh phải đưa đầu dưới búa ? Khó thể là trò đánh cuộc ngu ngốc hay để thử thách lòng can đảm. Anh ghét cá cược và không đủ kiên nhẫn với những kẻ vướng vào trò này. Nghe đến trò cá cược nào, là anh nhớ ngay đến phần thưởng, suy cho cùng, cá cược là hợp đồng giữa một thằng ngốc và kẻ bịp bợm, như trò chơi sấp ngửa, trúng gì đó thì trúng.

Hình như chỉ có hai cách giải thích khả dĩ cho cái chết của Andre. Hoặc là anh điên rồi hoặc là anh có lý do cho vợ giết mình một cách lạ lùng và khủng khiếp như thế. Và đâu là vai trò của vợ anh trong chuyện này ? Chắc chắn không phải cả hai đều điên.

Sau cùng tôi quyết định không cho Charas hay về những tiết lộ vô tình của đứa cháu mồ côi. Tôi nghĩ chính tôi sẽ hỏi Helene.

Hình như cô cũng đang mong tôi đến thăm nên cô đi ngay vào phòng khách ngay khi tôi vừa tự giới thiệu với bà quản lý và được cho vào.

“Em muốn cho anh thấy khu vườn của em”, Helene giải thích khi thấy tôi nhìn cái áo khoác trên vai cô.

Vì là bệnh nhân nội trú “tỉnh táo” nên cô được phép vào vườn vào những giờ nhất định trong ngày. Cô có xin và được cấp cho mảnh đất trồng hoa. Tôi có gởi cho cô ít hạt giống và mấy bụi hoa hồng lấy trong vườn nhà tôi.

Cô đưa tôi thẳng đến băng ghế gỗ đóng vụng về trong xưởng của bệnh nhân nam đặt dưới bụi cây kế bên mảnh vườn nhỏ của cô.

Đang tìm cách đề cập đến cái chết của Andre, tôi cứ ngồi nhìn đường nét cây dù in trên mặt đất.

Lát sau Helene nói, “Francois này, em muốn hỏi anh chuyện này”.

“Tôi giúp được việc gì cho cô hả Helene ?”

“Không, chỉ là em muốn biết vài điều. Ruồi sống lâu lắm phải không ?”

Đăm đăm nhìn cô, tôi suýt nữa thì bảo con trai cô vừa hỏi đúng câu hỏi đó vài giờ trước, khi bỗng nhiên tôi nhận ra có một khoảng trống tôi đang đi tìm và có khả năng tung ra một cú đấm mạnh, đủ sức làm vỡ bức tường đá phòng thủ, dù điên hay tỉnh.

Nhìn cô chăm chú, tôi trả lời:

“Thực sự thì tôi không biết, Helene à, nhưng con ruồi cô đang tìm nó ở trong phòng làm việc của tôi sáng nay”.

Không nghi ngờ gì nữa, tôi vừa tung một đòn choáng váng. Đầu cô đảo tròn mạnh đến mức tôi nghe như có tiếng gãy trong cổ cô. Cô mở miệng nhưng không hé lời nào, chỉ có ánh mắt loé ra những tia sợ hãi.

Đúng rồi. Tôi đã làm vỡ cái gì đó. Nhưng là gì ? Chắc chắn ông Ủy viên sẽ biết phải làm gì khi có ưu thế này; tôi thì không. Tất cả những gì tôi biết là ông ta sẽ không cho cô thời gian để suy nghĩ, để hồi phục. Những gì tôi làm được, dù là sự căng thẳng, là giữ bộ mặt lì lợm của tay chơi bài poker, hy vọng lấn át hy vọng rằng khả năng phòng ngự của Helene sẽ đổ sụm.

Cô hẳn đã ngừng thở một lúc, vì cô bỗng thở dốc, lấy hai tay bịt miệng vẫn đang há hốc.

“Francois,… anh giết nó rồi sao ?”, cô thì thào, mắt láo liên, nhìn từng phân vuông trên mặt tôi.

“Không”.

“Anh có nó rồi. Anh có nó trong tay rồi !”. Cô gần như la hoảng, hai tay chạm vào người tôi và tôi biết cô đủ mạnh mẽ để dò xét tôi.

“Không, Helene. Tôi không có nó”.

“Nhưng anh biết rồi. Anh đoán ra, phải không ?”

“Không, Helene. Tôi chỉ biết một điều, đó là cô không điên. Nhưng tôi muốn biết tất cả, Helene à, mà, dù sao, tôi cũng sắp tìm ra rồi. Cô có thể chọn: hoặc cô nói hết mọi chuyện cho tôi và tôi sẽ xem nên làm gì, hoặc là…”

“Hoặc là cái gì ? Nói đi !”

“Tôi sẽ nói, Helene… hoặc là, bạn cô, ông Ủy viên ấy, sẽ có con ruồi ngay sáng hôm sau”.

Cô lặng thinh, nhìn xuống lòng bàn tay đang để trong lòng và dù trời đang trở lạnh, trán cô và tay cô ướt đẫm.

Mặc kệ làn gió thổi mớ tóc nâu dài vắt ngang qua miệng, cô thì thào:

“Nếu em nói… anh có hứa sẽ diệt nó đi trước khi anh làm bất cứ gì khác không ?”

“Không, Helene. Tôi không hứa như thế nếu không biết được chuyện gì”.

“Nhưng Francois ơi, anh phải hiểu. Em đã hứa với Andre phải diệt con ruồi ấy đi. Phải giữ lời hứa, em sẽ không nói gì trước khi…”

Tôi cảm được sự bế tắc ngay trước mắt. Tôi chưa mất điểm tựa, nhưng đang mất thế chủ động. Tôi thử bắn bừa trong bóng tối:

“Helene, cô phải hiểu là ngay khi cảnh sát điều tra con ruồi ấy, họ sẽ hiểu là cô không điên, rồi thì…”

“Không, Francois. Hãy vì Henri ! Anh có hiểu không ? Em đang mong con ruồi ấy. Em hy vọng nó sẽ tìm thấy em ở đây nhưng nó không thể biết em sẽ thành cái gì. Nó sẽ làm cái gì khác đây ngoại trừ đi đến chỗ người khác, người nó yêu thương, đến Henri, đến anh…người may ra biết và hiểu phải làm gì cho nó !”

Cô điên thật rồi, hay cô đang giả vờ nữa vậy ? Nhưng điên hay không thì cô đã lâm vào thế bí. Tôi tự hỏi làm sao nương theo, làm sao tung cú nốc ao mà không cho cô thoát được, tôi nói rất khẽ:

“Kể tôi nghe hết đi, Helene. Rồi như thế tôi mới bảo vệ được con trai cô”.  

“Bảo vệ con trai em khỏi cái gì ? Anh không hiểu rằng em có mặt ở đây chỉ để cho Henri không phải là con trai một người đàn bà bị treo cổ vì tội giết cha nó sao ? Anh không hiểu rằng em thà bị treo cổ còn hơn sống không bằng chết trong nhà thương điên sao ?”

“Tôi hiểu, Helene và tôi sẽ làm hết sức cho đứa trẻ dù cô có nói hay không. Nếu cô không chịu nói, tôi vẫn sẽ làm hết sức để bảo vệ cho Henri, nhưng cô phải hiểu rằng ván bài sẽ vuột khỏi tầm tay tôi và ông Charas sẽ có được con ruồi”.

“Nhưng sao anh lại phải biết ?”, cô em dâu tôi, nói, hơn là hỏi, vừa cố kiềm cơn giận.

“Bởi vì tôi phải và rồi sẽ biết làm thế nào và tại sao em tôi chết, Helene à”.

“Được. Đưa em trở lại… nhà. Em sẽ cho anh cái mà ông Ủy viên gọi là “Bản thú tội”.

“Cô định nói cô sẽ viết ra ?”

“Phải. Nó chẳng có ý nghĩa gì với anh đâu, nhưng sẽ có với ông bạn anh, ông Ủy viên ấy. Em đã thấy trước, sớm muộn gì, ông ấy cũng sẽ tiến gần đến sự thật”.

“Cô không phản đối việc ông ấy sẽ đọc nó sao ?”

“Anh cứ làm cách nào mà anh thấy thuận tiện, Francois à. Chờ em một lát”.

Để tôi đứng ở cửa phòng khách, Helene chạy lên thang gác đến phòng cô ấy. Chưa đến một phút sau, cô trở lại với phong bì lớn màu nâu.

“Nghe này, anh Francois. Anh không được sáng ý như người em tội nghiệp của anh đâu, nhưng anh không phải không thông minh. Em chỉ yêu cầu anh đọc riêng cái này đi. Rồi anh muốn làm gì thì làm.”

“Cái này thì tôi hứa, Helene. Tối nay tôi sẽ đọc và mai dù không phải ngày đi thăm, tôi vẫn sẽ đến gặp cô”.

“Tùy anh”. Cô em dâu tôi nói mà không chào từ biệt khi cô quay lại trở lên thang gác.

 

IV.

 

Chỉ khi về đến nhà, từ gara vào, tôi mới đọc dòng chữ trên phong bì:

GỞI NGƯỜI CÓ LIÊN QUAN

(Có thể là Ủy viên Charas)

Sau khi bảo người giúp việc tôi chỉ cần bữa tối sơ sài dọn ngay trong phòng làm việc, và không muốn bị quấy rầy, tôi lên gác, vất cái phong bì của Helene lên bàn, cẩn thận nhìn quanh phòng, kéo cửa rập, hạ màn. Chỉ có mỗi con muỗi chết khô từ lâu dính vào tường gần trần nhà.

Sau khi nhắc người hầu để khay trên bàn gần lò sưởi, tôi rót ly rượu và khoá cửa lại. Tôi ngắt điện thoại _ tôi luôn làm vậy vào ban đêm, tắt hết đèn ngoại trừ đèn trên bàn làm việc.

Mở phong bì dày cộm của Helene, tôi rút ra xấp giấy đặc những chữ, tôi đọc những dòng sau viết ngay giữa trang đầu:

Đây không phải là bản thú tội, vì tuy tôi đã giết chồng, nhưng tôi không phải là kẻ sát nhân. Tôi chỉ đơn giản là thành khẩn thực hiện ước nguyện cuối cùng là nghiền nát đầu và cánh tay phải của anh dưới cái búa hơi trong xưởng người anh của anh ấy.

Không đụng đến ly rượu bên tay, tôi lật sang trang và bắt đầu đọc.

Trong gần một năm trước khi anh chết (bản thảo mở đầu), chồng tôi có kể cho tôi vài thí nghiệm của anh. Anh biết rõ vài đồng nghiệp ở Bộ Hàng không cấm làm một số trong đó vì quá nguy hiểm, nhưng anh quá nhiệt tình muốn có vài kết quả tích cực trước khi báo cáo phát hiện của mình.

Cho đến nay, khi mà mới chỉ có âm thanh và hình ảnh là truyền được qua không gian bằng truyền thanh và truyền hình, thì Andre quả quyết đã khám phá ra cách truyền đi vật chất. Vật chất, bất kỳ vật thể rắn nào, đặt trong “máy truyền” của anh, ngay lập tức được phân rã và kết hợp lại, trong bộ máy nhận đặc biệt.

Andre xem phát minh của anh là quan trọng nhất như cách người ta cưa đứt gốc cây vậy. Anh lý luận rằng truyền đi vật chất bằng cỗ máy “phân rã – tổng hợp” tức thời sẽ làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống cho tới lúc ấy. Nó cũng có nghĩa là chấm dứt mọi phương tiện vận chuyển, không chỉ là hàng hóa, bao gồm cả thực phẩm, mà cả con người nữa. Anhdre, nhà khoa học thực tiễn, không bao giờ cho phép lý thuyết hay mơ mộng lấn át trong anh, đã nhìn thấy trước thời gian, khi không còn máy bay, tàu thủy, xe lửa, xe đò, và do đó, không còn đường xá, không còn thiết lộ, cảng, phi trường hay nhà ga gì nữa. Tất cả được thay thế bằng những trạm chuyển và nhận vật chất trên khắp thế giới. Hành khách và hàng hóa sẽ để trong những cabin đặc biệt và khi có dấu hiệu cho sẵn, chỉ đơn giản là biến mất và tái xuất hiện tức thì ở trạm đã chọn trước.

Cỗ máy nhận của Andre chỉ cách máy chuyển vài mét, trong căn phòng kế bên phòng thí nghiệm, lúc đầu anh cứ nhào vào đủ thứ đầu thừa đuôi thẹo. Thí nghiệm đầu tiên thành công là cái gạt tàn lấy trên bàn, vật kỷ niệm chúng tôi mua trong chuyến du lịch Luân đôn.

Đó lần đầu anh kể tôi nghe về thí nghiệm của anh, tôi không hề nghĩ gì về những điều anh nói vào cái ngày anh chạy nhào vào nhà, ném cái gạt tàn vào lòng tôi.

“Helene, nhìn này ! Chỉ một tích tắc, một phần mười triệu của một giây thôi, cái gạt tàn đã bị phân rã hoàn toàn. Chỉ một thoáng chốc, nó không còn tồn tại nữa. Xong ! Không gì còn lại. Tuyệt đối không. Chỉ các nguyên tử du hành trong không gian với tốc độ của ánh sáng ! Giây lát sau, các nguyên tử sẽ tập hợp lại dưới hình hài của cái gạt tàn !”

“Andre… Andre, xin anh, xin anh ! Anh đang mê sảng cái gì vậy ?”

Anh bắt đầu phác thảo lá thư mà tôi đang viết đây. Anh cười cái bộ mặt nhăn nhúm của tôi, lùa hết thư từ của tôi trên bàn và nói:

“Em không hiểu sao ? Được. Ta sẽ bắt đầu lại. Em có nhớ anh có đọc cho em nghe bài báo nói về những hòn đá bí ẩn hình như không đến từ nơi nào cả rồi tình cờ rơi xuống mấy căn nhà ở Ấn độ không ? Chúng bay như bị ném xuống dù cửa và cửa sổ đều đóng.”

“Có, em nhớ. Em còn nhớ là Giáo sư Augier, bạn anh ở Trường Cao đẳng Pháp quốc, mới ghé mấy hôm trước, nhấn mạnh là không có chuyện lừa bịp gì cả, cách giải thích khả dĩ nhất là mấy viên đá đã bị phân rã và ném xuống từ bên ngoài, đi xuyên qua tường, rồi tổng hợp lại trước khi chạm vào bức tường đối diện”.

“Đúng thế. Anh nói thêm là có một khả năng nữa là sự phân rã tức thời và từng phần bức tường khi viên đá đi xuyên qua”.

“Phải. Andre. Em nhớ và em còn giả sử là em không chịu hiểu và anh bực bội thế nào. À, em vẫn không hiểu được tại sao và như thế nào mà dù là đã bị phân rã, mấy viên đá lại có thể đi xuyên qua tường hay cánh cửa đóng kín.”

“Nhưng Helene này, rất có thể, bởi vì các nguyên tử không nằm kề bên nhau như mấy viên gạch trong bức tường. Chúng bị ngăn cách bởi khoảng không bao la”.

“Anh muốn nói anh đã phân rã cái gạt tàn rồi đặt nó lại sau khi đã đẩy nó qua cái gì đấy ?”

“Chính xác, Helene à. Anh phóng nó qua bức tường ngăn giữa máy chuyển và máy nhận”.

“Vậy có ngốc không nếu hỏi rằng nhân loại hưởng lợi gì khi cái gạt tàn đi xuyên qua tường ?”

Andre có vẻ bị xúc phạm nặng nề, nhưng anh mau chóng nhận ra tôi chỉ đùa thôi và lấy lại sự nhiệt thành, anh kể tôi nghe vài khả năng trong khám phá của mình.

“Không tuyệt vời sao, hả Helene ?” Anh thở ra rất dài.

“Phải, Andre. Nhưng em hy vọng anh đừng chuyển em đi vì em rất sợ xuất hiện ở đầu bên kia giống cái gạt tàn”.

“Em nói sao ?”

“Anh có nhớ dòng chữ dưới cái gạt tàn không ?”

“Dĩ nhiên. MADE IN JAPAN. Đó là trò đùa kiểu Ănglê của chúng mình”.

“Dòng chữ vẫn còn đó. Mà… nhìn đi !”

Anh giật cái gạt tàn khỏi tay tôi, nhíu mày, đi lại cửa sổ. Rồi anh xanh mặt và tôi biết rằng đã thấy cái điều chứng minh cho tôi thấy thí nghiệm của anh là kỳ quặc.

Ba từ vẫn còn đó, nhưng lộn ngược như sau:

NAPAJ NI EDAM

Không nói tiếng nào, như quên bẵng tôi, anh chạy nhào vào phòng thí nghiệm. Tôi chỉ gặp anh vào sáng hôm sau, râu ria không cạo, sau một đêm dài làm việc.

Vài ngày sau, Andre thành một con người khác, bận tíu tít và gắt gỏng suốt nhiều tuần liền. Tôi chịu đựng một thời gian rồi chính tôi cũng trở nên khó chịu, chúng tôi vặt nhau chỉ vì những chuyện tủn mủn, và một buổi chiều, tôi đến gần anh vì anh quá đỗi u sầu.

“Anh rất tiếc, cưng ơi ! Anh đã làm quá nhiều việc trong một mê cung, gây cho em nhiều phiền toái. Em thấy đó, thí nghiệm đầu tiên bằng con vật sống đã thất bại hoàn toàn”.

“Andre ! Anh lấy con Dandelo làm vật thí nghiệm, phải không ?”

“Phải, Sao em biết ?” Anh rụt rè trả lời. “Nó phân rã hoàn toàn, nhưng không xuất hiện lại ở máy nhận”.

“Ôi, anh Andre. Nó thành ra cái gì rồi ?”

“Không gì cả… chỉ là không còn Dandelo nữa, chỉ là những nguyên tử phân ly của một con mèo lang thang. Chúa mới biết nó ở đâu trong vũ trụ này”.

Dandelo là con mèo trắng nhỏ người bếp tìm thấy một buổi sáng trong vườn, chúng tôi đem vào nuôi. Tôi muốn nổi khùng lên, nhưng vẻ ủ rủ của anh làm tôi không nói gì.

Vài tuần sau đó tôi ít gặp chồng tôi. Hầu hết các bữa ăn đều gởi qua phòng thí nghiệm. Mỗi sáng tôi thức dậy thấy giường anh vẫn y nguyên. Thỉnh thoảng anh về trễ thì như có cơn bão quét qua khi anh dậy rất sớm và mò mẫm trong bóng tối.

Một buổi chiều anh về nhà ăn cơm mặt tươi tỉnh và tôi biết mọi âu lo đã tan. Nhưng anh xịu xuống khi thấy tôi mặc đồ đi ra ngoài.

“Ủa. Em ra ngoài à, Helene ?”

“Phải. Nhà Drillon mời em đến đánh bài bridge. Nhưng em có thể điện thoại cho họ hủy cuộc hẹn”.

“Không. Ổn mà”.

“Không ổn. Bỏ nó đi, anh ơi”.

“Cuối cùng thì anh đã làm được hoàn hảo và anh muốn em là người đầu tiên nhìn thấy phép lạ”.

“Phép lạ, Andre ! Tất nhiên là em rất vui”.

Sau khi điện thoại cho hàng xóm nói xin lỗi, tôi chạy xuống bếp bảo người bếp trong vòng mười phút phải có ngay “bữa tối ăn mừng”.

“Ý hay tuyệt, Helene ạ”, chồng tôi nói vừa khi người bếp xuất hiện với chai sâm banh cùng bữa tối dưới ánh đèn cầy. “Ta ăn tối cùng chai sâm banh hồi phục”, và đón cái khay từ tay người bếp, anh dẫn đường đi xuống phòng thí nghiệm.

“Anh có nghĩ nó tốt như trước khi hồi phục không ?” Tôi hỏi trong khi cầm khay, còn anh mở cửa và bật đèn.

“Không có gì phải sợ. Mang đến đây nào !” anh nói và mở cửa phòng đặt điện thoại anh đã biến đổi thành cái anh đặt tên là máy chuyển. Anh thêm, “đặt nó xuống đây đã”, rồi cho cái ghế đẩu vào cabin.

Cẩn thận đóng cửa, anh dẫn tôi đến bên kia phòng và đưa cho tôi cặp kính râm đeo che ánh mặt trời. Anh đeo một cặp khác, bước lại bảng điều khiển bên máy chuyển.

“Sẵn sàng chưa, Helene ?” chồng tôi nói, tắt hết đèn. “Đừng bỏ kính cho đến khi anh lên tiếng”.

“Em không động đậy đâu, Andre, cứ tiếp đi”, tôi nói, mắt dán vào cái khay mà tôi chỉ thấy ánh xanh lờ mờ qua tấm chắn thủy tinh của bốt điện thoại.

“Rồi”, Andre nói, tay kéo công tắc.

Cả căn phòng sáng bừng thứ ánh sáng màu da cam. Trong cabin tôi thấy quả cầu lửa nổ lốp bốp, cảm được sức nóng trên mặt, trên cổ, trên tay. Tất cả chỉ kéo dài trong một phần giây đồng hồ. Tôi thấy mình chớp mắt trước những hố đen viền xanh như những gì ta thấy khi nhìn mặt trời.

“Et voila! Em lấy kính ra được rồi đó, Helene”.

Hơi phường tuồng một chút, chồng tôi mở cửa cabin. Dù Andre đã nói trước, tôi vẫn kinh ngạc khi không thấy chai sâm banh, mấy cái ly, cái khay và cái ghế đẩu đâu nữa.

Andre trịnh trọng nắm tay tôi dẫn qua phòng bên, ở một góc là cái bốt điện thoại thứ hai. Anh mở rộng cửa, hân hoan nhấc cái khay sâm banh lên khỏi ghế.

Có cảm giác như khán giả danh dự được kéo lên sân khấu của một ảo thuật gia. Tôi cố kiềm không nói ra, “Tất cả là làm qua kính thôi chứ gì”, vì biết sẽ làm chồng tôi buồn lòng.

Tôi hỏi khi bật nút chai, “Chắc là uống không hại gì chứ ?”

“Chắc chắn mà, Helene”, anh nói và đưa ly cho tôi. “Nhưng chưa là gì. Cứ uống hết rồi anh sẽ cho em thấy chuyện ngạc nhiên hơn”.

Chúng tôi trở qua phòng bên kia.

“Ôi, anh Andre! Tội nghiệp con Dandelo quá !”

“Chỉ là con chuột lang thôi mà, Helene. Nhưng anh cam đoan nó sẽ qua được”.

Anh đặt con thú nhỏ đầy lông xuống sàn cabin màu men xanh và nhanh nhẹn đóng cửa lại. Tôi cũng để cái ly sẫm màu xuống và cảm nhận ánh chớp lốp bốp sống động.

Không chở Andre mở cửa, tôi chạy nhào vào phòng bên nơi đèn vẫn sáng và nhìn vào cabin nhận.

“Ôi ! Andre ! Cưng ơi ! Nó vẫn còn đây !” Tôi kích động la lên, nhìn con thú nhỏ lút cút chạy quanh. “Tuyệt quá Andre. Ngon rồi ! Anh đã thành công !”

“Anh mong vậy. Nhưng anh phải kiên nhẫn. Anh sẽ biết chắc trong vài tuần nữa”.

“Anh nói sao. Nhìn kìa ! Nó đầy sức sống như khi anh cho nó vào cabin bên kia”.

“Phải. Hình như vậy. Nhưng còn phải chờ xem nội tạng nó có còn nguyên không, mà chuyện đó phải mất thời gian. Nếu con thú nhỏ này vẫn khỏe mạnh trong một tháng nữa, thì lúc ấy ta mới xem thí nghiệm là thành công”.

Tôi năn nỉ Andre cho tôi chăm sóc con chuột lang.

“Được. Mà đừng có giết nó nếu cho ăn nhiều quá đấy”. Anh tặng tôi một nụ cười vì sự nhiệt tình.

Dù không được phép đưa con Hopla _ tên tôi đặt cho con chuột lang _ ra ngoài cái hộp của nó trong phòng thí nghiệm, tôi đã cột dây ruy băng hồng quanh cổ nó và được cho nó ăn ngày hai lần.

Hopla mau chóng quen với sợi ruy băng và trở thành con thú cưng nhưng một tháng chờ đợi ấy dài bằng cả năm của chúng tôi.

Rồi một hôm, Andre cho con Miquette, con chó lông xù, vào máy chuyển. Trước đó anh không nói gì hết vì thừa biết tôi không bao giờ đồng ý một thí nghiệm như thế với con chó của chúng tôi. Đến lúc anh nói thì con Miquette đã được chuyển thành công cả chục lần và nó có vẻ khoái trò chơi này; nó vừa thoát ra khỏi cái máy “khôi phục” thì lại chạy ngay vào phòng kế, cào cửa phòng “máy chuyển” để thực hiện một chuyến “đi” khác, như cách Andre gọi.

Giờ thì tôi lại mong chồng tôi sẽ mời vài người bạn hay các chuyên viên ở Bộ Hàng không đến. Anh vẫn thường làm vậy mỗi khi hoàn tất một công trình nghiên cứu và trước khi trao cho họ các báo cáo chi tiết do anh chính tay đánh máy, anh sẽ làm một, hai thí nghiệm trước mắt họ. Nhưng lần này, anh chỉ tiếp tục làm việc. Rốt cuộc, một buổi sáng tôi phải hỏi anh chừng nào tổ chức “buổi tiệc bất ngờ” theo cách anh thường gọi.

“Chưa đâu, Helene, còn lâu lắm. Phát minh này rất quan trọng. Anh còn quá nhiều việc phải làm. Em có thấy là có vài phần thiết yếu trong việc chuyển đi anh còn chưa hiểu rõ không. Nó chạy trơn tru đấy nhưng em hiểu không, anh chưa thể nói với các vị giáo sư đáng kính anh đã làm như này như kia và nó chạy tốt ! Anh phải đủ khả năng giải thích như thế nào và tại sao nó hoạt động. Mà quan trọng hơn, anh phải sẵn sàng và đủ khả năng bác lại những chỉ trích đả phá cho họ phải im tiếng, như bọn họ vẫn thường làm khi thấy có ai thành công thực sự”.

Đôi khi tôi cũng được mời xuống phòng thí nghiệm để chứng kiến vài thí nghiệm mới, nhưng tôi chẳng bao giờ đi trừ khi do Andre mời và cũng chỉ để nói về công việc của anh nếu anh nêu vấn đề trước. Dĩ nhiên là anh chẳng bao giờ, ít nhất là trong giai đoạn này thử thí nghiệm trên người, cho dù, như tôi đã biết Andre, anh chẳng bao giờ cho ai vào máy chuyển nếu như, chính anh không thử trước. Chỉ sau tai nạn mà tôi đã chỉ ra, anh đặt gấp đôi số công tắc trong cabin máy khôi phục để anh có thể thử trước.

Buổi sáng hôm Andre thực hiện thí nghiệm kinh hoàng đó, anh không xuất hiện để ăn trưa. Tôi cho người làm mang khay xuống nhưng bà đã mang trở lại kèm mảnh ghi chú anh ghim trên cửa phòng thí nghiệm, “Đừng quấy rầy, anh đang làm việc”.

Chỉ sau đó, khi tôi đang uống cà phê, Henri nhảy vào phòng nói rằng nó vừa bắt được một con ruồi trông buồn cười lắm, hỏi tôi có muốn xem không. Từ chối mà cũng không buồn nhìn bàn tay nắm chặt của nó, tôi bảo nó phải thả ngay.

“Nhưng, mẹ ơi, cái đầu nó trắng lạ lắm kia !”

Nhìn cậu con đang đi qua khung cửa sổ, tôi bảo nó thả con ruồi ngay, và nó thả. Tôi biết Henri bắt con ruồi chỉ vì nó nghĩ trông con ruồi lạ hay khác với những con khác mà còn vì cha nó không chịu được sự tàn ác với động vật, và sớm muộn gì cũng sẽ nhặng xị lên chỉ vì thằng con trai bắt ruồi bỏ vào hộp hay chai.

Giờ cơm tối hôm ấy, Andre vẫn chưa xuất hiện, vì hơi lo lo, tôi chạy xuống phòng thí nghiệm, gõ cửa.

Anh không trả lời nhưng tôi nghe tiếng anh lục đục rồi lát sau tôi thấy mảnh giấy chuồi dưới khe cửa:

HELENE, ANH ĐANG GẶP RẮC RỐI, CHO CON ĐI NGỦ, TRỞ LẠI TRONG MỘT GIỜ NỮA. A.

Hoảng hốt, tôi gõ cửa gọi, nhưng hình như Andre không để ý và mơ hồ cảm thấy yên tâm vì nghe tiếng anh gõ máy đánh chữ quen thuộc, tôi quay lại nhà.

Cho Henri lên giường xong, tôi trở lại phòng thí nghiệm, thấy một tờ giấy khác chuồi dưới cửa. Tay tôi run khi nhặt tờ giấy lên vì tôi biết đã có gì đó sai lầm nghiêm trọng rồi. Tôi đọc:

HELENE, TRƯỚC HẾT ANH TIN TƯỞNG HOÀN TOÀN Ở EM, ĐỪNG MẤT BÌNH TĨNH VÀ LÀM GÌ ĐIÊN KHÙNG VÌ CHỈ MÌNH EM MỚI GIÚP ĐƯỢC ANH. ANH ĐÃ BỊ MỘT TAI NẠN NGHIÊM TRỌNG. HIỆN THỜI ANH KHÔNG BỊ NGUY HIỂM ĐẶC BIỆT NÀO DÙ ĐÂY LÀ VẤN ĐỀ GIỮA SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT. VÔ ÍCH NẾU CỐ GỌI HAY NÓI GÌ VỚI ANH. ANH KHÔNG THỂ TRẢ LỜI, KHÔNG THỂ NÓI. ANH MUỐN EM LÀM THẬT CHÍNH XÁC VÀ THẬT CẨN THẬN NHỮNG GÌ ANH YÊU CẦU. SAU KHI GÕ BA LẦN ĐỂ CHỨNG TỎ RẰNG EM HIỂU, HÃY LẤY CHO ANH BÁT SỮA PHA RƯỢU RUM. CẢ NGÀY ANH CHƯA ĂN GÌ VÀ KHÔNG LÀM ĐƯỢC GÌ NẾU KHÔNG CÓ NÓ.

Run lên vì sợ, không biết phải nghĩ gì và cố nén không đập cửa, tôi gõ ba lần theo yêu cầu và chạy về nhà tìm cái anh cần.

Chưa đầy năm phút sau, tôi đã quay lại. Một mảnh giấy khác chuồi dưới cửa:

HELENE, THEO CÁC CHỈ DẪN SAU CẨN THẬN. KHI EM GÕ ANH SẼ MỞ CỬA. ĐI NGAY ĐẾN BÀN VÀ ĐẶT BÁT SỮA XUỐNG. RỒI ĐI QUA PHÒNG BÊN NƠI ĐẶT MÁY NHẬN. TÌM KỸ VÀ CỐ TÌM CHO ĐƯỢC MỘT CON RUỒI HẲN PHẢI CÓ Ở ĐÓ NHƯNG ANH TÌM KHÔNG THẤY. KHÔNG MAY LÀ ANH LẠI KHÔNG NHÌN ĐƯỢC NHỮNG VẬT NHỎ BÉ.

TRƯỚC KHI VÀO, EM PHẢI HỨA THEO ĐÚNG TỪNG LỜI CỦA ANH. ĐỪNG NHÌN ANH VÀ HÃY NHỚ NÓI CHUYỆN LÀ VÔ ÍCH. ANH KHÔNG NÓI ĐƯỢC. HÃY GÕ BA TIẾNG MỘT LẦN NỮA.

VÀ NHƯ THẾ NGHĨA LÀ EM ĐÃ HỨA LỜI VỚI ANH. SỰ SỐNG CỦA ANH PHỤ THUỘC HOÀN TOÀN VÀO SỰ GIÚP ĐỠ EM DÀNH CHO ANH.

Phải mất một lát tôi mới bình tĩnh và chầm chậm gõ ba cái.

Tôi nghe Andre lê bước sau cánh cửa, rồi tay anh mò mẫm khóa và cửa mở ra.

Bằng khóe mắt tôi thấy anh đứng sau cửa, nhưng không nhìn quanh, tôi mang bát sữa đến bàn. Rõ là anh đang nhìn tôi và tôi cố hết sức bình thản và tập trung.

“Anh yêu, cứ tin ở em”, tôi nói khẽ, đặt bát sữa dưới cây đèn bàn, ánh sáng duy nhất rồi bước nhanh sang phòng bên, nơi mọi bóng đèn đều bật sáng.

Cảm tưởng đầu tiên là chắc phải có một cơn bão vừa quét qua gian phòng đặt máy nhận. Giấy má bay vung vãi khắp nơi, một hàng ống nghiệm bị vỡ nằm một góc, ghế ngồi, ghế đẩu lộn ngược, một bức màn cửa rách treo tòn ten trên giá treo bị gãy. Trong bồn tắm tráng men lớn, một đống tài liệu bị đốt vẫn đang âm ỷ cháy.

Tôi biết tôi không tìm được con ruồi Andre muốn tôi tìm. Phụ nữ biết những điều mà đàn ông biết bằng lý lẽ và suy diễn; đó là một hình thức hiểu biết mà họ khó chấp nhận và họ miệt thị gọi là trực giác. Tôi biết ngay con ruồi Andre cần là con Henri đã bắt được và tôi bắt nó thả ra.

Tôi nghe Andre lục đục trong phòng bên. Tôi nghe tiếng ùng ục, tiếng chùn chụt  như là anh gặp rắc rối khi uống sữa.

“Andre, không có con ruồi nào ở đây. Anh có thể chỉ dẫn cho em cách nào giúp anh không ? Nếu không thể, cứ gõ hay là gì đó, anh biết mà: một là được, hai là không.”

Tôi cố đừng run giọng, nói rất bình tĩnh, nhưng tôi phải cố nén tiếng nức nở tuyệt vọng khi anh gõ hai lần: không.

“Em đến gần anh được không, Andre. Em không biết đã có chuyện gì, nhưng dù là gì đi nữa, em sẽ rất can đảm, anh yêu”.

Một giây im lặng, do dự, rồi anh gõ hai lần lên bàn.

Tôi dừng ở cửa, thất kinh khi thấy bóng Andre, đầu và vai phủ tấm vải nhung nâu anh lấy trên bàn kế bên bàn làm việc, bàn anh thường ngồi ăn những khi không muốn bỏ dở công việc. Cố kiềm cơn ho rất dễ thành tiếng nức nở, tôi nói:

“Andre, ta sẽ tìm suốt ngày mai, vào ban ngày. Sao anh không đi ngủ đi ? Em sẽ dẫn anh đến phòng khách nếu anh muốn và sẽ không để cho ai gặp anh”.

Tay trái anh gõ lên bàn hai lần.

“Anh cần bác sĩ không, Andre ?”

“Không”, anh gõ.

“Anh có cần em gọi cho giáo sư Augier không ? Ông ấy có thể giúp được”.

Anh gõ hai lần, “không”, cáu tiết. Tôi không biết nói gì, làm gì nữa. Nên tôi bảo:

“Sáng nay Henri bắt được con ruồi, nó muốn đưa em xem, nhưng em bắt nó thả rồi. Có thể nào nó là con anh đang tìm ? Em không thấy nhưng thằng bé nói nó màu trắng”.

Andre thở ra một hơi dài khô khan và tôi chỉ đủ thời gian cắn mạnh ngón tay để đừng hét lên. Anh vừa buông rơi cánh tay phải và thay vì bàn tay với những ngón tay dài rắn chắc, thì là cây gậy xám có những chồi như nhánh cây treo trên tay áo rũ xuống đầu gối.

“Andre, mon Cheri, cho em hay chuyện gì xảy ra vậy. Em sẽ có ích cho anh nếu như em biết. Andre… ôi, kinh khủng quá. Tôi không kiềm được nữa, nức nở khóc.

Gõ một tiếng để nói là có, anh lấy tay trái chỉ ra cửa.

Tôi bước ra cửa, quỵ xuống khóc trong khi anh đóng cửa lại sau lưng tôi. Anh lại gõ máy chữ và tôi chờ. Sau rốt anh lệt bệt ra cửa và chuồi tờ giấy xuống.

HELENE, TRỞ LẠI VÀO BUỔI SÁNG. ANH PHẢI SUY NGHĨ VÀ SẼ ĐÁNH MÁY LỜI GIẢI THÍCH CHO EM. UỐNG MỘT VIÊN THUỐC NGỦ CỦA ANH VÀ ĐI NGAY LÊN GIƯỜNG. ANH CẦN EM TỈNH TÁO VÀ KHOẺ MẠNH VÀO SÁNG MAI. MA PAUVRE CHERI. A.

Tôi la lên qua cửa, “Tối nay anh có cần gì không ?”

Anh gõ hai lần, không, và tôi nghe tiếng gõ máy chữ.

Mặt trời rọi lên mặt làm tôi giật mình thức giấc. Tôi để đồng hồ báo thức lúc năm giờ nhưng không nghe có lẽ vì mấy viên thuốc ngủ. Tôi ngủ say như kéo gỗ, không mộng mị gì. Giờ tôi trở lại cơn ác mộng có thật và tôi khóc như đứa trẻ khi nhảy ra khỏi giường. Chỉ mới bảy giờ !

Nhào vào bếp, không nói không rằng trước mấy người giúp việc sửng sốt, tôi chuẩn bị một mâm đầy cà phê, bánh mì, bơ rồi bưng chạy xuống phòng thí nghiệm.

Andre mở cửa ngay khi gõ và khép lại khi tôi mang tới bàn. Đầu anh vẫn che đậy nhưng tôi thấy qua bộ đồ nhăn nhúm và cái giường như cái trại khi anh cố ngủ.

Trên bàn là tời giấy đặc chữ dành cho tôi, tôi nhặt lên. Andre mở cánh cửa khác, điều đó nghĩa là anh muốn ở một mình, tôi đi qua phòng bên. Anh đẩy cửa và tôi nghe tiếng anh rót cà phê trong khi tôi đọc:

EM CÒN NHỚ THÍ NGHIỆM CÁI GẠT TÀN ? ANH ĐÃ BỊ TAI NẠN TƯƠNG TỰ. ANH “CHUYỂN” CHÍNH ANH THÀNH CÔNG LẦN CUỐI VÀO ĐÊM HÔM TRƯỚC. HÔM QUA TRONG LẦN THÍ NGHIỆM THỨ HAI, MỘT CON RUỒI ANH KHÔNG NHÌN THẤY ĐÃ CHUI LỌT VÀO MÁY PHÂN RÃ. HY VỌNG DUY NHẤT CỦA ANH LÀ TÌM THẤY CON RUỒI NÀY VÀ ĐI QUA CÙNG VỚI NÓ. XIN HÃY TÌM NÓ THẬT CẨN THẬN VÌ NẾU KHÔNG TÌM THẤY, ANH SẼ PHẢI TÌM CÁCH KẾT THÚC MỌI CHUYỆN.

Phải chi Andr nói rõ ràng hơn ! Tôi rùng mình khi nghĩ bộ mặt Andre đã biến dạng khủng khiếp ra sao rồi khẽ khóc khi hình dung nét mặt anh lộn từ trong ra ngoài, có lẽ mắt ở vị trí tai, miệng ở phía sau cổ hay tệ hơn nữa !

Phải cứu cho được Andre ! Mà muốn thế phải tìm được con ruồi ! Tôi nói:

“Andre, em vào được không ?”

Anh mở cửa.

“Andre, đừng tuyệt vọng. Em sẽ đi tìm con ruồi ấy. Nó không còn trong thí nghiệm, nhưng không thể đi xa. Coi như anh bị biến dạng, có thể trông kinh lắm, nhưng không có chuyện kết thúc sự việc, như anh nói trong thư, và em sẽ không chấp nhận. Nếu cần, nếu anh không muốn bị người ta nhìn thấy, em sẽ làm cho anh cái mặt nạ hay cái mũ trùm đầu để anh tiếp tục công việc cho đến khi bình thường trở lại. Nếu anh không thể làm việc, em sẽ gọi Giáo sư Augier, ông ấy và các bạn anh sẽ cứu anh, Andre”.

Và tôi lại nghe tiếng kim loại rin rít kỳ lạ khi anh gõ mạnh lên bàn.

“Andre, đừng lo. Hãy cứ bình tĩnh. Em sẽ không làm gì mà không hỏi ý anh trước. Nhưng anh hãy tin ở em, có lòng tin ở em, hãy để em hết lòng giúp anh. Anh bị biến dạng khủng khiếp lắm hả, anh yêu ? Anh không thể nào cho em nhìn mặt anh sao ? Em không sợ. Anh biết em là vợ anh mà”.

Nhưng chồng tôi đã gõ chữ “không” dứt khoát và chỉ ra cửa.

“Được rồi. Em sẽ đi tìm con ruồi ngay bây giờ, nhưng hãy hứa với em đừng làm gì ngu ngốc, đừng làm gì điên khùng hay nguy hiểm mà không cho em biết trước”.

Anh đưa tay trái ra và tôi biết anh đã hứa.

Tôi không bao giờ quên được cuộc săn tìm con ruồi suốt ngày dài hôm đó. Quay lại nhà, tôi lộn căn nhà từ trong ra ngoài và bắt tất cả người làm tham gia cuộc tìm kiếm. Tôi bảo họ có con ruồi thoát ra khỏi phòng thí nghiệm của Giáo sư và phải bắt được nó còn sống nhưng rõ ràng họ nghĩ tôi điên. Về sau, họ nói với cảnh sát như thế và cuộc săn tìm ngày hôm ấy đã cứu tôi khỏi máy chém sau này.

Tôi đã hỏi Henri và nó không hiểu nổi tôi đang nói chuyện gì. Tôi lắc, tôi vỗ nó làm nó khóc lên trước những đôi mắt tròn xoe của mấy người làm. Nhận ra tôi không được để mất bình tĩnh, tôi hôn , vỗ về cậu con tội nghiệp và sau cùng làm cho nó hiểu tôi cần nó làm gì. Phải, nó nhớ, nó đã tìm thấy con ruồi ngay bên cửa sổ gian bếp; phải, nó đã thả ngay khi tôi bảo.

Dù đang mùa hè, nhà chúng tôi có rất ít ruồi vì nhà ở trên đỉnh đồi và luôn có gió nhẹ thổi ngang qua thung lũng. Nhưng dù thế chúng tôi cũng bắt được cả tá ruồi hôm ấy. Trên mọi ngưỡng cửa sổ, trong khắp cả vườn, tôi đặt những đĩa sữa, đường, mứt, thịt _ mọi thứ có vẻ hấp dẫn được ruồi. Tất cả những con chúng tôi bắt được và cả những con không bắt được nhưng tôi có nhìn thấy, không con nào giống với con mà Henri bắt hôm trước. Lần lượt từng con, tôi xem xét dưới kính phóng đại những con có vẻ bất thường, nhưng không con nào có cái đầu trắng.

Giờ ăn trưa, tôi mang xuống cho Andre ít sữa và cà chua nghiền, tôi mang cả vài con ruồi bắt được, nhưng Andre cho tôi hiểu chúng không có ích gì với anh.

“Andre, nếu tối nay không tìm được con ruồi ấy, ta phải xem xem nên làm gì. Và đây là điều em đề nghị: em sẽ ngồi ở phòng bên. Khi anh không thể trả lời bằng cách gõ có – và – không, anh cứ gõ bất cứ gì anh muốn nói rồi chuồi nó dưới cửa. Đồng ý chứ ?”

“Được”. Andre gõ.

Đêm xuống, chúng tôi vẫn chưa tìm được con ruồi. Giờ ăn tối, tôi sửa soạn khay thức ăn cho Andre, tôi quỵ xuống và nức nở trước mặt mấy người làm. Người hầu gái tưởng tôi cãi nhau với chồng, chỉ vì con ruồi thất lạc, mãi về sau tôi mới biết người bếp cam đoan là tôi mất trí.

Không nói gì, tôi nhấc khay lên và lại đặt xuống khi tôi ngừng bên máy điện thoại. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây thực sự là vấn đề sinh tử của Andre. Tôi cũng không nghi ngờ gì anh có ý định tự tử, trừ phi tôi có thể làm anh thay đổi ý định hay ít nhất cũng bỏ cái ý quyết liệt ấy đi.

Tôi có đủ mạnh mẽ không ? Anh sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi vì đã không giữ lời, nhưng trong trường hợp này, đây có thực sự là vấn đề không ? Quỷ tha ma bắt hứa hẹn với danh dự đi ! Bằng mọi giá phải cứu được Andre ! Quyết định xong, tôi nhìn lên và quay số của Giáo sư Augier.

“Giáo sư đi vắng, cuối tuần mới về, giọng cảnh sát ở đầu dây bên kia.

Ôi chao ! Tôi phải chiến đấu một mình và chiến đấu hết mình. Tôi phải cứu Andre bất kể chuyện gì.

Mọi căng thẳng đều biến mất khi Andre cho tôi vào, sau khi đặt khay thức ăn lên bàn, tôi đi qua phòng bên, như đã thỏa thuận.

“Đầu tiên em muốn biết”, tôi nói khi anh khép cửa lại sau lưng tôi, “chính xác chuyện gì đã xảy ra. Anh có thể nào cho em biết được không ?”

Tôi kiên nhẫn chờ trong khi anh gõ máy chữ câu trả lời và lát sau chuồi xuống cửa.

HELENE, ANH KHÔNG NÊN CHO EM BIẾT VÌ ANH PHẢI ĐI THÔI NHƯNG EM VẪN MUỐN EM NHỚ ĐẾN ANH NHƯ ANH TRƯỚC KIA. ANH PHẢI HỦY DIỆT CHÍNH MÌNH THEO CÁI CÁCH ĐỂ KHÔNG AI BIẾT ĐƯỢC CHUYỆN GÌ XẢY RA VỚI ANH. TẤT NHIÊN ANH CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ PHÂN RÃ MÌNH TRONG MÁY CHUYỂN, CHỈ VÌ SỚM MUỘN GÌ, ANH CHO LÀ MÌNH SẼ KẾT HỢP LẠI. MỘT NGÀY NÀO ĐÓ, MỘT NƠI NÀO ĐÓ, MỘT NHÀ KHOA HỌC NÀO ĐÓ CHẮC CHẮN SẼ CÓ PHÁT MINH TƯƠNG TỰ. VÌ VẬY MÀ ANH NGHĨ RA MỘT CÁCH, KHÔNG ĐƠN GIẢN CŨNG KHÔNG DỄ DÀNG, NHƯNG EM CÓ THỂ VÀ SẼ GIÚP ĐƯỢC ANH.

Trong vài phút, tôi thắc mắc không biết Andre có điên hoàn toàn rồi không.

Rồi tôi nói, “Andre, dù anh chọn gì hay nghĩ gì, em sẽ không bao giờ chấp nhận giải pháp điên khùng như thế. Cái thí nghiệm hay cái tai nạn của anh dẫu có kinh khủng thế nào, thì anh vẫn sống, vẫn là con người, có đầu óc… và anh còn có linh hồn. Anh không có quyền hủy diệt mình ! Anh biết vậy mà !”

Câu trả lời được gõ và đẩy ngay ra cửa:

ANH VẪN ĐANG SỐNG RẤT ỔN NHƯNG ĐÃ SẴN SÀNG ĐỂ KHÔNG CÒN LÀ NGƯỜI NỮA BỞI VÌ ĐẦU ÓC ANH, HAY TRÍ THÔNG MINH CÓ THỂ BIẾN MẤT BẤT CỨ LÚC NÀO. VÌ NHƯ THẾ, NÓ KHÔNG CÒN NGUYÊN VẸN. VÀ KHÔNG THỂ CÓ LINH HỒN MÀ KHÔNG CÓ TRÍ THÔNG MINH… VÀ EM BIẾT THẾ MÀ !

“Thế thì anh phải nói cho các nhà khoa học khác biết về phát minh của anh. Họ sẽ giúp anh và cứu anh, Andre”.

Tôi run rẩy sợ hãi khi anh giận dữ đấm cửa hai lần.

“Andre…Tại sao ? Tại sao anh lại từ chối những trợ giúp tận đáy lòng của người ta ?”

Cả chục tiếng đập ầm ầm điên cuồng làm rung cánh cửa khiến tôi hiểu chồng tôi không bao giờ chấp nhận giải pháp như thế. Tôi phải tìm cách khác.

Trong nhiều giờ liền, hình như vậy, tôi nói chuyện với anh về con trai, về anh, về gia đình anh, về bổn phận của anh với chúng tôi và với phần còn lại của nhân loại.

“Andre… anh có nghe em không ?”

“Có”, anh khỏ rất khẽ.

“Tốt. Vậy thì nghe đây. Em có ý khác. Anh có nhớ lần thí nghiệm đầu tiên với cái gạt tàn không?... Anh có nhớ nếu anh đặt lại nó lần thứ hai, có thể hàng chữ sẽ hiện ra đúng cách trở lại không ?”

Trước khi tôi nói xong, Andre bận gõ và chút xíu sau tôi đọc được câu trả lời:

ANH ĐÃ NGHĨ ĐẾN VIỆC ĐÓ RỒI. VÀ ĐÓ LÀ LÝ DO ANH CẦN ĐẾN CON RUỒI. NÓ SẼ ĐI QUA CÙNG VỚI ANH. KHÔNG CÒN HY VỌNG NÀO KHÁC.

“Hãy thử mọi cách tương tự. Anh sẽ không biết đâu !”.

ANH ĐÃ THỬ BẢY LẦN RỒI.

_ là câu trả lời tôi nhận được.

“Andre ! Cứ thử nữa. Em van anh !”

Câu trả lời lần này cho tôi một tia hy vọng, vì không một người phụ nữ nào từng hiểu, hay sẽ hiểu, rằng một người đàn ông sắp chết lại có thể coi chuyện gì đó là buồn cười.

ANH RẤT THÁN PHỤC LÝ LUẬN ĐÀN BÀ ĐÁNG YÊU CỦA EM. TA SẼ TIẾP TỤC THÍ NGHIỆM NÀY CHO ĐẾN NGÀY TẬN THẾ, TUY NHIÊN, CHỈ ĐỂ CHO EM VUI LÒNG MÀ THÔI, CHO ĐẾN BAO GIỜ CÒN CHO EM ĐƯỢC ĐIỀU GÌ, ANH SẼ CỐ. NẾU KHÔNG TÌM ĐƯỢC CẶP KÍNH ĐEN, HÃY QUAY LƯNG VÀ BỊT MẮT LẠI. LÚC NÀO SẴN SÀNG THÌ CHO ANH BIẾT.

“Sẵn sàng, Andre”. Tôi hét lên mà không đi tìm kính cũng không theo chỉ dẫn của anh.

Tôi nghe anh đi loanh qoanh, mở rồi đóng cái “máy phân rã” của anh. Sau một khoảng thời gian chờ đợi rất dài, nhưng có lẽ chỉ chừng chưa đầy một phút hay chừng đó, tôi nghe tiếng nổ lốp bốp dữ dội và một tia chớp loè qua mí mắt và ngón tay.

Tôi quay lại khi cửa cabin mở ra.

Đầu và vai anh vẫn phủ tấm vải nhung nâu, Andre hào hứng bước ra.

“Anh thấy sao, Andre ? Có gì khác không?” Tôi hỏi và sờ nhẹ tay anh.

Anh cố bước ra xa tôi, vấp chân vào chiếc ghế đẩu mà tôi không buồn nhấc lên. Anh cuống cuồng hết sức lấy thăng bằng, tấm khăn nhung tuột khỏi vai anh và đầu anh khi anh nặng nề ngã ra sau.

Với tôi, nỗi kinh hoàng quá lớn, quá bất ngờ. Tất nhiên, tôi chắc rằng, nỗi kinh hoàng mà dù tôi đã biết, cũng không kém dữ dội chút nào. Cố tống cả hai tay vào miệng để chận tiếng thét, cho dù ngón tay chảy máu, tôi cứ la, cứ hét. Tôi không thể rời mắt khỏi anh, tôi không nhắm mắt lại được, song tôi biết rằng nếu tôi còn nhìn vào nỗi kinh hoàng ấy, tôi sẽ la hét suốt quãng đời còn lại.

Chầm chậm. Con quỷ, cái vật đã từng là chồng tôi che đầu, đứng dậy, mò mẫm ra cửa và đi khuất. Vẫn còn la hét, tôi đã có thể nhắm mắt lại.

Tôi, một tín đồ Công giáo thuần thành, tin ở Chúa và bất cứ gì khác, tin cuộc sống kiếp sau tốt hơn, lại có ngày hôm nay nhưng có một hy vọng: khi tôi chết, thực sự chết đi, không có kiếp sau hay gì đó khác, vì nếu có, tôi sẽ chẳng bao giờ quên ! Ngày hay đêm, thức hay ngủ, tôi thấy nó và tôi biết rằng tôi đã bị buộc tội phải thấy nó mãi mãi, dù có đi vào cõi lãng quên !

Cho tới lúc tôi hoàn toàn tan biến, không gì có thể, không gì làm tôi quên được cái đầu tóc trắng xóa hãi hùng ấy, cái sọ dẹt lét và hai con mắt lồi ra. Màu hồng và ẩm ướt, cái mũ giống của loài mèo, con khổng lồ. Nhưng đôi mắt ! Nơi là cặp mắt là hai cái bướu nâu to như cái đĩa. Thay cho miệng, của thú hay người, là cái rãnh nằm ngang đầy lông dài, và ở đó thòi ra cái vòi đầu mở rộng như kèn trumpet và nước bọt nhỏ xuống.

Hẳn tôi đã ngất đi, nằm úp trên sàn xi măng lạnh lẽo của phòng thí nghiệm, mắt nhìn cánh cửa đóng kín mà sau đó tôi nghe tiếng Andre gõ máy chữ.

Tê liệt, tê liệt và trống rỗng, tôi vẫn phải nhìn như người ta thường làm, sau một tai nạn khủng khiếp, trước khi hiểu được chuyện gì xảy ra. Tôi chỉ có thể nghĩ đến một người tôi đã từng gặp trên sân ga, trông tỉnh táo, đứng trên đôi chân trên đường ray nơi xe lửa vừa chạy qua.

Cổ họng tôi đau nhói, làm tôi không biết dây thanh âm có bị rách không, hay có còn nói được không.

Tiếng máy đánh chữ đột nhiên ngừng, tôi cảm thấy như mình sắp hét lên lần nữa khi có gì đó chạm vào cửa và một tờ giấy thòi ra.

Run lên vì sợ và ghê tởm, tôi trườn người để rán đọc mà không chạm vào nó.

GIỜ THÌ EM HIỂU RỒI ĐÓ. THÍ NGHIỆM CUỐI CÙNG LẠI LÀ MỘT THẢM HỌA KHÁC, HELENE TỘI NGHIỆP CỦA ANH. CHẮC EM ĐÃ NHẬN RA MỘT PHẦN CÁI ĐẦU CỦA DANDELO, KHI ANH ĐI VÀO MÁY PHÂN RÃ THÌ CÁI ĐẦU ANH CHỈ LÀ ĐẦU RUỒI. GIỜ ANH CHỈ CÒN MẮT VÀ MIỆNG, PHẦN CÒN LẠI ĐÃ THAY BẰNG ĐẦU CON MÈO. CÁC NGUYÊN TỬ CỦA DANDELO TỘI NGHIỆP ĐÃ KHÔNG ĐI CÙNG NHAU. EM THẤY ĐÓ, GIỜ CHỈ CÒN MỘT GIẢI PHÁP DUY NHẤT, PHẢI KHÔNG EM ? ANH PHẢI BIẾN MẤT THÔI. HÃY GÕ CỬA KHI EM SẴN SÀNG, ANH SẼ GIẢI THÍCH EM CẦN LÀM GÌ. A.

Dĩ nhiên anh đã đúng, tôi đã sai lầm và tàn nhẫn khi cứ đòi phải thí nghiệm lại. Giờ tôi biết không còn hy vọng gì nữa, thí nghiệm thêm nữa chỉ đem lại hậu quả tồi tệ hơn thôi.

Đứng dậy trong tình trạng mê mụ, tôi đi ra cửa, cố nói nhưng không âm thanh nào thoát ra khỏi miệng… nên lại đập cửa.

Dĩ nhiên bạn sẽ đoán ra phần còn lại. Anh giải thích kế hoạch trong vài lời ngắn gọn trên tờ giấy máy đánh chữ và tôi đồng ý, tôi đồng ý tất.

Đầu tôi như trên đống lửa mà lòng run lên như cơn lạnh, tự động như cái máy, tôi theo anh vào trong xưởng lặng như tờ. Trong tay tôi là tờ giấy đặc những chữ: điều tôi cần biết về cái búa hơi.

Không ngừng, không nhìn lui, anh chỉ bảng điều khiển búa hơi khi đi ngang qua. Tôi không đi nữa, nhìn anh ngừng lại ở cái công cụ khủng khiếp ấy.

Anh quỳ xuống, cẩn thận quấn tấm khăn nhung quanh đầu, rồi nằm dài ra đất.

Không khó khăn gì. Tôi không giết chồng tôi. Andre, Andre đáng thương, đã đi xa lâu rồi, hình như nhiều năm rồi. Chỉ là tôi thực hiện ước nguyện cuối cùng của anh… và cả tôi nữa.

Không do dự, mắt tôi dán lên tấm thân nằm dài bất động. Tôi dứt khoát ấn mạnh nút “xuống” qua phải. Khối kim loại khổng lồ hạ xuống chậm chạp. Tiếng búa rền không vang nhiều lắm cũng làm tôi nhảy dựng lên khi tiếng răng rắc nhói buốt tôi nghe cùng lúc. Chồ…ng tôi, xác của vật ấy rung lên một thoáng rồi nằm im.

Lúc ấy tôi mới nhận ra anh đã quên đặt tay phải, cái chân bay, dưới búa. Cảnh sát sẽ không bao giờ hiểu, nhưng các khoa học gia sẽ không và phải không được quên ! Đó cũng là ước nguyện cuối cùng của Andre nữa !

Tôi phải làm và thật nhanh, người gác đêm hẳn phải nghe tiếng búa và có thể đi rỏn bất cứ lúc nào. Tôi ấn nút kia và búa từ từ nhấc lên. Nhìn nhưng cố đừng để ý, tôi đứng dậy, khom xuống nhấc và đưa cánh tay phải, bỗng nhiên nhẹ hẫng, về phía trước. Quay lại bảng điều khiển, tôi ấn nhẹ nút đỏ lần nữa, hạ búa xuống lần thứ hai. Rồi tôi chạy luôn về nhà.

Ông đã biết phần còn lại và cứ làm gì ông nghĩ.

Vậy là kết thúc bản viết tay của Helene.

 

V.

 

Ngày hôm sau, tôi gọi điện thoại cho Ủy viên Charas mời ông đến ăn tối.

“Rất hân hạnh, ông Delambre. Tuy nhiên, xin cho tôi được hỏi: là ông mời ông Ủy viên hay chỉ là mời ông Charas thôi.”

“Ông có ý gì chăng ?”

“Không, ngay lúc này thì không”.

“Vậy thì, bất cứ gì mà ông thích. Tám giờ có tiện cho ông không ?”

Dù trời đang mưa, chiều tối hôm ấy ông Ủy viên vẫn đi bộ đến.

“Vì ông không đến bằng chiếc Citroen đen, nên tôi mạn phép coi như ông chọn đến với tư cách ông Charas, ngoài phạm vi công tác”.

“Tôi để xe bên lề đường”, ông Ủy viên lầm bầm và toe toét cười trong khi người làm của tôi đi lệt bệt với chiếc áo mưa nặng trĩu.

Ông nói “Merci”, khi tôi đưa cho ông ly Pernod, ông nhỏ thêm vào vào mấy giọt nước để biến màu vàng hổ phách thành màu xanh sữa nhạt.

“Ông đã nghe về cô em dâu tội nghiệp của tôi rồi ?”

“Phải chỉ một lát sau khi anh gọi điện thoại cho tôi. Tôi rất tiếc nhưng thế lại tốt hơn. Đã bị buộc tội trong vụ án người em anh, là cuộc điều tra tự động chuyển sang cho tôi”.

“Tôi giả sử đó là vụ tự tử”.

“Không nghi ngờ gì nữa. Cyanide, các bác sĩ nói rất chính xác; tôi thấy có viên thứ hai trong gấu áo bị sổ của cô ấy”.

“Monsieur est servi”, người làm lên tiếng.

“Ông Charas à, tôi muốn cho ông xem một tài liệu rất lạ sau đây”.

“À, vâng. Tôi nghe nói bà Delambre viết rất nhiều nhưng chúng tôi không tìm thấy gì ngoài mảnh ghi chú ngắn báo cho chúng tôi biết bà tự tử”.

Suốt bữa ăn thân mật ấy, chúng tôi nói chuyện chính trị, sách báo, phim ảnh và một câu lạc bộ bóng đá địa phương mà ông là cổ động viên nhiệt tình.

Sau bữa ăn, tôi đưa ông lên phòng làm việc, một ngọn lửa sáng, thói quen tôi nhặt được trong chiến tranh bên Anh quốc, đang bập bùng.

Không hỏi han gì, tôi đưa cho ông ly rượu mạnh và pha cho tôi một ly, thứ ông gọi là “nước cốt sâu bọ nghiền pha sô đa”, kiểu thưởng thức whisky của ông.

Không nói năng gì, ông ngồi xuống ghế cầm xấp giấy Helene đưa tôi hôm trước, bắt đầu đọc.

“Ông nghĩ sao ?” Tôi hỏi, hai mươi phút sau khi ông đã cẩn thận gấp xấp giấy của Helene lại, bỏ vào phong bì nâu, rồi đưa vào lửa.

Charas ngắm nghía ngọn lửa liếm chiếc phong bì, nơi có làn khói xám bốc ra và chỉ khi chỉ còn ánh lửa, ông mới  từ từ ngước mắt nhìn tôi và nói:

“Tôi nghĩ nó chứng minh rõ ràng bà Delambre đã hoàn toàn mất trí”.

Một lúc thật lâu, chúng tôi nhìn ngọn lửa nuốt lấy “bản thú tội” của Helene.

“Ông Charas, một chuyện buồn cười vừa xảy ra với tôi sáng nay. Tôi đến nghĩa trang nơi chôn chú em tôi. Nó trống không và tôi chỉ có một mình”.

“Không hẳn, ông Delambre. Tôi có mặt ở đó, nhưng tôi không muốn quấy rầy ông”.

“Vậy ông thấy tôi”.

“Phải, tôi thấy ông chôn một hộp diêm”.

“Ông biết có gì trong đó không ?”

“Tôi nghĩ, là con ruồi”.

“Phải, tôi tìm thấy nó sáng sớm nay, vướng vào lưới nhện trong vườn”.

“Nó chết rồi ?”

“Không, không hẳn. Tôi nghiền nó giữa hai viên đá. Đầu nó… trắng…trắng xóa.”

 

HẾT

 

Tháng 10.2021

NTH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết