TRÊN ĐỈNH CAO QUYỀN LỰC, KỲ 3

 

Chương 5

 

 THƯỢNG NGHỊ SĨ RICHARD DEVERAUX

 

 1

 

Vancouver Post là một tờ báo không có khuynh hướng đưa tin rụt rè, đã chấp nhận bài tường thuật đầy tình người của Dan Orliffe về Henri Duval, kẻ - sẽ - là – di – dân. Bài báo chạy phần trên trái trang nhất trong tất cả những ấn bản Ngày Áp Lễ Giáng Sinh . Hàng tít bốn cột chạy dòng chữ :

Kẻ Bơ Vơ Không Nhà Trên Biển

Đối Diện Với Lễ Giáng Sinh Lạnh Lẽo, Cô Đơn

Bên dưới cũng chạy ngang bốn cột với bốn mươi dòng in chữ đậm, và bức ảnh gã đi lậu trẻ tuổi, lưng tựa vào thành tàu. Điều khác thường đối với một tấm ảnh báo chí, ống kính đã bắt được chiều sâu tâm hồn mà giấy in xấu cũng không làm mất đi hết; nó vừa gợi ra vẻ khao khát vừa có vẻ ngây thơ.

Ảnh hưởng của bài báo và tấm hình lên tới mức mà viên chủ nhiệm đã ghi lên bản in thử, ‘ Tốt, ta cứ giữ cái tin sốt dẻo này.’ Và chuyển sang bàn giữa. Viên chủ bút, đang điện thoại cho Orliffe ở nhà, nói, ‘ Cố tìm cho được góc tới trong ngày thứ năm nhé Dan và xem xem ngoài cảnh sát ra, anh có moi thêm được gì bên Bộ Di trú không. Chuyện này có vẻ gây nhiều quan tâm đây.’

Tại địa phương, sự quan tâm bắt đầu lên tới đỉnh cao và kéo dài qua ngày lễ Giáng sinh. Trong thành phố và các vùng lân cận, gã đi lậu trên tàu Vastervik là chủ đề câu chuyện trong các gia đình, câu lạc bộ và các quán rượu. Có người nhắc đến lời thỉnh cầu của gã trẻ tuổi và xúc động đến rơi lệ; có người giận dữ nói đến “ thủ tục hành chánh khốn kiếp” và “sự vô nhân đạo của giới công chức”. Ba mươi bảy cú điện thoại gọi trong vòng một giờ sau khi phát hành, yêu cầu tờ Post phát động chiến dịch đưa vấn đề ra trước công luận. Như thường lệ trong các trường hợp như thế, tất cả những cú điện thoại đều được ghi lại cẩn thận để về sau, người ta có thể cho các nhà quảng cáo thấy bao nhiêu vụ đụng chạm đã xảy ra từ một bản tin động trời của tờ Post.

Còn có những dấu hiệu khác, năm nhà sản xuất đĩa hát ở địa phương đã thương cảm nhắc lại câu chuyện này trên đài phát thanh. Một người trong số họ đã tặng đĩa ‘ Silent Night” cho Henri Duval ‘ trong trường hợp người bạn chúng ta từ bảy đại dương sẽ hát cho đài được nghe nhiều nhất ở Vancouver’ . Ở khu phố Tàu, giữa những tiếng vỗ tay, một vũ nữ khỏa thân tuyên bố đã tặng buổi biểu diễn tới của cô cho ‘ người bạn nhỏ cô đơn trên con tàu.’ Và trên các bục giảng, ít nhất cũng có tám bài giảng Giáng sinh được vội vã sửa lại để đưa đề mục thời sự này vào với ý nghĩa, ‘ người lạ đang ở trong cửa của ta.’

Mười lăm người quá xúc động đã gởi thư cho viên chủ bút, thì mười bốn lá được lần lượt in. Lá thứ mười lăm, viết rất rời rạc, mô tả biến cố này là một âm mưu xâm nhập từ ngoài không gian, và Duval là điệp viên của Hỏa tinh . Ngoại trừ lá thư này, những lá còn lại đều đồng ý là có ai đó phải làm một cái gì đó, nhưng không nói rõ là cách nào hay ai.

Có một nhóm đã hành động thực tế. Một nhân viên trong Đạo Quân Cứu Rỗi và một mục sư Tin lành đã viết thư cho Duval và sau đó đến viếng thăm, một góa phụ trưởng giả một thời là chủ mỏ vàng đã đích thân gói quà tặng gồm thuốc lá, lương thực và gởi qua người tài xế mặc đồng phục lái chiếc Cadillac trắng đến tàu Vastervik. Nghĩ đi nghĩ lại bà gởi thêm một chai Whisky mà chồng bà ưa thích nhất. Lúc đầu tay tài xế định đánh cắp, nhưng trên đường đi, phát giác đó là món quà của một tấm lòng, y gói lại và chuyển đi.

Một nhà buôn đồ điện, đang chán chường đến mức tuyệt vọng vì tình trạng phá sản gần kề, vớ một chiếc radio xách tay trong đống đồ tồn kho, và hoàn toàn không biết vì sao mình làm thế, viết địa chỉ Duval trên mảnh bìa cứng, gởi lên tàu. Một nhân viên hỏa xa đã về hưu, đang đếm những năm tháng đời mình nhờ số lương hưu hàng tháng chỉ vừa đủ sống nếu như giá sinh hoạt còn giữ ở mức 1940, cũng bỏ hai đô la vào phong bì gởi đến tờ Post nhờ chuyển cho gã đi lậu. Một nhóm tài xế xe buýt, đọc bài tường thuật trên tờ Post trước khi đi làm, đã chuyền tay một cái mũ và thu được 7 đô la 30 xu. Chủ nhân chiếc mũ đã tự tay đưa cho Duval vào ngày lễ Giáng sinh.

Những đợt sóng lan xa ngoài Vancouver.

Bài tường thuật đầu tiên xuất hiện trên tờ Post, ấn bản nội địa lúc 10 giờ sáng, ngày 24 tháng 12. Lúc 10 giờ 10 phút, bộ phận điện tín Thông tấn xã Canada, đã viết lại rồi tóm tắt bản tin và chuyển cho các hãng thông tấn và các đài phát thanh ở phương Tây. Một bộ phận điện tín khác chuyển tin cho báo chí Tây phương và Thông tấn xã Canada ở Toronto lại chuyển cho AP và Reuters ở New York. Các hãng thông tấn Mỹ đang đói tin vào ngày lễ Giáng sinh, đã dặm mắm thêm muối rồi tung đi khắp thế giới.

Tờ Star ở Johannesburg dành cho bản tin này một đoạn hai phân rưỡi, tờ Europa Press ở Stockholm dành ¼ cột. Tờ Daily Mail chạy bốn dòng và tờ Times of India đăng cả một bài xã luận. Tờ Herald ở Melbourne làm một bản tin ngắn, tờ La Prensa ở Buenos Aires cũng vậy. Tờ Pravda ở Moscow coi biến cố này như một “ sự khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản.”

Ở New York, đại diện Peru tại Liên Hiệp Quốc biết chuyện yêu cầu họp Đại hội đồng để giải quyết vấn đề. Ở Washington, đại sứ Anh nghe bài tường thuật và nhíu mày.

Tin tức này đến Ottawa vào đầu buổi trưa vừa kịp lúc cho các ấn bản sau cùng của hai tờ báo buổi chiều ở thủ đô. Tờ Citizen chạy trang bìa theo bản tin của Thông tấn xã Canada và châm thêm :

Con Người Bị Chối Bỏ Tổ Quốc

Van Xin “ Hãy Cho Tôi Vào”

Trang trọng hơn, tờ Journal chạy bản tin trên trang ba dưới tựa đề :

Kẻ Đi Lậu Dưới Tàu

Yêu Cầu Vào Đây

Brian Richardson đang nghiên cứu vấn đề đảng phải đối phó khi các đề nghị mật của Washington ngẫu nhiên bị lọt ra ngoài, đọc cả hai tờ báo này trong văn phòng đơn sơ của ông nằm trên đường Sparks. Viên trưởng ban nhân sự đảng là một người có thân hình lực sĩ cường tráng, mắt xanh , tóc màu cát, má hồng hào. Thái độ ông lúc nào cũng mang vẻ hoài nghi một cách khôi hài, nhưng ông cũng có thể dễ dàng nổi giận và người ta vẫn cảm thấy trong ông có một sức mạnh tiềm ẩn. Ông buông thân hình vai u thịt bắp của mình xuống cái ghế tựa nghiêng, gác cả hai chân lên bàn bừa bộn, ống píp mgậm giữa hai hàm răng. Văn phòng vắng vẻ và yên lặng. Viên phó của ông, cùng các phụ tá , nhà nghiên cứu và các nhân viên văn phòng hình thành ban tham mưu có kích thước đáng nể trong bộ tư lệnh của đảng, đã về nhà cả, lỉnh kỉnh những quà Giáng sinh vài giờ trước.

Đọc hết hai tờ báo từ đầu tới cuối, ông đọc bản tin gã đi lậu. Kinh nghiệm già đời đã tạo cho ông một cái mũi rất nhạy với   rắc rối chính trị và hiện giờ nó đang có phản ứng. So với các vấn đề lớn lao hơn đang còn treo đó, ông biết câu chuyện này không quan trọng, cũng như nhau thôi, đó là loại sự việc mà công chúng thích dí mũi vào. Ông thở dài, vẫn còn thời gian khi những sự bực mình này còn kéo dài vô tận. Ông vẫn chưa nghe tin gì của Thủ tướng từ khi ông ấy gọi điện thoại cho Milly lúc sáng sớm. Ông uể oải bỏ cả hai tờ báo sang bên, nhồi lại tẩu thuốc và một lần nữa, ngồi chờ đợi.

 

2.

 

 Cách Brian Richardson chưa tới bốn trăm mét trong một căn phòng kín bất khả xâm phạm ở Câu lạc bộ Rideau trên đường Wellington, Thượg nghị sĩ Richard Devereaux, đang giết thời gian chờ chuyến bay ông đã định đến Vancouver, cũng đọc cả hai tờ báo nói trên, rồi dụi điếu xì gà vào gạt tàn và vừa mỉm cười vừa xé mẩu tin về gã đi lậu ra. Khác với Richardson vẫn vững hi vọng là vụ này sẽ không làm chính phủ lúng túng, ông Thượng nghị sĩ – lãnh tụ đảng đối lập – hài lòng tin điều ngược lại.

Thượng nghị sĩ Devereaux đã đánh cắp mẩu tin này trong phòng đọc sách của Câu lạc bộ Rideau – một căn phòng sang trọng , vuông vức nhìn xuống đồi Quốc hội, gác ở cửa vào là bức tượng bán thân bằng đồng của Nữ hoàng Victoria. Đối với ông Thượng nghị sĩ già nua, cả phòng đọc sách và Câu lạc bộ  đều là chốn cư ngụ quen thuộc xa xưa.

Câu lạc bộ Rideau của Ottawa ( như các hội viên vẫn gọi) là một nơi kín đáo và khó gia nhập đến mức ngay cái tên của nó cũng không xuất hiện ra ngoài tòa nhà. Khách bộ hành đi ngang qua không bao giờ biết được nơi đây là gì, nếu có tò mò chắc họ cũng cho đây là một dinh thự của tư nhân tuy có phần hoang phế.

Trong Câu lạc bộ, trên sảnh đường với lối vào có hàng cột chống và cầu thang rộng phân ra nhiều ngã, không khí có loãng đi. Không có luật cấm gây tiếng động, nhưng một sự thinh lặng như nấm mồ ngự trị hầu như suốt ngày và các hội viên có khuynh hướng chỉ nói thì thào.

Thành phần hội viên của Câu lạc bộ Rideau, dù không phải là đảng viên, gồm phần lớn là các chính trị gia hàng đầu của Ottawa – các Bộ trưởng trong Nội các, Thẩm phán, Thượng nghị sĩ, các nhà ngoại giao, các tham mưu trưởng quân đội, các công chức cao cấp, một nhóm nhà báo đáng tin cậy và một số Nghị sĩ Quốc hội đủ khả năng đóng hội phí cao. Nhưng bất chấp chính sách không đảng phái, nhiều hoạt động chính trị đã tiến hành ở đây. Trong thực tế, một số quyết định quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển của Canada đã được hình thành, qua khói thuốc xì gà và rượu mạnh, bởi những bạn bè chí thiết trong Câu lạc bộ, ngồi thoải mái trong những chiếc ghế bành bọc da đỏ, như ngài Thượng nghị sĩ Devereaux đang ngồi đây.

Khoảng bảy mươi lăm tuổi, Richard Borden Devereaux có dáng dấp oai nghiêm – lưng cao, thẳng, mắt sáng và thân hình khỏe mạnh dù suốt cả đời không hề tập thể thao. Bụng ông phệ ra nhưng lại không buồn cười. Tính cách ông là sự hài hòa đáng yêu giữa ngay thẳng và mã thượng, có gây ảnh hưởng nhưng hiếm khi làm mích lòng. Ông nói nhiều và gây ấn tượng là ông không nghe ai hết, nhưng thật ra ông rất ít khi bỏ sót điều gì. Ông có thế lực, ảnh hưởng và cả một gia tài vĩ đại tạo dựng từ đế quốc khai thác gỗ ở miền tây Canada thừa hưởng từ tổ tiên Devereaux.

Và lúc này đây, ngậm điếu xì gà hếch lên, ông Thượng nghị sĩ bắt đầu đứng dậy đi lại chỗ một trong hai chiếc điện thoại mật – đường dây liên lạc trực tiếp - ở phía sau Câu lạc bộ. Ông quay hai lần mới liên lạc được với ngài Bonar Deitz, thủ lãnh phái đối lập trong nghị viện, Deitz đang ở văn phòng trong khu trung tâm.

Thượng nghị sĩ Devereaux nói, ‘ Chú em Bonar, tôi rất vui, bất ngờ trong ngày Áp Lễ, mà lại thấy chú làm việc siêng vậy.’

Tiếng Deitz vắn tắt, ‘Tôi bận viết thư. Tôi đang chuẩn bị về nhà đây.’

Ông Thượng nghị sĩ la lên, ‘ Tuyệt diệu! Trên đường về, chú ghé vào Câu lạc bộ có được không? Có chuyện đấy, ta cần phải gặp nhau.’

Tiếng phản đối ở đầu dây bên kia, ông Thượng nghị sĩ cắt ngang, ‘ Nào chú em. Đó không phải là thái độ thích hợp – không phải chút nào nếu chú muốn bên chúng ta thắng trong kỳ bầu cử và sẽ đưa chú em nắm chức Thủ tướng thay vì cái bị thịt James Howden. Mà chú thì muốn làm Thủ tướng chứ, chú em?’ Giọng ông Thượng nghị sĩ như vuốt ve, ‘ Phải, chú sẽ làm thế, chú em Bonar, đừng sợ. Đừng có dây dưa nữa. Tôi đang chờ đây.’

Ông Thượng nghị sĩ hớn hở nhẹ bước đến chiếc ghế đặt trong hàng hiên chính ở Câu lạc bộ, bộ óc quỷ quyệt của ông đang tính toán những phương pháp để xoay chuyển bản tin ông vừa đọc theo chiều có lợi cho đảng đối lập. Chẳng mấy chốc, một đám mây khói thuốc lá lơ lửng trên đầu khi ông đang dượt bài tập trí tuệ.

Richard Devereaux chưa bao giờ làm chính trị gia, cả khi còn trẻ đến khi về già, dù là một nhà lập pháp quan trọng. Lãnh vực ông chọn lựa là vận dụng đến chính trị và ông đã theo đuổi nó suốt cả đời. Ông rất khoái trò chơi sử dụng thế lực nửa ẩn nửa hiện. Trong nội bộ đảng , ông nắm giữ vài bộ phận về bầu cử ( lãnh địa thường trực của ông với tư cách trưởng ban tổ chức chỉ là một ngoại lệ đến sau), song trong các vấn đề của đảng, ông nắm quyền lực thực sự như một vài người trước ông vậy. Việc này không có gì là tà đạo. Đơn giản nó chỉ dựa trên hai yếu tố - một sự nhạy bén tự nhiên về chính trị mà trong quá khứ nó đã khiến lời khuyên của ông được triệt để thi hành cộng thêm việc sử dụng đồng tiền hợp pháp.

Trong một trong những thời gian ông nắm quyền, những hành động hỗ tương này đã mang lại cho ông một phần thưởng quí giá để tưởng thưởng cho lòng trung thành với đảng – sự chỉ định suốt đời vào Thượng nghị viện Canada – địa vị mà một trong các thành viên của nó đã có lần mô tả chính xác là “ giai cấp lãnh hưu bỗng cao nhất ở Canada.”

Như hầu hết các đàn anh của ông, Thượng nghị sĩ Devereaux hiếm khi tham dự vài cuộc tranh luận chiếu lệ được tổ chức để chứng tỏ sự hiện diện của mình, ông chỉ đứng dậy phát biểu trong có hai trường hợp.

Lần đầu để đề nghị dành thêm chỗ đậu xe cho các Thượng nghị sĩ trên đồi Quốc hội, lần thứ hai là phàn nàn hệ thống thông gió trong Thượng nghị viện tạo ra nhiều gió quá. Cả hai thỉnh nguyện đều được thực hiện, như Thượng nghị sĩ Devereaux vẫn có thói quen quan sát một cách khô khan, ‘ còn hơn là anh đọc hầu hết các bài diễn văn của Thượng nghị viện.’

Đã mười phút, từ lúc gọi điện thoại mà viên lãnh tụ đảng đối lập vẫn chưa xuất hiện. Nhưng ông biết cuối cùng thì Bonar Deitz cũng sẽ đến. Và trong khi ấy, ông Thượng nghị sĩ nhắm mắt lại thiu thiu ngủ. Hầu như ngay tức khắc – tuổi tác và bữa ăn trưa thịnh soạn đã làm xong nhiệm vụ - ông đang ngủ say.

 

3.

 

 

Khu trung tâm Quốc hội vắng lặng như tờ khi ngài Bonar Deitz khép cánh cửa sồi nặng nề ở văn phòng quốc hội của ông, phòng 407S. Những bước chân nhanh nhẹn của ông vang lên đanh gọn trên sàn đá hoa suốt dãy hành lang dài, âm thanh vang vọng trên những mái vòm kiểu Gothic và những bức tường đá vôi kiểu Tyndall. Ông đã nán lại viết vài cái thư riêng, dài hơn là ông dự định và bây giờ việc ông đang đến Câu lạc bộ Rideau gặp ông Thượng nghị sĩ Devereaux sẽ còn làm ông về nhà trễ hơn nữa. Nhưng ông nghĩ tốt hơn để xem ông già này cần gì đã.

Không muốn chờ thang máy phiền phức, ông sử dụng cầu thang đá hoa vuông vức dẫn đến tiền sảnh chính. Chỉ còn hai dãy nấc thang nữa, ông bước nhanh nhẹn, thân hình dài lêu khêu di động theo những nhịp ngắn như một chú lính đồ chơi. Bàn tay mảnh mai thanh tú lướt nhẹ trên tay vịn bằng đồng.

Người lạ gặp Bonar Deitz lần đầu có thể lầm ông với một học giả mà thật ra, ông cũng là một người trong giới đó – chứ không phải một lãnh tụ chính trị. Các nhà lãnh tụ , theo truyền thống, có vẽ mạnh mẽ và uy quyền, mà bề ngoài của Deitz lại không có những yếu tố này. Bộ mặt gầy guộc hình tam giác – mà một họa sĩ biếm họa không quen biết có lần đã vẽ ông với cái đầu hình hạt hạnh nhân trên thân hình như trái đậu que –không có chút đẹp đẽ nào của một nhà chính trị để lôi cuốn cử tri chứ chưa nói đến những cái sẽ nói hay làm.

Song ông lại có số người ủng hộ đáng ngạc nhiên trong nước – có người nói là , trong số những người biết phân biệt, đó là những người nhìn thấy ở Deitz những phẩm chất tốt đẹp hơn và sâu xa hơn đối thủ chính của ông, James McCullum Howden. Dẫu sao thì trong cuộc bầu cử vứa qua, Howden và đảng của ông đã đánh bại Deitz một cách vẻ vang.

Khi ông bước vào phòng họp Đại hội, hành lang trần vòm phía ngoài với hàng cột bằng đá syenite đen cao vút bóng nhoáng, một người phục vụ đang đi với một thanh niên – trông giống một gã đợt sóng mới – quần lính thủy màu nâu, áo khoác Greenpell. Tiếng họ nói vọng lại rõ ràng.

‘ Rất tiếc, anh bạn. Tôi đâu có đặt ra luật lệ.’

Chàng trai nói giọng Mỹ, gần gần như giọng miền nam, ‘ Tôi công nhận, nhưng mà anh không thể coi đây như một ngoại lệ được sao. Tôi chỉ còn hai ngày là hết. Đoàn của tôi đang bắt đầu trở về…’

Bonar Deitz bất giác ngừng lại. Đây không phải việc của ông, nhưng có cái gì ở chàng trai này… Ông hỏi, ‘ Có việc gì vậy?’

Người phục vụ trả lời, ‘ Thưa ông Deitz, anh này muốn đi thăm tòa nhà.Tôi đã giải thích là không thể được, đang ngày nghỉ…’

Chàng trai nói, ‘ Thưa ông, tôi ở Viện Đại học Chattanooga, chuyên ngành lịch sử hiến pháp. Tôi nghĩ là trong khi tôi còn ở đây…’

Deitz liếc nhìn đồng hồ, ‘Nếu nhanh nhanh lên thì để tôi chỉ cho cậu. Lại đây.’ Gật đầu với người phục vụ, ông quay lại con đường mà ông vừa đến.

Anh sinh viên cao gầy đi bên cạnh ông , những bước chân dài thong thả, ‘ Ông này, thật là lớn. Đẹp quá.’

 Deitz nói, ‘ Nếu cậu đang học lịch sử công pháp, cậu sẽ hiểu được sự khác biệt giữa hệ thống công quyền của nước cậu và Canada.’

Chành trai gật đầu, ‘ Tôi nghĩ là tôi hiểu được một phần lớn. Sự khác biệt lớn nhất là Tổng thống nước tôi được bầu ra, còn Thủ tướng nước ông không do bầu cử.’

Deitz nói, ‘ Ông ta không được bầu làm Thủ tướng. Để có ghế ở Hạ nghị viện, ông ta phải qua bầu cử để là nghị sĩ quốc hội, như tất cả những nghị sĩ khác. Sau một cuộc bầu cử thì lãnh tụ đảng chiếm đa số sẽ là Thủ tướng và sẽ thành lập Nội các từ những người cùng đảng với ông.’

Ông tiếp tục giải thích, ‘ Hệ thống của Canada là một thứ quân chủ lập hiến từ một đường dây quyền lực duy nhất thông suốt từ dưới lên trên, từ tầng lớp cử tri bình thường qua chính phủ đến triều đình. Hệ thống của các cậu là sự phân quyền, quyền lực được phân chia giữa Tổng thống và Quốc hội.’

Chàng trai nói, ‘ Sự kiểm soát và cân bằng chỉ có khi được kiểm tra chặt chẽ, không có gì thì quyền cũng không làm được gì.’

Bonar Deitz mỉm cười, ‘ Tôi không phê bình điểm đó. Ta có thể làm xáo trộn những liên hệ với ngoại quốc.’

Họ đi đến hành lang Hạ nghị viện. Bonar Deitz mở một trong những cánh cửa nặng nề ra và đi trước dẫn đường. Họ dừng lại, sự yên lặng sâu thẳm, như lắng đọng thành vật chất – bao trùm lấy họ. Chỉ có vài ngọn đèn được thắp sáng, còn ngoài tầm mắt họ, những hành lang cao vút và đường viền ngoài của Viện nhòa vào bóng tối.

Deitz nói khô khan, ‘ Khi Viện họp, không khí rất sôi động.’

Chàng trai nói khẽ, ‘ Tôi rất mừng được thấy như thế này. Nó… nó như một thánh địa.’

Deitz mỉm cười, ‘ Nó có những truyền thống rất xa xưa. ‘ Họ bước lên trước và ông giải thích, Thủ tướng và lãnh tụ đảng đối lập – chính là ông – đối đầu nhau như thế nào hàng ngày ngay trên sàn nhà Viện này, Ông nói, ‘ Cậu thấy đó. Chúng tôi nghĩ ngay thẳng có nhiều cái lợi. Với thể chế công quyền của chúng tôi, Hành pháp là một lực lượng đáng kể đối với Quốc hội trong mọi việc mà nó hành xử.’

Chàng trai tò mò nhìn người hướng dẫn, ‘ Thưa ông, nếu đảng ông được bầu nhiều người hơn thì ông sẽ là Thủ tướng thay vì lãnh tụ đảng đối lập ?’

Bonar Deitz gật đầu, ‘ Phải, đúng như thế.’

Chàng trai hỏi, vẻ thành thật tự nhiên, ‘ Ông có nghĩ ông sẽ làm được?’

Deitz nhăn mặt nói, ‘ Đôi khi, chính tôi cũng tự hỏi điều đó.’

Ông đã định chỉ dành ra có mấy phút thôi, Nhưng ông thấy mến chàng trai này và khi họ kết thúc cuộc nói chuyện, một thời gian dài đã trôi qua. Deitz nghĩ, lại một lần nữa, ông đã tự cho phép mình đi ra ngoài lề. Chuyện đó vẫn xảy ra thường xuyên. Đôi khi ông tự hỏi, có phải đó đúng là lý do khiến ông không thành công hơn nữa trên đường chính trị. Những người ông biết – James Howden là một – chỉ nhìn thấy một con đường thẳng và đi theo nó. Deitz không bao giờ làm vậy, cả về chính trị hay bất cứ gì khác.

Ông đã trễ hơn một giờ khi đến Câu lạc bộ Rideau. Ông vừa máng áo khoác lên vừa buồn rầu nhớ lại ông đã hứa với vợ hôm nay ông sẽ ở nhà cả ngày.

Ở hàng hiên trên lầu, Thượng nghị sĩ Devereau vẫn còn ngủ, đang ngáy nhè nhẹ. Bonar Deitz khẽ nói, ‘ Thượng nghị sĩ, Thượng nghị sĩ,’

Ông già mở mắt, định thần mất một lát, ‘ Tội nghiệp cho tôi’ Ông duỗi thẳng lưng trong chiếc ghế bành to tướng, ‘ Hình như tôi đã quên đi mất.’

Bonar Deitz nói, ‘ Mong là ông hãy nghĩ ông đang ở trong Thượng nghị viện.’ Và ông ngồi vào chiếc ghế bên cạnh, người gãy gập như một cây trụ cong vẹo.

Thượng nghị sĩ Devereaux cười mím, ‘ Nếu vậy chú đánh thức tôi không dễ đâu.’ Ông nhìn quanh, với tay lấy một cái túi và lấy ra mẩu báo. ‘ Chú đọc đi.’

Deitz sửa lại cái kính không gọng bao và đọc cẩn thận, trong khi ông Thượng nghị sĩ xé một điếu xì gà và đốt.

Deitz ngước lên, khẽ khàng, ‘ Thưa Thượng nghị sĩ, tôi có hai câu hỏi.’

‘ Chú hỏi đi.’

‘ Câu đầu tiên là – bởi vì năm nay tôi đã sáu mươi hai tuổi, ông có nên nghĩ là ông đừng gọi tôi là “ chú em” nữa, được không?’

Ông Thượng nghị sĩ cố nín cười, ‘ Ra đó là nửa khối lo của anh bạn – anh muốn làm người lớn trước tuổi. Đừng lo; tuổi già sẽ đến nhanh lắm. Nào, còn câu thứ hai của chú em?’

Bonar Deitz thở dài. Ông biết là tốt hơn đừng có tranh cãi với ông già này. Ông ngờ rằng ông già này đang khuyến dụ ông. Ông mồi điếu thuốc và hỏi, ‘ Có chuyện gì về cái gã ở Vancouver – Henri Duval? Ông có hay gì không?’

Thượng nghị sĩ Devereaux vung điếu xì gà như đang vất cái gì đi, ‘ Tôi không biết gì cả. Ngoại trừ điều là vào lúc tôi biết chú nhỏ bất hạnh này và ý nguyện không ai thèm lưu ý là muốn vào nước ta, tôi tự nhủ: đây là cơ hội để quậy lên đống phân làm đối thủ chúng ta lúng túng.’

Có vài người nữa đi vào phòng, họ chào Deitz và Thượng nghị sĩ Devereaux khi đi qua. Ông Thượng nghị sĩ cố ý hạ thấp giọng, ‘ Chú có nghe chuyện ở dinh Toàn quyền tối qua chưa? Có đánh nhau! – giữa các thành viên Nội các.’

Bonar Deitz gật đầu. ‘ Lưu ý chú là ngay dưới mũi vị đại diện của Nữ hoàng đấy nhé.’

Deitz nói, ‘ Chuyện này xảy ra làm tôi nhớ có lần người của chúng ta đã gây ầm ỹ… ‘

Thượng nghị sĩ Devereaux hình như bị xúc động, ‘ Xin chú ! Chú đang phạm một tội chính trị rất nặng đấy. Chú đang cố tỏ ra chơi đẹp.’

Bonar Deitz nói, ‘ Xem nào, tôi có hứa với vợ tôi…’

‘ Tôi nói vắn tắt thôi.’ Đẩy điếu xì gà qua khóe miệng trái, ông Thượng nghị sĩ nắm hai bàn tay vào nhau, nhìn từng điểm trên những ngón tay mập mạp. ‘ Điểm thứ nhất: đối thủ chúng ta đã có bất hòa trong nội bộ, như cái vụ xấu xa đêm hôm qua. Điểm thứ hai: từ những gì mà những người thông tin cho tôi báo lại, tia lửa bắn ra từ vụ nổ này liên quan đến việc nhập cư và Harvey Warrender – cái lòng đỏ trứng đã thối rồi. Chú có hiểu tôi rõ không?’

Bonar Deitz gật đầu, ‘ Tôi đang nghe đây.’

‘ Tốt lắm. Điểm thứ ba: về vấn đề nhập cư, những trường hợp cá nhân được đưa ra công luận rất trễ - cái mà ta gọi là những trường hợp làm xúc động đã bị giải quyết một cách hời hợt đáng tởm… đáng tởm theo quan điểm đối thủ chúng ta…, chứ dĩ nhiên không phải của chúng ta… sự hời hợt đáng tởm về thực thi chính trị và sự đụng chạm của những trường hợp này đến lương tâm công chúng. Chú có đồng ý không?’

Lại gật đầu, ‘ Tôi đồng ý,’

Thượng nghị sĩ Devereaux hớn hở, ‘ Tuyệt lắm. Giờ đến điểm thứ tư. Hình như rất có thể ông Bộ trưởng Di trú mất tư cách của chúng ta sẽ giải quyết gã Duval bất hạnh này cũng một cách ngu xuẩn như những trường hợp khác. Ở bất cứ mức độ nào, ta cũng hi vọng thế.’

Bonar Deitz mỉm cười.

Ông Thượng nghi sĩ vẫn hạ giọng, ‘ Do đó, chúng ta – đảng đối lập chúng ta – hãy nắm lấy nguyên nhân chú nhỏ này. Chúng ta hãy đưa vụ này ra trước công luận, đập một cú vào mặt chính phủ gã Howden cứng cổ kia. Chúng ta hãy…’

Bonar Deitz nói, ‘ Tôi hiểu rồi. Ta sẽ kiếm thêm được vài phiếu nữa. Đó không phải là một ý dở.’

Viên lãnh tụ phái Đối lập nhìn Thượng nghị sĩ Devereaux một cách thận trọng qua đôi mắt kính. Ông tự nhủ, đúng là ông Thượg nghị sĩ đang già đi một cách nào đó, nhưng cũng vẫn thế, nếu ta quên cái mệt mỏi thể xác kia đi, ông già này vẫn còn đó một bộ óc chính trị sắc bén phi thường. Deitz nói lớn, ‘ Điều làm tôi quan tâm nhiều hơn là tuyên bố sáng nay về cuộc họp ở Washington giữa Howden và Tổng thống. Họ nói đó là cuộc hội đàm thương mại nhưng tôi có cảm giác có cái gì đó quan trọng hơn. Ý tôi là yêu cầu họ giải thích đầy đủ hơn về nhựng gì họ sẽ thảo luận.’

Thượng nghị sĩ Devereaux nghiêm nghị lắc đầu, ‘ Tôi khuyên chú đừng nên làm vậy. Nó chẳng giúp ta thu lượm được chút tình cảm nào của dư luận và dưới mắt một số người, chú có thể là người nóng nảy. Tại sao lại ganh tỵ khi Howden tình cờ được dự bữa yến để sờ gấu quần Bạch Ốc? Đó là một trong những đặc quyền của chức vụ. Một ngày nào đó chú em cũng sẽ làm vậy mà.’

Bonar Deitz nói chậm rãi, ‘ Nếu đúng là hội đàm thương mại thì tại sao lại vào thời điểm đặc biệt này? Không có vấn đề khẩn cấp nào cả; cũng không có gì mới đang trong vòng tranh luận.’

Giọng ông Thượng nghị sĩ vang lên âm điệu chiến thắng, ‘ Đúng quá! Thời điểm nào thuận lợi hơn thế - khi mọi thứ trong chuồng của y đều yên ắng – để Howden tự biến mình thành vài ba chủ điểm và để được chụp hình trong một dịp lớn lao. Không, chú em, chú sẽ không mở được trận tấn công nào ra trò ở đó cả. Ngoài ra , nếu đó là chuyện thương mại thì bên ngoài ai trông nom chuyện các nhà xuất nhập khẩu?’

Bonar Deitz trả lời, ‘ Tôi và tất cả mọi người.’

‘ À! Nhưng ai làm và làm thực sự hay không lại là chuyện khác. Đó là số cử tri trung dung ta phải nghĩ đến, số cử tri này không hiểu vấn đề thương mại quốc tế và hơn nữa là không muốn. Cái mà họ lưu tâm là những tin tức họ có thể hiểu được – những tin tức về con người làm xúc động tâm tư họ, cái mà họ có thể khóc hay hoan hô, cái gì đó giống như anh thanh niên cô đơn và mất mát này, anh Henri Duval, một người cần biết bao một người bạn. Chú có muốn là bạn hắn không, chú em?’

Bonar Deitz trầm ngâm nói, ‘ Vâng, có lẽ ông nghĩ ra một cái gì đó.’

Ông dừng lời, ngẩm nghĩ, ông già Devereaux có lý ở một điểm, phái đối lập cần đến một tin tức có tính phổ cập để đập cho chính phủ tơi tả, bởi vì đã muộn rồi mà tất cả vẫn còn quá ít.

Còn một điểm nữa. Bonar Deitz biết rất rõ vì mới đây, trong những người ủng hộ ông đã dậy lên một làn sóng chỉ trích ông. Họ nói ông quá mềm yếu trong những đợt công kích, với tư cách là lãnh tụ Đối lập, về phía Chính phủ. Phải , có lẽ những lời chỉ trích này có lý, đôi khi ông có mềm yếu và ông cho đó là hậu quả của khả năng luôn luôn nhìn thấy được quan điểm của người khác. Trong những đòn phép của chính trị, cái hợp lý như thế có thể là bất lợi.

Nhưng một đòn tấn công về nhân quyền – nếu như dính đến chuyện này, và nó có thể lắm – phải, như thế sẽ khác đi. Ông có thể tấn công dữ dội, đập ngay vào chỗ hiểm của chính phủ và có lẽ, bằng cách đó, điểm số của ông sẽ được san bằng. Quan trọng hơn, đó có thể là trận tấn công mà báo chí và dư luận sẽ ủng hộ và cổ vũ.

Nhưng nó có giúp gì cho đảng ông trong kỳ bầu cử tới không? Đây là lần thử nghiệm thực sự và đặc biệt cho riêng ông. Ông nhớ lại câu hỏi của anh sinh viên trưa nay, ‘ Ông có nghĩ là ông có dịp tạo ra nó không?’ Câu trả lời thực sự sẽ nằm trong trận đánh sắp tới, sẽ quyết định đường này hoặc đường kia. Bonar Deitz đã đưa đảng đối lập qua một cuộc bầu cử dẫn tới thất bại. Một sự thất bại não nề đánh dấu sự kết thúc lãnh địa của ông với tư cách lãnh tụ và tham vọng làm Thủ tướng của ông. Nó có giúp gì cho trận đánh mà ông Thượng nghị sĩ đang đề nghị đây không? Ông quyết định, phải, nó rất có thể.

Bonar Deitz nói, ‘ Cám ơn ông Thượng nghị sĩ. Tôi nghĩ đề nghị của ông hợp lý. Nếu có thể làm được, chúng tôi sẽ đưa vụ Duval này ra, và sẽ còn nhiều chuyện nhập cư khác chúng tôi sẽ đưa ra cùng lúc.’

Ông Thượng nghị sĩ vui mừng, ‘ Giờ chú biết nói chuyện rồi đấy.’

Deitz nói, ‘ Sẽ phải có vài biện pháp dự phòng.’ Ông liếc những người ở trong hàng hiên để chắc chắn không có ai nghe lén, ‘ Chúng ta phải nắm chắc được cái gã ở Vancouver này muốn gì và phải thật hợp tình hợp lý. Rõ ràng như thế, phải không?’

‘ Tất nhiên, chú em. Tất nhiên rồi.’

‘ Ông có đề nghị chúng ta nên bắt đầu như thế nào không?’

Thượng nghị sĩ Devereaux nói, ‘ Đầu tiên là phải kiếm một luật sư cho chú nhỏ này. Đích thân tôi sẽ lo vụ này vào ngày mai ở Vancouver. Sau đó sẽ là những trình tự pháp lý mà ta tin là Bộ Di trú sẽ áp dụng với sự nhẫn tâm thường lệ. Và rồi… Ừ mà, còn lại sẽ là phần chú.’

Ông lãnh tụ đảng đối lập gật đầu đồng ý. ‘ Nghe được lắm. Cón một điều nữa là, luật sư.’

‘ Tôi sẽ tìm đúng người. Người mà ta có thể tin cậy. Chú cứ yên chí.’

Bonar Deitz nói chậm chạp, suy nghĩ hiện ra thành lời, ‘ Ta nên khôn khéo để chọn luật sư không phải là người trong đảng chúng ta. Như thế khi ta bước lên sân khấu , nó không có vẻ là một vụ phá rối. Tốt nhất là viên luật sư này không thuộc về một đảng nào cả.’

‘ Một ý rất hay. Dĩ nhiên có vấn đề là hầu hết luật sư của chúng ta đều ủng hộ không đảng này thì đảng kia.’

Bonar Deitz cẩn trọng nói, ‘ Không phải tất cả các luật sư đều vậy. Chẳng hạn, những người mới, những người đang thực tập, vừa tốt nghiệp trường luật.’

Thượng nghị sĩ Devereaux cười toe, ‘ Tuyệt diệu. Đúng là chú em của ta! Ta sẽ tìm một người vô can.’ Miệng ông cười rộng hơn nữa, ‘ Một con cừu non ta sẽ dắt nó đi.’

 

4.

 

Trời vẫn còn tuyết, ẩm ướt khi Brian Richardson, khăn quàng , giày ống và áo choàng kéo cao cổ, rời văn phòng trên đường Sparks đi bộ một đoạn ngắn đến đồi Quốc hội. Thủ tướng rồi cũng gọi điện thoại cho ông và nói, ‘ Tốt hơn anh nên đến. Có nhiều việc tôi muốn bàn.’

Sải những bước dài len qua đám đông đi mua quà Giáng sinh, Richardson rùng mình vì cái lạnh càng lúc càng tê tái hơn khi hoàng hôn đang phủ xám trên thành phố. Richardson cùng ghét mùa đông và Giáng sinh như nhau – ghét cái thứ nhất vì phải ăn mặc lệ bộ cứng nhắc cho đủ ấm, cái thứ hai vì chủ trương thuyết bất khả tri luận cái mà ông thuyết phục nhiều người khác cùng chia xẻ nhưng lại không chịu chấp nhận nó. Có lần ông đã nói với James Howden, ‘ Giáng sinh còn mười lần giả tạo hơn bất kỳ thứ chính trị nào ông từng thấy, nhưng không ai dám nói thế. Tất cả họ đều bảo ông là “ Giáng sinh bị thương mại hóa quá.” Quỷ thần! – cái mẩu thương mại nhất chính là phần tạo ra ý nghĩa.

Và khía cạnh thương mại này dính chặt váo ý thức Richardson khi ông đi qua những cửa hiệu, hầu hết đều trang hoàng chói lọi theo chủ đề Giáng sinh. Ông cười trước những bảng hiệu mà trước đó ông đã lưu ý. Ở cửa sổ phòng trưng bày đồ phụ tùng là tấm bảng màu xanh lục sáng chói thiết trí bằng đèn neon một câu trích dẫn sai, BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO NGƯỜI THIỆN TÂM. Bên dưới là một bảng khác, sáng không kém, HÃY HƯỞNG NGAY BÂY GIỜ, TRẢ TIỀN SAU.

Ngoài mấy gói quà – có cả một cho Milly Freedeman, mà ông phải mua trước buổi chiều nay – Brian Richardson rất mừng là ông không có một kế hoạch nào khác cho Giáng sinh. Như James Howden, chẳng hạn, bị buộc đi dự thánh lễ sáng mai, như ông vẫn làm hầu như mỗi chủ nhật, dù niềm tin tôn giáo của ông có vẻ không hiện hữu như chính Richardson. Có lần, nhiều năm trước, khi Richardson còn làm một nhân viên kế toán quảng cáo, một khách hàng kỹ nghệ gia quan trọng đã bảo kê một chiến dịch vận động đi lễ nhà thờ mà Richardson phải thi hành, khách hàng này đề nghị rõ ràng là Richardson nên nghe theo khuyến cáo của ông và trở thành người phụng sự nhà thờ. Việc kết toán sổ sách kỹ nghệ là điều rất quan trọng không thể mạo hiểm, nhưng ông đã được bí mật giải thoát khi đại lý này về sau mất sổ sách kế toán và ông khách hàng đặc biệt ấy không còn phải được khuyên giải nữa.

Đó là một trong những lý do khiến ông thích thú với công việc hiện nay của mình. Không có khách hàng nào để ông phải khuyên giải và nếu có thì do những người khác thi hành theo lệnh Richardson và bởi vì ông ở ngoài tầm mắt của công luận, nên cũng không có phòng tuyến nào phải duy trì. Loại công việc đó là công việc của chính trị gia. Không bị phiền phức phải xuất hiện, ông trưởng ban nhân sự có nhiệm vụ ở trong bóng tối. Sau bóng tối đó, ông có thể sống theo ý mình.

Đó là một lý do khiến ông tỏ ra ít chú ý hơn Milly Freedeman về chuyện vách có tai khi họ hẹn hò nhau tối nay, dù rằng ông nghĩ, có lẽ ngoài sự suy xét, ông phải thận trọng hơn lúc khác. Nếu như còn một lúc nào khác.

Một cô gái mặt mũi tầm thường mặc đồng phục của Đạo quân Cứu rỗi lắc cái chuông cầm tay vào mặt ông. Bên cạnh cô trên bục là một lọ thủy tinh trong có nhiều đồng tiền, phần lớn là đồng xu và đồng bạc nhỏ. ‘ Xin ông dành cho chút ít, đó là niềm vui Giáng sinh cho kẻ khó.’ Giọng cô run run, mặt cô đỏ ửng lên vì lạnh. Richardson lần túi móc ra một tờ giấy bạc trong mớ tiền lẻ. Đó là tờ 10 đô la và như có quán tính, ông thả nó vào lọ thủy tinh.

Cô gái nói, ‘ Chúa ở cùng ông và xin cầu phúc cho gia đình ông.’

Richardsom cười. Ông nghĩ, việc giải thích sẽ làm hỏng mất cảnh này; giải thích rằng không bao giờ có gia đình, có con trẻ như ông từng phác họa về cái mà ông nghĩ đến như những giây phút xúc động sâu xa. Tốt hơn đừng giải thích rằng ông và vợ ông, Eloise đã thu xếp với nhau là mỗi người sẽ đi theo con đường của mình, theo đuổi những quyền lợi riêng rẽ nhưng vẫn giữ cái vỏ hôn nhân tới mức thích hợp, đôi khi vẫn ăn chung với nhau và nếu điều kiện cho phép, có những mối liên hệ tình cảm riêng tư.

Ngoài ra, không còn gì khác, không còn gì còn lại, không cả những vụ cãi nhau gay gắt vẫn thường có. Ông và Eloise giờ thì không bao giờ cãi nhau nữa, họ đã chấp nhận, vũng nước ngăn cách họ quá lớn để cho những khác biệt có thể bắc cầu. và một cách muộn màng, khi những mối quan tâm khác trở nên quan trọng hơn - công việc của ông phần lớn dành cho đảng – cái còn lại hình như chỉ là những vấn đề nhỏ nhặt.

Có người có thể thắc mắc sao họ lại duy trì hôn nhân cho phiền phức, vì ly dị ở Canada ( chỉ trừ ở hai tỉnh) tương đối dễ dàng, chỉ phải thề thốt qua loa là tòa án sẽ chấp nhận. Sự thật là cả ông và Eloise đều là những người có gia đình mà lại tự do hơn là nếu họ chia tay nhau. Cứ như tình hình hiện thời thì mỗi người đều có những vấn đề. Nhưng nếu có vấn đề nào trở nên phức tạp, thì sự kiện một cuộc hôn nhân tồn tại sẽ là cái bề ngoài thuận tiện. Hơn nữa, kinh nghiệm riêng của họ cho họ thấy là một cuộc hôn nhân thứ hai cũng không thành công gì hơn lần thứ nhất.

Ông gấp bước, vội vàng để thoát khỏi tuyết và lạnh. Bước vào khu Đông yên lặng, vắng vẻ, ông theo cầu thang đi lên và vào văn phòng Thủ tướng.

Milly Freedeman, áo choàng len màu san hô, giày đi tuyết viền lông thú, đang soi gương để sửa lại cái mũ hình quả chuông bằng lông chồn trắng. Cô nhìn quanh, mỉm cười, ‘ Tôi được lệnh về nhà. Anh cứ vào; nếu có họp Hội đồng Quốc phòng, anh sẽ phải họp lâu đấy.’ Richardson nói, ‘ Không thể quá lâu. Tôi được hẹn trễ.’

‘ Có lẽ anh nên hủy nó đi.’ Milly đã quay đi, cái mũ đã ở đúng vị trí. Ông nghĩ, nó là cái mũ mùa đông đẹp nhất, thực tế nhất và hấp dẫn nhất. Mặt cô sáng lên, đôi mắt to màu xanh xám lóng lánh.

Richardson nói, ‘ Tôi sắp vào địa ngục.’ Mắt ông, nhìn khắp người cô, ngưỡng mộ một cách thành thật. Rồi ông tự báo trước cho mình cái quyết định phải thực hiện tối nay.

 

5.

 

 Khi nói xong, James Howden mệt mỏi đẩy dịch ghế ra sau. Phía đối diện, nơi khách ngồi ở cái bàn bốn chân kiểu cổ điển mà các đời Thủ tướng kế tiếp nhau đã làm việc, Brian Richardson ngồi yên lặng suy nghĩ, bộ óc mẫn tiệp của ông đang sắp xếp và nghiền ngẫm những dữ kiện ông vừa được cung cấp. Dù đã biết khá rõ về những đề nghị của Washington, đây là lần đầu ông tóm tắt chi tiết. Howden cũng đã báo cho ông về phản ứng của Hội đồng Quốc phòng. Bây giờ những ý nghĩ của ông trưởng ban nhân sự đảng, như những động mạch và tĩnh mạch trong cơ thể người đang rộn rịp chạy đi mọi ngã, đánh giá phần nợ và phần có, những ám chỉ và những ngẫu nhiên, những hành động và phản ứng, tất cả bằng một tài năng đặc biệt. Các chi tiết sẽ được bổ sung sau, nhiều chi tiết. Cái cần ngay bây giờ là một kế hoạch chung về chiến lược – một kế hoạch mà, Richardson biết, sẽ cực kỳ quan trọng hơn bất kỳ kế hoạch nào khác ông đã thảo ra. Vì nếu ông sai lầm, nghĩa là thất bại cho đảng, và có lẽ hơn cả thất bại nữa, là sự suy vong.

James Howden nói, ‘ Còn một việc nữa.’ Ông đứng dậy, đến bên cửa sổ nhìn xuống đồi Quốc hội , ‘ Adrian Nesbitson phải đi thôi.’

Richardson lắc đầu một cách cương quyết, ‘ Không! Về sau này thì có lẽ ,nhưng bây giờ thì không. Nếu ông buông rơi Nesbitson, dù ta có đưa ra lý do gì, nó vẫn là sự rạn nứt của Nội các. Đó là điều tệ hại nhất có thể xảy ra.’

Howden nói, ‘ Tôi sợ là anh đã nghĩ tới chuyện đó. Điều đáng lo là ông ta hoàn toàn vô dụng. Nhưng tôi cho là chúng ta có thể thu xếp, nếu như phải làm.’

‘ Ngoài lý do đó ra, ông có thể giữ ông ta lại trong hàng ngũ không?’

Thủ tướng chà tay lên cái mũi dài và khoặm, ‘ Tôi nghĩ thế. Tin tin là ông ta cần cái gì đó. Tôi có thể sử dụng nó để mặc cả.’

Richardson nghi ngại nói, ‘ Tôi thấy mặc cả dễ hơn. Đừng quên ông già này có tiếng là thẳng thắn.’ Howden mỉm cười, ‘ Tôi sẽ nhớ lời anh khuyên. Còn gì nữa không?’

Viên trưởng ban tổ chức đảng đáp khô khan, ‘ Còn. Còn nhiều. Nhưng trước hết ta hãy nói về thời biểu. Tôi đồng ý là trong vấn đề quan trọng này, sẽ phải có một người được ủy nhiệm của quốc gia.’

Ông ngẫm nghĩ, ‘ Xét về nhiều mặt, cuộc bầu cử mùa thu sẽ là cơ hội tốt nhất của chúng ta.’ Howden nói dứt khoát, ‘ Ta không thể chờ lâu vậy. Sẽ phải là mùa xuân.’

‘ Chính xác là khi nào?’

‘ Tôi đã nghĩ đến việc giải tán Quốc hội ngay sau chuyến viếng thăm của Nữ hoàng và cuộc bầu cử có thể tổ chức vào tháng năm.’

Richardson gật đầu, ‘ Có thể được.’

‘ Phải được thôi.’

‘ Kế hoạch của ông sau cuộc hội đàm ở Washington là gì ?’

Thủ tướng suy nghĩ, ‘ Tôi nghĩ đến lời tuyên bố trước quốc hội, nghĩa là, ba tuần lễ kể từ bây giờ.’ Viên trưởng ban tổ chức cười, ‘ Đó là khi lò lửa bắt đầu.’

Howden cười gượng, ‘ Phải, tôi mong thế. Nó sẽ cho quốc gia có thời gian để quen với Hiệp ước Liên minh trước cuộc bầu cử.’

Richardson nói, ‘ Sẽ rất có ích nếu ta chinh phục được Nữ hoàng. Bằng cách đó, bà sẽ có mặt ở đây vào thời điểm giữa lời tuyên bố và cuộc bầu cử.’

Howden đồng ý, ‘ Đó cũng là ý tôi. Bà sẽ là biểu tượng của cái mà chúng ta đang duy trì và sẽ thuyết phục dân chúng - ở cả hai bên biên giới – rằng chúng ta không có ý định đánh mất tính cách quốc gia của ta.’

‘ Tôi coi đó như lời cam kết sẽ không có việc ký thỏa ước nào cho tới sau cuộc bầu cử.’

‘ Không. Nó phải được hiểu bầu cử là một quyết định thật sự. Nhưng chúng ta sẽ phải thương thuyết trước vì sau đó không còn thời gian nữa. Thời gian là cái dễ tạo ra vần đề nhất.’

Richardson nói, ‘ Luôn luôn là vậy. ‘ Ông ngừng lại, rồi thận trọng nói tiếp, ‘ Bởi vì có ba tuần trước khi công khai toàn bộ sự việc , rồi mười bốn tuần là đến bầu cử. Không dài nhưng sẽ có lợi điểm – vượt qua mọi việc trước khi vết nứt trở nên quá rộng. ‘ Giọng ông trở nên thuần túy nghề nghiệp. ‘ Được rồi. Đây là điều tôi nghĩ.’

Howden từ cửa sổ trở lại ghế ngồi. Nghiêng nó ra sau, ông chụm các đầu ngón tay lại và lắng nghe.

Brian Richardson nói, cân nhắc kỹ lưỡng. ‘ Mọi việc – tôi thực dự muốn nói là mọi việc tùy thuộc vào một việc duy nhất : sự tin tưởng. Phải có sự tin tưởng tuyệt đối và tin cậy ở một cá nhân – là ông; sự tin cậy phải tồn tại theo hàng ngang và hàng dọc ở trong nước theo từng cấp bậc. Không có sự tin cậy đó chúng ta sẽ thua; có nó, ta sẽ thắng.’

Ông dừng lời, suy nghĩ thật kỹ, rồi tiếp, ‘ Hiệp ước Liên minh… bên cạnh đó, tôi nghĩ ta phải tìm một tên khác… nhưng hình thức liên minh ông đề nghị không phải là quá đáng. Suy cho cùng ta cũng đang chuyển động theo hướng đó trong nửa thế kỷ nữa hoặc hơn và thật là điên nếu xoay ngược nó lại. Nhưng đảng đối lập sẽ làm hết sức để cho nó có vẻ như quá đáng. Tôi cho là ông khó mà chỉ trích họ được. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, họ sẽ có bằng chứng sống thực sự để họ giương nanh múa vuốt và Deitz cùng đồng bọn sẽ làm tới nơi tới chốn. Họ sẽ ném ra những lời như là “ phản bội”, “ bán đứng” và họ sẽ gọi ông là Judas.’

‘ Tôi đã bị gán cho những cái tên đó từ trước rồi, thế nhưng tôi cứ còn ở đây, phải không nào?’

Richardson vẫn không cười, ‘ Khôn ngoan là phải ở lại. Điều phải làm là củng cố hình ảnh của ông trong tâm trí công luận để dân chúng tuyệt đối tin vào ông và tin rằng ông làm bất cứ điều gì cũng là nhân danh họ.’

‘Phải hành động từ bây giờ hay sao?’

‘ Tự phụ không giúp gì cho một trong hai chúng ta,’ Richardson quát trả. Thủ tướng đỏ mặt nhưng không nói gì. Ông trưởng ban tổ chức tiếp, ‘ lần biểu quyết nội bộ sau cùng của chúng ta cho thấy là chính phủ - và ông – đã mất 4% số ủng hộ kể từ thời gian này năm ngoái và cá nhân ông yếu nhất ở miền Tây . Hay đó mới là một thay đổi nhỏ, nhưng nó vẫn là một khuynh hướng. Chúng ta, dẫu sao, cũng có thể thay đổi khuynh hướng nếu chịu làm cật lực và làm nhanh.’

‘ Anh đề nghị gì?’

‘ Tôi sẽ lập một bảng danh sách dài – ngày mốt. Một phần lớn , những việc này đòi hỏi phải ra khỏi đây.’ – Richardson khoát tay chỉ quanh phòng – và đi vòng quanh đất nước – để hứa hẹn, họp báo, lên truyền hình nơi nào sắp xếp được và phải bắt đầu sớm – ngay khi ông ở Washington về.’

‘ Anh đừng quên là Quốc hội sẽ tái họp trong chưa đầy hai tuần nữa. ‘ Richardson tự cho phép mình nở nụ cười. ‘ Tôi hi vọng ông sẽ không mất cái tài ngủ gật trên máy bay.’

‘ Thế là anh dự tính một phần trong chuyến đi này sẽ diễn ra trước khi tuyên bố ở Hạ viện.’

‘ Phải. Chúng ta sẽ thu xếp nếu làm nhanh được. Tới mức độ có thể được, tôi muốn tạo điều kiện cho đất nước này để mong chờ cái gì sẽ đến và đó là nơi mà những bài diễn văn của ông sẽ trở nên quan trọng. Tôi nghĩ ta nên thuê thêm vài người viết diễn văn – những người thực sự có tài để có thể làm ông vang danh bằng cả Churchill, Rooservelt và Billy Graham cộng lại.’

‘ Đồng ý. Hết chứ.’

Richardson nói, ‘ Tới bây giờ thì hết. À, ngoại trừ một điều – một điều phiền phức, tôi e rằng thế. Ta đang gặp một vụ rắc rối về nhập cư ở Vancouver.’

Howden bực mình nói, ‘ Lại nữa!.’

‘ Có một kẻ đi lậu dưới tàu, y không có tổ quốc và muốn vào đây. Hình như là báo chí đã quậy vụ này lên, nó phải được giải quyết nhanh.’ Và ông thuật lại các chi tiết đã được đăng trên báo chí trưa nay.

Howden chỉ muốn dẹp ngay vụ này sang bên. Xét ra, cũng phải có giới hạn số lượng các vụ việc có thể liên can đến cá nhân Thủ tướng, còn bao nhiêu chuyện khác nữa chứ…Thế rồi ông nhớ lại ý định quật Harvey Warrender xuống… Ý thức của chính ông rằng những vụ nhỏ nhặt như thế đôi khi lại trở nên quan trọng. Song ông vẫn lưỡng lự.

‘ Tối qua tôi có nói chuyện với Harvey Warrender.’

Richardson khô khan nói, ‘ Vâng, tôi có nghe.’

Harvey vẫn tự tranh luận với chính mình, ‘ Tôi muốn tỏ ra công bằng. Một vài điều Harvey nói tối qua cũng có ý nghĩa – về việc không cho nhập cư. Trường hợp đặc biệt anh có nói với tôi – người đàn bà đã bị trục xuất. Tôi biết là bà ta đang quản lý một nhà chứa ở Hồng Kông và bà ta có bệnh hoa liễu.’

Richardson tức giận nói, ‘ Nhưng báo chí đâu có in việc đó, dù chúng ta có để lộ ra. Cái người dân thấy chỉ là một bà mẹ và đứa trẻ bị ông ngoáo ộp trong chính phủ tống ra. Đảng Đối lập sẽ tận dụng ngay cơ hội này ở Quốc hội , phải không? Ông phải mang ủng mới lội qua được biển nước mắt.’

Thủ tướng mỉm cười.

Ông trưởng ban tổ chức bướng bỉnh tiếp , ‘Đó là lý do ta phải giải quyết ngay lập tức vụ Vancouver.’

‘ Nhưng chắc chắn anh không chấp nhận những kẻ đáng ghét – chẳng hạn như người đàn bà đó – làm dân nhập cư.’

Richardson lý luận ‘ Sao lại không? Nếu nó có nghĩa là tránh được dư luận xấu? Năm ngoái có đến một ngàn hai trăm trường hợp đặc biệt được chấp nhận, phần lớn là do các nghị sĩ của ta ép buộc. Ông có thể chắc chắn là trong đó cũng có vài con sâu, thế thì thêm vài người nữa thì có khác gì?’

Con số một ngàn hai trăm làm Howden ngạc nhiên. Dĩ nhiên, việc luật nhập cư của Canada thường xuyên bị bẻ cong chẳng phải mới mẻ gì, sự bẻ cong này là một hình thức bảo trợ được mọi đảng phái chính trị thừa nhận. Nhưng tới mức này thì ông kinh ngạc. Ông hỏi, ‘ Có thật là nhiều như thế không?’

Richardson nói ,’ Thực ra, còn nhiều hơn nữa.’ Rồi ông khô khan nói thêm, ‘ May mà bộ đã dồn từ 20 đến 50 dân nhập cư cho mỗi giấy phép; và không ai cộng tổng số này.’

Yên lặng một lát, rồi Thủ tướng nhẹ nhàng nói, ‘ Harvey và các cộng sự của ông ta rõ ràng cho là chúng ta phải thi hành luật nhập cư.’

Richardson đáp, ‘ Nếu ông không phải là Bộ trưởng thứ nhất của Nữ hoàng, thì chắc tôi đã trả lời ngắn gọn hơn nhiều.’

James Howden nhíu mày. Ông nghĩ, đôi khi Richardson đi hơi xa.

Quên đi chuyện bất mãn, ông trưởng ban tổ chức nói tiếp, ‘ Mỗi một chính phủ trong năm mưoi năm qua đã lợi dụng luật nhập cư để giúp ích cho thành viên của đảng mình, vậy thì tại sao ta lại đột ngột ngưng lại? Nó đâu có tạo ra ý nghĩa chính trị.’

Howden nghĩ, ‘ Không, nó không có ý nghĩa.’ Ông với cái máy điện thoại, và nói với Richardson, ‘Được rồi. Ta sẽ làm theo cách của anh. Tôi cho mời Harvey Warrender đến đây bây giờ’ . Ông ra lệnh cho tổng đài. ‘ Liên lạc với ông Warrender. Có lẽ ông ấy có nhà.’ Lấy tay che miệng, ông hỏi, ‘ Ngoài những gì ta đã bàn, anh nghĩ là tôi có nên nói thêm gì với ông ta không?’

Richardson cưới, ‘ Ông thử gợi ý là ông ta ráng mà đứng hai chân trên mặt đất. Bằng cách đó, ông ta không thể nhét một chân vào miệng thường xuyên hơn’.

Howden nói, ‘ Nếu tôi bảo Harvey thế, chắc ông ta sẽ trích dẫn Platon với tôi.’

‘ Trong trường hợp đó, ông cứ xài lại Menander, ‘ Trèo cao thì té đau.’

Thủ tướng nhíu mày. Trong con người Brian Richardson có nhiều điều làm ông không hết ngạc nhiên. Tổng đài gọi trở lại, Thủ tướng nghe rồi bỏ xuống, ‘ Gia đình Warrender đã đi nghĩ - ở dã thự của họ tại Laurentis và không có điện thoại.’

Richardson tò mò nói, ‘ Ông đã mở cho Harvey Warrender nhiều hướng trôi, phải không?’ – nhiều hơn một số người khác.’

James Howden nói, ‘ Lần này thì không.’ Sau khi bàn luận, tâm trí ông đã quyết định rõ ràng, ‘ Ngày mốt tôi sẽ cho gọi ông ta đến đây và vụ Vancouver này sẽ không sôi lên nữa. Tôi bảo đảm điều này.’

 

 

 

 

 

Chương 6

 

 ALAN MAITLAND

 

 1.

 

 

Tại Vancouver buổi sáng ngày Giáng sinh, Alan Maitland đi ngủ trễ và khi thức dậy, miệng vẫn còn nồng mùi rượu trong bữa tiệc đêm qua ở nhà người bạn luật sư. Ngáp dài và vừa gãi đầu tóc cắt ngắn kiểu thủy thủ vẫn còn ngứa ngáy, anh nhớ lại rằng ba người bọn họ đã đánh ngã hai chai rượu – anh, Tom Lewis và vợ Tom, Lillian. Quá sức hoang phí, đúng vậy, vì cả anh và Tom đều không có tiền dành dụm để tiêu vào những khoản như thế; nhất là hiện giờ, Lillian đang mang thai, còn Tom đang lo trả nốt số nợ thế chấp căn nhà nhỏ anh mua sáu tháng trước ở bắc Vancouver. Rồi Alan nghĩ, ôi thây kệ, và lăn tấm thân lực sĩ cao 1,8m ra khỏi giường, đi chân không vào phòng tắm.

Khi quay ra, anh khoác cái quần nỉ cũ, áo T shirt thời đại học đã bạc màu. Rồi anh pha cà phê tan, nướng bánh mì và phết mật lên. Anh lên giường ngồi ăn, cái giường chiếm hết chỗ trong căn phòng độc thân chật hẹp trên đường Gilfort gần vịnh English. Chốc lát nữa, cái giường sẽ biến vào tường như một bãi đáp dự phòng nhưng ít khi Alan vội thế lắm. Anh thích gặp ngày lên một cách chậm chạp vì từ lâu rồi anh đã khám phá ra anh có thể làm rất tốt mọi việc bằng cách làm thong thả từ tốn.

Anh đang nghĩ đến việc có nên bỏ công rán vài miếng thịt muối không thì điện thoại reo . Ấy là Tom Lewis.

Tom nói, ‘ Nghe này, thằng đần. Làm sao mà mày không bao giờ bảo tao biết mày có những người bạn quý tộc thế hử ?’

‘ Một thằng không thích khoe khoang. Nhà Vanderbilt và tao…’

Alan nuốt vội lát bánh mì đang nhai, ‘ Bạn quý tộc nào?’

‘ Thượng nghị sĩ Devereaux, chẳng hạn. Ngài Richard Devereaux. Ông ấy muốn mày đến nhà ông ấy –hôm nay; mau  mau lên.’

‘ Mày điên rồi!’

‘ Điên! Tao mà điên , lạ chưa! Tao mới nhận một cú điện thoại của G. K. Bryant – trong hội Culliner, Bryant, Mortimer, Lane và Roberts, còn được gọi là “ chúng ta là dân chúng”. Họ hoạt động luật pháp cho già Devereaux, nhưng lần này, ông Thượng nghị sĩ đã yêu cầu đích danh mày!’

Alan ngờ vực, ‘ Làm thế nào mà ông ấy lại…? Chắc có ai nhầm rồi. Gọi nhầm tên rõ ràng.’

Tom nói, ‘ Nghe đây, chú em. Nếu mà tạo hóa đã phú cho mày một bộ óc ngu ngốc trên mức trung bình, thì mày đừng có ráng ngu thêm nữa. Người họ cần là Alan Maitland ở văn phòng luật sư non trẻ đang phát đạt – ít nhất cũng là thế nếu như ta có được hai khách hàng – Lewis và Maitland. Là mày đó, phải không ?’

‘ Chắc rồi, nhưng mà…’

‘ Tại sao một người như Thượng nghị sĩ Devereaux lại cần Maitland trong khi ông ta có sẵn Lewis, là người tốt nghiệp trường luật trước Maitland một năm, khôn ngoan hơn nhiều, như cuộc nói chuyện này chứng minh, chuyện đó ngoài tầm hiểu biết của tao, nhưng…’

Alan ngắt lời, ‘ Chờ chút. Mày nói ông Devereaux.’

‘ Đến cả sáu lần rồi mà chưa đủ chọc thủng…’

‘ Ở năm cuối đại học của tao, cũng có một người tên Sharon Devereaux. Tụi tao có gặp nhau vài lần, có lần từng hẹn hò nữa, nhưng từ đó đến nay không gặp lại. Hay là nàng đó chăng?...’

‘ Có thể là nàng, có thể không. Tao chỉ biết đó là Thượng nghị sĩ Devereaux, trong buổi sáng Giáng sinh trời trong và đầy nắng này, đang chờ gặp một ông Alan Maitland nào đó.’

Alan nói, ‘ Tao sẽ đi. May ra nhờ phúc ông ta, tao lại được món quà cũng nên.’

Tom nói, ‘ Địa chỉ đây.’ Và không chờ Alan viết ra xong, tiếp, ‘ Tao sẽ cầu nguyện cho mày. Tao sẽ gọi cho ông chủ cho thuê văn phòng cầu nguyện luôn cho mày; tiền thuê văn phòng tùy ở đó cả đấy.’

‘ Bảo ông ấy tao sẽ cố hết sức.’

Tom nói, ‘ Đừng bao giờ nghi ngờ. Chúc may mắn.’

 

2.

 

Thượng nghị sĩ Devereaux – Alan Maitland nghĩ, chẳng ngạc nhiên mấy – sống ở tây nam khu Marine Drive.

Alan biết khu Drive khá rõ, vì danh tiếng của nó và có vài lần tiếp xúc thời anh còn ở đại học. Nằm cao trên khu thị tứ Vancouver, đối diện theo hướng tây nam ngang qua nhánh bắc của dòng sông Fraser đi về mục trường đảo Lulu, vùng đất này là một thánh địa của xã hội, nơi có nhiều nhà sang trọng. Quang cảnh nhìn dọc theo khu Drive rất đẹp, vào những ngày đẹp trời, trải mút tới tận biên giới Hoa Kỳ và tiểu bang Washington. Alan biết nó cũng là một quang cảnh biểu tượng vì phần lớn những người sống ở đó hoặc là đã đạt địa vị cao trong xã hội hoặc là sinh ra để mang địa vị này. Một biểu tượng thứ hai là những bè gỗ vĩ đại, buông neo ở khúc sông bên dưới hay là được những chiếc tàu kéo oai phong đưa về các cảng xưa. Việc cưa xẻ gỗ đã gầy dựng nên cơ đồ cho miền đất Columbia thuộc Anh và cho đến tận ngày nay, nó vẫn còn đóng một vai trò lớn.

Alan Maitland bắt gặp cảnh sông Fraser cùng lúc với việc anh nhận ra nhà Thượng nghị sĩ Devereaux. Alan Maitland nhất định là ông Thượng nghị sĩ phải có một trong những ngôi nhà đẹp nhất dọc bờ sông.

Trời trong, nắng ráo khi anh lái xe đi về hướng tòa nhà vĩ đại kiến trúc kiểu Tudor. Một hàng rào bằng cây bách hương cao, cắt tỉa gọn gàng để ngăn những cặp mắt tò mò của khách qua đường. Một lối xe đi uốn cong và án ngữ ngay cổng là một cánh cửa sắt trên trụ cổng có hình đầu thú. Một chiếc Chrysler Imperial bóng nhoáng ở ngay lối đi. Alan Maitland đậu chiếc Chevrolet già nua bạc màu của anh phía sau nó. Anh đi bộ đến cánh cửa trước khổng lồ nằm lẫn trong hàng cột và nhấn chuông. Một gia nhân ra mở cửa.

Alan nói, ‘ Chào. Tôi là Maitland.’

‘ Xin mời ông vào.’ Gia nhân, một người đàn ông gầy gò, tóc bạc đi rón rén như bị đau chân. Ông ta dẫn Alan đi qua hành lang ngắn lợp ngói vào tiền sảnh rộng lớn. Ở lối vào tiền sảnh, một cái bóng mảnh mai xuất hiện.

Đó là Sharon Devereaux, cô vẫn như trong ký ức của anh – không đẹp, nhỏ nhắn gần như lùn, khuôn mặt dài, mắt sâu có vẻ hài hước. Alan để ý thấy tóc cô khác hẳn, đen huyền và quen để dài; giờ đã cắt ngắn đi trông tinh nghịch.

Alan nói, ‘ Chào. Tôi nghe nói cô cần một luật sư.’

Sharon nói nhanh, ‘ Hiện giờ chúng tôi cần thợ ống nước hơn. Phòng tắm của ông nội tôi sắp hư rồi.’

Anh nhớ đến một cái gì khác – lúm đồng tiền trên má trái khi cô cười, như cô đang cười đây.

Alan nói, ‘ Ông luật sư đặc biệt này cũng có làm thêm nghề hàn ống nước. Chuyện đâu chỉ quanh quẩn bên mất cuốn sách luật.’

Sharon cười, ‘ Tôi rất mừng đã nhớ ra anh.’ Người gia nhân đỡ lấy áo khoác của anh và anh tò mò nhìn quanh.

Ngôi nhà, cả bên trong lẫn bên ngoài, đều nói lên vẻ giàu sang. Họ đang đứng trước sảnh đường rộng lớn, tường ốp ván đánh bóng, trần trang trí kiểu Phục hưng, sàn bằng gỗ sồi ghép mộng sáng ngời. Trong lò sưởi khổng lồ kiểu Tudor, hai bên là cột có rãnh soi, một khúc gỗ đang cháy sáng bừng, gần lò sưởi là bàn ăn kiểu Elizabeth có bày những hoa hồng đỏ và vàng. Trên tấm thảm Kerman đầy màu sắc là cái ghế bành long trọng đối diện trường kỷ kiểu Knoll và phía xa bên kia những đồ thêu đóng khung lấy các cửa sổ lồi.

Sharon nói, ‘ Ông nội ở Ottawa về đêm qua, lúc ăn sáng có nói chuyện cần một ông luật sư trẻ. Thế tôi mới nói tôi có quen một anh chàng Alan Maitland sắp ra luật sư và rất lý tưởng…Nhưng mà cho đến giờ anh vẫn còn lý tưởng đấy chứ?’

‘ Chắc là vậy. Cảm ơn cô đã nhớ tới tôi.’ Alan có cảm giác khó chịu. Anh nhớ lại là anh phải thăm dò cô gái này kỹ hơn anh vẫn tưởng. Không khí trong phòng ấm áp, anh rụt cổ vào trong áo sơ mi trắng có hồ vải mặc trong bộ vét màu xám tro còn tốt.

Sharon nói, ‘ Ta vào phòng hội đi. Ông nội đến bây giờ.’ Anh theo cô băng qua sảnh. Cô mở một cánh cửa và ánh mặt trời chiếu qua. Căn phòng họ đi vào lớn hơn phòng trước , sáng sủa hơn và ít dữ dội hơn, Alan nghĩ vậy. Được trang hoàng theo kiểu Chippendale & Sheraton với thảm Ba tư màu sáng. Tường có treo những mặt nạ, với trang trí mạ vàng và những giá đèn thủy tinh. Có mấy bức sơn dầu, tranh thật – cùa Degas, Cézane và một họa sĩ hiện đại Lawren Harris. Một cây Giáng sinh lớn chiếm hết góc phòng, gần cây đàn piano hiệu Steinway. Những cửa sổ hai cánh ở đầu, bây giờ đã đóng, dẫn đến sân thượng lót đá.

Alan nói, ‘ Tôi đoán ông nội là Thượng nghị sĩ Devereaux.’

‘ À phải. Tôi quên là anh chưa biết.’ Sheron chỉ cho anh chiếc trường kỷ kiểu Chippendale và cô ngồi xuống chiếc đối diện. ‘ Anh biết đó, cha mẹ tôi đã ly dị. Hiện bố tôi ở Âu châu – phần lớn thời gian ông ở Thụy Sĩ – mẹ tôi lấy chồng khác và đã đi Argentina, nên tôi sống ở đây.’ Cô nói một cách tự nhiên không tỏ vẻ gì là cay đắng.

‘ Ố, la , la! Chàng trai đây rồi.’ Một giọng nói oang oang ở cửa, Thượng nghị sĩ Devereaux đang đứng đó, mái tóc bạc chải mượt, bộ vét mặc buổi sáng cắt rất khéo, đóa hoa hồng nhỏ  cài trên ve áo và khi bước vào ông chà hai tay vào nhau.

Sharon làm công việc giới thiệu.

Ông Thượng nghị sĩ lịch sự nói, ‘ Tôi xin lỗi, anh Maitland, phải mời anh đến đây vào ngày lễ Giáng sinh. Tôi nghĩ là không bất tiện lắm.’

Alan nói, ‘ Thưa ông, không.’

‘ Tốt. Trước khi vào việc, mời anh uống với chúng tôi cốc rượu anh đào.’

‘ Cám ơn.’

Trên bàn bằng gỗ đào hoa tâm, đã bày sẵn ly và bình pha lê. Khi Sharon rót rượu, Alan đánh liều nói, ‘ Thưa Thượng nghị sĩ, nhà ông đẹp quá.’

Ông già có vẻ hài lòng thực sự, ‘ Chú em, tôi rất vui nếu chú em nghĩ vậy. Suốt cả đời, tôi chỉ có niềm vui là bày quanh tôi những đồ đạc tuyệt mỹ.’

Sharon nói, ‘ Ông nội là nhà sưu tầm nổi tiếng.’ Và cô mang ly đến cho họ. ‘ Chỉ có mối lo duy nhất là, đôi khi giống như ở trong viện bảo tàng.’

Thượng nghị sĩ cười khoan dung với cô cháu gái, ‘ Cô hề non ở thời cổ đại, hay làm bộ thế. Nhưng tôi dặt nhiều hy vọng ở Sharon. Nó và tôi sắp xếp căn phòng này đấy.’

Ông Thượng nghị sĩ đưa mắt nhìn anh vui vẻ, ‘ Tôi tin là anh nói thật lòng. Ở đây tôi còn vài món hơi đặc biệt. Đây, chẳng hạn – một tiêu bản tuyệt diệu đời Đường.’ Ông đưa tay nhẹ vuốt ve một món đồ sứ tuyệt đẹp, hình kỵ mã cưỡi ngựa, màu sắc tinh tế. Món đồ này nằm riêng lẻ trên chiếc ghế đẩu mặt trên bằng đá hoa. ‘2.600 năm trước, một nghệ nhân điêu luyện đã làm ra nó vào một thời đại có lẽ còn văn minh hơn chúng ta ngày nay.’

Alan nói. ‘ Đẹp quá.’ Anh nghĩ, chỉ tính riêng căn phòng này đáng giá cà một gia tài. Anh nhớ đến sự tương phản giữa những cái quanh đây và căn nhà hai phòng ngủ nhỏ như cái hộp của Tom Lewis anh đã ngủ lại đêm hôm trước.

Giọng ông Thượng nghị sĩ trở nên nhanh nhẹn và từng trải, ‘ Nhưng giờ ta bàn công việc đã.’ Cả ba cùng ngồi xuống

‘ Tôi xin lỗi, chú em. Như tôi đã nói, vì sự tình đột ngột này. Tất nhiên có một vấn đề làm tôi quan tâm và cảm động nên tôi nghĩ, không nên trì hoãn.’ Thượng nghị sĩ Devereaux giải thích là ông quan tâm đến gã đi lậu dưới tàu, Henri Duval – ‘ chú nhỏ bất hạnh này, không nhà cửa, vô tổ quốc, đang đứng ngoài cửa chúng ta van xin được vào, nhân danh tình đồng loại.’

Alan nói, ‘ Vâng. Tôi có đọc báo vụ này tối qua. Tôi nhớ là đã suy nghĩ và tôi thấy có nhiều khả năng không thể làm gì được.

Sharon đang chăm chú nghe, hỏi, ‘ Sao lại không?’

Alan đáp, ‘ Cái chính là vì luật nhập cư của Canada đã quy định rõ ràng ai có thể vào và ai không.’

Sharon phản đối, ‘ Nhưng theo báo chí, ngay cả phán quyết chính thức, y cũng không được phép nữa là.’ Ông Thượng nghị sĩ nhíu mày thắc mắc, ‘ Phải chú em, thế là thế nào, hả? Nền tự do khoác lác của chúng ta nằm ở đâu khi mà một con người – bất kỳ là ai – lại không thể được phán xử công khai?’

Alan nói, ‘ Đừng hiểu lầm tôi. Tôi không bào chữa cho sự việc như nó đang có. Hiển nhiên chúng tôi có nghiên cứu luật nhập cư và tôi nghĩ có nhiều cái sai sót. Nhưng tôi đang nói về luật như nó đang được thi hành. Nếu là vấn đề phải thay đổi, thì đó phải là phần việc của ông, thưa Thượng nghi sĩ .’

Thượng nghị sĩ Devereaux thở dài. ‘ Khó, khó lắm. Với một chính phủ cứng rắn như chính phủ đang cầm quyền. Nhưng cứ nói cho tôi biết, anh có thực sự tin rằng không còn có thể làm gì cho anh chàng bất hạnh này sao – tôi muốn nói về mặt pháp lý?’

Alan ngập ngừng, ‘ Tất nhiên đây là một ý kiến ngoài lề chứ?’

‘ Tất nhiên.’

‘ Thế thì, ta hãy giả định những sự kiện đúng thật như báo chí đã nói, anh Duval này không có quyền gì cả. Trước khi anh ta có thể nhận được phán quyết của tòa – nếu như điều này có ý nghĩa tốt đẹp nào đó, cái này tôi ngờ lắm – thì anh ta phải được chính thức đưa lên đất liền cái đã, và khi sự việc tự nó diễn ra, nó có thể khác đi.’ Alan liếc nhìn Sharon . ‘ Điều tôi chờ đợi xảy ra là chiếc tàu sẽ ra khơi chở Duval đi theo – như anh ta đã đến.’

Ông Thượng nghị sĩ ngẫm nghĩ, mắt nhìn bức phong cảnh của Cézane treo trên tường đối diện, ‘ Có lẽ, có lẽ vậy. Đôi khi, trong luật pháp cũng có kẻ hở.’

Alan gật đầu đồng ý, ‘ Rất thường khi. Tôi đã nói đây chỉ là một ý kiến ngoài lề.’

Ông Thưọng nghị sĩ thôi không nhìn bức tranh nữa và trở lại vẻ từng trải như cũ, ‘ Chú em có nói thế thật. Đó là lý do tôi muốn chú em nghiên cứu vụ này kỹ hơn nữa để tìm cho ra kẻ hở đó. Tóm lại, ý tôi là chú hãy hành động như một luật sư cố vấn cho anh chàng bất hạnh này.’

‘ Nhưng giả thử y…’

Thượng nghị sĩ Devereaux đưa tay ra hiệu, ‘Tôi yêu cầu anh hãy nghe tôi nói đã. Tôi sẽ chịu mọi phí tổn. về tố tụng và bất cứ chi phí nào anh cần đến. Đổi lại tôi chỉ yêu cầu sự tham gia của tôi trong vụ này phải được giữ kín .’

Alan nhấp nhổm trên ghế. Anh biết giây phút này có thể quan trọng đối với chính anh cũng như những người khác. Vụ này tự nó có thể chẳng đi tới đâu, nhưng nếu khéo xoay sở, có thể có liên hệ đến tương lai, đưa đến những vụ khác về sau. Sáng nay khi đến đây, anh không biết chuyện gì đang chờ đợi anh; giờ thì anh đã biết, anh cho là mình nên hài lòng. Song, thật khó chịu, vẫn có một chút nghi ngờ. Anh ngờ rằng bên dưới những cái ông già này tiết lộ, còn có cái gì khác nữa. Anh cảm thấy có đôi mắt của Sharon ở trên.

Alan bỗng hỏi, ‘ Tại sao, thưa Thượng nghị sĩ?’

‘Sao cái gì, chú em?’

‘ Tại sao lại giữ bí mật việc ông có mặt trong vụ này?’

Ông Thượng nghị sĩ có vẻ lúng túng trong giây lát, rồi mặt ông sáng lên. ‘ Đây là một câu trong sách dạy làm việc thiện. Tôi nhớ nó như vầy: “khi ngươi làm việc bố thí, đừng cho tay trái ngươi biết tay phải ngươi làm gì.”

Như đóng kịch vậy. Như có cái gì nổ trong đầu Alan Maitland, anh bình tĩnh hỏi,’ Thưa ông, bố thí hay là chính trị?’

Ông Thượng nghị sĩ cụp mắt xuống, ‘ Tôi sợ là không hiểu được anh.’

Alan nghĩ, ‘ Ta đi thôi. Đây là nơi ngươi đánh hỏng cuộc mặc cả và làm mất người khách quan trọng đầu tiên mà ngươi đã gần nắm được’ , anh vừa nghĩ vừa nói, ‘ Quyền nhập cư hiện nay là một vấn đề cực kỳ mang tính chính trị. Trường hợp đặc biệt này đã được đưa lên báo chí và có thể gây nhiều rắc rối cho chính phủ. Không phải là ông đã dự liệu sao, thưa Thượng nghị sĩ – chỉ sử dụng con người ở trên tàu này như một vật thế chấp ? Không phải đó là lý do ông cần đến tôi – hay một ai đó, còn trẻ và ngây thơ để thay cho những luật sư của ông, những người sẽ bị nhận diện cùng với ông sao? Thưa ông, tôi rất tiếc, nhưng đó không phải là cách mà tôi dự tính khi hành nghề luật.’

Anh đã nói dữ dội hơn những gì anh định nói khi sự phẫn nộ trào lên. Anh tự hỏi làm thế nào giải thích cho Tom Lewis hiểu và không biết Tom có làm như anh không. Anh ngờ rằng không; Tom có ý thức hơn khi nổi tính anh hùng rơm vất đi một món bổng như thế.

Anh nghe có tiếng ùng ục. Ngạc nhiên, anh mới hay rằng Thượng nghị sĩ Devereaux đang cố nín cười.

‘ Còn trẻ và ngây thơ, tôi nghĩ đến câu chú nói, chú nhỏ ơi.’ Ông Thượng nghị sĩ dừng lời lại, cố nín cười, hông phập phồng nhè nhẹ. ‘ Phải, có thể chú còn trẻ, nhưng chắc chắn là không ngây thơ. Ý cháu thế nào, Sharon ?’

‘ Cháu nghĩ ông đánh trúng rồi đấy.’ Alan cảm thấy Sharon đang nhìn anh với vẻ kính phục.

‘ Ông cũng nghĩ vậy, cháu yêu ơi; thật tình ông nghĩ vậy. Đây là chàng thanh niên khôn ngoan cháu đã tìm ra.’

Alan nghĩ, tình thế có chiều hướng thay đổi, dù anh không biết chắc là theo hướng nào. Điều duy nhất anh chắc chắn là Thượng nghị sĩ Devereaux là một con người nhiều mặt.

Ông Thượng nghị sĩ đổi giọng nhỏ nhẹ, ít vẻ tính toán để trở lại tự nhiên hơn. ‘ Tốt lắm, thế là chúng ta đã ngửa hết bài lên bàn. Hãy cho là những gì anh khẳng định đều đúng. Có phải anh chàng trên chiếc tàu đó vẫn không có quyền hưởng sự giúp đỡ về luật pháp ? Có phải y buộc phải từ chối một cánh tay đưa ra cứu vớt vì động lực của riêng một cá nhân, là tôi đây, muốn dính vào đó ? Nếu chú đang chết đuối thì chú có bận tâm đến chuyện người bơi ra cứu chú là vì y nghĩ rằng chú có ích cho y nếu còn sống không ?’

Alan nói, ‘ Không, tôi không cho là thế.’

‘ Thế thì có khác gì nhau ?- nếu có sự khác nhau.’ Thượng nghị sĩ Devereaux chồm tới trước. Cho phép tôi hỏi chú vài điều. Tôi cho là chú tin ở sự sửa sai các bất công .’

‘ Dĩ nhiên.’

Ông Thượng nghị sĩ gật gù như một triết gia, ‘ Dĩ nhiên, Thế thì chúng ta hãy xem xét trường hợp chàng trai trẻ trên tàu ấy. Người ta bảo y không có quyền gì về mặt pháp lý. Y không phải là dân Canada, hoặc một di dân hợp lệ, cũng không phải tạm thời xuống đất liền rồi đi ngay. Dưới con mắt pháp luật, y không hề hiện diện. Do đó dù y có muốn được đưa ra pháp luật – để thỉnh nguyện xin vào nước này hay bất kỳ nước nào khác – cũng không làm được. Đúng thế không ?’

Alan nói, ‘ Tôi sẽ không dùng những danh từ như vậy, nhưng về bản chất, điều đó đúng.’

‘ Dùng những chữ khác, phải.’ Alan nhăn mặt mỉm cười, ‘ Phải.’

‘ Song giả sử đêm nay, trên chiếc tàu trong cảng Vancouver, chính con người này phạm tội sát nhân hay cố ý gây hỏa hoạn. Chuyện gì sẽ xảy ra cho y ?’

Alan gật đầu. Anh đã nhìn ra mấu chốt của vấn đề. ‘ Y sẽ được đưa lên bờ và truy tố.’

‘ Đúng thế, chú em. Nếu có tội y sẽ bị trừng trị và không cần biết tình trạng của y. Chú em thấy đó, bằng cách này, luật pháp có thể nắm được Henri Duval, cho dù y không thể nắm được luật pháp.’

Đấy là một lập luận hết sức chặt chẽ. Alan nghĩ, cũng không ngạc nhiên, ông già này có biệt tài tranh luận một cách dễ dàng.

Nhưng dù có tài hay không, điều ông đưa ra thật đáng lưu ý. Tại sao luật pháp chỉ hoạt động theo một hướng – chống chứ không bênh vực con người ? Cho dù lãnh vực hoạt động của Thượng nghị sĩ Devereaux là chính trị, không có gì thay đổi sự kiện ông đã chỉ ra : là một cá nhân, hiện diện trong cộng đồng người này, lại bị từ chối quyền cơ bản của con người.

Alan cân nhắc. Luật pháp làm được gì cho con người trên tàu này ? Có hay không có gì ? Và nếu không có gì – tại sao ?

Alan Maitland không hề có ảo tưởng thơ dại về luật pháp. Dù còn mới mẻ trong công việc, anh đã ý thức rằng công lý không tự động cũng không thiên vị và đôi khi sự bất công lại bao trùm lên tất cả. Anh biết rằng tình trạng xã hội có liên quan nhiều tới tội phạm và sự trừng phạt, rằng những kẻ có thế lực đủ khả năng lợi dụng tất cả các diễn biến của luật pháp để tránh chịu đựng hình phạt hơn là những kẻ kém thế hơn . Anh biết chắc rằng sự chậm chạp của luật pháp đôi khi đã phủ nhận những quyền lợi của người vô tội, và những người xứng đáng được khôi phục lại quyền lợi của mình thì không có cách gì làm được vì cái giá phải trả cho một ngày trước pháp đình lại quá cao. Và ở cán cân bên kia là tòa án của các thẩm phán bù đầu với công việc, phân phát công lý trong nồi áp suất, thường là không lưu tâm đầy đủ đến những quyền lợi của bị can.

Anh đã dần dần biết được những điều này trong cùng một cách như tất cả các sinh viên và luật sư trẻ dần dần và hẳn nhiên phải biết. Nhiều khi chúng làm anh hết sức đau đớn như chúng đã làm đau đớn bao nhiêu đồng nghiệp đàn anh mà lý tưởng của họ đã nhạt nhòa đi qua những năm tháng ở tòa án.

Nhưng bất chấp những sai lầm của luật pháp, nó vẫn có một đặc tính đáng quý. Là nó có mặt.

Nó tồn tại. Nội dung lớn nhất của nó là tính hiệu lực.

Sự tồn tại của luật pháp là sự thông hiểu rằng tính bình đẳng về nhân quyền là mục tiêu tối hậu. Về những khuyết điểm của nó, dần dà sẽ có sự cải cách, nó luôn luôn có, dù nó vẫn chậm chạp theo sau nhu cầu. Trong khi đó, đối với những kẻ tầm thường nhất và cao trọng nhất, cánh cửa tòa án luôn mở rộng và bên trong nó là những phòng chống án.

Ngoại trừ, hình như vậy, một người tên là Henri Duval.

Alan cảm thấy Ông Thượng nghị sĩ đang nhìn anh chờ đợi. Trên mặt Sharon thoáng gợn nét nhíu mày. Alan nói, ‘ Thưa Thượng nghị sĩ Devereaux. Nếu tôi phải nhận vụ này – giả sử rằng anh chàng ở trên tàu kia muốn có người thay mặt – thì anh ta sẽ là khách hàng của tôi. Có đúng không ?’

‘ Tôi cho là anh có thể coi như vậy.’

Alan mỉm cười, ‘ Bằng những chữ khác – phải.’

Ông Thượng nghị sĩ ngửa cổ cười phá lên, ‘ Tôi bắt đầu thích chú rồi đấy, chú em. Nói tiếp đi.’

Alan nói một cách thận trọng, ‘ Ông Thượng nghị sĩ, dù ông đứng sau hậu trường, bất kỳ hành động nào nhân danh khách hàng của tôi sẽ chỉ được quyết định do khách hàng của tôi và chính tôi mà không cần tham khảo ý kiến của một người thứ ba nào.’

Ông già khó chịu nhìn Alan, ‘ Anh không nghĩ đến người trả tiền…’

‘ Thưa ông, không. Không trong trường hợp này. Nếu tôi có một khách hàng, tôi muốn làm một cái gì tốt đẹp nhất cho anh ta chứ không phải một cái gì khôn ngoan nhất về chính trị.’

Nụ cười của ông Thượng nghị sĩ biến mất và giọng ông lạnh lùng rõ rệt, ‘ Tôi phải nhắc anh đây là một cơ hội mà nhiều luật sư trẻ khác rất mừng được nhận.’

Alan đứng thẳng lên, ‘ Thưa ông, thế thì tôi đề nghị ông hãy nhìn vào những trang sách vàng.’ Và anh quay sang Sharon, ‘ Tôi rất tiếc làm cô thất vọng.’

Ông Thượng nghị sĩ kêu lên, ‘ Chờ chút nào!’ Ông cũng đứng dậy và nhìn thẳng vào mặt Alan. Rồi ông nói oang oang, ‘ Tôi muốn nói với chú, chú em, rằng tôi coi chú là kẻ nóng nảy, ngạo mạn, bội bạc – và tôi chấp nhận điều kiện của chú.’

Họ bắt tay nhau thỏa thuận và sau đó Alan từ chối lời mời của ông Thượng nghị sĩ ở lại ăn trưa. Anh nói, ‘ Tốt hơn hôm nay tôi phải đi xuống chiếc tàu đó. Chắc không còn nhiều thời gian nữa vì nó có thể nhổ neo.’

Sharon chỉ lối cho anh ra cửa. Trong khi mặc áo khoác, anh cảm thấy cô ở gần bên anh và mùi nước hoa thoang thoảng.

 

Anh nói, đôi chút lúng túng, ‘ Rất mừng được gặp cô, Sharon.’

Cô mỉm cười, lúm đồng tiền hiện ra rồi mất đi, ‘ Tôi cũng nghĩ vậy. Cho dù anh không báo cáo tình hình cho ông nội, anh hãy cứ đến thăm chúng tôi.’

Alan vui vẻ nói, ‘ Điều làm tôi khó nghĩ là làm sao ở lại được lâu.’

 

3.

 

 Trận mưa đêm hôm trước để lại những vũng nước trên bến tàu, Alan Maitland cẩn thận đi vòng qua, thỉnh thoảng lại nhìn lên phía trên và phía trước những con tàu ảm đạm nổi lên trên nền trời xám màu mây tầng. Một người bảo vệ cụt một tay với một con chó lai – người duy nhất anh gặp trong bến tàu vắng lặng – đã hướng dẫn anh đến chỗ này. Giờ đây, đọc tên những con tàu buông neo, anh nhìn thấy chiếc Vastervik, chiếc thứ hai từ trên xuống.

Một cột khói mỏng manh, bị gió thổi tản mát đi cũng nhanh như khi nó bốc lên, là dấu hiệu duy nhất có sự sống trên boong. Những âm thanh quanh con tàu đều mơ hồ : tiếng nước vỗ, tiếng gỗ kĩu kịt ở bên dưới, và ở trên là tiếng kêu buồn thảm của bầy hải âu. Alan nghĩ, những âm thanh ở cảng là những âm thanh cô độc và tự hỏi con người mà anh đến đây để gặp đã nghe những âm thanh ấy ở bao nhiêu hải cảng.

Anh cũng tự hỏi, gã đi lậu Henri Duval là loại người nào. Đúng là tấm hình chụp trên báo cho thấy y dễ có cảm tình, nhưng những cái báo chí in ra thường là vô căn cứ. Alan nghĩ, rất có thể, con người này là loại tệ hại nhất trong những kẻ trôi nổi trên đại dương, con người mà chẳng ai cần đến, dù với lý do tốt đẹp.

Anh đến chỗ cái thang sắt lên tàu và đu lên. Lúc leo tới hết thang, tay anh dính đầy rỉ sét.

Chận ngang lối đi vào boong là sợi xích sắt, một miếng ván ép treo trên sợi dây xích mang dòng chữ nghệch ngoạc.

 

CẤM VÀO

NẾU KHÔNG CÓ VIỆC TRÊN TÀU

LỆNH CỦA THUYỀN TRƯỞNG SIGURD JAABECK

 

Alan mở móc dây bước qua. Anh mới đi được vài bước về phía cái cửa thép thì nghe tiếng kêu. ‘ Hãy đọc bảng cấm đi! Không tiếp phóng viên nữa!’

Con người đang đi dọc theo boong đến gần đã quá ba mươi, cao lớn khỏe mạnh. Y mặc bộ đồ nâu nhàu nát, râu ria lởm chởm. Những chữ ‘r’ y nói không rõ cho thấy y là dân Scandinavia.

Anh nói, ‘ Tôi không phải là phóng viên. Tôi muốn gặp thuyền trưởng.’

‘ Thuyền trưởng bận. Tôi là sĩ quan phụ tá thứ ba.’ Gã cao ho khù khụ, hắng cổ rồi nhổ toẹt lên thành tàu.

Alan nói, ‘ Anh bị cảm nặng rồi đó.’

‘ Ách xì! Cái xứ của anh đã lạnh lại ẩm ướt. Ở nước Thụy Điển tôi, trời cũng lạnh nhưng khô sắc như dao. Tại sao anh muốn gặp thuyền trưởng?’

Alan nói, ‘ Tôi là luật sư. Tôi đến xem có giúp gì được gã đi lậu Henri Duval của mấy anh không?’

‘ Duval! Duval! Lúc nào cũng Duval; hắn thành người quan trọng nhất ở đây rồi. À, anh không giúp hắn được đâu. Chúng tôi – nói thế nào nhỉ? Bị sa lầy rồi chăng? Hắn sẽ ở với chúng tôi tới khi nào tàu chìm. Gã cao cười mỉa mai. ‘ Cứ nhìn quanh xem. Cũng không lâu mấy đâu.’

Alan ngắm lớp rỉ sét và lớp sơn bong ra. Anh hít hít mũi; mùi cải bắp vẫn còn nồng. Anh nói, ‘ Phải rồi. Tôi hiểu anh muốn nói gì rồi.’

Gã cao nói, ‘ Ừ mà, không chừng vì anh không phải nhà báo, thuyền trưởng sẽ chịu tiếp anh,’ Gã suy nghĩ, ‘ Đi! Cứ cho chuyện tôi đưa anh gặp ông ấy như món quà Giáng sinh.’

Cabin thuyền trưởng nóng phát ngốt. Chủ nhân của nó hẳn là thích vậy, anh để ý thấy, cả hai lổi cửa dẫn ra bên ngoài, đều được cài chật cứng. Không khí đặc quánh khói thuốc lá loại nặng.

Thuyền trưởng Jaabeck, áo sơ mi có tay, giày cói kiểu cũ, đang ngồi ở ghế da, đứng lên khi anh bước vào. Ông đang đọc sách – cuốn sách dày – và bỏ xuống.

Alan nói, ‘ Ông thật tử tế đã tiếp tôi. Tôi tên Maitland.’

Viên thuyền trưởng chìa bàn tay lông lá, u nần ra, ‘ Còn tôi là Sigurd Jaabeck. Sĩ quan thứ ba của tôi nói anh là luật sư.’

Alan thừa nhận, ‘ Đúng vậy. Tôi có đọc báo về gã đi lậu trên tàu ông nên tôi đến xem có giúp được gì không.’

Thuyền trưởng chỉ vào một cái ghế và cũng ngồi vào ghế của mình, ‘ Mời anh ngồi.’ Tương phản với những phần khác trên tàu, Alan để ý thấy cabin này trông tươm tất và sạch sẽ, những đồ gỗ và đồ đồng đều sáng bóng. Cả ba phía đều là ván gỗ đào hoa tâm, ghế bọc da xanh lục, một bàn ăn nhỏ và một bàn giấy tròn đánh bóng kỹ. Một cái cửa có treo màn dẫn đến chỗ có lẽ là giường ngủ. Alan liếc nhìn quanh rồi tò mò dừng ở cuốn sách thuyền trưởng vừa đặt xuống.

Thuyền trưởng nói, ‘ Của Dostoievsky đấy. Cuốn Tội ác và Trừng phạt’ .

Alan ngạc nhiên, ‘ Ông đọc nguyên bản tiếng Nga à ?’

Thuyền trưởng nói, ‘ Rất chậm. Tiếng Nga là ngôn ngữ tôi đọc không thông lắm.’ Ông cầm tẩu thuốc ở cái gạt tàn lên, gõ nõ điếu, rồi nhồi thuốc vào, ‘ Dostoievsky tin rằng cuối cùng luôn luôn có công lý.’

‘ Ông thì không?’

‘ Đôi khi người ta không thể chờ quá lâu. Nhất là khi người ta còn trẻ.’

‘ Như Henri Duval?’

Thuyền trưởng ngẫm nghĩ và hút một hơi thuốc, ‘ Anh hy vọng làm được gì? Hắn không là ai cả. Hắn không tồn tại.’

Alan nói, ‘ Có lẽ không gì cả. Tôi chỉ muốn nói chuyện với hắn vậy thôi. Dân bắt đầu quan tâm và có vài người muốn giúp hắn nếu giúp được.’

Thuyền trưởng Jaabeck nhìn Alan một cách giễu cợt, ‘ Sự quan tâm có kéo dài không? Hay gã đi lậu của tôi như anh gọi đấy, chỉ là chuyện kỳ diệu trong chín ngày?’

Alan nói, ‘ Nếu gã là thế, thì còn bảy ngày nữa.’

Thuyền trưởng lại dừng một lát. Rồi ông nói một cách cẩn thận, ‘ Ông cũng hiểu nhiệm vụ của tôi là phải bỏ con người này đi. Dân đi lậu chỉ tốn tiền nuôi ăn. Thời nay, tiền để chạy tàu còn không đủ nữa là. Tiền lời thì ít, chủ tàu họ nói vậy, nên chúng tôi phải tiết kiệm. Anh đã thấy tình trạng con tàu rồi đấy.’

‘ Tôi hiểu rồi, thuyền trưởng.’

‘ Nhưng gã thanh niên này đã ở với tôi suốt hai mươi tháng. Trong thời gian đó, đã hình thành, phải nói vậy, những quan niệm và cả những ràng buộc nữa.’ Giọng nói chậm lại và cân nhắc. ‘ Chú nhỏ này có một cuộc đời không hay; có lẽ chú ta sẽ không bao giờ có được một cuộc đời. Tôi nghĩ nó không còn là vấn đề của tôi nữa. Nhưng tôi không muốn thấy hy vọng của nó nhen nhúm rồi lại bị hủy diệt một cách tàn nhẫn.’

Alan nói, ‘ Tôi chỉ có thể lập lại với ông rằng có những người muốn thấy anh ta có được một cơ hội ở đây. Có thể là không có khả năng nào, nhưng nếu không có ai cố thử, thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được.’

Thuyền trưởng gật đầu, ‘ Điều đó có thật. Anh Maitland. Tốt lắm. Tôi sẽ báo với Duval và anh có thể nói chuyện tại đây. Anh cần ở một mình không?’

Alan nói, ‘ Không, tôi muốn ông ở lại hơn.’

 

***

 

 Henri Duval đứng ở cửa, căng thẳng. Anh liếc nhìn Alan Mairland rồi lại nhìn thuyền trưởng Jaabeck.

Thuyền trưởng ra hiệu cho Duval đi vào. ‘ Em đừng sợ. Ông Maitland đây là luật sư. Ông ấy đến để giúp em.’

Alan vứa nói vừa mỉm cười, ‘ Tôi có đọc báo về anh hôm qua.’ Anh chìa tay ra, gã đi lậu do dự nắm lấy. Alan thấy y còn trẻ hơn cả hình chụp trên báo và đôi mắt sâu của y có vẻ đề phòng một cách bứt rứt. Y mặc đồ vải bông và áo thun có vết mạng.

Gã đi lậu lo lắng hỏi, ‘ Tốt chứ, cái người ta viết ấy, phải không?’

Alan nói, ‘ Tốt lắm. Tôi đến để xem nó đúng đến đâu.’

‘ Đúng hết! Tôi nói sự thật mà!’ Cảm giác rõ là bị xúc phạm, như một can phạm đang bị tố cáo. Alan nghĩ: mình phải lựa lời cẩn thận hơn.

Anh đấu dịu, ‘Tôi chắc chắn là anh nói thật.Ý tôi muốn nói là báo chí nói có đúng không.’

Duval lắc đầu, vẫn biểu lộ vẻ bị xúc phạm. ‘Tôi không hiểu.’

Alan nói, ‘ Ta tạm quên nó đi một lát.’ Hình như anh mở đầu quá dở. Và anh nói tiếp, ‘ Thuyền trưởng bảo anh tôi là luật sư. Nếu anh muốn tôi sẽ đại diện cho anh ra trước tòa án của nước chúng tôi.’

Henri Duval liếc nhìn Alan rồi nhìn thuyền trưởng. ‘ Tôi không có tiền. Tôi không thể trả tiền mướn luật sư.’

Alan nói, ‘ Không có gì phải trả cả.’

Lại vẻ đề phòng, ‘ Vậy ai trả?’

‘ Có người sẽ trả.’

Thuyền trưởng xen vào, ‘ Ông Maitland, có lý do gì khiến anh không thể nói tên người đó ra không?’

Alan nói. ‘ Vâng. Tôi được lệnh không được tiết lộ tên người này. Tôi chỉ có thể cho ông biết đó là người có lòng bác ái và muốn giúp đỡ.’

Thuyền trưởng nói, ‘ Đôi khi vẫn có người tốt.’ Hài lòng thấy rõ, ông gật đầu tỏ dấu an tâm với Duval.

Nhớ tới Thượng nghị sĩ Devereaux và những nguyên cớ của ông, Alan chợt thấy áy náy trong lòng. Anh chỉ vững dạ trở lại khi nhắc mình nhớ đến những điều kiện anh nhất quyết đòi hỏi.

Henri Duval nằn nì, ‘ Nếu ở lại, tôi sẽ làm việc. Tôi kiếm ra tiền. Tôi trả lại hết.’ Alan nói, ‘ Được. Tôi mong anh sẽ làm vậy nếu anh muốn.’

Gương mặt gã trai sáng lên háo hức. ‘ Tôi trả lại mà.’ Đến lúc này, đã có sự tin tưởng.

Alan nói, ‘ Dĩ nhiên tôi phải báo trước, có thể tôi không làm gì được. Anh hiểu điều này không?’

Duval lộ vẻ lúng túng. Thuyền trưởng giải thích, ‘ Ông Maitland sẽ cố hết sức. Nhưng không chừng Bộ Di trú lại nói không… như cũ.’

Duval chầm chậm gật đầu, ‘ Tôi hiểu.’

Alan nói, ‘ Thuyền trưởng Jaabeck, có một điều tôi phải hiểu rõ. Từ khi đến đây, ông có đưa Henri đến Bộ Di trú và yêu cầu được thông báo chính thức về thỉnh nguyện được lên bờ của anh ta không?’

‘ Môt viên chức Bộ Di trú có lên tàu tôi…’

Alan khẳng định, ‘ Không. Tôi muốn nói ngoài việc đó ra. Ông có đưa anh ta đến trụ sở Bộ Di trú và đòi hỏi có cuộc điều tra chính thức không?’

Thuyền trưởng nhún vai, ‘ Tốt đẹp gì đâu! Luôn luôn chỉ một câu trả lời. Hơn nữa, trong cảng có quá ít thời gian, mà tôi có nhiều việc phải lo trên tàu. Hôm nay là ngày nghỉ lễ Giáng sinh. Đó là lý do tôi đọc Dostoievsky.’

Alan nhũn nhặn nói, ‘Nói một cách khác, ông đã không đưa anh ta đi và yêu cầu mở cuộc điều tra đầy đủ vì ông quá bận, phải thế không?’

Anh cố giở giọng tự nhiên dù trong đầu anh có một ý nghĩ đang thành hình.

Thuyền trưởng Jaabeck nói, ‘ Đúng là thế. Dĩ nhiên, nếu có gì tốt đẹp xảy ra…’

Alan nói, ‘ Ta hãy để chuyện đó lại.’ Ý nghĩ của anh còn mơ hồ, mông lung quá và có thể chẳng đi tới đâu. Dù sao, anh phải có thời gian để đọc cho thật kỹ điều luật nhập cư đã. Anh đột ngột đổi đề tài.

Anh nói với Duval, ‘ Henri này, điều tôi muốn làm bây giờ là soát xét lại tất cả những gì đã xảy ra cho anh tới chừng mực nào anh còn nhớ. Tôi biết là có đôi điều đã được kể trên báo nhưng có thể còn có những gì đó và những điều mà từ đó tới nay anh lại nhớ ra thêm. Tại sao anh không bắt đầu ngay từ chỗ bắt đầu? Điều đầu tiên anh nhớ là gì?’

Duval nói, ‘ Mẹ tôi.’

‘ Điều anh nhớ nhất về bà là gì?’

Duval nói đơn giản, ‘ Bà tốt với tôi. Sau khi bà mất, không ai tốt lại – cho tới khi lên tàu này.’ Thuyền trưởng Jaabeck đứng dậy quay lưng lại Alan và Duval. Ông chậm chạp nhồi ống píp.

Alan nói, ‘ Anh hãy kể về mẹ anh; bà ấy trông thế nào, bà thường nói chuyện gì, cái gì anh cùng làm với bà.’

‘ Tôi nghĩ mẹ tôi đẹp. Khi tôi còn nhỏ, bà ôm tôi; tôi nghe bà hát.’ Gã đi lậu trẻ tuổi nói chậm chạp, cẩn thận như thể quá khứ là một cái gì mong manh, phải nương nhẹ kẻo nó biến đi. ‘ Lần khác bà lại nói, “ một ngày nào đó chúng ta lên tàu đi tìm nhà mới. Hai chúng ta đi cùng nhau…’ Ngừng lại giây lát, và tỏ vẻ tin cậy hơn, y tiếp tục nói.

Y tin rằng, mẹ y là con gái một gia đình người Pháp đang quay trở về Pháp khi y ra đời. Vì sao bà không liên lạc với cha mẹ bà, thì chỉ có thể đoán phỏng. Có lẽ một điều gì đó đối với cha y là người mà (mẹ y bảo thế) có sống với mẹ y một thời gian ngắn ở Djbouti rồi bỏ bà để trở lại với biển cả.

Về cơ bản, cũng là câu chuyện đã kể với Dan Orliffe hai ngày trước. Trong suốt câu chuyện, Alan chăm chú nghe cẩn thận, thúc giục khi cần, hỏi xen đôi câu hay ngoặt trở lại ở chỗ có vẻ lầm lẫn. Nhưng phần lớn thời gian, anh chỉ ngắm khuôn mặt Henri Duval. Đó là một khuôn mặt dễ làm người ta tin tưởng, sáng lên hay phản chiếu nỗi buồn những lúc các biến cố sống lại trong tâm trí. Có cả những giây phút thống khổ , và tới lúc kể lại cái chết của mẹ y, có những giọt lệ long lanh trên mắt gã đi lậu trẻ tuổi. Alan tự nhủ, nếu đây là một nhân chứng trước tòa, ta nhất định sẽ tin những gì y nói.

Anh hỏi một câu cuối cùng, ‘ Tại sao anh muốn đến đây? Tại sao lại Canada?’ Chắc chắn, lần này sẽ là câu trả lời giả dối. Alan nghĩ, có lẽ y sẽ nói đây là một xứ sở thần tiên và y luôn luôn muốn đến sống ở đây.

Henri Duval suy nghĩ cẩn thận. Rồi y nói, ‘ Tất cả (các) nước khác (đều) nói không. Canada nước cuối cùng tôi thử. Nếu không ở đây, tôi nghĩ không còn quê hương cho Henri Duval, không bao giờ.’

Alan nói, ‘ Được. Tôi cho rằng tôi đã nghe một câu trả lời chân thật.’

Alan thấy mình cảm động lạ lùng, đó là cảm xúc anh không mong đợi. Anh đến đây mang theo nỗi hoài nghi, chuẩn bị nếu cần thì dở hết mọi ngón nghề pháp lý, dù không hy vọng thành công. Nhưng bây giờ anh lại muốn nhiều hơn nữa. Anh muốn làm một cái gì cho Henri Duval theo ý nghĩa tích cực; đưa y ra khỏi con tàu và tạo cho y một cơ hội để gầy dựng lại cuộc đời mà định mệnh đã từ chối với y.

Nhưng có làm được không? Có một kẻ hở ở đâu đó trong luật nhập cư để đưa con người này lọt qua không? Có lẽ có đấy nhưng không còn thời gian để đi tìm nó.

Trong suốt cuộc phỏng vấn, thuyền trưởng Jaabeck đã trở đi trở lại nhiều lần. Giờ ông quay lại cabin và Alan hỏi, ‘Tàu ông còn ở lại Vancouver bao lâu?’

‘Chỉ được ở năm ngày. Không may là phải sửa lại máy móc, mà theo tình hình hiện nay, chắc phải mất hai hay ba tuần.’

Alan gật đầu, hai hay ba tuần chỉ tạm đủ, nhưng còn hơn là năm ngày. Anh nói, ‘ Nếu tôi làm đại diện cho Duval, tôi phải có yêu cầu do y viết ra.’

Thuyền trưởng Jaabeck nói, ‘ Thì anh cứ viết ra những gì cần. Nó chỉ viết dược tên, vậy thôi.’ Alan lấy trong túi ra cuốn sổ tay. Anh suy nghĩ một lát rồi viết :

 Tôi, Henri Duval, hiện bị giữ trên tàu Vastervik ở La Pointe Pier, Vancouver, British Culumbia. Tôi viết đơn này xin được phép lên đất liền tại hải cảng nói trên và tôi ủy nhiệm cho ông Alan Maitland hành động nhân danh tôi trong tất cả những vấn đề liên quan đến thỉnh nguyện này.

Thuyền trưởng lắng nghe một cách cẩn thận khi Alan đọc to những dòng này lên, rồi gật đầu. Ông nói với Duval, ‘Nếu ông Maitland sẵn lòng giúp đỡ, em nên ký tên vào.’

Henri Duval cầm cây bút thuyền trưởng đưa cho, vụng về và cứng đơ như trẻ con ký tên lên tờ giấy.

Alan nhìn mà sốt cả ruột. Ý nghĩ duy nhất của anh lúc này là chuồn ngay khỏi tàu để nghiền ngẫm điều vừa thoáng hiện trong đầu anh lúc nãy. Sự khích động càng lúc càng tăng. Dĩ nhiên điều anh nghĩ còn cần một quãng đường dài. Nhưng, đó là quãng đường mà, có thể, chỉ có thể thôi, đưa đến thành công.

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết