HÀNH TRÌNH ĐÔNG BẮC

 

HÀNH TRÌNH ĐÔNG BẮC

 

Từ thời Lý, biên giới phía bắc nước ta, tính từ phía đông, Móng Cái, Lạng Sơn, đến Cao Bằng thì khá rõ ràng. Còn từ Hà Giang, Lào Kai, Lai châu thì do các bộc tộc thiểu số cai quản. Họ, bên nào mạnh thì theo. Từ miền Cao-bằng bây giờ sang đông, biên giới đã khá rõ ràng. Theo LNĐĐ (Lĩnh ngoại đại đáp_Chu Khứ Phi, Tống) và các sử, thì đến vùng Đông-khê, không khác lắm. Từ đó ra biển, bắc ngạn sông Kỳ-cùng thuộc về Tống, gồm có châu Tây-bình, Lộc-châu và huyện Thanh-Viễn. Rồi tới chỗ gần bể, phần đất nước ta còn ăn vào tỉnh Quảng-đông đến gần vịnh châu Khâm. Còn về phía tây Cao-bằng, dân Man ở thành từng động, không hẳn thuộc về ai; cho nên biên giới có thể nói là chưa có… Nhìn biên giới Tống-Việt trên bản đồ, ta sẽ thấy chỉ chừng một phần tư biên giới Trung-Việt ngày nay là khá định; nghĩa là ảnh hưởng Lý và Tống tiếp xúc thực sự. Còn dư, về phía tây, đều thuộc những bộ lạc hầu như độc lập. Ai mạnh, kẻ nấy cai quản. (Lý Thường Kiệt, Hoàng Xuân Hãn)

Biên giới Việt - Tống thời Lý (Wiki)

Biên giới thời Lý (Hoàng Xuân Hãn-Lý Thường Kiệt)

 

Đông bắc thì có Tày, Nùng, Dao, Mông… Tây bắc có Thái, Mường và lại là Dao, Mông…Còn về phương bắc, ngoài hai dân tộc Hoa và Việt, có nhiều dân tộc khác mà cả hai nước đều gọi là Man (Thổ, Nùng, Mán…), chiếm miền rừng núi rất rộng ở giữa hai bình nguyên lớn : triền sông Lô (Nhị-hà) ở ta và triền sông Uất (Nanning) (Lý Thường Kiệt, Hoàng Xuân Hãn)

Địa bàn cư trú các sắc tộc thiểu số dưới thời Pháp thuộc. Nguồn: “Carte ethnolinguistique de l’Indochine”, EFFO, 1949, Lebar et al., 1964_ The Montagnards and the State in Northern Viet Nam, Jean Michaud

Hàng trên, trái qua phải: người Moung-Cha-Mèo (tức Mường); 2 người Hoa-Mèo (Pà Thẻn); 1 Thái đen; 1 Mán Tả Phàn; 1 Hoa-Mèo (Pà Thẻn); 1 Nùng; 1 Thái đen; 2 Mán-lan-Ten (người Dao lan Tẻn); 2 Thái đen.

Hàng dưới, bên phải: 5 người Nùng, có hai người đội mũ to đan bằng sợi mây

Đám cưới trẻ con người Nùng: chú rể 17 tuổi, cô dâu 14

Gia đình người Thái trắng ở sông Đà, Lý trưởng Phong-Thổ đứng trên ghế; ngồi ở hàng trước là 5 người vợ cùng 5 con và bà mẹ; chung quanh là cha mẹ và người hầu

(Ảnh: Les Races du Haut-Tonkin, Maurice Abadie, Paris, 1924)

L.Girod_ Dix ans de Haut Tonkin, 1899_ 10 năm ở miền thượng du, Bắc kỳ (Người miền thượng đi chợ)

 

NGƯỜI TÀY

Người Tày tạo thành một nhánh quan trọng của người Thái ở miền núi xứ Bắc kỳ. Họ tập trung phần lớn ở Lạng sơn và Cao bằng, và giảm dần về phía tây, Hà giang, Yên bái, Thái nguyên, Bắc giang…ở phía nam sông Hồng con số không đáng kể.

Như vậy, tính từ châu thổ sông Hồng lên tới Ải Nam quan, hoaặc dọc theo các con sông Lô, sông Chảy, sông Gấm, nghĩa là càng hướng tới các tỉnh phía tây Trung quốc, Vân nam, Quảng tây, ta càng gặp họ nhiều hơn và hình như họ xuất xứ từ những tỉnh ấy. (Góp phần nghiên cứu văn hoá Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên).

Các tác giả truyện đường rừng thời tiền chiến như Hoàng Ly, Thế Lữ gọi họ là người Thổ.

Họ là dân tộc đông thứ nhì ở Việt Nam sau người Kinh (Khoảng 1,8 triệu theo thống kê 2019). Có mặt ở Việt Nam khá sớm, khoảng 500 năm TCN. Biết làm ruộng, làm thủy lợi. Chăn nuôi thường là thả rông. Nghề dệt thổ cẩm rất nổi tiếng.

Bản người người Tầy thường ở chân núi, ven suối. Tên bản đặt theo tên núi, ruộng, sông…

Theo tín ngưỡng thờ tổ tiên.

Vài món ăn nổi tiếng: thịt trâu xáo măng chua, thịt lợn chua…

NHỮNG NGƯỜI TÀY CÓ DANH

Thân Cảnh Phúc, 1030-1077, biệt danh phò mã áo chàm, tướng nhà Lý có công lớn trong chiến tranh với nhà Tống.

Dương Tự Minh, ?-?, tướng nhà Lý, có công lớn khi trấn giữ biến ải phía bắc, được vua Lý gả công chúa.

Hoàng Yến Chao, 1883 – 1959, thổ ty huyện Bắc hà, tỉnh Lào Cai. Do dân vùng vùng đa số là người H’mông,, nên ông còn được gọi là Vua Mèo.

Hoàng A Tưởng, ?-?, con Hoàng Yến Chao, thổ ty Bắc hà, nổi danh với công trình dinh vua Mèo Hoàng A Tưởng.(Đừng lầm với dinh vua Mèo của Vương Chính Đức ở Hà giang.)

(Theo Wiki)

 

NGƯỜI NÙNG

Đông thứ 7 tại Việt Nam (hơn 1 triệu người theo thống kê năm 2019). Cư trú chủ yếu ở các tỉnh đông bắc như Lạng sơn, Cao bằng, Bắc kạn; khá đông di cư vào Tây nguyên. Có mặt trong 63 tỉnh thành VN.

Họ nói tiếng Nùng, thuộc nhóm ngữ hệ Tai-Kadai. Trung quốc gọi họ là người Tráng.

Khoa dân tộc học cho rằng từ 20.000 năm trước,, họ di cư từ Ấn độ sang Myanmar, rồi sang Vân nam. Sau đó xuống Thái lan, Lào, vòng qua bắc Việt Nam, cư trú chủ yếu dọc biên giới Việt Trung.

Khoa ngôn ngữ học cho là họ có quan hệ với nước Sở và do đó gần gũi với Lạc Việt.

Vào thế kỷ XI, thời Lý-Tống, biên giới Việt Trung do các dòng ho kiểm soát: họ Hoàng (Huang) khu vực phía đông, họ Vi vùng phía bắc Lạng sơn, họ Nông (Nùng) kiểm soát các vùng trái độn. Các mỏ vàng ở châu Quảng nguyên khiến Nùng Tồn Phúc trở nên giàu có. (Trước khi nhà Tống lập quốc, họ Nùng đã rất mạnh, LTK, HXH). Nùng Tồn Phúc bị vua nhà Lý, Lý Phật Mã giết. Con trai là Nùng Trí Cao trốn qua biên giới Tống, lập nên một quốc gia riêng, từng chiếm đất Quảng tây, Quảng đông. Sau bị nhà Tống diệt. Các bộ tộc về sau đều mang họ Nùng.

Thời Nguyễn, một thủ lĩnh địa phương tên Nông Văn Vân nối loạn chống triều đình, phải mất 3 năm vất vả, nhà Nguyễn mới dẹp được.

Sử sách còn ghi nhận Nùng Tôn Đản, thủ lĩnh bộ tộc Nùng, cùng Lý Thường Kiệt tham gia đánh Tống. (Nhưng sau đó, Nùng Tôn Đản lại theo về Tống, LTK_HXH)

 

NGƯỜI MÔNG

Là dân tộc có cá tính riêng và bản sắc độc đáo nhất. Bản tính kiêu hãnh nên họ chọn chỉ sinh sống trên các đỉnh núi cao.

Không gian sống của người Mông luôn là câu hỏi lớn đối với nhiều người. Tại sao họ lại chọn sống nơi lưng trời? Tại sao họ không di cư xuống vùng thấp hơn? Lý giải điều này, các nhà nghiên cứu cho rằng, việc người Mông sống trên đỉnh núi là một sự lựa chọn tất yếu của lịch sử. Bởi khi họ di cư đến, những nơi thuận tiện cho canh tác và sinh hoạt đều đã có chủ. Người Mông đến sau buộc phải chọn ở đỉnh núi cao. Nhưng ngay cả sau này khi được lựa chọn, nhờ thích nghi điều kiện tự nhiên cộng thêm bản tính kiêu hãnh, độc lập mà người Mông đời đời vẫn bám trụ trên những đỉnh núi, quyết không rời bỏ quê hương, dòng tộc.

Theo các nhà nghiên cứu, khoảng ba thế kỷ trước, người Mông (hay còn gọi là H’Mong, Mèo) phương Bắc bị truy đuổi nên dạt về phương Nam là vùng núi phía Bắc Việt Nam. Người Mông ở Hà Giang có số dân đông nhất chiếm trên 31% các dân tộc trong tỉnh, với 2 nhóm chính là Mông trắng và Mông hoa sinh sống chủ yếu ở các huyện phía bắc: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và hai huyện phía tây Hoàng Su Phì, Xín Mần.

Tiểu thuyết Hoàng Ly gọi họ là người Mán.

Đặc sản của họ là món thắng cố (ruột, gan, lòng dê), mèn mén (cháo ngô); nét riêng trong xây dựng là các hàng rào đá quanh nhà. Và chợ phiên là cũng đặc sản của họ.

Ngôn ngữ của họ là tiếng Mông, ngữ hệ Mông-Miến.

Truyền thuyết của người Mông kể tổ tiên họ ở một vùng đất lạnh lẽo và trùng với thời kỳ băng hà cuối cùng  cách đây 10.000 năm. Trùng hợp với thuyết bộ tộc Xi Vưu thua bộ tộc Hoa hạ (tức người Hán) ở Trác lộc vào 2600 TCN. Sau khi thua trận, họ tách thành 2 bộ tộc là Miêu và Lê. Người Miêu di chuyển xuống phía tây nam, người Lê về phía đông nam.

Người Miêu hay Mông, H’mong hay Mèo (Mèo là cách gọi sai từ chữ Miêu hay Miao. Miao ghép từ 2 chữ Điền và Thảo, chỉ một cộng đồng người biết trồng cỏ cây trên đất) xâm nhập vào Đông dương (ở Lào một người Miêu nổi tiếng là đại tá Vàng Pao) từ thế kỷ 16. Người Mèo ở VN hiện có khoảng 1,4 triệu.

Người Mông nổi tiếng nhất chính là chúa Mèo Vương Chính Đức người xây dựng dinh vua Mèo và con là Vương Chí Thành, sau là đại biểu quốc hội Việt Nam.

 

Cho nên, trên hành trình qua vùng đông bắc, những người dân tộc thiểu số ta gặp trên đường có thể là Mông, Tày hay Nùng mà nhiều người trong số họ từng ghi danh vào lịch sử…

Gói gọn trong 3 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Bắc Kạn. Chuyến đi là một vòng biên giới qua núi, đồi, đèo cao, rẻo sâu. Lịch sử hiển hiện ở vài địa danh, như cột cờ Lũng cú, vùng biên giới Việt-Hoa mà dân gian kể rằng ngày xưa danh tướng Lý Thường Kiệt đã từng cắm cờ xác định biên cương. Có lẽ chì là chuyện kể dân gian, vì không có sách sử nào ghi nhận…

Những dãy núi đá sừng sững, những vách đứng dữ tợn. Trên vách bám từng bụi cây đen ngòm; dưới chân núi là thung lũng xuyên dọc, đâm ngang, nước chảy mạnh, xanh ngăn ngắt. Ngày xưa hẳn đầy ắp rừng rậm, vô số thú dữ… và không thiếu chuyện vượn tinh, lang sói sống lâu năm hoá thành người… luôn chực chờ ở bìa rừng săn những cô thiếu nữ xinh tươi.

 

 

HÀ GIANG

 

NÚI CÔ TIÊN HAY NÚI ĐÔI QUẢN BẠ

Nằm án ngữ trên đường vào cổng trời hay cao nguyên đá Đồng văn. Sự tích của người Mông kể, có chàng trai tuấn tú thổi đàn môi rất hay. Tiếng đàn vọng lên trời, quyến rũ nàng tiên Hoa Đào xuống trần. Say mê tiếng đàn rồi say mê người thổi đàn, nàng trốn Thượng đế ở lại trần gian. Vừa sinh hạ được người con thì trời biết chuyện, cho đi bắt nàng về. Thương con khát sữa, nàng để lại bầu ngực cho con uống.

Và nó vĩnh viễn thành chứng tích cho mối tình tiên tục.

Núi đôi Quản Bạ (vietnamtourism)

 

CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN

Về địa danh Đồng Văn, địa danh Đồng Văn được xuất hiện lần đầu tiên tại Nghị định 60 ngày 17/6/1904, do Tướng chỉ huy tối cao quân đội Đông Dương ban hành, lập khu vực Đồng Văn, Lũng Cú và Má Lủng Kha thành công xã, gọi chung là Đồng Văn (Wiki).

Bao gồm 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Diện tích hơn 2.000km2. Khí hậu mát mẻ và địa thế hùng vĩ bậc nhất Việt Nam. Các nhà cổ sinh đã xác định được hóa thạch nhiều cổ sinh vật kỷ Devon (cách đây chừng 400 triệu năm và kéo dài chừng 56 triệu năm) như Bọ ba thùy ở Lũng cú, Cá cổ ở Đồng văn, San hô ở Mèo vạc…Đây là các loài sinh vật sống ở môi trường lục địa ven bờ và biển; tức là xưa kia, đây là biển.

Hoá thạch cá cổ ở Lũng cú (Tạ Hoà Phương)

Hóa thạch hai mảnh vỏ ở Đồng văn (Lương thị Tuất)

(Cao nguyên đá Đồng văn, công viên địa chất toàn cầu_ La Thế Phúc và đồng nghiệp)

 

CỘT CỜ LŨNG CÚ

Thiêng liêng cột cờ Lũng Cú | Báo Dân tộc và Phát triển (baodantoc.vn)

Cột cờ Lũng cú ở biên cương, xa nhất về phía bắc. Dựng theo mô hình cột cờ Hà nội, ở cao độ 1470m. Thời Pháp dựng lại năm 1887, phục dựng mới nhất năm 2010. Đường lên gồm 839 bậc thang. Trên đường có hoá thạch bọ ba thùy, loài cổ sinh vật đã tuyệt chủng.

Hóa thạch Bọ ba thùy

 

DINH VUA MÈO

 

Vua Mèo Vương Chính Đức.

Mặt trước dinh với khối nhà cổng

Cổng ngoài dinh và bức tường đá có lỗ châu mai

Lối dẫn vào dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức là hai hàng sa mộc mang từ Trung quốc sang, đứng uy nghiêm, rắn chắc như những người lính gác bảo vệ sự an toàn cho vua.

 

Cổng nhà cong, uốn lượn với những cánh dơi – biểu tượng cho chữ “phúc”. Mái cổng bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo, với nhiều kiểu hoa văn. Trải qua gần 100 năm, những chi tiết được đục đẽo thanh mảnh vẫn chưa hề mục nát.

 

Vương Chính Đức (1865-1947), người dân tộc Mông, từng là người đứng đầu chế độ thổ ty phong kiến miền núi của dân tộc Mông ở khu vực Đồng Văn, Hà Giang đầu thế kỷ 20; được gọi là Vua Mèo. Ông là người đứng ra xây cất dinh thự họ Vương, hay còn gọi là Dinh Vua Mèo.

Khu dinh thự của vua Mèo hay còn được gọi với tên Nhà Vương tọa lạc trong một thung lũng thuộc địa bàn xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Toàn bộ dinh thự vua Mèo có diện tích gần 3.000 m2, được khởi công vào năm 1919 và hoàn thành vào 9 năm sau đó tức 1928. Quá trình xây dựng tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay.

Dinh được xây dựng bởi những người thợ Vân Nam (Trung Quốc) và những người Mông (Việt Nam). Riêng diện tích dinh khoảng 1.200m2. Dinh thự vua Mèo có ảnh hưởng kiến trúc của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, người Mông và Pháp, do một người thợ quê gốc Nam Định thiết kế. Ngôi nhà có 4 nhà ngang, 6 nhà dọc, được chia thành tiền dinh, trung dinh và hậu dinh có 64 buồng được xây 2 tầng tường bằng đá xanh, mái vách bằng gỗ thông và ngói làm từ đất nung. Lối dẫn vào nhà được làm bằng những phiến đá hoa cương có chạm khắc nhiều hoa văn, mái nhà cong, uống lượn, mái cổng được làm bằng gỗ lợp ngói âm dương, chạm khắc tinh xảo, nhiều hoa văn.

Đây là công trình mang tính chất thủ phủ hành chính, cũng là dinh thự để ở và sinh hoạt. Dinh Nhà Vương gắn liền với cuộc đời của “Vua Mèo” Vương Chính Đức và con trai ông là Vương Chí Sình (tức Vương Chí Thành) (1886-1962), người đi theo cách mạng và trở thành đại biểu Quốc hội khóa 1, 2 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Chuyện về ông “Vua Mèo” Vương Chính Đức kể chắc không bao giờ hết. Chuyện ông đóng cổng trời Quản Bạ để tự xưng vương, chuyện hàng núi thuốc phiện và bạc trắng, chuyện xây dinh thự tốn một số tiền khổng lồ và những câu chuyện hoang đường ly kỳ khác xoay quanh dinh thự này…; tất cả đã là những câu chuyện của ngày hôm qua. Nhưng sự thật thì tới hôm nay, hơn trăm năm, kiến trúc này vẫn tồn tại dù qua bao thời gian, mưa nắng và chiến tranh.

Đó là một công trình đặc sắc và kỳ lạ. Đó là một sự giao thoa kiến trúc thú vị, một sự hợp lưu văn hóa một cách tự nhiên, không hề khiên cưỡng. Dinh Nhà Vương không to lớn, hoành tráng như nhiều người tưởng tượng, thậm chí ở góc độ nào đó nó giản dị gần với kiến trúc dân gian. Đó cũng là một trong số rất ít các dinh thự ở Việt Nam có đầy đủ các chức năng: Ở, làm việc và là pháo đài quân sự phòng thủ.

Mặt bằng tổng thể kiến trúc của dinh chịu ảnh hưởng của kiến trúc đời Thanh (Trung Quốc) với nhiều lớp nhà và sân trong. Tất cả các nhà ngang đều theo nguyên tắc ngoài thấp trong cao, toàn bộ dinh cao 2 tầng (1 trệt và 1 lầu). Kết cấu khung, sàn, mái hoàn toàn bằng gỗ, nhưng điều đặc sắc là hệ tường bao che cao tới 2 tầng (trừ khối lô cốt xây bằng đá) là tường đất (tường trình) như nhà truyền thống của người Mông. Các lớp mái ngói chồng lên nhau với kiểu ngói âm dương có hình chữ Thọ. Và ở đó đã có mặt dấu ấn của kiến trúc thuộc địa Pháp rất rõ với những ô cửa sổ kính chớp.

Bên trong những nếp nhà tường trình kia, là những câu chuyện và số phận kỳ lạ của những con người có thật. Một “Vương Quốc” tự trị dưới chế độ phong kiến – thực dân, trải qua cách mạng dân chủ dân tộc. Người cha trấn ải biên thùy được Vua Khải Định ban tặng hoành phi “Biên Chính Khả Phong” (Tạm dịch: Sắc phong cai trị biên cương); người con đi theo cách mạng, trở thành đại biểu Quốc hội, được Hồ Chủ tịch tặng câu đối, nay khắc trên bia mộ trước nhà: “Tận trung báo quốc/ Bất thụ nô lệ.

(Hà Thành-Tạp chí kiến trúc)

 

SÔNG NHO QUẾ VÀ HẼM TU SẢN

 

Hẽm Tu sản

Sông Nho quế cũng có hẳn một sự tích. Như sau:

Chuyện rằng, khi quả núi vẫn còn nguyên vẹn, nước từ trên núi chảy xuống bị ứ lại nhiều. Bên này núi, nước ngày càng dâng cao, còn sườn bên kia quả núi vì chưa có sông, đất lúc nào cũng nứt toác, khô cằn, cỏ cây trơ trụi.

Một ngày nọ, thần Sông có lời đề nghị thần Núi nằm dịch qua một bên để dòng nước thoát ra, không bị ứ đọng và tưới mát cho những vùng khô hạn. Nhưng thần Núi cứ nằm im, giả vờ không nghe thấy. Thần Sông bèn thưa với Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ra lệnh cho thần Núi tránh sang một bên nhưng không hiểu vì lý do gì, thần Núi vẫn tiếp tục giả vờ ngủ. Núi cứ ngủ mãi, ngủ từ đông sang hè, rồi từ hè sang đông.

Thế rồi vào một đêm mưa gió, thần Sét rút gươm rạch cắt màn đêm. Sau tiếng nổ vang vọng rung chuyển cả đất trời, thần Núi vỡ đôi. Nước bên này núi tuôn xối xả. Dòng nước đi tới đâu, cỏ cây được hồi sinh xanh tốt tới đó. Qua một đêm, bên sườn núi khô cằn đã phủ kín một màu xanh mượt mà. Từ đó, nước cứ xuyên qua đá núi sừng sững, chảy mãi, tụ hội thành dòng Nho Quế, chia đôi đèo Mã Pì Lèng với dãy núi Săm Pun.

Sông Nho quế dài 192km, bắt nguồn từ Vân Nam, Trung quốc, đoạn chảy qua Việt Nam dài 46km đi qua 2 tỉnh Hà giang, Cao bằng.

Chảy dưới chân đèo Mã pí lèng tuy nhiên phần đầu sông chảy từ thôn Séo Lủng xã Lũng Cú đi qua Hẽm Tu sản lại được xem là đoạn có cảnh sắc ngoạn mục, say đắm lòng người nhất, với chiều cao vách đá lên tới 700 – 800m, chiều dài tới 1,7km, sâu 700 – 900m. 

 

ĐÈO MÃ PÌ LÈNG

Ảnh: Instagram/Dantri.com.vn

Mã Pì Lèng được du khách gọi một cách không chính thống là một trong "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai), Đèo Khau Phạ (Yên Bái) và Đèo Pha Đin (Điện Biên).

Đèo Mã Pì Lèng thuộc tỉnh Hà Giang, dài khoảng 20km, nằm trên con đường “Hạnh Phúc”, nối từ Hà Giang đi Đồng Văn, Mèo Vạc.

“Mã Pì Lèng” là tên gọi theo tiếng Quan Thoại, chỉ sống mũi con ngựa theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này lại ám chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, là nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở. Tuy nhiên, một vài người dân ở đây lại đơn giản cho rằng tên “Mã Pì Lèng” chỉ đỉnh núi dựng đứng giống như sống mũi con ngựa.

Cao hơn 2.000m so với mực nước biển, Mã Pì Lèng với 9 khúc cua bên vách đá dựng đứng, được ví như dải lụa uốn lượn theo sườn núi, phía dưới là những bờ vực sâu thẳm.

Con đường đèo Mã Pì Lèng được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 tộc người của 8 tỉnh miền Bắc làm trong suốt 6 năm (1959 – 1965), riêng đoạn đường vượt qua đỉnh đèo được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng cm để làm trong 11 tháng. Không uổng công những tháng ngày xây dựng vất vả và đầy gian khó, con đường đèo Mã Pì Lèng đã có tác dụng rất lớn đối giao thông với khu vực miền núi phía Đông Bắc.

Để xây dựng được con đường đi hiểm trở giữa vách núi này, những người công nhân đã phải mất hơn 2 năm lao động vất vả mới hoàn thành được. Để vượt vách núi đã thắng đứng, đội công nhân cần xây dựng một đường đèo men theo vách núi ở độ cao khoảng 1.600m.

 

CAO BẰNG

Phố chính ở Cao Bằng xưa.

THÁC BẢN GIỐC

Thác Bản Giốc nằm ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm huyện khoảng 20 km. Ảnh: Công Đạt

Thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn, nửa phía Đông của thác bên phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả. Sông Quây Sơn bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy vào Việt Nam đoạn cột mốc 784 tại khu vực Pò Peo, xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Sau khi đổ xuống chân thác thì sông quay hẳn vào địa phận Trung Quốc.

Đây là một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam và nó được đánh giá là một trong 7 thác nước đẹp nhất thế giới. Hàng năm thác này đón rất nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm để chiêm ngưỡng và ghi lại sự kỳ vĩ của thác nước này.
(Thác Bản Giốc vào top đẹp nhất thế giới (vnanet.vn)

 

 

 

ĐỘNG NGƯỜM NGAO

 

Động Ngườm Ngao ẩn trong lòng núi

Động Ngườm Ngao - búp sen nhũ đá

Theo thuyết minh về động Ngườm Ngao, đây là một hang động to lớn được hình thành do sự phong hóa của đá vôi từ hàng trăm triệu năm trước. Động do người dân địa phương phát hiện vào năm 1921, nhưng đến 1996 mới được tỉnh Cao Bằng khai hoang, tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng để khai thác du lịch.

Ngườm Ngao theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là Động Hổ, do tương truyền xưa kia nơi đây có nhiều Hổ dữ sinh sống, nhưng cũng có thuyết cho rằng tiếng suối chảy trong lòng động vang dội vào những bức tường nhũ đá tạo nên âm thanh nghe giống tiếng gầm của loài Hổ.

Theo khảo sát của hiệp hội hang động hoàng gia Anh năm 1995, giới thiệu về động Ngườm Ngao có chiều dài 2.144m, gồm 3 cửa chính: cửa Ngườm Lồm quanh năm mát lạnh nằm ẩn mình dưới những khối đá phía chân núi, cửa Ngườm Ngao cách chân núi vài trăm bậc thang, và cửa Bản Thuôn phía sau núi, kề cận bản Thuôn của người Tày.

(Động Ngườm Ngao - Du lịch Cao Bằng (vamvo.com)

 

Đất Cao bằng thời Lý, là vùng đất do họ Nùng kiểm soát. Sau chiến tranh Tống Lý, lại là vùng đất tranh chấp ngoại giao của Tống Lý. Hai lần phái đoàn Đào Tông Nguyên (1078 và 1082) do vua Lý cử đi thương thuyết đòi lại đều bất thành. Đến lần thứ ba (1084), phái đoàn của Lê Văn Thịnh mới thành công. Tống sử ghi lại câu nói bất hủ của Lê Văn Thịnh:

Văn-Thịnh biện rõ rằng hai châu Qui-hóa và Thuận-an nguyên là đất Vật-dương và Vật-ác (nay thuộc Cao bằng) của nước ta, đã bị các tù-trưởng lấy trộm đem nộp Tống. Một phái-viên Tống nói : “Những đất mà quân nhà vua đã đánh lấy, thì đáng trả cho Giao-chỉ. Còn những đất, mà các người coi giữ, lại mang nộp để theo ta, thì khó mà trả lại. “ Văn-Thịnh trả lời : “Đất thì có chủ. Các viên coi giữ mang nộp và trốn đi, thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Sự chủ giao cho mà tự lấy trộm đã không tha-thứ được, mà trộm của hay tàng-trữ thì pháp-luật cũng không cho phép. Huống chi nay, chúng lại mang đất trộm dâng, để làm nhơ bẩn sổ-sách nhà Vua ! ” (TB 349/7b) (LTK, HXH) (TB: Tục Tư trị thông giám trường biên, do Lý Đào thời Tống soạn).

Biện luận thật đanh thép, chặt chẽ và…đúng theo tinh thần của luật !

Cao Bằng, ngoài thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, có một giả thuyết lịch sử : thành Bản Phủ, vẫn còn dấu vết ở thành phố Cao Bằng, có thể là nơi ngự trị của Thục Phán An Dương Vương, người đã đánh đổ Hùng Vương, lập nên nhà nước Âu Lạc. Thục Phán, cha của Mỵ Châu, nàng công chúa đi vào truyền thuyết với chuyện tình Mỵ Châu-Trọng Thuỷ đẫm nước mắt.

Dấu tích tường thành cổ - thành Bản Phủ tại xóm Hồng Quang I, xã Hưng Đạo (Thành phố).

Đền vua Lê tại xã Hoàng Tung (Hòa An) từng là cung điện nhà Mạc. Ảnh: Thế vĩnh

 

Lập luận của các nhà sử học về thuyết này là nhà nước Ba Thục, bị nhà Tần diệt, nằm mãi bên Vân Nam, cách nước Văn Lang hàng ngàn dặm, không thể ngày một ngày hai kéo xuống diệt Hùng Vương. Họ cho rằng, Thục Phán, chính là vua của người Tày cổ, xuất thân từ Cao Bằng.

(Thành Bản phủ và Thục Phán trong sử Việt_364. Thành Bản Phủ và vấn đề Thục Phán trong sử Việt – Lược Sử Tộc Việt (luocsutocviet.com)

Nhưng Cao bằng còn là kinh đô một thời của nhà Mạc.

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nhà Mạc nắm triều chính chỉ có 66 năm (1527-1593). Bị nhà Lê-Trịnh đánh đuổi, Mạc Kính Chi, Kính Cung… chạy lên Cao bằng và tồn tại đến 1677 mới bị diệt hẳn. Thêm 84 năm nữa.

Nhà Mạc rất coi trọng việc phát hiện nhân tài, dù chiến tranh liên miên nhưng các kỳ thi vẫn tổ chức khá đều đặn, đã tổ chức 21 khoa thi hội, tuyển chọn được 460 tiến sĩ và 10 trạng nguyên là những hiền tài, nguyên khí của quốc gia. Thời kỳ đóng đô ở Cao Bằng, nhà Mạc vẫn tổ chức thi cử và đặc biệt đã đào tạo, tuyển chọn được một nữ tiến sĩ duy nhất của nước ta trong thời kỳ phong kiến, đó là tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ. Rõ ràng thời kỳ vương triều Mạc đã sản sinh ra và trọng dụng nhiều người hiền tài, nhiều trí thức lớn của mọi thời đại; trong đó tiêu biểu, sáng chói nhất là trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, trí rộng, đức dầy, kiến thức uyên thâm, danh nhân văn hóa. Ngẫm câu ông cha ta đã tổng kết "Thời thế tạo anh hùng" thì về mặt này nhà Mạc quả là có những đóng góp to lớn cho đất nước.

Có lẽ lịch sử đã bất công với nhà Mạc khi hầu hết những tư liệu về vương triều này quá ít ỏi và không rõ ràng. Cái tiếng “ngụy triều” (chỉ nhà Mạc) phủ bóng xuống tư duy của các sử gia phong kiến quá vững chắc và kiên cố. Điều đó góp phần làm cho các di tích nhà Mạc đã bị tàn phá lại càng hoang phế hơn.

Khảo sát của các nhà sử học gần đây cho thấy toàn bộ thành Nà Lữ thuộc khu kinh đô của nhà Mạc (trên đất Cao bằng) rộng hơn 37 ha với những thành lũy được đắp bằng đá khối đã bị phá hủy hoàn toàn.

Thành Nà Lữ, năm 866 (đời Đường Hy Tông, năm Hàm Phong thứ 5 tháng 11 Bính Tuất) được Cao Biền (Tiết độ sứ) cho xây dựng cùng với thành Đại La, thành Phục Hòa và thành Lạng Sơn. Thời vua Lý Thái Tông (1048 - 1055), Nùng Trí Cao đã lấy cỗ này làm nơi chiêu binh luyện mã.

Sau khi quân Lê - Trịnh đuổi quân Mạc chạy sang Trung Quốc, Cao Bằng trở thành một trấn của nhà Lê, trấn thủ thành Nà Lữ là Lê văn Hải đã sửa chữa thành và xây đền vua Lê Thái Tổ tại đây.

(Thành Nà Lữ - Đền Vua Lê (dulichgo.blogspot.com)

 

Lịch sử lại một lần nữa trớ trêu đối với nhà Mạc khi chỉ có duy nhất đền thờ vua Lê tồn tại trong đồng đổ nát của kinh thành cũ.

Dù vậy, nghiên cứu về những vết tích còn sót lại như kho vũ khí bằng đạn đá, các dấu tích thành lũy được đắp bằng đất kết hợp với các nghiên cứu về hát Then của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Cao Bằng cho thấy sức ảnh hưởng và dấu ấn của nhà Mạc đối với vùng đất này, đặc biệt là sự giao thoa văn hóa Tày - Kinh.

Đã từng có một phong cách mỹ thuật Mạc cởi mở, tự do, phóng khoáng… nhưng ngắn ngủi. Thời Mạc cũng là giai đoạn các loại hình văn hóa dân gian như chèo, dân ca, tạp kỹ được cởi trói. Dù vậy, cuộc cởi trói và bừng lên chỉ tồn tại 65 năm ở đồng bằng và 90 năm ở miền núi.

Sau khi giành lại chính quyền, Lê Trịnh lại tiến hành chính sách cấm đoán như thời Lê Sơ trước đó.

(Hà Hương, Tìm lẽ công bằng cho nhà Mạc)

 

TRẠNG TRÌNH VÀ NHÀ MẠC

Dưới thời nhà Mạc, năm 45 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đi thi và đậu Trạng nguyên. Vua Mạc Đăng Doanh cất ông lên làm Tả thị lang Đông các học sĩ. Nhưng sau khi dâng sớ hạch tội 18 lộng thần nhưng vua không nghe, ông cáo quan về ở ẩn.

Triều vua Mạc Mậu Hợp, năm Diên Thành thứ 8 (1585), tức năm Ất Dậu tháng 11 thì ông lâm bệnh. Lúc này tình hình nhà Mạc đã quá suy yếu, vua Mạc Mậu Hợp sai sứ đến vấn an và hỏi về quốc sự. Ông chỉ trả lời rằng: "Tha nhựt quốc hữu sự cố, Cao Bằng tiểu địa, sổ thế khả duyên." Nghĩa là: Sau này quốc gia hữu sự thì đất Cao Bằng tuy nhỏ bé cũng có thể dung thân được vài đời. Trước khi ông mất, nhà Mạc xin ý kiến tồn tại thế nào, ông đọc hai câu thơ: "Cao Bằng tàng tại - tam đại tồn cô" (nghĩa rằng rút về đất Cao Bằng thì sẽ tồn tại thêm được ba đời nữa).

Bảy năm sau, năm Quang Hưng thứ 15 (1592), triều Mạc sụp đổ. Theo lời khuyên của Trạng Trình, con cháu nhà Mạc chạy lên Cao Bằng cố thủ, dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở để xây dựng căn cứ, chọn Na Lữ, xã Hoàng Tung (Hòa An ngày nay) là đế đô, vương phủ ở Cao Bình, xã Hưng Đạo (Thành phố). Nhà Mạc ở Cao Bằng 84 năm (1593 - 1677) trải qua ba đời vua: Mạc Kính Cung (1593 - 1625), Mạc Kính Khoan (1625 - 1638), Mạc Kính Vũ (1638 - 1677). Năm Vĩnh Trị thứ 2 thời vua Mạc Kính Vũ (1677) bị nhà Lê đánh bại.

(Thu Trang, “Sấm Trạng Trình” mở ra 84 năm vương triều Mạc)

[ CÁI ÁN MẠC ĐĂNG DUNG

Theo cáo trạng của Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược trang 274: "Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp ngôi, ấy là người nghịch thần, đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cửi trần ra trói mình lại, đi đến quỳ lậy trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quý cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ. Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người là không có nhân phẩm; một người như thế ai mà kính phục?

Ngược với quan điểm trên đây của sử gia Trần Trọng Kim, sử gia Phạm Văn Sơn đã bênh vực và giải oan cho nhà Mạc trong bộ Việt sử tân biên. Dẫn theo ý của học giả Lê Văn Hoè trên tờ Đời mới (1951), nhà sử học cho rằng sử ta cũng như sử tàu đã cố ý miệt thị đối phương. Sử gia và các nho thần đời xưa chỉ biết uốn ngòi bút theo giòng tư tưởng của nhà vua, nhà chúa thì ta không lạ gì nếu họ Mạc bị bôi nhọ, và sự nghiệp ngót 150 năm của Mạc triều bị lãng bỏ để lu mờ với thời gian. Các vua Lê (Túc Tông, Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông) chỉ lo chém giết lẫn nhau, không Mạc Đăng Dung thì cũng có kẻ khác bước ra làm cách mạng.

Ngoài việc nộp 5 động, Việt Nam Sử Lược còn nói Mạc Đăng Dung cửi trần, tự trói mình trước cửa viên của địch có thật chăng? Sử nào chép chuyện này? Chúng tôi e rằng việc này đã căn cứ vào tài liệu trong An Nam Truyện quyển 231 có nói đến quyết định của vua Minh Thế Tông là: "Nếu cha con họ Mạc chịu trói và quy hàng thì sẽ tha tội chết". Đó chỉ là câu nói hàm hồ và không hề có chuyện này ].

(Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên)

 

HỒ BA BỂ

Tên theo tiếng Tày, Slam Pé, nghĩa là Ba Hồ. Là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam thuộc tỉnh Bắc Kạn, cũng là một trong 100 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới.

Được hình thành từ một vùng núi đá vôi bị sụt xuống do nước chảy ngầm làm rỗng lòng khối núi, nơi đây vô tình tạo nên một trong những vùng hồ đẹp và lớn nhất nước ta. 

Với diện tích mặt hồ lên đến 650ha, độ sâu trung bình 20 - 25m trải dài hơn 8km, hồ Ba Bể hiện ra như một mặt gương phẳng lặng phản chiếu bầu trời xanh trong cùng núi non hùng vĩ. Hồ là nơi hội tụ của ba nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng, cũng vì vậy mà nơi đây còn được người dân địa phương gọi với cái tên Slam Pé, nghĩa là ba hồ. 

Cảnh sắc hữu tình ở hồ Ba Bể vào những buổi sớm sương mờ giăng lối sẽ khiến nhiều người kinh ngạc vì ngỡ như đó là một bức tranh thủy mặc siêu thực.

Cảnh đẹp như tranh vẽ trên hồ Ba Bể vào những buổi sớm mờ sương. (Ảnh: cheaptravelbuddy)

(Hồ nước ngọt đẹp bậc nhất Việt Nam huyền ảo như tranh, nhất định phải đến 1 lần (vtc.vn)

 

Hành trình đến Ba Bể, chép theo Nữ chúa Hồ Ba bể, của Hoàng Ly:

“Thượng du đất Việt. Núi đồi trùng trùng điệp điệp vắt suốt từ Tàu sang nội địa Việt Nam, chạy dọc theo thế liên hành nhấp nhô khắp bốn phương tám hướng... Miền đèo cao dốc vút rừng núi thiên hiểm hùng vĩ không thua đất Ba Thục (Tứ Xuyên) bên Tàu. Miệt Bắc Cạn Cao Bằng lại là đất sản sinh nhiều ngựa nhất Đông Dương, ngựa Nước Hai, Nguyên Bình tốt giống, chạy hay không kém ngựa Châu Tứ, Châu Ký bên Tàu nên đương thời, vùng Cao Bắc Lạng rất lắm xe ngựa, đặc biệt loại xe song mã, vừa chở hàng, vừa chở khách. Vào dịp có phiên chợ tỉnh, châu, chỗ nào cũng đầy xe ngựa. Du khách thị thành, bình nguyên đi chơi hồ Ba Bể thường thích đi xe song mã, cỡi ngựa nếm phong vị sơn cước, trai thanh gái lịch lũ lượt từng đoàn áo màu phấp phới như hoa nở Sơn Khê. Hôm đó, vào dịp có phiên chợ, lại nhằm ngày thứ bảy, độ nghỉ hè, khách thương, du khách, thổ dân từ các miệt Cao Bằng, Tĩnh Túc, Chợ Rã, Bắc Cạn ngược xuôi đông đúc. Con đường nhánh quốc lộ số 3, ngựa xe qua lại lũ lượt, đám từ hồ Ba Bể ra, đám từ các mạn đổ vào, cảnh vui như trẩy hội. Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều nhưng mặt trời tháng năm vẫn đổ nắng xuống sơn lâm. Con đường Tổng Hóa - Chợ Rã quanh co uốn khúc giữa núi rừng trùng điệp, cái bụi hoe vàng cuốn bay từng đám theo bóng ngựa xe. Khí trời, khí đá oi ả. Thỉnh thoảng mới có một cơn gió thổi qua hẻm trống. Hoa “Krỏng” đỏ ối ven rừng xanh, vách núi gần xa. Vài tiếng vượn hót chon von nghe buồn ngủ gật, khách ngược xuôi đều chảy mồ hôi.”…

 

Sự tích hồ Ba Bể, (chép theo Ba bể du ký, tác giả: Huỳnh Văn Trọng, Phán sự toà Bố Bắc Kạn, đăng trên Nam Phong tạp chí, số tháng 1/1922):


“Nguyên Ba Bể là ba cái hồ hợp lại, rộng gần bằng hồ Tây ở đất Thăng Long, địa thế tương tự như con ngựa phục, mà gò ấy ở ngay vào giữa lưng ngựa, hình thế như cái yên, cho nên đặt tên là An Mã tức là yên ngựa vậy….Nhân qua gò An Mã mà được thừa quan Châu Chợ Rã kể cho nghe hai câu chuyện nguyên ủy Ba Bể rất nên lý thú ly kỳ như sau này.

Năm Thái Hòa Lê Nhân Tôn (1442-1443) chẳng may hai quả núi đá bích lập ở vệ khúc sông Đầu Đảng lở xuống, lấp dòng sông Năng, nưóc chảy đến đấy mắc nghẽn, dồn trở lại theo dòng suối con Nam Mẫu. Đến làng Nam Môn là chỗ đất thấp, nưóc tràn ùa vào, nhà cửa, ruộng nương đều bị ngập lụt. Thế nưóc mỗi ngày một lón mà tứ phía không có lốì thông, tích lại lâu ngày thành ra hồ Ba Bể. Khi ấy, dân khai thủy tẩm, triều đình phái quan lên khám, thấy quả như lòi, liền chuẩn y miễn thuế điền thổ cho xã Nam Môn 15 mẫu, và đổi tên xã Nam Môn là Nam Mẫu. Vào khoảng bốn mươi năm về trưóc, dân sự còn giữ được giấy má rõ ràng, sau vì giặc giã loạn lạc nên những giấy má ấy đều bị hủy hoại hoặc mai một đi, mất một cái di tích tự 478 năm để lại, thật là khá tiếc. Đến ngày nay, một đôi khi, tròi quang mây tĩnh, thiên thủy một mầu, nhìn xuống đáy hồ còn trông thấy mập mò những di chỉ cửa nhà và lò ngói, ấy là cái thực chứng có thể tin được vậy. Hiện nay ở Đầu Đảng, nưóc sông chảy qua những tảng đá lở, tóe ra trắng xóa như mó lụa bạch, reo xuống ầm ầm, thật là: Nước reo tiếng dậy ầm ầm, Thủy ngân trắng xóa trong hầm đá xanh.

Sự tích minh bạch là thế, ngán thay dân sự miền này thật là mơ hồ ám muội, mê tín những điều dị đoan vô lý, những sự hồ đồ huyền hoặc, nên mói nẩy ra câu chuyện như sau này:

Về xã Nam Môn xưa có ngọn suối con chảy qua địa hạt. Bỗng một ngày kia, con thủy ngưu lạc lên trên bộ, chạy rông ngoài đồng ruộng, phá hại lúa má rất nhiều. Dân sự trông thấy, liền kẻ sào người gậy, đổ ra vây bắt được thủy ngưu đem về giết thịt, chia nhau ăn uống rộn rịp cả làng.

Cùng trong xóm ấy, riêng một góc rừng, có bà lão góa, tuổi ưóc ngũ tuần thân cô thế độc. Hay đâu họa phúc bởi Tròi, thủy thần biến hóa ra người ăn xin, để đi tìm trâu lạc, khi đến làng Nam Môn chợt thấy tấp nập cỗ bàn, ngài lấy làm nghi tình, bèn rảo bưóc đến nhà bà lão, giả hình hành khất, mà dò la tin tức. Bà lão thấy người đói khổ, rách rưói, xiết bao nỗi thương tâm, nhưng khôn thay, bà cũng cơ cực, trong nhà không còn một miếng gì, bà liền hòa nhã dịu dàng mà rằng: “Ông ơi, già này nghèo khổ lắm, bữa đói bữa no, không còn gì mà đãi ông được. Kia kìa, ông hãy quá bộ vào trong xóm kia, họ mói bắt được con trâu, làm thịt chè chén tưng bừng vói nhau, ông vào đó, chắc họ cũng thương tình mà cho ông ăn uốhg” Lão ăn mày liền hỏi lại rằng: “Thế sao họ không chia cho bà một phần?” - “Than ôi! tấm thân quạnh quẽ, họ nào nhó đến? Nhưng mà thôi, thịt mà chi, cá nữa mà chi; già này còn thiết tha gì miếng ngon.” - “Thế ra họ khinh bạc bà, họ không kính nể kẻ già nua, tuổi tác, họ nhẫn tâm thật! Này này, ta cũng chả giấu giếm gì già, ta nay là thủy thần hiện lên đây, chủ ý đi tìm con trâu của ta nó lạc mất, không ngờ dân sự xóm này đã bắt trâu ta mà thịt rồi, vậy thì cái tội chúng, ta không sao dung được. Già là người trung hậu phúc đức, ta không nỡ để phải họa lây. Nội nhật hôm nay, già phải lấy trấu mà rắc quanh nhà, đêm nay sẽ thấy báo ứng. Già phải nhó lòi ta dặn.” Nói đoạn tàng hình mà biến mất. Bà lão nửa mừng nửa sợ, nghi nghi, hoặc hoặc, nhưng cũng làm theo như lòi thần bảo, thòi quả nhiên đêm hôm ấy, đang lúc bàng hoàng giấc điệp, bỗng nghe thấy đùng đùng như súng nổ, như sấm vang, giật mình tỉnh dậy, sợ hãi bồi hồi, ngó ra ngoài xem, thấy cửa nhà đồng ruộng, sụt lở dần dần, nưóc dâng lên mông mênh bát ngát, sóng vỗ ầm ầm, cái quanh cảnh một nơi thôn dã bỗng biến ra đại hải. Kỳ thay! Riêng một miếng đất bà lão ở vẫn trơ trơ không chuyển, còn mãi đến ngày nay mà ta gọi là gò An Mã.”

 

Ngày cuối năm.

2022

NTH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết