VƯƠNG GIẢ CHI HOA

VƯƠNG GIẢ CHI HOA

Nothing in science can account for the way people feel about orchids.

Con người ta cảm nhận hoa lan ra sao là điều khoa học chẳng giải thích được.

(Susan Orlean trong Kẻ cắp hoa Lan_The Orchid Thief_Joel Schiff, History of Orchids, 2018)

 

Thường nghe các cụ nói vương giả chi hoa, hoa của vương công quý tộc. Để chỉ hoa lan. Các cụ dẫn cả lời Khổng tử:

“Khổng Tử gia ngữ” có viết: “Chi lan sinh vu thâm cốc, bất dĩ vô nhân nhi bất phương. Quân tử tu đạo lập đức, bất vi bần khốn nhi biết tiết.” nghĩa là: Cây Lan mọc ở trong núi sâu, không vì ở chốn không người mà không thơm; người quân tử tu Đạo lập đức, không vì khốn cùng mà thay đổi khí tiết.

Bản chất hoa lan vốn cao quý nên dù ẩn thân trong chốn thâm sơn cùng cốc vẫn ngát hương.

Khổng Tử là thầy thiên hạ. Ngài đã khen ắt đúng. Vậy hoa lan ngay từ thời Khổng Tử đã là hoa vương giả.

Người đời sau khen hoa lan vương giả là Phạm Đình Hổ, tương truyền cũng là bạn văn chương với nữ sĩ tài danh bậc nhất trong văn học Việt Nam, Hồ Xuân Hương.

Đời xưa gọi lan là vương giả hương, vì hoa lan thanh nhã bất phàm; những thứ hoa kỳ quái dễ làm cho người ta say mê không thể ví với nó được”, (Vũ trung tùy bút, chương VII, Hoa thảo).

Chẳng biết đời xưa là đời nào. Cứ xưa là được.

Xưa rất xưa, ngô đồng từng là loại cây cao quý vì chim phượng hoàng chỉ đậu trên cây ngô đồng. Nó được những cao nhân danh trấn giang hồ như Trang tử hay Tử Kỳ nói đến:

Trang tử nói với Huệ tử: Phương nam có loài chim, tên gọi phượng hoàng, ông (tức Huệ Tử) có biết không? Loài chim này, phát từ Nam Hải, bay lên Bắc Hải, không phải ngô đồng không đậu, không phải hột luyện không ăn, không phải suối nguồn không uống…

(Trang tử và Nam hoa kinh, Nguyễn Hiến Lê dịch)

Tích Bá Nha-Tử Kỳ kể: Bá Nha hỏi Tử Kỳ về xuất xứ của cây dao cầm, Tử Kỳ đáp: "Vua Phục Hy thấy 5 ngôi sao rơi xuống cây ngô đồng, rồi có chim phượng hoàng tới đậu, biết là cây quý, nên lấy gỗ làm thành loại nhạc cụ, bắt chước nhạc khí cung Dao Trì, gọi là dao cầm..."


Cho nên, ngô đồng là cây cao quý, khác phàm.

Ấy là ngày xưa. Còn ngày nay, chim phượng hoàng chỉ còn trong huyền thoại, thế là cây ngô đồng mất địa vị tôn quý của mình. Vì rằng…

Mấy nhà thơ lại nghĩ khác. Như  Bạch Cư Dị:

Xuân phong đào lý hoa khai nhật,

Thu vũ ngô đồng diệp lạc thì

(Trường hận ca).

Xuân đào lý gió đêm huê nở
Thu khi mưa rụng lá ngô đồng

(Tản Đà dịch)

Như Bích Khê:

Ô ! Hay buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi ! vàng rơi ! Thu mênh mông

(Tỳ bà)

Hay một câu cổ thi Trung quốc mà cho đến nay vẫn chưa biết tên tác giả:

Ngô đồng nhất diệp lạc

Thiên hạ cộng tri thu

Một lá ngô đồng rụng

Ai người chẳng biết thu

Nghĩa là ngô đồng chỉ tượng trưng cho mùa thu. Vương giả chỉ riêng cho truyện xưa tích cũ. Buồn nhỉ.

Hay hoa cúc, ngay bộ sách dược điển cổ của Trung quốc, Thần nông bản thảo, cũng xếp nó vào hàng thượng đẳng vì dược tính mà ít loài hoa nào có được, chẳng được liệt vào hàng vương giả.

Võ hậu, Võ Tắc Thiên, vì mẫu đơn cãi lệnh không nở hoa vào mùa xuân nên bị đày xuống Giang Nam. Mẫu đơn cứng cỏi, uy vũ bất năng khuất nên có khi cũng được gọi là vương giả chi hoa. Mẫy đơn cũng đẹp có xấu đâu, nhưng xếp nó vào hàng cao quý vì khí tiết không phải vì nhan sắc vì hương thơm.

Ta nhớ chuyện tướng Trần Bình Trọng với câu nói “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”.

Hay sứ thần Giang Văn Minh với câu đối:

Đồng trụ chí kim đài dĩ lục

Đằng giang tự cổ huyết do hồng

Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc

Bạch Đằng thuở trước máu còn loang

Hai ông là tướng là sứ thần mà sống làm tướng, chết thành thần.

Riêng nhân vật Trần Ích Tắc hay Lê Tắc như hầu hết vương tôn công tử nhà Trần, đều kinh luân gồm đủ. Đại Việt sử ký toàn thư chép về Ích Tắc : "Ích Tắc là con thứ của thượng hoàng (Trần Thái Tông), thông minh hiếu học, thông hiểu sử ký, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo. Từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như bọn Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu... thảy 20 người, đều được dùng cho đời". Giấc mơ ngôi báu đã khiến ông lầm đường ḷac lối. Khi lưu lạc bên Nguyên triều, cố soạn được bộ An Nam chí lược hẳn để xóa đi phần nào nỗi ô nhục. Tài tình chi lắm để rồi…

Trần Ích Tắc mà biết đến hoa lan thì không đến nỗi đi sai đường ! ?

 

Rốt lại, chỉ còn hoa lan.

Hóa thạch loài ong đã tuyệt chủng Proplebeia dominicana, bị nhốt trong khối hổ phách với phấn hoa lan cổ trên lưng, khoảng 15-20 triệu năm. (Dating the origin of the Orchidaceae from a fossil orchid with its pollinatorSantiago R. Ramírez, Nature, Sep. 2007).

Năm 2000, người ta tìm được khối hổ phách hoá thạch ở Cộng hoà Dominica,. Mắc trong khối hổ phách này là con ong tên khoa học là Proplebeia dominicana, có tuổi khoảng 15-20 triệu năm trước. Vương trên cánh và lưng ong là phấn một loài lan đã tuyệt chủng tên Meliorchis caribea. Nhóm các nhà khoa học Santiago R. Ramirez thuộc Đại học California đã xác định nguồn gốc loài lan này có từ 76-84 triệu năm trước, kỷ Phấn trắng Muộn (Late Cretaceous), tức là chúng tồn tại cùng với khủng long. Đây là bằng chứng cổ xưa nhất về lan cho tới nay.

(Ramirez và đồng nghiệp, Nature, 2007)

Còn hậu thế chúng ta chỉ thấy chú ong kia mới là kẻ bất tử. Và khủng long hóa ra là sinh vật đầu tiên trên quả địa cầu được ngắm hoa lan.

Ông tổ nghề thuốc Trung hoa Thần Nông (khoảng 2695 TCN) là người đầu tiên nhắc đến Bletilla hyacinthina và dược tính của Lan Dendrobium.

Sách Thực vật chí đầu tiên của Trung quốc là cuốn Nan-fang Ts'ao-mu Chuang, Cây cỏ phương Nam, viết về các loài cây cỏ ở nam Trung hoa và bắc Việt Nam, của Tân Hoán, (hay Ki Han, Han Ji, Ji Han), dưới triều hoàng đế Hiếu Huệ, đời Tây Tấn, 290-307 CN, kể tên loài Cymbidium ensifolium và Dendrobium moniliforme , nhưng xem đây là loại cỏ.

Kinh Dịch nhắc đến Lan như sau:

Tử viết: “quân tử chi đạo hoặc xuất hoặc xử, hoặc mặc hoặc ngữ, nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim, đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan”.

Thầy (Khổng) nói: “Như đạo người quân tử, hoặc xuất hoặc xử, hoặc yên lặng hoặc nói năng, hai người mà cũng một lòng (đồng tâm) thì sức mạnh bẻ gảy được loại kim (ngăn cách họ), và lời của họ thấm thía như hương lan)”

(Hệ từ thượng, bình giảng về quẻ Đồng nhân, Hào 5_ Kinh Dịch, Đạo của người quân tử, Nguyễn Hiến Lê)

Và Kinh Thi (Thế kỷ V TCN) chép một bài ca có nhắc đến lan :

Trân Vĩ (Trịnh phong 21)

Trân dữ Vĩ

Phương hoán hoán hề

Sĩ dữ nữ

Phương bỉnh gian hề

Dòng sông Vĩ với sông Trân

Thủy triều vào khoảng mùa xuân đẫy đầy

Khắp vùng con gái con trai

Hoa lan mới bẻ cầm tay trao lời

Chú giải của Chu Hy: (gian là hoa lan), cây hoa lan cộng và lá giống cây trạch lan đốt dài mà rộng, trong đốt màu đỏ, cao bốn, năm thước. Theo phong tục nước Trịnh, vào ngày Tỵ trong thượng tuần tháng ba, người ta hái hoa lan ở bờ sông để trừ tà và cầu phúc.

(Kinh Thi, Tạ Quang Phát dịch, nxb Đằ Nẵng)

 

 

Kinh Thi là ca dao của người dân Trung quốc. Người bình dân Trung quốc cùng thời với Khổng Tử đã biết đến hoa lan từ khoảng 2500 năm trước. Họ cầm hoa lan đi chơi vì lan với họ, là vật trang điểm, (nhưng cũng mang theo niềm tin từ xa xưa là để trừ tà cầu phúc), không phải là thuốc, khác với điều ta thường nghĩ như các thư tịch cổ. Và cũng khác với Tây phương biết đến lan Vanilla qua người da đỏ Aztec, chỉ dùng làm chất thơm và chất kích thích của loài cây cỏ cho mãi đến giữa thế kỷ 18, khi Carl von Linné mới xếp nó vào họ lan và đầu thế kỷ 19, triều đình và hoàng gia Anh xem như hoa trang trí.

 

Lan cũng là chủ đề trong hội họa đời Nguyên ((1279-1368).

Zheng Sixiao, Hoa Lan, 1306, mực trên giấy, (Osaka Municipal Museum of Art)_ https://smarthistory.org/zheng-sixiao-ink-orchid/.

 

Vùng Kashmir ở Hymalaya đã dùng lan làm thuốc từ rất lâu. Ở Trung Đông, bộ Medicinal Orchids of Asia đã nhắc đến nó.

Lan châu Âu bắt nguồn từ Địa trung hải, với học giả Hy lạp Theophrastos hay Theophrastus ( 371–287 B.C.), trong bộ Historia Plantarum (Enquiry into Plants). Thuật ngữ Orchis là do triết gia này đặt, vốn là học trò của Plato và Aristotle, nên ông được mệnh danh là cha đẻ của ngành Thực vật học. Từ “Orchid” do từ “Orchis” mà ra.

 

Những cuốn sách đầu tiên mô tả về lan  là từ Trung quốc: cuốn Chin Chan Lan Pu của Chao Shih-Keng (1233), mô tả 20 loại lan và cách trồng và cuốn Lan Pu, của Lang Kuei-Lsueh (1247), mô tả 37 loài.

Lan đã là thú chơi từ xa xưa ở Nhật. Người châu Âu khi buôn bán với Nhật biết đến điều này, chẳng hạn như Engelbert Kaempfer, thầy thuốc người Đức làm việc cho Công ty mậu dịch Hà lan. Các báo cáo của ông năm 1712 có nói đến lan Dendrobium moniliforme. Một cuốn sách viết về lan xuất bản năm 1728, tác giả là Jo-an Matsuoka, ký tên giả là Igansai (năm 1772 được in lại bằng tiếng Hoa có rất nhiều tranh khắc gỗ các loài hoa lan như Cymbidium, Neofinetia, Aerides, Dendrobium, Bletilla), sách viết tên các loài hoa có hương lạ đều là ran, viết theo tiếng Hoa là lan.

Neofinetia falcata, loài lan ưa thích của giới quý tộc Nhật trong nhiều thế kỷ (A History of the Orchid)

Tài liệu phương Tây về lan đầu tiên là Badianus Manuscript, một loại bản thảo về cây cỏ của người Aztec năm 1552, được lưu giữ trong thư viện Vatican. Ngôn ngữ Aztec gọi hương vanilla  là tlilxochitl, có tác dụng làm giảm sợ hãi và tăng can đảm. Người lưu ý đến nó là Hernan Cortez, khi chinh phục Mexico năm 1519. Và như thế Vanilla planifolia đã được dùng làm chất gây mùi và chất thơm từ đó.

Năm 1658, thuật ngữ vaynilla xuất hiện trong tác phẩm của William Piso, theo cách gọi của người Tây ban nha, vì từ của người da đỏ tlilxochitl quá khó đọc. Vanilla gốc từ tiếng Tây ban nha vaina, nghĩa là cái kén nhỏ, hay con nhộng (capsule).

Các nhà thực vật học cứ tiếp tục nhầm lẫn về Vanilla cho đến năm 1749, nhà thực vật học người Thụy điển Carl von Linné, hay Linnaeus mới xem nó như một loài thuộc họ Lan, (Orchis).

Vanilla planifolia, hay “lan thương mại” (the orchid of commerce), người Aztec đầu tiên dùng nó làm chất thơm và được buôn sang châu Âu cũng với công dụng như thế vào thế kỷ 16, 17 nên thành tên. ( A History of the Orchid)

 

Thế kỷ 17, hoa uất kim hương (tulip) làm mưa làm gió ở Hà Lan và châu Âu và nền kinh tế bong bóng trên những vườn uất kim hương nổ bùm như xác pháo chỉ một vài năm sau (tàn lụi vào tháng 2.1637). Để rồi, sang thế kỷ 19, hoa lan đã gây nên cơn sốt lan từ  triều đại Victoria ở Anh sang châu Âu rồi châu Mỹ, gọi là “Orchidmania, cơn cuồng lan”, (Khởi đầu là loài Bletia purpurea gởi từ Bahamas sang Anh năm 1731).

Lan Bletia purpurea trong Curtis’s Botanical Magazine, 1833, đã nở hoa lần đầu ở Anh quốc một thế kỷ trước_History of Orchids

 

(Cơn sốt tạo nên cơn cuồng lan Victoria vì nó trùng hợp với triều đại nữ hoàng Victoria (1837-1901), mà bản thân bà cũng là người mê say lan).

Oncidium papilo, loại lan quyến rũ Quận công Devonshire đệ lục, William Cavendish, 1790-1858, đến với thú sưu tập lan

Hiếm, đẹp, bí ẩn, đến từ chốn xa lạ, chừng ấy thứ đã tạo nên một thứ văn hóa của giới quý tộc, là dấu ấn cho nét vương giả. Nên chi có người bỏ ra cả gia tài để có được nó: nữ hoàng đã được vinh danh vào năm 1896 bằng tên một loài lan, Dendrobium victoria-reginea. Còn mới đây, nhà Chadwick & Sons of Virginia, U.S.A., dùng tên Cattleya đặt cho các loài lan lai theo tên các thành viên hoàng gia Anh.

Trong thời kỳ này, lan đến châu Âu từ những cánh rừng mưa nhiệt đới, từ những vùng thâm sơn cùng cốc ở Nam Mỹ, châu Á. Để tìm được nó, những tay săn lan phải đối mặt với bệnh tật, thời tiết khắc nghiệt, những thổ dân thù nghịch và những bộ lạc hiếu chiến, côn trùng chích, dơi hút máu, dã thú hung dữ. Nó là thú vui cho giới kỹ nghệ gia giàu có, các chính trị gia quyền lực, tài tử và minh tinh màn bạc với vẻ đẹp kiêu sa, bí ẩn, lại có xuất xứ từ những vùng đất xa xôi, huyền hoặc, càng tăng thêm sự quyến rũ cho một loài hoa giờ đây đã bước lên một thứ ngai vàng, chiếc ngai vĩnh cửu.

Cơn cuồng lan thời Victoria kết thúc khi Thế chiến I bắt đầu. Lan được lai tạo và giá giảm từng ngày khiến lan thành thú vui phổ thông. Khi Đại chiến II chấm dứt, mỗi ngày qua có hàng chục loại lan mới tìm thấy đưa lan đến với đại chúng.

Bản in cổ lan Cattleya labiata (A History of the Orchid_ Reinikka, 1995)

Cattleya labiata, đã đẩy nhanh cơn điên lan “orchid craze” vào đầu những năm 1800 ở Anh quốc_A History of the Orchid

 

 

Lan Phalaenopsis, tranh vẽ của G.E. Rumphius, 1750

(History of Orchids_ Joel Schiff)

Săn lan trong rừng thẳm xứ Columbia, 1891_History of Orchids

Tuổi ngang với khủng long, sinh vật huyền thoại, tên gắn với những con người lừng lẫy nhất của lịch sử, Thần Nông, Khổng Tử, Theophrastus, Nữ hoàng Victoria, được những kỳ thư của nhân loại nhắc đến (Kinh Thi, Kinh Dịch). Có mặt trong những vương triều danh giá nhất như hoàng gia Anh, hoàng gia Nhật. Có thể thêm vài tên tuổi lớn như Carl von Linné, William Cavendish, Charles Darwin. Nên Lan, được tôn xưng vương giả chi hoa, là điều hiển nhiên.

 

Tháng 9.2022

NTH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết