SÁCH GIẤY VÀ SÁCH ĐIỆN TỬ

SÁCH GIẤY VÀ SÁCH ĐIỆN TỬ

Cảo thơm lần giở trước đèn

(Nguyễn Du, Kiều)

Vừa nghe được bản tin trên Tivi vài hôm trước, bốt điện thoại công cộng cuối cùng ở thành phố Nữu Ước vừa được tháo dỡ, chấm dứt một thời kỳ vàng son của điện thoại bàn. Ở Việt Nam và nhiều nước khác, những bốt này đã được tháo dỡ từ lâu. Vì điện thoại thông minh đã thay thế cho điện thoại bàn. Tính tiện dụng, đa dụng và thông dụng của đttm đã lên ngôi.

Và liên tưởng đến trào lưu của sách điện tử. Cũng tiện dụng đấy. Lúc nó ra đời, người ta tưởng sách giấy đã sắp hết thời. Than ôi. Sách điện tử không sao tranh ngôi vương được.

Lý do thì nhiều lắm. Nhưng lý do chính là dấu vết thời gian. Chỉ vài năm sách điện tử đã hết tuổi thọ. Linh kiện hư thì sách hư theo. Trong khi, càng lâu năm, càng nhiều tuổi thì sách giấy càng có giá trị. Cầm một cuốn sách cũ, người ta bồi hồi, ghi nhớ thời quá vãng, những hình bóng cũ, những kỷ niệm xưa ùa về. Đó là chưa nói đến có những cuốn sách càng cũ, giá trị hiện vật càng tăng lên. Chúng trở thành món đồ sưu tập như những mỹ thuật phẩm, tranh ảnh, hay đồ gốm sứ vậy. Ngộ nhỡ có chữ ký hay vài dòng viết vội của người có danh hay bậc vĩ nhân thì không biết sao mà nói. Là báu vật vô giá. Là gia bảo của gia đình. Hay báu vật quốc gia không chừng. Một nhà văn Pháp, Julien Gracq, có nói: sách truyện là tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là sản phẩm tiêu dùng. Có lẽ đúng thật. Sách điện tử, e-book, hay cái máy dùng để đọc nó, e-reader, chưa bao giờ được xem là tác phẩm nghệ thuật.

Mà để xem làm sao điện thoại bàn bị mất ngôi. Vì nó chỉ dùng để nghe, nói. Và hết ! Trong khi điện thoại thông minh làm được khối việc. Dĩ nhiên cơ bản là để nghe và nói. Nó còn là máy chụp ảnh. Để xem hình. Để đọc báo, đọc sách. Để chơi trò chơi. Để lướt mạng xã hội, cái trò này thì nhiều người mê lắm. Họ dùng nó để tán gẫu, là chát chít đấy, để nhắn tin thay cho nói chuyện.

Còn máy đọc sách dùng làm gì. Chỉ để đọc sách, sách điện tử. Trước đây, Kindle, máy đọc sách thông dụng nhất, còn gán thêm tính năng nghe nhạc, sau thấy không ai dùng nên các phiên bản mới sau này đã bỏ. Mà chỉ để đọc thì làm sao so được với cái thú cầm một cuốn sách giấy trên tay.

Thư trung hữu nữ nhan như ngọc

Trong sách có người con gái mặt đẹp như ngọc

Ông vua Tống Chân Tông mê sách đến nỗi nghĩ rằng trong sách có mỹ nhân. Bồ Tùng Linh từ sự tích này viết hẳn truyện Thư si – Mê sách. Truyện kể về cậu học trò nghèo Lang Ngọc Trụ rất mê sách và tin rằng trong sách cái gì cũng có. “Hàng ngày Lang thường ngâm đọc, lại còn viết bài Khuyến học vào bức lụa trắng, chỉ sợ mờ rách mất. Lang sinh cũng không mơ tưởng đường công danh vì đinh ninh tin rằng trong sách thế nào cũng có vàng, có thóc. Suốt ngày suốt đêm, Lang sinh chỉ mải mê đọc sách, bất kể lúc nóng nung người, khi rét cắt da. Tuổi ngoài đôi mươi, sinh chả thiết gì tìm vợ vì hi vọng người đẹp trong sách sẽ tự đến.”. Và rồi nhờ vào việc đọc sách mà linh nghiệm. “Thi trung tự hữu”,  Lang Ngọc Trụ có tất cả thế nhưng sinh vẫn không đánh mất niềm đam mê đọc sách. Chính điều đó đã làm sinh khó xử khi phải chọn lựa giữa người đẹp “nhan như ngọc” và sách.

Để tránh khô khan nhàm chán, sách điện tử cũng thêm thắt nhiều kiểu chữ, thêm đèn nền để đọc ban đêm, gia tăng dung lượng lưu trữ cho người thích đọc truyên tranh. Mới đây có thêm tính năng sách nói. Chưa thử nên không biết thế nào. Nhưng để tìm người ngọc thì sách điện tử và máy đọc sách sẽ không bao giờ có.

Còn sách giấy, trước khi Johannes Gutenberg phát minh ra máy in, để sở hữu một cuốn sách giấy, phải là người giàu có. Vì làm ra nó là cả một kỳ công. Nhưng khi đã có máy in rồi, người ta vẫn in riêng thành nhiều bản: bản thường, mua để đọc; bản đặc biệt, in trên giấy tốt, để sưu tập. Hiện nay, người ta còn thực hiện những bản rất đặc biệt. Bìa da, chữ mạ nhũ vàng, các trang được khâu tay.

Điện thoại thông minh cũng có những tên tuổi lẫy lừng chỉ dành cho giới sưu tập như đồng hồ đeo tay vậy.

Máy đọc sách, hiện chỉ yên phận, với những kiểu đơn giản, không hoa lá cầu kỳ. Chưa biết tương lai nó sẽ về đâu.

Điều trùng hợp ngẫu nhiên là trong 2 bản in sách được coi là bản in đầu tiên của nhân loại thì đều là sách kinh: bản in cuốn Kinh Thánh đầu tiên của Gutenberg và bản in Kinh Kim Cương.

Kinh Thánh bản in Gutenberg hiên còn tồn tại 49 bản, trong đó chỉ có 21 bản hoàn chỉnh.

Bản in sách Kinh Thánh của Gutenberg thực hiện khoảng năm 1455.

 Hai trang từ Kinh thánh Gutenberg, in ở Mainz, Đức, 1455.

Graphic House / Encyclopædia Britannica, Inc.

 

Còn bản in Kinh Kim Cương còn chính xác đến cả ngày: Cuối cuộn Kinh Kim cương này có lời đề cho biết chính xác ngày thực hiện kinh. Lời cuối sách viết: “Vương Kiệt thay mặt song thân cẩn lập để hoằng pháp, 11 tháng 5 năm 868”. Từ đó, người ta có thể xác định cuốn kinh do Vương Kiệt chủ trương thực hiện vào năm 868. (Ngày 15 tháng thứ tư, năm thứ 9, niên hiệu Hàm Thông_ là niên hiệu của Đường Ý Tông, 859-873)

(‘On the 15th day of the 4th month of the 9th year of the Xiantong reign period, Wang Jie had this made for universal distribution on behalf of his two parents.’ We therefore know the precise date the scroll was made (11 May 868), who financed it, on behalf of whom and for what purpose.)

(https://www.bl.uk/collection-items/diamond-sutra)

 

Cuốn Kinh Kim cương thực hiện năm 868 chính là cuốn sách in xưa nhất còn tồn tại đến ngày nay.

Năm 1.900, Vương Viên Lục - một đạo sĩ Trung Quốc - đã tìm thấy cuốn kinh này trong Thiên Phật động (quần thể hang động quanh con đường tơ lụa ở Đôn Hoàng, phía tây bắc Trung Quốc).

Đến năm 1907, cuốn Kinh Kim cương thuộc về Marc Aurel Stein, nhà thám hiểm này đã tặng lại nó cho Bảo tàng Quốc gia Anh. Ngày nay, cuốn kinh được bảo quản trong Thư viện Quốc gia Anh.

Cuốn Kinh Kim cương có độ dài 5m với chiều rộng 27cm. Làm nên độ dài 5m là 7 phần được dán lại với nhau. Khi đọc, người ta trải cuộn giấy ra từ một ống hoặc que bằng gỗ làm trục, đọc từ trên xuống dưới, từ trái sang phải.

Với độ dài 5m, cuốn kinh được cuộn lại chứ không chia ra nhiều tờ, đóng thành tập như các cuốn sách ngày nay.

 

Nội dung tài liệu in cổ nhất là một kinh điển quan trọng của Phật giáo. Kinh Kim cương (Diamond Sutra) là lời dạy của Đức Phật (Siddhartha Gautama). Siddhartha Gautama còn được gọi là đấng giác ngộ, sống ở thế kỷ thứ 6 TCN. Văn bản trình bày dưới dạng đối thoại giữa Đức Phật và một đại đệ tử là Tu Bồ Đề (Subhuti).

Tên của kinh lấy theo cái mà Phật giáo gọi là “năng đoạn kim cương”: Kim cương giác nghĩa đoạn nghi (gươm báu chặt đứt phiền não). Nội dung của kinh nhấn mạnh con người và thế giới vật chất là mộng ảo.

Kinh Kim cương là một trong những bài kinh quan trọng nhất của Phật giáo Đại thừa, đồng thời được xem là một bài kinh cơ bản của Thiền tông, vì chứa đựng tinh hoa, cốt tủy của giáo lý Bát Nhã. Bài kinh này thường được tụng niệm tại các chùa Đại Thừa.

Tranh vẽ Đức Phật đang thuyết pháp.

Trong bản Kinh Kim cương này có một bức minh họa duy nhất nằm ở phần mở đầu. Đây cũng được xem là bức tranh khắc gỗ xưa nhất còn sót lại trong một bản sách in. Bức tranh có hình Đức Phật ngồi ở giữa, dáng vẻ tôn quý, đang thuyết pháp cho Tu Bồ Đề. Xuang quanh Đức Phật là các đệ tử, trong đó Tu Bồ Đề chắp tay quỳ ở góc trái của tranh.

Trí giả Tu bồ đề đàm luận cùng Phật (chi tiết từ bản in khắc gỗ Kinh Kim Cương của Đôn Hoàng.)

Trần Huyền Trang, hay Đường Tăng, người đưa bản kinh Kim Cương từ Ấn Độ về và dịch sang Hán văn. Tranh khắc trên tường hang Mạc Cao, trong hệ thống hang Đôn Hoàng. Con vật ông dắt theo là con hổ, bạn đồng hành của ông.

(Thư viện quốc gia Anh còn lưu giữ một bản Kiều rất quý của Việt Nam. Đây là bản của Hoàng gia triều Nguyễn với đặc điểm nổi bật đầu tiên là bìa sách. Bìa là hình rồng dệt, mặt rồng ngang, thân uốn khúc, chân năm móng bấu vào mây ngũ sắc, trang trí xung quanh nền là bát bửu. Tính chất của họa tiết rồng năm móng, chứng tỏ đây là bản của nhà vua “ngự lãm”. Theo nhiều thông tin, cuốn cổ thư này từng được bày bán ở một hiệu sách cổ ở Paris, sau đó trở thành thư mục nằm trong bộ sưu tập cổ thư của Thư viện Anh quốc từ năm 1894. Có lẽ cuốn cổ thư ấy đã từng bị thất tán sau sự kiện thất thủ Kinh đô 1885. Về hình thức, bản Kiều chép tay này có tên gọi là Kim Vân Kiều tân truyện, gồm 150 mặt giấy dó. Ngoài 4 mặt giấy phụ bìa in hình rồng màu vàng thếp, nền đỏ, sách có146 mặt giấy dó, tương ứng với 146 trang nội dung. Nội dung từng trang được trình bày rất thống nhất: trích yếu nội dung, số trang, phần thơ chữ Nôm, phần phụ chú bằng chữ Hán. Mỗi trang ngoài phần chữ, còn có phần tranh minh họa cho nội dung gồm 146 bức tranh vẽ bằng mực nho cực kỳ chi tiết.

(Kim Vân Kiều tân truyện (Kim Vân Kiều hội bản- Bản Nôm của Hoàng gia triều Nguyễn) - Nguyễn Du (sachkhaiminh.com)

Có lẽ hai câu thơ của Cung Oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều, mô tả đầy đủ số phận của cuốn sách ấy:

Phong trần đến cả sơn khê

Tang thương đến cả hoa kia cỏ này

Dưới đây là vài hình ảnh của cuốn sách đặc biệt nói trên:

 

 

Máy đọc sách ra đời làm những người ưa xê dịch rất thích thú. Vì sách điện tử số hoá sách giấy, làm thành những tệp nhỏ gọn, khiến những máy đọc sách, như Kindle chẳng hạn, chứa đến hàng trăm, hàng ngàn cuốn sách. Tha hồ mà đọc. Nhưng chắc chẳng ai chứa nhiều đến thế. Mất công tìm. Vài chục cuốn là ứ hự rồi. Đọc xong xóa đi. Tải cuốn khác về đọc. Và cứ thế. Máy đọc sách trở thành một thư viện. Mà chứa đến hàng ngàn cuốn thì thư viện này chẳng nhỏ chút nào.

Nhớ lại những năm năm mươi, thế kỷ trước. Đó là năm 1953, khi người Pháp tung ra loại sách bỏ túi (livre de poche). Người ta đã cho đó là một cuộc cách mạng lớn trong ngành xuất bản. Vì trước đó, sách được in khổ lớn, bià cứng, giá đắt. Giới bình dân ít tiền, nhìn giá tiền rồi đành quay đi. Sách bỏ túi, bìa mềm, khổ nhỏ, giá rẻ. Giá chỉ bằng tấm vé đi xe điện ngầm (metro). Ai cũng có thể mua được. Nhất là những người thích phiêu lưu, ưa đi đây, đi đó. Quầy sách báo ở ga tàu, bến xe nào cũng có bán. Mua 1, 2 cuốn. Nhét túi quần. Đọc xong bỏ luôn tại chỗ cũng không tiếc. Ta thấy túi quần lính Mỹ thường có 2 cái túi rất to, chắc chỉ để bỏ vài cuốn sách chứ là cái gì bây giờ.

Sách bỏ túi ở Pháp thường tập trung ở 2 mảng, là sách văn học và sách giải trí gọi là series noire, ta thì đặt cho cái tên là sách phiêu lưu hành động, tức là action đấy. Vì đa phần là dịch lại từ các tiểu thuyết hành động của Mỹ, mà nổi tiếng nhất là nhà văn James Hadley Chase.

Những ngày đầu tháng 6.1944, mười ngàn lính Mỹ chuẩn bị đổ bộ lên bãi biển Normandy nước Pháp. Mỗi người, ngoài vũ khí còn mang theo một thứ có giá trị không kém: một cuốn sách bìa mềm, mỏng và nhỏ như tấm bưu thiếp.

Những cuốn sách này khởi nguồn từ ý tưởng của Raymond L. Trautman, Giám đốc thư viện quân đội Mỹ, sau khi ông nghe được thông tin là các doanh trại quân đội Mỹ không có sách để đọc. Ông bắt đầu bằng chiến dịch quyên góp sách, chiến dịch Sách Vinh quang, Victory Book Campaign. Nhưng sách quyên được toàn là những cuốn dày cộp, bìa cứng, không tiện chút nào cho người lính mang theo. Đến năm 1943, ông đề ra ý tưởng một ấn bản riêng cho quân đội, Armed Service Edition, ASM.

Có 2 loại, hình dạng như tấm bưu thiếp, một vừa với túi áo ngực, và một vừa với túi quần.

 

Từ năm 1943 đến năm 1947, quân đội Hoa Kỳ đã gửi 123 triệu bản của hơn 1.000 tựa sách cho quân đội phục vụ ở nước ngoài. Những cuốn sách này giúp cải thiện cuộc sống của binh lính, mang lại cho họ sự giải trí và thoải mái trong suốt thời gian chiến tranh.

(Theo Cara Giaimo, How Books Designed for Soldiers’ Pockets Changed Publishing Forever - Atlas Obscura)

Và, những ấn bản phục vụ cho quân đội này đã mở đầu cho những Pocket Book của Mỹ, Liver De Poche của Pháp, hay loại Sách hay, In đẹp, Giá rẻ của nhà xuất bản Văn những năm 60 của thế kỷ 20 ở Sài Gòn trước đây.

Người ta kể rằng Henri Filipacchi, người khai sinh ra sách bỏ túi ở Pháp, đã nảy sinh sáng kiến này khi nhìn thấy một chàng lính Mỹ ra khỏi thư viện ở Paris, xé đôi quyển sách nhét vào hai túi áo blouson. Không rõ có bao nhiêu sự thật trong câu chuyện này. Nhưng sự thật là sách bỏ túi đã có ở Mỹ từ 1943, do ý tưởng của Raymond L. Trautman như đã nói ở trên. Mà tính theo thời gian thì ngay từ 1935, nhà xuất bản Penguin, chim cánh cụt, ở Anh đã tung ra 10 cuốn sách đầu tiên, bìa mềm, giá rẻ, được xem là cuộc cách mạng trong ngành xuất bản sách. Đó là công của Allen Lane. Nó là tiền thân của sách bỏ túi.

Sách bìa mềm của Penguin xuất bản những năm 1930. Ảnh: Robert Estall / Corbis.

 

Để kết thúc, xin nhắc lại ý nghĩa của từ Cảo Thơm

CẢO là gì?

Xưa người ta thường ép loại lá có mùi thơm vào sách. Lá thơm ép khô chữ Hán là Cảo.

Sau người ta dùng chữ ấy để chỉ chung sách vở, như "cảo bản" là cuốn sách viết tay, "cảo luận" là bài luận viết tay, "thi cảo" là bài thơ viết tay, "lai cảo" là bài viết tay gởi đến tòa soạn (để đăng báo).
Nguyên cảo là bản sách tác giả viết tay đầu tiên. Vì sách vở ngày xưa toàn là sách viết tay, nên CẢO là cỏ ép trong sách, khi dùng để chỉ sách vở, cũng hàm nghĩa là sách viết tay.

Những từ như “bài lai cảo, cảo luận, thi cảo”, rất thường gặp trong sách báo miền nam trước 1975.  Có cả nhà xuất bản lấy tên là“Cảo Thơm” .

Còn nhớ thỉnh thoảng gặp vài dòng in ở cuối trang một số sách in ở Sài Gòn trước đây:

 “… Do Cảo Thơm ấn hành lần thứ nhất, ngoài những bản thường có in thêm ba mươi bản đặc biệt trên giấy bạch vân ghi dấu riêng…”.

 “… Ngoài những bản thường còn in thêm năm bản quý. Mỗi bản đều có triện son của tác giả…”.

“… Có in thêm năm bản trên giấy ngân nhũ đặc biệt mang chữ CT, L.N, VHV…100 bản trên giấy Bạch Ngọc đánh số từ Văn Tuyển 001 đến Văn Tuyển 100, tác giả dành riêng cho bạn hữu”.

 

Khi sách được in và phát hành, tác giả có riêng một số quyển đặc biệt, để dành lưu giữ trong tủ sách gia đình hay tặng thân hữu. Giới sưu tập, chơi sách phải săn lùng và hãn hữu lắm mới mua được.

 

Cảo thơm lần giở trước đèn.

Lần giở trước đèn. Nâng niu, quý trọng và mừng vui khi được lần…giở…những trang sách thơm, chứa những ý tưởng cao xa, đẹp đẽ. Có cảm giác như đọc nó, ta cũng được thơm lây.

Người xưa quý trọng sách đến thế.

Có người còn đốt trầm khi ngồi đọc nữa.

Mùi thơm của lá cỏ, của trầm ướp hương cho chữ, cho sách và cả cho người đọc.

 

Tháng 6.2022

NTH


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết