TỪ NGỰA ĐÍCH LƯ ĐẾN ĐƠN VỊ MÃ LỰC CỦA JAMES WATT

TỪ CON NGỰA ĐỊCH LƯ CỦA LƯU BỊ ĐẾN ĐƠN VỊ MÃ LỰC CỦA JAMES WATT

 

Truyện Tam quốc chí của La Quán Trung dĩ nhiên là nổi tiếng quá rồi. Mười người Việt thì có đến chín đã đọc nó (chắc cũng chẳng kém số người đã đọc Tiếu ngạo giang hồ và Thiên long bát bộ của Kim Dung và không chừng nhiều hơn số đã đọc Bố già của Mario Puzzo). Có vô số chuyện để kể về các nhân vật, sự kiện. Vì nổi tiếng quá nên cả mấy con ngựa cũng nổi tiếng theo.

Ví dụ như con Xích Thố của Quan Công, con Ô Vân của Trương Phi. Và cả con Ô Truy của Hạng Vũ thời Hán Sở tranh hùng cũng hưởng tiếng lây. Mấy con này có tiếng chạy nhanh, trung thành với chủ; cùng chủ xông pha ngày đêm trên chiến trường, giúp chủ trăm trận trăm lẻ một thắng v.v…

Nhưng với kỳ tích đi vào lịch sử, cõng chủ (là Lưu Bị) bay qua dòng suối Đàn Khê, nó đã giải được tiếng oan là con ngựa có tướng sát chủ (quầng ở mắt và đốm trên đầu); và nhờ thế nó cùng Lưu Bị tạo nên nhà Hậu Hán, cũng nhờ nó ta mới có truyện Tam quốc chí mà đọc!

Truyện chỉ mô tả là suối Đàn Khê rộng và sâu, nhưng không rõ là rộng và sâu cỡ nào. Ví dụ như suối Bolton Strid ở Anh, chỉ rộng 1,8m, độ sâu không ai biết, nhưng địa thế hiểm trở khiến nó trở thành dòng suối nguy hiểm nhất thế giới.

Suối Bolton Strid ở Anh

 

Nguy hiểm tới mức chính quyền sở tại phải dán biển cảnh báo

 

 

Hay chỉ là suối nhưng rộng như dòng sông: suối Yến, thuộc khu di tích chùa Hương ở Việt Nam

Suối Yến nằm trong khu di tích danh thắng Hương Sơn

Vậy hẳn suối Đàn Khê không rộng bằng suối Yến. Nếu thế ngựa Địch Lư đã dừng bước giang hồ, chờ quân Thái Mạo tới tóm cổ. Cũng không quá hẹp nhưng hiểm nguy như suối Bolton. Đủ rộng, đủ hiểm để Địch Lư để trở thành thần mã. Thế là đủ.

 (Tiếc là nhà văn Hoàng Ly, khi kể về nhân vật Đại Sơn Vương Thần Xạ, lại không nhắc tên con ngựa của chàng, chứ nếu không nó cũng sẽ nổi tiếng chẳng kém Địch Lư, Ô Truy, Xích Thố!)

Bên Tây cũng có vài con ngựa nổi tiếng, như con Bucephalos của Alexander Đại đế, tên của nó được đặt làm tên một thành phố ở Ấn Độ, Bucephalia. Hay con Hãn huyết mã của viên Trung úy pháo binh Bảo gia lợi (Bulgaria) thời Thế chiến I. Khi rút quân, ngựa không được lên tàu, nó bèn nhảy xuống biển bơi theo chủ. Trung uý xót dạ, rút súng bắn chết nó rồi nhảy xuống biển ôm nó chết theo.

Nhưng nổi tiếng nhất phải là con ngựa vô danh của nhà khoa học James Watts những năm 1700.

Từ quan sát cá nhân chứ chẳng phải nghiên cứu khoa học (thuở ấy làm gì có máy mà đo, mà tính), Watt xác định rằng một con ngựa kéo xe có thể quay bánh xe trung bình 144 lần mỗi giờ. Sử dụng con số này, ông ước tính rằng ngựa có khả năng đẩy 32.572 pound/foot mỗi phút, tương đương 14.774,41 kg/mét. Để thuận tiện hơn, ông đã làm tròn con số này lên đến 33.000 pound (14.968,55 kg), và đơn vị "mã lực" ra đời.

Và ta có định nghĩa sau: Mã lực là một đơn vị để đo công suất, được viết tắt là HP tương ứng với Horse Power. Mã lực là công cần thiết để có thể nâng một khối lượng vật có khối lượng 75kg lên cao 1m trong thời gian 1 giây hay cụ thể là 1HP = 75 kgm/s.

Những con số trên là do James Watt quan sát con ngựa ở bên Tây. Chứ nếu ông mà thấy cảnh ngựa Địch Lư cõng Lưu Bị bay qua suối Đàn Khê thỉ hẳn định nghĩa về Mã Lực đã khác hoàn toàn.

Watt đâu cần quan tâm phép đo chính xác tới đâu, ông chỉ cần biết rằng nó đưa đến những cải tiến năng suất cho những động cơ hơi nước do ông chế tạo.

Đơn vị mã lực tồn tại đến tận ngày nay, và dường như chẳng ai buồn định nghĩa lại vì chúng đã trở nên quá phổ biến.

Thế là một định nghĩa mang tên ngựa, sức ngựa hay mã lực, HP (Horse Power) hay CV (Cheval Vapeur), đã đi vào lịch sử. (Đừng lầm HP, mã lực với HP (Hewlett Packard), một thương hiệu lừng danh về máy tính nhé.)

 

Tranh ngựa của Tề Bạch Thạch

 

 

Tranh Ngựa của Từ Bi Hồng

 

Và, Tranh Ngựa (ghép gốm) của Mai văn Nhơn.

 

Tháng 12. 2022

NTH


Đăng nhập để gửi phản hồi cho bài viết