Chỉ nhắc đến mùa thu Hà Nội, tức là mùa thu ở VN, vì chú H. nhỏ thì ở NhaTrang, lớn vào Saigon, những nơi mà mùa thu không bao giờ đến. Nhưng như thế thi bác S. không chịu, vì bác S. sống ở Mỹ đã gần 20 năm, đã đi qua nhiều vùng, đã chứng kiến biết bao cảnh mùa thu đẹp mê hồn ở đó. Nên sẽ nhắc đến vài cảnh thu tây phương vậy
Bức tranh nổi tiếng nhất về mùa thu là bức Mùa thu vàng của họa sĩ Nga gốc Do Thái, Levitan, vẽ năm 1879
Dòng sông chảy lững lờ giữa hai bờ cỏ cũng vàng úa theo với mùa, bạch dương đã bắt đầu rụng lá. Cây cỏ, dòng sông và mây trời đều vàng úa như tâm trạng của một người không hiện diện trong tranh mà như lẩn khuất đâu đó. Cảnh vắng vẻ, u buồn. Khi vẽ bức tranh này, hẳn Levitan liên tưởng đến những gì mà bài thơ Chanson d’ autumne (Thu ca) của Paul Verlaine nói đến:
Les sanglots longs
Des violons
Des l’ autumne
Blessent mon coeur
D’ une langueur
Monotone
Tout suffocant
Et blême, quand
Sonne l’heure
Je me souviens
Des jours anciens
Et je pleure;
Et je m’en vais
Au vent mauvais
Qui m’ emporte
Deçà, delà
Pareil à la
Feuille morte
(Vĩ cầm nức nở
Tiếng thu
Lòng ta một mối
Sầu tư
Khôn cầm
Giờ tàn nghì tủi
Chiếc thân
Nhớ ngày vui cũ
Âm thầm
Lệ rơi
Ra đi trận gió
Tơi bời
Cuốn theo đây đó
Rã rời
Lá khô.
Trần Mai Châu dịch)
Ai đã từng xem phim The Longest Day, diễn lại trận chiến lừng danh nhất trong Thế chiến thứ hai, hẳn còn nhớ mật mã phát động chiến dịch chính là phần đầu trong bài Thu ca này (Les sanglots longs des violons des l’ autumne. Blessent mon coeur, d’ une langueur, monotone. ).
Một cách rất ngẫu nhiên, cảnh ảm đạm thê lương trong mùa thu đã đi vào việc binh đao khốc hại.
Nhân nói đến việc binh đao, trận chiến Xích Bích được thuật lại trong Tam quốc chí cũng xảy ra vào mùa thu. Đêm trước trận chiến, nhân tức cảnh trăng sáng, quân tình khí thế đang dâng cao hừng hực, Tào Tháo đối cảnh sinh tình, trước mũi thuyền đã vung gươm mà ca bài “ Đoản ca hành”, trong có câu :
Nguyệt minh tinh hy,
Ô thước nam phi,
Nhiễu thụ tam tạp,
Vô chi khả y.
Sao thưa trăng sáng
Ô thước về nam
Cây ba vòng lượn
Chẳng cành nào dung
(Nguyễn Sĩ Đại dịch)
Mà nhiều người đã bình rằng đây là điềm gở báo trước việc thất trận của Tháo. Nhưng các nghiên cứu khảo cổ gần đây lại cho rằng, Tháo hành binh vào mùa thu, mùa ôn dịch hoành hành, nên binh sĩ chết hại khá nhiều, khí thế suy sụp , đành phải đốt thuyền , tự rút quân. Sự việc cứ tồn nghi để đó. Hãy biết rằng trận chiến Xích Bích khoảng một ngàn năm sau, đã làm đầu đề cho bài phú Xích Bích được xưng tụng là bài văn hay nhất trong văn học Trung hoa của Tô Đông Pha:
Nhâm Tuất chi thu, thất nguyệt ký vọng, Tô tử dữ khách phiếm chu du ư Xích Bích chi hạ. Thanh phong từ lai, thuỷ ba bất hứng, cử tửu chúc khách, tụng Minh Nguyệt chi thi, ca Yểu Điệu chi chương. Thiểu yên, nguyệt xuất ư đông sơn chi thượng, bồi hồi ư Đẩu Ngưu chi gian, bạch lộ hoành giang, thuỷ quang tiếp thiên. Túng nhất vĩ chi sở như, lăng vạn khoảnh chi mang nhiên. Hạo hạo hồ như bằng hư ngự phong, nhi bất tri kỳ sở chỉ; phiêu phiêu hồ như di thế độc lập, vũ hoá nhi đăng tiên. Ư thị ẩm tửu lạc thậm, khấu huyền nhi ca chi. Ca viết:
"Quế trạo hề lan tương,
Kích không minh hề tố lưu quang,
Diểu diểu hề ư hoài,
Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương"...
Ngoài rằm tháng bảy mùa thu năm Nhâm Tuất, Tô tử cùng với khách bơi thuyền chơi ở dưới núi Xích Bích. Hây hây gió mát, sóng lặng như tờ, cầm chén rượu lên mời khách, đọc bài thơ Minh Nguyệt và hát một chương Yểu Điệu. Một lát, trăng mọc lên trên núi Đông Sơn, đi lững thững trong khoảng hai sao ngưu, đẩu. Khi đó sương toả trên mặt sông, nước trong tiếp đến chân trời. Tha hồ cho một chiếc thuyền nhỏ đi đâu thì đi, vượt trên mặt nước mênh mông muôn khoảnh. Nhẹ nhàng như cưỡi gió đi trên không, mà không biết là đi đến đâu; hớn hở sung sướng như người quên đời đứng một mình mọc cánh mà bay lên tiên. Vì thế uống rượu vui lắm, rồi gõ vào mạn thuyền mà hát. Hát rằng:
"Thung thăng thuyền quế chèo lan,
Theo vừng trăng tỏ vượt làn nước trong.
Nhớ ai cánh cánh bên lòng,
Nhớ người quân tử ngóng trông bên trời"...
Tiền Xích Bích phú, Tô đông Pha, Phan Kế Bính dịch)
(Trong bài ca trên, Vũ Hoàng Chương có mượn từ hề tố (kích không minh hề tố lưu quang) để viết câu “Kiều Thu hề tố em ơi, bài Mười hai Tháng sáu, và mượn cả câu Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương để viết bài Đêm kỳ bút)
Chao ôi, tây phương ( chỉ nói chung các nước Âu châu không gồm Mỹ) , đâu có thiếu rừng phong từng biếc chen hồng.Ví dụ như một cảnh thu ở Scotland:
Nhưng nếu được thưởng thức cảnh thu phong ở Nhật Bản, chắc là Paul Verlaine đã không viết nên bài Chanson d’ autumne não nề đến vậy
Hãy nghe Akutagawa Ryunosuke , nhà văn tân hiện thực Nhật Bản (1892-1927) miêu tả bức họa Thu Sơn đồ (bức họa núi thu):
“Nền họa tuyền một màu xanh lục.Chỗ dòng khe uốn mình như rắn lượn, lác đác xóm làng và mấy nhịp tiểu kiều. Bên sườn ngọn núi vút lên cao nhất, chòm mây thu nhàn nhã được điểm đậm nhạt bằng mấy lớp phấn trắng. Núi xếp giăng hàng theo phép hoành điểm của Cao Phòng Sơn , tươi tắn sau cơn mưa như một nét mày xanh, lại ánh lên nét đẹp của màu son rắc đó đây trên những khóm cây lá đỏ. Không biết dùng lời nào để diễn tả cho hết ý, và còn lo đòi hỏi đó vượt cả khả năng của ngôn ngữ nữa. Chỉ thấy bức họa vừa diễm lệ, vừa hùng tráng, bút mực lại rất đổi nồng đượm. Có thể nói màu sắc rực rỡ như thế mà vẫn toát ra một cái gì xa xưa, hư không lãng đãng. “
-
Mùa thu vàng (Kỳ 2/2)< Trang trước