Nói đến Huyền Trân công chúa ai cũng biết. Có hẳn câu ca dao nói về cuộc hôn nhân của Bà với vua Chiêm Chế Mân (Tiếc thay cây quế giữa rừng, Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo). Nhiều nơi tên bà là tên đường và cà tên trường nữa. Thế nhưng, với Công nữ Ngọc Vạn, ngoài các nhà nghiên cứu và một số ít những ai quan tâm đế lịch sử nước nhà, còn thì không ai biết bà là ai cả. Thậm chí, Đại Nam liệt truyện, bộ chính sử nhà Nguyễn ghi tên tuổi hoàng tộc, quan lại, cả công thần và phản thần, thì ở mục ghi tên bà chỉ vỏn vẹn dòng chữ lạnh lùng: Công nữ Ngọc Vạn, KHUYẾT TRUYỆN (nghĩa là không có gì để ghi cả).
Dưới đây là vài dòng về lai lịch của bà.
Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) có 11 con trai và 4 con gái (theo Phù Lang Trương Bá Phát, Lịch sử cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, Tập san Sử Địa số 19-20, 1970). Nguyễn Phúc Ngọc Liên lấy chồng là Phó tướng Nguyễn Phước Vinh, Nguyễn Phúc Ngọc Đỉnh lấy chồng là Nghĩa quận công Nguyễn Cửu Kiều. Nguyễn Phúc Ngọc Khoa được gả cho vua Chiêm Thành Po Romé (1631), còn Nguyễn Phúc Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II (1620). Ngoài ra còn một người nữa, có tài liệu cho là con gái nuôi là công nữ Ngọc Hoa, được gả cho thương gia người Nhật tên là Araki Sotaro (tên Việt Nguyễn Thái Lang).
Có rất nhiều tài liệu nói đến cuộc hôn nhân của bà với vua của Chân Lạp Chey Chetta II và khẳng định chính nhờ bà mà chúng ta có cả một dải đất miền nam tươi đẹp và trù phú. Nhưng đoạn cuối cuộc đời bà là cả một bức màn bí mật. Có người cho rằng bà đã mất trong khói lửa loạn lạc ở đất Chân Lạp, nơi mà bà là hoàng thái hậu. Có người lại cho rằng bà lui về vùng Mô Xoài, hoặc Đồng Nai rồi mất ở đó. Có tài liệu nói bà lập chùa Gia Lào (còn gọi là chùa Bửu Quang) trên núi Chứa Chan. tỉnh Đồng Nai, ẩn tu rồi mất tại đó.
Cuộc hôn nhân của bà với vua Chân Lạp Chey Chetta II, hẳn nhiên là cuộc hôn nhân chính trị. Vua Chey Chetta muốn cầu thân để chống lại áp lực của Xiêm La. Còn Sãi Vương lúc ấy mới lên nắm quyền tình hình đối địch với chúa Trịnh Đàng Ngoài đang căng thẳng, tin tức về sự dòm ngó của Xiêm La và Tây phương làm nhà chúa thêm lo ngại. Chúa gả con gái yêu của mình để tạo mối quan hệ thân tình, gây thế phên dậu, đồng thời hướng đến một tương lai xa cho đất nước, cho dân tộc, bước đi đầu tiên để mở rộng đất đai về phương nam.
Khi tới quê mới, bà đã đem theo nhiều người Việt, có người còn giữ chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp. Bà còn cho lập xưởng thợ, mở nhà buôn gần kinh đô Uodong (Phnompenh) cho họ sinh sống.
Chúa Nguyễn cũng gởi binh lính, thuyền chiến và vũ khí sang giúp.
Nhân chứng trực tiếp trong sự kiện này là nhà truyền giáo Cristoforo Borri (người Ý, đến Đàng Trong khoảng thời gian 1618 – 1623, cuộc hôn nhân của Công nữ Ngọc Vạn với vua Chey Chetta II diễn ra vào năm 1620 hoặc 1621).
Tác giả Huỳnh Văn Lang trong Cuốn”Công chúa sứ giả”(diễn đàn Ca dao tục ngữ trích đăng lại) dẫn nguồn từ Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh còn cho biết thêm: Christoforo Borri tả tỉ mỉ về sứ bộ đưa dâu đi Cao miên năm 1621 như sau:
“Sứ thần là người sinh trưởng tại Nước Mặn, một nhân vật quan trọng đứng sau quan tổng trấn. Trước khi lên đường, ông đã để nhiều ngày giờ bàn bạc và nhận chỉ thị của chúa. Sứ bộ gồm khá đông người, cả quan lẫn lính, vừa nam vừa nữ; chuyên chở trên nhữnbg chiếc thuyền lớn có trang bị võ khí và bài trí lộng lẫy. Khi sứ bộ tới kinh Oudong, thì quần chúng Khơme, thương nhân Bồ đào Nha, Nhật bản và Trung hoa đã tụ hội đông đảo để đón tiếp và hoan nghênh. Vì sứ thần đây là người quen thuộc, đã tới lui nhiều lần, từng làm đại diện thường trú từ lâu, chớ không phải sứ gỉả mới tới lần đâu."
Và ba năm sau cuộc hôn nhân của Ngọc Vạn, Sãi Vương cử một sứ bộ sang xin vua Chey-Chetta II nhượng khu dinh điền ở vùng Mô Xoài, gần Bà Rịa ngày nay. Nhờ sự vận động của hoàng hậu Ngọc Vạn, vua Chân Lạp lại đồng ý cho người Việt đến đó canh tác.
Đây là lần đầu tiên người Việt chính thức đặt chân lên đất Chân Lạp, và Mô Xoài chính là bàn đạp để người Việt tiến dần xuống phía nam vì cuộc mưu sinh.
Sau này, khi cư dân Việt ngày một đông đúc, làm ăn phát đạt, chúa Nguyễn mới xin lập ra sở thuế, cử tướng lĩnh đến đóng đồn giữ gìn an ninh, trật tự.
Bấy giờ, nhân dân ta gọi đấy là vùng”Đàng Thổ”(để phân biệt với xứ Đàng Trong), triều đình chúa Nguyễn thì gọi là Đông Phố.
Để hợp thức hóa vùng đất do người Việt khai phá, ba năm sau cuộc hôn nhân của Ngọc Vạn, Sãi Vương cử một sứ bộ sang Uodong xin vua Chey Chetta II nhượng vùng đất Mô Xoài để lập khu dinh điền. Vua Chey chấp thuận. Thế là người Việt đã có một chỗ đứng chân vô cùng quan trọng trên vùng đất Thủy Chân Lạp để từ đó di chuyển về phía Nam với phương thức”tàm thực”. Quốc vương Chân Lạp còn thuận theo lời xin của Bà cho lưu dân Việt được võ trang để tự vệ trên vùng đất mới khai phá. Bà cũng đã xin phép vua Chey cho thành lập hai sở thuế ở Prey Nokor (Sài Gòn, tức vùng Chợ Lớn ngày nay) và Kas Krobey (Bến Nghé, tức Sài Gòn ngày nay) để thu thuế hàng hóa của người Việt qua lại buôn bán nơi đây. Sự kiện này trong Biên niên sử chép tay của Chân Lạp ghi rõ:”Sứ thần của chúa Đàng Trong mang đến quốc vương Chân Lạp Chey Chetta II một bức thư trong đó chúa Đàng Trong ngỏ ý muốn mượn xứ Prei Nokor và Kas Krobei của Chân Lạp để lập các trạm thuế thương chính”trong thời gian 5 năm.”Sau khi tham khảo ý kiến các quan thượng thư, Chey Chetta II thuận theo yêu cầu của chúa Đàng Trong và gửi cho ông này một bức thư cho biết ông chấp nhận điều mà chúa Đàng Trong yêu cầu”. Sau khi được vua Chey Chetta chấp thuận, chúa Nguyễn lệnh cho các quan thương chính đến đóng trụ sở ở hai nơi đó để tiến hành việc thu thuế thương chính.
Vấn đề này đã được các sử gia người Pháp quan tâm và phản ánh rõ trong các công trình nghiên cứu của mình: G. Maspéro sau khi tham khảo kỹ Biên niên sử Khơmer đã viết trong cuốn L’Empire Khơmer (Đế quốc Khơmer) rằng,”Vị vua mới lên ngôi là Chey Thetta II cho xây một cung điện tại Oudong, ở đây ông làm lễ thành hôn với một công chúa con vua An Nam. Bà này rất xinh đẹp, về sau có ảnh hưởng lớn đến vua. Nhờ bà mà một phái đoàn An Nam đã xin và được vua Chey Thetta II cho lập thương điếm ở miền nam Cao Miên, nơi này nay gọi là Sài Gòn”.
J. Moura trong Royaume du Cambodge cho biết:”Tháng 3 năm 1618, Prea Chey Chetta được phong vương với tước hiệu Somdach Prea Chey Chessda Thiréach Réaméa Thupphdey Barommonpit. Lúc đó vua An Nam gả một người con gái cho vua Cao Miên. Công chúa này rất đẹp, được nhà vua yêu mến và lập làm hoàng hậu tước hiệu Somdach Prea Preaccac Vodey Prea Voreac Khsattey”.
Hay Henri Russier khẳng định vai trò của Ngọc Vạn trong Histoire sommaire du Royaume de Cambodge rằng,”Chúa Nguyễn lúc bấy giờ rất vui mừng thấy Cao Miên muốn giao hảo bèn gả công chúa cho vua Cao Miên. Công chúa xinh đẹp và được vua Miên yêu quý vô cùng... Năm 1623, sứ bộ Việt từ Huế đến Oudong yết kiến vua Cao Miên, dâng ngọc ngà châu báu, xin người Việt được khai khẩn và lập nghiệp tại miền Nam... Hoàng hậu xin chồng chấp thuận và vua Chey Chetta đã đồng ý”.
A. Dauphin Meunier cũng viết trong Le Cambodge những dòng tương tự:”Năm 1623, Chey Chettha, người đã cưới công chúa Việt Nam, được triều đình Huế giúp đỡ để chống lại quân Xiêm... Một sứ bộ Việt Nam đã tới bảo đảm với Chey Chetta về sự ủng hộ của triều đình Huế. Sứ bộ xin phép cho dân Việt Nam tới lập nghiệp ở các tỉnh phía Đông Nam Vương Quốc. Vua Cao Miên cho phép lập một phòng thu thuế tại Prey Kôr để tài trợ việc định cư”.
Nguyễn Văn Quế trong Histoire des Pays de L’union Indochinoise một lần nữa khẳng định:”Chey Chetta II dời đô từ Lovéa Em đến Oudong năm 1620 và cưới công chúa Việt Nam được phong làm hoàng hậu và rất được yêu quý nhớ đức hạnh và vẻ đẹp mỹ miều. Vì đã giúp đỡ cho vua Cao Miên chống lại những cuộc xâm lăng của Xiêm nên chúa Sãi mới xin vua Cao Miên cho phép những người Việt di cư vào Nam được khai khẩn đất đai, trồng trọt, buôn bán và trả thuế ở Sài Gòn, Biên Hòa và Bà Rịa. Vua Cao Miên chấp thuận đề nghị của nhạc phụ”,...
Các sở thuế này được xem là chỗ đứng chân thứ hai của người Việt, tạo ra một đầu cầu vững chắc cho chương trình di dân của người Việt vào đất Chân Lạp ngày càng mạnh mẽ hơn. Với danh nghĩa giúp chính quyền Chân Lạp gìn giữ trật tự, chúa Nguyễn còn phái tướng lĩnh đem quân đến đóng đồn ở Prey Nokor, thực chất là nhằm bảo vệ cho lưu dân khai khẩn làm ăn ở vùng đất từ mới từ Bà Rịa (Mô Xoài) đến Sài Gòn (Chợ Lớn).
Có thể nói, sự sắp đặt của Ngọc Vạn đã tạo ra những cơ sở ban đầu một cách chắc chắn cho công cuộc Nam tiến của chúa Nguyễn, để đến năm 1698, khi hội đủ những điều kiện cần thiết, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, kê biên sổ đinh và lập nên phủ Gia Định, đơn vị hành chính đầu tiên của Đại Việt trên đất Chân Lạp với khoảng 40 ngàn hộ, ước lượng khoảng 200 ngàn dân.
Như vậy, trong sự nghiệp mở cõi của dân tộc ta trên vùng đất Nam bộ, chính Ngọc Vạn là người đã lập công đầu.
(Dẫn theo Bùi Thụy Đào Nguyên và Trần Thuận, Công nữ Ngọc Vạn và vùng đất Mô Xoài)
Lịch sử Việt Nam từng xuất hiện nhiều vị anh thư trong nhiều lãnh vực. Nữ vương dựng nước có Hai Bà trưng. Nữ tướng cầm quân ra trận có Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, thi nhân có Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, hôn nhân sắp đặt nhưng là cứu nguy cho đất nước là Công chúa An Tư, và cũng là hôn nhân chính trị nhưng là mở rộng bờ cõi cho quốc gia là Công chúa Huyền Trân và Công nữ Ngọc Vạn.
Nhưng vai trò của Huyền Trân là bi động và mờ nhạt, còn Công nữ Ngọc Vạn mới là người chủ động. Vừa xinh đẹp (như ghi nhận của các sử gia tây phương đã nhắc ở trên), vừa tài giỏi. Khi chồng còn, bà giúp đỡ người dân quê cha đất tổ gầy dựng sự nghiệp nơi xứ người, giúp vua cha đặt nền móng cho việc mở rộng biên cương. Khi chồng mất, là dâu con nơi xứ người bà vẫn đủ bản lĩnh ổn định việc triều chính.
Điều đáng tiếc duy nhất cho bà chính là sự quên lãng của chính đất nước và người dân quê hương bà. Vài nhắc nhở của các nhà nghiên cứu và vài người quan tâm đến lịch sử vẫn chỉ là những tiếng kêu lẻ loi, yếu ớt.
Chỉ hy vọng… mai sau đây… có ai đó…
-
Công Nữ Ngọc Vạn - Một anh thư nước Việt (Kỳ 2/2)< Trang trước
-
Những phượt thủ Tây phương đầu tiên trên đất Việt (Kỳ 7/7)Trang sau >